Kể từ khi lên trung học, tôi cũng chăm chỉ học hành hơn. Trước đây, tôi thường mải chơi khiến mẹ rất buồn phiền. Thầy giáo thường nói rằng: "Sài Cận có cái đầu tương đối thông minh, nhưng lại không cầu tiến, cái gì cũng chỉ cần biết qua loa, lại không chịu chăm chỉ học hành, thế nên chắc chắn sẽ không thể thi đỗ vào trường chuyên cấp ba!". Thế nhưng,không ai ngờ tôi lại vượt lên hẳn mười bạn khác trong lớp để đứng vị trí thứ ba về thành tích thi cử trong kì thi năm đó và đỗ vào một trường chuyên của tỉnh. Mẹ tôi rất vui mừng nên hè năm đó đã cho tôi đi nghỉ mát ở Thanh Đảo. Trên đường đi, mẹ lại nói tràng giang đại hải về các đạo lí này nọ, còn tổng kết nguyên nhân các thói hư, tật xấu của tôi là "thiếu tính tự kiềm chế".
Sau khi chúng tôi đi du lịch về không lâu, năm học mới chính thức bắt đầu. Ngồi trong lớp học của trường cấp ba, tự nhiên tôi cảm thấy mình đã trở thành người lớn. Nghĩ lại trước đây mẹ luôn lo lắng không yên vì tôi, tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi chăm chỉ học hành, từ bỏ những trò chơi yêu thích rồi phát hiện ra rằng chăm chỉ nghiên cứu bài vở có cái hay của nó. Cô giáo không hề biết chút gì về tình hình học tập của tôi ngày trước. Giờ tôi đã là một học sinh ngoan ngoãn và gương mẫu. Lần đầu tiên trong sự nghiệp học hành của mình, tôi được cô giáo biểu dương trong buổi họp phụ huynh. Mẹ tôi về nhà với vẻ mặt vô cùng phấn khởi và hài lòng. Mẹ còn ra sức khen ngợi tôi trước mặt bố. Bố tôi nghe mẹ nói vậy cũng rất vui. Bố mẹ tôi rất hợp nhau trong vấn đề giáo dục con cái. Gần đây, không khí gia đình tôi lúc nào cũng vui như tết, mẹ tôi không còn cằn nhằn suốt ngày vì tôi nữa, ngược lại mẹ rất quan tâm đến tôi, luôn nhắc nhở tôi phải biết kết hợp giữa học hành và nghỉ ngơi.
Từ sau khi thi giữa kì, tôi được cô giáo chọn vào đội ngũ cán bộ lớp. Cô giáo gọi tôi lên văn phòng nói chuyện. Cô khen ngợi và động viên tôi rất nhiều. Sau đó, cô nói sẽ chuyển bạn Vương Toàn Thắng sang ngồi bên cạnh tôi, và hỏi tôi có ý kiến gì không. Tôi ngây người không biết nói sao. Vương Toàn Thắng là một học sinh cá biệt, không chỉ kết quả học tập yếu kém mà còn không ít lần cãi lại các thầy cô giáo bộ môn. Nghe nói sở dĩ trường tôi không đuổi học cậu ta là vì bố cậu ta là một đại gia tích cực ủng hộ cho nhà trường. Vương Toàn Thắng vốn ít nói, chưa bao giờ cậu ta nói chuyện với tôi, thế mà cô giáo lại định chuyển chỗ cho tôi ngồi cạnh cậu ấy.
Cô giáo dường như đã đọc được suy nghĩ của tôi, liền tha thiết nói: "Cô muốn tìm một người bạn cùng bàn thích hợp cho Thắng. Cô đã nghĩ rất lâu và thấy em thích hợp nhất". Cô giáo hy vọng tôi sẽ có ảnh hưởng tốt đến Thắng. Tôi cảm thấy có đôi chút tự hào vì cô giáo đã tin tưởng mình như vậy. Thế nên tôi không buồn suy nghĩ nhiều nữa mà lập tức đồng ý.
Từ đó, tôi và Thắng trở thành bạn cùng bàn. Mỗi lần vào tiết học, cậu ta không nhìn đông nhìn tây thì cũng lăn ra bàn mà ngủ. Tôi có cảm giác cậu ta vẫn chưa trường thành, có điểm gì đó giống như tôi lúc trước. Cậu ta chẳng thèm để ý đến tôi. Cứ nghỉ giải lao là cậu ta chạy biến đâu mất, nếu không thì ngồi lì một chỗ đọc tiểu thuyết kiếm hiệp. Chúng tôi như hai người xa lạ.Tôi nghĩ thế này cũng tốt, đỡ phiền phức cho mình. Nhưng nhớ đến những lời của cô giáo chủ nhiệm tôi lại thấy không yên lòng.
Lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện với nhau là nhờ vào cuốn tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp của Kim Dung. Hôm đó, khi thấy trong tay câu ta đang cầm cuốn tiểu thuyết này, không kiềm chế được, tôi đã cùng bàn luận với cậu ta về cuốn sách. Cậu ta tỏ ra chăm chú nghe tôi nói, có vẻ rất thích thú và đồng ý với ý kiến của tôi. Tôi hỏi cậu ta đã đọc cuốn tiểu thuyết này đến lần thứ mấy rồi, cậu ta liền giơ năm ngón tay ra, ý nói năm lần rồi. Tôi bái phục cậu ta và cảm thấy có chút xấu hổ, vì tôi mới đọc đến lần thứ ba. Chúng tôi liền dùng ngôn ngữ trong tiểu thuyết để diễn đạt ý của mình, rồi lại nhìn nhau, ôm bụng cười ngặt nghẽo. Về sau cậu ta nói, không ngờ một học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ như tôi mà cũng ham mê mấy truyện võ hiệp này. Tôi nghĩ, trong mắt cậu ta, những đứa học sinh giỏi đều là một lũ đần độn hết. Đây là lí do từ trước đến nay cậu ta thờ ơ với tôi.
Thắng coi tôi là bạn nên cũng không ngần ngại chép bài của tôi nữa. Nhớ đến sự kì vọng của cô giáo chủ nhiệm, tôi lại có cảm giác bất an. Tôi nói Thắng cảm giác bất an này và thấy ngạc nhiên vì không hiểu tự bao giờ mình đã trở nên tin tưởng cậu ta đến thế! Nhưng Thắng hoàn toàn không để ý đến điều đó. Cậu ta bảo tôi không nên lo lắng. Việc sắp xếp cậu ta ngồi cùng bàn với một học sinh giỏi là ý của bố cậu ta chứ không phải ý của cô giáo. Cậu ta còn nói: "Cậu cũng đừng lo lắng cho tớ làm gì, tớ cố nốt mấy năm cấp ba này là được lên đại học ấy mà!". Nhìn ánh mắt kinh ngạc của tôi, cậu ta liền nói rõ hơn rằng bố cậu ta sẽ dùng tiền để cho cậu ta vào một trường đại học danh tiếng. Tôi khuyên cậu ta cho dù sau này có thừa kế cơ nghiệp của bố thì cũng phải có chút trí thức thì mới cạnh tranh được với người khác. Nhưng cậu ta nghe xong chỉ cười và nói, cho dù sau này tất cả học sinh của lớp tôi có được là ông chủ hết thì cậu ta vẫn thừa sức cạnh tranh với họ. Nghe cậu ta nói vậy, tôi cảm thấy có đôi chút xấu hổ. Những điều mà Thắng nói không hẳn không có lí, bởi vì trong mắt cậu ta, chúng tôi chỉ là một lũ "mọt sách" mà thôi. Như hiểu được suy nghĩ của tôi,cậu ta nói thêm: "Nhưng cậu thì khác, cậu không giống những đứa kia!". Nghe cậu ta nói thế, tôi cảm thấy dễ chịu hơn một chút, bèn nói: "Thực ra trước đây tớ cũng là một học sinh cá biệt". Thắng không tin, thế là tôi liền kể cho cậu ta nghe: "Cho dù không phải là học sinh kém nhưng trước đây tớ cũng không phải là một học sinh giỏi giang và chăm chỉ, không bao giờ được thầy cô giáo yêu quý và càng không bao giờ phát biểu trong lớp!". Thắng liền hỏi tôi đã "cải tà quy chính" như thế nào, tôi nói vì chơi bời nhiều rồi nên cảm thấy nhàm chán, muốn thay đổi cách sống, thay đổi cuộc đời. Cậu ta nghe xong, tỏ ra rất thích thú.
Không hiểu có phải do tôi ảnh hưởng tốt đến cậu ta thật hay không nhưng tôi cảm giác Thắng bây giờ đã khác nhiều so với trước. Cậu ta không còn nghịch ngợm trong lớp như trước nữa mà cũng rất chịu khó nghe giảng. Các thầy cô giáo thường xuyên tuyên dương Thắng trước lớp, thành tích môn tiếng anh của cậu ấy cũng có tiến bộ rõ rệt.
Trong lần họp phụ huynh sau, cô giáo liền mang chuyện của tôi và Thắng tuyên dương trước lớp. Vậy mà không hiểu sao lúc về mẹ tôi lại tỏ ra vô cùng bực tức. Mẹ hỏi tôi tại sao ngồi cạnh một học sinh cá biệt như vậy suốt một thời gian dài mà không chịu nói với mẹ một tiếng. Tôi nói đó không phải việc gì to tát, hơn nữa bây giờ cậu ấy đã tiến bộ hơn nhiều rồi. Lần này, ngay cả bố cũng tỏ ra phản đối hành động của tôi. Bố nói việc làm đó của cô giáo chủ nhiệm thật ngu ngốc và nguy hiểm. Ngày xưa, trong lớp của bố cũng có một học sinh rất côn đồ. Vì muốn "cải tạo" học sinh này nên thầy giáo sắp xếp cậu ta ngồi cạnh lớp trưởng. Kết quả là hết một học kì, trong lớp đã có đến hai học sinh côn đồ, vì cậu lớp trưởng kia đã bị "đồng hóa". Mẹ tôi nói còn khó nghe hơn. Mẹ bảo, cô giáo muốn moi tiền của nhà giàu nên đã đem tôi ra làm vật hi sinh, thật không ra làm sao... Mẹ nói sẽ tìm cô giáo, yêu cầu cô phải chuyển tôi ngồi xa học sinh cá biệt ra. Tôi không thể giải thích được cho bố mẹ hiểu Thắng là một học sinh như thế nào. Tôi nói, mặc dù Thắng học không giỏi nhưng tính cách của cậu ấy không xấu, càng không phải là côn đồ hay lưu manh. Bố mẹ càng nghe tôi nói càng cảm thấy nguy hiểm, cho rằng rất có thể tôi sẽ trở thành một học sinh hư vì Thắng.
Ôi, tôi biết kiểu gì mẹ tôi cũng sẽ đến tìm gặp cô giáo. Đến lúc đó, không hiểu Thắng sẽ nghĩ gì? Thực ra, hai đứa bọn tôi nói chuyện rất hợp cạ. Mẹ làm như vậy, tôi e sẽ tổn thương cậu ấy. Hơn nữa, tôi có cảm giác bố mẹ không tin tưởng và tôn trọng tôi!.
Chat room
Tôi hoàn toàn đồng ý với cách nghĩ của Sài Cận. Nhưng những người làm cha, làm mẹ thường quá yêu thương con cái của mình,nên khó tránh khỏi có những hành động khiến người khác không ngờ được. Chính vì thế, tôi có thể hiểu được những điều mà bố mẹ bạn đang lo lắng. Cho dù kết quả của chuyện này có như thế nào đi chăng nữa, tôi mong bạn vẫn sẽ không từ bỏ ý định làm bạn với Thắng. Bởi hai bạn có duyên làm bạn bè, hơn nữa mối quan hệ lại đang phát triển theo hướng tốt đẹp!
Phương pháp "đôi bạn cùng tiến" của cô giáo chủ nhiệm đã có từ rất lâu rồi. Cũng có rất nhiều ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề này. Tôi nghĩ, với một học sinh ngoan như Sài Cận thì sau này, nếu có gặp phải trường hợp như vậy, có thể nắm vững một nguyên tắc, đó là: xác định xem mình có khả năng ảnh hưởng tốt đến đối phương hay không, nếu kết quả là phủ định (thậm chí có thể đối phương sẽ xúi giục bạn làm điều xấu) thì bạn hãy ở yên trong thế giới của mình, tuyệt đối không hùa theo đối phương. Tuy nhiên, có không ít "học sinh dốt" mặc dù có thành tích học tập không mấy xuất sắc nhưng lại giỏi về các mặt khác. Gặp những học sinh như vậy, bạn đừng ngại ngần gạt bỏ ấn tượng không tốt về người ta để có thể cùng nhau chuyện trò, tâm sự và học hỏi ưu điểm từ người đó. Nói tóm lại, chỉ cần "tiêm vắc xin" để phòng ngừa trước kết quả của sự việc sẽ không bị lệch ra khỏi quỹ đạo ban đầu của nó đâu.
TÌM LẠI SỰ TỰ TÔN Ở NƠI ĐÂU
Lưu Cần, nữ, mười lăm tuổi, học sinh lớp chín
Ngay từ nhỏ tôi đã được giáo dục rất nghiêm khắc.
Trong khi những đứa trẻ khác được vui đùa thoải mái ở bên ngoài thì tôi phải học môn vẽ khô khan. Năm tôi năm tuổi, mẹ tìm thêm cho tôi một cô giáo dạy đàn riêng, thế là chuỗi ngày học đàn của tôi bắt đầu.Trong ký ức tuổi thơ của tôi, chỉ có vẽ tranh, đánh đàn, cùng với vô số lời khen ngợi, tuyên dương của thầy cô giáo.
Lên tiểu học, rồi lên cấp hai, cuộc sống của tôi vẫn không có gì khác biệt so với trước đây. Tôi là một phần tử năng nổ trong các phong trào văn nghệ của trường. Tôi thường tham gia các cuộc thi vẽ tranh, các cuộc thi văn nghệ và đem vinh quang về cho trường. Hơn nữa, kết quả học tập của tôi mặc dù không đứng thứ nhất, thứ nhì trong lớp nhưng cũng luôn nằm trong tốp đầu. Các thầy cô giáo rất yêu quý tôi, thường gửi bài viết của tôi lên báo. Năm tôi lên lớp sáu, tôi đã giành được giải thưởng quốc tế và năm giải thưởng vẽ tranh ở trong nước cùng với vô số giải nhất về văn nghệ, bài văn của tôi ba lần được đăng báo. Tôi từng được coi là “học sinh kiểu mẫu” của trường và được long trọng tuyên dương lên sở giáo dục của tỉnh.
Nhưng rồi mọi thứ đã chấm dứt hoàn toàn cùng với lần chuyển nhà của gia đình tôi. Năm tôi lên lớp bảy, bố mẹ tôi bị điều đến công tác ở một thành phố khác. Sau khi chuyển đến đây, tôi được chuyển vào học trong một trường chuyên của thành phố. Tôi có thể thuận lợi bước chân vào ngôi trường này là nhờ có bản lí lịch “đẹp đẽ”trước đây. Cô chủ nhiệm tên là Điền, một phụ nữ trung niên rất cẩn thận. Cô đeo kính, nhìn rất nữ tính, nhưng có vẻ khá nghiêm khắc. Cô đích thân tìm tôi nói chuyện, thể hiện nhã ý của trường đối với tôi, đồng thời bảo tôi hãy vào lớp do cô chủ nhiệm. Lúc đó tôi không hề biết lớp cô đang chủ nhiệm như thế nào, nên vui vẻ nhận lời ngay mà không chút đắn đo. Có thể nói, sự êm đềm trong cuộc sống đã làm cho tôi mất đi tính cảnh giác cần có.
Ngày đầu tiên đi học, tôi mới phát hiện ra rằng giáo trình dạy học của lớp này là giáo trình dành cho học sinh phân ban, hoàn toàn khác xa giáo trình trước đây chúng tôi được học, hơn nữa, những giáo trình này lại rất khó. Tôi không có thói quen nói với bố mẹ hay thầy cô giáo rằng tôi không hiểu bài, bởi vì từ trước đến nay tôi chưa bao giờ gặp hoàn cảnh này. Giờ thì mỗi ngày lên lớp đối với tôi như một cực hình, đầy óc tôi quay cuồng, chỉ lo tìm cách đối phó với bố mẹ và thầy cô. Không ai biết được, một học sinh xuất sắc như tôi giờ lại lâm vào tình cảnh thê thảm như vậy!
Cuối cùng, kì kiểm tra chất lượng cũng đến. Bài kiểm tra toán của tôi bị bỏ trống đến một nửa, bài thi tiếng Anh cũng vô cùng thê thảm, có rất nhiều từ mới mà tôi chưa từng nhìn thấy, bài kiểm tra văn dù có đỡ hơn nhưng cũng chỉ được có tám mươi mốt điểm (thang điểm một trăm). Cô Điền nhìn vào kết quả học tập của tôi mà không giấu nổi sự ngạc nhiên. Cô gọi tôi lên nói chuyện, hỏi tôi có phải mới đến nên chưa quen đúng không. Tôi trầm ngâm rất lâu. Nhưng cuối cùng, vì sĩ diện nên tôi đã không nói rằng tôi không hiểu những gì mà thầy cô giáo giảng trên lớp. Sức chịu đựng của cô Điền có giới hạn, cô bắt đầu mắng tôi kiêu căng, tự mãn, tự cho là mình giỏi giang (có trời chứng giám, giờ tôi vô cùng tự ti). Lần đầu tiên bị giáo viên phê bình, tâm trạng tôi vừa buồn rầu, sợ hãi, lại vừa tuyệt vọng. Nhưng tôi vẫn chỉ trầm tư không nói. Cô Điền cuối cùng không còn giữ được sự hiền dịu và nhẫn nại của mình nữa, cô mắng mỏ tôi thậm tệ ngay trước cửa văn phòng, rồi còn thẳng thừng đuổi tôi về. Tôi không biết phải “cút” đi thế nào nữa, chỉ thấy mọi ánh mắt chế giễu và khinh bỉ như đang đổ dồn vào tôi.
Tối đó, sau khi trở về nhà, nhớ lại những chuyện đã xảy ra, tôi cảm thấy mình vẫn còn đôi chút may mắn vì bạn bè trong lớp đều không ai biết chuyện này. Nhưng đến hôm sau, chút may mắn cuối cùng này của tôi cũng bị cô Điền cướp mất. Trước năm mươi sáu học sinh của lớp, cô chỉ vào mặt tôi mà nói: “Trong cuộc đời này tôi đã phạm hai sai lầm lớn. Chuyện thứ nhất thì thôi, không phải nói đến nữa. Còn chuyện thứ hai là đã nhận Lưu Cần vào lớp mình”. Cả lớp im phang phắc. Nhìn ngón tay cô đang chỉ thẳng vào mình, tôi cảm thấy như mình có thể nghe rõ cả tiếng tim đập quá nhanh trong lồng ngực, nhanh đến nỗi tôi thấy như nghẹt thở.
Càng ngày tôi càng cảm thấy buồn hơn. Tôi thường xuyên làm cho cô Điền tức giận. Cô thường cho cả lớp chuyền tay nhau cuốn vở bài tập của tôi, nói là tôi làm sai be bét hết cả, là một trong những điển hình yếu kém... Vì tốt bụng, không muốn để tôi thêm xấu hổ, người bạn cùng bàn với tôi không giở cuốn vở bài tập của tôi ra xem thì lập tức bị cô Điền mắng: “Tại sao em không giở ra xem? Xem cho kĩ vào, rồi đừng có mà giống như bạn ấy!”. Mỗi lần cuốn vở bài tập được chuyền đến một bạn khác, tôi lại có cảm giác mình như bị tát một cái đau điếng vào mặt, đã thế thỉnh thoảng lại còn vang lên tiếng cười nhạo báng. Tôi trở thành một người có tinh thần không ổn định, luôn rụt rè, nhút nhát. Những bức ảnh mà tôi chụp trong thời gian này đều là những bức ảnh tôi cúi đầu rụt rè, mặt mũi nhăn nhó khổ sở, không còn vui vẻ, thoải mái như trước nữa.
Tháng trước, chúng tôi đang ngồi trong phòng học thì cô Điền đột ngột gọi tên tôi. Tôi lập tức đứng dậy vì cho rằng cô giáo định yêu cầu tôi trả lời câu hỏi. Nào ngờ cô nói: “Lớp này không cần cô nữa, cô mau lên phòng giáo vụ đi!”. Cả lớp ai nấy đều nhìn cô không hiểu có chuyện gì, tôi cũng đứng ngây ở đó mà không biết phải làm sao. Thế là cô Điền đột nhiên nổi giận quát: “Tôi bảo cô đi sao cô còn đứng đây?”. Tôi đành phải đi ra khỏi lớp, trong lòng vô cùng hoảng loạn. Tôi có cảm giác như bầu trời đã sụp xuống dưới chân mình rồi.
Tiết học tiếp theo là tiếng Anh. Khi tôi quay trở về lớp học, cả lớp đều im lặng nhìn tôi. Tôi biết trong số đó có người thông cảm, có người đang cười chế nhạo tôi. Tôi có cảm giác như mình là một con chuột đang chạy qua đường vậy. Người bạn ngồi cùng an ủi tôi, nói cô Điền tính tình nóng nảy và khuyên tôi hãy viết cho cô một lá thư, nói rõ ràng rằng giữa tôi và cô giáo chỉ là chưa thực sự hiểu nhau mà thôi.
Nghe lời khuyên của người bạn ấy, tôi như một kẻ chết đuối vớ được cọc. Về đến nhà, tôi lập tức khóa trái cửa phòng và viết một bức thư rất dài cho cô Điền. Tôi đã viết bức thư đó bằng những tình cảm vô cùng chân thực, tôi tin là nó sẽ làm cô cảm động. Mở đầu bức thư là: “Cô Điền kính yêu!”. Trong thư tôi nói cho cô biết về sự lạ lẫm, khó thích nghi với môi trường mới của tôi khi vào trường, cũng nói rằng tại mình sĩ diện và thẳng thắn nói với cô rằng cô đã làm cho lòng tự trọng, sự tự tôn của tôi bị tổn thương. Cuối cùng, tôi nói tôi hy vọng hai cô trò sẽ hiểu nhau hơn. Ngày hôm sau, tôi ôm hy vọng khi gửi bức thư này cho cô giáo, mối quan hệ của hai cô trò sẽ chuyển sang một thời kỳ mới.
Nhưng ảo tưởng của tôi chẳng kéo dài được bao lâu. Tiết học đầu của buổi chiều hôm đó, cô Điền cầm lá thư của tôi trong tay đi vào lớp học. Cô trừng mắt nhìn tôi, tôi lập tức biết rằng số phận mình thê thảm rồi! Quả nhiên, cô Điền cầm lá thư của tôi giơ lên trước lớp, không quên mắng cho tôi một trận. Những tình cảm chân thành mà tôi thẳng thắn bộc lộ ở trong lá thư giờ đã trở thành “bằng chứng thuyết phục” cho sự cười nhạo và phê bình của cô.
Cứ như vậy, tôi trở thành một học sinh yếu kém không thể cứu vãn được nữa. Lòng tự tôn của tôi đã đổ sập xuống ngay tại cái nơi đáng sợ đó. Tôi không dám nhớ tới thời kì huy hoàng của mình trước đây nữa, cũng không biết ăn nói sao với bố mẹ. Nước mắt của tôi lăn dài trên gò má trước sự mắng mỏ của cô giáo và sự giễu cợt của bạn bè. Giờ đây tôi sống mà như đã chết…
Chat room
Nếu như Lưu Cần là một người trưởng thành, hoặc cô bé cảm thấy tất cả những điều đó chỉ là trò cười ngu xuẩn thì phải đối mặt với những người như cô giáo Điền thì tốt biết mấy! Nhưng Lưu Cần lại chưa phải là một người trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm mà chỉ là một cô bé mới mười lăm tuổi. Dối với một học sinh mới mười lăm tuổi, thầy cô giáo là trời, trường học là đất. Khi mà trời và đất đều đang rung lên thì thử hỏi làm sao cô bé có thể không hoảng loạn cho được? Tôi chỉ có thể nói với Tiểu Cần một điều: thực ra, trời đất bao la vô cùng, chỉ một người không thể quyết định tất cả số phận của bạn được. Tôi nhớ có một câu hát như thế này: “Hãy đi đi, phía trước em là cả một chân trời rộng mở!”. Có lẽ câu hát này có thể an ủi Tiểu Cần phần nào trong tình cảnh hiện nay của em.
Cũng may là hiện nay Tiểu Cần đã học đến lớp chín rồi, chẳng mấy chốc cô bé sẽ tốt nghiệp thôi. Chính vì thế, mọi chuyện không hay đã xảy ra chẳng bao lâu nữa sẽ lùi hết về quá khứ, sẽ giống như một cơn giông tố, điên cuồng thổi qua rồi nhanh chóng biến mất! Vì thế tôi hy vọng Tiểu Cần có thể vươn mình chống chọi chứ không phải cúi đầu hay bỏ chạy. Nếu lo mình bị mất gốc, thì đừng lo lắng, chỉ cần nhiều nhất một năm là cô bé có thể củng cố lại hết kiến thức cho mình. Tuy nhiên, có những mất mát không dễ gì tìm lại được. Lòng tự tôn luôn nằm trong trái tim mỗi người, không gì có thể cướp nó đi được, trừ phi Tiểu Cần tự mình vứt bỏ nó. Nếu không may đánh mất, có tìm lại được nó hay không phần nhiều phụ thuộc vào chính bản thân mình!.