Vân Lối chỉ để lại mấy dòng, bảo chàng sau khi sắp xếp xong mọi chuyện thì đến núi Bích La ở bên ngoài Đông môn. Núi Bích La là một nơi nổi tiếng, nằm sát kinh thành Ngõa Thích, trên núi cũng có người ở. Trương Đan Phong sau khi xem thư thì thầm ngạc nhiên: Vân Lối chưa bao giờ đến kinh thành Ngõa Thích, sao lại biết đường đến núi Bích La?
Rồi lại nghĩ rằng nàng vội vàng đến núi Bích La chắc là tránh tai mắt của Dã Tiên. Trương Đan Phong chỉ đành quay về nhà. quả nhiên Dã Tiên đã rút bọn vệ sĩ canh gác, Đàm Đài Diệt Minh ra mở cửa cho chàng, hai người gặp nhau thì mừng rỡ. Đàm Đài Diệt Minh nói: “Mấy ngày trước chúng tôi bị nhốt ở trong phủ thật buồn bực, tôi định đánh ra ngoài nhưng chúa công kiên quyết không chịu”.
Trương Đan Phong cười nói: “Không nên đánh. Cha tôi đâu?”
Đàm Đài Diệt Minh nói: “Chúa công mấy ngày nay lòng đầy tâm sự, công tử quay trở về thật đúng lúc. Người đang ở trong thư phòng”.
Trương Đan Phong nhẹ nhàng bước vào trong thư phòng, chỉ thấy cha đang ngồi cúi đầu suy nghĩ. Trương Đan Phong kêu lên một tiếng cha, Trương Tôn Châu nói: “Ồ, con đã quay về, ta còn tưởng rằng suốt đời này khó gặp lại con!”
Trương Đan Phong nói: “Con bất hiếu quay về nhận tội”.
Trương Tôn Châu nói: “Ta nghe Đàm Đài tướng quân bảo con đã đến Tô Châu!”
Trương Đan Phong nói: “Con về đây chính là chịu tội này, con đã tìm ra bản đồ bảo tàng và tấm địa đồ ấy, nhưng đã tặng cho Vu Khiêm, để ông ta giúp Thiên tử họ Chu đánh lui Ngõa Thích”.
Trương Tôn Châu nói: “Đàm Đài tướng quân đã cho ta hay, con đã lập công cho Trung Quốc, nhưng nhà họ Trương chúng ta mãi mãi không có cơ hội giành thiên hạ nữa”.
Trương Đan Phong buồn bã không nói, đang định khuyên nhủ thì Trương Tôn Châu lại thở dài: “Sống không muốn làm rường cột của nước nhà, chết cũng không muốn làm diêm la, diêm la điểm quỷ tâm thường nhẫn, rường cột của nước nhà thì càng nhiều việc hơn. Ta trải qua biến cố lần này, hùng tâm tráng chí đã nhụt. Đã không muốn làm Tể tướng nữa, làm Hoàng đế càng phiền phức hơn, con không muốn làm vua khai quốc, ta cũng không muốn chết già ở nước người. Ta không trách con đã làm chuyện này”.
Trương Đan Phong khuyên rằng: “Cha, lá rụng về cội, con mong cha trở về cố thổ”.
Trương Tôn Châu lại thở dài xua tay nói: “Con đi đường đã vất vả, trước tiên hãy nghỉ ngơi, đêm nay chúng ta sẽ nói tiếp”.
Sau bữa cơm tới, Trương Đan Phong cùng cha dạo bước trong vườn, dưới ánh trăng bóng hoa vẫn chập chờn, hồ nước vẫn lăn tăn gợn sóng, cảnh vẫn như ngày trước.
Hai cha con đứng dựa lan can một lúc lâu không nói gì. Đối phương ngắt một đóa hoa mai, nói: “Hoa mai này đẹp hơn năm trước”.
Trương Tôn Châu nói: “Vậy ư? Con đã đến cố cung ở Tô Châu, khung cảnh ở đó như thế nào?”
Trương Đan Phong nói: “Nơi đó đã trở thành nhà của một tên ác bá trong vùng, những bức thiếp trên tường đã mờ nhạt”.
Trương Tôn Châu thở dài không thôi. Trương Đan Phong nói: “Cha đừng lo lắng, con đã giành được nơi đó”.
Trương Tôn Châu nói: “Sao?”
Trương Đan Phong kể lại một lượt chuyện mình đánh bạc ở Khoái Hoạt lâm như thế nào, Trương Tôn Châu tuy đang buồn bực nhưng cũng cười ha hả. Trương Đan Phong nói: “Con bất hiếu nhưng cũng mong đón cha trở về để cho cha an hưởng tuổi già ở nơi đó”.
Trương Tôn Châu càng thở dài, mặt lộ vẻ buồn bã.
Trương Đan Phong nói: “Cha hãy nhân cơ hội này rút lui ra khỏi những chuyện thị phi”.
Thế rồi kể lại cuộc trò chuyện sáng nay với Dã Tiên, rồi bảo: “Con đã tự tiện thay cha hứa với Dã Tiên, ngày mai sẽ lên triều trình tấu chương cáo lão, không làm Thừa tướng của nước Ngõa Thích nữa!”
Trương Tôn Châu nói: “Điều đó rất hợp ý ta, làm Thừa tướng hai mươi mấy năm nay ta cũng đã rất mệt mỏi. Năm nay vốn chẳng còn lòng dạ nào nữa”.
Trương Đan Phong nói: “Cha, chúng ta hãy trở về Trung Quốc thì tốt hơn”.
“Đúng thế, đây là lúc chúng ta phải quay về”.
Trương Đan Phong mừng rỡ nói: “Vậy sáng mai cha hãy dâng tấu chương cáo lão, chúng ta đợi sứ thần triều Minh đến, sau khi hai nước nghị hòa thì sẽ cùng trở về nước”.
Trương Tôn Châu lắc đầu, chợt trầm giọng đáp: “Ta bảo quay về, nhưng không phải quay về Trung Quốc”.
Trương Đan Phong ngạc nhiên, nói: “Sao?”
Trương Tôn Châu nói: “Tiệc tàn khách khứa ra đi, phú quý phồn hoa chẳng qua chỉ là một giấc mộng. Ta đã ở cõi trần thế sáu mươi năm, cũng nên quay về thôi”. Giọng nói của ông ta thê lương vô cùng, té ra ông ta nói quay về ở đây có nghĩa là quay về Tây phương cực lạc. Trương Đan Phong run giọng nói: “Cha tuy già nhưng vẫn còn khỏe mạnh, cách ngày trăm năm hãy còn xa, tại sao lại nói những lời không may như thế?”
Trương Tôn Châu buồn bã cười: “Trên đời nào có bữa tiệc không tàn”.
Trương Đan Phong vội vàng nói: “Miền Giang Nam sông nước hữu tình, là nơi an dưỡng tuổi già”.
Trương Tôn Châu nói: “Ta còn mặt mũi nào quay trở lại Giang Nam? Năm xưa Sở bá vương không chịu qua Ô Giang, là bởi vì ông ta không muốn gặp lại phụ lão Giang Đông!”
Tâm trạng đau khổ mâu thuẫn chứa đựng trong lời nói, Trương Đan Phong đang định khuyên nhủ, Trương Tôn Châu đã xua tay: “Ý ta đã quyết, con không cần nhiều lời, ta sẽ từ chức Thừa tướng, nhưng cũng không muốn trở về mảnh đất của tổ tiên nữa”.
Trương Đan Phong nói: “Vậy cha phải chăng đã cho rằng con lần này về Trung Quốc là đã sai?”
