Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh 1

Chương 25: Đánh ghen

Trước Sau

break
“Học giả thảo luận cùng học giả sẽ cho ra chính kiến hữu hiệu;

Bột nghệ trộn với hàn the sẽ cho ra màu sắc tuyệt đẹp.”

(Cách ngôn Sakya)

Đêm tịch mịch, giá lạnh, vầng trăng cô liêu treo chênh chếch giữa bầu trời cao rộng, tiệc cưới tan từ lâu, khách khứa đều đã ra về. Bát Tư Ba đưa Kháp Na đến trước cửa gian nhà chính trong phủ Bạch Lan Vương, chỉnh trang y phục cho em trai, nhẹ nhàng phủi những hại bụi vương trên áo Kháp Na.

Kháp Na hít một hơi thật sâu, gắng sức cười thật tươi:

- Đại ca, còn nhớ lần kết hôn trước, huynh cũng đưa đệ đến cửa thế này.

Bát Tư Ba âu sầu:

- Ừ. Năm đó đệ mới chín tuổi, mới đó mà đã mười bốn năm.

Kháp Na ngước đôi mắt trong veo lên nhìn anh trai, khẩn khoản:

- Huynh để Tiểu Lam ở lại với đệ nhé!

Bát Tư Ba do dự:

- Đêm nay là đêm tân hôn của đệ, đệ đã trưởng thành rồi, phải gánh vác trọng trách của gia tộc chứ!

Kháp Na ủ dột, quay mặt đi:

- Đại ca, xin đừng o ép đệ...

Không đành lòng từ chối em trai, Bát Tư Ba gọi tôi ra, căn dặn tôi chăm sóc Kháp Na chu đáo. Sau khi Bát Tư Ba đi khỏi, Kháp Na vẫn không chịu vào phòng tân hôn, cậu ấy đưa tôi ra khu vườn thênh thang phía sau hậu viện. Đình đài, lầu các trong khu vườn đã hoang phế từ lâu, sau khi tiếp quản Vương phủ, Kháp Na chưa kịp trùng tu lại. Trước mắt chúng tôi là những mảnh tường nứt gáy, cỏ dại mọc um tùm, cảnh tượng hoang tàn đó càng trở nên thê lương hơn trong đêm tịch mịch.

Cậu ấy chọn một phiến đá rồi ngồi xuống, tay chống cằm, mắt ngước nhìn vầng trăng lưỡi liềm, làn môi khép hờ, khóe môi uốn thành một đường cong tuyệt mỹ:

- Tiểu Lam à, em hát ta nghe bài hát ru ngày xưa đi, đã lâu rồi ta không được nghe lại.

- “Ầu ơ, ầu ơ, nhịp võng ru

Ngủ ngon con yêu, tay mẹ đưa

Mai sau khôn lớn con hãy nhớ

Tình mẹ ngày đêm vẫn đợi chờ.”

Tôi vừa ngân nga khúc ru Nhịp võng đưa vừa hồi tưởng tình cảnh đau lòng của đêm tân hôn mười bốn năm trước, khi Kháp Na bị Mukaton dữ đòn đánh cho bầm dập, tím tái, tôi đã hát ru cậu ấy như hôm nay. Nỗi buồn thương cứ thế dâng trào nghẹn lòng.

Kháp Na tủm tỉm, má lúm đồng tiền nhấp nhô, tinh nghịch:

- Tiểu Lam à, khi ấy ta thường bị Mukaton mắng chửi, đánh đập, hằng đêm em vẫn hát cho ta nghe khúc ru này, khiến ta cứ nghĩ mẹ ta hiện về trong mơ. Bởi vậy, hồi đó, ta thích nhất lúc đi ngủ, vì như thế sẽ không phải thấy Mukaton, sẽ được găp mẹ và nghe mẹ hát.

