Điều Bí Mật Của Chồng

Chương 17: Họa vô đơn chí

Trước Sau

break
Sau bữa tối, Lý Dương chơi dán tranh cùng Ni Ni, thấy Điền Ca ở trong bếp hì hụi lau sàn nhà, anh bèn dỗ dành con gái chơi một mình rồi qua giúp vợ.

- Để anh, bà xã nghỉ một lát đi. - Lý Dương giành lấy cây lau nhà từ tay Điền Ca, nhanh nhẹn lau sàn phòng bếp, phòng khách và hai phòng ngủ sạch bóng.

- Sao bỗng dưng chịu khó thế, chắc là có chuyện gì rồi đây? - Điền Ca vừa cắn quả táo vừa cười khúc khích.

- Hôm nào mà anh chẳng chịu khó?

- Vâng, anh là ông chồng tốt nhất trên đời.

- Đúng là anh có chuyện cần bàn bạc với em đấy.

- Có thể không bàn bạc được không.

- Không được.

- Lý Dương, mỗi lần anh bảo có chuyện cần nói em thấy rất sợ.

- Không còn cách nào khác, em là vợ anh thì không tránh khỏi những lúc phải bàn bạc với nhau. Lại đây, mình nói chuyện. - Lý Dương mang cây lau nhà vào phòng vệ sinh, nhúng vài cái vào nước cho sạch rồi cất vào vị trí ban đầu, sau đó kéo Điền Ca tới phòng khách.

- Chắc chắn không phải là chuyện tốt lành rồi.

- Dự cảm của em đôi khi cũng đúng nhưng không hoàn toàn chuẩn xác.

- Nói mau đi! - Điền Ca bỏ quả táo đang ăn dở xuống, tròn xoe mắt nhìn anh.

- Điền Ca à, - Lý Dương đưa tay phải lên dịu dàng vuốt ve mái tóc của cô. - nếu như không tìm được số tiền kia thì chúng mình làm lại từ đầu nhé, được không?

Điền Ca sững sờ, cắn môi nói:

- Tại sao? Không tìm được à?

- Ý anh là, nếu như.

- Không được nói như vậy, em không thích nếu như. - Điền Ca lại ăn táo nhưng chả thấy ngon lành gì nữa, nước mắt lã chã rơi.

- Được rồi, mình không đặt giả thiết như thế nữa. - Lý Dương ôm vợ vào lòng, vỗ về. - Đừng khóc nữa, để Ni Ni trông thấy thì không hay đâu, em không sợ con bé lêu lêu em à.

- Thực sự không tìm được sao? - Điền Ca bỏ quả táo xuống, băn khoăn hỏi anh.

- Không có chuyện đó đâu, tuyệt đối không có. Tin anh đi, nhất định anh sẽ lấy lại số tiền cho em.

- Bên Tích Tích có tin tức gì không?

- Cô ấy gọi điện bảo vẫn đang xác minh một vài vấn đề trong công ty của Xuân Phong, công ty hiện đang có không ít khoản nợ rắc rối, có lẽ tiền của mình cũng nằm trong đó, một khi chứng thực được cô ấy sẽ trả lại ngay cho mình.

- Thật vậy sao?

- Thật. Hãy tin Tích Tích, cô ấy là người tốt.

Lý Dương tìm điều khiển từ xa, mở tivi.

Ni Ni chạy tới hỏi bài, Điền Ca vội rời khỏi vòng tay của Lý Dương, hai mẹ con chụm đầu về phía cái bàn.

Tối hôm ấy Điền Ca quyết tâm gạt bỏ chuyện tiền bạc ra khỏi đầu, cô không muốn nhắc đến nó nữa, trăn trở nhiều chỉ làm cho mình cho người không vui. Sáng hôm sau trên đường đi làm, cô chợt nghĩ tại sao Lý Dương lại đột ngột đưa ra giả thiết như vậy nhưng không tìm được nguyên nhân. Thôi bỏ đi, không nghĩ tới nữa, nghĩ nhiều cũng có tác dụng gì đâu, chỉ tự làm khổ cái thân.

Buổi sáng, Điền Ca siêu âm cho một bệnh nhân mắc bệnh trĩ. Không biết bao nhiêu ngày rồi người bệnh chưa tắm rửa mà để phân và nước tiểu tràn ra bên ngoài, tanh tưởi khó chịu. Cô bảo đồng nghiệp Tiểu Lưu đứng sang một bên, còn mình thì tập trung siêu âm thật kĩ khiến phân và nước tiểu dính cả vào probe và ngón tay của cô. Mặc dù rất khó chịu nhưng đây là bổn phận và trách nhiệm nên cô không thể phàn nàn, mà những việc như thế cũng chẳng lạ gì với nghề của cô.

Buổi trưa, Điền Ca xuống căngtin ăn cơm; vừa gắp một đũa rau xào mềm nhũn vào miệng, cô lập tức liên tưởng đến bệnh nhân buổi sáng, suýt chút nữa thì nôn. Cô đành để cái bụng trống rỗng cho đến tận lúc tan ca. Điền Ca đang siêu âm cho bệnh nhân cuối cùng thì cánh cửa phòng bỗng mở toang, gió từ bên ngoài ùa vào lạnh cóng. Điền Ca giật mình, rời mắt khỏi màn hình máy siêu âm. Người đang hùng hổ bước vào phòng là một bệnh nhân nữ, chị ta thở hổn hển, sắc mặt tái nhợt, mắt vằn tia máu đỏ, hăm hăm chỉ tay vào mặt Điền Ca, chửi như tát nước:

- Tôi đã sớm nghi ngờ bệnh viện khốn nạn của các người làm việc mờ ám, chẳng coi ai ra gì. Đã lấy bao nhiêu tiền phong bì rồi? Ăn bao nhiêu tiền hoa hồng rồi hả? Các người hại chết người rồi, biết không?

Điền Ca không hiểu, cố giữ bình tĩnh hỏi lại sự tình:

- Chị đừng nóng, có chuyện gì cứ từ từ nói. Chị gặp chuyện gì à?

- Ba ngày trước tôi đến bệnh viện đăng ký khám dịch vụ. Hôm nay, tôi xếp hàng mất ba tiếng đồng hồ sau mới gặp được bác sĩ, thế mà ông ta chỉ khám cho tôi nửa phút, nói không đến ba câu rồi viết giấy bảo tôi đi siêu âm. Y tá khoa siêu âm hẹn tôi hôm khác đến khám tiếp. Tôi đành phải về nhà, kiên nhẫn chờ đợi thêm ba ngày hai đêm nữa. Một giờ trưa nay tôi đã có mặt ở đây, tại sao đã gần hết giờ làm việc rồi mà vẫn chưa đến lượt tôi? Khốn nạn! Không biết chừng trong người tôi có khối u ác tính, nếu các người trì hoãn việc khám bệnh thì các người phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với cái mạng này.

Điền Ca trợn tròn đôi mắt, cả ngày ở trong phòng siêu âm tối thui, hình ảnh đập vào mắt nếu không phải là u bướu thì nhất định là u nang, nhìn nhiều đến quay cuồng đầu óc. Quả thực chiều nay có đến bốn năm bệnh nhân chen ngang thứ tự siêu âm. Một người là bạn của bác sĩ khoa ngoại, một người là bệnh nhân do chủ nhiệm khoa tuyến vú gọi điện giới thiệu, một người được lãnh đạo bệnh viện đưa đến, một người khám cấp cứu, còn một người khám trong tình trạng nguy kịch. Theo nguyên tắc, những trường hợp bệnh nặng, người già và trẻ em được ưu tiên khám trước; nhưng những người bệnh được lãnh đạo, đồng nghiệp giới thiệu, hay bạn bè nhờ vả để được khám trước cũng chẳng có gì lạ. Chuyện chen ngang thứ tự ngày nào chả gấp nên người bị thiệt thòi bất mãn là chuyện thường tình; tuy nhiên rất ít người dũng cảm đòi quyền lợi. Điền Ca không ngờ hôm nay lại có người phản ứng quyết liệt như vậy, cô vô cùng áy náy, những muốn mở miệng giải thích, nhưng bệnh nhân không cho cô cơ hội được nói. Chị ta vớ lấy cuốn sổ bệnh án ở trên bàn, ném thẳng về phía Điền Ca, miệng không ngừng tru tréo.

- Mẹ kiếp! Các người là một lũ bác sĩ vô liêm sỉ! Không có đạo đức! Không có tình người! Dám coi thường tính mạng của người dân à? Dân thường đi khám bệnh sao khó khăn thế hả? Cứ tiếp tục làm ăn kiểu này thì các người chẳng có kết cục tốt đâu! Hôm nay bà đ... thèm siêu âm nữa!

Chị ta trút giận xong, đẩy cửa đi ra, những giọt nước mắt lăn xuống gò má. Điền Ca cũng bực tức đi ra khỏi phòng siêu âm, miệng lẩm bẩm:

- Sao mình còn bình tĩnh được cơ chứ?

Trên đường về nhà, Điền Ca ghé vào quảng trường Hải Tín.

2

Trung tâm mua sắm Hải Tín là nơi tập trung các thương hiệu lớn, chuyên bán các mặt hàng xa xỉ, nên chủ yếu nhắm vào đối tượng khách hàng là những người thành đạt. Thỉnh thoảng Điền Ca cũng cùng bạn bè tới đây nhưng chưa bao giờ cô chịu bỏ tiền ra mua món đồ nào cả. Có lần cô vô tình phát hiện ra trong trung tâm mua sắm có một hiệu bánh mì bán loại bánh mì trái cây, nên mua về cho Ni Ni nếm thử, con bé rất thích ăn loại bánh mì có hương vị đặc biệt này, vì thế mỗi tuần cô đều tới đây mua một cái bánh mì thưởng cho con gái.

Đây là hiệu bánh mì nổi tiếng của người Đức, mùi bơ sữa thơm ngậy làm ruột gan Điền Ca cồn cào thêm. Cô định mua thêm một cái nữa, ăn thử một lần cho biết mùi vị nhưng xem giá bán, một cái bánh cũng phải từ bảy tám tệ đến mười tệ. Cô nghĩ bụng: Bán đắt như vậy hẳn là có lý do của nó, các nguyên liệu ở đây đều là hàng thượng hạng, trẻ em đang phát triển nên ăn những thứ như thế này, còn người lớn thì không cần lắm. Cô nuốt nước bọt, nấn ná một lát rồi về nhà.

Khi xếp hàng trả tiền bánh mì, Điền Ca chợt nhìn thấy Tích Tích đứng ngay phía trước mình. Hai người phụ nữ ngỡ ngàng nhìn nhau rồi mỉm cười chào hỏi. Điền Ca mua mỗi cái bánh mì nên không dùng đến giỏ hàng, trong khi Tích Tích đẩy một xe đồ đầy ắp. Điền Ca nhìn lướt qua, ngay đến băng vệ sinh cũng là hàng ngoại. Thanh toán tiền xong, hai người cùng đi ra bãi đỗ xe, hỏi han mấy câu xã giao, sau đó Tích Tích bước vào xe Volvo, Điền Ca bước vào xe Yanyan. Trình độ lái xe của Điền Ca không cao, xe lại đỗ hơi lâu nên khi nổ máy, động cơ phát ra tiếng kêu lạ, cô xuống xe kiểm tra; lúc đó xe của Tích Tích đi ngang qua, trong tích tắc Điền Ca cảm thấy chiếc Volvo sành điệu phía trước trông thật thô thiển, đến cả màu sơn cũng xấu xí.

Vừa về nhà, suýt nữa thì Điền Ca trượt ngã; thì ra là đống đồ chơi của Ni Ni đang bày ngổn ngang ngay trước cửa nhà. Bà Phượng đang nấu cơm trong bếp, bà nhớ cháu nên cách dăm ba hôm lại sang.

Ni Ni đang ngồi chơi một góc trong phòng khách, còn Lý Dương ngồi trên sofa tập trung xem một chồng báo cáo kế toán. Lý Dương rất siêng năng, ngoài việc thường xuyên làm tăng ca, anh luôn đem theo một xấp giấy tờ dày cộp trong cặp tài liệu, lúc nào rảnh lại lôi ra làm.

Không biết vì chuyện bệnh nhân hôi hám ban sáng hay chuyện chửi bới ban chiều, lại cộng với dạ dày rỗng tuếch nên Điền Ca sinh ra bực dọc vô cớ. Cô đi vào phòng vệ sinh, trên bồn rửa tay toàn là nước, sàn nhà và bồn cầu cũng thế, rõ ràng có người vừa tắm xong không chịu lau chùi sạch sẽ. Cô vặn vòi rửa tay, chai nước rửa tay chẳng còn một giọt nào, bánh xà phòng bình thường vẫn để trên giá bên cạnh cũng biến đâu mất. Vì mẹ đẻ đang ở đây nên cô cố nhịn, chạy vào bếp tìm xà phòng để rửa tay.

Cô tới phòng khách đứng nhìn chằm chằm Lý Dương. Vừa nhìn thấy vẻ mặt khác thường của cô, anh vội dừng ngay công việc.

- Em làm sao vậy? - Lý Dương hỏi.

- Nhà cửa bẩn như chuồng lợn. - Điền Ca thốt ra năm từ cụt ngủn.

- Lợn không phải là loài bẩn nhất đâu nhé, con lửng còn bẩn hơn cả lợn đấy.

Mọi khi nghe Lý Dương pha trò như vậy, Điền Ca đều cười khúc khích, nhưng hôm nay, mặt cô lạnh lùng như phủ một lớp sương giá.

- Anh mới về được một tí, vừa dùng nhà vệ sinh xong. Anh biết em sắp về nên không lau, chờ em tắm rửa xong thì lau một thể. Thôi lát nữa anh đi lau. - Lý Dương xoa dịu.

Điền Ca sầm mặt lại chẳng buồn đáp lời. Vừa lúc đó bà Phượng gọi hai vợ chồng vào ăn cơm. Để xua tan bầu không khí ngột ngạt, Lý Dương trêu Ni Ni:

- Để bố thử tài quan sát của con gái nhé, bố đặt câu hỏi cho con nhé, chịu không?

Ni Ni vỗ tay, hồ hởi với trò chơi mới:

- Ồ! Hay thế.

Lý Dương bắt đầu đặt câu hỏi:

- Khi con mèo cái tức giận, hình dạng và màu sắc khuôn mặt cũng thay đổi, đố con biết nó thay đổi thành hình gì?

Ni Ni nói:

- Có phải là quả cà không ạ? Con nghe bà ngoại nói “giận quá mặt biến thành quả cà”.

Bà Phượng bật cười, hỏi lại cô cháu gái:

- Bà nói khi nào nhỉ?

Lý Dương lắc đầu:

- Không đúng rồi.

Ni Ni ngẫm nghĩ một chút rồi đoán tiếp:

- A! Thế thì là quả dưa hấu? Hôm nọ con chơi ở dưới tầng, nghe thấy một chú nói “tức đến xanh lè mặt mũi”, thế thì giống với màu vỏ quả dưa hấu rồi?

Lý Dương lại lắc đầu.

Ni Ni chịu thua:

- Vậy là hình gì hả bố? Bố nói cho con biết đi.

Lý Dương thì thầm:

- Đáp án ở trên mặt mẹ con ấy, con nhìn mặt mẹ thì biết.

Ni Ni nhìn Điền Ca, bật cười khanh khách:

- Mẹ, bố nói mẹ là con mèo cái, con mèo cái!

Điền Ca đập đũa đánh rầm xuống bàn ăn, hằm hằm nhìn Lý Dương. Anh vội tỏ ra oan uổng:

- Em đừng nhìn anh với ánh mắt ấy. Anh nói đùa thôi cũng không được à?

Điền Ca đứng dậy, đi thẳng về phòng ngủ.

Lý Dương và mẹ vợ ngơ ngác nhìn nhau, không biết Điền Ca bực bội gì ở bên ngoài. Buổi sáng, khi ra khỏi nhà cô vẫn vui vẻ, chả hiểu sao bây giờ lại như vậy?

- Kệ cho nó đói một bữa đi. - Bà Phượng bực mình nói.

- Mẹ không phải lo lắng đâu, lát nữa cô ấy sẽ ổn thôi. - Lý Dương nói đỡ cho vợ, - Có lẽ là do đi làm về mệt quá, khi nào cô ấy đói con sẽ nấu cho cô ấy.

Nửa đêm, Điền Ca bị cơn đói giày vò không ngủ được. Cô lọ mọ chui xuống bếp ăn nửa cái bánh màn thầu, nước mắt rơi lã chã. Trong khi đó Lý Dương đang ngủ say như chết.

Bà Phượng ở lại một đêm với cháu gái, hôm sau là thứ Bảy, Ni Ni đòi đi thăm con chó nhỏ nhà bác cả. Anh trai Điền Ca nuôi một con chó, Ni Ni rất thích chơi với nó. Bà Phượng bèn đưa con bé về khu Lý Thương. Trong nhà chỉ còn hai vợ chồng, thế mà Điền Ca cứ hậm hực, chả để ý gì đến chồng. Lý Dương băn khoăn, không trêu không ghẹo vợ, không biết anh đắc tội gì với cô đây?

Điền Ca lau nhà, ngâm quần áo, sau đó quay lại phòng khách, ngả người lên sofa, cầm cuốn tạp chí y học giở qua vài trang rồi vung tay ném cuốn tạp chí.

- Thái độ gì vậy? Sao em giận lâu thế? Hay thật đấy! Ai bắt nạt em, nói cho anh nghe đi. - Lý Dương muốn dỗ dành Điền Ca, anh ngồi xuống quan sát sắc mặt cô, - Ai làm em khó chịu?

Anh sờ trán vợ nhưng bị cô hất tay ra.

- Xe cũng mua rồi, sao em vẫn không vui? - Anh lại hỏi.

Cuối cùng Điền Ca cũng chịu nói, nhưng vừa mở miệng đã hạch tội Lý Dương:

- Nhà cửa thì chật chội, quần áo không có chỗ treo, phòng bếp, phòng vệ sinh, phòng ngủ, chỗ nào cũng nhét đầy đồ đạc, ngay đến chỗ để chân cũng chẳng có. Anh không thấy sao? Không phiền chút nào sao? Anh...

Nụ cười trên mặt Lý Dương tắt ngấm, Điền Ca lại chạm vào nỗi đau trong lòng anh.

- Em đừng có rỗi hơi kiếm chuyện. Đây là lần cuối cùng anh cảnh cáo em, chớ nói chuyện với anh bằng cái giọng đó, anh không nhịn được nữa đâu. - Lý Dương đổi sắc mặt.

- Em quá đáng như thế nào? Em quá đáng sao? Em làm quần quật nhiều năm trời, nhẫn nhịn nghe người ta giáo huấn, bị bệnh nhân chửi chẳng dám cãi một câu, bận đến nỗi cơm trưa cũng chẳng nuốt nổi, em vì cái gì? Không phải là vì năm nghìn tệ cuối tháng ư? Em biết em không kiếm được nhiều tiền, nhưng y tá quèn lương hai nghìn tệ cũng có cuộc sống tốt hơn em, tại sao lại ngược đời thế hả? Em không dám tiêu xài hoang phí, chắt chiu hà tiện, đến bây giờ ngoài cảm giác khủng hoảng luôn đeo bám từng giờ từng phút ra thì chẳng có cái gì, những năm tháng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời đều trải qua trong cái gác xép tồi tàn này, cứ tiếp tục sống như thế này, chẳng bằng chết quách đi cho rồi. - Điền Ca lại khóc bù lu bù loa.

- Cách nhìn cuộc sống của em không đúng đắn. Suốt ngày em toàn sĩ diện hão, ham hư vinh, chỉ quan tâm đến chuyện mặc quần áo thương hiệu nào, mở mồm ra thì toàn là tiền tiền tiền. Trong mắt em, ngoài tiền ra, không còn cái gì khác hả? Người một nhà mà không có tình thân sao? - Lý Dương cảm thấy máu nóng bốc lên tận đỉnh đầu, - Anh không thể cải thiện cuộc sống của em, anh chỉ có ngần ấy bản lĩnh thôi, chỉ kém cỏi vậy thôi, em lấy anh rồi thì phải chấp nhận cuộc sống này, ai bảo ngày xưa em cố sống cố chết lấy anh? Ai từng nói: Chỉ cần được ở bên nhau là đủ rồi nào, là em nói dóc đúng không?

Điền Ca những tưởng Lý Dương sẽ nhẫn nại dỗ dành cô như lần trước, hễ anh nói mấy lời dịu dàng, đường mật thì bao nhiêu nỗi tức giận, ấm ức trong lòng cô đều tiêu tan hết; thế mà, hôm nay anh lại quay sang đấu khẩu, làm cô càng thêm tức, chẳng thèm lựa lời:

- Hồi đó mắt em bị mù, không biết rằng anh chỉ là kẻ nói khoác, mơ mộng viển vông, kết quả là ngay cả chức quản lý kế toán xoàng nhất cũng chẳng với tới được, đầu tư cổ phiếu thì thâm hụt, đầu tư vàng thì lỗ vốn, thử nói anh làm được gì? Em khinh loại người nói như rồng leo làm như mèo mửa, anh thử nhìn thiên hạ xung quanh xem, có ai không sống tốt hơn anh không?

- Anh chẳng qua chỉ là một nhân viên kế toán bình thường, đời này anh chỉ được có thế thôi, không có khả năng thăng quan phát tài, em sống được thì sống, không sống được thì chia tay, không ai buộc xích vào chân em, còn em quyết định ở lại đây sống cùng anh thì đừng hi vọng hưởng vinh hoa phú quý gì!

Lý Dương vớ chìa khóa xe, xô cửa đi ra.

Điền Ca đang buồn não ruột, chợt tiếng điện thoại bàn làm cô giật bắn cả mình.

3

Đầu dây bên kia truyền lại giọng nói đặc chất vùng Hà Nam:

- Alô!

- Dạ, cháu nghe đây.

- Lý Dương có nhà không?