Trương Tôn Châu ngẩng đầu nhìn trời, tiếng sáo văng vẳng vọng tới, một lát sau mới nói: “Nếu ta trẻ lại bốn mươi năm, ta sẽ làm như con. Giờ đây ta biết muốn mượn thế lực của Ngõa Thích khôi phục lại Đại Châu của chúng ta là điều sai lầm”.
Trương Tôn Châu cắt lời chàng: “Đừng nói nữa. Hỡi ơi, song ta phải nhắc nhở con, Dã Tiên rất xảo quyệt, con phải đề phòng y. Ta mong sứ thần Minh triều đến cho sớm. Ta dù chết ở Ngõa Thích cũng không thể nào quên được Trung Quốc. Nghe con nói, Vu Khiêm là hiền thần trăm năm khó gặp, mong Trung Quốc từ nay vững bền, nếu ta gặp được sứ thần doy phái đến cũng tốt”.
Trong khoảnh khắc, Trương Đan Phong cảm thấy khoảng cách giữa mình với cha tựa như gần tựa như xa, chàng không thể hiểu được cha mình đang nghĩ gì, đang trầm tư thì chợt thấy có bóng người xẹt tới, chợt nghe tiếng Đàm Đài Diệt Minh quát: “Kẻ nào lớn gan nửa đêm dám đột nhập tướng phủ?” rồi y đánh vù ra một chưởng, chỉ nghe rắc một tiếng, một cành cây đã bị chặt gãy, một người từ trong bụi hoa nhảy ra, Đàm Đài Diệt Minh thối lui mấy bước mới đứng vững. Trương Đan Phong cả kinh: “Kẻ nào mà có công lực như thế này?” Chỉ nghe người ấy cười ha hả rồi nói: “Đan Phong, con đã trở lại rồi ư?” Trương Đan Phong định thần nhìn lại, thì ra đó là đại sư bá Đổng Nhạc của chàng, chàng vui mừng vô cùng, lập tức giới thiệu cho cha biết rồi cùng ông ta trở vào khách sảnh.
Hai bên phân vôi chủ khách ngồi xuống, Đổng Nhạc nhấp một ngụm trà rồi cười ha hả nói: “Đàm Đài tướng quân, công phu Thiết Tỳ Bà của ông đã tiến bộ hơn ngày trước”.
Đàm Đài Diệt Minh cũng cười rằng: “Tôi cũng khó chống đỡ Đại Lực Kim Cương thủ của ông”.
Trương Tôn Châu nói: “Lần này tiểu nhi được Đổng đại hiệp chiếu cố, lão phu cảm kích không nguôi”.
Đổng Nhạc nói: “Sư đệ của tôi ở Ngõa Thích mười năm, được ngài chiếu cố tôi càng cảm kích hơn!” Rồi cười nói: “Đêm nay tôi mới biết lòng của Thừa tướng, tệ sư đệ quả nhiên nói không sai, may mà tôi không lỗ mãng hành sự”.
Trương Đan Phong giật mình thầm nhủ: “May mà người chịu nghe cha mình nói chuyện, nếu là nhị sư bá chỉ e đã phải động thủ”.
Trương Đan Phong nói: “Sư bá có gặp sư phụ của con chưa?”
Đổng Nhạc nói: “Đã gặp”.
Trương Tôn Châu nói: “Tạ tiên sinh ra đi đã lâu, tôi không hề biết chuyện này, cho nên rất lo lắng trong lòng. Ông ta đã trở về kinh thành sao không đến cùng tiên sinh?”
Đổng Nhạc nhấp ngụm trà, im lặng không nói. Đàm Đài Diệt Minh nói: “Dã Tiên tuy đã rút vệ sĩ về, nhưng cũng không đảm bảo y sẽ không phái người đến theo dõi. Để tôi đi tuần tra thử”. Nói xong thì bước đi.
Trương Đan Phong nói: “Đàm Đài tướng quân đã lo xa, y sợ chúng ta không muốn nói trước mặt y”.
Đổng Nhạc nói: “Đúng thế, ta muốn nói chuyện sư phụ của con”.
Sư phụ của Đàm Đài Diệt Minh là đối thủ của Huyền Cơ Dật Sĩ. Trương Đan Phong ngạc nhiên nói: “Sao, Thượng Quan lão ma chẳng phải đã sớm mai danh ẩn tích, chả lẽ lão lại xuất hiện?”
Đổng Nhạc nói: “Lão không hề xuống núi, nhưng chúng ta phải lên núi gặp lão”.
Trương Đan Phong nói: “Sao?”
Đổng Nhạc nói: “Lão ma đầu này biết mấy sư huynh đệ chúng tôi đều ở Ngõa Thích cho nên phái người thông báo, bảo chúng tôi lên núi gặp lão”.
Trương Đan Phong nói: “Để làm gì?”
Đổng Nhạc nói: “Ta cũng không biết. Chắc là muốn thăm dò võ công của bọn ta. Lão là tiền bối, nếu lão có lệnh bọn ta không thể không nghe”.
Trương Đan Phong trầm ngâm rồi nói: “Đàm Đài tướng quân có biết chuyện này không?”
Đổng Nhạc sầm mặt, nói: “Nếu y không nói, con đừng nhắc”.
Theo quy củ võ lâm, bậc tôn trưởng của hai phái nếu có tương tranh, đệ tử trong môn phái dù qua lại với nhau cũng phải kiêng dè. Trương Đan Phong không hề xem trọng những quy củ này, nhưng thấy sư bá nói trịnh trọng như thế thì cũng không dám nói nhiều.
Đổng Nhạc nói: “Ta đã quay về báo với sư tổ của con, nhưng người bảo bọn ta cứ đến Ngõa Thích trước. Không biết người có đến hay không!”
Trương Đan Phong nói: “Con đã nghe sư phụ nói, sư tổ sáng tạo ra hai bộ kiếm pháp song kiếm hợp bích là chuẩn bị đối phó với lão ma đầu này, chắc là người không muốn đích thân ra tay nữa”.
Đổng Nhạc nói: “Ta vẫn chưa thấy uy lực của song kiếm hợp bích, tam sư đệ và tứ sư muội tuy thông minh hơn người, giỏi hơn ta rất nhiều, nhưng vẫn còn kém xa lão ma đầu ấy”.
Trương Đan Phong biết uy lực của song kiếm hợp bích, cho nên chàng không tin lời Đổng Nhạc, nhưng cũng không muốn khen ngợi kiếm pháp sư phụ của mình trước mặt sư bá cho nên không lên tiếng. Đổng Nhạc chợt nói: “Đan Phong, bằng hữu của con đâu?”
Ý Đổng Nhạc muốn nói đến Vân Lối. Trương Đan Phong giật mình, chàng vẫn chưa kể chuyện này với cha, thế rồi mới nháy mắt, nhưng Đổng Nhạc tựa như không hiểu, vẫn nói: “Con không nhớ hắn ư?”
Trương Tôn Châu nói: “Phong nhi, nếu con có bằng hữu cùng đến, vậy hãy mời y đến gặp ta”.
Trương Đan Phong nói: “Y có chuyện đã đi trước”.
Đổng Nhạc nói: “Có phải hắn đến núi Đường Cổ Lạp tìm mẹ hay không?”
Trương Đan Phong lại giật mình: “Té ra Đổng Nhạc đã gặp Vân Lối, nếu không ông ta sẽ không biết chuyện này”. Thế rồi mới lộ vẻ mừng rỡ, chàng đoán được Vân Lối sở dĩ đến núi Bích La là nhờ Đổng Nhạc sắp xếp Trương Tôn Châu lộ vẻ nghi ngờ, hỏi: “Bằng hữu gì thế?”
Trương Đan Phong nói: “Đó là một người tri kỷ”.
Trương Tôn Châu nói: “Đã như thế, sau này con phải mời y đến nhà chúng ta mới được”.
Trương Đan Phong vâng một tiếng, nhớ Vân Lối thề rằng không bao giờ gặp cha mình, trong lòng chua xót vô hạn.
Đổng Nhạc nói: “Thượng Quan lão ma đang ở một ngọn núi phía bắc của núi Đường Cổ Lạp, từ thung lũng của người Ngạc La đi về phía bắc khoảng ba ngày. Nhị sư đệ đã đến đấy trước”.
Trương Đan Phong hỏi: “Thượng Quang Thiên Dã kêu mọi người chừng nào lên núi?”
Đổng Nhạc nói: “Vẫn chưa rõ, nhưng phải trước ngày Thanh minh. Ta bảo sư phụ của con đi trước hẹn với một bằng hữu võ lâm, khi cần thì ông ta sẽ bước ra giảng hòa. Nhị sư bá của con đâu? Nghe nói hắn cũng đến, nhưng sư phụ của con và ta vẫn chưa gặp hắn”.
Trương Đan Phong nói: “Nhị sư bá đi cùng với Chấn Tam Giới Tất Đạo Phàm”.
Thế rồi kể chuyện đêm qua. Đổng Nhạc cười rằng: “Tính khí của Triều Âm vẫn như trước. Thôi được, ta sẽ ở lại vài ngày, tìm hắn rồi tính tiếp”.
Trương Đan Phong chợt nói: “Vậy ngày mai con sẽ đi trước”.
Trương Tôn Châu ngạc nhiên nói: “Phong nhi, con vừa trở về sao lại đi?”
Trương Đan Phong nói: “Sư phụ con gặp nguy hiểm, con sao có thể ngồi nhìn được?”
Trương Tôn Châu nghĩ con trai của mình là do một tay Tạ Thiên Hoa nuôi dạy thành tài, Trương Đan Phong nói chẳng sai chút nào, thế rồi tuy buồn bã nhưng không ngăn cản. Chỉ hỏi: “Con Chiếu dạ sư tử mã của con đâu?”
Trương Đan Phong nói: “Người bằng hữu của con đã dắt nó đi trước”.
Trương Tôn Châu kêu ừ một tiếng, nghĩ bụng: “Mối giao tình giữa nó và người bằng hữu này không tầm thường”. Rồi càng muốn biết người đó là ai.
Sáng sớm hôm sau Đổng Nhạc và Trương Đan Phong cáo từ Trương Tôn Châu, Trương Tôn Châu nói: “Ta sẽ đưa hai người ra”.
Thế rồi dắt tay con chậm rãi bước đi, Đổng Nhạc cùng Đàm Đài Diệt Minh ra cửa đứng chờ. Trương Đan Phong nói: “Cha, cha hãy quay vào, cha còn phải lên triều sớm nữa”.
Trương Tôn Châu nói: “Đêm qua ta đã viết tấu chương, không cần lo. Giờ đây ta đã nhẹ nhõm cả người, chỉ mong con có thể quay về”.
Trương Đan Phong nói: “Cha đừng lo lắng, con và sư phụ sẽ trở về”.
Trương Tôn Châu nói: “Chỉ e con trở về rồi lại ra đi. Khi con trở về, có lẽ sứ thần nhà Minh sẽ đến”.
Trương Đan Phong nói: “Tại sao cha không quay về cùng chúng con?”
Trương Tôn Châu nói: “Đêm qua cha đã nói, giờ đây cha không muốn nhắc lại nữa”.
Trương Đan Phong chợt nói: “Cha có còn nhớ sứ thần Vân Tĩnh của nhà Minh ngày trước hay không?”
Trương Tôn Châu sững người ra, Trương Đan Phong cảm thấy bàn tay ông ta đổ mồ hôi, hơi rung rung. Một lát sau, Trương Tôn Châu thở dài, nói: “Ôi, đã ba mươi năm, chuyện ba mươi năm trước vẫn còn hiện rành rành trước mắt, lần đầu tiên trong đời ta mới thấy một người cứng cỏi như Vân Tĩnh, làm sao ta không nhớ cho được? Tính ra y đã về nước mười năm”.
Trương Đan Phong nói: “Ông ta vừa mới bước vào Nhạn Môn quan thì bị Vương Chấn giả truyền thánh chỉ hại chết ông ta”.
Trương Tôn Châu nói: “Ta cũng nghe nói chuyện này, đó là lỗi lầm của ta. Nghĩ lại lúc đó ta tuổi trẻ nóng nảy, căm giận Thiên tử triều Minh, căm hận luôn những kẻ trung thành với họ, đến nỗi khiến cho Vân Tĩnh phải chăn ngựa hai mươi năm ở nơi tuyết phủ. Hai mươi năm qua ông ta cực khổ trăm bề nhưng vẫn giữ tấm lòng son đối với Thiên tử họ Chu, ông ta tuy đối đầu với ta, nhưng ta rất khâm phục. Mấy năm gần đây khi nghĩ đến chuyện này, ta thường cảm thấy áy náy, đó là lỗi lầm duy nhất trong đời của ta. Ta hy vọng sứ thần triều Minh cũng là một người cứng cỏi như Vân Tĩnh”.
Trương Đan Phong chợt nói: “Nghe nói Vân Tĩnh còn để lại hai người cháu, một nam một nữ, tuổi cũng tương đương với con”.
Trương Tôn Châu nói: “Thế ư, mong có thể gặp lại họ”.
Trương Đan Phong nói: “Nếu họ có việc nhờ đến cha, cha có chấp nhận giúp đỡ không?”
Trương Tôn Châu nói: “Đương nhiên”. Rồi chợt thở dài: “Nếu họ lớn lên, chắc chắn sẽ biết chuyện năm xưa của cha mình, họ nhất định sẽ coi ta là kẻ thù, sao có thể nhờ vả ta?”
Trương Đan Phong nghe cha mình nói những lời từ gan ruột, trong lòng cảm thấy an ủi, chỉ nghe ông ta tiếp tục nói: “Sao con lại biết tung tích của hai đứa trẻ này?”
Trương Đan Phong vốn định kể chuyện giữa mình với Vân Lối, nhưng chợt nghĩ lại thì chỉ bảo: “Nghe nói họ theo học thầy giỏi, có võ nghệ cao cường, cháu trai của Vân Tĩnh hình như làm quan trong triều Minh, bạn bè trên giang hồ đã nói thế.
Trương Tôn Châu mừng rỡ bảo: “Như thế thì ta yên tâm. mong rằng sứ giả của triều Minh là cháu trai của Vân Tĩnh”.
Hai người đang nói thì đã ra đến cửa. Trương Đan Phong nói: “Cha hãy bảo trọng”. Thế rồi cùng Đổng Nhạc ra khỏi cửa, chỉ thấy Trương Tôn Châu đứng tựa cửa nhìn theo mà nước mắt rưng rưng.
Đổng Nhạc nói: “Thiên Hoa sư đệ quả thật suy tính sâu xa, lúc này ta mới biết tại sao hắn lại ở nhà họ Trương mười năm. Cha con chịu âm thầm giúp đỡ Trung Quốc, xem ra cũng là nhờ hắn”.
Trương Đan Phong nói: “Sư bá, chúng ta đi đâu?”
Con nói: “Đương nhiên đến núi Bích La, tiểu huynh đệ của con đang nhớ con lắm”.
Trương Đan Phong nói: “Té ra là người đã bảo nàng lên núi”.
Đổng Nhạc nói: “Ta có một người bạn trên núi Bích La, Vân Lối ở trong khách sạn thật không ổn, bởi vậy ta mới bảo hắn đến nhà người bạn ấy”.
Hai người đi rất nhanh, trong chốc lát đã lên đến núi Bích La. Ngày đông rét buốt, trên núi toàn là lá vàng, nhưng Trương Đan Phong lại cảm thấy mình đầy sức sống, nhìn cảnh tiêu điều mà như cảnh mùa xuân. Đi được nửa đường, chỉ thấy trên sườn núi có một ngôi nhà, có thiếu nữ đứng tựa cửa, ấy chính là Vân Lối. Trương Đan Phong kêu lên: “Tiểu huynh đệ, tiểu huynh đệ, ta đã quay về!”
Vân Lối hờ hững đáp lời, vẻ mặt rất lạnh lẽo. Đổng Nhạc nhìn họ, lắc đầu nói: “Các người quả thật là một cặp oan gia”.
Trương Đan Phong nói: “Cha con rất hối hận khi nhắc đến chuyện năm xưa”. Chàng định cho Vân Lối biết Trương Tôn Châu mong gặp họ như thế nào, Vân Lối thì lạnh lùng bảo: “Tôi cũng rất hối hận”.
Trương Đan Phong nói: “Hối hận điều gì?”
Vân Lối nói: “Gia gia tôi chăn ngựa, mẹ tôi giờ đây vẫn chăn cừu cho người ta, sau này nếu cùng huynh đến gặp mẹ tôi, tôi cũng không biết nói như thế nào”.
Trương Đan Phong thở dài, té ra Vân Lối cảm thấy thân thiết với chàng thì sẽ có lỗi với mẹ, cho nên mới hối hận như thế. Đổng Nhạc cười: “Các con cứ đứng than thở như thế, thật khiến cho lão già này thắc mắc, có lời gì hãy vào trong hẵn tính tiếp”.
Trương Đan Phong thở dài: “Dù huynh có lao vào dầu sôi lửa bỏng, cũng phải cùng đệ đi tìm mẹ. Sau này dù bá mẫu trách cứ thế nào, huynh cũng chấp nhận”.
Vân Lối bật cười nói: “Trách huynh làm gì? Mẹ của muội chưa bao giờ trách cứ người khác. Đừng làm vẻ khổ sở như thế nữa”. Thế rồi mỉm cười, ý xuân dâng tràn, tựa như mây đen đều bị ánh mặt trời xua tan.
Bạn của Đổng Nhạc là một võ sư người Hồi sống ở Mông Cổ, tính tình rất hào sảng, sau khi rước họ vào nhà thì làm thức ăn cho họ nhắm rượu. Ba người ngồi xuống, Vân Lối nói: “Đêm qua tam sư bá và sư phụ đã ra đi”.
Đổng Nhạc nói: “Ta đã nói với Đan Phong, ta sẽ ở lại thêm vài ngày nữa, đợi sau khi tìm được nhị sư bá của con và Tất Đạo Phàm sẽ cùng đến núi Đường Cổ Lạp. Sau khi các con tìm ra mẹ của Vân Lối cũng lập tức đến đấy, có lẽ hai đời chúng ta sẽ phái cùng nhau đối phó với tên lão ma đầu kia!”
Vân Lối nói: “Lão ma đầu ấy có lợi hại như thế không?”
Đổng Nhạc nói: “Chúng ta cùng nhau đối phó với y, ta thấy vẫn chưa nắm chắc phần thắng”.
Vân Lối nói: “Nói như thế, chả lẽ còn lợi hại hơn cả bà lão trong rừng tử trúc?”
Đổng Nhạc ngạc nhiên, nói: “Bà lão nào?”
Vân Lối nhớ rằng Tạ Thiên Hoa có nói, chuyện này ngoại trừ sư tổ, chỉ có một mình đại sư bá biết, thế rồi nói: “Là một bà lão không chịu nói họ tên, có thể dùng lá tre làm ám khí. Đại sư bá, người có biết lai lịch của bà ta không?” Sau đó kể lại chuyện trong rừng Trúc cho Đổng Nhạc. Đổng Nhạc nói: “Không ngờ lão tiền bối ấy vẫn còn ở trên đời, vẫn chưa quên chuyện năm xưa. Bà ta sẽ xuất hiện, sau này có thể sẽ nhúng tay vào, sự việc càng thêm phiền toái hơn”.
Vân Lối nói: “Bà ta là ai?”
Đổng Nhạc nói: “Bà ta có mối quan hệ sâu xa với sư tổ của các con và Thượng Quan lão ma. Nhưng chúng ta là hạng tiểu bối không nên tùy tiện nói đến, sau này con sẽ biết”.
Vân Lối không dám hỏi, lòng càng lo lắng hơn.
Dùng cơm trưa xong, Vân Lối thúc giục Trương Đan Phong từ biệt chủ nhà và Đổng Nhạc cùng đi tìm mẹ. Con Chiếu dạ sư tử mã được Vân Lối đưa đến đây, đã lâu không gặp chủ nhân, vừa thấy Trương Đan Phong bước tới gần thì ngửa đầu hí dài. Trương Đan Phong vuốt ve cổ ngựa, cười rằng: “Chúng ta lại gặp nhau”. Thế rồi cùng Vân Lối cỡi ngựa phóng đi.
Lúc này đã gần cuối đông, càng chạy về hướng bắc gió bấc thổi càng dữ, tuyết phủ trắng xóa, trên đường rất ít người đi, Trương Đan Phong đang vung roi, Vân Lối chợt nói: “Huynh nghe kìa, hình như có tiếng tiêu?”
Trương Đan Phong nghiêng tai lắng nghe, ngạc nhiên hỏi: “Trong gió có tiếng tiêu rõ ràng, lại còn có tiếng vó ngựa. Chắc người thổi tiêu là bậc cao nhân, chúng ta chạy lên phía trước xem thử”.
Hai người Trương, Vân phóng ngựa chạy một mạch, chỉ thấy ở phía trước có một khối đen cứ lăn qua lộn lại, té ra là hai đại hán đang đánh nhau trên tuyết. Bên cạnh có ba thớt ngựa khỏe. Trên ngựa là hai phụ nữ và một đại hán cao lớn.
Trương Đan Phong nói: “Hình như là bằng hữu của chúng ta”. Đến khi tới gần nhìn kỹ, té ra đó là Hắc Bạch Ma Ha và những người vợ Ba Tư của họ, người đang đánh nhau ở dưới đất chính là Hắc Ma Ha. Trương Đan Phong kêu một tiếng, đến khi nhìn kỹ lại thì càng ngạc nhiên hơn, té ra kẻ đang đánh nhau với Hắc Ma Ha lại là Đại nội tổng quản Khang Siêu Hải của triều Minh!
Chỉ thấy Khang Siêu Hải mặc theo kiểu dân du mục Mông Cổ, áo quần đã bị Hắc Ma Ha xé rách vài chỗ, còn mặt mũi thì tiều tụy. Khang Siêu Hải kém xa Hắc Ma Ha, khi Trương Đan Phong phóng ngựa đến gần thì y đã bị Hắc Ma Ha vật ngã. Trương Đan Phong đang lấy làm lạ tại sao họ lại đánh nhau, chỉ thấy Khang Siêu Hải bị ngã thì lập tức phóng vọt người dậy rút ra một thanh mã đao, chém mạnh về phía Hắc Ma Ha, miệng mắng rằng: “Tên cường đạo khốn kiếp, dám đánh cắp đồ của ta, hãy mau trả lại, nếu không ta chém chết ngươi!”