Tôi thở dài, ngắm nhìn nụ cười của cậu ấy:

- Kháp Na ơi, cậu có biết lúc cười trông cậu tuyệt thế nào không? Cậu hồi này ít cười hơn khi xưa nhiều lắm. Lúc cậu cười, sẽ có má lúm đồng tiền rất đáng yêu.

Kháp Na hớn hở, lúm đồng tiền lại được dịp khoe mình:

- Vậy ư? Em thích chứ?

- Thích.

Tôi ngắm nhìn Kháp Na, dưới bóng trăng huyền hoặc, cậu ấy chơ vơ như một thân cây cô lẻ, vầng trăng chênh chếch, chiếu rọi những đường nét lung linh như tạc trên gương mặt cậu ấy. Lòng tôi bỗng đượm buồn, tôi lắc đầu thương cảm:

- Nhưng mà càng ngày cậu càng ít khi cười.

Cậu ấy ôm tôi vào lòng, gõ ngón tay vào chiếc mũi nhọn của tôi, âu yếm:

- Được rồi, ta hứa với em, ta sẽ cười với em nhiều hơn.

Tôi do dự một lát, quyết định mở lời:

- Đã quá nửa đêm rồi, cậu vào động phòng đi. Cô dâu chờ lâu sẽ thiếp đi mất.

Nụ cười của cậu ấy bỗng tắt lịm, cậu ấy ngước nhìn vầng trăng đêm lạnh, giọng nói chợt trở nên cô liêu:

- Tiểu Lam ơi, ta rất sợ. Có lẽ bởi ký ức của mười bốn năm về trước quá sâu đậm. Ta không biết phải đối diện với cô dâu mới như thế nào. Cứ nghĩ đến việc vì trách nhiệm nối dõi tông đường mà phải vào căn phòng đó là ta lại không sao nhấc nổi bước chân.

- Nhưng mà...

Thính giác nhạy bén khiến tôi đột ngột im bặt, chăm chú lắng nghe. Đó là tiếng vó ngựa rền vang từ phía tây thành dội lại, đang phi như bay về phía chúng tôi. Đêm khuya thanh tĩnh, âm thanh hiếm hoi ấy lại càng trở nên rõ rệt, chỉ một lát sau. Cả Kháp Na cũng nghe rõ mồn một.

Kháp Na băn khoăn:

- Muộn thế này, ai đến vậy nhỉ?

Tôi nghe thấy tiếng cổng thành mở ra rồi đóng lại, nên đoán định đoàn người ngựa vừa vào thành:

- Chắc chắn không phải dân thường. Nửa đêm mà vẫn có thể yêu cầu người giữ thành mở cổng thì có thể là ai?

Tiếng vó ngựa gấp gáp, náo động đột ngột dừng lại trên con phố nhỏ trước cổng phủ. Ngay sau đó là tiếng đập cửa dồn dập, chó canh cổng sủa vang, đánh thức tất cả mọi người đang say giấc nồng. Tiếng bước chân rầm rầm tiến vào dãy nhà trong, Kháp Na tái mặt, đột ngột bật dậy, giọng nói run run:

- Ta biết là ai rồi. Nửa đêm nửa hôm vẫn dẫn theo cả đoàn người gây náo động như vậy chỉ có cô ấy thôi. Nhưng sao từ Lương Châu đến Yên Kinh phải mất vài tháng, sao cô ấy có thể đến nhanh như vậy được?

Người phụ nữ với thân hình nặng nề như tòa tháp sắt ấy đang ra sức đấm cửa, cánh cửa yếu ớt oằn oại kêu la, từng lớp mùn cưa tuôn rơi lả tả. Mukaton gào thét, giọng nói như sấm dội bên tai, nghe mà muốn thủng màng nhĩ.

- Đồ gian phu dâm phụ, đồ mèo mả gà đồng, các người ra đây cho ta!

Cửa phòng bật mở, Dankhag đã tẩy trang từ lâu, khoác áo khoác, mắt nhắm mắt mở đứng trước cửa phòng, cất giọng oán trách bằng thứ tiếng Mông Cổ lơ lớ:

- Ai thế? Bây giờ là mấy giờ mà dám lớn tiếng gây náo loạn Vương phủ hả?

Nhìn thấy Dankhag đang vận lễ phục cô dâu màu đỏ chói, Mukaton nổi trận lôi đình, xông tới, túm cổ áo Dankhag, giáng cho tình địch một tát như trời giáng:

- Đồ đê tiện nhà ngươi chẳng được cái mẽ gì mà cũng đòi leo lên giường của chồng ta ư? Ngươi tưởng rằng được Đại hãn ban hôn ước thì ta không dám phá ư?

Dankhag bị tấn công bất ngờ, hoa mắt chóng mặt, một lúc lâu mới tỉnh lại. Mukaton tuôn ra một tràng rào rào, Dankhag không hiểu gì, vội thúc thị nữ bên cạnh phiên dịch. Sau khi hiểu ra cớ sự, cô ta nổi đóa, nhảy bổ lên túm tóc Mukaton, chửi rửa bằng tiếng Tạng:

- Còn ngươi thì sao, đồ đàn bà xấu xa! Cậy mình là công chúa mà tùy tiện đánh người à? Ta là con gái của quan vạn hộ hầu, hôn lễ của ta do chính Đại hãn ban, ta chẳng kém ngươi bao nhiêu. Ngươi ngó lại cái thân hình voi hùm của ngươi mà xem. Vừa già vừa xấu như ngươi, Kháp Na có bị đui mù đâu mà yêu thích ngươi!

Thị nữ của Mukaton vừa lùi ra phía sau, tránh né cuộc chiến tranh đang diễn ra trước mắt, vừa run rẩy sợ hãi phiên dịch lời nói của Dankhag sang tiếng Mông Cổ. Cơ thể nặng nề, ục ịch khiến Mukaton không nhanh nhẹn bằng Dankhag nên đã bị cô ta túm tóc, đồ trang sức bung rơi, Mukaton tóc tai rũ rượi, vừa bóp đầu vừa gào lên:

- Đồ đàn bà đê tiện, hôm nay ta sẽ tẩn cho ngươi nát như tương, để xem ngươi lấy gì mà câu nhử đàn ông!

Hai người lao vào nhau cấu xé, ai chửi bằng thứ tiếng của người ấy, không cần phiên dịch. Các thị vệ thị nữ đứng bên không dám can thiệp, trận ẩu đả đã đánh thức toàn bộ người hầu trong phủ, bọn họ khoác áo, ra khỏi phòng, đứng nhìn từ xa. Khi trận đánh ghen lên đỉnh điểm thì một tiếng hô lớn: “Dừng lại!” vang lên, Kháp Na vừa chạy tới.

Hai người phụ nữ ngó thấy Kháp Na mặt mày biến sắc, hớt hải chạy đến thì vội ngừng tay. Mukaton vén mái tóc bù xù sang bên, nhìn Kháp Na thăm dò, rồi đột nhiên gào lên hả lòng hả dạ:

- Tốt rồi! Trang phục chú rể vẫn còn nguyên trên người chàng, và chàng lại vừa từ bên ngoài trở về, vậy thì chắc là vẫn chưa động phòng với thứ đàn bà đê tiện này. Xem như ta đã đến kịp!

Người hầu đứng vây quanh không nín được, tủm tỉm cười. Kháp Na ngó người đàn bà thô thiển ấy bằng ánh mắt ghê sợ:

- Đủ rồi đấy! Cô còn định làm trò cười cho thiên hạ đến bao giờ nữa?

Mukaton lia cặp mắt cú vọ ra xung quanh:

- Kẻ nào dám cười ta, ta sẽ móc mắt kẻ đó!

Đầu tóc rối tung như tổ quạ, hai mắt thâm quầng như mắt gấu trúc, gương mặt nung núc thịt của Mukaton nay đã có thêm vài vết xước, kết quả của cuộc cào cấu khi nãy. Áo quần xộc xệch, vẻ mặt hung tợn chẳng khác nào tượng quỷ dạ xoa mặt xanh nanh vàng trên bàn thờ trong Phật đường. Đám người hầu vốn biết rõ sự đáng sợ của Mukaton thì nhanh nhẹn cúi gằm mặt, lùi lại phía sau. Đám nô bộc ở phía xa lần đầu được chứng kiến vẻ hung hăng, dữ dằn của bà chủ cũng vội vã rút lui vào trong.

Kháp Na khoát tay ra hiệu ra tất cả mọi người về phòng, rồi chau mày hỏi Mukaton:

- Sao cô tới được đây nhanh như vậy?

Thường từ Lương Châu tới Yên Kinh phải mất hơn hai tháng, từ lúc Hốt Tất Liệt ban hôn ước đến khi chính thức thành thân chỉ có nửa tháng, dù Mukaton có nhận được tin ngay lúc đó và phi ngựa cả ngày lẫn đêm cũng không thể đến kịp.

Mukaton chống tay vào bờ eo bè bè như thùng nước gạo, cất giọng hách dịch:

- Thành thân chỉ trong vòng nửa tháng, rõ ràng là chàng không muốn ta tới kịp để ngày vui của các người được viên mãn chứ gì? Nhưng đời nào ta chịu để các người được như ý!

Toàn thân Mukaton bụi đất lấm lem, vẻ mặt mệt mỏi rã rời, nếp nhăn đua nhau xô lại, trông cô ta càng già hơn. Cô ta giậm chân bành bạch, cả căn phòng như rung lên:

- Chàng có biết ta đến đây bằng cách nào không? Ở Lương Châu, ta nhận được mật báo, một đứa con gái mặt dày người Tạng cứ bám chặt lấy chàng. Vậy nên, một tháng trước Tết ta đã xuất phát, chàng có biết là ta phải ăn Tết trên đường đi không? Khi ta chuẩn bị đến Yên Kinh thì lại nhận được mật báo, Đại hãn ban hôn ước và chàng sắp sửa thành thân! Nghe tin đó, tim gan phèo phổi của ta như muốn nổ tung, ta đã thúc ngựa chạy cả ngày lẫn đêm không ngừng nghỉ, dù trên đường đi, ngựa của ta vì mệt mà lăn ra chết rất nhiều, ta dứt khoát phải đến đây trước lúc hôn lễ của chàng được cử hành!

Từ lâu, Mukaton vẫn luôn gài người theo dõi Kháp Na, hễ có động tĩnh gì, người của cô ta sẽ lập tức báo về cho chủ nhân. Có lẽ ngay từ khoảnh khắc Dankhag nhìn trộm Kháp Na thì tin tức đã được truyền về Lương Châu. Vì muốn ngăn chặn từ trong trứng nước, Mukaton phải tức tốc khởi hành, nào ngờ cô ta đã đến vào đúng ngày cưới của Kháp Na.

Kháp Na mệt mỏi xua tay:

- Ngày lành thánh tốt là do Đại hãn lựa chọn, Dankhag cô cũng thấy rồi, đường xa vất vả, cô nên nghỉ sớm đi!

Mukaton xoay người, dang tay chặn cửa, thân thể cao lớn, đẫy đà của cô ta che kín cửa phòng:

- Xua ta đi để các người được vui vẻ với nhau chứ gì? Còn lâu nhé! Đêm nay ta sẽ ngồi đây, các người đừng hòng vào phòng.

Dankhag không hiểu nội dung cuộc trò chuyện bằng tiếng Mông Cổ giữa Mukaton và Kháp Na nên nãy giờ đứng một bên quan sát biểu cảm của hai người. Nhưng đến lúc này, khi nhìn thấy hành động của Mukaton, không cần phiên dịch cũng có thể biết được tình địch định làm gì. Dankhag nổi đóa, quát tháo bằng tiếng Tạng:

- Cô làm trò gì vậy? Đêm nay là đêm tân hôn của ta, ai cho cô chặn cửa phòng như thế?

Kháp Na lạnh lùng quay đầu bước đi:

- Công chúa, cô muốn ngồi đây cả đêm thì tùy, ta mệt lắm rồi, không còn hơi sức đâu mà tranh cãi với hai người.

Dankhag lao đến giữ chặt tay Kháp Na, cuống quýt:

- Kháp Na, chàng đi đâu vậy?

Kháp Na gỡ tay cô ta ra:

- Ta sẽ ngủ ở thư phòng.

Dankhag dứt khoát không chịu buông:

- Em sẽ đi cùng chàng.

Kháp Na ra sức tránh né:

- Nếu cô đi theo ta thì đêm nay ta sẽ chẳng thể yên giấc. Ta rất mệt, làm ơn để ta ngủ yên đi. Nếu hai chúng ta không ở cùng nhau thì cô ấy sẽ không gây sự nữa.

Dankhag nhìn theo bóng dáng Kháp Na, giậm chân gào khóc:

- Nhưng đêm nay là đêm tân hôn của em kia mà!

Kháp Na dừng bước nhưng không quay đầu lại:

- Dankhag, cô đã chứng kiến tình cảnh của ta rồi đó, cô nhất quyết lấy ta thì cô phải chấp nhận và thích ứng với tất cả chuyện này.

Đêm đó, Kháp Na một mình trải qua đêm tân hôn lần thứ hai trong thư phòng, với một tiểu hồ ly làm bầu bạn, hệt như tình cảnh của mười bốn năm về trước. Tôi hát khúc Nhịp võng đưa an ủi cậu ấy, ngắm nhìn cậu ấy ngủ ngon lành, nhẹ nhàng xoa dịu gương mặt căng thẳng của cậu ấy. Chỉ khi chìm vào giấc ngủ, cậu ấy mới có được cảm giác bình yên và hạnh phúc.

Theo quyết định của Bát Tư Ba thì lẽ ra ngày hôm sau Yeshe phải trở về Sakya, nhưng hôm đó Yeshe đã bặt vô âm tín. Tuy rằng hai huynh đệ đã cãi vã nảy lửa trong ngày diễn ra hôn lễ của Kháp Na nhưng Bát Tư Ba không muốn Yeshe xảy ra chuyện gì ở Yên Kinh nên đã sai người tìm kiếm khắp nơi. Đến chiều tối hôm đó, khi ai nấy đều sốt ruột, lòng như lửa đốt thì Yeshe đột ngột xuất hiện ở phủ Quốc sư.

Cậu ta về thu dọn hành lý. Nhưng không phải để trở về Sakya mà dọn đến nương náu trong phủ đệ của Hoàng tử Hốt Ca Xích, con trai cả của Hốt Tất Liệt.

Thì ra, ngay khi đến Yên Kinh, Yeshe đã mượn danh Bát Tư Ba để kết thân với các quan lại và hoàng thân quốc thích Mông Cổ. Sau khi gặp Hốt Ca Xích, hai người trở nên thân thiết như tri kỷ. Hốt Ca Xích xưa nay vẫn ganh ghét, đố kỵ với Chân Kim, vì mẹ ruột cậu ta chỉ là thứ phi còn mẹ ruột của Chân Kim là hoàng hậu, mặc dù cậu ta là con cả nhưng người được phong vương trước lại là Chân Kim. Hốt Ca Xích đã nỗ lực không ngừng, mong nhận được sự sủng ái của Hốt Tất Liệt nhưng Đại hãn vẫn dành mối lương duyên với công chúa của bộ lạc Hoằng Cát Thích cho Chân Kim.

Cảnh ngộ của Hốt Ca Xích giống hệt Yeshe nên hai người họ có rất nhiều chuyện để chia sẻ với nhau. Nghe nói Yeshe và anh cả xảy ra xung đột, Hốt Ca Xích động lòng, bèn ngỏ lời mời Yeshe về phủ của mình và tôn làm thượng sư. Dù tình cảm anh em có nhiều rạn nứt nhưng đối với bên ngoài, họ vẫn là người của phái Sakya, vì thế Bát Tư Ba cũng không nhiều lời, chỉ lặng lẽ nhìn theo bóng Yeshe khuất dần nơi cổng phủ Quốc sư.

Phủ Bạch Lan Vương của Kháp Na mới thật gay go! Ngọn lửa chiến tranh lúc nào cũng sẵn sàng bùng lên giữa hai cô vợ có thân thế và địa vị xã hội tương đương nhau, và số lượng đầy tớ, người hầu biết đánh biết chửi cũng ngang ngửa nhau. Bọn họ không thể dùng quyền lực để áp chế đối phương nên chỉ có thể dựa vào “năng lực” mắng chửi và đánh lộn của mình, chỉ cần chạm mặt là có thể lập tức cãi nhau. Mukaton và Dankhag không cần đến phiên dịch, ai dùng ngôn ngữ của người nấy, họ mạt sát nhau bằng thứ tiếng dữ dằn, hằn học. Cũng may phủ Bạch Lan Vương rất rộng nên những cuộc cãi vã chói tai không truyền ra ngoài phố.

Vợ chồng son lại mặt nhà gái ba ngày sau hôn lễ. Mukaton cương quyết xen vào, cô ta ngồi chễm chệ trên kiệu, đi theo đoàn người ra khi lều trại ở ngoại thành mà Tsirenja dựng lên để đón thông gia. Mukaton giành lấy vai trò chủ nhà, thay mặt Kháp Na đến chào hỏi, mời rượu và trao lì xì cho từng người, cô ta còn diễn vẻ niềm nở, hiếu kính với Tsirenja. Dù có tức tối nhường nào đi nữa, Dankhag cũng phải nể mặt người vợ cả của Kháp Na vì cô ta là công chúa. Ngày lại mặt trở nên khôi hài với các màn trình diễn thú vị của Mukaton và nỗi bực tức đến mức có thể hộc máu của Dankhag. Một tháng sau, Tsirenja lên đường trở về đất Tạng, trước khi đi ông ta đã căn dặn con gái phải nhẫn nhịn và nhanh chóng sinh hạ con trưởng cho giáo phái Sakya.

Mỗi ngày Dankhag đều trang điểm rất đỗi cầu kỳ, tận dụng mọi cơ hội để có thể tiếp cận Kháp Na, nhưng kế hoạch của cô ta đều bị “bóng ma” Mukaton theo dõi và phá hủy. Vì khi Kháp Na vừa trưởng thành, Mukaton đã tìm đủ mọi cách để giám sát cậu ấy nên kinh nghiệm đấu tranh của cô ta quá ư phong phú, đừng nói là một ngọn lửa, ngay cả một tia lửa vừa mới nhen nhóm cũng sẽ bị cô ta dập tắt ngay lập tức. Dankhag sinh ra và lớn lên ở đất Tạng tự do, phóng khoáng, làm sao có thể trở thành đối thủ của Mukaton được, nhất cử nhất động của Dankhag đều không thoát khỏi tầm mắt của Mukaton.

Và cứ thế, cuộc đấu đá diễn ra ngày một đều đặn, biến thành các vụ ẩu đả, bạo lực: bỏ thuốc độc, gian trá, yểm bùa, bắt cóc, mua chuộc kẻ hầu người hạ,...Từ tờ mờ sáng, hai người đã dồn toàn bộ tâm trí vào đối phương, cho đến lúc tắt đèn đi ngủ vẫn còn lẩm bẩm gọi tên người kia, thân yêu hơn cả người tình. Cuộc đấu đá kịch liệt ấy mang lại cho hai người lợi ích sau: Tiếng Mông Cổ và tiếng Tạng của cả hai đều tiến bộ vượt bậc, đặc biệt là những từ ngữ dùng để chửi bới, thóa mạ người khác.

Người đáng thương nhất là Kháp Na, cậu ấy sống trong cảnh phấp phỏng, lo sợ ngay trong bữa ăn, giấc ngủ. Kể từ lần Dankhag bỏ xuân dược và thức ăn của Kháp Na và bị Mukaton phát giác, Kháp Na không dám uống nước trong Vương phủ của mình. Một lần khác, khi cậu ấy đang ngon giấc thì bỗng nghe tiếng cãi vã ngoài cửa. Thì ra cả Mukaton và Dankhag cùng cho người giám sát cửa chính và cửa sổ phòng ngủ của Kháp Na hằng đêm, để có thể tóm gọn đối phương nếu người nào định lẻn vào phòng của cậu ấy.

- Tiểu Lam ơi, những ngày tháng đáng sợ thế này sẽ kéo dài bao lâu nữa?

Kháp Na quá đỗi mệt mỏi, ánh mắt đờ đẫn, thần sắc tiều tụy, gương mặt hom hem, gầy rộc đi trông thấy. Cậu ấy đã mất ngủ nhiều đêm rồi.

- Không dám ăn, không dám ngủ, thế này còn đáng sợ hơn đời sống lao tù.

Không muốn bị hai cô vợ đeo bám, giày vò, ngày ngày Kháp Na theo Bát Tư Ba vào cung. Bát Tư Ba đang lập kế hoạch khôi phục hệ thống trạm nghỉ từ thời vương triều Tufan, xây dựng một hệ thống trạm nghỉ hoàn thiện hơn trước nên Kháp Na đi theo trợ giúp cậu ấy. Kháp Na vốn thông minh, lanh lợi, cậu nắm bắt rất nhanh những vấn đề thuộc về quan hệ và lợi ích chính trị. Vì vậy, Bát Tư Ba đặc biệt tin tưởng và tín nhiệm em trai, xem cậu ấy như trợ thủ đắc lực.

Ban ngày, Kháp Na được yên ổn theo Bát Tư Ba vào cung làm việc, nhưng cứ đến tối, hai cô vợ lại trang điểm kỹ càng đến phủ Quốc sư “đòi người”. Kháp Na không về, họ cũng không về, sau cùng thì người phải đầu hàng luôn là Kháp Na. Bát Tư Ba tuy không tiện xem vào chuyện vợ chồng của họ nhưng cũng không khỏi phiền lòng. Vì vậy, cậu ấy đành phải viết thư cho anh trai Thiếp Mộc Nhi của Mukaton, mời cậu ta đến Yên Kinh ngay.

Hai người phụ nữ đó khiến tôi không thể không ghét họ, vậy nên tôi đi theo Kháp Na cả ngày để bảo vệ cậu ấy. Khứu giác nhạy bén của tôi có thể nhận biết mọi loại độc dược, thảo dược nên trước khi Kháp Na ăn bất cứ thứ gì, tôi đều làm nhiệm vụ kiểm tra. Buổi tối, lúc cậu ấy ngủ, tôi sẽ đặt kết giới [1] quanh cậu ấy, dù cho hai người phụ nữ có cãi vã long trời lở đất ở bên ngoài thì cậu ấy cũng không bị làm phiền. Nếu họ có hành vi gì quá đáng, tôi sẽ hóa phép khiến họ đột ngột sinh bệnh hoặc bị thương nhẹ.

Mùa xuân năm đó, Hốt Tất Liệt lại một lần nữa cầm quân lên phía bắc, tiếp tục cuộc chiến với A Lý Bất Ca. Đến đầu mùa hạ, quân của A Lý Bất Ca đại bại ở Ximutu, Hốt Tất Liệt chiếm được kinh đô Hòa Lâm của A Lý Bất Ca. A Lý Bất Ca tháo chạy về Gigli Gi, vốn là vùng đất thuộc quyền cai trị của Đà Lôi, người cha của A Lý Bất Ca. Hốt Tất Liệt sốt ruột chuyện kết hôn của Chân Kim nên đã không truy đuổi A Lý Bất Ca mà đưa quân về Yên Kinh.