- Anh ấy không có ở nhà ạ.

- Cháu là vợ của Lý Dương đấy à?

- Vâng ạ.

- Ta là chú ba đây.

- Lý Dương không có ở nhà đâu ạ. - Điền Ca nhắc lại một lần nữa.

- Nó không có ở nhà cũng không sao, cháu chuyển lời là được rồi. Lần trước chú đã nói với nó về chuyện làm ăn của chú, cháu hỏi nó suy nghĩ thế nào? Không cần nhiều đâu, những người có thể mượn, chú đều hỏi mượn rồi nhưng chưa đủ, phải nghĩ cách tìm người góp vốn. Vụ đỗ xanh này, khi nào thu được tiền về thì sẽ trả cho các cháu. Bảo nó không phải lo lắng gì hết, bây giờ đỗ xanh rất được giá, chú tích được hơn mười tấn rồi, trong tay chúng ta có đỗ thì sợ gì chứ?

“Danh tiếng” của chú ba Điền Ca từng nghe qua. Chú Lý Dương gần năm mươi tuổi mà đã ly hôn hai lần vì mải chơi bời lông nhông, không chịu làm ăn tử tế, trước khi lấy vợ thì ăn bám bố mẹ, đến khi có gia đình thì lại ăn bám vợ. Hai năm trước, chú ba buôn bán nhỏ ở thị trấn được ba tháng, vừa mới ly hôn với một người vợ ở nông thôn chưa được bao lâu thì lại cưa kéo được cô vợ trẻ ở thị trấn, hai người góp gạo thổi cơm chung một thời gian rồi tuyên bố làm đám cưới. Dù sao kết hôn lần ba cũng là kết hôn, chú tìm Lý Dương mượn tiền, lấy lý do là: “Chú không có tiền nên không muốn phô trương, chỉ làm đơn giản mấy mâm cỗ để bà con lối xóm khỏi cười chê nhà họ Lý chúng ta kém cỏi. Chú ruột của cháu gặp chuyện lớn mà họ hàng thân thích chả có một ai chịu giúp, bằng không chú cũng không gọi điện nhờ vả cháu trai đang ở xa thế đâu...”.

Chú hỏi mượn sáu nghìn tệ, Lý Dương gửi ba nghìn tệ, thế mà số tiền đó cũng mất hút, chẳng thấy trả lại. Cuối cùng cuộc hôn nhân đó cũng sớm kết thúc, không biết vì đâu cô vợ trẻ lại rời bỏ chú ba.

Còn chuyện buôn đỗ xanh thì Điền Ca không rõ đầu cua tai nheo thế nào. Dạo trước chú ba gọi điện nói chuyện này với Lý Dương tha thiết mời anh giúp đỡ, hứa hẹn lời lãi chia đôi. Lý Dương không muốn làm ăn với chú nhưng chú cứ lằng nhằng gọi đến mấy lần. Chú gọi hai lần, Lý Dương đều bận họp, không nghe máy, thế rồi chú chọn đúng ngày cuối tuần gọi thẳng vào điện thoại cố định ở nhà.

Ông chú vô lại này thật là, số tiền lần trước còn chưa trả thế mà giờ còn nói không biết ngượng mồm? Điền Ca vắt óc suy nghĩ cũng không hiểu được, những người ở quê Lý Dương, ngoài chuyện xây nhà, kết hôn và làm ăn buôn bán ra thì có lúc nào nhớ tới anh không, có gọi điện hỏi thăm anh sống thế nào, lần nào gọi điện cũng đòi anh giúp đỡ, mượn tiền... Điền Ca tức lộn ruột.

Cô chỉ nói gọn lỏn:

- Cháu sẽ chuyển lời tới Lý Dương. - Rồi không đợi đối phương đáp lại, cô cúp ngay máy.

Điền Ca hậm hực ngồi trên ghế sofa. Chả hiểu ông trời run rủi thế nào, cô lại có ý nghĩ kiểm tra tài khoản của Lý Dương. Cô vào tài khoản ngân hàng China Merchants mà anh hay dùng, bất ngờ tra ra một giao dịch chuyển khoản năm trăm tệ tới huyện x tỉnh Hà Nam, người nhận là Tiêu xx, tên một người phụ nữ, cùng họ với mẹ chồng. Xem thời gian, cô chợt nhớ ra, dạo trước dì của anh gọi điện tới mượn tiền. Lúc đó cô đề nghị cho dì năm trăm tệ tiền mừng cưới nhưng anh quả quyết nói một xu cũng không cho, sao giờ lại dấm dúi gửi năm trăm tệ? Chẳng nhẽ cô quá nhỏ mọn, không cho người nhà mượn số tiền lớn đã đành, ngay đến tiền mừng cưới cũng bủn xỉn sao? Đây không phải hành động sỉ nhục Điền Ca à, nhiều năm qua anh viện trợ cho nhà nội hoặc ít hoặc nhiều, cô có nói câu nào quá đáng đâu?

Điền Ca gặp nhiều chuyện bực mình cùng một lúc nên chẳng nghĩ ngợi gì, gọi điện ngay cho Lý Dương, bắt anh giải trình thấu đáo. Cô nghe trong điện thoại có tiếng nước chảy tí tách, không biết anh đang làm việc gì. Lý Dương không nhẫn nhịn được nữa, điên tiết quát ầm lên:

- Sao cô lắm chuyện thế? Đừng có kiếm cớ gây sự! Tự dưng vào tài khoản của tôi làm gì?

Bụp! Anh tắt máy.

Điền Ca tức điên người. Không trút được giận, cô đành kìm nén trong lòng nhưng càng kìm nén thì càng ức chế. Một lúc sau, điện thoại bàn lại đổ chuông, cô tưởng là Lý Dương nên định to tiếng với anh, nhưng đó lại là giọng của người khác.

Thật bất ngờ, lần này là bố chồng gọi đến. Lý Dương thường xuyên nói chuyện điện thoại với người thân, có điều toàn anh gọi điện về chứ chả mấy khi bố mẹ anh chủ động gọi. Không phải là họ không quan tâm đến con cái mà cái chính là họ quen với kiểu liên lạc ấy rồi. Bỗng nhiên hôm nay bố chồng gọi điện, Điền Ca nghĩ chắc chắn là có chuyện.

Quả nhiên là có chuyện thật. Buổi chiều chú ba đến nhà bố mẹ Lý Dương tìm anh cả và chị dâu hỏi số điện thoại nơi làm việc của Lý Dương và số điện thoại cố định ở nhà. Ngày trước chú ba đã lưu mấy số điện thoại này vào di động nhưng về sau chú đánh mất máy nên bây giờ mới phải hỏi lại. Chú ba nói với anh trai định mở một cửa hàng nhỏ, làm ăn nghiêm chỉnh nên cần hỏi Lý Dương mấy vấn đề về kế toán.

Bố chồng nhẹ dạ cả tin, đọc vanh vách số điện thoại của Lý Dương cho. Mẹ chồng suy nghĩ cẩn thận hơn, bà rất hiểu em mình vốn là loại người ham ăn biếng làm nên khi vừa bước vào nhà, nhìn vẻ mặt lấm la lấm lét của chú ba, bà đã đoán ngay chú ta có âm mưu gì đó. Con người này toàn thói hư tật xấu, bị hết người vợ này đến người vợ kia đuổi đi, lại còn qua lại với đám gái đĩ lả lơi, bôi gio trái trấu vào mặt tổ tông tám đời nhà họ Lý... Bản tính ngấm vào máu rồi thì không thể sửa được, bởi vậy sau khi chú ba về, mẹ chồng Điền Ca càm ràm không ngớt bên tai chồng. Nghe vợ phân tích có lý, ông lập tức gọi điện thoại cho Lý Dương dặn dò: Nếu chú ba gọi điện mượn tiền thì kiên quyết không cho mượn. Chú mượn khắp họ hàng, bao nhiêu tiền mồ hôi nước mắt của người ta rơi vào tay chú không nổi mấy ngày là tiêu tan hết.

Nghe giọng của bố chồng, Điền Ca cố gắng lấy lại tâm trạng bình thường.

- Điền Ca à, Lý Dương đâu? Nó ra ngoài rồi à? Cuối tuần không ở nhà nghỉ sao?

- Bố ạ, anh ấy vừa ra ngoài rồi.

- Ừ. Các con thế nào? Đều khỏe cả chứ?

- Vâng.

- Ni Ni đâu? Con bé cũng không ở nhà à?

- Mẹ con đưa cháu về bên đó rồi ạ.

- Điền Ca, con có chuyện gì vậy? Nghe giọng con khác lắm, nói cho bố biết hai đứa xảy ra chuyện gì? Lý Dương ăn hiếp con à? Hay là thế nào?

Câu nói quan tâm của bố chồng không ngờ lại khơi ra chuyện chua chát chất chứa trong lòng Điền Ca.

- Chú ba có chuyện gì vậy bố? Lần trước chú mượn nhà con ba nghìn tệ vẫn chưa trả, lần này lại hỏi mượn nữa. Chú cũng lớn tuổi rồi mà sao không nghĩ thay cho Lý Dương thế! Chú cho rằng Lý Dương sống rất tốt, rất giàu có sao? Vợ chồng con xây dựng cuộc sống từ hai bàn tay trắng, phải làm việc rất vất vả, chịu bao nhiêu khổ nhục, nhà mình có ai nghĩ cho chúng con không? Chúng con ăn gì, ở đâu, sống thế nào, có gặp khó khăn không, có ai từng quan tâm đến chúng con chưa? - Điền Ca nói, nước mắt lăn dài.

- Ngoài chuyện chú ba mượn tiền ra, Lý Dương với con còn có chuyện gì à? Con nói với bố để bố hỏi tội nó. - Bố chồng sốt sắng dò hỏi.

Điền Ca khóc nấc lên. Nghĩ đến hai mươi vạn tệ kia, trong lòng cô lại dâng lên một nỗi đau khó tả. Cô bộc bạch từ đầu đến cuối tất cả mọi việc.

Bố chồng im lặng lắng nghe. Ông thở dài:

- Điền Ca à, bố biết nhà mình có lỗi với các con. Các con ở xa, công việc, cuộc sống, tiền bạc, bố mẹ chẳng giúp được gì lại còn ngáng chân, gây thêm phiền phức cho các con. Hai hôm trước mẹ con bàn với bố, không biết các con tìm được nhà chưa, nếu quyết định mua thì thể nào bố mẹ cũng góp một ít... Ôi! Sao lại xảy ra chuyện với số tiền đó chứ!

Gác máy, Điền Ca vẫn khóc nức nở.

Nếu bố chồng không gọi điện lên, có lẽ không bao giờ cô hé răng về những chuyện này. Nói xong, cô cũng hơi hối hận, Lý Dương mà biết thì chắc là sẽ có chuyện vì xưa nay anh không cho phép cô nói những chuyện không vui với bố mẹ. Nhưng bát nước đổ đi rồi làm sao hốt lại được, nói thì cũng nói rồi, có gì ghê gớm đâu. Cô cũng không nói gì quá đáng, bực dọc vẫn chưa có chỗ nào để trút ra. Đôi khi cô ngờ vực, rốt cuộc họ có phải là bố mẹ ruột của của Lý Dương không? Lên đại học, anh đi làm thêm để trang trải cuộc sống thì không nói làm gì, hồi ấy cô cũng mến tính tự lập của anh nên mới yêu anh. Nhưng con cái kết hôn là chuyện lớn, vậy mà người làm bố làm mẹ lại không lo liệu, mặc kệ cho hai đứa thanh niên dẫn nhau đi đăng ký kết hôn. Thực ra, Điền Ca chỉ cần hai vợ chồng thương yêu nhau, còn tiền bạc cô không quan tâm nhưng chuyện mua nhà mấy lần bị gác lại vì lúc thì anh cả cần tiền để làm nhà; khi thì mẹ bị gãy chân, cháu trai bị bệnh. Năm nào cũng có chuyện khiến Lý Dương không được yên thân. Mà mỗi lần gia đình gặp khó khăn, người đầu tiên họ thông báo chính là Lý Dương. Nhà nội cho rằng anh làm việc trong thành phố thì hốt ra tiền hay sao? Bộ anh là cái máy in tiền chắc? Vì anh tốt bụng nên bố mẹ cứ đẽo tiền của con mình ư? Họ có biết nghĩ, anh chỉ là kẻ làm công ăn lương, kiếm bát cơm của người ta thì phải nghe người ta sai khiến, sao họ không hiểu chứ?

Những lời này chất chứa trong lòng Điền Ca từ lâu lắm rồi, chuyện gì cô cũng có thể nói ra, duy chỉ những lời này là phải kìm nén trong lòng. Ôi, thôi đi, thôi đi, cuộc sống này là do mi tự lựa chọn, mi lấy người như Lý Dương thì phải chấp nhận tất cả những gì liên quan đến anh. Được rồi, không mưu cầu tiền của, địa vị, hư vinh nữa, chỉ cần anh là một người chồng tốt là đủ rồi.

Cả ngày hôm ấy Điền Ca không ra khỏi nhà mà ngồi trước máy tính viết bài nghiên cứu. Muốn thăng tiến trong công việc mà chỉ cắm đầu cắm cổ làm việc thì chưa đủ, cần phải có thành tích thực sự. Đó không phải là lời nói của bệnh nhân khen bác sĩ này thật tốt bụng, kỹ thuật viên kia có chuyên môn giỏi. Những lời đầu môi chót lưỡi, chả có tác dụng gì, dẫu bệnh nhân thổi phồng bạn thành một đóa hoa thì đóa hoa đó cũng chỉ nở được mấy ngày mà thôi. Lãnh đạo chỉ công nhận thành tích của bạn dựa trên những giấy tờ chứng thực như bằng khen, bài viết có tính lý luận chuyên sâu được đăng trên một tạp chí uy tín. Đấy mới là những thứ tạo dấu ấn thành công trên con đường sự nghiệp của bạn. Viết bài nghiên cứu là quá trình lao động trí óc rất vất vả nhưng cũng có niềm vui, cho dù bài viết có được đăng báo hay không thì ít nhất nó cũng mang lại cho Điền Ca hi vọng tốt đẹp. Có ước mơ, có hi vọng, tâm hồn sẽ trở nên thư thái. Viết được mấy trang, cô tự thấy thư thái hơn, những phiền muộn dồn nén trong lòng hai ngày nay tự nhiên không còn nữa.

Sẩm tối, Lý Dương qua khu Lý Thương đón Ni Ni về. Anh mang thức ăn vào nhà, nhìn thấy Điền Ca đang cặm cụi viết bài, anh liền xắn tay áo, chui ngay vào bếp nấu cơm cho vợ con.

- Thôi chết! Điền Ca ơi! - Lý Dương chủ động giảng hòa, - Đợi một lát nhé, anh đi xem xe, kiểm tra một chút.

- Kiểm tra cái gì? - Điền Ca không hiểu, ngẩng đầu lên nhìn anh.

- Hôm trước trời mưa nên xe bẩn lắm. Để lát nữa anh rửa xe cho em, nước mưa dễ ăn mòn bề mặt lớp sơn lắm, nếu không rửa ngay, sơn xe sẽ bị hỏng.

- Cảm ơn!

Điền Ca không vui mừng, cũng không lạnh nhạt như lúc sáng. Nhưng sau bữa tối, cô xuống dưới nhà đi bộ, tiện thể ngó qua chiếc xe yêu quý, thấy nó đã được Lý Dương rửa bóng loáng, lòng cô bỗng vui vui. Cô nhìn vào trong xe ngỡ ngàng, các bộ phận bên trong như phanh xe, cần điều khiển số, gương chiếu hậu đều được dám decan màu hồng nhạt, ấm áp. Điền Ca quá đỗi vui mừng. Lần trước cô nhìn thấy decan dán xe ở cửa hàng trang trí ôtô, cô đã mê mẩn nhưng vì giá đắt nên không đành lòng mua, cũng không nói ra, không ngờ Lý Dương chu đáo đến mức này.

Điền Ca cảm thấy niềm vui thấm vào từng thớ thịt, tất cả buồn bực đều biến mất.

Đêm đến Lý Dương có một giấc mơ kỳ lạ. Anh mơ thấy ngôi nhà trát vách thuở nhỏ của mình, không rõ là vào buổi sáng tinh mơ hay nhá nhem tối, bố anh ngồi ở đầu giường, trên người mặc cái áo lụa thêu, liên tục chỉ ngón tay mảnh dẻ ra ngoài cửa sổ, gọi thều thào: “Dương ơi... Dương...”! Ông đang gọi thì mệt quá, ngã nhào, rồi lóp ngóp ngồi dậy gọi tiếp... Mãi đến khi trời gần sáng, Lý Dương mới bừng tỉnh khỏi giấc mơ.

Ngủ dậy, anh gọi điện ngay về quê nhưng trong nhà không có ai nhấc máy. Anh nghĩ, sáng nào bố mẹ cũng có thói quen đi tập thể dục, chắc hai ông bà đang luyện thái cực quyền ở bờ hồ. Anh kể lại giấc mơ cho Điền Ca. Cô nói:

- Hôm qua bố gọi điện lên, hẳn là bố nhớ anh, cũng đến một năm rồi chúng mình chưa về quê, hay anh sắp xếp thời gian đi, đặt mua hai vé máy bay giảm giá, em và anh cùng về thăm bố mẹ. Lần này không để Ni Ni bị say tàu say máy bay khổ sở nữa, để con bé ở chỗ mẹ, vợ chồng mình đi tầm một ngày thì về.

- Được, cuối tuần sau nhé, sáng thứ Bảy đi chiều Chủ nhật về, không làm lỡ công việc.

Hôm ấy là Chủ nhật, Lý Dương không đi làm, cũng không phải đi tiếp khách, nên muốn có một ngày vui vẻ bên vợ con. Điền Ca tính cả nhà đi Thung lũng Vui vẻ xem động thực vật vùng nhiệt đới, quang cảnh ở đây rất đẹp, không khí lại thoáng đãng, mát mẻ. Hơn nữa, cô đã làm vé tháng dành cho gia đình, vào đây chơi cả ngày, ngoài tiền ăn uống ra thì không phải chi tiêu khoản nào khác. Nhưng Ni Ni đến Thung lũng Vui vẻ nhiều lần rồi, thành thử không thích đi nữa. Điền Ca sợ con bé đòi đi Thế giới Thủy cung nên hơi sót ruột nhưng con bé muốn đi thì phải chiều nó dù trong lòng không thoải mái. Cũng may, Điền Ca thương lượng được với Ni Ni:

- Đi công viên chụp ảnh được không?

Con bé liền vỗ tay hưởng ứng. Đến đây không cần vé vào cổng, còn kinh tế hơn Thung lũng Vui vẻ. Nhìn nụ cười hồn nhiên của con bé, Điền Ca thầm nghĩ: “Bảo bối à, chờ đến lúc mẹ phát tài, chỉ cần con muốn thì ngày nào mẹ cũng đưa con tới Thế giới Thủy cung”.

Ăn sáng xong, hai mẹ con hí hửng làm đỏm. Điền Ca sửa soạn cho Ni Ni trước, tết tóc, cài nơ, mặc váy, trông con bé như một chú bướm xinh xắn. Cả nhà xuống tầng, Điền Ca và Ni Ni vui mừng tíu tít, còn Lý Dương hơi bồn chồn bất an, khi xuống tầng anh nán lại một lát gọi một cuộc điện thoại về quê.

Điền Ca và Ni Ni ngồi yên trí trong xe, Lý Dương kiểm tra săm lốp một lượt. Khi vợ con giục anh lên xe thì điện thoại trong túi quần Lý Dương chợt đổ chuông.

“Mới sáng Chú nhật đã gọi điện tới rồi, ai nhỉ? Không phải tăng ca đấy chứ?”. Điền Ca ngó ra ngoài cửa xe nhìn Lý Dương, lẩm bẩm. Cô nghi nghi là người dưới quê của anh gọi lên, có lẽ là chuyện chú ba mượn tiền nhưng cô không lo, tối qua cô đã chuyển lời của bố chồng đến anh rồi: “Không được cho cái thằng rơm rác đó mượn tiền. Người khác hỏi mượn còn có thể nhận lời, chứ thằng ba thì tuyệt đối không được”. Điền Ca cũng không hiểu tại sao bố chồng lại nói gay gắt như vậy.

Lý Dương vẫn cầm điện thoại, miệng không mấp máy.

Điền Ca nhìn thấy mặt anh đã đổi sang trắng bệch, mất hết thần sắc.

Bỏ điện thoại xuống, anh còn đứng đờ ra. Cô hạ cửa kính xe xuống hỏi:

- Ở quê gọi lên à? Có chuyện gì thế?

- Phải đặt vé máy bay về quê ngay, giờ đưa Ni Ni sang chỗ mẹ trước.

- Sao vậy? - Điền Ca nhìn Lý Dương hồi hộp.

Lý Dương như người mất hồn, bước đi loạng choạng. Điền Ca vội vàng bước ra khỏi xe, ôm lấy cánh tay anh, lay lay hỏi:

- Xảy ra chuyện gì rồi? Mau nói cho em biết đi.

- Bố... mất rồi! - Giọng Lý Dương nghẹn lại, nước mắt trào ra khỏi khóe mắt, - Anh cả nói, hôm qua bố gọi một cuộc điện thoại đường dài xong thì phải đưa vào bệnh viện, cấp cứu suốt đêm...

Điền Ca chợt lạnh toát sống lưng, cả người như bị sét đánh.

Lúc này cô mới nhớ ra, lúc nói chuyện điện thoại với bố chồng, cô sơ ý không nhớ một việc là ông bị bệnh tim mãn tính, rất nặng.

break
Trúc Mã Bá Đạo Cưới Trước Yêu Sau
Ngôn tình Sắc, Sủng, Đô Thị
(Cao H) Không Xuống Được Giường
Ngôn tình Sắc, Sủng
Thái Tử Tỷ Phu Và Cô Em Vợ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Cổ Đại
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc