ạ Linh bước đi trên con đường quen thuộc về nhà, miệng vẫn còn tủm tỉm cười vì trò đùa tinh nghịch của lũ bạn cùng lớp trong giờ sinh hoạt ngoài giờ. Bọn chúng nghĩ gì mà lại đùa đến thế chứ? Trên tóc cô bây giờ vẫn còn dính vài vệt kem. Nhưng cô rất vui vì lũ bạn đã nhớ đến sinh nhật cô và “tận tâm” tổ chức nó. Cô cảm thấy yêu những người bạn của mình quá. Đây là sinh nhật lần thứ mười tám của cô. Mười tám, lứa tuổi đẹp nhất của một đời người – như người ta thường nói. Nhưng Dạ Linh không hề cảm thấy như vậy. Cô chỉ nghĩ đây là một cột mốc mới trong cuộc đời nhàm chán của mình, một dấu chấm nhỏ trong định mệnh chẳng lấy gì làm thú vị. Cô nghĩ chuỗi ngày dài dằng dặc này chắc vẫn sẽ nối tiếp một cách bình yên đến chán chường cho đến khi cô chết đi mất.
Vừa tới cổng, cô đã thấy một chiếc xe hơi đen bóng đỗ trước cửa nhà . Thoáng ngạc nhiên, Dạ Linh không hiểu có chuyện gì mà chiếc xe đắt tiền thế này lại đỗ ở nhà mình. Cô càng tò mò hơn khi thấy bóng vài người lạ trong nhà. Giờ này chắc dì Loan đã đi làm về, theo như những gì cô nhìn thấy bây giờ thì dì đang tiếp khách. Dạ Linh bước vào. Trước cửa nhà là hai gã hộ pháp cao chắc đến cả hai mét, đồ vest đen bóng lộn cùng với vẻ mặt hắc ám. Mấy gã này làm cho cô nhớ đến mấy tay vệ sĩ trong phim hành động Mỹ, cũng có thể là phần tử xã hội đen của một tổ chức nào lắm chứ. Cô khẽ cười vì trí tưởng tượng phong phú của mình.
Dì Loan đang ngồi trên ghế salon. Đối diện với dì là ba người khách. Họ ngồi quay lưng về phía Dạ Linh nên cô không nhìn thấy mặt. Từ phía sau, cô loáng thoáng nhận biết về ba người khách lạ. Một nữ và hai nam. Người đàn bà tóc màu vàng có vẻ rất sang trọng. Hai người đàn ông đều cao lớn, một trong hai người tóc đã lốm đốm bạc, có lẽ đã có tuổi.
“A! Cháu nó về rồi đây này!” tiếng dì Loan reo lên làm ba người khách vội đứng dậy.
Đến lúc này thì Dạ Linh đã kịp nhìn rõ người phụ nữ. Bà rất xinh đẹp và quí phái. Một vẻ đẹp sang trọng, quyền quí với màu mắt xanh trong, hàng mi dài màu vàng phớt tạo vẻ mơ màng cho đôi mắt, gò má hơi cao cùng chiếc cổ dài thanh tú , trên đó khoác nhẹ một chiếc khăn voan đen có diềm đăng ten màu cánh gián. Bà cao hơn Dạ Linh nhiều và đích thực là người ngoại quốc. Cô cũng kịp nhìn sang người đàn ông có mái tóc muối tiêu bên cạnh, ông có vẻ là người Việt Nam với đôi mắt đen nheo nheo dưới đôi chân mày rậm, vẻ mặt nghiêm nghị nhưng vẫn đượm nét đôn hậu. Cô chưa kịp nhìn người thứ ba thì đã bị tiếng chào của người phụ nữ lạ cắt ngang.
“Xin chào cô”. Bà nói tiếng Việt bằng giọng lơ lớ đặc trưng của người ngoại quốc. Người đàn ông tóc muối tiêu cũng tiếp lời.
“Rất hân hạnh được gặp cô”. Tiếng Việt của người đàn ông này rất chuẩn và thanh âm của giọng Hà Nội trầm ấm. Người thứ ba không cất tiếng chào. Cô vừa định quay sang thì tiếng của dì Loan đã xen vào.
“Họ là người thân của con đó”.
Hai tiếng “người thân” đối với Dạ Linh như sét đánh ngang tai. Cô đã mong chờ những “người thân” này từ mười tám năm nay. Lúc cô quyết định từ bỏ mọi hi vọng gặp lại thì họ xuất hiện .
Cô là một cô bé mồ côi được dì Loan nhận về nuôi, cô xem dì như mẹ của mình. Mẹ ruột của cô mất trong bệnh viện ngay sau khi sinh cô, mộ của bà đặt ở nghĩa trang thành phố. Cô vẫn thường đến thăm bà vào mỗi tuần. Diễm Linh là tên mẹ, và đó cũng là điều duy nhất cô biết về bà. Ngay cả đến cái tên cũng không có họ, và bà cũng không có bất kì mối quan hệ thân quen nào khi bà mất. Hơn nữa, điều đó còn đồng nghĩa với việc cô không hề biết cha mình là ai. Cô đã nuôi hi vọng suốt những năm còn thơ bé là cô có người thân và không sớm thì muộn họ sẽ đến đón cô . Nhưng đêm trước ngày sinh nhật mười tám tuổi, cô đã từ bỏ hi vọng hão huyền đó.
Nay hi vọng đó lại trở thành sự thật, Dạ Linh không khỏi không sửng sốt .Cô vừa mừng, vừa giận, tại sao họ không tìm đến cô sớm hơn, tại sao phải mười tám năm sau họ mới tìm ra cô chứ?
“Chúng tôi được người ông quá cố của cô phái đến. Trước khi qua đời, nguyện vọng của ông luôn là tìm lại được cô. Chúng tôi rất vui mừng khi tìm thấy cô sau bao năm mỏi mòn tìm kiếm. Đây là bản di chúc của ông. Xin cô nghe qua”.
Dứt lời, ông lấy từ trong chiếc ca táp một cái máy thu âm nhỏ gọn, đặt lên bàn và nhấn nút. Tiếng rè rè lạo xạo, tiếp theo là tiếng ho, tiếng đằng hắng, rồi một giọng nói cất lên, hơi run nhưng chất uy quyền vẫn đọng trong từng từ. Giọng của một người đàn ông nói tiếng Việt rất sõi.
“Tôi là Huỳnh Văn Nhất – một người Việt Nam định cư tại Mỹ và là người sáng lập ra tập đoàn H.A.D. Tôi kết hôn với một người phụ nữ Mỹ và sinh được một người con trai tên là Huỳnh Văn Nhân, tên trên hộ chiếu là Nelson Halver. Hai vợ chồng tôi còn có một người con gái nuôi, là con của người bạn chí cốt đã giúp đỡ tôi cùng gây dựng nên H.A.D, tên là Trần Thanh Diễm Linh hay còn gọi là Dora Laurence Theora. Con bé trở thành con gái chúng tôi từ khi bố mẹ nó mất trong một vụ tai nạn thương tâm để lại nó bơ vơ một mình. Năm mười tám tuổi, con gái nuôi của tôi đã gặp và đem lòng yêu một sinh viên nghèo người Việt Nam mặc cho tôi phản đối. Nó còn quyết định trốn về Việt Nam cùng người sinh viên đó. Tôi đã rất giận nên không đuổi theo con bé, tôi đã nghĩ rằng nó sẽ trở lại sớm thôi vì không thể sống nổi cuộc sống nghèo khổ. Nhưng sau gần năm năm, con bé vẫn không quay lại mặc cho tôi mòn mỏi ngóng chờ. Tôi quyết định đi tìm con bé và đã rất sốc khi nghe tin nó đã mất…”. Tiếng nấc nghẹn ngào cắt đứt mạch kể, rồi một tràng ho dài đến nỗi chính những người đang nghe cũng thấy đau. Ông Nhất, người đang nói trong đoạn ghi âm đằng hắng sau cơn ho, rồi tiếp tục.
“Sau một thời gian, tôi nhận được tin báo rằng con gái tôi đã hạ sinh một đứa con, có lẽ là con gái. Tôi đã không ngừng đi tìm đứa bé ấy. Mười sáu năm sau, tôi nhận được tin về đứa bé. Nó tên Diệp Thị Dạ Linh, đang sống cùng một phụ nữ làm nghề giáo viên. Tôi đã rất muốn nhận đứa trẻ ấy về nhưng lúc đó tình trạng sức khỏe của tôi đang trở nên trầm trọng, công khai đem đứa bé về sẽ gây nguy hiểm cho nó vì những thế lực cạnh tranh. Bởi thế, tôi quyết định chờ một thời gian sau mới đưa nó về. Nay, tôi đã sắp đi rồi, vì thế tôi muốn thực hiện nguyện vọng cuối cùng của mình. Tôi giao hồ sơ của cháu gái tôi cho ông Nguyễn Tấn Tài, thư kí riêng và là người thân cận của tôi. Tôi muốn đón cháu tôi về vào đúng ngày sinh nhật mười tám tuổi của nó. Để làm dịu sự hối hận trong tôi và làm tròn lời hứa với người bạn quá cố của mình. Tôi để lại toàn bộ tài sản cho cháu trai ruột của tôi – Christian Halver với điều kiện cháu trai tôi phải kết hôn với cháu gái nuôi của tôi – Dạ Linh. Nếu hai người đứa không kết hôn thì tập đoàn H.A.D sẽ được quy đổi thành tiền, tám mươi phần trăm sẽ được dành ủng hộ người nghèo ở Việt Nam, và gia đình sẽ chỉ được giữ lại hai mươi phần trăm còn lại…” Nói đến đây, giọng ông run lên, rồi ông lại tiếp tục.
“Cuối cùng, ta muốn nhắn lại với cháu gái của ta. Ta biết con sẽ rất hận ta, bởi lẽ ta đã cản trở cuộc hôn nhân của mẹ con chỉ vì phân biệt giai cấp, trong khi chính ta đã quên rằng ta cũng từng là một người nghèo khổ. Ta cũng xin lỗi cháu vì đến tận giờ ta vẫn chưa có tin gì về cha cháu. Tha lỗi cho ta…. Ta rất yêu mẹ cháu và ta muốn cháu biết rằng, dù xa cách nghìn trùng nhưng ta cũng yêu cháu. À, ta còn muốn nhắn với cháu trai ta nữa. Christ à, ông mong con sẽ chăm sóc tốt cho Dạ Linh, và thay ông điều hành H.A.D thật vững mạnh. Tạm biệt các con”.