~.~.~.~.~.~

- Trong năm này, ngoài việc thiết lập hệ thống trạm nghỉ, Hốt Tất Liệt còn giao cho Bát Tư Ba một nhiệm vụ không kém phần quan trọng và khó khăn: sáng tạo chữ viết cho người Mông Cổ.

Chàng trai trẻ hứng khởi kêu lên:

- Tôi nhớ rồi, chữ viết đó về sau được đặt tên là chữ viết Bát Tư Ba. Ngày nay, trong một số thư tịch xuất bản của chúng ta, chữ viết Bát Tư Ba vẫn được sử dụng để trang trí bìa và gáy sách.

Tôi rút ra một cuốn sách lịch sử trên giá, lật đến trang có hình chữ viết Bát Tư Ba, đưa cho chàng trai trẻ:

- Chữ Bát Tư Ba là loại chữ cổ, vuông vắn, trang nghiêm, khoáng đạt, bởi vậy, cho đến tận thời nhà Thanh, người Tạng và người Mông Cổ vẫn sử dụng chữ Bát Tư Ba khi thảo công văn và làm ấn chương.

Trước khi Thành Cát Tư Hãn lập ra nhà nước Mông Cổ, người Mông Cổ không hề có chữ viết. Trong khoảng thời gian hợp nhất các bộ lạc Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn bắt được một người Uyghur chuyên coi giữ các con dấu và công văn, thư từ tên là Tatatonga, lúc đó ông mới biết đến tầm quan trọng của chữ viết. Thế là, ông ra lệnh cho Tatatonga ghi lại tiếng Mông Cổ bằng văn tự Uyghur rồi dạy cho các hoàng tử.

Chàng trai trẻ đưa ra nhận định sắc sảo:

- Nhưng dù sao đó cũng chỉ là chữ viết của dân tộc khác, giống như việc chúng ta dùng tiếng Anh để ghi lại âm đọc tiếng Trung vậy. Nhưng hai hệ thống ngôn ngữ này hoàn toàn khác nhau, sao có thể ăn khớp được?

- Đúng thế. Bởi vậy sau này, vào thời đại của Oa Khoát Đài, Quý Do và Mông Kha, hệ thống chữ viết của người Mông Cổ vô cùng hỗn độn. Họ giao lưu với các quốc gia Tây Á bằng chữ Ba Tư, với nước Kim và nước Tống bằng chữ Hán. Ngoài ra, họ còn sử dụng cả chữ Uyghur, chữ Tây Hạ, v.v... Người Mông Cổ phải học rất nhiều ngôn ngữ khác nhau, ngôn ngữ trở thành gánh nặng đối với họ.

- Khi ấy, lãnh thổ của đế quốc Mông Cổ thì rộng lớn, trong khi các sắc lệnh ban ra sử dụng ngôn ngữ quá ư hỗn độn nên yêu cầu cấp thiết với họ lúc này là phải sáng tạo ra chữ viết của riêng mình.

Tôi gật đầu:

- Đúng vậy. Và Hốt Tất Liệt tin tưởng rằng, với trí tuệ mẫn tiệp, uyên bác của mình, Bát Tư Ba nhất định sẽ hoàn thành được trách nhiệm nặng nề này.

=========

[1] Thuật kết giới là loại phép thuật tạo ra vòng tròn hoặc hộp bảo vệ để tránh sự tác động từ bên ngoài đến người nằm trong vòng hoặc hộp kết giới. (DG)
break
Gả Cho Nam Thần
Ngôn tình Sắc, Sủng, Tổng Tài
Cô Nàng Livestream Web Người Lớn
Ngôn tình Sắc, Sủng
Trò Chơi Ái Tình
Ngôn tình Sắc, Sủng, Đô Thị
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc