Điền Bỉnh Thanh nói, ba năm trước, cô nương cùng Hoàng đế Đại Trần đốt Cẩm Tú các. Bệ hạ lòng đau như cắt, mấy ngày mấy đêm không ăn không ngủ, hạ lệnh dọn dẹp đám cháy, cuối cùng tìm ra mật đạo dưới Cẩm Tú các. Lúc này người mới âm thầm tìm kiếm cô nương.
Hắn còn nói, những phi tần trong cung bệ hạ cũng như những đóa hoa trong ngự hoa viên, chỉ là thứ điểm xuyến cho hoàng thất. Tuy ở nơi tráng lệ, nhưng chẳng khác gì lãnh cung.
Câu trước ta không tin, câu sau… Ờm, ta cũng không tin.
Ta chui vào sâu trong long sàng rộng lớn của Phượng Triều Văn, ôm chân giò tẩm mật ong gặm đến khi trời tối.
Cha ta từng nói, hoa ngôn xảo ngữ mà nam nhân trên thế gian này sử dụng với nữ nhân là thứ không đáng tin nhất.
Lúc đó ta chớp mắt, hiếu kì hỏi: “Vậy năm xưa những hoa ngôn xảo ngữ cha từng nói với mẹ đều là có mưu đồ riêng, không đáng tin sao?”
Cha đánh vào sau đầu ta, “Tiên sư nhà ngươi, ta mà giống với mấy tên nam tử bạc tình chỉ biết nói lời đường mật kia hả?”
Ta như chú chó nhỏ, ôm lấy cánh tay ông lắc lắc, vội vàng thể hiện lòng trung thành: “Phải đó, cha của con là thánh tình, sao có thể đánh đồng với nam tử bạc bẽo bình thường được?”
Thế nên, ta chẳng tin lời của Điền Bỉnh Thanh, cũng chẳng tin Phượng Triều Văn so được với thánh tình.
Vì vậy ta phải ăn cho no, ngủ cho kĩ, dù buổi tối Phượng Triều Văn phê tấu chương về, chung giường chung gối, ta cũng bình thản như không. Nếu cha còn sống, nhất định sẽ khen ta khí phách ngút trời, rất có phong thái của cha.
Xưa nay ông thường không tiếc lời khen ngợi bản thân.
Mặc dù trước giờ ta luôn coi lời giáo huấn của ông là chuẩn mực trên đời, nhưng có lúc trong phút sơ hở, đầu óc không tỉnh táo vì quá no, ta không khỏi than thở: Phượng Triều Văn chắc chắn là nam tử bạc tình rồi, nhưng chưa từng nói với ta những lời đường mật.
Nhân một tối hắn đi ngủ sớm, ta đã ăn no căng, tò mò hỏi: “Bệ hạ, hằng ngày người ra vào hậu cung, có bao giờ cảm thấy một luồng oán khí chưa?”
Khi đó, hắn vừa xúc miệng rửa mặt xong, mái tóc dài đen mượt như lụa buông xõa, liền nằm lên long sàng, đầu vừa khéo gối lên bụng ta.
Ta luôn cảm thấy mái tóc hắn rất đẹp, vừa đen vừa bóng, lúc hắn xõa tóc, thực khó cầm lòng muốn sờ thử. Lại còn tư thế ngày hôm nay của hắn, thực tình rất tiện cho ta. Thế là ta thuận tay túm một lọn tóc đùa nghịch, nửa vờ nửa thật nói: “Từ khi thần vào cung, bệ hạ chưa từng gọi phi tần đến thị tẩm, việc này khiến lòng thần áy náy vô cùng. Các vị nương nương trong hậu cung giường đơn gối chiếc, lẽ nào bệ hạ không cảm nhận được luồng oán khí mạnh mẽ ấy sao?”
Ánh mắt hắn như thanh sát kiếm quét qua quét lại trên mặt ta: “An Dật, trẫm có thể hiểu là nàng đang hy vọng trẫm gọi phi tần tới thị tẩm không?”
… Không biết hôm nay ta bị chập mạch ở đâu nữa… Thật ra ta chỉ muốn nghiệm chứng lời nói của Điền Bỉnh Thanh chút xíu.
Nhưng rõ ràng Hoàng đế bệ hạ không thể lí giải sự hài hước này của ta. Hắn xách ta lên như gà con, tiện tay lấy long bào vừa nãy cởi ra, tùy ý mặc lên người ta, thô bạo nắm vạt áo xách ta đến cửa điện, mắng: “Nha đầu vô lương tâm… Đồ lòng dạ sắt đá… Ta đây sẽ gọi phi tần đến thị tẩm…” Dứt lời hắn mở toang cửa điện, thô lỗ vứt ta ra khỏi Trùng Hoa điện, rồi đóng cửa cái “rầm”.
Ta ngơ ngác, đối diện cửa điện đóng kín như bưng, lúc này mới có cơ hội biện bạch: “… Không thể tới cung của phi tần sao? Việc gì cứ phải đuổi thần ra khỏi Trùng Hoa điện?”
Quay đầu đối diện ánh mắt sáng quắc đang dò xét của Điền Bỉnh Thanh, trong mắt hắn, ta nhìn thấy một chữ: “Đáng đời!”
Ta đá hắn một cái, hung dữ mắng: “Ngươi dám cười ta?!”
Tên thái dám chết tiệt nham nhở: “Chắc nô tài đã khiến cô nương hoài nghi bệ hạ, nên bị ném khỏi long sàng, vứt ra ngoài rồi ư?”
Ta không nhịn nổi, lại đá thêm một phát, nhưng hắn tránh kịp.
Lần này hắn không dùng ánh mắt biểu thị sự bất mãn, mà nói thẳng thừng: “Đáng đời! Ai bảo nói mát bệ hạ giữa đêm khuya!” Nói xong hắn trở về điện bên cạnh đi ngủ. Trước khi đi còn đặc biệt quay lại dặn dò: “Nếu đêm nay đã có cô nương canh gác, vậy nô tài xin phép về phòng ngủ một giấc đã đời. Phiền cô nương rồi!”
Sao ta nghe như hắn đang cười trên nỗi đau của người khác thế.
Rạng sáng, ta cuộn chiếc long bào rộng rãi, tựa vào cột trụ bên cửa điện ngủ ngon lành. Hình như có tiếng cửa khẽ kêu, mơ hồ thầm nghĩ, chắc Phượng Triều Văn gọi phi tần thị tẩm đây… thế là lại ngủ tiếp.
Khi ta tỉnh lại, trời đã sáng bảnh mắt, chỉ thấy xương cốt toàn thân cứng đờ, day day chiếc cổ mỏi nhừ, liếc nhìn cửa điện một cách khó khăn. Cánh cửa đêm qua đóng kín giờ mở toang, một bóng người nghiêm nghị ngồi sau thư án, gương mặt của Phượng Triều Văn lạnh lùng đến mức có thể ướp dưa hấu, ánh mắt lướt qua làm ta sợ hãi, vội quay đầu nhìn ra bên ngoài.
Giờ mới thấy một điều làm ta sững sờ.
Dưới thềm đá, có người đang quỳ ngay ngắn, không biết đã bao lâu rồi.
Ta trộm liếc nhìn trong điện, rồi so sánh với mặt trời ấm áp bên ngoài, vẫn cảm thấy gần gũi với người đang quỳ trên sân này hơn một chút. Ta bèn xốc lại long bào, tiến nhanh hai bước, ngồi lên thềm đá, ngạc nhiên hỏi: “Yến tướng quân, sáng ngày ra quỳ ở đây làm gì?”
Hôm nay là ngày nghỉ, theo lẽ thường sẽ không có người làm phiền Phượng Triều Văn. Yến Bình làm quan bao nhiêu năm rồi, càng ngày càng chẳng có năng lực.
Ánh mắt Yến Bình rất phức tạp, hắn liếc nhìn long bào. Ta thản nhiên mặc hắn, dù sao đây cũng là Hoàng đế bệ hạ khoác cho chứ đâu phải lấy trộm.
Hắn sững lại một chút mới nói: “Ta đến xin ý chỉ của bệ hạ, mong người ban hôn.”
Ta sờ sờ cằm, thầm than thở, nếu tên này thật sự không muốn sống, định dùng đao kết liễu cũng là chuyện vô cùng dễ dàng.
Cho dù Phượng Triều Văn không bao giờ gặp Tần Ngọc Tranh thì nàng ta vẫn mang danh hiệu phi tử, sao có thể tùy tiện ban cho quan thần chứ? Nhưng đến nay ta và Yến Bình chưa từng thân thiết tới mức có thể tận tình khuyên nhủ hắn, chỉ có thể ôm ấp nỗi lòng xem cảnh náo nhiệt. Ta tỏ vẻ thông cảm: “Ta hiểu, ta hiểu. Ngọc phi nương nương nếu không tiến cung, nhất định đã kề vai sát cánh bên ngươi rồi.” Câu này đúng là nghĩ một đằng nói một nẻo, thật ra ta vẫn thích Phượng Triều Văn chia cắt đôi uyên ương hơn, kết cục rất hợp ý ta.
Ánh mắt Yến Bình cứ như ta là huynh đệ ly tán nhiều năm của hắn vậy. Đủ loại cảm xúc, đau lòng có, thương xót có, hiện trên gương mặt hắn.
Ta nghe thấy hắn nói: “An Dật, ta đến xin ý chỉ của bệ hạ, mong người ban nàng cho ta, cùng ta trăm năm hạnh phúc.”
Ta cảm thấy đầu óc mình rối bời, như thể có cả ngàn con ong đang vo ve bên tai. Ta nhìn khuôn miệng Yến Bình mở ra rồi khép vào, không bỏ sót một chữ, ta nghe trọn tất cả, nhưng gộp chúng lại thì không hiểu lắm. Tim ta như bị chùy nện mạnh xuống, không thấy đau mà chỉ thấy tê, cảm giác cơ thể mình run lên hơi mất kiểm soát.
Hắn nói: “An Dật, ta muốn lấy nàng làm vợ.”
Ta ra sức đập vào đầu, chắc chắn chưa tỉnh ngủ rồi, nếu không sao ban ngày ban mặt lại gặp ác mộng thế này.
Giấc mơ quá khủng khiếp, mỗi lần nằm mơ ta đều nhớ đến dáng vẻ cha ta cầm then cửa nghiêm mặt chờ đợi.
Ông gầm lên với ta: “Dám lôi kéo dụ dỗ người của Yến gia, lão đây đánh chết tên nghịch tử nhà ngươi!” Đến nỗi sau này mỗi khi nghe thấy họ Yến ta đã thấy đau thịt rồi.
“Đây là mơ đây mà, phải đi ngủ thôi…” Ta quay người đi, nhưng vạt long bào lại bị Yến Bình tóm chặt không buông.
Hắn tiếp tục nói: “Tiểu Dật, ngày tìm được nàng, ta quả thật rất vui… Ta chẳng quan tâm nàng là nam tử, chỉ muốn được ở bên… Nhưng sau khi biết nàng là nữ nhi… Lòng ta chỉ có một suy nghĩ.. Đó là thỉnh cầu bệ hạ đặc xá cho nàng, ta sẽ lấy nàng… nhất định phải lấy nàng…”
Ta thấy trong lòng một thứ gì đó đã đóng băng dần dần vỡ vụn. Sự chán nản luôn nảy sinh khi phải chờ đợi quá lâu, nhưng ta, ngay đến cảm giác đó cũng chẳng có.Thậm chí ta còn không thể cảm nhận được đau đớn, sống mà như cái xác vô hồn.
Ta không muốn nhớ về quá khứ, nó chỉ là một hình bóng mờ nhạt, thỉnh thoảng mơ thấy đều khiến ta mồ hôi đầm đìa. Vậy nên nếu có thể quên thì ta sẽ đi thẳng về phía trước, không bao giờ quay đầu nhìn lại, sống an bình như kỳ vọng của cha.
Ta mỉm cười quay người, vỗ vai Yến Bình: “Yến tướng quân, đa tạ đã cân nhắc, ngài hãy về đi.”
Hắn nói: “Tiểu Dật, chuyện trước kia nàng nhất quyết không chịu tha tứ cho ta sao? Ta biết mình đã khiến nàng tổn thương sâu sắc, chỉ mong nàng có thể chấp nhận hôn sự này, nửa đời còn lại ta nhất định sẽ thương yêu nàng, không làm nàng đau lòng thêm nữa.”
Ta day day thái dương, thật không hiểu nổi, Yến Bình của ngày trước đâu phải kẻ dai như đỉa thế này.
“Yến tướng quân, chuyện khi xưa ta đã quên sạch rồi, sau này cũng không muốn nhớ đến, mong tướng quân mau mau quên đi. Còn về chuyện thành thân, ta không nghĩ đó là ý hay.”
Giữa ta và con người này không còn gì vương vấn.
Đã chẳng còn oán hận cũng chẳng còn thương yêu.
Cha xem, giờ đây con đã có thể bình thản đứng trước mặt hắn, ngay cả trái tim trong lồng ngực kia cũng không mảy may loạn nhịp. Cha có thể tha thứ cho con gái năm xưa ngỗ nghịch bất hiếu không?
Thậm chí, con còn có thể thân thiện nắm chặt tay hắn, phân trần tỉ mỉ: “Yến tướng quân, ngày trước cả nhà Cận Thượng thư bị xử chém tướng quân cũng nhìn thấy chứ?”
Hắn nắm chặt tay ta, vẻ mặt nửa hoan hỉ nửa hỗn loạn: “Nàng và ta thành thân có liên quan gì đến Cận Thượng thư?”
“Đương nhiên vô cùng có liên quan!” Ta lườm tên đần trước mặt, thầm thở dài: “Cận Thượng thư một mình phạm tội, cả nhà bị tống vào ngục xử chém.”
Thấy hắn vẫn chưa hiểu, ta đành nói lại rõ ràng lần nữa: “Hiện nay ta là kẻ chẳng có gì vướng bận, hôm nào đó Hoàng đế Đại Tề lôi xuống chém đầu cũng chỉ xem như bớt đi một mạng. Nếu thành thân rồi, chồng con ta, tương lai còn cả cháu chắt ta đều sẽ liên lụy tới nhau. Như vậy không ổn.”
“Ta không sợ!” Trên gương mặt anh tuấn của hắn bỗng lấp lánh ý cười dịu dàng: “Thì ra nàng lo cho ta, ta biết nàng vẫn chưa hoàn toàn quên ta mà!”
Ta ngẩn tò te.
Bạn đọc à, kết luận này hắn rút ra từ đâu vậy?
Ý đồ thực sự của ta thực ra phải biểu đạt là: Ta chỉ muốn làm rùa đen ngàn năm, ba ba vạn năm, sống thật lâu thật lâu. Ngươi là hàng thần nắm binh quyền trong tay, lại có ý với cung phi, lực sát thương còn nguy hiểm gấp vạn lần so với bại tướng bị nhốt trong cung là ta đây. Ta không đồng ý hôn sự này vì sợ nhà ngươi liên lụy đến ta thì có!
Song, bên trên mới chỉ là cách nói khiêm tốn thôi đấy! Tại sao hắn không nghe hiểu những lời “ý tại ngôn ngoại” nhỉ?
Tiểu Điền ho sặc sụa sau lưng ta.
Ta đập “bốp” một cái lên đầu hắn dễ như trở bàn tay, tên thái giám chết tiệt!
Ta sợ hãi quay đầu, Phượng Triều Văn đã tới gần trong vòng năm bước, mắt sắc như dao, nhìn xoáy lên bàn tay ta.
Ta cúi đầu xem thử, thì ra lúc ta nói chuyện với Yến Bình, ta và hắn lại tay trong tay…
Ta vội vàng buông ra, nhưng bị Yến Bình nắm chặt lấy. Lén nhìn gương mặt lạnh lùng đến đóng băng của Phượng Triều Văn, ta chỉ cảm thấy hắn vô cùng căm ghét cảnh tượng thân thiết này.
Nghĩ cũng phải, Yến Bình thân là hàng thần mà chẳng có chút tự giác, trước có tư tình với Ngọc phi nương nương, cắm đôi sừng to bự chảng trên đầu Phượng Triều Văn, sau lại lôi lôi kéo kéo ta trong cung. Rõ ràng hắn chán sống rồi, phải tìm cớ để Phượng Triều Văn chém đầu mình.
Hắn không muốn sống, nhưng ta vẫn chưa có ý định chết.
Ta gắng sức vùng khỏi tay Yến Bình, nịnh bợ tiến lên vấn an: “Bệ hạ, sao người lại ra đây?” Thái độ chẳng thua gì Điền Bỉnh Thanh.
Phượng Triều Văn không nói nửa lời, nắm chặt bàn tay mà ban nãy ta và Yến Bình lôi lôi kéo kéo, sãi bước đi vào trong điện.
Điền Bỉnh Thanh theo sát đằng sau, ném ánh mắt tỏ ý “tự cầu nguyện cho mình đi” về phía ta đang liên tục quay đầu nhìn ngó. Hắn hất áo, dừng bước ở cửa điện, đứng đó giả làm môn thần[1].
[1] Môn thần: Vị thần giữ cửa, bảo vệ gia đình khỏi tai ương theo tín ngưỡng dân gian và Đạo giáo của Trung Quốc.
Tên thái giám chết giẫm!
Phượng Triều Văn đuổi toàn bộ cung nhân trong điện ra ngoài, ngồi ngay ngắn trước ngự án phê tấu sớ, tiện thể sai bảo ta như tiểu cung nữ, bưng trà mài mực không ngơi tay. Sau cùng, hắn liếc nhìn bên ngoài điện rồi nói: “An Dật, nàng nói xem trẫm nên giết Yến Bình ra sao?” Ánh mắt lạnh lùng, sát khí tuôn trào.
Giờ ta cảm nhận được sâu sắc nỗi đau khổ “thân phận bất minh”. Ăn cơm bà chủ, làm nha đầy thông phòng[2], nay còn phải mang trái tim trung quân ái quốc của Giám quan Ngự sử [3] sao?
[2] Nha đầu thông phòng: Là chức danh thời xưa chỉ nô tì dùng để thỏa mãn dục vọng của chủ nhân nhưng không có danh phận.
[3] Giám quan ngự sử: Quan can gián trong triều.
Yêu cầu này quá cao rồi đó!
Ta quyết định đặt lương tâm mình sang một bên, làm một kẻ tiểu nhân gian nịnh.
“Bệ hạ, Yến Bình thật đáng chết! Nếu đã làm thần tử thì phải cho ra dáng thần tử, vậy mà dám ăn đồ trong bát, ngó thứ trong nồi của bệ hạ sao?”
Hắn khoái gây khó dễ cho bệ hạ nhỉ?
Lông mày của Phượng Triều Văn hơi nhướng lên, “Không phải nàng chuyện trò cùng Yến tướng quân rất vui đó ư? Sao vừa mở miệng đã muốn lấy mạng hắn? Yếu quá hóa giận à?”
Ta khinh khỉnh nhìn hắn, hận không thể cào tường: “Bệ hạ, yêu quá hóa hận là thứ những thuyết thư tiên sinh[4] trong trà quán dùng để gạt tiền của người khác thì phải? Tội thần từng này tuổi rồi, chỉ mong cơm no áo ấm là được. Yêu hận gì kia thực quá cao thâm khó lường, còn tốn sức hơn cầu tiên đơn ấy chứ.”
[4] Thuyết thư: Chỉ những người biểu diễn các loại kí khúc như bình thư, bình thoại, đàn từ…
Thấy vẻ mặt hắn bán tín bán nghi, ta buộc phải nghiêm mặt thanh minh: “Trước nay suy nghĩ của Yến tướng quân không giống người thường, nói chuyện cùng hắn gợi mở nhiều điều trong ta.” Những tấm gương người tốt việc tốt nhiều vô cùng, tuyên truyền pháp chế chính là để ngăn chặn mọi người tái phạm sai lầm tương tự, vứt bỏ mạng sống của mình.
Ta có thể cảm nhận rõ dũng khí dám vuốt râu hùm của Hoàng đế bệ hạ trên người Yến Bình. Còn tiểu nhân nhát gan như ta, cứ ngoan ngoãn rúc trong Trùng Hoa điện bưng trà rót nước hầu hạ Hoàng đế mưu cầu tư lợi thì hơn.
Quả thực ta đã từng yêu mà không màng tất cả, nhưng hiện tại quan trọng nhất là phải bảo vệ cái mạng nhỏ bé này.
Phượng Triều Văn có lẽ không hài lòng lắm với câu trả lời của ta, gương mặt hắn đông cứng như mặt hồ Tam cửu thiên[5], trơn bóng và bằng phẳng, chỉ thiếu nước cầm búa gõ gõ lên là một đống vụn băng sẽ rơi lả tả.
[5] Tam cửu thiên: Là giai đoạn lạnh nhất trong năm kể từ sau Đông chí.
Hắn kêu Điền Bỉnh Thanh đi truyền chỉ, sử dụng hết sức thành thạo mánh khóe lung lạc thần tử: “Nói với Yến tướng quân, trẫm sẽ ban cho hắn một hôn sự tốt đẹp, cứ ở nhà chờ đi!”
Lúc Điền Bỉnh Thanh truyền chỉ, giọng nói loáng thoáng truyền vào trong điện, thể hiện trọn vẹn tấm lòng khoan dung nhân ái của Hoàng đế bệ hạ. Giả dụ ta không ở trong điện tận mắt chứng kiến vẻ hung thần của hắn khi thốt ra lời này bằng khuôn miệng ngà ngọc, mà chỉ nghe lời truyền chỉ nửa dịu dàng nửa thân thiết của Tiểu Điền, có lẽ cũng sẽ cảm kích đến nỗi cúi rạp đầu, thề sống thề chết báo đáp long ân.
Sao Tiểu Điền có thể truyền đạt ý chỉ đằng đằng sát khí thành dịu dàng hàm súc, ôn hòa mềm mỏng đến vậy nhỉ?
Thân là bề tôi, hẳn lúc về phòng hắn phải suy xét kỹ càng mới hiểu được cặn kẽ ý tứ bên trong.
Ngày dài đằng đằng, mãi mới đến buổi tối, ta tranh thủ lúc Phượng Triều Văn đi súc miệng rửa mặt, dũng cảm nhào về phía nệm, thoải mái lăn qua lăn lại trên long sàng rộng rãi, cả người vùi vào đống chăn gấm vóc rực rỡ ánh vàng, sung sướng khó rời, thầm thở dài: Đúng là một đêm không ngủ tựa ba thu!
Ta đang khoái chí lăn lộn, đột nhiên trời đất quay cuồng, bị kẻ nào đó tóm gáy lật lại. Một cơ thể nặng trĩu đè lên người ta, ngũ quan tuấn mỹ của Phượng Triều Văn gần ngay trước mắt. Ta còn chưa kịp hoàn hồn, hắn đã xông tới hôn chặn ngay hơi thở của ta, ta nào có thể giãy giụa được nữa?
Trong mơ hồ, dường như ta nghe thấy hắn thì thầm: “Gả cho Yến Bình ư? Trẫm sẽ không để nàng được như ý!” Giọng điệu hờn dỗi này sao có thể do Phượng Triều Văn nói ra được?
Toàn thân rã rời, đến nỗi nhấc người dậy chắc xương cốt phải rơi thành một đống, ta ngay cả trong mộng cũng than thở mình số khổ. Lúc ngủ say, ta mơ gặp cha.
Cha nhìn ta bằng ánh mắt không vui chút nào, tuy ông chưa trợn mắt vểnh râu, trong tay cũng không cầm mấy thứ kiểu then cài cửa, nhưng không hiểu sao ta lại thấy chột dạ, hình như mình dã làm chuyện vô cùng sai trái.
Ta tự xét lại mình trong mơ, nhưng từ miệng cha bỗng phun ra rất nhiều máu, bắn hết lên mặt ta, cảm giác nóng rực đó làm ta thấy bỏng rát đến tận trái tim. Ta ra sức lau, ra sức lau, nhưng cha hệt như một nguồn suối máu, phun trào không ngớt.
Ta gào thất thanh: “Cha! Đừng!” Ta vừa hoảng hốt vừa đau lòng, dường như trái tim bị ai đó siết chặt, đau đến ngạt thở, rồi có người hét bên tai: “Tỉnh lại đi… Tiểu Dật… Tỉnh lại…”
Trong lúc nửa mơ nửa tỉnh, ta chỉ thấy trái tim đập điên cuồng, như thể ngay giây sau nó sẽ nhảy ra khỏi lồng ngực, đầu đau như búa bổ, toàn thân như bị kim châm, tầm nhìn mơ hồ, vô số hình ảnh ập vào não như nước triều dâng khiến cái đầu chật hẹp bị dồn ép đến muốn nổ tung.
Ta kêu lên thảm thiết: “A!” rồi ôm đầu cuộn người lại, gào thét như điên trong vô thức, thảm thương tới mức ngay bản thân cũng phải kinh ngạc.
Ngay sau đó ta đã hoàn toàn tỉnh táo trở lại.
Ta rúc mình vào vòng tay mạnh mẽ quen thuộc, cảm giác lạnh lẽo và tuyệt vọng trong mơ hoàn toàn không còn chút dấu vết trước sự ấm áp này. Phượng Triều Văn ôm chặt ta trong lòng, giọng nói dịu dàng đến lạ lùng, như thể sợ đánh thức ai dậy trong đêm đen tĩnh lặng: “Tiểu Dật, lại đau đầu rồi à? Đừng sợ, ta ở đây, ta ở đây…”
Cảnh tượng vừa xong có lẽ đã từ lâu trước kia, lâu tới mức thỉnh thoảng nhớ lại sẽ cảm thấy đó chẳng qua chỉ là một giấc mơ.
Xưa nay cơ thể ta không biết đau, làm sao có thể cảm thấy đầu đau như búa bổ chứ?
Nhưng thực tình có lúc kí ức của ta không đáng tin lắm, từ trước ta đã có một tật xấu… đó chính là quên trước quên sau.
Hồi đó ta định mưu sinh bằng nghề săn bắn, lên núi đi săn lại thành công trong việc tự làm mình lạc trên núi. Sau khi được Tiểu Hoàng tìm về, nó chớp đôi mắt to tròn hỏi ta: “Tiểu Dật, ngươi bị ngốc à?”
Ta làm sao lại là kẻ ngốc được?
Kẻ ngốc là nó ấy!
Chỉ là ta thỉnh thoảng hồ đồ vài bận. Ví dụ như lúc đi lạc trong rừng, ta ngẩn ngơ cảm thấy mình đang cùng cha đi săn, nhưng ông chạy đuổi theo một con hổ, còn ta ở nguyên chỗ cũ ngơ ngẩn đợi ông, đợi nửa ngày trời ông mới quay về.
Khi đó ta còn oán trách: “Cha, cha định để Dật Nhi đói chết à?”
Lúc tỉnh táo, ta nhớ mình muốn săn gì đó cho Tiểu Hoàng ăn,nhưng trong lúc mơ hồ liền ngồi đó đợi cha đưa ta về nha, cuối cùng chẳng thấy cha đâu, lại thấy Tiểu Hoàng ngốc nghếch.
Vậy nên sau này bất luận thế nào nó cũng không chịu cho ta lên núi đi săn, chỉ cần ta vừa đi, nó liền ngồi xuống đất, hai tay ôm lấy một chân ta, sống chết quyết không buông.
… Đây thực là chiêu năm xưa ta dùng để đối phó với cha, không ngờ thằng bé Tiểu Hoàng đúng là trẻ nhỏ dễ dạy, đã nhanh chóng vận dụng suôn sẻ, thành thạo hết sức.
Thi thoảng trong đầu ta sẽ xuất hiện những mảnh vụn ký ức ngắn quãng. Nhưng trong tích tắc vừa mới tỉnh lại, ta nhớ rất rõ, trước vạn quân tham chiến, cây giáo của Phượng Triều Văn bỗng giáng về phía ta, ta giương giáo chống đỡ, đột nhiên bị người nào đó phía sau nện mạnh xuống… Cảnh cuối cùng ta thấy là Phượng Triều Văn đang cầm giáo, vẻ mặt hoảng hốt… Lẽ nào hắn cũng cảm thấy kẻ nện ta một gậy từ phía sau có hành vi đánh úp quá vô liêm sĩ?
Trước khi ngất đi, ta đang nghĩ gì vậy?
Bây giờ ta đã nhớ ra, không phải Phượng Triều Văn nên vui mừng vì thuộc hạ tập kích thành công, đánh bại tướng lĩnh quân địch sao?
Hai quân giao chiến, nếu mới nện tướng địch mà đã hoảng hốt, giả dụ giết tướng địch rồi thì định tự sát để tạ tội chắc?
Đương nhiên Phượng Triều Văn chẳng hề tự sát tạ tội, khi đó ta ngã từ trên lưng ngựa xuống, suýt bị loạn quân giẫm đạp thành bùn, ai ngờ lại ngã vào lòng một người đang mặc giáp trụ chắc chắn… Giáp trụ của Phượng Triều Văn va vào hàm răng ta, ta ngậm đầy máu tanh trong miệng rồi phun bắn ra.
Ta ôm đầu ngồi trên giường, cơ thể nam nhân kề sát bên ta vừa ấm áp vừa quen thuộc, như có sức mạnh kì lạ trấn tĩnh lòng người: “Tiểu Dật, đầu nàng lại đau rồi?”
“Thần mơ thấy người cầm giáo chuẩn bị đánh thần ngã ngựa, nhưng thần lại bị người khác đánh úp sau lưng rồi bị bắt làm tù binh.”
Kỳ thực, ta lúc thì chợt nhớ ra, lúc thì lại quên mất chuyện này. Việc đó khiến ta đôi khi nhìn Phượng Triều Văn mà phân vân hết sức, không biết nên coi hắn như kẻ thù hay như tri kỉ.
Đôi tay rắn chắc vòng qua ôm chặt ta trong lòng, giọng nói sau lưng rất khẽ, hệt như đang oán trách: “Cái đồ ngốc này, không biết rằng ra chiến trường phải ‘mắt nhìn sáu hướng, tai nghe tám phương’ à?”
… Thế nên sau đó ta mới bị Phượng Triều Văn bắt làm tù binh, dưỡng thương nửa năm trong doanh trại Đại Tề.
Hôm nay có lẽ hành động cầu thân của Yến Bình đã dọa ta sợ chết khiếp, khi ấy có một cảm giác có một tảng đá bức bối đè nặng trong lòng. Bừng tỉnh sau giấc mộng, giờ ta hết sức minh mẫn, bắt đầu hồi tưởng tất cả.
Ba năm trước, Tiên đế qua đời, để lại cho Tiểu Hoàng một cục diện hỗn loạn.
Người ra đi vội vàng, chưa kịp chỉ định Nhiếp chính vương, thế là mâu thuẫn giữa cha ta và Yến bá bá căng thẳng tột độ. Hai người họ mỗi bên lôi kéo một phe triều thần, ai cũng muốn ngồi vào vị trí này.
Ta từng khuyên cha: Cha không có con trai, kể cả có làm Nhiếp chính vương cũng chẳng có người kế thừa, cha rách việc như thế làm gì?
Ta rõ ràng là con gái, ông tự lừa dối mình kiên quyết coi như con trai, còn dồn hết tâm trí giáo dưỡng ta kế tục quyền thần, người người ngưỡng mộ… Ta thực vô cùng lo lắng cho vận mệnh tương lai của Đại Trần.
Một tên ngốc Tiểu Hoàng, lại thêm quyền thần gà mờ như ta, e rằng chưa quá mười năm Đại Trần đã bị Đại Tề thôn tính. May mà ta không phải người giỏi giang, cha lại mất sớm, còn chưa kịp mài giũa ta thành tài, vậy mới không ủ mầm đại loạn.
Hồi đó ta đã đánh giá sai năng lực chiến đấu của quân đội Đại Tề, vẫn còn khá lạc quan về tương lai phía trước.
Hai phe quyền thần tranh đấu, sau cùng cha ta thắng, ngồi vào vị trí Nhiếp chính vương, dưới hai người, trên vạn người.
Tiểu Hoàng chưa lập hậu bởi tuổi còn nhỏ, người còn lại là đương kim Thái hậu, mẹ của Tiểu Hoàng.
Nhắc đến Thái hậu nương nương, đó là một người lợi hại, cả ngày tươi cười phúc hậu, nhưng những vệc làm ra quả thực không thể chấp nhận. Lúc tiên đế ốm đau bệnh tật, trừ Tiểu Hoàng ra, các hoàng tử trong cung đều xảy ra chuyện ngoài ý muốn…
Ta lén hỏi cha: “Có phải thái hậu cũng gây ‘chuyện ngoài ý muốn’ cho tiên đế không?”
Ông trừng mắt, gõ mạnh một cái lên đầu ta: “Cấm nói bừa, sau này không có chuyện gì thì đừng chạy đến cung Thái hậu!”
Thật ra ngoài lúc ở đông cung, ta rất ít khi đến gần trước mặt Thái hậu. Bây giờ Tiểu Hoàng kế vị, chuyển vào sống tại Trùng Hoa điện, ta càng hay lui tới Trùng Hoa điện trợ giúp Tiểu Hoàng.
Cha từ sau khi trở thành Nhiếp chính vương thì vô cùng bận rộn, khó có thời gian rảnh nổi giận với ta. Ta cảm thấy, thực ra cha làm Nhiếp chính vương cũng rất tốt, ít ra vì bận rộn sẽ không quản chặt như trước, hai cha con lâu lắm rồi chưa gặp nhau nổi một lần.
Ta cũng bận lắm mà.
Thời gian ấy, Yến Bình thường vào cung cùng Tiểu Hoàng đọc sách, thành ra cũng thân thiết ta hơn trước. Có lúc ta rời khỏi Trùng Hoa điện, vừa đúng lúc Yến Bình bái biệt Tiểu Hoàng đế, hắn đã có thể tươi cười tán gẫu vài câu với ta.
Đây là thời kì hòa thuận nhất trong ba năm kể từ sau khi ta cưỡng hôn hắn, ta vui đến nỗi đầu óc choáng váng, chẳng biết đâu là Đông Tây Nam Bắc, chỉ thấy trời trong gió mát, vạn vật phồn thịnh, mọi thứ đều đang phát triển theo hướng tốt đẹp nhất.
Khi đó ta cảm giác… Tiên đế chết thật đúng thời điểm.
Thời buổi loạn thế, ai vì chủ nấy.
Tiên đế vừa mất, Hoàng đế trẻ kế vị, Thái hậu buông rèm nhiếp chính, thế lực các phương rục rịch manh động, tuy có cha ta là Nhiếp chính vương đàn áp, nhưng các võ tướng mà tiên phong là Yến bá bá lại không chịu cúi đầu quy phục, nghe nói vì Duệ Vương vội về kinh thành chịu tang có đem theo quận chúa Ngọc Tranh, thường xuyên ra vào Yến phủ, trên phố đồn rằng Duệ Vương phủ có ý kết thân với Yến phủ.
Đây khác gì tin dữ đến tai ta.
… Mỗi lần thế này, ta đều hận không thể cởi ngay trang phục nam nhân xuống, phơi bày trước thiên hạ: Nếu luận về hôn nhân chính trị, kỳ thực bản cô nương cũng được coi là ứng cử viên mang lại giá trị không nhỏ đấy chứ… Chỉ cần có thể dẫn dụ Yến Bình hồi tâm chuyển ý.
Dạo này Yến Bình thường ngoảnh lại nhìn ta, không còn vẻ lạnh lùng như trước kia, nhưng vẫn chưa đến mức bàn nổi chuyện cưới xin.
Hôm ấy, đang rúc trong chăn ấm thì ta nhận được khẩu dụ của Tiểu Hoàng, triệu ta lập tức vào cung.
Ta bò dậy chải đầu rửa mặt sạch sẽ, cưỡi ngựa đến Hoàng cung đã là lúc tan triều, các quan thần trụ cột của triều đình đang ngáp dài, túm năm tụm ba tản ra ngoài. Ta tình cờ gặp Binh bộ thượng thư lão đại nhân, bị ông trêu đùa mấy câu: “Tiểu Dật, đến bệ hạ cũng sắp thành hôn rồi, có cần bá bá làm mai, chọn cho ngươi một nàng dâu xin đẹp không?”
Ta lau mồ hôi trên trán, cung kính khom lưng: “Tiểu Dật không vội, đợi uống xong rượu hỉ của bá bá rồi Tiểu Dật sốt ruột cũng chưa muộn.” Ai bảo ông cứ hay chạy đến nhà ta cướp tôm hùm cay với ta làm gì?
Kết quả là ta bị ông đập một phát vào sau gáy không chút khách khí, mắng chửi: “Thằng nhãi Tiểu Dật, dám đùa cợt bá bá của ngươi! Còn không mau lăn vào cung, để Hoàng thượng phải chờ lâu!”
Từ sau khi Thượng thư phu nhân bỏ chồng, nghe nói ông đã đuổi hết tì nữ trong phủ đi, ngay cả lão ma ma cũng đưa ra khỏi phủ, sắp xếp cho bà ở nơi khác, phủ Thượng thư chẳng khác gì miếu hòa thượng.
Ta nhìn gương mặt râu ria xồm xoàm kia, ông đang ra sức lườm ta nhưng vẫn cười tươi rói, bước chân mạnh mẽ đi về phía xe ngựa tư gia. Không hiểu tại sao ta lại thấy nghẹn ngào như nuốt hạt ô mai, còn quyết định sau này ông tới nhà, ta phải nhường nhịn, kẻo ông ăn không no, lần sau không còn sức mà đánh nữa.
Dây dưa mãi, đến khi tới Trùng Hoa điện, Tiểu Hoàng đang đi qua đi lại bên trong, thấy ta vội vàng kéo lại, vô cùng sợ hãi cầu ta giúp đỡ: “Tiểu Dật, mẫu hậu định tuyển chọn Hoàng hậu và phi tử cho ta.”
Ta quan sát nó từ trên xuống dưới, Tiểu Hoàng mười lăm tuổi, bề ngoài đẹp đẽ, gương mặt anh tuấn, chỉ tiếc là hơi háu ăn một chút nên thừa mấy cân thịt, trông khá tròn trịa, lại thêm ánh mắt đáng thương của nói làm giảm hẳn vẻ uy vũ.
Ta có lòng tốt an ủi kẻ đang hoảng hốt lo sợ: “Thật ra, bệ hạ à, chọn Hoàng hậu hay phi tử là việc rất thú vị. Lúc thần không ở trong cung, Hoàng hậu hoặc phi tử có thể cùng người ăn uống, vui đùa, nghỉ ngơi, ngươi cũng sẽ không cô đơn nữa.”
Nó tức giận hất tay ta ra, trừng mắt nhìn, cứ như đang thất vọng vì ta không thể hiểu nổi nỗi sợ hãi của nó: “Tiểu Dật, ta không cần người khác làm mọi thứ cùng mình. Thêm nữa, việc đó ngươi cũng làm được, cần những phi tử ta không quen biết kia làm gì, chi bằng bảo ngươi tiến cung ở bên ta cho xong!”
Ta sợ khiếp vía.
Đêm hôm trước ta vô tình đi qua thư phòng của cha, nghe thấy cha nhỏ tiếng bàn bạc với bác Đồng về khả năng làm thông gia giữa Duệ Vương phủ và Yến phủ, lại nghe thấy chuyện Thái hậu không chút e dè, chọn ngay cháu gái bên ngoại làm Hoàng hậu tương lại. Các trọng thần đều chuẩn bị cho đợt tuyển phi này trong đố kỵ, dự định đưa nữ nhi nhà mình tiến cung.
Khi đó bác Đồng thở dài nói: “Đây quả là cơ hội tốt. Chỉ cần thành thông gia với Thái hậu, có sự tương trợ từ đó, tướng quân cũng dễ thở hơn nhiều trong triều đình. Tiếc là…”
Ta nín thở dán chặt vào tường thư phòng, nghe cha nghiêm khắc cự tuyệt: “Đồng Hựu, ta nửa đời sống lang bạt, chỉ có một đứa con gái, từ khi nó còn nhỏ ta đã hết mực yêu thương, chỉ mong nó sống bình yên sung túc cả đời, không phải lo nghĩ. Nhưng ta thân ở địa vị cao, nếu nuôi dưỡng nó như một đứa con gái, e rằng sẽ khiến trong cung không ngừng lo lắng, triệu nó tiến cung để áp chế ta, còn khiến kẻ khác mưu tính nhiều, dùng nó làm quân cờ cấu kết đảng phái để tư lợi.”
Ta ôm đầu hận Yến Bình ngốc nghếch không chịu mưu tính nhiều, thầm hạ quyết tâm nếu hắn còn như vậy, lần sau gặp mặt ta phải nghĩ cách bắt hắn mưu tính mới được!
Căn phòng yên tĩnh trong chốc lát, lại nghe thấy tiếng bác Đồng chậm rãi nói: “Suy nghĩ của tướng quân không phải không có lý. Bây giờ Đại Trần ở thế bấp bênh, có lẽ nuôi dưỡng tiểu lang như con trai sẽ dễ dàng hơn chút. Bằng không, cứ dựa vào thằng nhóc tại vị bây giờ, cho dù Tiểu Dật làm Hoàng hậu, ngày nào đó Đại Trần vong quốc thì… Xưa nay gia quyến của đế vương mất nước có mấy ai được sống yên ổn? Kể cả Đại Trần có thể tiếp tục chống đỡ, nhưng phải đấu đá với đám nữ nhi khốn nạn kia, rồi cũng chôn thân nơi góc hoàng cung mất. Tiểu lang hồn nhiên như thế này vẫn tốt hơn.”
Thì ra họ hoàn toàn không đánh giá cao khi Tiểu Hoàng chấp chính, cũng chẳng hề tin tưởng vào ngai vàng của Đại Trần.
Có điều, ngồi xiêu vẹo trên ngôi vị đế vương, ngủ say đến nỗi nước miếng giàn giụa, đến giờ thì cho bãi triều về cung ăn cơm như Tiểu Hoàng, quả thực rất khó khiến người khác nảy sinh ảo tưởng cho nó lo chuyện triều đình, hy vọng nó có tài trí mưu lược kiệt xuất, thống nhất thiên hạ.
Ta thấy lời bác Đồng nói rất có lý.
So với việc bị cầm chân nơi cung cấm, ta nghĩ… được vào Yến phủ sống quả thực hợp tâm ý ta hơn.
Nhưng câu này đâu thể nói rõ với Tiểu Hoàng, ta đành phải khuyên nhủ nó khi tâm trạng đang buồn bực.
Mấy ngày nay vận xui đeo bám.
Lúc xuất cung gặp ngay Yến Bình vừa ra khỏi quan thự binh bộ, vốn là cơ hội tốt mà ông trời ban tặng, ta đang cười tươi như hoa, lại nghe thấy một giọng nữ ngạc nhiên mừng rỡ: “Yến lang!” Sau đó một bóng hồng nhào tới, giữ rịt cổng cung điện, lôi lôi kéo kéo cánh tay Yến Bình.
Đúng là bại hoại thuần phong mỹ tục, hỏng, hỏng!
Ta lấy tay áo bịt mắt, lại không cam lòng đành lén nhìn thử, nhưng chợt bắt gặp đôi mắt hạnh kèm theo ánh nhìn cảnh cáo, tỏ ý gân hấn hất cầm với ta, bộ dạng đầy vẻ trịch thượng.
Đây rõ là Tần Ngọc Tranh rồi.
Con gái của Duệ Vương mà có thể không màng tới lời dị nghị Yến Bình và ta đồng tính luyến ái đang nổi khắp kinh thành, còn ngang nhiên si mê Yến Bình, thực không thể lường trước được.
Tần Ngọc Tranh đã xác định mục tiêu rõ ràng từ khi mới bắt đầu, giả dụ nàng ta và ta là hai nước giao chiến, ta không thể không bái phục mánh khóe mưu lược cùng tài liệu sự như thần của nàng ta.
Sợ rằng ngay cả Thái hậu trong cung cũng phải thua kém nàng ta về khoản tranh giành nam nhân.
Thái hậu cả đời chỉ đấu đá với nữ nhân, nhưng Tần Ngọc Tranh bản lĩnh phi phàm, không thèm quan tâm đến nữ nhân vây quanh Yến Bình, chỉ hạ quyết tâm đối đầu ta, phá bỏ chướng ngại tâm lý một cách dễ dàng, tranh giành nam nhân với một nam nhân khác, quá trình tranh giành vô cùng kịch tính, cao trào liên miên, quần chúng vây xem ủng hộ nhiệt tình, cố gắng cứu vãn Yến tiểu lang anh tuấn ôn hòa đi theo con đường chính đạo. Kết quả là, bỗng nhiên quanh ta địch vây tứ phía, ta thân cô thế cô, vô cùng phẫn nộ, nếu không phải vì là nam nhân, ta nghĩ mình sớm đã bị nhốt vào cũi heo thả trôi sông rồi.
Trong trận chiến tranh giành này, phàm là nơi có mặt ta và Yến Bình, nhất định nàng ta sẽ rớt xuống từ đâu đó, cứu Yến Bình khỏi nước sôi lửa bỏng. Ban đầu ta thấy khá bối rối trong tình trạng này, nhưng ngày qua ngày, ta cũng dửng dưng phó mặc luôn.
Ví dụ hôm nay ta hẹn Yến Bình ở quán trà nghe sách, thấy bảo bằng đội quân tinh nhuệ dưới sự dẫn dắt của Phượng Triều Văn, Đại Tề càn quét bốn tiểu quốc phương Bắc, nửa giang san đã nằm gọn trong lòng bàn tay. Ta và Yến Bình cũng coi như có quen biết lâu năm với vị thái tử Đại Tề này, bởi vậy ta bèn lấy Phượng Triều Văn làm cái cớ, mượn danh nghĩa tìm hiểu tình hình chính trị đương thời để hẹn Yến Bình, thế mà hắn cũng vô tư đồng ý.
Bọn ta chọn chỗ gẫn cửa sổ, cắn hạt dưa, nhâm nhi trà Lục An[6], nghe thuyết thư tiên sinh lên tiếng chỉ trích, bình luận quốc gia đại sự, đến chỗ thú vị, cả hai ta liền cùng nhìn nhau cười, sự tâm đầu ý hợp hiếm có này khiến ta mừng vui khôn xiết.
[6] Trà Lục An: Một loại trà nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, bắt nguồn từ thành phố Lục An của tỉnh An Huy.
Phượng Triều Văn cát cứ tứ phương khiến thiên hạ đại loạn, nhưng mấy chục năm nay từ đời ông nội Tiểu Hoàng, chiến tranh nổi lên khắp nơi, ngày nào cũng đánh qua đánh lại. Bách tính Đại Trần ở nơi an toàn xem như đây là đề tài nói chuyện lúc nhàn rỗi, thiên hạ đại loạn á, có ngày nào mà không như vậy?
Ta vui sướng trong lòng, bỗng nghe thấy một người lớn giọng nói từ phía cửa: “Thưởng năm mươi lượng bạc!”
Nghe giọng thì người này trong lòng còn vui sướng hơn cả ta, vung bạc quá hào phóng.
Ta quay đầu nhìn, Tần Ngọc Tranh bình thản tiến vào từ cửa quán trà, tươi cười nói: “Hôm nay, thứ nhất vì tiên sinh nói hay, thứ hai vì Thái tử Đại Tề kia đánh hay, lại có thể khiến Yến lang nhà ta đặt đôi chân quý giá đến nơi ti tiện này, cười vui thoải mái, Ngọc Tranh vô cùng cảm tạ, đặc biệt thưởng năm mươi lượng bạc cho tiên sinh coi như tiền trà.”
Quá tra lập tức ầm ĩ hỗn loạn, có người tán thưởng quận chúa hào phóng, có người không cho là vậy, chỉ có ta rùng mình trước câu nói “Yến lang nhà ta” của nàng, ta bối rối ngẩng đầu nhìn Yến Bình, thấy trên gương mặt trước nay luôn ôn hòa nhã nhặn của hắn bổng đầy vẻ giận dữ, ánh mắt nhìn chằm chằm Tần Ngọc Tranh đang cầm roi ngựa.
Đầu óc ta bỗng minh mẫn, nỗi ớn lạnh cũng bớt đi vài phần, trong lòng bình tĩnh trở lại.
Người ta đều nói, nịnh bợ là phải hùa theo sự yêu thích của người khác, nhưng hôm nay Tần Ngọc Tranh đã sai lầm hết sức.
Xưa nay Yến Bình luôn thích tiêu phí thời gian ở quán trà này. Ngày trước ta từng lén lưu lại nơi đây vô số lần, chỉ để liếc nhìn hắn từ xa. Hôm nay được công khai ngồi cùng hắn thưởng trà nghe sách, việc đáng mừng này tuy đã bị Tần Ngọc Tranh phá hỏng, nhung có thể khiến Yến Bình sinh lòng chán ghét với quận chúa Ngọc Tranh, âu cũng là chuyện có ích.
Yến Bình nghiêm mặt đứng dậy: “An Dật, chúng ta đi!”
Ta ngây ngốc nhìn hắn một lát, mặc dù tai nghe thấy lời hắn nói, nhưng não lại coi đó là thông tin giả nên từ chối việc phân tích.
Hai chữ “chúng ta” dù thế nào cũng không thể là lời Yến Bình nói ra với ta…
Bỗng hắn tiến lên một bước, nắm lấy tay áo ta, kéo thẳng ra khỏi quán… Bầu trời ngày hôm nay tươi đẹp biết bao.
Tần Ngọc Tranh bị bỏ mặc trước cửa, không biết nên tiến hay lùi, mắt mở trừng trừng nhìn Yến Bình lôi lôi kéo kéo ta rời đi, chỉ biết nghiến răng bặm môi mà không hề khóc lóc, quả thực làm ta mỗi lần nhớ lại đều có phần xúc động.
Hôm ấy ta cùng Yến Bình cưỡi ngựa ra ngoại thành phía Tây, mấy hiệp thi tài cưỡi ngựa gộp lại đã sớm quẳng chuyện ở quán trà kia vào dĩ vãng.
Buổi tối về thành, lúc đến ngõ trước cửa nhà, bất ngờ mấy chục Ngự Lâm quân xông ra từ ngõ tối, Tần Ngọc Tranh dẫn theo một thái giám chặn ngựa ta lại.
Thái giám đó hầu hạ trong cung Thái hậu.
Nội dung thánh chỉ đại loại là, ta mạo phạm quân chúa Ngọc Tranh, Hoàng tộc uy nghiêm không thể xâm phạm, lệnh cho Ngự Lâm quân bắt ta rồi giao cho quận chúa Ngọc Tranh trừng trị.
Đám Ngự Lâm quân nhào lên trước như lang như hổ, lôi ta từ trên lưng ngựa xuống…
Hậu quả vui quá hóa buồn chính là: Ta ăn một trận đòn roi của Tần Ngọc Tranh.