Thạch Kiên thấy bà nội mình ngất đi, vô cùng tức giận, nói với Đinh Vị:
- Ta biết nhà ngươi thấy ta với Khấu đại nhân thường xuyên qua lại, trong lòng tức giận, bèn giở trò này ra. Nhưng ta khuyên ngươi chớ nên dọa dẫm bà nội ta, nếu không Thạch mỗ sẽ dùng cả đời mình để lột bộ mặt thật của ngươi, cho hậu thế muôn đời nguyền rủa ngươi.
- Ồ, nhà ngươi chẳng qua chỉ là một đứa trẻ, đáng để ta đích thân ra tay hại ngươi ư. Thật buồn cười, thánh chỉ là do hoàng thượng viết, ngươi muốn kháng chỉ?
Đinh Vị thấy Thạch Kiên chửi hắn, hắn không bực tức mà lại cười lớn.
Thực tâm mà nói, nếu chỉ xét riêng về sự lanh lợi, lúc đó ở trong triều không vị đại thần nào qua được Đinh Vị. Lòng dạ hắn lại thâm độc. Sau khi ra tay với Khấu Chuẩn, Lý Địch, hắn vẫn chưa cam tâm, bèn sai Sử Trung đem theo túi gấm, tay cầm bảo kiếm xông ra chặn ngựa của Khấu Chuẩn, ý muốn bảo với Khấu Chuẩn rằng, nhà vua muốn giết ông ta; nhưng lần này Đinh Vị đã không dọa được Khấu Chuẩn, Khấu Chuẩn liền hỏi lại Trung Sử:
- Triều đình muốn giết ta cũng được, nhưng hãy cho ta xem sắc thư.
Còn Lý Địch đã bị Đinh Vị dọa cho xuýt nữa thì tự sát, cũng may con trai ông ta đã kịp thời ngăn lại, trên đường đi mọi người khuyên ngăn mãi, ông ta mới không đòi chết nữa.
Có kẻ hỏi Đinh Vị:
- Nếu Lý Địch chết thật thì nhân sỹ cả nước sẽ đánh giá việc này như thế nào?
Đinh Vị nói:
- Mấy tên thư sinh lắm chuyện đó, khi nhắc tới chuyện này chắc sẽ viết rằng, đáng tiếc thiên hạ lại mất đi một kẻ tôi hiền là cùng.
Về sau hắn bị Lưu Hậu và Nhân Tông giáng xuống Lôi Châu, còn cố ý viết thư cho người nhà, trong thư thừa nhận những sai lầm mà hắn mắc phải, triều đình đang rất trọng đãi hắn, bảo với người nhà không nên oán hận triều đình. Tuy trong thư hắn đã tỏ ra hết sức ăn năn hối lỗi, nhưng lại sai người đưa thư đem đến cho Lạc thủ Lưu Diệp, nhờ Lưu Diệp chuyển đến tay người nhà, còn dặn dò kỹ lưỡng người đưa thư phải đưa cho Lưu Diệp trước mặt đông đủ các đại thần trong buổi tiệc rượu. Lưu Thủ nhận được bức thư, không dám thất lễ, liền đưa cho Nhân Tông, Nhân Tông đọc qua rất cảm động, xuýt nữa vào tròng, chuẩn bị gọi hắn từ Lôi Châu về, nhưng Nhân Tông khôn ngoan hơn cha của ông ta nhiều, đã kịp nhận ra dụng ý của Đinh Vị, không để cho hắn đạt được mục đích.
Đương nhiên con người Đinh Vị này cũng rất thông minh, tháo vát, nếu không hắn đã không đủ sức trừ khử các đại thần trong triều, đến như Vương Khâm Nhược cũng không thoát nổi. Sử sách đời Tống đánh giá hắn là một kẻ nhanh nhạy mưu trí, giảo hoạt, văn chương không kể khó đến đâu đọc qua đã hiểu. Công văn gửi đến tam ty (1) chất cao như núi, chỉ vài hôm đã giải quyết xong. Là một người hài hước, cầm kỳ thi họa thứ gì cũng thông. Mỗi lần có khách đến chơi, khách muốn đánh cờ, đàm thơ,hay vẽ tranh, chơi đàn,... Đinh Vị đều có thể chiều lòng khách.