Hắc Ma Ha cười ha hả, rút ra thanh lục ngọc trượng trở tay chặn ra, chỉ nghe keng một tiếng, ánh lửa bắn tung tóe, thanh mã đao của Khang Siêu Hải bị mẻ mất một mảnh. Hắc Ma Ha cười rằng: “Ngươi hãy ăn nói cho đàng hoàng tử tế với ta thì còn thương lượng được, nếu ngươi muốn hung hăng, hừ, hừ! Xem thử đao ngươi chém trúng ta hay cây trượng của ta sẽ đập gãy chân chó của ngươi!” Khi hai người đang nói thì đã đổi nhau đến ba bốn chiêu. Trương Đan Phong rất ngạc nhiên, Hắc Bạch Ma Ha là người giàu có, cần gì phải đánh cắp châu báu của Khang Siêu Hải? Chàng thấy trượng pháp của Hắc Bạch Ma Ha tuy hiểm hóc, nhưng lại không sử dụng sát chiêu, tựa như có ý nhường nhịn. Trương Đan Phong biết Khang Siêu Hải không phải là đối thủ của Hắc Ma Ha, thế là phóng ngựa tới trước, chỉ trong chớp mắt chỉ nghe Khang Siêu Hải kêu hoảng, từng bước thối lui.
Bạch Ma Ha lúc này mới thấy Trương Đan Phong đến, mừng rỡ kêu lên: “Đại ca, Trương công tử đến!”
Hắc Ma Ha nói: “Trương công tử đến thật đúng lúc, tôi sẽ đưa những món báu vật này cho y xem thử, coi y có nhận ra được không?”
Trương Đan Phong nói: “Báu vật gì?”
Khang Siêu Hải thấy Trương Đan Phong thì càng thất kinh hơn, nhưng lại mong chàng giúp mình, vội vàng kêu: “Hai tên cường đạo cướp châu báu của tôi, Đan Phong, hãy chủ trì công đạo cho tôi!”
Trương Đan Phong hỏi: “Ông có châu báu gì?” Rồi nhảy xuống ngựa định khuyên giải, chỉ nghe Hắc Ma Ha cười lớn: “Đúng thế, ngươi có châu báu gì? Hôm qua ngươi bảo trên người ngươi không có báu vật sao hôm nay lại bảo là có?”
Khang Siêu Hải nói: “Đan Phong, đó là báu vật của tôi”.
Trương Đan Phong nói: “Báu vật ở đâu?”
Bạch Ma Ha lấy ra một tay nải màu vàng, đưa cho Trương Đan Phong nói: “Công tử hãy nhìn xem, tôi thấy những món báu vật này có lai lịch bất chính, có lẽ cũng là đồ đánh cắp, công tử hãy xem thử, có nhận ra lai lịch của những thứ này hay không”.
Trương Đan Phong giật mình, chàng lại thấy tay nải này. khi thành Thổ Mộc bị bao vây, Khang Siêu Hải đã bỏ chạy một mình, vừa khéo gặp hai người Trương, Vân, y đã đeo trên lưng tay nải màu vàng này, Trương Đan Phong nghĩ bụng: “Sao bọn Hắc Bạch Ma Ha lại để ý đến những thứ này?” Chàng mở tay nải ra, chỉ thấy ngoài mấy mươi nén vàng, còn có vài món kỳ trân dị bảo!
Một món là một cây san hô bích ngọc dài cả thước, trong suốt, không hề có vết trầy xướt, một món là một cây trâm cài đầu có gắn hai viên ngọc, trên trâm có mấy chữ “Hiếu Chân hoàng hậu”. Còn một món khác là một con sư tử bằng bảo thạch. Còn một món càng quý hơn, đó chính là một cái triện bằng bạch ngọc có khắc mấy chữ “Chính Thống hoàng đế chi ấn”. Ngoài ra còn vài món đồ cổ, một xâu ngọc trai, toàn là những báu vật trị giá liên thành.
Trương Đan Phong cười lạnh, nói: “Ông lấy những báu vật này ở đâu?”
Khang Siêu Hải nói: “Đều là những thứ Hoàng đế ban cho tôi cả”.
Trương Đan Phong cười lạnh: “Chả lẽ Hoàng đế tặng cho ông dấu ấn và trâm cài đầu của hoàng hậu hay sao?”
Lúc này Trương Đan Phong đã biết chắc chắn Khang Siêu Hải khi chạy thoát ra khỏi thành Thổ Mộc, đã tiện tay đánh cắp tất cả châu báu của Hoàng đế mang theo bên mình.
Trương Đan Phong không đoán sai, chính Khang Siêu Hải đã đánh cắp những thứ này. Lúc đó y tưởng rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ bị Ngõa Thích tiêu diệt, thiên hạ chắc chắn sẽ đại loạn cho nên muốn đánh cắp những thứ quý báu này sau đó mai danh ẩn tích. Không ngờ Dã Tiên rút binh, Hoàng đế mới lên ngôi, Khang Siêu Hải có tật giật mình, Thiết Tý Kim Viên và Tam Hoa Kiếm đều đã đi theo Trương Đan Phong đầu hàng Vu Khiêm, cho nên sẽ không tha thứ cho hành động bỏ chạy của y. Y sợ sư thúc đuổi theo, lại sợ Hoàng đế mới biết chuyện y đánh cắp báu vật của chính thống Hoàng đế cho nên chạy đến Mông Cổ, nhưng lại không thể bán được những món báu vật này.
Y lại muốn hiến cho Dã Tiên để tìm một chức quan, đang chần chừ chưa quyết định thì lại gặp phải Hắc Bạch Ma Ha, Hắc Bạch Ma Ha vừa nhìn đã biết Khang Siêu Hải mang theo rất nhiều báu vật, vốn định mua lại nhưng Khang Siêu Hải không chịu, Hắc Ma Ha bực mình, nên trong đêm đó đã đánh cắp tất cả những thứ y mang theo.
Lúc này Khang Siêu Hải bị Trương Đan Phong chất vấn, nhất thời cứng họng, đáp không ra lời. Trương Đan Phong nói: “Ông là Đại nội tổng quản, Hoàng đế đối xử với ông không tệ, ông đã bỏ chạy trong lúc ông ta nguy nan đã là tội đáng chết, lại còn dám đánh cắp báu vật!”
Hắc Ma Ha cả cười nói: “Quả nhiên là ngươi đã đánh cắp. Hừ, ngươi còn xứng là Đại nội tổng quản hay không? Được, hãy nếm một gậy của ta!”
Hắc Ma Ha vung gậy lên tựa như mưa gió, trong chốc lát đã tung ra sát chiêu. Khang Siêu Hải dốc hết sức chống đỡ được năm chiêu, đến chiêu thứ sáu thì đuối sức, cây mã đao đã bị Hắc Ma Ha đánh rơi, khi cây trượng sắp đâm vào đan điền của y thì Trương Đan Phong cảm thấy bất nhẫn, kêu lên: “Tha cho y một mạng, chỉ phế võ công của y!”
Hắc Ma Ha đẩy đầu gậy sang một bên, gõ mạnh xuống xương vai của y, xương tỳ bà trên vai Khang Siêu Hải bị đánh vỡ, thế là chẳng sử dụng võ công được nữa, chẳng khác gì người thường Trương Đan Phong cười nói: “Người chết vì của cải, chim chết vì miếng ăn. Nay ông may mắn không chết, coi như cũng là ý trời, sau này phải ráng sống cho tử tế”.
Khang Siêu Hải may mắn thoát chết, nào dám nói nhiều, vội vàng chạy thục mạng. Trương Đan Phong nói: “Các người từ đâu đến đây?”
Hắc Ma Ha nói: “Chúng tôi vừa từ Ấn Độ trở lại, ngày hôm kia mới đi ngang núi Đường Cổ Lạp”.
Trương Đan Phong chợt nói: “Đó là nơi của tộc Ngạc La, các người có gặp Tù trưởng ở đó không?”
Bạch Ma Ha cười nói: “Chúng tôi là người buôn bán, đâu có rảnh đến gặp Tù trưởng. Nhưng đã có những quý nhân khác đến gặp ông ta, mấy ngày hôm nay ông ta rất bận rộn”.
Trương Đan Phong nói: “Ai đến gặp ông ta?”
Bạch Ma Ha nói: “Là sứ giả của Dã Tiên”.
Trương Đan Phong nói: “Sứ giả của Dã Tiên?”
Bạch Ma Ha nói: “Nghe nói Dã Tiên định mua chuộc ông ta cùng đối phó với A Thích, xem ra Ngõa Thích sắp có nội loạn, anh em chúng tôi đang chuẩn bị xuống miền Nam. Này, lệnh tôn là tể tướng của Ngõa Thích, công tử có biết chuyện này không?”
Trương Đan Phong nói: “Có biết chút ít”. Rồi chàng đưa mắt nhìn tay nải, chợt nói: “Ở đây có một bức tranh và một cây ngọc trâm, các người hãy nhường cho tôi”.
Hắc Ma Ha cả cười nói: “Không bán, không bán!”
Trương Đan Phong định mua những thứ này tặng lại cho Chu Kỳ Trấn, nghe Hắc Ma Ha nói không bán thì rất thất vọng. Chỉ nghe Hắc Ma Ha lại cười: “Không bán nhưng có thể tặng cho công tử, dù sao tôi cũng nhặt được những thứ này. không chỉ là hai món, tôi sẽ tặng cả cho công tử!”
Trương Đan Phong nói: “Cái gì, không thể được!”
Hắc Ma Ha cười lớn: “Lần trước cũng nhờ công tử trả lại bảo tàng cho chúng tôi, chúng tôi mới có thể làm ăn tiếp, những thứ này xin công tử hãy nhận lấy”.
Trương Đan Phong cười nói: “Được, nếu hai người đã rộng rãi như thế, tôi cũng không khách sáo. Tôi muốn nhờ hai người một việc”.
Hắc Bạch Ma Ha xưa nay chỉ trọng có mỗi mình Trương Đan Phong, nghe thế thì nói: “Công tử cứ nói, dù chuyện lớn bằng trời, anh em chúng tôi cũng sẽ hết sức”.
Trương Đan Phong mỉm cười: “Cũng không có gì lớn, nhờ hai người hãy gởi hộ cho tôi một bức thư”.
Hắc Ma Ha nói: “Gởi cho ai?”
Trương Đan Phong nói: “Hai người đi chuyến này có phải sẽ đến chỗ A Thích chi viện hay không?”
Bạch Ma Ha nói: “Đúng thế, có phải công tử muốn gởi thư cho A Thích không?”
Trương Đan Phong nói: “Đúng thế”. Nhưng trên đường không có giấy bút, Trương Đan Phong chỉ đành dùng kiếm viết chữ trên tấm da cừu. Chàng viết xong bức thư thì lấy ra hai món châu báu giao cho Hắc Ma Ha nói: “Làm phiền hai người hãy đưa bức thư và hai món báu vật này cho A Thích”.
Hắc Bạch Ma Ha nhận lấy rồi chia tay Trương Đan Phong.
Vân Lối nói: “Đại ca, huynh viết gì thế?”
Trương Đan Phong nói: “Huynh đã giúp Tù trưởng Ngạc La viết một bức thư hẹn liên minh với A Thích”.
Vân Lối ngạc nhiên nói: “Sao huynh biết Tù trưởng Ngạc La sẽ liên minh với A Thích?”
Trương Đan Phong cười nói: “Ta đã sắp xếp trước chuyện này, ba ngày sau tiểu đệ sẽ biết”.
Ba ngày sau hai người đã đến núi Đường Cổ Lạp, lúc này cả hai chậm rãi buông cương ngựa tiến vào trong thung lũng.
Vân Lối đưa mắt nhìn lại nơi cũ, những kỷ niệm thời thơ ấu vẫn còn trong đậm trong lòng, nàng đứng nhìn mà rơi nước mắt, Trương Đan Phong nói: “Đệ đã sắp gặp lại mẹ, còn khóc gì nữa?”
Vân Lối lau nước mắt, nói: “Muội mừng quá. Huynh bảo xem, chúng ta có nên cùng nhau đi gặp mẹ hay không?”
Trương Đan Phong nói: “Có gì mà không được, sợ mẹ cười muội ư?”
Vân Lối nói: “Chỉ sợ người biết huynh là kẻ thù của nhà muội”.
Trương Đan Phong nói: “Chỉ cần đệ không coi huynh là kẻ thù, bá mẫu chắc chắn sẽ coi huynh là con cháu”.
Vân Lối nhớ lại mẹ là một người phụ nữ tâm địa thiện lương, nếu kể rõ chuyện của Trương Đan Phong, người sẽ không trách, chỉ cần mẹ cho phép thì không sợ ca ca cản trở, nghĩ đến đây nàng mỉm cười. Trương Đan Phong nói: “Đệ cười gì thế?”
Vân Lối nói: “Gặp lại mẹ, sao mà không vui được?” Chợt nhớ mẹ đang là kẻ ăn người ở trong nhà Tù trưởng, không biết đã chịu bao nhiêu cay đắng, nỗi buồn dâng lên trong mắt.
Trương Đan Phong cười nói: “Chợt khóc chợt cười, sao lại khổ đến thế!”
Vân Lối đỏ mặt: “Đúng là miệng bôi mỡ, không đùa với huynh nữa, chúng ta đi gặp Tù trưởng thôi”.
Hai người Trương, Vân phóng ngựa vào trong thung lũng, đã có người chú ý nên chạy về báo cáo cho Tù trưởng. Khi hai người đến nơi thì thấy nhà Tù trưởng đang treo đèn kết hoa, chắc là chiêu đãi khách quý. Bọn Trương Đan Phong đợi một hồi, Tù trưởng liền sai người gọi họ vào.
Hai người trao ngựa cho kẻ hạ nhân, rồi cùng cáp na bước vào (là quản gia của Tù trưởng). Cáp na dắt họ vào một căn phòng, trong phòng có hai lò lửa cháy phừng phừng nên ấm áp như mùa xuân, miệng nói: “Tù trưởng đang chiêu đãi khách quý, bảo hai vị chờ ở đây, ông ta sẽ gọi xuy trung đến tiếp đãi các người, có chuyện gì cứ nói với xuy trung”. Xuy trung là pháp sư của bộ lạc, chỉ kém Tù trưởng, Tù trưởng bảo xuy trung đến gặp họ coi như đã rất coi trọng họ.
Vân Lối đang nôn nóng muốn biết tin của mẹ, nghe Tù trưởng không thể đích thân tiếp họ thì thất vọng, chợt nghe bên ngoài có tiếng ngựa hí, thầm nghĩ: “Không biết có phải mẹ đang chăm sóc cho ngựa của mình hay không? Ôi, mình ở trong phòng ấm áp, còn mẹ thì phải cho ngựa ăn”. Thế rồi trong lòng buồn bã, ngồi yên chẳng nói lời nào.
Trương Đan Phong thì ngồi chuyện trò với cáp na. Chàng hỏi: “Tù trưởng đang tiếp ai thế?”
Cáp na nói: “Nghe nói là sứ giả của Dã Tiên”.
Trương Đan Phong nói: “Họ chẳng phải đã đến từ sớm rồi ư?”
Cáp na trả lời: “Đúng thế, họ đã ở đây bảy ngày”.
Trương Đan Phong nói: “Tại sao bây giờ mới tiếp đãi?” Cáp na ấp úng, muốn nói nhưng lại thôi. Trương Đan Phong mỉm cười lấy ra một nén vàng, nói: “Ông ở đây đã vất vả, tôi tặng nén vàng này cho ông mua rượu”.
Cáp na làm việc cho Tù trưởng, bình thường chỉ được thưởng nhiều nhất là hai đĩnh bạc nhỏ, có khi nào thấy được nén vàng lớn như thế này! Thế rồi mỉm cười, cầm nén vàng, luôn miệng đáp tạ, không đợi Trương Đan Phong hỏi thì đã tự nói: “Nghe nói hôm nay Tù trưởng định kết minh với Dã Tiên, cho nên đang chiêu đãi thịnh soạn bên ngoài, có lẽ sắp cử hành nghi thức”.
Trương Đan Phong thầm nhủ: “May mà đến nhanh một bước”.
Xuy trung vẫn chưa tới, Trương Đan Phong đứng dậy nói: “Thật là khéo, chúng tôi cũng là người Thái sư phái tới, đang nôn nóng gặp họ. Thái sư của chúng tôi thấy họ ở lâu không về cho nên sai chúng tôi đến đây hỏi”. Rồi lại móc ra hai nén vàng nữa, nói: “Hãy hiến giùm tôi cho xuy trung, cứ coi như là lễ cúng thần. Bảo ông ta không cần tiếp đãi chúng tôi nữa. Ngày mai chúng tôi sẽ lại đến”.
Cáp na thấy Trương Đan Phong rộng rãi như thế, nghĩ bụng: “Có lẽ họ là người của Thái sư, nếu không thì chẳng rộng rãi như thế này”. Thế rồi nói: “Vậy tôi sẽ hỏi ý Tù trưởng, bảo ông ta đưa ngài vào”.
Trương Đan Phong nói: “Không cần quấy nhiễu nhiều người như thế, chúng tôi sẽ tự vào. Ông hãy ngồi đây chờ đợi xuy trung”.
Rồi chàng hỏi rõ đường đi, sau đó cùng Vân Lối bước ra khỏi cửa.
Cáp na nhận vàng của Trương Đan Phong, lại nghe chàng hù dọa nên không dám ngăn cản.
Trương Đan Phong và Vân Lối ra khỏi cửa, chạy gấp về tiền sảnh, người nhà Tù trưởng không biết lai lịch của họ, chỉ biết họ là khách của Tù trưởng nên không dám ngăn cản. Hai người đi thẳng vào khách sảnh, chỉ thấy đèn đuốc sáng choang, Tù trưởng đang mời rượu hai người khách.
Trương Đan Phong và Vân Lối tiến thẳng vào, người trong sảnh đều ngạc nhiên, sứ giả của Dã Tiên thấy hai người ăn mặc sang trọng, khí thế bất phàm, tưởng rằng là khách của Tù trưởng mời tới, Trương Đan Phong đưa mắt nhìn, bất đồ đứng dậy gật đầu chào. Còn Tù trưởng thì tưởng họ là bạn của khách cho nên bước ra nghênh đón.
Trương Đan Phong mỉm cười, rút phong thư trao cho Tù trưởng, Tù trưởng chưa kịp hỏi thì lại lấy một cây san hô bích ngọc và con sư tử bằng bảo thạch đặt trên bàn, mọi người đều nhìn chằm chằm vào hai món đồ này. Chỉ nghe Trương Đan Phong mỉm cười nói: “Chút lễ mọn này, chủ nhân tôi mời Tù trưởng nhận lấy”.
Tù trưởng nói: “Làm sao dám nhận lễ của Thái sư nữa”.
Ông ta tưởng rằng Dã Tiên lại tặng quà nữa cho nên vừa nhìn bức thư thì thấy có đề tên tri viện A Thích, thế là thất kinh, lúng túng vô cùng. Trương Đan Phong lớn giọng nói: “Chủ tôi mời ngài kết minh ước, cùng đánh Dã Tiên!”
Vừa nói ra hai sứ giả của Dã Tiên vừa kinh vừa giận, nhảy bật dậy: “Ngươi là ai?”
Trương Đan Phong nói: “Bọn chúng ta đều là người trong nghề, các người của Dã Tiên, ta là sứ giả của A Thích”.
Sứ giả của Dã Tiên tức giận nói: “Ngươi dám đến đây phá hoại minh ước của chúng ta. Vương gia hãy phát lệnh bắt hai kẻ này dâng cho Thái sư”.
Tù trưởng vẫn còn nấn ná, Trương Đan Phong cười nói: “Ngài hãy suy nghĩ cho kỹ. Dã Tiên là kẻ lòng lang dạ sói, thôn tính xong Ngõa Thích, ông có thể đứng vững được hay không?”
Sứ giả của Dã Tiên quát: “Tên tiểu tử nhà ngươi thật lớn gan, dám công nhiên khiêu chiến phỉ báng Thái sư, Tù trưởng hãy mau ra lệnh bắt sống hai kẻ này”.
Tù trưởng thấy hai sứ giả của Dã Tiên cứ thúc giục mình, trong lòng không vui, lạnh lùng nói: “Ta đã có tính toán. Không cần hai vị nôn nóng”.
Trương Đan Phong lại mỉm cười: “Tình thế hiện nay, Dã Tiên binh mạnh, A Thích lực yếu, giúp mạnh diệt yếu là điều rất dễ. Song Tù trưởng có nghĩ rằng, kẻ sức mạnh thì khó gần, kẻ lực yếu thì dễ xơi?” Tù trưởng ngạc nhiên, đó cũng chính là lý do bảy ngày hôm nay ông ta vẫn cứ chần chừ chưa quyết định kết minh với Dã Tiên. Lúc này nghe Trương Đan Phong nói thì như bị kim đâm trúng, mồ hôi lạnh tuôn ra, thầm suy nghĩ: “Lời này quả rất đúng! Binh lực của Dã Tiên mạnh hơn mình rất nhiều lần, sau khi việc thành nếu y trở mặt thì mình chẳng thể nào chống đỡ nổi. Binh lực của A Thích tương đương với mình, y liên kết Tù trưởng các tộc cùng chống Dã Tiên, sau khi việc thành, đôi bên chẳng thể xâm phạm lẫn nhau”.
Hai sứ giả của Dã Tiên thấy ánh mắt của Tù trưởng thì vừa nôn vừa giận, sợ có biến, hai người này đều là võ quan, đao pháp rất tinh thông, nhất thời nổi giận, không đợi suy nghĩ nhiều, thế là cả hai rút đao chém Trương Đan Phong. Chàng nhẹ nhàng né tránh ra sau lưng Tù trưởng, hai thanh đao suýt nữa chém vào người ông ta. Tù trưởng cả giận, quát: “Hãy bắt hai tên hung đồ này lại cho ta!”
Hai sứ giả của Dã Tiên tức giận quát: “Ai dám bắt ta?” Hai kẻ ấy vung đao chém rơi binh khí vệ sĩ của Tù trưởng, toan xông ra khỏi sảnh chợt cảm thấy chân tê rần, bất đồ té khụy xuống trước mặt Trương Đan Phong, Trương Đan Phong cười nói: “Cần gì phải tiên binh hậu lễ thế?” Vệ sĩ của Tù trưởng xông tới trói chặt hai sứ giả lại, hai sứ giả bỗng nhiên bị người ta bắt trói, vẫn chưa biết đó là do Trương Đan Phong ám toán.
Tù trưởng sai vệ sĩ nhốt hai sứ giả của Dã Tiên lại, kiên quyết nói: “Được, ta sẽ kết minh với tri viện của các người”.
Ông ta tuy sợ Dã Tiên nhưng chuyện đã đến nước này coi như đã leo lên lưng cọp, chỉ có cách là liên kết với A Thích mà thôi.
Trương Đan Phong cùng Tù trưởng nhỏ máu ăn thề, Vân Lối đứng một bên thầm cười nghĩ bụng: “Đan Phong đúng là thần cơ diệu toán! Chàng giả mạo sứ giả của A Thích, đã lừa Tù trưởng tin mình như thế”.
Thật ra Trương Đan Phong đã sớm nghĩ đến chuyện này, khi viết thư nhờ Hắc Ma Ha gởi, chàng đã báo cho A Thích chuyện kết minh, sau này A Thích chắc chắn sẽ thừa nhận, cho nên chàng cũng chẳng phải hòan tòan giả mạo.
Sau khi kết minh, Tù trưởng lại mở tiệc rượu tiếp đãi họ. Vân Lối nôn nóng như lửa đốt. Nhớ đến mẹ, cho nên chỉ sau mấy lời khách sáo thì vội vàng hỏi: “Xin hỏi Tù trưởng, ở đây có một bà lão nuôi ngựa hay không?” Tù trưởng thấy khách quý đột nhiên lại hỏi đến một bà lão nuôi ngựa thì ngạc nhiên, ngẫm nghĩ một hồi rồi bảo: “Hình như có người này, ta không nhớ rõ nữa. Để ta hỏi xem sao”.
Một lát sau, cáp na chuyên quản lý chuồng ngựa được Tù trưởng gọi tới, Vân Lối hỏi một hồi, cáp na ấy gãi đầu, một lúc sau mối chậm rãi nói: “Đúng thế, có một bà lão như thế”.
Vân Lối cả mừng, vội vàng nói: “Vậy hãy mời bà lão ấy ra, chúng tôi muốn gặp bà ta”.
Vân Lối vốn muốn nói rõ bà lão ấy là mẹ của mình, nhưng nàng cố kìm lại, nghĩ rằng sau khi nhận nhau sẽ nói rõ nguồn cơ để Tù trưởng khỏi áy náy.
Cáp na ấy lại gãi đầu, một lát sau mới nói: “Bà lão chăm sóc ngựa ở trong phủ là chuyện bảy năm về trước, bà ta bây giờ...”.
Vân Lối giật mình, kêu lên: “Bây giờ thế nào?”
Cáp na ngạc nhiên vô cùng, nhìn Vân Lối rồi nói: “Bây giờ bà ta không ở đây nữa. Ba năm trước đã ra đi, nghe nói là sống ở chỗ cũ. Cảnh ngộ của bà ta rất bi thảm, song hình như giờ đã tốt hơn”.
Cáp na định kể chuyện của bà cụ nuôi ngựa, Vân Lối đã đứng dậy, được, chúng tôi muốn gặp ngay bà lão, xin cáo từ”.
Tù trưởng và cáp na đều ngạc nhiên, nhưng vì lễ tiết cho nên không tiện hỏi tới. Tù trưởng nói: “Có cần tôi sai người dẫn đường hay không?”
Vân Lối nói: “Tôi biết đường”. Thế là vội vàng cùng Trương Đan Phong ra khỏi nhà Tù trưởng.
Trương Đan Phong và Vân Lối phóng ngựa tiến thẳng về phía trước, trên suốt quãng đường Vân Lối cứ im lặng không nói, nhưng vẻ mặt hớn hở vô cùng, từng giọt nước mắt rơi xuống. Đi được một hồi thì Vân Lối kìm cương ngựa lại nói: “Qua con suối nhỏ này, sẽ thấy một ngơi nhà trét đất, đó là nhà của muội. Ôi hoa mơ trước cửa nhà vẫn như trước. Cây tùng trên sườn núi vẫn chưa bị chặt, lúc còn bé mẹ thường dắt muội ra đó hát cho muội nghe”.
Trương Đan Phong nhảy xuống ngựa, cười nói: “Khổ tận cam lai, hôm nay bá mẫu gặp được đệ, không biết vui mừng biết đến dường nào!”
Vân Lối nhìn thấy ngôi nhà thân yêu của mình, trong lòng chua xót vô hạn, chuyện thời thơ ấu hiện lên trong lòng, nàng bất giác hát lên bài hát lúc còn bé mẹ đã dạy cho nàng: “Tôi cùng mẹ đi chăn cừu, cừu ăn cỏ say sưa, hoa trên sườn núi thơm ngan ngát, bài ca mẹ hát nghe mênh mang...”.
Vân Lối vừa hát vừa đến gần cửa nhà, Trương Đan Phong cũng thấy khóe mắt mình ươn ướt. Chợt nghe một tiếng kẹt vang lên, hai cánh cửa mục nát chợt mở ra, một bà lão người Mông Cổ bước ra, vẻ mặt tiều tụy, tuy bộ quần áo vẫn sạch sẽ nhưng đã vá nhiều chỗ. Vân Lối tuôn trào nước mắt phóng tới, ôm lấy bà lão ấy. Bà lão ôm lấy Vân Lối, nước mắt tuôn rơi, rung giọng nói: “Ta đã đợi mười năm, có thật là con không? Con gái nhỏ của ta!”
Vân Lối nuốt nước mắt cười: “Mẹ, là con đây, mẹ có thấy con không?”
Bà lão nói: “Hãy đến gần ta, quả nhiên là con gái nhỏ của ta!”
Đáng thương cho mẹ Vân Lối, năm xưa vì chồng và con gái đột nhiên mất tích, bà đã khóc đến cạn khô nước mắt, mắt cũng mờ đi, tuy chưa mù hẳn nhưng trong vòng ba thước chỉ thấy mờ mờ, Trương Đan Phong áy náy vô cùng, nghị bụng: “Một bà lão thiện lương mà cũng bị liên lụy đến nước này, ôi, đó toàn là lỗi của nhà mình”.
Khi chàng đi đường đã nghĩ rất nói nhiều lời nói để an ủi mẹ con họ, nhưng đến giờ đây chẳng nói được một câu, chỉ hoang mang bước về phía trước. Nhưng Vân Lối đang khóc vùi trong lòng mẹ mình, cho nên quên cả chàng. Trong khoảnh khắc ấy, Trương Đan Phong chỉ cảm thấy mình đau khổ hơn Vân Lối gấp nhiều lần, chợt nghe bà lão nói: “Cha của A Lối, ông có nghe không?”
Trong nhà lại có một người bước ra, Vân Lối ngẩng đầu lên nhìn, bất giác sững sờ.
Chỉ thấy người ấy trên mặt có nhiều vết thương, bước đi lặc lè, té ra đã bị què một chân, tóc trên đầu thưa thớt, đã bạc quá nửa, quần áo cũng rách rưới, nhưng thần khí chẳng phải của người thường. Vân Lối nhìn kỹ mà hầu như không nhận ra ông ta là ai, nghe mẹ gọi ông ta là “cha của A Lối” thì giật mình, lúc này mới thấy thấp thoáng diện mạo của cha mình từ bộ mặt xấu xí ấy.
Đó chính là:
Qua bao gian nan vẫn còn sống, cha con gặp lại chẳng nhận ra.
Muốn biết sau đó thế nào, mời xem hồi sau phân giải.