Mùa đông năm đó, tôi bắt đầu tìm đến những buổi tuyển dụng. Có lẽ là bắt đầu từ mùa thu cơ, tôi cũng không nhớ rõ nữa, tôi chỉ còn nhớ đến cái giá lạnh của Vũ Hán những ngày đó, lạnh giá hơn bất cứ cái lạnh buốt và giá rét của mùa đông năm nào. Hai mươi hai năm qua tôi chưa từng trải qua một sự lạnh lẽo nào. Từ những buổi tuyển dụng ở trong trường mình cho đến những buổi tuyển dụng ở các trường khác, từ những buổi tuyển dụng theo khu vực cho đến nhưng buổi tuyển dụng theo nghề nghiệp. Đâu đâu cũng đều là biển người mênh mông, đâu đâu cũng là những sinh viên ôm hàng chồng sơ yếu lí lịch, đâu cũng là những tốp người lo lắng đứng ngồi không yên. Hàng ngàn hàng vạn người cùng có một vẻ mặt mơ hồ như nhau. Hàng ngàn hàng vạn người cùng có một ánh mắt đầy kì vọng như nhau. Hàng ngàn hàng vạn người cùng có một dáng vẻ tuyệt vọng như nhau. Hết đợt này đến đợt khác tìm kiếm một bến bờ, một kết cục nhưng mỗi lần lại thất vọng hơn.
Trong buổi tuyển dụng tại trường tôi, tại địa điểm tuyển dụng của một công ty có ba người xếp hàng trước tôi để nộp hồ sơ, khi bọn họ nói chuyện với những người phụ trách, tôi nghe được có ai người trong số họ đều tự xưng là đã từng đảm nhiệm vị trí chủ tịch hội sinh viên khoa Văn học của chúng tôi. Ôi, tự đáy lòng, tôi khẽ cười nhạt mấy tiếng. Đúng vậy, có gì đáng cười, đáng hổ thẹn cơ chứ, chính tôi cũng vậy, chỉ làm việc ở trung tâm thông tin có nửa năm mà tôi còn nói khoác rằng mình là tổng biên tập trung tâm phát thanh tin tức của trường. Ai tốt hơn ai đây? Chẳng có cách nào, mọi người đều muốn có một công việc để làm thôi mà. Tôi lạnh lùng nhìn họ mang vẻ mặt nói cười nịnh hót, cử chỉ cẩn thận từng li từng tí, thân thiết ngượng ngùng khi bắt chuyện với người phụ nữ trung niên phụ trách tuyển dụng có vẻ mặt vô cảm. Đợi đến khi đến lượt mình lên nộp hồ sơ, tôi cũng sẽ như họ, phải mang một vẻ mặt tươi cười nịnh hót, phải mang một dáng vẻ tư thế đẹp đẽ, khiêm tốn nhũn nhặn, bước lên phía trước, kề sát vào khuôn mặt cứng nhắc, lạnh lùng của người phụ nữ đó. May mà tôi sớm đã biết được rằng, rồi có một ngày nào đó sẽ có một sự việc nào đó làm cho tôi phải từ bỏ cái dáng vẻ ngông nghênh của mình. Ngông nghênh có ích lợi gì cơ chứ, ngông nghênh nếu không thể giống như cái thang đưa chúng ta lên cao thì chỉ có thể làm những chướng ngại vật cản trở con đường dẫn đến thành công của chúng ta.
Thế là da mặt cứ như vậy, ngày một dày hơn, trong lòng ngày một mờ mịt. Trong phòng mọi người sớm đã không còn ngồi yên được nữa. Trần Thuỷ và Trịnh Thuấn Ngôn vốn có dự định thi nghiên cứu sinh thì đến lúc này dường như cũng đã bắt đầu dao động, hằng ngày mỗi khi vừa từ phòng tự học trở về đã vội vã hỏi han chúng tôi về quá trình tìm việc làm. Sau dăm ba lần hỏi han, cuối cùng, Trần Thuỷ cũng bước vào công cuộc tìm việc. Theo như lời cô ấy nói thì là cô ấy không thể tĩnh tâm để học bài được nữa. Trịnh Thuấn Ngôn do dự một hồi sau đó đã băt đầu chuyên tâm ôn tập, không còn vướng bận gì. Cô ấy sắp thi nghiên cứu sinh ở Đại học Bắc Kinh. Quá trình tìm việc của Tô Tiêu cũng vô cùng gian nan. Xinh đẹp thì có ích lợi gì chứ, tôi thật tình cảm thấy rằng sự xinh đẹp của cô ấy chưa bao giờ đem lại cho cô ấy điều gì tốt đẹp cả. Những lời hỏi thăm của mọi người mỗi khi gặp nhau hằng ngày đều đồng loạt đổi thành: "Đã kí chưa? Đã bán được chưa? Bán giá bao nhiêu?"
Cuộc sống chỉ còn lại một điều quan trọng. Tìm việc làm. Cuộc sống đi tìm một chút sức sống chỉ để tiếp tục sinh tồn, do vậy nó đích thực là những táhng ngày không bằng chó lợn. Tháng Một, cả cuộc đời tôi khó mà quên được buổi tuyển dụng của Công ty Hồng Sơn ngày hôm đó. Tháng 1 năm 2004, mùa đông ở Vũ Hán lạnh một cách lạ thường. Đó đã là buổi tuyển dụng cuối cùng trước Tết, có rất nhiều sinh viên quyết định sẽ tham gia nốt buổi tuyển dụng này rồi về quê ăn Tết. Bất luận thế nào, về nhà mình vẫn luôn ấm áp. Buổi tuyển dụng hôm đó đông đến lạ thường, mặc dù trước khi đến tôi đã dự liệu được sự đông đúc này, nhưng khi đến nơi nhìn thấy tình cảm lúc bấy giờ, tôi vẫn thấy giật bắn người. Một cái sân vận động lớn như vậy mà chật ních người, mỗi một tấc đất đều có một đôi chân, trước mỗi bàn tuyển dụng chật như nêm cối. Đến khi tôi đến nơi thì hầu như không còn cách nào để vào được bên trong nữa, bởi vì đã quá đông người rồi, chen cũng không chen nổi nữa!
Tôi ăn mặc phong phanh đứng ở ngoài. Vì cái được gọi là "hình tượng", tôi đành phải cởi bỏ những chiếc áo lông vũ, áo bông cồng kềnh trong thời tiết lạnh giá nhất ở Vũ Hán này, để tạo một dáng vẻ với mũ áo chỉnh tề và đẹp thướt tha. Từ bên ngoài cửa kính nhìn thấy cảnh tượng đông đến mức không còn một khe hở ở bên trong nhà thi đấu, toàn thấy người là người, tôi cảm thấy cả cuộc đời mình sẽ không bao giờ gặp được một đám người đông đúc hơn lúc này, và cũng sẽ không bao giờ rõ hơn lúc này rằng số lượng tuyển dụng lớn rốt cuộc là tuyển vào được bao nhiêu sinh viên! Những sinh viên không đến kịp đứng ở ngoài dán mặt vào tấm cửa kính, thứ ánh sáng vô cùng lạnh lẽo toả ra từ kính đã làm méo mó khuôn mặt của họ, nhưng sự lo lắng và hi vọng vẫn cứ hiện rõ trên từng nét mặt! Tôi rất sợ cánh cửa kính đó bất ngờ đổ sập xuống. Một năm, ngay trước thềm năm mới, cũng là năm mà sinh viên khoá 98 tốt nghiệp rồi tìm việc làm, năm đó là lớp đầu tiên sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm việc làm sau khi tham gia tuyển dụng, cánh cửa này đã từng bị chen chúc đến vỡ tung. Các tờ báo ở Vũ Hán hầu như đều có đăng tin này. Khi ấy tôi mới đang học năm thứ hai đại học, lúc đọc mẩu tin tôi cảm thấy đó là một sự việc sao mà xa xôi và hoang đường đến vậy, nhưng đến hôm nay, khi tới sân vận động này, tôi mới biết được rằng, tất cả những điều tôi vốn cho rằng là xa xôi và hoang đường đó đang hiện ra trước mắt tôi chân thực và đột ngột đến vậy, tôi không thể né tránh, ngoài đối mặt ra thì tôi không còn sự lựa chọn nào khác! Tôi nhìn ngắm biết bao gương mặt trẻ trung, sôi nổi, tôi muốn khóc quá. Nhưng một giọt nước mắt cũng không thể chảy ra. Như vậy có được gì đâu cơ chứ, khóc rồi thì sẽ ra sao chứ? Ngoài đối mặt, chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác.
Cho đến hết buổi trưa, người ở nơi tuyển dụng mới ít đi một chút. Cái gọi là ít đi một chút chẳng qua là khi chui qua luồn lại ở trong hội trường đã dễ dàng hơn chút xíu. Mà lúc này cũng đã có một số đơn vị tuyển dụng thu dọn bàn ra về rồi. Những đơn vị tuyển dụng còn lại, chỉ cần chen được vào bên trong là tôi sẽ đặt ngay một bộ hồ sơ xuống trước mặt họ. Tôi cần rất nhiều cơ hội, bởi tôi hiểu rằng tôi phải đợi người ta chọn mình. Khó khăn lắm tôi mới chen vào được đến trước mặt một người phụ trách tuyển dụng của một đơn vị, hồ sơ vừa mới đưa ra chưa kịp nói vài câu với ông ấy, người đó đã lạnh lùng nói, không cần nữ sinh, không cần phải nộp hồ sơ nữa, nộp cũng chỉ làm chúng tôi nhiều việc hơn mà cũng phí hồ sơ của mọi người.
"Không cần nữ sinh!", lại là bốn chữ đó. Tôi đã có vô số lần nghe được bốn chữ đó, có khi họ nói là không cần nữ sinh, có khi họ nói là nữ sinh không cần. Khi họ nói xong câu đó thường thì họ không nhìn lại chúng tôi một cái, liền đuổi chúng tôi đi giống như là xua đuổi lũ súc vật vậy. Thái độ xem thường mà cũng không bình tĩnh đó dường như coi nữ sinh giống như đồ bỏ đi, giống như là rác rưởi, là vật sở hữu... nói chung không phải là người đáng được tôn trọng như nhau và có được những cơ hội ngang nhau. Tôi nhận lại hồ sơ của mình một cách suy sụp, buồn bã chen ra ngoài. Ông ta không muốn phí lời với tôi, tôi cũng không muốn phí lời với ông ta, việc làm vẫn cứ có, cuộc sống vẫn có những bước chuyển mới. Tuy rằng mỗi một đợt tuyển dụng đã làm cho cái tính cách ương ngạnh cáu bẳn của tôi bị tiêu diệt gần như là không còn dấu tích gì, nhưng sự tự tôn bướng bỉnh mà mẫn cảm của tôi thì vẫn còn giữ được một chút. Không phải là tôi chưa từng nghĩ rằng cần phải hoàn toàn vứt bỏ chúng đi, nhưng tôi không làm được. Dù có thấp kém đến đâu đi chăng nữa tôi cũng không làm được cái việc mặt dạn mày dày, cứ cho là bị dồn ép làm những việc xấu xa, tôi cũng sẽ chỉ bán nụ cười không bán thân.
Buổi chiều hôm đó, trong vòng hai giờ đồng hồ tôi đã nộp đi hai mươi bản sơ yếu lí lịch. Tôi không nhớ nổi rốt cuộc là mình đã nộp cho những đơn vị nào và vào những vị trí nào nữa. Tôi chỉ còn biết đờ đẫn làm những động tác giống nhau, chen vào, đến trước bàn, xếp hàng đợi, mỉm cười, nói một vài câu đơn giản, nộp hồ sơ, lại chen ra khỏi đám đông. Đi đi lại lại, gắng gượng, mệt mỏi, tuyệt vọng, đờ đẫn. Đến tầm ba bốn giờ chiều, trong hội trường hầu như là không còn ai nữa, chỉ còn lại vài đơn vị cũng đã bắt đầu thu dọn. Khi một công ty dọn bàn và những tấm bảng lướt qua người tôi, tôi đã nhìn thấy rõ ràng một tập hồ sơ từ trên mặt bàn trượt rơi xuống đất, "bịch" một tiếng nặng nề. Anh ta nhìn thấy, đồng nghiệp của anh ta cũng nhìn thấy, vậy mà, cả hai người đều làm như là chẳng có chuyện gì xảy ra, vẫn cứ tiếp tục thu dọn bàn ghế và biển quảng cáo. Sau khi chuyển những tấm bảng ra khỏi hội trường, hai người liền lên xe và đi mất. Đống hồ sơ ở trên mặt đất lặng lẽ nằm đó, như là những đứa trẻ bị bỏi rơi ở nơi thâm sơn cùng cốc, đã bị chết, không một ai nghe thấy tiếng chúng khóc nữa. Tôi đi tới nhặt đống hồ sơ lên, đếm từng bản một, một, hai... tổng cộng là mười bốn bản. Mười bốn bản sơ yếu lí lịch đã bị mưu sát, mười bốn cơ hội đã bị ám sát, mười bốn công việc đã bị bóp chết từ trong nôi, mười bốn sinh viên mới tốt nghiệp bị bỏ rơi, bị coi thường, bị quên lãng, những trái tim còn non trẻ nhưng đã đầy lo nghĩ.
Tôi ôm mười bốn bản lí lịch đó vào lòng, đứng ở giữa hội trường. Lúc này tôi mới phát hiện ra bốn phía quanh tôi, dưới chân tôi, cũng có vô số những bản lí lịch lặng lẽ nằm đó. Những tờ giấy trắng, những tờ bìa in hoa nằm rải rác ở mọi nơi, mọi ngóc nghách trong hội trường. Giống như là lúc còn nhỏ nhìn thấy tiền âm phủ được rải khi có người chết, khi ấy gọi là tiền âm phủ, sau này tôi mới biết là tiền giấy cho người chết dùng, suốt dọc đường vừa rải vừa khóc. Một màu trắng xoá, một không khí tang thương. Còn tôi giờ đây vừa nhặt từng tập từng tập giấy trắng, vừa lặng lẽ rơi lệ khóc cho họ, cho chính mình, và cho cả một thế hệ sinh viên chúng ta. Không một ai nhìn thấy những giọt nước mắt của tôi, khi mà nước mắt đã mang đầy mùi tanh của máu thì nó chỉ có thể chảy ngược vào trong tim, mà không thể trượt dài trên má được nữa.
Có người đến nói chuyện với tôi, anh ta nói là phóng viên của một tờ báo nào đó ở Vũ Hán, anh ta nhìn thấy tôi ngồi xổm trên sàn nhặt những bản lí lịch và cảm thấy rất hiếu kì, anh ta hỏi tôi đang làm gì. Tôi nói là nhặt sơ yếu lí lịch. Anh ta hỏi tôi nhặt sơ yếu lí lịch để làm gì, tôi nói, nhặt về để bán giấy vụn lấy tiền tiêu. Tìm không được việc làm nên chuẩn bị đi bán đồng nát. Anh ta cười, sau đó muốn chụp ảnh tôi. Tôi ngăn anh ta lại, bảo anh ta rằng, anh nên chụp mặt sàn của cái hội trường này, anh không thấy ở đây rất giống một đám tang hay sao? Ngày hôm sau, mẩu tin này đã lên trang văn hoá khoa học giáo dục của một tờ báo ở Vũ Hán. Tấm ảnh nhỏ bé trên báo là ảnh chụp những bản sơ yếu lí lịch nằm ở trên sàn hội trường, làm cho mọi người hết sức kinh ngạc. Nhất định là có độc giả đã từng đọc được mẩu tin đó vào đầu năm 2004, đó là tờ báo có lượng phá thành rất lớn ở Vũ Hán, bây giờ thì chắc là bạn đã biết, người nhặt sơ yếu lí lịch đó là tôi. Chúng tôi chỉ là một lớp sinh viên được xã hội này sản xuất ra hàng loạt, không có liên quan gì đến nhân tài cả. Do vậy, tôn trọng và coi trọng đối với chúng tôi mà nói đều là những điều xa vời, là những suy nghĩ viển vông. Rồi có một ngày, những sinh viên hệ chính quy sẽ quen với việc sơ yếu lí lịch của mình bị vứt đi ngay khi vừa mới nộp. Rồi có một ngày, tất cả chúng tôi sẽ đều hiểu rằng chúng tôi chẳng là cái gì cả, chúng tôi vốn cho rằng mình là những nhân tài, nhưng thực ra bất cứ công ty nào thiếu chúng tôi thì cũng vẫn cứ hoạt động bình thường, vẫn cứ có lợi nhuận, vẫn cứ tổn thất, có liên quan gì đến chúng tôi đâu cơ chứ, mọi người đều vì kiếm bát cơm manh áo mà thôi. Có ai coi trọng những sinh viên chính quy chúng tôi đâu.