1. Tam ty: Đô ty, Thừa ty, Hiến ty
Đô tổng binh sứ ty (Đô ty), Thừa tuyên sứ ty (Thừa ty) và Hiến sát sứ ty (Hiến ty). Đô ty và Thừa ty trông coi về quân sự và dân sự. Hiến ty chịu trách nhiệm thanh tra, giám sát các quan chức địa phương; luôn đi sâu, tìm hiểu đời sống và nguyện vọng của nhân dân.
Thạch Kiên trước đây đọc rất ít các tài liệu lịch sử viết về Đinh Vị, nhưng hắn biết rõ ba người Khấu Chuẩn, Lý Địch,Vương Khâm Nhược đều là do một tay Đinh Vị đánh đổ. Bản thân Thạch Kiên chẳng qua chỉ là hiểu biết những tri thức đi trước thời đại một nghìn năm, tiền kiếp hắn cũng chẳng qua là một chủ quản của một xí nghiệp nhỏ, nếu so về mưu lược, hắn chẳng phải đối thủ của tên Đinh Vị này. Hắn không thèm để ý đến tên gian thần đó nữa. Bây giờ bà lão vì sợ quá mà ngất đi chưa tỉnh lại. Bà lão là một người rất tốt bụng, cũng giống như bà nội hắn ở tiền kiếp, bà lão hết mực thương yêu hắn, lại là người thân duy nhất của hắn bây giờ, hắn không muốn bà lão có mệnh hệ gì.
Thạch Kiên nhờ Phạm Hộ Nhạc đi mời đại phu, rồi quay sang nói với Uyển Dung:
- Dao Tuệ quận chủ, ta khuyên ngươi nên quay về, thuận tiện nói với hoàng đế nước Liêu, nếu muốn hai nước hòa hảo, cũng nên làm một việc gì đó thiết thực, không nên năm nào cũng đến đòi Đại Tống ta giao nộp ngân lượng, lương thảo. Nếu một hôm nào đó Thạch mỗ bị dồn đến đường cùng, chắc chắn cũng là do bị quí quốc dồn ép.
Lúc này Uyển Dung mới mở miệng:
- Hóa ra ngươi cũng biết thân phận của ta.
Bấy giờ hai nước đang hữu hảo, nhưng nước Liêu là thượng quốc, Uyển Dung thân là Quận chúa, bây giờ thân phận bị lộ, nên chỉ có chút kinh ngạc mà không hề sợ hãi.
- Không phải ta, mà là Dung quận chúa, nhưng ta không như một số người, chỉ vì muốn làm hại người khác, việc gì cũng dám làm. Ngươi cũng đã ở nhà ta không chỉ một vài hôm, làm người đâu phải như thân cây cỏ, sao có thể vô tình? Không những thế ngươi rất hiếu kính với tổ mẫu ta, khi chưa có chứng cớ xác thực, ta sẽ không bắt ngươi phải rời khỏi đây.
Uyển Dung nghe xong im lặng không nói gì, sự thực là bà cụ đối với nàng rất tốt. Nàng trầm ngâm hồi lâu, nói:
- Trong việc này bản quận chúa đã sai, xin lỗi vì đã làm phiền cụ.
Thạch Kiên nói:
- Chẳng có gì sai hay không sai cả, hai nước giao tranh, ai phò chủ nấy, tuy rằng Dao Tuệ quận chúa mang trong mình một nửa dòng máu Hán tộc, nhưng vẫn là người nước Liêu. Chẳng qua ta chẳng hiểu sao, lúc đầu ta chỉ là một thiếu niên tầm thường, còn ngươi là một quận chúa, làm như thế có xứng đáng không?
Uyển Dung lắc đầu, nói:
- Thạch học sỹ, ngươi đã đánh giá mình quá thấp, cùng với sự xuất hiện của ngươi, Đại Tống đã thay đổi một cách nhanh chóng, hơn nữa, cổ kim làm gì có tên thiếu niên nào thông minh được đến như thế. Hoàng đế nước ta lúc đầu muốn lựa chọn một số người cài cắm bên cạnh ngươi, đã phí biết bao nhiêu công sức dò la khắp thiên hạ, nhưng sợ bọn họ đều không đủ sự lanh lợi, nên mới phái ta đến. Chưa nói ta là một quận chúa, chứ đến công chúa, vì tương lai Đại Liêu, chịu chút thiện thòi cũng đáng. Hoàng đế Liêu quốc cũng rất ngưỡng mộ tài trí của ngươi, dặn ta tùy cơ hành sự, nếu ngươi một mực muốn đối đầu với Đại Liêu, chúng ta sẽ tùy tình hình mà định đoạt. Còn nếu ngươi muốn hai nước giao hảo, sau hai năm nữa chúng ta sẽ tự rút đi.
Thạch Kiên lúc này mới hiểu ra, vì sao đêm đó Tiểu Như lại nói không phải ta cứu ngươi, mà là chúng ta bây giờ chưa muốn ngươi chết. Thạch Kiên mỉm cười nói:
- Như thế ta phải cảm ơn ngươi đã tha chết mới phải.
Uyển Dung cũng nói:
- Thật ra bản quận chủ cũng không biết giữ lại tính mạng của ngươi là đúng hay sai nữa.
Nàng lại nói tiếp:
- Còn nữa, nhờ ngươi chuyển lời ta đến Dung quận chúa, bảo với nàng ấy, ta rất khâm phục nàng.
Nói xong, liền cùng với Tiểu Như thu dọn quần áo rồi ra đi.
Đinh Vị đứng bên mặt mày cau có, trong đầu hắn nghĩ, không may rồi, việc này còn có cả sự tham gia của con gái Bát vương gia, như vậy muốn ghép tội cho tên thiếu niên này sẽ chẳng đơn giản chút nào.
Được một lát, có một tên lính tìm ra trong nhà Thạch Kiên có cất giữ thư từ trao đổi của Thạch Kiên và Liêu Thánh Tông, bên trong còn viết rất rõ về quan hệ của Thạch Kiên với Dao Tuệ quận chúa, Thạch Kiên vì thế mà rất cảm kích tấm lòng của Liêu Thánh Tông.
Nhưng Đinh Vị không thèm xem qua, bèn tự tay xé nát mấy bức thư đó. Bây giờ có cả Dung quận chúa làm chứng, mấy thứ "chứng cứ" đó khiến người khác nhìn qua cũng đủ biết là giả tạo.
Thạch Kiên nhìn mấy tờ giấy đã bị Đinh Vị xé nát, trong lòng đã hiểu ra. Hắn thấy cảnh tượng này quá quen thuộc. Hắn cố gắng nhớ lại, chợt nhớ ra, năm Khánh Lịch thứ tư, các Đài quan (*.* Ngự sử Đài chưởng quan) đã " phá " được vụ mưu phản lớn, vụ án có can hệ trực tiếp đến Thạch Giới và Phú Bật. Hai người Thạch, Phú chẳng hiểu đâu xuôi đuôi ngược ra sao, nhưng Đài quan lại đưa ra được một bức thư do chính tay Thạch Giới viết để làm chứng, trong thư có đề cập đến kế hoạch phế bỏ Nhân Tông. Thạch Giới một mực thề vô can trong chuyện này, Phú Bật thì sợ hãi luôn mồm kêu oan. Thực ra chuyện này đều do một tay Hạ Tủng sắp đặt. Từ khi bị buộc phải từ bỏ chức vụ Khu Mật Sứ, lại bị Thạch Giới tố cáo là " gian quỷ", hắn đã bí mật mua chuộc nữ tì nhà Thạch Giới, mô phỏng bút tích của Thạch Giới, giả tạo bức thư đó
Lẽ nào việc này cũng liên quan đến Hạ Tủng?
Âm mưu chưa được làm rõ, Đinh Vị cũng không vội vàng, hắn coi như chẳng có chuyện gì, nói:
- Bản quan cũng là phụng mệnh hành sự, đã làm lão phu nhân kinh sợ, bản mỗ thấy rất hổ thẹn.
Sau đó liền cáo lui, nhưng khi đến gặp Chân Tông, hắn lại nói Thạch Kiên thấy hắn khám xét Thạch gia, đã tỏ ra rất không hài lòng. Thật ra thánh chỉ do đích thân Chân Tông thảo, ông chỉ muốn sai Đinh Vị đi xem Uyển Dung kia có phải là Dao Tuệ quận chủ không. Chính ngài cũng không tin Thạch Kiên sẽ để lộ bí mật quốc gia cho Liêu Thánh Tông biết, bởi vì nếu hắn làm thế thì lúc đầu đã không tự mình đề ra pháp lệnh bảo mật rồi. Ngài hạ khẩu dụ cho Đinh Vị đi khám xét phòng của Uyển Dung, tuyệt đối không được kinh động đến bà lão.
Bây giờ nghe mấy lời của Đinh Vị, ngài cũng có chút không vừa lòng, trong lòng nghĩ "trẫm là muốn tốt với ngươi, thực tế chứng minh cô gái đó là gian tế, để cho ả suốt ngày bên cạnh ngươi, không khéo lại hại chết ngươi. Vậy mà ngươi lại giận trẫm. Lẽ nào tên thiếu niên này ở lâu trong chốn quan trường, tính cách đã thay đổi mất rồi?”
Ngài không nghĩ rằng, lần này ngài đã làm cho Thạch Kiên hiểu nhầm.
Đinh Vị vừa đi khỏi, đại phu cũng được mời đến, nhưng bà lão đã ốm mấy năm nay không ra khỏi giường, mặc dù gần đây cuộc sống không còn vất vả nữa, nhưng sau lần trước bị làm cho sợ hãi, thân thể ngày càng suy nhược, lần này lại như thế, hơn nữa trong lòng lại luôn trách mình đã giữ tôi tớ Dao Tuệ trong nhà, nếu không cháu bà đã không bị nhà vua quở trách. Bệnh nặng lại suy nghĩ nhiều, tuy được đại phu tận lực cứu chữa, nhưng đêm đó bà đã không qua khỏi, từ biệt đứa cháu trai duy nhất về với tiên tổ.
Trước khi nhắm mắt, bà cầm tay Thạch Kiên nói:
- Cũng may, thân già này cũng đã nuôi cháu lớn thành người rồi, bây giờ đã có thể yên lòng ra đi rồi. Chỉ tiếc không được nhìn thấy cháu thành gia thất.
Sau đó lại cầm tay Lục Ngạc và Hồng Diên nói:
- Cháu ta giỏi việc vặt, nhưng tuổi còn nhỏ, không biết cách chăm sóc bản thân, nay ta phải đi rồi tất cả đều trông chờ vào hai ngươi.
Bà nhìn thấy Lục Ngạc và Hồng Diên vừa khóc vừa gật đầu, mới yên tâm nhắm mắt.
Thạch Kiên khóc lớn.
Cả đêm hắn ngồi khóc bên chiếc xe lăn của bà, sáng hôm sau hắn nhờ Hồng Diên và Lục Ngạc đi chuẩn bị linh cửu, rồi mới lên triều.
Chân Tông mắt hoa không nhìn thấy Thạch Kiên đã gầy đi rất nhiều sau một đêm đau buồn, hỏi:
- Thạch học sỹ, hôm qua là do trẫm sai Đinh Vị đến nhà ngươi khám xét, cũng là muốn tốt cho ngươi, Đinh đại nhân làm thế không có gì sai, đứa con gái đó chính là gian tế nước Liêu. Nói cho cùng khanh cũng nên cảm tạ Đinh đại nhân mới phải.
Thạch Kiên đột nhiên cười lớn, quần thần đều nhìn nhau ngơ ngác, chẳng hiểu tên thiếu niên này lúc thường nhất cử nhất ngôn nho nhã, sao hôm nay lại vô lễ như thế.
Thạch Kiên đi đến trước mặt Đinh Vị, nói:
- Ta quả thật cần phải cảm ơn nhà ngươi, ngươi khám xét nhà ta mà chẳng khác gì đập phá, đến bà nội ta cũng bị ngươi bức chết, ngươi bảo ta phải dùng lễ vật gì để tỏ sự biết ơn ngươi về mối thù diệt tổ đây.
Nói xong, trước mặt đông đủ quần thần, Thạch Kiên lột bỏ hết áo mũ quan, bên trong chỉ mặc một bộ đồ trắng.
Chân Tông đang ngồi trên Long ỷ liền đứng lên, kinh hãi hỏi:
- Sao, tổ mẫu ngươi qua đời rồi ư?
Thạch Kiên không đáp, cầm áo mũ quan, ấn phù, túi kim ngư tất cả đặt lên bàn trước mặt Chân Tông.