Lão già này quá tà môn, Tả Thiếu Dương cảm giác giống đêm hôm đó khi đưa Phi Thử vào nhà cứu chữa mới biết là dẫn sói vào nhà, hi vọng lần này cũng có kết cục tốt đẹp như lần trước, chống quải trượng đội tuyết về nhà, rón rén đi vào phòng bào chế.
Tả Thiếu Dương đi rồi Bạch Chỉ Hàn không thể ngủ được, khoác áo choàng đi xuống ngồi trong phòng chờ đợi, thấy tiếng động ở cửa sau, đi ra hỏi:
- Thiếu gia?
- Suỵt! Đừng nói gì cả.
Trí Không ở đằng sau chắp tay:
- Bạch tiểu thư.
Bạch Chỉ Hàn cũng đáp lễ:
- Phương trượng đại sư!
Răng Thỏ biết ông ta? Thoáng nghĩ không thấy gì lạ, ngoại công nàng ốm bệnh, cữu cữu vướng lao lí, nàng tới chùa thắp hương cũng dễ hiểu, Tả Thiếu Dương nhấc cái nồi, chỉ cửa hầm:
- Toàn bộ ở dưới, ta và nàng đều bị thương, đại sư...
Trì Không chẳng nói chẳng rằng, vén vạt áo quấn vào bên hông, mở hầm đi xuống, Tả Thiếu Dương muốn xuống giúp, nhưng chân y thế này, đi lại trên đất bằng còn miễn cưỡng chứ lên xuống thang thì chịu chết rồi, Bạch Chỉ Hàn bị thương ở tay chẳng giúp gì được, một ông sư già gầy trơ xương thì bao giờ mới vận chuyển xong, hay đi nhờ Bội Lan?
Thế nhưng chỉ thấy ông lão gầy khô đó nhẹ nhàng xách hai túi gạo đi lên, phải biết rằng mỗi túi này chứa mười đấu gạo, tức là tương đương với 60 kg, vậy mà ông ta xách như xách gà con, chẳng thèm nghỉ lấy một giây đặt trên sàn là lại xuống lấy tiếp.
Trong khi Tả Thiếu Dương hà hốc mồm, Bạch Chỉ Hàn lại coi như không, nha đầu đó chẳng lẽ không hiểu sao chuyện này hoang đường thế nào à, Miêu Bội Lan cũng chỉ vác được một bao thôi, hơn nữa cũng phải oằn lưng không thể nhẹ nhàng như vậy được, tay ông ta lại tong teo như que củi, xét ở góc độ vật lý mà nói... À mà mình thì biết quái gì về vật lý đâu, thế là Tả Thiếu Dương ngậm mồm lại, tròn mắt nhìn Trí Không thoăn thoắt đi lên đi xuống.
Chỉ chốc lát sau toàn bộ lương thực đã được mang lên, chất thành đống, vì Trí Không xách rất nhẹ nhàng nên cũng không gây ra mấy tiếng động, con bà nó, lão già này không phải quá tà môn mà là siêu cấp tà môn rồi.
Tả Thiếu Dương mở cửa phòng nhìn ra ngoài, phòng cha mẹ không có động tĩnh gì cả, bên ngoài gió tuyết lớn, cho nên át hết đi, không đánh động cha mẹ.
Trí Không chẳng hỏi han gì, cứ vậy sách hai bao gạo đi thẳng ra cửa sau, đến khi Tả Thiếu Dương theo ra tới cửa sau thì ông ta đã biến mất trong màn tuyết dày đặc.
Trong lòng cực kỳ bất an, Tả Thiếu Dương dặn Bạch Chỉ Hàn ở lại trông nhà, tập tà tập tễnh đuổi theo, mới đi được nửa đường đã thấy Trí Không đã trên đường quay lại, vội chặn lấy:
- Đại sư, ta có cần làm gì không?
- Thí chủ tới thiện phòng của ta đợi, đừng làm gì cả.
Nói rồi lại bước đi vèo vèo.
Tả Thiếu Dương ngần ngừ, ai mà ngờ võ công lão già này cao như thế, cao tới mức đáng sợ, y không yên tâm chút nào, chẳng may ông ta giở quẻ thì sao, khác gì dâng trứng cho ác, chỉ đứng một lúc mà tuyết đã phủ trắng đầu, đành tiếp tục tới chùa Thanh Phong.
Vừa mới đi qua đại môn thì thấy Trí Không xách hai bao lương thực nữa đi qua, vội theo ông ta tới đại điện.
Đại điện không có đèn, nếu không nhờ ánh đèn từ thiện phòng hắt ra thì không nhìn thấy cái gì cả, Tả Thiếu Dương từng tới đây vào mùng một Tết, còn nhớ đại điện có một bức tượng Phật lớn, cao lắm phải cao hơn cả nhà hai tầng, có điều cũ lắm rồi, sơn bong hết, đất ở vai tượng cũng mất mảng lớn, lộ cả cái cọc gỗ bên trong, trên bàn cúng ngoài cái lư hương, đồ cúng thì hoàn toàn không có gì hết.
Lúc này trong bóng tối ngoại trừ đường nét bức tượng Phật kia thì chẳng thấy gì cả.
Trí Không khuất trong bóng tối, chẳng rõ ông ta mang bao gạo đi đâu, đang nghi hoặc thì vù một tiếng, ông ta lướt ra như bóng ma, kệ y, tiếp tục đi khỏi đại điện.
Tả Thiếu Dương chống quải trưởng mò mẫm, cái đại điện này không có lối ra khác, hay ông ta để tạm trong góc phòng, tay vịn bàn cúng mà đi, chợt thấy một cánh tay bức tượng tách ra, liền vỡ lẽ, bức tượng Phật này rỗng ruột.
Mắt dần quen với bóng tối, Tả Thiếu Dương nhìn thấy một cái lỗ tròn ở cái bụng bự của tượng Phật, không hiểu cơ quan bố trí kiểu gì, lại không dám sờ mó lung tung.
Đi đi lại lại mấy lần, Trí Không có vẻ mang hết gạo tới, không rõ ông ta làm gì, chỉ ngay tiếng cạch cạch, cánh tay trở về chỗ cũ, bụng tượng Phật cũng khép lại.
Trí Không chỉnh lại cái áo cà sa không khác gì cái rẻ rách:
- Vào phòng nói chuyện.
Tả Thiếu Dương vất vả đi theo, đóng cửa thiện phòng lại, Trí Không thì đã ngồi khoanh chân trên giường giống trước đó, phảng phất như chưa từng rời đi, thế này không ổn, cân nhắc một hồi nuốt nước bọt nói:
- Đa tạ đại sư tương trợ, chỗ lương thực đó, xin quyên cho nhà chùa một nửa...
- Tiểu tự có cái ăn, không nhận đồ bố thì của hương khách, đa tạ Tả thí chủ.
- Thế này sao được, ta làm phiền quý tự quá nhiều, chuyện này vô cùng nguy hiểm.
Tả Thiếu Dương xoa xoa tay, chuyện giải quyết quá nhanh gọn, y không yên tâm được:
- Ta đã nhận lời Tiêu thí chủ thì sẽ làm hết sức, muộn rồi, thí chủ về đi.
- Vâng.
Tả Thiếu Dương không còn cách nào khác, chắp tay thi lễ rời đi, đóng cửa phòng lại.
Vậy là xong sao? Tả Thiếu Dương cảm thấy giống như một trò đùa, y và cha mẹ đau đầu mấy ngày liền, bàn bạc không biết bao nhiêu cách dấu lương thực, thế mà ông ta giải quyết cái vèo, y không an tâm được.
Thôi chết, mọi chuyện diễn ra quá nhanh làm y không kịp thực hiện kế hoạch thứ nhất của mình, vội vội vàng vàng quay về, cái chân lúc đầu thì đau, bây giờ lạnh tới mất luôn cảm giác.
Về tới phòng bào chế, nhìn thấy Bạch Chỉ Hàn tóc tai xõa xượi, y phục vốn phẳng phiu cả khi ngủ dậy của nàng cũng xô lệch, Tả Thiếu Dương điếng người, lắp bắp:
- Chỉ.. Chỉ Nhi, lão già đó làm gì cô?
Bạch Chỉ Hàn nhìn lại y phục của mình, hiểu ra, mặt đỏ lên, gắt khẽ:
- Thiếu gia nói linh tinh cái gì vậy … Chỉ Nhi thấy thiếu gia có vẻ không tin tưởng vị phương trượng đó lắm, cho nên nhân lúc ông ấy rời đi, đẩy hai bao gạo xuống dưới hầm.
Ra là vậy, nha đầu này đầu óc thật là linh hoạt, đáng tiếc tâm lý không bình thường, Tả Thiếu Dương vội mở nắp hầm lên, hai bao gạo nằm ngay chân cầu thang, Bạch Chỉ Hàn sức yếu, tay bị thương nên chỉ có thể đẩy thẳng xuống.
Hai bao gạo là hai mươi đấu, vậy là cũng đủ cho một nhà bốn người bọn họ cầm cự một thời gian, một bát cháo còn có thể cứu sống người ta trong lúc nguy cấp nữa là, vậy cũng ổn, Tả Thiếu Dương giải thích nhanh kế hoạch của mình:
- Chỉ Nhi, cô còn nhớ cái giếng khô gần nhà chúng ta không?
Bạch Chỉ Hàn gật đầu, ngày đầu nàng tới Tả gia làm nô tỳ, Tả Thiếu Dương còn dọa bắt nàng đi xách nước đổ vào cái giếng đó.
- Ta định cất lương thực ở dưới giếng, nếu chẳng may quan quân tìm ra thì chúng ta coi như không biết, đành mất vậy, nếu không thì đó sẽ là lương thực cấp cứu của nhà ta.
Mang nguyên tắc không bao giờ cất hết trứng vào một cái giỏ, Tả Thiếu Dương định chia một nửa lương thực bỏ xuống giếng, một nửa nhờ Trí Không đại sư, ai ngờ ông ta hành động gọn lẹ như vậy, may mà có Bạch Chỉ Hàn mới giữ lại được một chút này:
- Sao thiếu gia không nói chuyện này với lão gia và thái thái?
- Mẹ ta mà biết chỗ đó dấu lương thực, không biết một ngày tới kiểm tra bao lần. Chưa kể chẳng may bị phát hiện ra, chỉ cần quan binh đứng ngoài phố hô một tiếng gạo này của nhà ai là mẹ ta lạy ông tôi ở bụi này rồi.
Một điểm tốt ở Bạch Chỉ Hàn là nàng không hỏi nhiều, bắt tay ngay vào việc, đây cũng không phải lúc bận tâm tới thương tích. Bạch Chỉ Hàn xuống hầm, chia gạo thành từng túi nhỏ, bọc giấy dầu chống nước, buộc dây thừng, Tả Thiếu Dương ngồi bên trên kéo lên. Công việc này bình thường căn bản không tốt nhiều sức lực, bây giờ khiến cả hai mệt tới vã mồ hôi, song chuyện này không thể nhờ ai được, cũng không muốn liên lụy thêm ai khác.
Tiếp đó lấy nắp vung lớn bằng gỗ, cho gạo lên trên, buộc dây thừng kéo đi, chia làm hai lượt thì quá nguy hiểm, bọn họ không có võ công cao cường như Trí Không để có thể tránh lính canh.
Lúc nãy còn chửi rủa tuyết sao mà rơi nhiều như thế, nhưng bây giờ tuyết lại thành yểm trợ và trợ thủ cho bọn họ, dấu chân trên tuyết chỉ vèo một cái là bị lấp hết, tuyết dày cũng khiến việc kéo gạo trên ván nhẹ nhàng hơn, ít phát ra tiếng động hơn.
Dọc đường vừa nghe động tĩnh vừa khẩn cầu không gặp phải lính tuần, ông trời cũng thương cho công sức khó nhọc của hai người để họ thuận lợi tới được cái giếng.
Mỗi bao gạo được buộc vào một sợi dây thừng, tổng cộng là hai mươi bao, tất nhiên không thể để cả hai mươi sợi dây thừng ở thành giếng, như thế quá lộ liễu, Bạch Chỉ Hàn nghĩ ra một cách, đuôi mỗi sợi dây thừng nàng buộc thêm sợi chỉ chắc, sau đó buộc hai mươi sợi chỉ đó vào một sợi dây thừng duy nhất, như thế chỉ cần để một sợi dây thừng ở miệng giếng là đủ, sợi dây thừng này còn được nàng khéo léo lấy dây leo quấn vào, trông giống như cây keo mọc từ dưới giếng lên vậy.
Xong xuôi mọi việc Tả Thiếu Dương ngồi bịch xuống đất, dựa vào thành giếng thở dốc, cuối cùng cũng đã giải quyết xong đống lương thực, thế này mà vẫn bị quan binh lùng ra thì là ý trời, y không còn gì để nói … à không, y sẽ nguyền rủa ông trời tới cuối đời thì thôi.
Thở một lúc, Tả Thiếu Dương mới quay sang Bạch Chỉ Hàn, nàng mặc một choàng màu trắng, mũ lông trắng muốt quấn kín cổ chỉ lộ khuôn mặt thanh tao thoát tục, giữa đất trời một màu trắng của tuyết này, nàng càng giống như tiên nữ không thuộc về nhân gian, làm tim y đập mạnh, quên cả mình định nói gì.
Chỉ thấy Bạch Chỉ Hàn đứng dưới gốc cây, vươn ngón tay mảnh mai ra, nhặt từng bông mai đỏ mới rụng còn chưa rữa nát đặt lên lòng bàn tay, Tả Thiếu Dương nhớ Long thẩm nói, nàng vô cùng yêu hoa, chính vì thế mà thu thập hết cánh hoa Mạn Đà La rụng, đang ngây người thì nghe thấy giọng nàng xót xa ngâm:
- Linh lạc thành nê niễn tác trần,
Chỉ hữu hương như cố.
Tả Thiếu Dương thoáng cái mắt mở to hết cỡ:
- Làm sao cô biết bài thơ này?
Đây chẳng phải tuyệt tác của Lục Du thời Tống à, sao nhà đầu này biết, chả lẽ nàng cũng xuyên không như mình?
Bạch Chỉ Hàn quay lại, thậm chí còn kinh ngạc hơn y: