Tàu hỏa từ Bắc Kinh về Ninh Hải mất mười mấy tiếng đồng hồ. Mấy người Diệp Hoan thuê hai gian nằm mềm, bọn họ ra đi vội vàng, hành lý cũng không chuẩn bị đầy đủ, Hầu Tử và Trương Tam còn chưa tỉnh rượu, mơ mơ màng màng bị Diệp Hoan kéo lên tàu.
Cả đám ngủ mười mấy tiếng đồng hồ, cuối cùng tàu hỏa đã dừng ở nhà ga Ninh Hải. Diệp Hoan dắt tay Kiều Mộc xuống xe, Hầu Tử, Trương Tam khệ nệ mang hành lý xuống cùng.
Diệp Hoa hít đầy ắp phổi luồng không khí quen thuộc, giơ cao chiếc túi du lịch trong tay, vung vẩy vài vòng tựa như đang cầm roi ngựa, nhổ một bãi nước bọt rồi dạng tay dạng chân, ngửa mặt lên trời hét lớn: Hồ Hán Tam ta đã trở về rồi! các cậu ấm cô chiêu Ninh Hải hãy vểnh mông, hóp bụng, kẹp chặt đít lại cho lão tử!!!
Hầu Tử đứng phía sau dùng giọng điệu trầm thấp, chậm rãi như mấy lời thuyết minh trong các bộ phim sử ký: Giờ phút này, Diệp Hoan đã trở về Ninh Hải, Ninh Hải từ nay về sau lại chìm vào trong cơn khủng hoảng trắng, lịch sử gọi ngày hôm nay là Hạo kiếp Ninh Hải .....
Hào khí còn chưa phát tiết xong, một bà cô mặt nhàu như quả táo tàu từ đâu xuất hiện, lạnh lùng chỉ vào Diệp Hoan: Nhổ nước bọt lung tung, phạt năm mươi đồng, mau nộp phạt!
Diệp Hoan ỉu xìu thu hồi lại vẻ ngang tàng, thấp giọng thương lượng: ....có thể giảm giá không?
....
Bà cô già thu tiền, xé biên lai, đắc ý nghênh ngang rời đi.
Diệp Hoan đột nhiên cảm thấy lòng đầy tịch mịch....
Không phải hạo kiếp sao? Như thế nào lại biến thành ta bị cướp rồi hả?
Anh Hoan, lần này chúng ta hơi ít người đó mà
Mấy người Diệp Hoan lần này không mang theo nhiều người trở về, không bảo tiêu cũng không có những đoàn xe dàn hàng. Bốn người xách hành lý trong tay, hòa vào dòng người về nhà thăm gia đình sau lễ mừng năm mới.
Ra khỏi nhà ga, bốn người bắt một chiếc taxi chạy về ngoại ô phía tây Ninh Hải.
Về nhà.
Đây là ý niệm duy nhất trong đầu bọn họ.
Căn nhà bốn tầng giá trị mấy trăm vạn nằm giữa Bắc Kinh phồn hoa lại không bằng viện phúc lợi tường gạch mái ngói tròng lòng họ.
Đối với bốn đứa bé lớn lên ở nơi đây, chỉ có viện phúc lợi mới chân chính được họ coi là nhà. Cho dù là nghèo rớt mùng tơi, đói ăn đói mặc họ cũng không nề hà.
Viện phúc lợi đã không còn là khu nhà cũ kỹ năm xưa.
Quỹ Hoan Nhạc của Diệp Hoan đã phát triển nhanh chóng, rót vào mấy ngàn vạn đồng biến nơi đây thành những tòa nhà hiện đại hóa, có đội ngũ quản lý chuyên môn cho từng lĩnh vực ăn, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh....
Tài xế có vẻ là người nhiều chuyện, nghe thấy Diệp Hoan đi tới viện phúc lợi, ông ta khen không dứt miệng.
Viện phúc lợi nhân dân kia bây giờ rất tốt nha, khu nhà đã được sửa sang lại rồi. Trước kia mỗi lần lái xe qua viện phúc lợi là nhìn thấy bọn nhỏ cứ như mấy đứa bé ăn mày, ăn mặc rách rưới, đi nhặt vỏ chai còn bị chó rượt vừa khóc vừa chạy. Tôi là người ngoài nhìn thấy mà trong lòng khó chịu vô cùng, hiện giờ thì tốt rồi, cũng không biết là người có tiền nào phát thiện tâm xây dựng nhà lầu mới, bệnh viện, nhà ăn, bọn trẻ được mặc quần áo mới, chậc chậc! Nói thật, nhiều lúc cũng mong mình là cô nhi, đi vào đó ở vài năm không phải lo miếng cơm manh áo
Mấy người Diệp Hoan nhìn nhau, từ trong ánh mắt nhau đều thấy được niềm hân hoan vui sướng
Chú hai à, tuổi này của chú mà giả làm cô nhi thì hơi khó đấy, trông già quá, viện phúc lợi không tìm ra người nào đức cao vọng trọng như vậy đâu, ha ha Hầu Tử cười hì hì vui đùa
Mỗi người một câu, không khí trong xe liền vui nhộn, chẳng mấy chốc đã tới của viện phúc lợi.
Vừa xuống xe, cả bốn đã ngây người với khung cảnh trước mắt.
Khi bốn người rời khỏi Ninh Hải thì công trình xây dựng viện phúc lợi vẫn đang tiến hành dở dang, ấn tượng của bọn họ lúc đó là mấy tòa nhà vừa xây xong phần móng, mới chỉ thấp thoáng mấy bờ tường nham nhở, bốn phía đều chất đầy đá sỏi, vật liệu thi công.
Hơn một năm trôi qua, hết thảy mọi thứ bây giờ đều khiến bọn họ vui mừng không thôi.
Thật đẹp!
Thật mới!
Nhà ở mới, sân tập mới, nhà ăn mới.....
Khu nhà được thiết kế theo phong cách ngói ống men xanh truyền thống Trung Quốc. Vốn dĩ Diệp Hoan muốn dùng các loại vật liệu hiện đại như thủy tinh và kim loại để xây tường ngoài, như
vậy khi bọn nhỏ nằm trên giường vẫn có thể ngắm nhìn bầu trời đầy sao. Cho dù Diệp Hoan học hành ít những vẫn muốn mấy đứa em được sống trong môi trường hiện đại.
Nhưng mà lão viện trưởng kiên quyết phản đối ý tưởng của Diệp Hoan. Ông lão muốn dùng ngói ống men xanh truyền thống, thứ nhất là có thể tiết kiệm chi phí, thứ hai là theo lời lão viện trưởng thì ngói ống mới có hương vị gia đình. Kiến trúc kim loại tạo cảm giác lạnh lẽo, bọn nhỏ ở trong đó lâu ngày, lớn lên tiến vào xã hội sẽ quên đi gốc gác.
Diệp Hoan không lay chuyển được suy nghĩ cố chấp của ông lão, đành phải theo ý kiến của ông.
Ông lão đời này sống bảo thủ, lại ngoan cố như một lão quân phiệt phong kiến vậy. Ông luôn kiên trì với luận điểm của bản thân, ai dám phản đối thì côn bổng mời xơi.
Bốn người Diệp Hoan đứng thổn thức trước cổng viện phúc lợi, kích động không thôi.
Tổ ấm rách nát lúc xưa như một cái cây khô đợi được mùa xuân tràn về, từng chồi non nảy mầm, lá xanh biêng biếc ngập đầy sinh cơ.
Trước cổng ra vào có một chòi bảo an, hai người đàn ông mặc đồng phục bảo vệ đang chăm chú nhìn đám người DIệp Hoan, sau đó họ nhanh nhẹn mở rộng cửa, cung kính mời bốn người vào.
Diệp Hoan hơi bất mãn nói: Các người có phải hơi thiếu trách nhiệm rồi không? Người nào cũng có thể tiến vào viện phúc lợi sao?
Một người bảo vệ cười nói: Chúng tôi có quy định rất nghiêm khắc, người khác chắc chắn không thể tùy tiện đi vào đây được, nhưng mà bốn vị không giống họ. Khu nhà này đều là các vị xuất tiền ra xây dựng, chúng tôi có tư cách gì ngăn các vị đi vào?
Diệp Hoan ngạc nhiên nói: Các anh biết tôi sao?
Người còn lại cười nói: Sao chúng tôi có thể không biết ông chủ mỗi tháng phát tiền lương cho chúng tôi là ai chứ? Trong văn phòng của lão viện trưởng có treo ảnh chụp của bốn vị, chúng tôi sẽ không nhận lầm đâu
Trương Tam thấp thỏm nói: Anh Hoan, lão viện trưởng không phải là treo ảnh đen trắng của chúng ta lên tường đấy chứ? Thế thì quá mẹ nó xúi quẩy rồi
Diệp Hoan phiền muộn: Ảnh đen trắng còn đỡ, chỉ sợ có người cứ năm ngày ba bữa đặt hoa trước ảnh chúng ta thì mới thực sự là xúi quẩy.....
Dãy nhà dành cho học tập truyền đến tiếng đọc sách non nớt, khu ký túc xá và sân chơi không một bóng người. Bọn trẻ thật quý trọng cuộc sống mới này, bất kể là đứa tàn tật hay đứa lành lặn đều khắc khổ học tập.
Bốn người Diệp Hoan xách hành lý tới phía nam sân tập, đó là nơi ở của viện trưởng. Bốn người họ hiểu rõ dù bọn nhỏ đã được ở trong khu nhà hiện đại, sống cuộc sống tốt lành nhưng lão viện trưởng chắc chắn sẽ không đến ở khu nhà mới. Không phải vì ông lão vĩ đại muốn nhường cho đám trẻ mà chủ yếu là vì chỗ ông ở ngay bên cạnh sân chơi, phong thủy tốt, vị trí địa lý tuyệt hảo. Hễ ông lão nhìn thấy đứa nào chuông vào học rồi mà vẫn còn lang thang trong sân chơi thì ông lập tức vác gậy thi triển kiếm quyết đuổi đánh khắp sân trường, đuổi đến khi bọn trẻ chạy vào tận lớp học thì ông lão mới mỹ mãn trở về.
Nếu như vào ở khu nhà mới thì ông lão không thể tiếp tục thú vui thả ngựa chăn dê này được. Ông lão sống đến hơn sáu mươi tuổi mà bệnh tật không ghé thăm xem ra chính là vì hoạt động thể dục thể thao mỗi ngày này.
Đáng tiếc là năm đó ông lão không có cách nào trị được Trương Tam bởi vì hắn chạy nhanh quá. Bất kể phạm lỗi lầm gì là Trương Tam lại vắt giò lên cổ mà chạy, ông lão thúa ngựa đuổi không kịp đành phải oán hận giơ côn chửi đổng từ phía xa xa.
Trong trí nhớ của Diệp Hoan, khoảng thời gian gà bay chó chạy đó là vui vẻ nhất cuộc đời.
Cửa phòng lão viện trưởng khép hờ, Diệp Hoan đẩy cửa nhìn vào nhưng không thấy ông đâu. Có lẽ ông đang cầm gậy gỗ tuần tra trong khu dạy học đây mà. Bốn người Diệp Hoan đã quá quen thuộc với tác phong quân phiệt của ông lão, ai dám không chăm chỉ học tập thì ông lão sẽ đột ngột xuất hiện từ một góc nào đó mà bạn không thể ngờ tới được rồi không nói hai lời liền đập bạn tới tấp.
Ông lão từng rất đắc ý nói rằng chiều này là ông học được từ một vị hòa thượng, nó có một cái tên rất khoa học được gọi là Cảnh tỉnh chuyên để trị những kẻ nào không phục.
Gian phòng vẫn như cũ, một chiếc bàn gỗ vuông mộc mạc, một giường đơn cũ kỹ cùng hai, ba cái ghế gỗ, có một chiếc giá sách được ghép bằng mấy tấm ván gỗ, trên giá bày đầy các loại sách.
Diệp Hoan bỗng thấy lòng chua xót.
Sau khi trở nên giàu có, hắn đã gửi cho ông lão không ít tiền, cộng lại cũng phải được mười vạn. Lúc nào hắn gọi điện trò chuyện với ông cũng đều dặn ông phải chịu khó tẩm bổ, uống nhiều loại thuốc bổ hoặc mua một cái xe con rồi thuê tài xế....Những thứ này đều đã có ngân sách chi trả. Lúc nào ông lão cũng cười ha hả đồng ý nhưng một chút cũng không thay đổi.
Con người sống trên đời có người cầu danh có người cầu lợi có người mong được hưởng lạc, còn ông lão, đến cùng là ông mong cầu điều gì?
Trương Tam đi vào đầu tiên, la hét kêu khát nước. Cậu ta vơ bình nước trên bàn ngửa cổ dốc vào miệng, mới uống được vài ngụm liền nhăn nhó: Mùi vị hơi lạ, uống không ngon gì cả
Nam Kiều Mộc thì siêng năng nhất, vừa vào nhà liền buông hành lý đi thu dọn quần áo trong phòng, cứ luôn tay luôn chân không ngừng.
Diệp Hoan đi ra ngoài gọi hai cuộc điện thoại.
Mọi người ai bận việc nấy cho tới khi lão viện trưởng chậm rãi đi đến. Ông lão nhìn thấy mấy người DIệp Hoan liền vui mừng sau đó cố ý nghiêm nghị nói: Bốn tên tiểu súc sinh còn biết trở về nữa à?
Diệp Hoan hí hửng nháy mắt với ông: Viện trưởng càng ngày càng trẻ ra nha! da dẻ nhẵn nhụi chẳng thấy nếp nhăn đâu, dáng vẻ phong lưu tiêu sái thế này thì mê chết mấy bà lão mất thôi...Ơ, còn có cả nốt mụn thanh xuân nữa kìa, viện trưởng ơi, ông bây giờ mới trổ mã thật đúng là nghịch thiên quá mà
Ông lão không giữ nghiêm mặt nổi nữa, cười rộ lên, vừa cười vừa đạp Diệp Hoan một cái.
Thằng nhóc khốn kiếp, miệng lưỡi vẫn trơn tru như vậy. Từ nhỏ đến lớn ăn bao nhiêu trận đòn vì cái mồm này mà vẫn không nhớ được hả?
Nam Kiều Mộc, Hầu Tử và Trương Tam cũng ùa đến chào hỏi ông.
Ông lão nhìn mấy đứa, mắt lấp lánh sương mù.
Không thay đổi dáng vẻ cũng không có biến chất, rất tốt
Trong lòng Diệp Hoan ngũ vị tạp trần, vừa cảm động vừa chua xót lại xen lẫn cả xót xa.
Bọn họ rời Ninh Hải mọt năm nay đã gặp phải quá nhiều chuyện, tình yêu mất đi lại tìm về được, những buổi huấn luyện khổ không thể tả, chiến trường xuất sinh nhập tử, còn cả nỗi cô đơn của những kẻ tha hương. Giờ phút này hắn thật muốn nhào vào trong ngực ông mà khóc lớn một hồi.
Nhưng mà nhìn thấy mái tóc trắng của lão viện trưởng, thân hình già nua còng xuống, cái lưng dù cố gượng cũng không thể thẳng lên được, cuối cùng Diệp Hoan chẳng nói gì cả, vùi tất cả ủy khuất và chua xót vào sâu trong lòng.
Cha mẹ rồi sẽ già đi, con cái rồi sẽ trưởng thành, không nên làm cho họ lo lắng đau lòng thêm nữa, hãy cứ để những đau khổ đó mục nát trong lòng đi.
Lão viện trưởng ngắm nghía từng người một, ánh mắt vui mừng khôn xiết chỉ duy có khi nhìn Trương Tam là đôi lông mày hơi hơi cau lại.
Anh, sao vẫn cứ là bộ dáng này? Lão viện trưởng không khách khí chỉ thẳng vào Trương Tam.
Trương Tam lặng người: Con...nên là bộ dáng gì?
Không phải nói đi Hàn Quốc phẫu thuật thẩm mỹ sao? Sao trông vẫn như vậy?
Trương Tam ủy khuất nói: Bộ dạng này của con kỳ thật cũng đâu có xui xẻo chứ
Ông lão trừng mắt: Cái gì không là không xui xẻo? Dù là có mũi, có miệng, có mắt nhưng ta nghĩ mãi không ra vì sao cứ nhìn vào mặt anh là ta cảm thấy....cảm thấy....
Diệp Hoan chen miệng vào: Không may mắn
Ông lão vỗ đùi: Đúng, không may mắn. Hiện giờ anh Hoan của các cậu có tiền rồi, anh cũng có công ăn việc làm ở Bắc Kinh rồi, tích cóp tiền mà đi sửa mặt đi. Cứ tiếp tục như vậy thì anh chỉ làm lưu manh cả đời thôi...
Diệp Hoan hùa theo: Con đã sớm giục nó đi làm phẫu thuật rồi, đi phẫu thuật thành cái mặt mà người ta vừa nhìn thấy đã muốn cười, thế nhưng thằng nhóc này chết sống không chịu đi
Trương Tam hung hăng trừng Diệp Hoan, thấp giọng nói: Viện trưởng à, con...con không còn là lưu manh nữa rồi
Tìm được đối tượng rồi sao? Lão viện trưởng ngạc nhiên lắm.
Trương Tam ngượng ngùng gật đầu: Tìm được rồi, cũng qua lại một thời gian rồi, nhưng mà...là một cô gái nước ngoài. Người ta nói yêu thích gương mặt này của con, nhìn đặc biệt nâng cao tinh thần...
Lão viện trưởng lặng người thật lâu, than thở: Xem ra ta thật sự phải thay đổi cách nhìn với người ngoại quốc rồi...Trương Tam à, cô gái tốt như vậy con phải gắng mà quý trọng. Thời bây giờ không còn nhiều cô gái tốt đâu...Theo hiểu biết của ta với người ngoại quốc thì chỉ có Bạch Cầu Ân* mới có tinh thần hiến thân như vậy
(*) Bạch Cầu Ân (4/3/1890 – 12/11/1939), tên đầy đủ là Nặc Mạn Bạch Cầu Ân (Henry Norman Bethune), là một bác sĩ y khoa người Canada, là người đổi mới cách chữa trị và hướng theo chủ nghĩa nhân đạo.