Học kì hai của năm thứ ba đã đến, dường như tất cả mọi người đều có vẻ bận rộn hẳn lên. Các cán bộ lớp có thay đổi lớn. Lí do là vì một bộ phận cán bộ trước đây phải thi nghiên cứu sinh. Thi nghiên cứu sinh. Tôi nghĩ bốn chữ này vốn luôn là mục tiêu, ước mơ của hết thảy những sinh viên khi vừa mới nhập học. Chỉ có điều, cùng với sự thay đổi của thời gian, đối với một số người mà nói thời gian ở lại trường càng lâu thì bốn chữ đó càng trở nên xa vời và mờ ảo. Tôi cũng là một trong số những người đang hoang mang. Tôi không phải là một sinh viên giỏi. Rất ít khi tôi đến lớp, có đến thì cũng luôn luôn đến muộn. Mấy năm học đại học thì chỉ có năm thứ nhất là tôi lên phòng tự học được ba lần. Bởi vì trong tiểu thuyết việc tự học được viết rất hay, và biết đâu lại có những cuộc gặp gỡ tình cờ lãng mạn. Sau ba lần đó tôi nhận ra rằng, đâu có chuyện tiểu thuyết bắt nguồn từ cuộc sống mà lại có giá trị cao hơn cả cuộc sống. Chính thái độ sáng tác vô trách nhiệm trong những tiểu thuyết học đường ấy đã dẫn dắt sai lầm một số lượng lớn các cô cậu sinh viên ngây ngô mới chân ướt chân ráo bước vào đại học. Những người đã trải qua việc tự học đều biết về cơ bản, tính khả thi của việc gặp gỡ ai đó trong phòng tự học không thể bằng trong nhà ăn được. Theo tôi phân tích thì lí do là như sau, thông thường việc tự học trong thời gian dài cơ bản là có hai loại. Một loại cảm thấy thực sự vô vị đến sốt ruột, điều kiện của bản thân quá thấp muốn lấy việc tự học để loại bỏ sự cô đơn; một loại khác có hoài bão, chí lớn, thấu hiểu một cách sâu sắc việc đọc sách không chỉ trau dồi thêm kiến thức, mở rộng tầm nhìn mà còn giúp rèn luyện ý chí của bản thân. Những người có tầm nhìn rộng, những người luôn có vẻ ngoài xuất chúng, nhưng trong trường học thì những người này lại luôn bị coi là những kẻ dị thường khó lường nhất.
Khi vừa mới bước vào đại học, vì không hài lòng với kết quả thi của mình, nên cho dù nguyên nhân bắt nguồn từ đâu thì trường đại học mà tôi sẽ vào còn kém xa mục tiêu của tôi. Thế nên thi nghiên cứu sinh là mục tiêu cuối cùng trong suốt bốn năm đại học của tôi. Thật không may là tôi lại rơi vào trường đại học này. Vô số các sinh viên giống như tôi và bạn, cũng có một ngày phát hiện ra rằng mình bắt đầu trốn học, có một ngày phát hiện ra rằng dường như mình không thể học bất cứ điều gì trên giảng đường đại học. Vậy mà đến kì thi cũng chẳng hề có áp lực nào vì bài thi trên thực tế rất đơn giản. Thế là quen ngủ đến chín, mười giờ, quen với việc mỗi ngày chỉ lên lớp hai tiết, quen với việc chưa thi thì chưa đọc sách. Tiếng Anh thì mỗi năm học lại kém đi, điểm số bốn năm học thì cứ năm này kém hơn năm trước, trải qua bốn năm đại học nhưng càng ngày càng cảm thấy vô vọng. Cũng có đôi lúc chúng tôi nhận thức được điều này, nhận thức thấy sự sa đoạ, chán chường uể oải của bản thân nhưng chính chúng tôi cũng không nhớ ra là mình lạc đường từ bao giờ và từ ngã rẽ nào. Có lẽ bắt đầu từ mấy lần đi chơi thâu đêm, mà cũng có thể là do mấy cô nàng xinh xắn hay mấy anh chàng đẹp trai dụ dỗ. Chúng tôi đang đứng tại điểm chuyển tiếp giữa trường học và xã hội, nhìn bốn phía đều cảm thấy mù mờ. Sau sự ngỡ ngàng đó thì đã có một bộ phận sinh viên nhanh chóng tỉnh ngộ và hối cải, không chút do dự quyết định thi nghiên cứu sinh. Còn một số khác thì vẫn cố giư ccái sai chứ không chịu tỉnh ngộ, đã sai thì cho sai luôn. Cho nên năm thứ ba đại học đã trở thành một ranh giới mong manh. Chìm đắm mãi mãi hoặc nhanh chóng tỉnh ngộ. Một buổi tối của học kì hai năm thứ ba, trước lúc đi ngủ, mọi người lại bàn về chuyện thi nghiên cứu sinh. Tô Tiêu nói: "Không thi nghiên cứu sinh thì làm được gì?" Trần Thuỷ thì nói: "Tớ nhất định phải thi nghiên cứu sinh, thi không đỗ thì chết".
Trịnh Thuấn Ngôn bảo rằng: "Mình chưa bao giờ từ bỏ ý định thi nghiên cứu sinh". Ba người bọn họ thảo luận rất tỉ mỉ, cụ thể về chuyện thi nghiên cứu sinh, họ bàn luận vô cùng sôi nổi khiến cho tôi có cảm giác rằng chỉ có họ mới háo hức như thế, còn tôi thì dường như chẳng mảy may để ý. Bọn họ thảo luận rất lâu rồi mới nhận ra rằng từ đầu tới giờ tôi chưa nói một lời nào. Trịnh Thuấn Ngôn hỏi: "Phấn Hàn, cậu thì thế nào?" "Tớ ư?" Tôi như vừa tỉnh dậy sau một giấc mơ và nói rất bình thản: "Không thi." Tiếng nói yếu ớt nhưng kiên định. Bọn họ đều yên lặng. Hình như mọi người đều hết sức kinh ngạc trước câu trả lời của tôi. Có vẻ như tôi bỏ mặc cho nước chảy bèo trôi, cứ thờ ơ nói mặc kệ. Trần Thuỷ hỏi: "Không thi nghiên cứu sinh thì cậu đinh làm gì chứ?" Tôi đáp: "Làm giáo viên. Chúng ta đều theo ngành sư phạm đấy thôi." Tôi không dám nói rằng mình muốn trở thành phóng viên hay biên tập viên vì tôi sợ họ sẽ cười là tôi không biết tự lượng sức mình.
Không ngờ tôi vừa dứt lời thì Trần Thuỷ lập tức nói luôn: "Làm giáo viên? Tớ nói cho mà biết giáo viên bây giờ cũng phải là nghiên cứu sinh, một sinh viên chính quy như cậu thì dạy được gì chứ? Chẳng phải là trước đây cậu đã từng nói muốn làm biên tập viên đó sao. Nói cho cậu biết, nghiên cứu sinh ra trường đều có thể làm chủ biên cả". Cô ấy vẫn cố phát biểu những ý kiến quá khích của mình. Giọng điệu cứ như cô ấy đã là nghiên cứu sinh của một trường đại học có tiếng rồi ấy, còn tôi chỉ là một sinh viên chính quy tồi, cô ta như là lãnh đạo của tôi, còn tôi chỉ có tấm bằng ử nhân nên chỉ là một giáo viên nhỏ bé, một viên chức tồi mà thôi. Dường như tiền đồ tươi sáng của cô ấy với tương lai ảm đạm của tôi đang tạo nên một sự đối lập rõ ràng.
Tôi thực chẳn có lời nào để nói. Nói chuyện mà không hợp nhau thì nửa câu cũng đã là quá nhiều rồi. Bọn họ lại háo hức bàn luận về chuyện thi nghiên cứu sinh. Thi trường nào, thi chuyên ngành nào, tinh thần có vẻ hăm hở lắm. Tôi luôn cho rằng mình rất bình tĩnh, nhưng buổi tối hôm đó đến tận hai giờ sáng vẫn không tài nào chợp mắt được. Cảm giác rất khó chịu. Thực sự là tôi cảm thấy rất buồn. Lời nói của Trần Thuỷ làm tôi thấy mình bị tổn thương. Lẽ nào tôi không muốn thi nghiên cứu sinh? Lẽ nào tôi lại không muốn trau dồi thêm kiến thức, tìm hiểu thêm về nhiều nền văn hoá? Và có lẽ nào tôi thật sự chỉ là kẻ không có chí tiến thủ? Tôi không phải là người như thế, rõ ràng là không phải.
Tôi nghĩ đến cha mẹ tôi, nghĩ đến sự vất vả khó nhọc của họ để tôi được học đại học, nghĩ đến khuôn mặt già nua của cha mẹ, nghĩ đến những đắng cay mà họ phải chịu, nghĩ tới chuyện cha mẹ luôn chỉ hi vọng tôi sẽ sớm đi làm, sớm kiếm được tiền cho cha mẹ có thể hưởng những ngày an nhàn hạnh phúc. Nhưng nếu học nghiên cứu sinh, làm sao tôi có thể trả nổi học phí hơn vạn đồng mỗi năm cơ chứ. Tôi không thể nói "con muốn học tiếp nghiên cứu sinh" mà chẳng hề lo lắng gì. Từ xưa đến nay không phải muốn gì là có nấy. Tôi chẳng thể thi nghiên cứu sinh mà không mảy may quan tâm đến điều kiện gia đình. Có thể sẽ có người nói đó chẳng qua chỉ là cái cớ mà bạn tự tìm cho mình mà thôi, là do bạn không có niềm tin vào bản thân, không có niềm tin vào tương lai. Vậy thì tôi sẽ chỉ cho bạn thấy một hiện tượng tâm lí. Chính vì còn có chút niềm tin mù quáng vào bản thân nên tôi mới không muốn lấy chuyện thi nghiên cứu sinh ra để lẩn tránh bất cứ điều gì. Lẩn tránh áp lực tìm việc.
Bạn có thừa nhận rằng, thi nghiên cứu sinh sẽ là cơ hội tốt với một số người để nâng cao trình độ bản thân, nhưng đối với một số người thì đó chỉ là cái cớ để tránh áp lực tìm việc. Với những người coi đây là một cơ hội tốt thì tôi luôn luôn ngưỡng mộ họ, còn với những người chỉ muốn lẩn tránh áp lực tìm việc thì tôi muốn nói rằng: "Cậu không đủ tư cách để xem thường tôi". Lí do thi nghiên cứu sinh ở trường đại học chẳng qua cũng chỉ có hai loại này mà thôi. Lí do không thi cũng chỉ là do không có niềm tin vào bản thân hoặc quá tin vào bản thân nhưng phải chịu áp lực về kinh tế gia đình. Chẳng ai có tư cách để coi thường ai. Bởi vì ngày mai của chúng ta vẫn luôn là một ẩn số. Chặng đường giải mã nó còn quá dài. Thi nghiên cứu sinh cùng lắm cũng chỉ được coi là một trong những bước của quá trình giải mã đó mà thôi. Tuyệt đối không phải là đáp án cuối cùng. Các phương tiện thông tin đại chúng suốt ngày nói đến áp lực tìm việc của sinh viên ngày nay lớn đến thế nào, kiểu tìm việc chán ngán mệt mỏi ra sao.
Ngoài thi nghiên cứu sinh ra, dường như chúng tôi chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Sau khi bọn họ quyết định thi nghiên cứu sinh thì khoảng cách giữa tôi và họ dường như càng thêm xa. Thường thì chỉ có mình tôi ở trong phòng, ngủ hoặc lên mạng, còn ba người bọn họ đều lên phòng tự học hết. Vẻ bên ngoài của bọn họ cũng dần thay đổi. Mỗi người đều mua một cái ba lô rất to. Sáng nào không có tiết học thì họ vẫn cứ dậy rất sớm, lên lớp nghiên cứu sinh sư phạm mà họ phải thi hoặc là đi lên phòng tự học, buổi tối cũng phải hơn mười giờ mới về. Trong tâm trạng hồi hộp, tôi dường như lại nhìn thấy hình ảnh của mình khi thi vào phổ thông trung học, suốt ngày suốt đêm hăng hái chiến đấu vì mục tiêu đó. Người ta nói rằng tỉ lệ tuyển nghiên cứu sinh thấp hơn nhiều so với tỉ lệ tuyển sinh đại học, không biết là sau một năm nữa thì ai khóc ai cười đây.
Còn tôi bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết này. Tôi cũng đang lựa chọn cho mình một cách khác để nỗ lực. Bởi vì tôi hiểu rằng với một thiên đường nghệ thuật như thế, với một xã hội như thế, nếu không cố gắng thì chỉ có ngồi chờ chết mà thôi. Trần Thuỷ bắt đầu ngậm miệng, sáng nào cũng vậy, cho dù là có tiết hay không có tiết, cô luôn thức dậy lúc bảy giờ, những tiếng lạch cạch của cô ta luôn làm tôi tỉnh giấc, làm tôi phát cáu lên, mấy lần định dạy cho cô ta một bài học, nhưng nghĩ lại, thấy mình không phải, mọi người thi nghiên cứu sinh thì có gì sai chứ. Cũng may là cô ấy ngày nào cũng đi sớm về khuya nên tai tôi cũng được thư giãn hơn trước rất nhiều. Cuộc sống của Trịnh Thuấn Ngôn dường như chỉ còn có hai việc, đó là thi nghiên cứu sinh và yêu đương. Hẹn hò xong rồi lên phòng tự học, tự học xong lại hẹn hò. Cho dù cô ấy có nói rằng cô ấy và bạn trai mình sẽ chẳng có tương lai gì nhưng cô ấy vẫn không đành lòng từ bỏ. Cô ấy thật lòng yêu anh ta. Ngay cả đến Tô Tiêu cũng thường xuyên lên phòng tự học, lúc làm dáng cũng phải làm ra vẻ đọc sách. Mọi người đều bận rộn hẳn lên khiến tôi cảm thấy hoang mang, xấu hổ cho sự nhàn nhã của mình. Khoảng cách với bọn họ ngày càng xa, sự khác biệt cũng càng thêm sâu sắc.