- Này, em thở dài gì nghe như lên cơn hen thế? – Đức ngó vào phòng Quỳnh. Bây giờ là đầu giờ nghỉ trưa của một ngày trong tuần làm việc thứ hai của cô – Chưa đi ăn à?
Quỳnh ngẩng lên, nhìn quanh. Tất cả đã đi khỏi, chỉ còn cô và Cúc Anh ngồi lại sửa cho xong mấy bài sáng nay dịch chưa đạt yêu cầu (yêu cầu của người mà ai cũng biết là ai đấy, dĩ nhiên).
- Hôm nay không hiểu Google bị làm sao, em tìm cái gì nó cũng báo lỗi, bắt nhập mấy chữ xác nhận. Gặp mấy từ khó tra mãi không xong.
- Em thử dùng Bing xem.
- Bing là cái gì ạ?
- À, bing.com ý. Cái này của Microsoft mới ra để đấu với Google.
- Thế ạ, để em thử…
Quỳnh mỉm cười. Những cuộc trò chuyện ngắn ngủi với những người không cùng phòng như Đức có lẽ vẫn là điểm sáng hiếm hoi trong những ngày làm việc càng lúc càng mệt mỏi của cô. Tuần trước, để trả công vụ sửa máy tính, cô đã mời Đức đi ăn bánh đa cua. Có lẽ hôm nay, anh chàng muốn đáp lễ. Tì tay lên thành cabin, liếc về phía Cúc Anh một cái rồi, Đức hạ giọng:
- Em thích món Nhật không?
- Tôi mới ăn có một lần, chả ngon gì cả – bất chấp nỗ lực nói thầm của Đức, Cúc Anh đã nghe thấy và nhảy xổ vào câu chuyện.
- Bà ăn ở đâu?
- Ở lễ hội hoa anh đào ấy.
- À, chỗ đấy, thế bà ăn cái gì?
- Sushi chứ còn cái gì. Tôi thấy ăn như dở hơi, thua xa xôi Nguyễn Hữu Huân.
Nghe đến đó, Đức vội quay đầu về phía cửa để giấu nét mặt khó tả, tổng hợp giữa hai cảm xúc buồn cười và chán nản nhưng phần buồn cười vượt trội hơn. Quỳnh ngẩng lên thấy được, vội vàng đứng dậy xua anh chàng ra cửa, vừa đi vừa nói với Cúc Anh:
- Em chưa ăn bao giờ, để thử một lần cho biết.
- Ừ, còn tớ còn cậu, cơm lam có khi còn ngon hơn…
Trong lúc cô gái vốn được mấy tay IT ví là “loa kêu trước, chip lả lướt chạy sau” vẫn đang tuôn một tràng tự thán phục về độ sành ăn của bản thân, hai người kia đã đi nhanh ra khỏi phòng. Khi cửa thang máy vừa đóng, Đức lập tức ngửa cổ giải phóng một tràng cười há há.
Nụ cười là thứ dễ lây nhất trên đời. Dù chưa thật hiểu tại sao Đức cười đến độ vấp đĩa toàn những sushi là sushi thế, Quỳnh vẫn không thể ngăn mình bắt chước anh chàng. Đúng lúc cơn cười xô Quỳnh gần như chúi về phía Đức, thang máy dừng ở tầng bốn, cửa xịch mở, Đăng lững thững bước vào.
Nhà hàng Nhật nhỏ trang nhã này chỉ cách văn phòng một cú vọt ga xe máy. Những người đã lên chức vụ quản lý trong toà soạn thường coi nó là một nơi trú ẩn an toàn, vì sẽ không nhân viên bậc thấp nào đủ khả năng vào đây thường xuyên để rồi bắt gặp những cảnh ăn uống nhồm nhoàm chẳng mấy đẹp mắt, nghe được những lời trò chuyện bình phẩm chẳng mấy lọt tai của họ. Nhưng ở Quan Sát, có hai người đứng ngoài quy luật ấy: Đức – người chỉ là nhân viên bình thường nhưng lại thừa điều kiện làm khách ở bất cứ chốn tiện nghi sang trọng nào, và Đăng, người đứng trong “tầng lớp cai trị” nhưng chưa bao giờ gật đầu trước bất cứ lời gợi ý hay mời mọc “đi ăn đồ Nhật” của bất cứ ai chứ đừng nói là tự động bước vào.
Quả thật, Đăng không thích ăn trưa ở nhà hàng Nhật, ăn tối cũng không. Suốt hai năm theo dõi những dự án hỗ trợ xoá đói giảm nghèo và phòng chống thiên tai, anh phải đi và chứng kiến cảnh đời cơ cực của quá nhiều người, ở quá nhiều nơi. Việc ăn một bữa cá sống bằng với thu nhập cả tháng của một gia đình nông dân vùng sâu vùng xa khiến anh cảm thấy không thoải mái. Vậy mà trưa nay, người dị ứng với nori và wasabi, người ghét cay ghét đắng rượu sake, người luôn cho rằng chữ s trong từ sashimi lẽ ra phải viết là x mới đúng với nghĩa xa xỉ… đã từ bỏ nguyên tắc của mình để ngồi trong nhà hàng Nhật, trước một đĩa bò Kobe sốt tiêu đen to đùng ngã ngửa. Không những vậy, người đang chia sẻ không gian bên trong lớp cửa giấy shoji và sẽ chia sẻ đĩa thịt hạng A5 với anh lại là một nhân viên nữ còn chưa được ký hợp đồng chính thức.