Chờ Đợi Giọng Nói Của Em

Chương 22: BỐ ƠI, HÃY BỎ ROI VỌT XUỐNG!

Trước Sau

break
Sở Sở, nữ, mười sáu tuổi, học sinh cấp ba

Bố mẹ tôi thuộc vào thế hệ những người phải học hành dở dang do cuộc Cách mạng văn hóa thời đó. Lúc đó, bố mẹ tôi còn trẻ nhưng đã phải gia nhập vào đội sản xuất và được đưa về các vùng nông thôn. Mẹ thường nhắc đến chuyện về nông thôn sản xuất, lúc đó mẹ cũng chỉ bằng tuổi tôi, mới mười sáu tuổi. Tôi không thể tưởng tượng được nếu mình phải xa gia đình đến một vùng quê nghèo thì cuộc sống sẽ ra sao? Tôi hiểu vì sao mẹ lại đem chuyện này ra kể cho tôi nghe. Mẹ muốn tôi biết trân trọng điều kiện học tập của tôi bây giờ.

Thời đó, bố mẹ tôi chỉ được học hết cấp hai, trình độ văn hóa không cao, thế nên khi quay về tỉnh cũng chỉ có thể làm công nhân phổ thông mà thôi. Lúc đó công xưởng làm ăn khá tốt, tôi được sống trong một căn phòng rộng rãi, đầy đủ tiện nghi. Tôi rất thích xem ti vi màu, nhưng bố chỉ cho tôi xem nửa tiếng phim hoạt hình, thời gian còn lại bố tiến hành “phát triển trí tuệ” cho tôi. Bố lấy ra đủ các loại tranh ảnh, hình vẽ và bắt tôi phải phân biệt các con vật. Lớn hơn một chút, các trường mầm non đã bắt đầu dạy phiên âm tiếng Hán và một vài phép tính đơn giản. Nhưng không hiểu sao tôi không tài nào học được. Cô giáo nói với bố tôi chuyện này, kết quả là ngày nào bố cũng kèm tôi học bài. Tôi lại không được thông minh cho lắm, ngay cả phép toán đơn giản một cộng một bằng hai tôi cũng không biết làm. Bố dạy tôi nhiều lần rồi hỏi lại: một cộng một bằng mấy, thế nhưng tôi vẫn trả lời sai bét, lúc thì nói bằng ba, lúc lại nói bằng bốn. Cuối cùng, bố tôi đã không thể kiên nhẫn được nữa, thế là bố bạt tai tôi một cái đau điếng. Tôi cảm thấy má mình tê dại, đó là lần đầu tiên bố đánh tôi. Kể từ đó, những trận đòn của bố cứ thi nhau giáng xuống đầu tôi.

Thực ra những phép toán và phiên âm mà tôi từng coi là khó nhằn này đến năm tôi lên lớp một cũng trở nên đơn giản hơn. Thế nhưng, tôi thường xuyên viết sai chữ. Trong bài kiểm tra, lúc nào tôi cũng bị cô giáo sửa lại, lúc thì thiếu nét, lúc lại thừa nét. Toán học cũng dần dần trở thành môn học mà tôi khó tiếp thu. Chính vì thế mà kết quả học tập của tôi không bao giờ được như mong muốn của bố mẹ. Bố tôi cầm bài kiểm tra của tôi và bắt tôi ngồi lại làm cho đúng. Mỗi lần sửa đến một chỗ sai là bố lại lấy đầu nhọn của bút chọc vào tay tôi, còn nói “để cho nhớ”. Tôi giống như một con thỏ nhút nhát, tim lúc nào cũng đập thình thịch. Tôi rất căm ghét chuyện học tập, thi cử. Nó làm cho bố tôi thay đổi, trở nên thật tàn nhẫn.

Nhưng sự hy sinh của bố mẹ đối với tôi vẫn làm cho tôi vô cùng cảm động. Mấy năm trước, công xưởng sản xuất làm ăn xuống dốc, mẹ tôi bị mất việc đầu tiên. Bố tôi dựa vào tay nghề kỹ thuật của mình, chạy đôn chạy đáo làm thêm để nuôi gia đình. Tiền kiếm được bố không nỡ tiêu một đồng nào mà đều gửi vào ngân hàng, nói là dành nuôi tôi ăn học. Để đảm bảo tôi có sức mà học tập, mỗi sáng bố mẹ tôi đều bắt tôi uống một cốc sữa và ăn một quả trứng gà. Còn buổi sáng bố mẹ tôi chỉ ăn một chút cháo loãng với dưa muối. Tình yêu thương mà bố mẹ dành cho tôi đã khiến tôi phải gánh trên vai một áp lực vô cùng nặng nề. Vì vậy tôi vô cùng thận trọng trong việc học tập.

Đánh tiếc là từ khi lên cấp hai, mặc dù tôi học hành chăm chỉ, cần cù hơn nhưng thành tích của tôi vẫn không như ý muốn. Bố tôi còn lo lắng hơn cả tôi; bố mua cho tôi rất nhiều sách giới thiệu phương pháp học tập như: Cách mạng học tập, Đợi em ở Đại học Bắc Kinh rồi bảo tôi lúc nào học mệt rồi thì giở ra đọc. Tôi biết những quyển sách này đều rất đắt, bố chắc đã tốn không ít tiền để mua chúng. Điều này càng làm cho tôi cảm thấy bất an và tự trách bản thân mình. Nhìn bạn bè trong lớp học hành nhẹ nhàng, không chăm chỉ bằng tôi mà vẫn học giỏi, tôi bắt đầu nghi ngờ, không biết do tôi ngu dốt bẩm sinh hay là do tôi bị bố gõ vào đầu nhiều quá nên não của tôi có vấn đề rồi? Nhà khoa học Edison đã từng nói: “Thiên tài là một phần trăm cản hứng và chín mươi chín phần trăm mồ hôi và nước mắt”, tại sao những chân lí này không đúng với hoàn cảnh của tôi hiện giờ?

Kết quả kiểm tra đã có, tôi run run tìm tên mình trong danh sách rồi gióng sang cột xếp hạng. Tôi xếp thứ ba mươi tám. Bố yêu cầu tôi phải lọt vào tốp hai mươi người dẫn đầu lớp, vậy là tôi đứng sau mười tám người so với yêu cầu đó. Cô giáo yêu cầu chúng tôi ngày hôm sau phải mang bảng điểm nộp lại cho cô, kèm theo cả ý kiến và chữ ký của bố mẹ nữa. Lúc bỏ bảng điểm vào trong cặp, tôi lại như nhìn thấy cái bạt tai và những trận đòn của bố. Tôi cảm thấy người mình bỗng nhiên đau nhức...

Về nhà, mẹ tôi đang dọn ra những món ăn còn nóng hôi hổi. Trên bàn ăn còn có một con cá sốt cà chua thơm ngon. Bố nhìn tôi âu yếm rồi gắp cá vào bát cho tôi. Tôi cắm mặt vào bát cơm, không dám ngẩng đầu lên nhìn bố nữa. Ăn xong cơm, tôi rụt rè nói với bố: “Kết quả kiểm tra của bọn con có rồi bố ạ, cô giáo yêu cầu phải xin chữ kí và ý kiến của bố mẹ!”.

Bố lập tức trở nên nghiêm nghị: “Bảng điểm đâu? Mang cho bố xem nào!”. Tôi mang tâm trạng của một kẻ chuẩn bị bước lên đoạn đầu đài, run run đưa bảng điểm cho bố xem. Bố tôi cầm lấy tờ bảng điểm đọc: “Ngữ văn 80, Toán học 64, Vật lí 73...”. Càng đọc, giọng điệu của bố càng trầm xuống. Mặc dù tôi đã chuẩn bị sẵn tư tưởng, nhưng khi nghe thấy tiếng bố quát, tim tôi vẫn như muốn nhảy ra ngoài: “Bố đã nói với con bao nhiêu lần rồi, môn toán rất quan trọng, tại sao con không chịu nghe? Nhìn xem, thi kiểu gì mà được có 64 điểm, suýt chút nữa là dưới trung bình rồi... Bố phải cho con một trận...”. Sau đó tôi bị một trận đòn bằng cán chổi. Trong cơn hoảng loạn, tôi chỉ biết ôm lấy mặt và đầu của mình, bởi đó đều là những bộ phận không thể để cho bố đánh được. Tay, mông, và chân của tôi đều bị bố đánh cho thâm tím, đau nhức. Lúc đó, đầu óc tôi đã trở nên mụ mẫm...

Cuối cùng vẫn là mẹ cứu tôi thoát khỏi cơn ác mộng. Lúc đó, tôi đã bị đánh cho tê dại, không thể đứng lên nổi nữa. Mẹ rớt nước mắt, nói rằng bố đã đánh tôi quá nặng tay. Bố hầm hừ nói: “Cái đồ vô dụng, đánh chết thì thôi!”. Tôi giống hệt như một con ngốc, không rên la thành tiếng dù toàn thân đã bị bố đánh đến bầm dập. Tôi thầm nghĩ, thà tôi chết đi còn hơn! Sống không bằng chết, đúng là sống không bằng chết!

Tối hôm đó, tôi được đưa vào bệnh viện, xương chân của tôi bị đánh gãy. Bác sĩ kinh ngạc hỏi tôi đã có chuyện gì xảy ra. Bố tôi ấp úng nói là tôi bị một bạn học cùng lớp bắt nạt. Lúc bác sĩ kiểm tra vết thương của tôi, lắc đầu thốt lên rằng: “Người gì mà ác thế, nỡ đánh người ta đến mức này!”. Bố tôi đứng bên cạnh, nghe thấy thế liền òa khóc.

Chân tôi phải bó bột, không đi lại được. Hằng ngày mấy bạn cùng lớp đến nhà giảng bài cho tôi. Nghe nói bố đã nhờ cô giáo làm như vậy. Trong số các bạn đến giảng bài cho tôi có một người là bạn thân của tôi. Bạn ấy biết tôi thường xuyên bị ăn đòn; lần này thấy tôi bị đánh như vậy, cũng hiểu rõ nguyên cớ vì sao. Có người khuyên tôi nên ra tòa kiện bố tôi, còn nói bố tôi làm như vậy là phạm pháp. Mặc dù trong lòng tôi rất căm hận bố, nhưng cũng rất thương bố. Kiện bố ư? Tôi có thể làm như vậy sao?

Chat room

Xét về mặt luật pháp, bố của Sở Sở là người đã vi phạm pháp luật; xét về mặt giáo dục con cái, hành vi của bố Sở Sở là hành vi cực kì tàn nhẫn; còn nếu xét về quan hệ cha con, roi vọt của bố Sở Sở khiến cho người ta cảm thấy đau lòng!

Tôi tin rằng không gì bao la bằng tình yêu thương của cha mẹ, bố của Sở Sở cho rằng mình làm thế chỉ vì tốt cho con cái. Vì thế bố của Sở Sở đã thẳng tay “ngược đãi” con gái mình. Thế nhưng, tôi nghĩ bố Sở Sở ngoài việc hy vọng con gái mình sau này có thể kiếm được một công việc tốt còn hy vọng bản thân mình được thơm lây lúc về già. Tôi biết tình cảm của cha mẹ đối với con cái là hết sức vĩ đại, thế nhưng cũng có khi, tình cảm cha mẹ có phần hơi ích kỉ, mang tính lợi ích cá nhân. Đây vốn không phải là một chuyện gì xấu xa, chỉ sợ có một số người làm cha làm mẹ đã lợi dụng danh nghĩa của tình “yêu thương” để cướp đi sự tự do, vui vẻ thậm chí là an toàn và sức khỏe của con cái mình. Đây chính là một hành vi trái pháp luật.

Nếu như bố của Sở Sở không rút ra được bài học sau chuyện này, vậy thì tôi tán thành việc Sở Sở nhờ đến pháp luật để bảo vệ chính bản thân mình.

GIẤC MƠ CHO NGÀY MAI

Lợi Quân, nữ, mười tám tuổi, sinh viên trung cấp.

Tôi đang vô cùng hối hận vì trước đây mình đã không chăm chỉ học hành. Do được bố mẹ cưng chiều nên tôi đã học hành lớt phớt cho đến tận cuối cấp hai. Bố mẹ tôi thấy kết quả học tập của tôi quá kém nên tỏ ra rất lo lắng. Bố mẹ tôi bảo tôi học lại một năm, còn nói không quá kì vọng vào tôi, chỉ cần tôi thi vào trung cấp là được. Tôi có một đứa em trai, kém tôi hai tuổi. Em trai tôi học rất giỏi (tôi cảm thấy thật xấu hổ), nó mới chính là niềm hy vọng của bố mẹ tôi.

Tôi chăm chỉ học hành được một năm. Kết quả thi tốt nghiệp cuối cùng cũng được thông báo, tổng điểm của tôi quả thật quá kém! Tôi không còn mặt mũi nào để nhìn bố mẹ nữa. Cũng may mà năm đó trường trung cấp tuyển nhiều sinh viên hơn so với năm trước, thế nên với số điểm tệ hại của mình, tôi vẫn trúng tuyển.

Trường trung cấp đó nằm ở một huyện nhỏ cách nhà tôi chỉ có bốn mươi lăm phút đi đường. Nhưng niềm vui của tôi không kéo dài được lâu (tôi vui là vì cuối cùng mình đã thoát khỏi chuyện thi cử, có thể thỏa thích đọc tiểu thuyết tình yêu và nghe nhạc) thì bị nỗi lo lắng của bố mẹ tôi làm tan biến hết cả. Trên tờ giấy báo trúng tuyển có thông báo: học phí của năm đầu tiên là bốn nghìn năm trăm tệ, phải đóng một lần. Bố mẹ tôi đều là những công nhân viên chức phổ thông, ngày ngày chỉ biết đi làm, chẳng bao giờ được nhận tiền đút lót của người khác. Hơn nữa, bố mẹ tôi còn phải lo học hành cho cả hai chị em tôi, gia đình tôi đâu có sung túc gì. Tôi biết bố mẹ mình không thể nào kiếm ra được ngần ấy tiền trong chốc lát.

Thế nhưng cuối cùng bố tôi vẫn chạy vạy vay mượn gom góp được đủ số tiền học phí cho tôi. Đêm trước khi đi nhập học, tôi không sao ngủ được. Tôi tưởng tượng đến cuộc sống mới ở trường học, sinh hoạt trong tập thể, thật thú vị biết bao! Hơn nữa, trung cấp chắc cũng na ná như đại học, ở đó nhất định sẽ có những sinh viên rất năng động, có nhiều câu lạc bộ, hội sinh viên như: Câu lạc bộ Văn học, Câu lạc bộ Mỹ thuật… chỉ nghĩ đến đó thôi cũng đủ để làm cho tôi thấy cuộc sống của sinh viên phong phú và thú vị hơn nhiều so với cuộc sống khô khan của học sinh cấp hai. Hơn nữa, tôi học ở trường trung cấp về công nghệ thông tin, bố nói đây là một ngành rất nổi trong xã hội, sau này ra trường dễ kiếm được việc làm. Một tương lai tươi đẹp đang vẫy gọi tôi, tôi làm sao có thể không vui cho được? Tôi thậm chí còn nghĩ xa hơn, như việc có một nam sinh đẹp trai như Tô Hữu Bằng (thần tượng số một của tôi) sẽ tình cờ gặp tôi, và chúng tôi… Tôi vui đến nỗi bật cười khanh khách. Tất cả những thứ này, trước đây dù chỉ là nghĩ thôi tôi cũng không dám. Ôi! Cảm ơn trường trung cấp!

Thế nhưng, khi đến trường, những ảo tưởng của tôi bị dội ngay một gáo nước lạnh, tiêu tan hết. Đây là một ngôi trường thánh thót tiếng chim, hoa cỏ mơn mởn trong trí tưởng tượng của tôi sao? Cái cổng trường cũ nát, bên trên treo một tấm biển lớn ghi dòng chữ: “Trường tiểu học…”. Bên cạnh tấm biển lớn là một tấm biển nhỏ, trên tấm biển này mới ghi tên trường của tôi. Tôi cảm thấy rất chán nản, không biết rốt cuộc đang có chuyện gì xảy ra nữa!

Càng đi sâu vào trong trường tôi càng thêm thất vọng. Các lớp học cũ kỹ, sân vận động đầy rác rưởi, túi ni lông bẩn bay lung tung. Cả ngôi trường trông chẳng có chút sức sống gì cả. Tôi không dám tưởng tượng rằng đây lại chính là nơi tôi phải sinh sống và học tập đến tận ba năm trời. Tiếng chuông hết giờ vang lên, chỉ trông thấy đám trẻ con từ lớp học ùa ra, chạy đuổi nhau trên sân vận động tôi đã chực khóc!

Bố mẹ thấy tôi cằn nhằn, liền nói: “Trường đẹp hay xấu có quan trọng gì đâu! Chúng ta đến đó là để học, để láy bằng chứ đâu có phải đến để nghỉ mát!”. Tôi liền cúi đầu buồn bã, cùng bố mẹ đi vào báo danh rồi về kí túc xá. Trời đất ơi, đây rõ ràng là khu nhà ổ chuột mà tôi thường nhìn thấy trên ti vi. Trong phòng có vài cái giường cũ, cửa sổ thì không có kính, thay vào đó mà mấy miếng giấy bìa cũ được dán qua loa. Đến người lạc quan như bố mẹ tôi cũng phải chau mày chán nản. Ôi, biết làm sao được! Vì cái sự nghiệp sáng lạn trong tương lai, tôi đành nhắm mắt mà ở lại cái nơi chết tiệt này vậy.

Về sau tôi mới biết trường trung cấp này năm nay mới được thành lập. Bởi vì không có cơ sở nên phải thuê địa điểm của trường cấp một để làm phòng học. Trong trường cũng không có nhiều giáo viên cố định. Các thầy cô giáo dạy chúng tôi đều được mời từ các trường khác đến. Các thầy cô này đều tỏ ra rất lạnh nhạt khiến cho chúng tôi cảm thấy họ khó gần. Nếu như chúng tôi có đưa ra các câu hỏi liên quan đến những nội dung sâu hơn, các thầy cô đều trả lời rằng: “Đây là nội dung của sinh viên chính quy, các em là hệ trung cấp, chỉ cần học thế thôi!”. Những lời nói này khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng tự ti.

Đáng nói hơn cả là học ở đây đã một năm rồi mà chúng tôi còn chưa được động vào máy vi tính đến một lần. Thầy cô giáo lên lớp chỉ toàn giảng những kiến thức lí thuyết liên quan đến máy vi tính, chúng tôi ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm. Vở ghi chép của chúng tôi dày cộp nhưng rốt cuộc chúng tôi cũng chẳng biết máy vi tính là cái gì. Giáo trình mà chúng tôi học là của những năm tám mươi, nội dung đã quá lạc hậu so với hiện tại. Nghĩ đến việc bố mẹ tôi không quản ngại ngày đêm, làm lụng vất vả để kiếm tiền cho tôi đi học, cộng với việc lãng phí ba năm tuổi xuân của mình để đổi lấy cái gọi là những “tri thức” đã lỗi thời, có khi chẳng bao giờ cần dùng đến này, tôi không sao cảm thấy yên tâm cho được!

Năm thứ hai, cuối cùng nhà trường đã “ban ơn” cho chúng tôi thực hành trên máy. Nhưng phòng máy chỉ có máy tính với những chương trình cài đặt đã lỗi thời. Tôi thật sự không hiểu tại sao trường lại dạy chúng tôi toàn những kiến thức đã lạc hậu như vậy? Vậy mà mỗi lần thực hành máy là chúng tôi lại phải trả thêm cho nhà trường một khoảng lệ phí nữa.

Có một vài học sinh đã chuyển đi trường khác, có học sinh thôi học, và còn rất nhiều người khác đang phải cố gắng cầm cự chỉ vì tấm bằng tốt nghiệp mà thôi. Hằng ngày phải học tập trong bầu không khí đầy áp lực và không chút hào hứng như thế này, tôi dần dần mất đi niềm tin vào chính bản thân mình. Tôi không biết rằng liệu sau khi cố kiếm được tấm bằng trung cấp này rồi, bước vào xã hội hiện đại bây giờ, tôi có được người ta chấp nhận hay không? Bắt đầu có những nguồn tin từ khắp nơi lan đến, nói rằng bây giờ tất cả các công ty cần tuyển người đều đòi hỏi phải có bằng cao đẳng dạy nghề trở lên, muốn kiếm được công việc tốt hơn một chút cần phải có tấm bằng chính quy, còn muốn cao hơn thì ít nhất phải có tấm bằng thạc sĩ. Vậy thì xem ra chẳng ai muốn nhận những học sinh tốt nghiệp trung cấp như chúng tôi rồi; lối ra của những sinh viên trung cấp như chúng tôi ở nơi nào đây? Tôi từng tự an ủi mình rằng, chỉ cần có kiến thức và kĩ thuật tốt, tôi sẽ tìm được lối ra cho mình. Thế nhưng, trong một ngôi trường như thế này, tôi biết làm sao để có được những hành trang cần thiết cho mình đây?

Lối ra cho những sinh viên trung cấp rốt cuộc là ở nơi đâu?

Chat room

Vấn đề mà Lợi Quân đưa ra rất thiết thực trong xã hội hiện nay. Ở nước ta, cơ hội tìm việc của sinh viên trung cấp không chỉ không bằng trước đây mà thậm chí còn đang ở tình trạng rất khó khăn. Giải quyết vấn đề lối thoát cho sinh viên trung cấp e rằng phải kéo theo sự điều chỉnh vĩ mô về giáo dục của nhà nước. Đối với bản thân người học trung cấp, trước tiên cần phải điều chỉnh quan niệm của bản thân, tốt nhất không nên ôm suy nghĩ sinh viên trung cấp cũng là phần tử trí thức, chiếm chỉ tiêu cán bộ nhà nước. Cần phải biết lượng sức mình để tìm cho mình một công việc phù hợp. Nếu như cảm thấy bản thân chưa đủ trình độ, hãy lập tức tự “nạp điện” cho mình, càng không được mộng tưởng viễn vông, không sát thực tế. Ví dụ như: ở các thành phố lớn, sinh viên trung cấp không thể cạnh tranh được với các sinh viên đại học ở các ngành nghề mũi nhọn, vậy thì tại sao không thử chuyển hướng sang các ngành công nghiệp dịch vụ hoặc tình nguyện đi về các cơ sở, các vùng nông thôn để phát huy sức mình?

Tôi nghĩ, việc đầu tiên mà Lợi Quân nên làm đó là nâng cao trình độ văn hóa của bản thân. Nếu bạn cảm thấy ngôi trường này quá tồi tệ, không thể học được nữa thì thôi học cũng là một biện pháp hay. Bởi vì thông qua việc tự học, bạn cũng có thể có được các loại văn bằng chứng chỉ. Điều quan trọng nhất vẫn là, chỉ cần bạn không ngừng “sạc điện” cho mình, tôi tin rằng xã hội và thời đại sẽ không bỏ rơi bạn đâu!

break
Đàn Anh Cứ Muốn Tôi
Sắc, Sủng, Nữ Cường, Nam Cường
(Cao H) Không Xuống Được Giường
Ngôn tình Sắc, Sủng
Thiếu Phụ Khuê Phòng Và Thiếu Gia Hắc Đạo
Ngôn tình Sắc, Đô Thị, 1x1
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc