Tỉnh dậy đã là một giờ chiều, tôi ngủ một mạch 24 tiếng đồng hồ, ánh sáng tươi đẹp chiếu rọi vào mắt tôi, chỉ cần mở mắt ra là thế giới đẹp đẽ, biến sự lúng túng và mất mặt của tối hôm qua trở thành một giấc mộng.
Có thể thực sự là một giấc mộng ư? Tôi không cho phép mình tiếp tục nghĩ nữa.
Thế giới của người trưởng thành thật là tốt. Lúc nhỏ có những chuyện đau lòng mà cũng có những lúc buồn bã, chán nản, còn hiện tại công việc bận rộn chẳng cho phép bạn nghĩ gì về chúng nữa, vì thế rửa mặt, lắc lắc đầu, ôm con tim vỡ nát đi kiếm tiền.
Tôi còn chưa từng đi bệnh viện và cũng chưa từng liên lạc với Dư Hoài. Tôi nhớ rõ 2 ngày sau chính là ngày cậu ấy trở lại Mỹ.
Tôi có rất nhiều chuyện không rõ nhưng cậu ấy đã khiến câu chuyện chẳng thể nào rõ ràng được. Có lẽ, dù tôi có thay đổi như thế nào thì trong mắt cậu ấy, tôi vẫn chỉ là một Cảnh Cảnh đáng thương mà thôi, tự nhiên chẳng thể nào so sánh được với cậu ấy- một nhân tài trên con đường tương lai rộng mở, sáng lạng.
Hừ, ai của lạ gì đâu chứ.
Ai, ai thích cậu.
Tôi nhắm mắt ngẩng cao đầu, kìm nén không cho nước mắt rơi xuống.
Một tuần sau Lâm Phàm được xuất viện. Ba người nhà chúng tôi đi đón nó, bố tôi lần đầu tiên cho phép tôi lái xe đi theo.
Ngay sau đó, tôi suýt đâm vào đuôi xe của bố.
Lâm Phàm nằm viện được hơn bốn tuần, xung quanh giường bệnh dọn dẹp cả một đống đồ đạc thật sự là người thời nay xem thế là đủ rồi. Tôi nhìn bố mình và cô Tề từ xa, hai người đang bận rộn sắp xếp đồ đạc, cãi nhau ồn ào, chẳng hiểu sao cái cảm giác ấy thật hài hòa.
Lâm Phàm có nhớ đến bố ruột của mình không?
Tình thân ấy có sâu sắc hơn tình cảm ba năm ngồi cùng bàn của tôi và Dư Hoài không? Có phải tôi đối với tình cảm ba người nhà chúng tôi cũng có thể sâu đậm hơn những hoài niệm với lớp 5 nhiều phải không?
Song cũng chẳng ảnh hưởng đến tình hình hiện tại là tôi đang xem hai con người này có thể bên nhau cả đời, cảm thấy thời gian thật là vĩ đại chẳng có gì không thể quên đi, chẳng có gì không thể buông bỏ.
Tôi nghĩ mình cũng nên nói lời tạm biệt với quá khứ của bản thân và sau đó sẽ giao lại tất cả mọi thứ để thời gian quyết định.
“Bố ơi!” Tôi gọi to: “bố đi trước đi, con còn chút việc”.
Tôi chẳng thể nhận ra mẹ Dư Hoài.
Phòng suy thận và phòng bệnh giống nhau, tổng cộng có ba phòng. Tôi đi lần lượt từng vòng một, không nhìn thấy người nào giống mẹ Dư Hoài cả, song lại gặp bà lão lần trước, bộ dạng sắp chết suýt nữa dọa chết tôi.
Tôi nhớ Dư Hoài nói, bà và mẹ cậu ấy ở chung một phòng bệnh, thế thì chắc là phòng này rồi.
Nhìn lướt quanh mặt sáu người trong phòng, có một bác gái với gương mặt phù thũng, xanh tái cứ nhìn tôi mãi.
Từ ánh mắt của bà ấy, tôi nhìn kĩ hơn một chút, bà ấy đột nhiên mở miệng hỏi “cháu tìm Dư Hoài hả?”
Tiếng nói rất nhẹ.
Trước đây tôi đã nghe nói người bị bệnh suy thận không thể hoạt động mạnh, song không ngờ lại tiều tụy đến mức này.
“Cháu muốn tìm mẹ Dư Hoài ạ!”
Bà ấy cười, gương mặt tiều tụy thả lỏng, các lớp da trên mặt chồng vào nhau thành một đống, chẳng có tí nếp nhăn nào, quái dị đến đáng sợ.
“Bác chính là mẹ của Dư Hoài. Cháu là bạn cùng lớp của nó à?”
Bác ấy nhẹ nhàng đưa mắt, không biết là do mệt mỏi hay có nguyên nhân nào khác.
“Thì ra là cháu!” Bà ấy nói.
Tôi và mẹ Dư Hoài thực sự không có chuyện gì để nói, thực ra tôi cũng không hiểu sao lại muốn gặp bác ấy. Ngoài việc cùng ở trong một bệnh viện và sự tôn trọng đối với người lớn ra, có lẽ chính là sự tò mò của bản thân tôi.
Dường như mẹ Dư Hoài rất vui vì có người đến thăm mình, hỏi rất nhiều về công việc của tôi, một mực kéo tay tôi nói: “tốt quá, tốt quá, đều có tương lai cả!”.
Tôi càng không thể ngờ rằng người phụ nữ hung dữ tại buổi họp phụ huynh năm ấy với người phụ nữ trước mặt mình lúc này là một.
“Mong bác sớm khỏe lại” tôi hơi ngượng ngùng: “do hơi gấp nên cháu không mang hoa tươi và hoa quả đến thăm bác. Cháu...”
“Cháu còn nhớ khi ấy bác không muốn cháu và Dư Hoài ngồi cùng một bàn không?”
Tôi không ngờ bác ấy lại chủ động nhắc đến và còn cho rằng bác ấy đã quên Cảnh Cảnh là ai mất rồi.
Có phải con người khi bị bệnh đều thích nhớ lại chuyện cũ không? Mẹ Dư Hoài nắm lấy tay tôi, còn không đợi tối đồng ý mà cứ thế nói tiếp:
“Ngày đó thật sự sợ nó đi không đúng hướng. Bác không có thời gian chăm sóc nó, bố và bà nội nó sức khỏe đều không tốt. Bố nó thường xuyên làm việc ở nước ngoài không về, tất nhiên bác phải thay ông ấy làm tròn đạo hiếu. Do vậy, bác không có kiên nhẫn với Dư Hoài nên làm việc gì cũng không nghĩ đến cảm nhận của nó. Lần bị bệnh này kéo dài tận sáu, bảy năm. Có rất nhiều việc đều đã nhìn rõ, bác đã khiến nó chậm trễ hai lần rồi. Lần này dù chết cũng coi như xong, cứu không được tức là không cứu được, đâu ai biết trước được cái chết của mình”.
“Bác đừng nói thế...”
Tôi đã từng nói tôi vốn dĩ không giỏi an ủi người khác.
“Nó đỗ Thanh Hoa, sao bác đành lòng để nó thua kém người khác được”. Nhưng mà nhà không có tiền, bố nó khi ấy bị điều về nước mà nhà lại chẳng có tiền để chữa bệnh cho bác. Cháu không biết chứ, bệnh này chẳng thể chữa khỏi được, tuần nào cũng phải chạy thận, chẳng thể chống đỡ được. Dư Hoài muốn hiến thận cho bác nhưng sao bác có thể vì cái mạng già của mình mà lấy đi nửa đời sau của nó được? Sau khi hiến thận thì chẳng khác nào là người tàn phế. Sau đó cũng may, ông trời không tuyệt đường người, bác đợi được nguồn thận và dùng hết số tiền tích lũy để làm phẫu thuật”.
Tôi nghe mà chua xót trong lòng, nắm chặt tay bác ấy.
“Bố nó không thể về nước, sau khi thay thận, phản ứng bài trừ rất nghiêm trọng nên luôn cần phải uống thuốc. Còn tốn kém hơn cả việc chạy thận mà bên cạnh phải luôn có người chăm sóc. Dư Hoài nói với bác nó không đi Bắc Kinh nữa.
Mẹ Dư Hoài bật khóc.
“Thi đỗ Thanh Hoa, nó nói với bác không đi nữa”
Dư Hoài theo học kỹ thuật của một trường đại học ở thành phố này, vừa học vừa chăm sóc mẹ, còn cố gắng hoàn thành toàn bộ học phần chỉ trong ba năm.
“Nó nói với bác rằng nó học lại một năm. Lúc khó khăn nhất bạn bè đều gửi lời nhắn khuyên giải nó, không có gì phải buồn cả. Chậm hơn người khác một năm, cùng lắm thì cố gắng kiếm lại là được rồi. Vì thế nó hết sức cố gắng, không theo học được Thanh Hoa thì cố gắng học một mạch để tốt nghiệp cùng các bạn đồng trang lứa”.
Dĩ nhiên tôi hiểu câu nói này.
Bởi tôi chính là người gửi cho cậu ấy.
“Lúc đó bệnh của bác đã tốt hơn rồi nhưng không thể làm việc nặng. Không cần phải nằm viện là bác đã cảm thấy tốt lắm rồi, song lúc nó nói muốn đi Mỹ du học, bác lại thấy lo lắng. Nhà không có tiền, đâu thể nuôi nổi nó. Nó nói đã giành được học bổng toàn phần, tự mình đi làm thêm nên không cần gia đình giúp đỡ, ngay cả chứng minh tài chính cũng là nhờ họ hàng giúp đỡ. Thật lòng bác vô cùng khổ sở, bác đã khiến nó lỡ dở một lần nên lần này bác không thể cản trở nó được”.
“Nào ai biết được hiện tại...” mẹ Dư Hoài khóc đến thắt gan thắt ruột: “cháu nói xem, bác có nên chết đi hay không?”
Tôi yên lặng lắng nghe, một câu cũng không nói ra được.
Trên đời này có quá nhiều tai bay vạ gió. Tôi chưa trưởng thành đến mức có thể thản nhiên tiếp nhận thực tại phũ phàng của cuộc đời, chỉ có thể không quan tâm đến việc không liên quan đến mình. Thế nhưng, những chuyện xảy ra với Dư Hoài tôi chẳng thể nào dùng tâm trạng đối xử như với người bình thường được.
Cháu đừng chê bác nhiều chuyện. Trong lòng bác rất khổ sở, cũng biết nó và bố nó còn khổ hơn không thể từ sáng đến tối chỉ nói với họ về việc sống chết được. Thế chẳng phải khiến bố con nó ngày càng đau buồn hơn ư? Đây là bác kể với một cô bé tốt bụng như cháu. Trước đây nó rất vui khi nói với bác được gặp cháu, nói cháu tương lai sau này phát triển rất tốt. Trước mặt cháu nó không dám ngẩng đầu nhìn cháu, chỉ nói thầm với mình như vậy, cũng không tự lập được như cháu, gặp cháu lại vừa vui, vừa buồn. Trong lòng bác nghĩ nên trách ai đây? Chẳng phải nên trách bác hay sao?”
Mẹ Dư Hoài khóc rất lâu, sau đó mới ngượng ngùng buông tay tôi ra.
Tôi cũng không nhớ mình đã nói cái gì để an ủi bác ấy.
Bước ra khỏi phòng bệnh rất lâu sau đó, cuối cùng tôi vẫn không chịu được mà ngoảnh lại nhìn.
Trên hành lang người đi qua đi lại như thoi đưa. Tôi đã từng cho rằng bệnh viện là một chiếc cầu sinh tử song lại quên mất rằng trước kết cục của cái chết là cả một quá trình dài đằng đẵng của cảm giác đau không bằng cái chết đều xảy ra tại nơi này. Nó không chỉ hành hạ người có bệnh mà còn hành hạ cả những con người khỏe mạnh, khi chiến đấu với thần chết, căn bệnh trả giá cho tính mạng mà con người ta lại trả giá cho cả một đời người.
Tôi cho rằng diện mạo không trải sương gió của người con trai đó chỉ là vì một cái thất bại nho nhỏ mà không đứng dậy được. Tôi cho rằng cậu ấy vẫn là người kiêu ngạo, toàn thân toát ra đều là con cùng của trời nhưng lại không biết rằng sau chàng thiếu niên từng cười và nói với tôi rằng: chúng ta ngồi cùng một bàn đi” đó đã trải qua muôn vàn khó khăn.
Bỗng nhiên trong đám người tôi nhìn thấy cậu ấy, xách hộp cơm lại gần đi vào phòng bệnh.
Đáng lẽ phải nói “ngày kia mình quay lại Mỹ rồi nhưng cậu ấy lại không nói, hoàn toàn không nói.
Nhưng tôi không có cách nào tiến đến kéo tay cậu ấy lại một lần nữa để hỏi cho rõ ràng quá trình dài đằng đẵng này.
Tôi thích Dư Hoài của năm đó, một Dư Hoài tuyệt vời nhất, đẹp đẽ nhất.
Nhưng những hồi ức đẹp đẽ, sự sùng bái mong manh đó thật sự có thể chịu được một Dư Hoài bi thương của bây giờ không?
Cậu ấy của khi ấy là tuyệt vời nhất, tôi của sau này mới là tôi tuyệt vời nhất.
Nhưng mà điều tuyệt vời nhất của chúng tôi lại cách nhau cả một thanh xuân.
Sao có thể chạy trốn được thanh xuân, chỉ đành giơ tay chào tạm biệt mà thôi.