Cung - Mê Tâm Ký

Chương 13

Trước Sau

break
1

Phi Tâm ngắm nhìn mình qua gương, hôm nay cô mặc bộ cánh màu vàng nhạt cổ áo khoét sâu, tay áo rộng, cùng chiếc áo ngắn, phối hợp với chiếc váy xà cừ màu trắng thêu hình hoa bách hợp tím. Hoa bách hợp xẻ từ chân váy lên, trải dàn lên thước vải xà cừ như những giọt mực rỏ vào, khi túm mép váy lại thì tựa như một nụ hoa, nở rộ theo từng bước đi. Phương pháp dệt may đặc biệt này chính là tay nghề dệt kim Tinh Bình Châu. Bông hoa không phải được thêu lên khi bắt đầu cắt may, mà đã được in lên dần trong khi nhuộm màu. Khi cắt may thì cần phải tỉ mỉ cắt theo những đường vân mới có thể lấy được hình dạng bông hoa mong muốn.

Bởi thời tiết oi bức nên chất liệu y phục phải nhẹ và mềm, nhưng cần được dệt thật chắt, tuy mỏng nhưng không trong suốt. Áo ngắn phía trên ôm sát vào người, chỉ dài đến eo, kéo thành một tua tròn, hai bên váy thắt tua cờ dài, không cần dải tơ cũng rất phiêu bồng. Tay áo là kiểu tay bèo rộng rãi, tất cả đường viền to đều thêu hình cánh bướm.

Áo quần này được Tú Linh sai người chuẩn bị trước khi xuất cung, không có những hoa văn cung đình phức tạp, cũng không đính bất kỳ hạt pha lê nhiều màu nào. Chất liệu cũng chọn hàng loại hai, loại gấm vóc có thể tìm thấy dễ dàng trong dân gian, nhưng kỹ thuật dệt nhuộm của Tinh Bình Châu tuyệt đỉnh thiên hạ, dù chất liệu không phải gấm vóc lụa là thượng hạng nhưng bộ cánh này cũng không phải là loại mà những kẻ giàu có thông thường có thể mặc được.

Do đó sau khi Phi Tâm mặc vào thì hơi do dự, xuất hiện trước mặt mọi người với loại y phục này nhất định sẽ bị người ta nhìn ra là gia quyến của gia đình danh giá. Hoàng thượng đã muốn vi phục thì cô không thể nào nổi bật như vậy, nhưng cô thử đi thử lại nhiều bộ, chỉ có bộ này có thể nói là giản dị nhất. Có những bộ chỉ cần mặc vào, chất liệu trơn mượt đã khiến người ta nhận ra nó là hàng thượng hạng.

Cô còn đang rầu rĩ soi gương, Tú Linh đã bước vào bảo rằng hoàng thượng sai người đến rước cô. Tối qua Tú Linh nghỉ ngơi một đêm, hôm nay sắc mặt đã đỡ hẳn, sáng sớm đã bắt đầu sắp xếp đủ mọi việc. Tú Linh nghe Thường Phúc bảo rằng tối qua hoàng thượng đã dọn đến đây, trong lòng cảm thấy vui mừng thay Phi Tâm. Bây giờ hoàng thượng không cần thính chính*, nhưng bởi vì lần đầu đến Giang Đô nên buổi sáng vẫn còn bận việc. Sáng sớm Phi Tâm cùng y đến thỉnh an thái hậu, sau đó y để Phi Tâm sửa soạn, bản thân thì ra ngoài gặp các đại thần. Tối qua hai người ngủ chưa đến hai canh giờ, sau khi trở về Phi Tâm đã thiếp một lúc dưỡng lại sức, vẫn chưa đến giờ trưa thì y đã sai người đến truyền.

Phi Tâm nghe thế đành cắm đầu cắm cổ đứng dậy. Hôm nay Tú Linh chải cho cô mái tóc búi lệch, tóc trước trán nép sát vào trán, vén ra sau gáy tai, không cài quá nhiều trang sức, chỉ dùng hai chiếc trâm ngôi sao đan chéo cố định tóc. Tú Linh dìu Phi Tâm, khẽ nói: “Nương nương, không sao đâu. Tầm mắt thứ dân vụng về, làm sao phân biệt được hàng thượng hạng? Hơn nữa Tiểu Phúc Tử đã đi dò hỏi, vải xà cừ không phải thứ gì mới mẻ ở đây cả. ”

Phi Tâm không nói gì, mặc Tú Linh dìu cô lên kiệu, băng qua cánh rừng tiến đến tiền viện. Hôm qua khi vào đây thì trời cũng đã tối nên Phi Tâm không nhìn rõ cảnh sắc này. Hôm nay bước ra, thấy bốn bề đều là những hành lang ngoằn nghoèo, cao cao thấp thấp hệt như mê cung. Đập vào mắt là một màu xanh biếc, dòng sông, con suối róc rách bất tuyệt, mái nhà cong vút ẩn hiện giữa rừng hoa thơm ngát, tiếng chim hót trong trẻo, cánh bướm nhộn nhịp.

Lúc ấy đang là giữa trưa, những áng mây nặng trĩu, e rằng trời lại sắp đổ mưa. Thời tiết tuy nóng ẩm, nhưng gần đến dàn rối nước thì cũng có chút gió mát. Bên này vừa rẽ khỏi đường mòn bỗng thấy bóng người thấp thoáng phía trước, thái giám chấp đường vội quát: “Quý Phi nghi liễn, kẻ phía trước tránh đường! ”

Kẻ ấy vừa nghe, vội vàng đứng yên bất động. Phi Tâm nheo mắt nhìn, thấy người đó mặc bộ y phục màu tím sẫm, hình như là quan phục. Bây giờ trong viện này thường có quan lại ra vào, không giống trong đại nội. Phi Tâm khẽ động ngón tay, Tiểu Phúc Tử đang dìu kiệu bên cạnh vội vàng buông rèm lụa xuống. Phương Nam mưa nhiều nên kiệu cũng có kèm ô trên nóc, bốn phía quấn hai lớp màn che, một lớp mỏng một lớp dày.

Phi Tâm cho người dừng lại, cất tiếng nói: “Không biết là vị đại nhân nào? Nếu đại nhân có việc thì cứ đi trước. ” Nơi này địa thế ngoằn nghoèo, khó trách va chạm, hơn nữa có thể bước vào viện này, ắt phải là trọng thần, Phi Tâm đương nhiên không muốn trở nên kênh kiệu trong thời khắc này.

Người kia yên lặng hồi lâu, sau đó xa xa lên tiếng: “Vi thần Tả Hàm Thanh không biết Quý Phi nghi giá, mong nương nương thứ tội. ”

Phi Tâm nghe thế mới nói: “Đại nhân không rành đường đi trong viện thì nào tội tình gì? ” Nói xong, cô khẽ vẫy tay, Tiểu Phúc Tử tiến lên vài bước, cách một lùm cây nói: “Tả đại nhân, nương nương mời ngài đi trước.”

Tả Hàm Thanh cung kính tạ ơn, Phi Tâm chờ hắn đi trước, bỗng thấy hắn hạ người, lại đi quỳ xuống. Phi Tâm sững sờ, Tả Hàm Thanh quan cư nhị phẩm, tại sao lại hành lễ quỳ với cô? Cô đang định nói thì hắn đã lên tiếng: “Hôm đó may nhờ nương nương trượng nghĩa tương trợ, vi thần mới có thể giữ được thể diện. Ân đức nương nương, vi thần không dám quên, nay lại đụng phụng giá của nương nương, sao có thể đi trước? Vi thần cung thỉnh nương nương khởi giá. ”

Phi Tâm nghe thấy thế thì chợt giật mình, thực ra hôm ấy cô chẳng qua là mượn cớ để nói về chuyện của mình, muốn thông qua đó bày tỏ tâm tư với hoàng thượng. Huống hồ khi cô nói những lời này, ngoại trừ hoàng thượng thì chẳng ai nghe thấy. Có lẽ hoàng thượng có lòng giúp cô! Cô ngẫm nghĩ xong thì thấy lòng đầy cảm kích, yên lặng trong phút chốc rồi khẽ cất tiếng: “Nếu đã thế thì khởi giá vậy. ”

Liễn nhẹ đến thẳng gần cổng phía tây mới ngừng lại, nơi này có một chiếc ao nhỏ, trong đó nuôi rất nhiều cá chép, khi lên cầu Phi Tâm khẽ liếc nhìn xuống, mảng màu đỏ tụ lại hệt như một rặng mây đỏ. Vân Hi đang ngồi uống trà bên cạnh bờ đá ven ao, bên bờ có mắc một giàn nho, lúc này đã kết trái, từng chùm từng chùm long lanh trong suốt, vài chùm có những cuống dài xoăn lại, tán lá nhẹ nhàng rũ xuống, một màu xanh biêng biếc. Vùng này nguồn nước dồi dào, thực vật sinh trưởng thật đẹp mắt, hơn nữa Vân Hi đang vận chiếc áo trắng toát, trông càng nổi bật hơn. Phi Tâm vội bước xuống liễn yết kiến, Vân Hi đảo mắt nhìn cô rồi đứng dậy: “Đi thôi, bảo Thường Phúc đi theo.”

Hai người bước lên cỗ xe nhỏ mui màu xanh, người điều khiển xe là Bàng Tín, tùy tùng đi theo tất nhiên vẫn là Uông Thành Hải. Phi Tâm len lén nhìn y phục của Vân Hi, nhận ra y cũng mặc chất liệu xà cừ.

Loại gấm này có những nếp gấp mảnh mai, may trường bào sẽ có hiệu ứng khúc xạ ánh sáng, hơn nữa còn là màu trắng nên rất bắt mắt. Phía trên còn có những vằn nước hoa văn ngầm màu trắng bạc, không ngắm kỹ sẽ không nhìn thấy. Xà cừ – loại gấm vóc có thể xem là hàng loại hai trong các cung phẩm nhưng nếu ở dân gian thì nó lại là loại hàng thượng hạng.

Vân Hi hiển nhiên cũng biết điều này, nên khi thấy cô trộm nhìn anh, trong mắt bất giác ánh lên nét cười: “Giang Đô tạm thời do Kinh Biện Doanh tiếp quản, vùng này đều như vậy cả. Trẫm đã sai người ra ngoài làm chút việc, khi ở Bình Châu cũng không ai nhìn ra.”

Phi Tâm nghe xong bèn hiểu ra. Hoàng thượng không phải thật sự muốn thị sát dân tình ở Giang Đô mà y đang chuẩn bị cho trận chiến tiếp theo. Nay ra ngoài Nam tuần, hễ đến nơi nào, quan chức hoàng thượng đưa đi cùng sẽ kiểm soát trị an vùng đó trước, so với Giang Đô, có lẽ y muốn thị sát Bình Châu nhiều hơn.

Điều này đương nhiên cũng có nguyên do, Giang Đô là nền móng của nhà họ Nguyễn, Nguyễn thị bị triều đình áp đảo dần dần, năm ngoái đã sa sút hẳn đi, nên tại vùng Giang Đô này thì ắt hẳn nhà Nguyễn sẽ rất thận trọng, trưởng quan hành chính đương địa cũng không còn lệ thuộc nhà Nguyễn. Vì thế, không cần thị sát cũng biết rằng ở vùng đất Giang Đô – nơi đang quá độ quyền lực này sẽ tuyệt đối không xảy ra những việc nghịch ý triều đình.

Chính trị quyền mưu, thực ra chủ yếu chỉ là chuyển dời quyền lực và các mối quan hệ nhân sự. Nhân vật đầu sỏ ở trung tâm tất nhiên phải bị nghiêm khắc xử trí, nhưng quá khắc khe với những kẻ tòng phạm thì e sẽ xảy ra hậu quả tương phản.

Cái gọi là “Chớ đuổi giặc cùng đường, bằng không chó cùng rứt giậu” chính là mang ý nghĩa này. Mà phương pháp này thì thích hợp để cải cách tranh chấp đảng phái, dùng biện pháp cư xử ôn hòa mới có thể khiến đại đa số những người bị ép buộc phụ thuộc nhà Nguyễn tận trung lại với triều đình, an ủi họ mới là cách thức làm giảm sự sát thương đến mức thấp nhất.

Do đó, Hoàng thượng vẫn khẳng định công lao của nhà Nguyễn trên đất Giang Đô, bao dung những thuộc hạ cũ của nhà Nguyễn, làm dịu tâm trạng của họ, từ đó gầy dựng uy tính triều đình.

Cỗ xe nhỏ đi khoảng nửa canh giờ, ngoài kia Bàng Tín nói: “Công tử, phía trước chính là Giang Nguyên Đạo, người rất đông đúc, e rằng xe không đi lọt. ”

2

“Ngừng xe đi, chúng ta đi sang đó. Ngươi không cần đi theo, chờ ở đây được rồi.” Vân Hi nghe thế, đứng dậy. Uông Thành Hải xuống xe, vén màn lên và xếp ghế lại. Vân Hi nhảy xuống trước, quay sang đỡ Phi Tâm.

Phi Tâm bước xuống nhìn, nơi ngừng xe là một chiếc cầu vòm tròn rộng rãi, mặt trước và sau lưng là những dãy phố, đầu xe đang hướng thẳng đến bãi trống của nha phủ Giang Đô, phía sau là hướng họ đã xuất phát. Dưới kia là con sông khúc khuỷu, ven hai bên sông toàn là những cửa hiệu, hình như đã đến phố chợ. Giang Đô Đạo có lẽ là hai bên bờ hẹp, dòng người đông đúc, hết sức náo nhiệt. Những kẻ đi lại trên cầu không ít, vừa thấy họ đã bất giác liếc nhìn một lát.

Phi Tâm thấy cảnh đó hơi lo sợ, vả lại khi họ vừa xuống xe, Bàng Tín đã vội đánh ngựa tiến về trước, chắc là ngừng xe thẳng trong phủ nha. Uông Thành Hải gắn hai mép râu giả, đội chiếc mão nhỏ, bộ dạng trông như một vị quản gia, rất kỳ quặc.

“Nơi này đông người quá, thực, thực sự là….”

Phi Tâm vịn vào thành cầu quan sát hai bên, con đò nhỏ trôi trên sông, qua qua lại lại không ngớt, người lái đò chống sào dài, gào to những giai điệu lạ lùng, giống như đang ca hát vậy. Phi Tâm cũng khó nhận ra đông tây nam bắc, mà nhìn thấy đám đông nhốn nháo đó thì cảm thấy rất không vững bụng.

“Sông này chảy theo hướng Nam Bắc, hai bên Đông Tây chính là phố chợ, phía đông là các cửa tiệm, phía tây là những gánh hàng rong. ” Vân Hi rất hào hứng, dõi mắt ra xa, “Chúng ta đi dạo bên bờ phía Tây, sau đó vòng bờ phía Đông về! Nàng có thể trông thấy cả phủ nha, sợ gì chứ?” Nói xong, y đưa tay kéo cô theo, phấn khởi đi xuống cây cầu, thẳng về bờ phía Tây.

“Sao phủ nha này lại xây ở đây? Gần phố chợ như thế? ” Phi Tâm bị y kéo đi nên loảng choảng vài bước, suýt thì giẫm phải chân váy.

“Đây là Thành Tây, phủ nha trước đây của Giang Đô. Còn Thành Đông bên kia có hồ Thanh Dương, nay bọn họ gọi là Tân Thành, phủ nha mới của Giang Đô sẽ đặt ở đó. Bây giờ Tập Lệnh đang thụ lý công việc trong phủ cũ. ” Vân Hi thấy sắc mặt cô nhợt nhạt, kéo cô sát lại bên mình, “Nơi này rất tuyệt, dắt nàng ra ngoài ngắm nghía cho biết.”

Phi Tâm chẳng nói gì, nhìn thấy đa số người ở đây đều mặc Đoản Đả (áo quần ngắn), Cẩm Thái có quy chế quản lý y phục nghiêm khắc, mặc Đoản Đả thông thường là những kẻ buôn bán nhỏ, nghe họ trò chuyện bằng giọng nói sang sảng, không một chút nho nhã, thấy người ta đỉnh đạc như vậy khiến Phi Tâm rất khó chịu.

Trong đám đông chen chúc này tuy cũng có khá nhiều phụ nữ, nhưng họ đều xoải bước cao giọng nói chuyện, không câu nệ gì, trong mắt Phi Tâm thì đây đúng là cảnh tượng khiếm nhã không chịu được. Con sông dưới cầu rất bẩn đục, do có quá nhiều đò đi lại, còn có cả những kẻ đang tắm gội. Đừng nói đến bát phố, mới được một lúc thì cô đã mồ hôi đầm đìa trên trán.

Phố phía Tây toàn là những gánh hàng rong, bán rất nhiều thức ăn. Thời tiết vốn đã nóng, lại còn gặp toàn những gánh hàng chiên nấu, hơi nóng bốc lên nghi ngút, đi được một quãng, Phi Tâm ngửi thấy mùi là lạ khiến dạ dày cô cồn cào.

Tiểu Phúc Tử vội xích đến gần phía Phi Tâm, không để người khác va trúng cô. Nhưng y phục của họ rất bắt mắt, người qua kẻ lại cứ dáo dác liếc nhìn. Lại còn có những kẻ thi thoảng liếc trộm ngực và eo Phi Tâm nữa chứ, chỉ chốc lát Phi Tâm đã nhũn chân.

Vân Hi nhanh chóng nhận ra, ánh mắt y toát lên vẻ khó chịu. Phỗng mũi một tiếng, bất chợt kéo cô trở về, khẽ giọng nói: “Đến phía Đông trước, thay bộ y phục này của nàng rồi tính tiếp.”

Phi Tâm bị y lôi đến đau cả tay, nép sát vào lí nhí nói: “Hay chúng ta đi về đi, người ở đây thật lạ lùng. ”

Bởi vì cô cúi gầm mặt, âm thanh lại bé, một lát sau Vân Hi mới hiểu ra cô nói gì. Y kéo lấy cô và nói: “Có ta, không gì phải sợ. ” Phi Tâm nghe y nói vậy, trong lòng dâng lên cảm giác ấm áp không sao tả xiết.

Phía Đông là những cửa hiệu, nhưng cũng không phải cửa hiệu sang trọng cho lắm, đầu cầu có một tiệm may y phục, trước cửa treo cờ hiệu có hình chiếc trường bào to, trên bàn bày đầy các loại vải vóc chất lượng một chút. Bên ngoài thì treo những mảnh vải bố và một số gấm thô, còn có một thúng toàn những bộ áo quần cũ. Nhìn thấy họ y phục hào nhoáng đi qua, kẻ giúp việc ngoài cửa đã khom lưng đến độ sắp gập xuống sàn nói: “Thưa cậu, thưa mợ, bên trong có rất nhiều vải tốt, vào mà xem thử nhé.”

Phi Tâm lấy vạt áo che nửa gương mặt, cả người khom xuống, vẻ mặt đáng thương dòm ngó những khúc vải đó. Không phải cô kén cá chọn canh mà là những chất liệu này nếu mặc lên người cô e rằng sẽ cọ tróc da mất.

Vân Hi lôi cô vào trong tiệm, chưởng quầy đã bước ra nghênh đón, gật đầu cúi chào: “Đại gia vào xem, những thứ thượng hạng ở cả trong này. ” Có lẽ tiệm này không phải tiệm chuyên bán vải vóc mà chủ yếu là nơi bán y phục may sẵn nên cũng kiêm luôn bán vải. Trong tiệm rất u ám, đây cũng là một mẹo bán hàng của tất cả những tiệm buôn bán vải, có thể che đi những khiếm khuyết nhỏ. Vân Hi cũng không nhìn, tùy tiện chỉ vào một chiếc trường bào rồi nói: “Lấy cái này đi. ”

Phi Tâm ngẫn người, chiếc áo không biết đã treo trên tường bao lâu rồi, chẳng còn nhận ra màu sắc của nó nữa, vả lại nhìn đã thấy ngay nó to gấp đôi thân hình Phi Tâm. Chưởng quầy đích thân lấy xuống, xuýt xoa khen ngợi: “Đây là hàng tốt nhất rồi đó, đại gia thật có mắt thẩm mỹ. ”

Mắt Vân Hi muốn trợn trắng lên, mặc kệ ông ta nói gì, giơ tay choàng áo bào lên người Phi Tâm. Tiểu Phúc Tử bên cạnh bước qua móc hầu bao, chẳng hỏi han giá cả, tùy tiện ném một nén bạc xuống bàn.

Trường bào này khiến thân hình Phi Tâm trở nên thẳng đuột từ trên xuống dưới. Y phục cổ đứng, lại to, che hết cần cổ đi, tay áo cực dài, phủ hết cánh tay cô mà vẫn còn thừ một đoạn hơn hai tấc, Phi Tâm cứng người, không động đậy mặc cho y choàng giúp cô. Vân Hi sẵn tay vò vò đầu cô hai cái, sau đó mới kéo cô ra.

Bước đến chỗ sáng Phi Tâm mới thấy thì ra đây chiếc trường bào này màu xanh lá mạ, dường như có lẫn vải sa tanh giả và còn có những sợi tơ màu bạc sáng, chính là loại sa tanh được dệt mịn hơn so với bông vải một tí. Vân Hi nhìn cô từ đầu đến chân, mái tóc đã bị y vò rối cả lên, hai chiếc trâm cài ngôi sao có một chiếc lồi ra phân nửa, tóc trước trán che sụp xuống mắt. Y kéo qua loa áo cô lại, rất vừa ý với tạo hình hiện tại của cô. Phi Tâm khóc không ra nước mắt, tuy không phải lần đầu y trêu cô, nhưng bây giờ đang ở trên phố đấy!

Cứ như vậy, người tò mò lại càng nhiều. Nhưng không phải nhìn Phi Tâm mà là nhìn Vân Hi, một công tử tuấn tú khôi ngô dẫn theo một đứa con gái quê mùa, tất nhiên càng khiến người ta để ý hơn rồi. Nhưng Vân Hi không sợ ánh mắt dòm ngó đó, ngày nào mà y chẳng phải nhìn mặt một đám người, vả lại gương mặt y vốn cũng đã rất dễ gây chú ý.

Phi Tâm lén nhìn trộm xung quanh, tuy bộ dạng này thật sự khiến cô xấu hổ, nhưng còn tốt hơn là phải đối diện với những ánh mắt say mê của kẻ khác, cũng xem như đã được giải vây. Cô khẽ ngước nhìn y, y đang nhìn cô hả hê, khóe môi cong lên thật sự rất quyến rũ. Y đưa tay lau những giọt mồ hôi trên trán cô: “Nóng không? ”

Đúng là rất nóng, động tác của y cũng rất ám muội. Nhưng lúc đó Phi Tâm lại không cảm thấy khó chấp nhận, trong khoảnh khắc đó, cô hơi bần thần vì nụ cười của y. Có lúc cảm giác nụ cười của y cũng rất giản dị.

Họ lại trở về bát phố ở bờ phía Tây, Phi Tâm dùng khăn tay che nửa mặt, níu chặt không dám lìa khỏi bàn tay Vân Hi. Tiểu Phúc Tử trong tay đang cầm hai khúc sa tanh giả màu trắng, đây là thứ lúc nãy Vân Hi đòi mua.

Sa tanh giả rất thịnh hành trong dân gian, triều đình có hạ lệnh rằng dân thường không được mặc gấm lụa, dù có là thương nhân cũng không được mặc. Những kẻ vi phạm, nhẹ thì phạt tiền, nặng thì phạt đòn và bắt giam.

Vì thế có một số phú hộ hoặc thương nhân hay mặc sa tanh giả, trông nó rất giống gấm vóc, dệt tốt một chút thì không chừng còn tưởng thật, kiểu dáng cũng rất nhiều. Giá cả đắt rẻ khác nhau, nếu dệt công cực tốt thì giá một khúc sa tanh giả sẽ tương đương với giá của tơ lụa.

Giống lần hành cung lần trước, ông chủ khách điếm trên thị trấn Nam Lệ ở huyện Hoàng Uyển đã ăn mặc rất lộng lẫy, nhưng thực ra y phục cũng chỉ là sa tanh giả, chẳng qua chỉ vì dệt rất tốt nên mới trông giống tơ lụa mà thôi. Cũng có những nơi quản lý không nghiêm ngặt, hoặc xa rời trung ương nên có nhiều kẻ cả gan mặc áo gấm lụa, nhưng đại bộ phận các thành thị đều nghiêm chỉnh chấp hành pháp lệnh này.

Hiện giờ họ đang bát phố trên bờ sông phía Tây, Vân Hi mặc y phục xà cừ, mọi người nhìn vào đã biết chắc rằng y không phải xuất thân dân thường. Hơn nữa bây giờ hoàng thượng Nam tuần, rất nhiều lối đi hạn chế dân thường qua lại, trên phố thường xuất hiện những thị vệ chấp hành nhiệm vụ mặc áo gấm đen, đội mão, có lẽ họ cho rằng đoàn người này đa phần là con cháu quan lại trong kinh đi cùng, nên dẫu ánh mắt có phóng túng, có tò mò muốn nhìn ngắm thì cũng kiêng dè hành động. Những ánh mắt liếc nhìn cũng đều hơi nghiêng người cúi đầu, và nhường đường.

Hầu hết ở đây đều là những kiến trúc dài và hợp với tông màu trắng đen, hệt như một sân đình, cửa sau được xây khoét vách theo hướng thẳng ra con sông, có lẽ là nhà ở của những kẻ bán buôn này. Có những nơi dựng lều ven sông, chỉ chống bằng hai cột trụ; có những nơi còn dùng dây thừng mắc lên cây, trải tấm rèm để ngăn cách với hai bên, tiện bề chào hàng; và lại những nơi chỉ có một gánh hàng rong, tùy tiện đặt vài chiếc ghế; có nơi còn chẳng có ghế, khiến cả đường bờ sông trở nên chật chội hết sức, người qua đường chỉ còn cách đi sát mép sông.

Phía đầu mép sông có những bậc thềm tạo thành một chiếc bục nhỏ phẳng phiu, có những người rửa tay, rửa chén tại đó, những con đò tới rồi đò lại đi trên sông, lái đò có cả nam lẫn nữa, cao giọng hát lên, khéo léo lái đò qua lại.

Phi Tâm chưa bao giờ bát phố, Vân Hi tuy trưởng thành trong chốn thâm cung nhưng lúc trước y cũng từng vi hành ở các phủ đệ của quan lại trong kinh, thỉnh thoảng hứng chí cũng dạo quanh các hẻm to hẻm nhỏ trong kinh. Nhưng cũng là lần đầu tới vùng Hoài Nam, nên rất tò mò với phố chợ phương Nam này. Lúc đó, những gánh hàng rong bày biện đủ mọi thứ, thứ ăn vặt nhiều vô kể. Có những thứ y biết và đã từng nhìn thấy trong kinh. Cũng có những thứ hoàn toàn chưa bao giờ nhìn thấy, chẳng hạn như bát gốm nhỏ này, trong đó chứa một thứ gì đó nhiều màu ngưng đọng, chỉ cần ấn nhẹ lên trên mặt thì sẽ có một miếng bánh tròn tròn trượt xuống, lấy que tăm khẽ nhích một cái, thật ngon miệng. Chen vào hỏi mới biết, thứ này gọi là Ngẫu Tử Cao. Nguyên liệu chính là bột củ sen, trộn vào một ít nước đường keo đặc lại, cho thêm đậu đỏ, quả mơ, đậu xanh để nấu thành những sắc màu khác nhau, sau đó đặt vào trong bát sứ, giá cả cũng cực rẻ, một đồng một miếng.

3

Còn có những ống tre dài và hẹp, trong đó nhét đầy bột nếp, hạt sen. Sau đó bỏ vào nồi chưng, khi ăn thì bẻ đôi ống trúc ra, bên trong là một ống nếp, cũng giá một đồng một ống.

Ngoài ra còn có cá viên chiên tròn tròn, trên thịt cá có rắc một lớp bột. Một xâu hai viên, đặt trong một đĩa bằng đồng nhỏ, nóng hổi, nghi ngút khói, rưới thêm tương ớt hoặc tương ngọt lên đó. Vẫn là giá một đồng một xâu.

Bánh chẻo nếp gói trong lá sen, phía trên có rắc những hạt đậu phộng, hạt mè giã nhuyễn. Khổ qua, rau thơm, táo đỏ nấu nhừ thành dạng keo, những thứ này cũng là một đồng một cái. Còn những thức ăn có thể thấy trong kinh thành như là chè mè đen, tàu phở, bánh gạo, cũng đều giá một đồng một cái! Tất cả gánh hàng rong ở nguyên con đường này, mọi thức ăn vặt đều cùng một giá!

Sau đó, họ lên đò đi về Thành Đông thì mới biết, tất cả gánh hàng rong trên phố đều có cùng một giá là để tránh việc giành giựt chiếm chỗ, Tập Lệnh đã căn cứ vật giá nơi này để định. Bá tánh Thành Tây khi bát phố ở chợ, trong số mười người đã có tám, chín người ra đây lấp bụng. Tiêu không tới mười đồng thì đã có thể khiến hai người no nê.

Vân Hi thấy Phi Tâm món nào cũng đưa vào miệng, thật sự khiến cô nơm nớp lo sợ. Ban đầu Uông Thành Hải cũng hơi sợ, thi thoảng khuyên nhủ, sau đó hắn cũng ăn theo Vân Hi, ăn đến dính tương ớt vấy lên bộ râu giả, mồ hôi nhễ nhãi mà vẫn dựng ngón cái khen ngon, đúng là liều mạng nịnh bợ! Tiểu Phúc Tử ánh mắt cũng thèm thuồng, nhưng ngại Phi Tâm nên không dám mạnh miệng ăn, chỉ nếm thử một tí. Còn Phi Tâm thì chẳng ăn một miếng nào, nhìn những chiếc bát được rửa từ nước sông thì bao tử cô đã muốn lộn ngược.

Tuy cô không nuốt nổi nhưng cô cũng hiểu mục đích đến nơi này. Về cơ bản thì ở đây đã thể hiện được cuộc sống của thường dân Giang Đô, có thể nói là ai ai cũng no ấm, người người có cơm ăn. Lời nói nghe có vẻ dễ dàng, nhưng đối với một đất nước mênh mông to lớn, muốn thực hiện được cũng không phải chuyện dễ. Khi bờ đê Cù Hiệp vẫn chưa xây xong, giao thông sông nước bất tiện. Mỗi mùa mưa đến thì vùng Giang Đô đều có vô số người dân bị đói khát, lúa gạo lương thực lên giá, vào những năm đầu Xương Long, đã từng có đợt giá một gánh gạo lên đến ba lượng bạc. Từ đó dẫn tới nạn cướp giật, còn có thủy tặc giết người cướp hàng trên sông, ngay đến thuyền quan cũng không tránh được.

Đến tận mấy năm nay, công trình Cù Hiệp ngày càng hoành tráng dẫn đến nước sông Hoài bị đẩy về phía nam, không còn lụt lội khắp nơi, những kẻ đầu cơ gạo cũng không còn trục được lợi, nay giá gạo đã rớt xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Hai mươi, ba mươi đồng đã mua được một gánh gạo tẻ, gạo trân châu thượng hạng cũng chỉ hơn một trăm đồng, đã rớt xuống thấp hơn gấp mười lần so với trước đó. Vì giá gạo hạ nên những vật liệu chế biến từ gạo như rượu cũng xuống giá theo. Hơn nữa đất hoang ven sông được khai khẩn, đa số trồng thực vật rau củ quả, nên đã làm sản lượng cho vùng Giang Đô phong phú thêm. Còn thủy tặc cũng đã sớm trở thành truyền thuyết, ban đầu liều mạng vì miếng ăn, nay miếng ăn có thể dễ dàng kiếm được, ai lại muốn trở thành kẻ cầm dao liếm máu? Giao thông đường thủy hưng thịnh, nên mới có được cảnh tượng phồn vinh hôm nay.

Giang Đô là nơi bắt đầu quyền lực của nhà họ Nguyễn, phú thương vùng này ít ít nhiều nhiều cũng chịu sự bảo hộ của nhà Nguyễn, là thương nhân, cúi đầu trước cường quyền là

một lẽ sinh tồn không thể nào tránh. Cách thức xử lý ôn hòa của triều đình đã giảm nhẹ nỗi lo của họ một cách triệt để, từ sau khi nhà Nguyễn sụp đổ, Giang Đô chưa hề xảy ra việc các phú hộ di dời gia quyến, dẫn đến dân tình hoảng loạn như các triều đại trước,

Vào những năm Phụng Nghi, Giang Đô có Khang Ninh Công, Phúc Ấm Viên mà họ đang ở bây giờ chính là phủ đệ của Khang Ninh Công. Sau đó vị vương gia này bị buộc tội mưu phản, áp giải về kinh xử tử. Khi ấy, một lệnh thánh chỉ của hoàng đế Phụng Nghi, nghiêm trừng đảng dự, kết quả quan phía dưới chấp hành nhiệm vụ lấy công báo thù tư, dẫn đến việc liên lụy lên đến hơn ba ngàn người, sau cùng ngay đến thương nhân từng qua lại cũng chịu lụy. Ai nấy đều hoảng hốt như chim gặp cành cong, và hệ quả là các phú hộ đương địa gói gém vàng bạc bỏ trốn, sau này sự kiện ấy được gọi là Đinh Mão Chi Biến. Bá nghiệp trăm năm của Giang Đô trở nên tiêu điều, bá tánh trở thành những người bị hại nhiều nhất trong trận phân tranh của những kẻ cầm quyền.

Về sau, Đại Tề Quốc bị Cẩm Thái diệt, Phụng Nghi trở thành triều đại sau cùng của họ. Đại Tề diệt vong, đương nhiên không chỉ đơn thuần là chỉ tại mỗi vùng đất Giang Đô. Nhưng Giang Đô dẫn đến bùng phát dân biến, bá tánh triệt để mất lòng tin đối với triều đình, vì thế nó đã trở thành chất xúc tác khiến họ diệt vong nhanh chóng!

Thời kỳ đầu dựng nước của Cẩm Thái, Giang Đô vô cùng thê thảm, đã từng có hơn ba mươidặm chìm ngập trong nước, ba mươi dặm trở thành bãi đất hoang. Hơn nữa mưa liên miên, rất đông bá tánh đã di cư, lãng phí một vùng đất tươi đẹp! Qua đó có thể thấy, sự chuyển đời quyền lực và sự tranh chấp trên triều đường, chỉ cần một chút sơ hở cũng có thể bùng phát hoảng loạn ở các địa phương. Hoàng Đế được ví là Quân Phụ, là cha của bá tánh khắp thiên hạ. Không những phải có thủ đoạn cứng rắn, mà còn phải có lòng nhân ái. Nên cân bằng như thế nào, đó chính là mục đích đeo đuổi cao nhất của bậc quân vương các triều đại. Gánh trọng trách để với đến đỉnh cao xa vời, nên càng phải tận tụy, càng phải thận trọng, càng phải khéo léo, thật dễ dàng để thốt lên những lời này, nhưng lại quá khó để thực hiện!

Phi Tâm ngồi trong chiếc đò nhỏ, cứ cảm thấy đôi chân nhức nhối như bị kim đâm. Cô đã hai mươi năm chưa đi được quãng đường dài như vậy, và cũng chưa bao giờ bẩn như vậy. Họ đi bát phố từ Tây sang Đông, đi khắp các gánh hàng rong, cửa hiệu hai bên bờ, người ngợm đầm đìa mồ hôi, tóc tai cũng rối bù. Trên đò bày đủ các loại thức ăn, vải vóc, giày dép, đấu lạp áo tơi (áo nón đội mưa), và còn cả những bộ y phục đã may sẵn, toàn là làm từ bông đay mà họ đã mua về. Ngoài ra còn có những thứ linh tinh như quạt tay, trâm gỗ, lược, chiếu, có thể nói là muốn gì có nấy. Thế nên cỗ xe ngựa đã dùng ban đầu chắc chắn không chứa xuể, đành phải thuê đò, đi về bằng đường thủy.

Vân Hi trông sắc mặt Phi Tâm tái xanh, biết rằng cô đã hết mức chịu đựng. Dù cô hiểu rõ mục đích chuyến đi này của y, nhưng không thể nào tìm được lạc thú từ nó. Cô không hề nhấp môi ăn chút gì, trời nóng cách mấy cũng vẫn lấy khăn bưng bít mũi miệng lại. Nhưng, cô có thể cùng y đi khắp các nẻo đường một chuyến, đối với cô mà nói, đó đã là một sự tiến bộ vượt bậc. Cô chỉ là một chú chim yến vàng chưa bao giờ sổ lồng, nên đã quên mất phải cất cánh như thế nào để bay nhảy giữa rừng. Tuy sự náo nhiệt và đời sống muôn màu của dân thường cũng mang lại sự cảm thông cho cô, cô có thể trải niệm mặt khác của cuộc sống, nhưng lại không thể hòa nhập vào trong đó!

Vân Hi vốn dĩ còn muốn dạo Thành Đông một chút, bên đó có một dãy phố toàn các cửa hiệu san sát nhau, rất khác biệt so với bên này. Nhưng trông cô có vẻ không cầm cự nổi nên đành ngắm nghía lúc lên đò thôi. Con sông này lưới chài dày đặc, lưu thông đường thủy phát triển hơn đường bộ. Có những nơi nhà cửa xây trên bục nước, mở cửa và men theo bục thềm sẽ lên thẳng được đò, đó là những gian nhà lợp vôi có nóc bằng gỗ. Những gian nhà cao thấp không đều sắp xen kẽ nhau, có nhà kéo sào phơi áo, nhìn lướt qua cứ như những ngọn cờ màu đang tung bay phất phơ.

Thời tiết rất nóng, nhưng trên mặt nước vẫn khá dễ dịu. Lúc trưa mới ra ngoài thì trời âm âm u u như đang nén chặt những cơn mưa, không ngờ chỉ một chốc mặt trời đã ló dạng, ánh sáng chói chang soi rọi xuống mặt sông cứ lấp la lấp lánh. Phi Tâm ngồi bên cạnh Vân Hi, đôi chân mỏi nhừ muốn rã rời, con đò này rất cũ kỹ, chiếc mui trên đầu còn có khá nhiều lỗ thủng, hai bên có đâm hai lỗ to tạo thành cửa sổ, mùi giấy dầu cứ phập phà quạt tới. Đò nhỏ lắc lư rất dữ dội để tránh né những con đò khác.

Người lái đò là một đàn bà hơn ba mươi tuổi, mặc bộ y phục vải thô màu xanh xám, thắt một chiếc nịt lưng quanh eo, phía dưới không mặc váy mà mặc chiếc quần đen ống rộng. Lúc đó ống quần đã vén đến tận gối, để lộ đôi chân, đi chân trần trên ván đò. Đàn bà xuất đầu lộ diện đã không nên, lại còn chân trần lộ đùi, khiến Phi Tâm liếc nhìn qua đã không muốn quay về phía đó. Trên đò bốc lên một mùi tanh tanh, Phi Tâm dùng khăn che lại mà vẫn thấy buồn nôn, cô rất khâm phục Vân Hi có thể ung dung thư thái ngồi trên đò như vậy. Cô bịt kín quá, lại mặc thêm lớp áo ngoài, nên buồn nôn không chịu được. Đành quay đầu hít thở gió ngoài cửa sổ, đưa mắt ngắm nhìn cảnh sắc trên bờ.

Rẽ sang hai ngã sông, đò ít dần đi. Đường sông bắt đầu trở nên rộng rãi, con phố trên bờ cũng trông sạch sẽ hơn, những gian nhà lợp tường vôi cũng vơi đi, dần dần xuất hiện một vài cột trụ điêu khắc với mái cong. Thỉnh thoảng có những con thuyền đi qua, nhưng đều là thuyền hoa, và còn là loại thuyền hai tầng. Phi Tâm nghĩ có lẽ sắp đến Tân Thành bên kia rồi, bên tai văng vẳng những giọng hò khe khẽ, dường như phát ra từ chiếc thuyền hoa, mặt hồ cũng trong dần, suy cho cùng là vì nơi này ít ai tắm gội. Phi Tâm nhìn lên bên bờ đó, nơi này rộng rãi, nên xe ngựa có thể chạy được. Đột nhiên cô mở to đôi mắt, con đò đang lái đi trong khoan thai, tấm bảng hiệu của một tòa nhà to bên bờ sông đã thu hút ánh nhìn của cô.

“Đình Kỳ Trà Trang”. Vân Hi không biết đã ghé sát cô từ lúc nào, nhìn tấm bảng hiệu, đột nhiên cười cười. Nói với Uông Thành Hải: “Bảo bà ta dừng lại! ”

Phi Tâm nghe thấy thoáng sửng sốt, rõ ràng qua ánh mắt của cô Vân Hi đã biết được Trà Trang này là của ai. Không sai, Đình Kỳ Trà Trang chính là cửa hiệu kinh doanh của nhà Lạc Chính, Lạc Chính Đình Kỳ là tăng tổ phụ của Phi Tâm. Dòng họ Lạc Chính lúc ban đầu xuất thân từ gánh hàng rong nhỏ, đến lều trà ven đường, rồi đến quán trà nhỏ, cho đến khi phát triển như ngày hôm nay, sở hữu vườn trà, trà trang, trà lầu, buôn bán trải khắp hai bờ sông Hoài, trở thành đại phú thương danh tiếng khắp vùng phía Nam.

Cô còn đang trầm tư suy nghĩ thì đò đã từ từ cập bến, Vân Hi kéo cô dậy: “Ở đây rất tuyệt, trên đó còn có trà lầu. Ban nãy đến một ngụm nước mà nàng cũng không uống, nước ở đây chắc nàng chịu uống rồi chứ? ”

Cô nhìn nét mặt y như cười như không, hơi lúng túng, ngại ngùng chẳng thốt ra được nửa lời. Cô loạng choạng bước lên bờ, cơ thể nặng nề muốn chết, bàn chân thì không ngừng đu đưa. Trà trang này rất to lớn, lầu cao ba tầng, bên ngoài xây bốn cột trụ, bảng hiệu phết một lớp màu hoàng kim. Tòa lầu chính giữa bán toàn lá trà, còn có một ít tráng miệng dùng chung với trà. Hai bên xây hai tòa nhà phụ, đều là trà lầu. Phi Tâm nhìn bố cục thì biết ngay, phía Đông là nơi chuyên dành để phẩm trà, kèm tráng miệng. Trước cửa có một quầy ngăn, nhìn vào bên trong thì thấy toàn là những phòng trà nhỏ độc lập. Phía Tây xây một sảnh to, dòng người đông đúc, còn có cả sân khấu kịch, phục vụ chu đáo cho những yêu cầu khác của khách hàng.

Vân Hi kéo Phi Tâm bước lên thềm, đi về tòa nhà phía Đông. Người giúp việc trước cửa vừa thấy họ đã chấp tay vái lạy, cất tiếng chào: “Mời các vị vào trong. ” Đều là y phục màu xanh, đội mão nhỏ màu xanh, nom khoảng 18 -19 tuổi. Dung nhan thanh tú, sạch sẽ, gọn gàng, thái độ hòa nhã nhưng không nịnh nọt – đặc trưng của phong thổ phương Nam, nhìn thấy bộ dạng kỳ lạ của Phi Tâm nhưng vẫn không tỏ sắc mặt đặc biệt gì, được dạy dỗ khá lanh lợi!

Sau khi bước vào, bên trong sảnh giữa hơi mờ, xung quanh đều có ngăn lại, trong sảnh dựng một chiếc quầy, xung quanh bày những chiếc ghế, đằng sau treo bức tranh quan cảnh vườn trà to đùng. Trưởng quầy đang loay hoay với bàn tính, vừa thấy khách vào, vội vàng buông đồ đạc trong tay, bưng chiếc khay bước tới, trong đó trải một tấm khăn lót sạch sẽ, bên trên đặt hai quyển sổ, quay sang quầy, trông rất lạ mặt, nhưng cũng không dám thờ ơ, khẽ cúi người: “Tiểu điếm có phòng tĩnh ở lầu một bên này, từ tầng hai trở đi đều là gian phòng độc lập. Không biết các vị khách quý đây có những yêu cầu gì?”

4

Vân Hi nghe thế, cảm thấy khó hiểu. Nơi này rất khác biệt so với trà quán trong kinh thành, lúc nãy y chỉ tùy tiện chọn một hướng để ghé vào. Bây giờ độ nhiên hỏi y điều này, khiến y hơi sững sờ, bất giác cúi xuống nhìn Phi Tâm. Phi Tâm khẽ nói: “Nơi này không có sảnh chung, và….” Cô đang định nói trong kinh, chợt cảm thấy bên ngoài này không tiện, chẳng biết nói thế nào. Chưởng quầy nhìn bộ dạng của họ, đoán rằng 80% là người ngoại tỉnh. Có lẽ đến từ phía Bắc, nay hoàng thượng hạ Nam tuần đến Giang Đô, không chừng họ đến cùng hoàng thượng, trong lòng nghĩ thế nên lập tức trở nên nghiêm nghị lại, chấp tay mời họ ngồi vào ghế. Ngay tức thì, người giúp việc đã bưng trà lên, cốc trà nhỏ bằng sứ men xanh, trong đó chứa những lá trà xanh còn tươi được đun sôi.

Chưởng quầy chờ họ yên vị, lúc này mới đứng bên Vân Hi nói: “Tiểu điếm này tách rời sảnh khác, phía Tây náo nhiệt hơn, phía Đông yên tĩnh một tí, lầu một này có tám gian phòng, mỗi phòng tối đa chiêu đãi tám vị khách, nếu không ngại gộp chung. Bằng không thì quý khách có thể dời bước lên lầu hai, lầu hai là gian phòng biệt lập, bố cục cũng khác nhau, cảnh sắc cũng khác nhau. Nếu quý khách muốn nghe nhạc, xin mời sang lầu ba. Lầu ba có bốn phòng, mỗi phòng đều được cách âm, sẽ không ảnh hưởng đến những vị khách khác, ngẩng đầu nhìn ra sẽ có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc toàn vùng Thành Đông. Về giá cả thì cũng khác nhau. Ở đây tiểu nhân có hai quyển sổ, một quyển giới thiệu quy cách trà lầu, một quyển là ấm tách trà cụ. ”

Vân Hi nghe rồi nhướn mày mỉm cười, không đáp lời nào mà quay sang nhìn Phi Tâm. Phi Tâm thấy vậy thì hiểu ngay y cố tình không muốn lên tiếng, sợ rằng người ta nhận ra giọng kinh thành. Ở Thành Tây y không ngại, nhưng đến đây thì y lại cẩn trọng hơn, càng đến chỗ cao sang, y lại càng muốn biết bộ mặt của những kẻ nơi ấy thế nào. Phi Tâm tất nhiên không thể để y lộ tung tích, đưa tay cầm quyển sổ. Chưởng quầy dâng tới, cô lật vài trang rồi nói với giọng Hoài Nam: “Quét dọn phòng to, tìm một phòng có quang cảnh thanh tịnh là được.”

Giang Đô nằm ở phía đông tỉnh Giang Đông, tuy chỉ cách Hoài Nam một con sông Hoài nhưng khẩu âm lại không giống nhau, nhưng cũng không chênh lệch nhiều. Giọng địa phương này nghe rất ấm áp và mềm mại, nhất là khi nói chậm và khẽ, giọng nói uyển chuyển quyện vào nhau, không có âm bậc quá sắc nhọn, có cảm giác rất ngọt ngào. Phi Tâm vốn là người Hoài An, lúc nãy có nghe giọng điệu người ta trong phố chợ nên đoán được tám, chín phần âm địa phương nơi này.

Vân Hi biết Phi Tâm sẽ phối hợp rất tốt với y trên phương diện này, không cần y đưa bất kỳ ánh mắt biểu hiện nào. Nhưng y chưa hề nghe Phi Tâm nói chuyện như thế này, mềm dẻo hệt như có một ngón tay đang quấn lấy, y thẫn thờ trong chốc lát, ánh mắt bất giác nhìn cô chằm chằm.

Chưởng quầy nghe giọng nói đầy âm điệu phương Nam, bỗng chốc cũng không phân biệt được vị khách này đến từ đâu. Lúc ấy thấy chiếc khăn tay bịt mặt của cô đã giở ra một nửa, dù tóc tai hơi rối, cách ăn mặc cũng không trông rõ được thân hình, nhưng ngũ quan tinh tế, rất giống bộ dạng người Hoài Nam, vội vàng nói: “Vâng vâng, mời các vị lên lầu. ”

Họ bước vào một gian phòng gần mé bờ sông, hai bên đều dựng những bình phong bảy nếp gấp, trên đó vẽ những bức tranh sơn thủy, chiếc bàn tròn bằng gỗ lê đặt ngay chính giữa. Giữa phòng trải tấm thảm tròn màu đỏ, một bên toàn là cửa sổ to, che phủ bởi những chiếc rèm xanh, có thể nhìn thấy cảnh sông nước phía ngoài. Mép cửa sổ xây ra một chiếc bục thấp để đặt trà cụ và mười mấy đĩa điểm tâm, đều làm từ cây trà. Hai bên bục có hai nến cắm dạng cành cây. Hai dãy tủ kê sát một bên mép cửa, bày biện nhiều loại thủ công mỹ nghệ, đa số là gỗ điêu khắc và gốm sứ.

Phi Tâm chọn hai loại trà, Cúc Nhụy Thanh Phân và Minh Tiền Lục Bào Sa. Đây là hai loại trà đặc sản vùng này, không quá đắt giá. Một loại là trà tươi, Lục Bào Sa hái vào trước Thanh Minh, chỉ lấy những đỉnh trà nhọn, phơi khô và dùng được ngay. Cúc Nhụy Thanh Phân là trà chín, hái sau thanh minh, cần phải cất chung với hoa cúc trong một lọ sứ trong một mùa, sau đó lấy ra xào, trải một lớp nhụy hoa cúc cùng một lớp trà để chưng rồi xào đi xào lại. Vùng này thời tiết nóng ẩm, hai loại trà này đều có tác dụng lợi gan giải nhiệt, dùng vào mùa hè là tốt nhất, rất được người dân vùng này ưa chuộng. Gia đình quan lại vùng đất phía Nam này thường hay dùng hai loại trà này trong mùa hè.

Phi Tâm chọn hai loại nước nấu trà, Cúc Nhụy Thanh Phân dùng nước nguồn từ Bi Nữ Phong ở hồ Thanh Dương. Lục Bào Sa thì dùng tuyết lộ lâu năm. Cũng chọn luôn hai mẫu trà cụ phối hợp, Cúc Nhụy dùng với Bát Bảo Thanh Từ Cái, Lục Bào dùng với Kiếu Tế Trụ Bôi.

Vân Hi nheo mắt nhìn cô, chờ khi chưởng quầy đóng cửa bước ra, Uông Thành Hải lùi ra canh chừng ngoài cửa, lúc đó y mới cất tiếng: “Nàng cũng cẩn thận quá mức, cố tình lộ khiếm khuyết, ta trông hắn cũng đâu đến nỗi tinh ý như vậy. ”

Thực ra trên quyển sổ tay giới thiệu mẫu trà đã có sẵn từng hệ liệt, Phi Tâm cố ý không chọn, tỏ vẻ như là mình rất biết cách phối hợp. Sau đó thì chọn nguồn nước và ly tách chênh lệch một tí, hệt như bộ dạng những gia quyến nhà quan rất am tường về trà nhưng lại chưa đủ tinh thông.

Ai cũng biết nước suối trong hồ Thanh Dương có vị ngọt lạnh. Nhưng Cúc Nhụy Thanh Phân là một loại lục trà chế tạo từ bông cúc, lấy nước suối để nấu thì không ra được mùi thơm hoa cúc, nên dùng với sương lộ thì mới là thích hợp.

Về ly tách, Lục Sa được chiết từ những nhánh lá nhọn và buông xõa, dùng Trụ Bôi (Ly hình trụ ) cũng không sai, nhưng Tế Trụ Bôi (ly hình trụ thon nhỏ) sẽ không thể thấy được hình dạng buông xõa, lá sẽ chụm hết vào nhau. Gia quyến nhà quan thông thường đến Giang Đô đều cứ nhắm vào nước suối, và về mặt thủ công thì Tế Trụ Bôi cũng là loại ly tinh xảo nhất, nhà quan đều rất ưa loại này.

Như thế thì sẽ có thể giải thích được vấn đề lạ mặt, gia quyến nhà quan thường không xuất hiện trên phố lớn, ăn mặc kỳ lạ chính là để người ta không nhận ra. Vậy thì thân phận của Vân Hi cũng có thể tha hồ đoán, nay Hoàng Thương hạ Nam tuần, ngoại trừ quan lại địa phương ở Giang Đô, còn nhiều huy động lực lượng đại quan khác như là kiểm sát của hai tỉnh Giang Đông, Hoài Nam, sau đó sẽ có thêm nữ quyến nhà quan muốn ra ngoài xem náo nhiệt, tự khắc cũng sẽ có người đi cùng.

“Chỉ mong không đoán ra chúng ta đến từ kinh thành, để họ khỏi nghĩ ngợi. ” Phi Tâm khẽ nói, nửa cúi đầu xuống, “Hoàng thượng cũng không muốn họ đoán bừa, dẫn đến lan tin về Hoài An, thần thiếp cẩn thận một tí thì hơn. ”

“Nàng ngày càng hiểu ý ta rồi.” Y đưa tay xoa nhẹ tóc cô.

“Hoàng thượng không phải lo sợ bọn họ cậy thế áp đặt người khác, nhưng quan kinh thành cố ý đến đây uống trà, e rằng lan đến tai phụ thân thần thiếp, người lại lo lắng sợ hãi tưởng gây rắc rối gì cho thần thiếp!” Phi Tâm nhẹ nhàng nói, “Thần thiếp thực sự….”

“Ở đây bọn họ làm việc rất tốt, có thể dạy dỗ người trong phân hiệu như vậy, cũng không dễ dàng. ” Vân Hi và Phi Tâm lúc ấy đang ngồi trên ghế sát bên cửa sổ, y nhìn xuống dưới phố. Phi Tâm khẽ ngẩng đầu, nhìn xuống theo y. Bên bờ sông dưới kia có một người đàn bà đang cầm giỏ tre, kèo nhèo một người giúp việc nói nhỏ gì đó, nhưng nhìn dáng vẻ khắc khổ, áo quần rách rưới, trông giống hệt như dân nghèo lạc đường.

Chỉ thấy người giúp việc chỉ chỉ về phía trước, lòng bàn tay làm động tác khuấy khuấy, tiếp đó chào hỏi phía sau và một lát sau lại chạy tới, nhét vào giỏ người đàn bà vài chiếc bánh bao và bánh trà. Người đàn bà đó cúi đầu, kẹp giỏ xách vào nách, đôi tay chấp lại tỏ ý muôn phần cảm tạ.

Từ sau khi cô vào cung, vì đã năm lần bảy lượt dặn dò phụ thân cẩn trọng hành sự, đừng chuốc thị phi, đừng khiến người khác oán hận. Những việc có thể giải quyết bằng tiền thì không cần phải giành, thấy quan phải nhường, đối xử nhân hậu với dân, danh tiếng không phải dễ dàng có được. Đừng để lan đến kinh thành, người ta quở trách nhà giàu mới nổi không biết giữ thể diện. Phụ thân cũng nhiều lần đáp rằng sẽ dặn dò huynh đệ cẩn thận, ở Hoài Nam tuyệt đối không gây phiền toái cho cô, không đem danh tiếng của cô ra ngoài gạ gẫm. Để dòng họ Lạc Chính thuận buồm xuôi gió tiến tới, tự khắc sẽ biết hòa khí sinh tài, không dính tai tiếng phi nghị.

Nay thấy thôn trang tuy to, người đến nườm nượp, nhưng bọn họ đến bằng một chiếc đò rách nát, kẻ giúp việc cũng rất khách sáo. Y phục Vân Hi đã nhàu nát từ hồi còn dạo phố chợ phía Tây, chất liệu cũng không ra dáng vẻ hàng thượng hạng. Phi Tâm thì càng khỏi nói, đa số các tiệm lớn đều chèn ép khách khứa, nhưng họ lại không bị đối đãi như vậy. Nên hoàng thượng mới cố ý không lên tiếng, muốn nhìn thấy được bộ mặt thật.

Vân Hi quay sang nhìn vẻ mặt Phi Tâm, khẽ động lòng, nhà họ Lạc Chính có thể duy trì đến hôm nay thật không phải điều đơn giản. Xuất thân từ nhà buôn, có thể cẩn thận, kỹ lưỡng đến như vậy thật sự hiếm có. Y đưa tay nắm lấy cánh tay cô, đột nhiên cười lên: “Ta thích nghe giọng miền Nam của nàng, sau này nàng cứ nói chuyện như thế nhé! ”

Phi Tâm đỏ mặt, mím môi cúi đầu: “Giọng điệu kỳ quặc ấy sợ hoàng thượng nghe không hiểu.” Nay đã không còn người ngoài, thế mà y vẫn cứ mở miệng là “Ta”, khiến Phi Tâm cảm giác rất lạ lùng.

“Không kỳ, nghe rất hay. ” Y nói rồi đứng dậy, lại tỏ ra suồng sã phóng túng, “ Nóng thật đấy, còn choàng tấm áo bào rách rưới làm gì, cởi đi chứ? ” Nói xong, bắt đầu giơ tay kéo ra. Phi Tâm giật thót người, mắt tròn xoe, vội vàng đưa tay ra đỡ: “Đừng, tí nữa….”

Vừa nói xong, y đã túm cổ áo cô: “Cứ cởi áo ngoài này ra, nàng không nóng à? Nàng….” Y đột nhiên ngừng tay, cúi khom lưng sát vào, đưa tay sờ cổ cô. Cả người Phi Tâm trơ ra, mặt cứng đờ, môi run cầm cập. Y nhìn sau cổ cô, đưa tay kéo cô lại: “Nàng thật là….”

Cổ cô nổi đầy rôm sẩy, những chấm đỏ chằn chịt, suốt đường đi chắc là rất ngứa ngáy khó chịu. Cô lại có thể im lặng chịu đựng, khiến y cảm thấy xót xa trong lòng.

Người y toàn mùi khói lửa, lại còn ám mùi thức ăn vặt và mùi tanh của nước sông. Nhưng sát lại gần như thế, Phi Tâm cũng không cảm thấy khó ngửi, trái lại còn có cảm giác rất an lòng. Lúc này cổ cô nửa lộ ra ngoài, một cơn gió nhẹ phớt qua, lại càng thêm nhồn nhột, khiến tim cũng muốn mềm rã. Cô đưa tay níu vạt áo y: “Thần thiếp đau đầu, cả người đều thấy khó chịu. ”

Tính ra thì đây là lần đầu tiên cô nũng nịu than vãn với y, tuy cũng không giống đang làm nũng lắm, nhưng y vẫn ôm cô thật chặt, khẽ cười nói: “May là nàng không ăn mấy thứ đó, bằng không chẳng biết sẽ ra sao nữa.”

Tiểu Phúc Tử kéo vạt áo, đứng một bên, nhìn họ cười híp mắt. Uông Thành Hải đứng ngoài cửa thổi thổi chòm râu lừ mắt nhìn sang, hươ hươ tay áo hai cái mà hắn cũng không nhìn thấy. Uông Thành Hải lầm bầm trong bụng, đồ không tinh ý, còn không cút ra ngoài này nhanh lên! Đứng đấy cản trở quá, nhìn là biết ngay tên này ngốc nghếch!

Phi Tâm về đến thì bị trúng nắng, còn có triệu chứng sốt, chân nổi nhiều nhọt nước to, lại còn bưng bít cả người nổi rôm sẩy, cánh tay cũng bầm tím, chắc đã va chạm lúc chen lấn đông đúc. Da thịt cô mỏng manh, bình thường lại thích ngâm nước nóng, nên rất mẫn cảm. Vân Hi cũng chẳng hơn gì cô, ăn khá nhiều những đồ ăn linh tinh, lúc ấy là vì cảm thấy mới mẻ vừa miệng, nhưng dẫu sao thì y cũng lớn lên trong cung, đường ruột không thích ứng nổi, nửa đêm bắt đầu khó chịu, một đêm thức giấc bốn, năm lần.

5

Vân Hi không muốn kinh động thái hậu, chỉ dặn dò lấy thuốc uống xem sao. Nhưng chỗ Phi Tâm khá gần, với lại thái hậu đã biết Vân Hi dọn sang. Thái y đến đây thì bà cũng không khó mà nhận ra, đến ngày hôm sau bèn vội vã sang thăm hoàng thượng.

Vừa thấy bộ dạng của Hoàng thượng, bà đã gọi Uông Thành Hải và Thường Phúc ra trước mắng xối xả, ngay đến Bàng Tín cũng không thoát khỏi. Thái Hậu vốn định mắng cả Phi Tâm, nói thế nào thì nói, hoàng thượng cũng do một tay bà nuôi lớn, làm sao có thể để người khác chăm sóc sơ sài như vậy. Dẫu họ Nguyễn không còn được như xưa, bây giờ cũng chỉ biết dựa vào sự nương tình của hoàng thượng, huống hồ tình mẫu tử lâu nay vẫn sâu đậm. Thái hậu xót xa hoàng thượng, nhìn gương mặt trắng bệch của y trong lòng vừa đau xót vừa tức giận. Nếu hoàng thượng có muốn ra ngoài thì những kẻ dưới cũng phải tận lực hầu hạ. Phi Tâm do một tay bà huấn luyện, nay cũng bát nháo theo, chẳng có nửa lời khuyên răn, bình thường luôn quy tắc chỉnh chu, vừa ra ngoài đã ngông cuồng mất cả thể thống?, thật sự khiến bà tức giận.

Nhưng trông bộ dạng Phi Tâm cũng ốm yếu, như thể mất cả nửa mạng. Lại nhìn hoàng thượng, đau lòng vì Quý Phi hơn là lo lắng cho sức khỏe bản thân, khiến bà cũng chẳng nói nên lời, đành bắt Uông Thành Hải ra trút giận. Uông Thành Hải cũng chẳng lo gì, Thường Phúc mới hoảng sợ. Chủ nhân của hắn không đủ vững chắc như Uông Thành Hải, vả lại lúc này Phi Tâm vẫn còn mê mê man man khó mà che chở cho hắn, lo sợ thái hậu sẽ ngấm ngầm xử tội, quỳ xuống run cầm cập một lời cũng không thốt ra được, cứ thế dập đầu. May thay, hoàng thượng khuyên nhủ một hồi, lời lẽ dịu dàng an ủi thái hậu mới khiến thái hậu bỏ ý xử phạt đòn roi bọn họ. Thái Hậu thấy hoàng thượng nhất định không chịu về Long An Các, chỉ muốn chen chúc ở cùng Phi Tâm thì cũng không nói gì nữa, dặn dò thái y kỹ lưỡng, rồi để họ nghỉ ngơi.

Vân Hi còn gắng gượng ra ngoài một chuyến, gặp gỡ vài quan lại, sắp xếp chuyến viếng thăm cùng thái hậu sau khi tuần tra Giang Đô. Khi trở về thì đã quá trưa, y thay y phục, tắm rửa, sau đó cũng chẳng ăn gì, chỉ uống tí canh sen rồi nghỉ ngơi.

Phi Tâm vì uống liền hai thang thuốc an thần, ngủ mê man li bì. Mơ mơ hồ hồ cảm thấy có ai đó đang ôm cô, đẩy cô vào trong, bất giác khẽ mở hờ mắt nói: “Hoàng thượng phải thượng triều rồi.”

Vân Hi véo mũi cô lay lay hai cái, uể oải nói: “Nàng ngủ say như chết rồi, sát vào trong đi.” Nói rồi, y nhắm mắt ngủ thiếp đi.

Tối qua y gần như không ngủ được, bụng dạ cứ như sóng biển dập dềnh, cũng may y không lúc nào bỏ bê tập luyện, bằng không e rằng khó cầm cự nổi. Bởi thời tiết oi bức, trong tẩm các có đặt băng đá làm lạnh, bên cạnh cũng có ròng rọc gỗ chầm chậm quay để tạo gió.

Phi Tâm vốn sợ lạnh, mùa nóng cũng không dùng đến băng. Nhưng khi y dọn vào, sợ y không chịu nóng được nên đã dùng, và lúc này sợ cảm lạnh nên cô đã đắp chiếc chăn mỏng. Vân Hi không thích đắp, bèn bế cả cô lẫn chăn vào phía trong, yên ắng chẳng được bao lâu thì cảm giác cô đang co người. Y chẳng thèm mở mắt, khẽ hứ: “Đừng nhúc nhích nữa, đang đau đầu đấy.”

Vừa nói xong, chợt cảm giác có ngón tay đang ấn vào hai bên huyệt thái dương của y, ngón tay dịu dàng, lực vừa phải. Y hơi ngẩn ra, mở mắt thì thấy đôi tay cô đã vùng khỏi chăn, vạt áo xộc xệch, lộ ra chiếc yếm nho nhỏ, làn da trắng mịn, rôm rẩy trông càng đỏ ửng hơn.

Bởi vì đang ốm, sắc mặt cô lúc này cũng khó coi, nhợt nhạt, khiến mái tóc trông đen hơn, hai mắt đen láy rưng rưng nước, trông hơi nhòe. Cô một tay kê lên gối ấn vào huyệt y, khi ấn cũng không thuận tiện, co ngón tay ấn quanh, thấy y mở mắt, cô cất tiếng với giọng hơi khan: “Lần sau đừng ăn bừa nữa nhé, hôm qua thần thiếp đáng ra nên…..” Y nắm chặt cánh tay cô, nhìn vào đôi mắt ấy: “Nàng quan tâm đến ta, hay là quan tâm đến trẫm? ”

Cô sững sờ, cả hai chẳng phải đều là một sao? Y nhìn nét mặt của cô, xích đến ôm lấy cô: “Bất kể là nàng đang quan tâm đến ai, thì cũng coi như là biết quan tâm.” Nói xong, khóe môi khẽ nhếch lên, “Ngủ tiếp đi, hai ngày nay chưa được nghỉ ngơi đàng hoàng. ”

Phi Tâm ngửi thấy mùi hương bạc hà nhàn nhạt trên người y, hơi vị lành lạnh ấy luồn vào mũi, làm tan đi cái nóng oi bức, đồng thời cũng mang nỗi ray rứt của cô đi, khiến cô bất giác nhắm mắt lại, thiêm thiếp chìm vào giấc ngủ.

break
Trò Chơi Ái Tình
Ngôn tình Sắc, Sủng, Đô Thị
Bà Chủ Trọ Muốn Được Yêu
Ngôn tình Sắc, Đô Thị
Công Nhân Nhập Cư Và Nữ Sinh Viên
Ngôn tình Sắc, Sủng, Nam Cường
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc