Không lâu sau khi mười lăm con ngựa giống bị dùng kế thay xà đổi cột đổi ra ngoài, Phùng Nghị dẫn theo vài tên thân tín theo Lưu Chính ra khỏi quân doanh, cưỡi ngựa phi nước đại theo hướng tây bắc.
Phùng Nghị thầm kinh ngạc, lúc này Lưu Cảnh tìm mình làm cái gì?
Và còn vị thiếu niên trước mặt này nữa, dù không cưỡi ngựa nhưng lại chạy nhanh như bay, tốc độ có thể sánh với cả chiến mã. Nghe Tào Vân nói thì kẻ này là thám báo lợi hại nhất của quân Giang Hạ, xem ra quả đúng là danh bất hư truyền.
- Lưu quân hầu, chúng ta đi đâu đây?
Đi được hơn mười dặm, Phùng Nghị kìm lòng không nổi mà hỏi.
Lưu Chính không trả lời y, gã nhẹ nhàng nhún người nhảy lên một cây đại thụ, ngóng nhìn bốn phía một lát rồi chỉ về phía tây:
- Ngay phía trước!
Mọi người lại đi theo phía tây thêm vài dặm, trước mặt xuất hiện một con đường nhỏ bí mật. Đúng lúc này, tiếng tù và của lính canh gác vang lên, mấy chục tên lính gác chặn đường bọn họ, giơ cung nỏ nhắm ngay đầu bọn họ, đồn trưởng hét lên:
- Các ngươi là ai?
Lưu Chính tiến lên thi lễ, lấy ra một lệnh tiễn, cười hì hì nói:
- Là ta đây! Ta tìm Ngụy tướng quân!
Trên dưới quân Giang Hạ đều biết gã, lại có cả lệnh tiễn, nên lính gác thu cung nỏ lại rồi dẫn bọn họ đi sâu vào trong rừng. Không lâu sau đó, mọi người thấy binh lính đang ngồi nghỉ ngơi đầy ra trên con đường nhỏ.
Cách đó không xa là một mảnh đất trống, có ba túp lều nhỏ. Mọi người bước thẳng tới trước lều, lính gác vào bẩm báo rồi nhanh chóng đi ra:
- Ngụy tướng quân mời các ngươi vào!
Phùng Nghị bước vào trong lều, trong đây ánh sáng mờ mờ, ở chính giữa có bày một chiếc bàn, trên bàn có một tấm bản đồ đã được trải ra sẵn. Một vị đại tướng với dáng người khôi ngô đang cẩn thận xem xét bản đồ trước mặt. Phùng Nghị biết người này chính là đại tướng Ngụy Diên dưới trướng Lưu Cảnh, y tiến lên khom người thi lễ:
- Tham kiến Ngụy tướng quân!
Ngụy Diên ngẩng đầu nhìn y, nở nụ cười, bước lên vỗ bả vai y, cười tủm tỉm nói:
- Chúng ta đều là người Nghĩa Dương!
Hai người có khẩu âm hoàn toàn giống nhau, lập tức khiến Phùng Nghị có cảm giác thân thiết khi tha hương gặp đồng hương, y cũng cười nói:
- Tại hạ là người Hoàng Kiều Hương.
- Ta biết, ngươi và Tào Vân là đồng hương, ta là người Ma Pha, biết không? Ngay phía đông Hoàng Kiều đó.
- Biết chứ! Hồi bé thường xuyên qua đó, ở đó có một gốc đại thụ che trời, được gọi là Thụ vương, ở bên cạnh lò rèn, đến nay ta vẫn còn nhớ rất rõ.
Ngụy Diên cười ha hả:
- Cây Thụ vương đó ở ngay gần nhà ta, khi đó ta thường đánh nhau với đám thiếu niên tới từ Hoàng Kiều, chúng ta tuổi xêm xêm, có khi hồi trẻ từng đánh với nhau một trận rồi ấy!
- Rất có khả năng!
Hai người cười vang lên, quan hệ lập tức trở nên thân mật. Lúc này Ngụy Diên mới kéo y tới trước bàn, dùng ngón trỏ như cây cải đỏ gõ mấy cái lên bản đồ:
- Nơi đây là huyện Nghi Thành, Phùng tướng quân, ta phụng lệnh Thái thú đêm nay đoạt huyện Nghi Thành.
- Huyện Nghi Thành!
Phùng Nghị thầm kinh hãi, vội nói:
- Phần lớn gia quyến của tướng sĩ thủy quân đều ở huyện Nghi Thành, một khi khai chiến với Nghi Thành, sợ rằng Trương Doãn sẽ lập tức phái viện quân tới!
- Điều này ta biết, Thái thú lại càng tinh tường, cho nên Thái thú mới mời Phùng tướng quân hỗ trợ.
- Ta ư?
Phùng Nghị ngẩn ra, một ý nghĩ vụt lóe trong đầu, y bỗng hiểu ra đôi phần.
…
Huyện Nghi Thành với huyện Sài Tang không phải trung tâm quận trị, cửa thành chỉ có hai, cửa thành đông và cửa thành tây. Trong đó cửa thành đông sát với Hán Thủy, là cửa thành chính của huyện Nghi Thành.
Mà cửa thành phía tây lại là cửa phụ, gắn liền với đường bộ và Tương Dương ở phía bắc, đồng thời liên hệ giữa đại doanh thỷ quân và huyện Nghi Thành chủ yếu thông qua cửa thành phía tây này, hơn nữa khoảng cách cũng không xa, chỉ chừng mười dặm đường.
Huyện Nghi Thành có chừng tám trăm quân, chủ yếu là canh phòng hai cửa thành. Ban ngày tin quân Giang Hạ với quân Kinh Châu giao chiến đã truyền tới huyện Nghi Thành, khiến không khí nơi đây khẩn trương hẳn lên.
Chuyện phòng thủ của huyện Nghị Thành là do một gã Nha tướng phụ trách, mà lúc trời sẩm tối thì Thái Dật cũng chạy tới Nghi Thành. Y định bụng nghỉ lại ở Nghi Thành một đêm, sáng hôm sau sẽ xuất phát tới Tương Dương.
Bóng đêm âm trầm. Lúc này vừa độ đầu xuân, xuân hàn se se lạnh, gió đêm vẫn mang theo chút lạnh lẽo, khiến quân coi giữ trên tường thành rùng mình. Mấy tên lính khẽ lẩm bẩm:
- Biết thế thì đã mang chăn lên đây, bọc vô người cũng ấm hơn chút rồi.
- Nằm mơ hả, để ngươi quấn chăn lại ngươi không ngủ mới là lạ.
- Ngủ cũng không tệ! Lúc này có xảy ra chuyện gì đâu mà nhỉ?
- Chuyện gì? Ngươi không biết thủy quân đã khai chiến rồi sao?
- Khai chiến thì liên quan gì tới ta, có bản lĩnh thì cấp thêm tiền lương cho ta đi.
Mấy tên lính đấu võ mồm trên đầu thành, lúc này từ đằng xa truyền tới tiếng động. Cả đám dừng lại, quay đầu nhìn ra ngoài thành. Không lâu sau, một đội quân Kinh Châu xuất hiện ở ngoài thành, có chừng nghìn người, kẻ dẫn đầu là một vị đại tướng, đúng là Biệt Bộ Tư Mã Phùng Nghị.
- Binh lính trên thành nghe đây, ta là Biệt Bộ Tư Mã Phùng Nghị, phụng lệnh Trương hiệu úy tới giúp huyện thành phòng ngự, hãy nhanh chóng mở cửa thành!
Vị đồn trưởng đang trực biết Phùng Nghị, vội hô lên:
- Xin Phùng tướng quân chờ chút, ta lập tức phái người đi báo Mã tướng quân!
Có binh lính chạy vội xuống thành lâu, chạy tới bẩm bảo Nha tướng. Vị Nha tướng phụ trách bảo vệ huyện Nghi Thành tên là Mã Tán, là thân tín của Trương Doãn, đêm nay vì chuyện thủy quân giao chiến, gã không dám về nhà mà ngủ lại ở thành lâu. Gã vừa chợp mắt chưa được bao lâu thì bị binh lính đánh thức.
- Mã tướng quân, có việc bẩm báo!
- Việc gì?
Mã Tán hung dữ hỏi. Mấy ngày nay gã ngủ không ngon, vất vả mới ngủ được thì lại bị kẻ khác đánh thức, khiến gã nổi nóng.
- Một đội quân tới từ phía thủy quân, nói là tới tiếp viện phòng ngự.
Mã Tán lập tức ngồi dậy:
- Là ai dẫn binh?
- Là Phùng tư mã, dẫn theo chừng một nghìn người.
- Sao lại là y?
Mã Tán cau mày lại. Y biết Phùng Nghị và Trần Sóc thật ra đều là người của Thương Ngô thái thú Ngô Cự, chứ chẳng phải tay chân thân tín của Trương Doãn, thường thì Trương Doãn sẽ không phái y tới, mà hẳn là phải Dương Tiên tới mới đúng. Điều quan trọng hơn là Phùng Nghị là Biệt Bộ Tư Mã, mà mình lại chỉ là Nha tướng, thấp hơn y nửa cấp, chẳng lẽ Giáo úy định cho mình nghe lệnh của Phùng Nghị ư?
Tuy lòng có phần bất mãn và nghi ngờ, nhưng gã vẫn mặc giầy, bước nhanh tới cửa thành. Gã nhìn xuống dưới, quả nhiên là Phùng Nghị, phía sau còn có hơn một nghìn binh lính đi theo, bèn cất cao giọng hỏi:
- Phùng tướng quân, có lệnh tiễn của Giáo úy không?
Phùng Nghị lấy ra một chiếc lệnh tiễn, thứ này là do quân Giang Hạ phỏng chế, hoàn toàn giống lệnh tiễn thật. Hơn nữa tăng binh chỉ cần lệnh tiễn, còn nếu thay quân thì không chỉ cần lệnh tiễn, mà còn cần binh phù. Mà binh phù thì chỉ có Trương Doãn và Mã Tán biết, như vậy sẽ rất khó phỏng chế, cho nên tăng binh sẽ đơn giản hơn nhiều.
Trên thành thả xuống một cái rổ, Phùng Nghị lệnh binh lính đặt lệnh tiễn vào trong rổ, rổ được kéo lên. Kỳ thật Mã Tán không hề nghi ngờ Phùng Nghị lừa gạt, gã chỉ là không muốn để Phùng Nghị vào thành làm cấp trên của mình, thế nên mới lấy đủ loại lý do để trì hoãn. Nhưng lệnh tiễn của Phùng Nghị hoàn toàn chính xác, gã chẳng thể viện cớ được.
Mã Tán cười khan một tiếng, nói:
- Mong Phùng tướng quân chớ trách, vì nghe nói buổi chiều giao chiến trên sông nên phải nghiêm ngặt chút, làm theo phép mà thôi.
Phùng Nghị cũng cười đáp:
- Đâu có gì đâu, Giáo uy lo quân Giang Hạ sẽ đánh lén huyện Nghi Thành nên mới lệnh cho ta tới tăng cường phòng ngự. Đáng lẽ là để Dương tư mã tới đây, nhưng lúc chiều y bị thương, nên Trần phó úy đã đề nghị ta tới hiệp phòng. Chuyện phòng ngự vẫn do Mã tướng quân phụ trách, ta chỉ ra mặt khi quân Giang Hạ công thành thôi.
Lúc này Mã Tân mới hiểu, hóa ra là Trần Sóc đề nghị, hèn chi! Nhưng Phùng Nghị không tham gia chuyện phòng ngự khiến gã yên tâm hẳn, liền lệnh tả hữu:
- Mở thành!
Tiếng kèn kẹt vang lên, cửa thành chậm rãi mở ra. Huyện Nghi Thành mặc dù có vị trí trọng yếu trong chiến dịch, nhưng trọng tâm chiến lược là thủy quân chứ không phải huyện thành. Bởi vậy huyện thành khá đơn sơ, không có ủng thành, qua cửa thành là có thể bước vào huyện thành.
Phùng Nghị nhìn cổng thành mở ra, khẽ ra lệnh:
- Vào thành!
Y giục chiến mã theo bọn lính chầm chậm vào huyện thành. Mã Tán đã xuống dưới nghênh đón y ở cửa thành. Mặc dù gã chẳng hề chào đón Phùng Nghị chút nào, nhưng ngoài mặt vẫn phải ra vẻ khách khí, chắp tay cười nói:
- Phùng tư mã vất vả rồi!
Không ngờ Phùng Nghị đột nhiên trở mặt, thét lên:
- Bắt lại cho ta!
Vài tên quân sĩ bên người chợt nhào tới, ép Mã Tán xuống đất, dí trường đao bên cổ gã. Biến hóa xảy ra quá đột ngột khiến tất cả mọi người đều không kịp đề phòng, chỉ ngơ ngẩn đứng đờ ra đó. Mã Tán bị đè xuống đất, hô lên:
- Phùng Nghị, ta có tội gì? Vì sao lại bắt ta?
- Ngươi tự hiểu rõ trong lòng!
Phùng Nghị lại giơ một chiếc lệnh tiễn lên hô lớn với quân coi giữ trên thành:
- Mã Tán, tướng phòng giữ Nghi Thành cấu kết với quân Tào, định bán đứng quân Kinh Châu. Giáo úy có lệnh, lập trảm vô xá!
- Ngươi nói láo!
Mã Tán vừa mắng một câu thì chiếc chiến đao sáng choang đã hung mãnh bổ xuống. Một tiếng thét thảm thiết vang lên, đầu Mã Tán lăn ra một trượng, máu tươi phun ra từ cổ. Trên dưới mấy trăm người trên thành đều không một tiếng động, ai nấy đều khiếp sợ, Mã Tán bị giết rồi?
Phùng Nghị lập tức hạ lệnh:
- Phòng ngự thành trì do ta tiếp quản, tất cả binh lính rút về quân doanh!
Y lại ra ám lệnh để thuộc hạ bắt hai mươi tên thân tín của Mã Tá tới, không để kẻ nào chạy cả. Rồi sau đó, Ngụy Diên nhanh chóng suất lĩnh hơn hai nghìn người còn lại vào thành, tiếp quản cửa đông, vững vàng khống chế được huyện Nghi Thành, một người cũng chẳng thể thoát được.
Lúc này, bọn họ lại thu hoạch được ngoài ý muốn. Mấy tên lính trói gô Thái Dật đẩy tới, bẩm báo với Ngụy Diên:
- Khởi bẩm Ngụy tướng quân, kẻ này định trốn khỏi thành nhưng bị các huynh đệ bắt được, thế mới biết y lại là con trai của Thái Mạo.
Ngụy Diên sửng sốt rồi lập tức cười vang lên:
- Thái công tử, phụ thân ngươi tặng lễ to quá ha!
Thái Dật oán hận phì một tiếng, nghiêng đầu sang một bên, lòng thì vô cùng ảo não, biết thế đã không ở lại Nghi Thành qua đêm rồi.
Phùng Nghị bước tới, cười nói:
- Ngụy tướng quân, đã hoàn toàn khống chế được Nghi Thành.
- Tốt!
Ngụy Diên gật đầu, như vậy thì nên thi hành bước tiếp theo, gã hạ lệnh:
- Đốt phong hỏa cầu cứu!
…
Lúc này đã qua canh một, đại doanh của thủy quân Kinh Châu vô cùng yên tĩnh, hầu hết binh lính đều đã đi ngủ. Nhưng Trương Doãn lại chẳng cách nào nghỉ ngơi được, chiến thuyền Giang Hạ còn đang lượn lờ trên sông, như hổ rình mồi nhìn chằm chằm thủy trại, không biết liệu tối nay có tập kích hay không.
Đủ mọi mối lo âu như quả cân ép lên lòng Trương Doãn, khiến y đứng ngồi không yên. Y đã khẩn cấp viết một phong thư cầu viện, sai người chạy suốt đêm tới Tương Dương.
Trương Doãn đứng ngồi không yên, thi thoảng lại ra ngoài lều lớn nhìn về phía Trường Giang chốn xa, lòng thì suy đoán hướng đi của quân Giang Hạ. Đúng lúc này, phía bên cạnh truyền tới tiếng xôn xao rất nhỏ, khiến Trương Doãn sửng sốt, rồi lập tức nghe thấy có binh lính ở phía bắc hô lên:
- Giáo úy, huyện Nghi thành đốt lửa hiệu!
Trương Doãn vội quay đầu lại nhìn, thì thấy chỗ huyện Nghi Thành ở phương xa dấy lên khói lửa. Đó là tín hiệu cầu cứu khi gặp nguy hiểm. Trương Doãn chấn động, huyện Nghi Thành gặp nguy? Sao Mã Tán không phái lấy một người tới?
Trương Doãn tâm loạn như ma, phần lớn người nhà của tướng sĩ thủy quân đều ở tại Nghi Thành, nếu huyện Nghi Thành thất thủ thì đúng là đả kích khó có thể chịu nổi với quân tâm, y gấp tới mức đi qua đi lại.
Đúng lúc này, vài tên lính gác dẫn một tên lính bị thương chạy tới. Tên lính này giơ ngọc báo binh phù lên, quỳ trên đất thở hổn hển nói:
- Bẩm báo Giáo úy, ba nghìn quân Giang Hạ vây công huyện Nghi Thành, Mã tướng quân và Thái công tử liều chết phòng thủ, sắp không duy trì được nữa. Mã tướng quân khẩn cầu Giáo úy lập tức chi viện.
Trương Doãn nhận lấy nửa chiếc ngọc báo binh phù, đúng là thứ y giao cho Mã Tán, bèn vội hỏi:
- Sao Thái công tử lại ở huyện Nghi Thành?
- Thái công tử vốn chỉ định nghỉ tạm một đêm, sáng mai lại đi, không ngờ bị bao vây ở trong huyện thành, ngài ấy cũng khẩn cầu Giáo úy trợ giúp.
Nói đến đây, tên lính lấy một chiếc dao găm ra:
- Đây là thứ công tử bảo thuộc hạ giao cho Giáo úy.
Trương Doãn nhận ra cây dao găm này, đúng là dao găm mà Thái Dật mang theo bên người. Thái Dật là con cả của Thái Mạo, là gia chủ đời sau của Thái gia, có địa vị không hề tầm thường, nếu gã xảy ra chuyện gì thì Trương Doãn khó có thể ăn nói với Thái Mạo.
Trương Doãn không do dự nữa mà lập tức ra lệnh:
- Mau điểm đủ năm nghìn quân!
Lúc này, Trần Sóc khập khễnh đi tới, hỏi:
- Giáo úy, có phải huyện Nghi Thành đã xảy ra chuyện?
Trương Doãn gật đầu, lòng đầy sốt ruột:
- Mã Tán phái người tới báo tin, có ba nghìn quân Giang Hạ đang vây công Nghi Thành, Thái công tử cũng ở trong huyện thành.
Trần Sóc quá sợ hãi:
- Giáo úy, nếu huyện Nghi Thành mất thì gia đình quân nhân sẽ tới khóc hô, quân tâm sẽ sụp mất, tuyệt không thể để mất. Chi bằng ty chức lĩnh quân đi cứu viện?
Trương Doãn thấy đùi gã có thương tích, không thể cưỡi ngựa, mà trông thương thế trên đầu cũng có vẻ nặng nên lắc đầu:
- Ngươi không thể hành quân gấp được, thôi cứ để ta tự mình đi cứu viện! Ngươi hãy phụ trách trấn thủ quân doanh!
Trần Sóc lập tức đáp ứng:
- Thuộc hạ tuân lệnh!
Một khắc sau, năm nghìn quân xếp thành hàng, Trương Doãn cũng cưỡi chiến mã, tay cầm trường thương, người mặc áo giáp, đằng đằng sát khí nhìn về phía huyện Nghi Thành cách xa mười dặm. Lúc này một gã đại tướng chạy tới bẩm báo:
- Khởi bẩm Giáo úy, quân đội đã tập kết xong!
- Xuất kích!
Trương Doãn hung tợn ra lệnh, rồi giục ngựa dắt năm nghìn quân lao tới huyện Nghi Thành.
Trần Sóc nhìn bọn họ đi xa, trên khuôn mặt hiện lên nụ cười lạnh lẽo. Dựa theo kế hoạch của Lưu Cảnh thì vốn là để gã dẫn binh tới huyện Nghi Thành, sau đó nửa đường giả vờ bị phục kích rồi cầu cứu Trương Doãn, không ngờ Trương Doãn lại lòng như lửa đốt, tự mình dẫn binh, đúng là không thể tốt hơn.
Trần Sóc đứng chờ quân đội Trương Doãn biến mất ngoài một dặm mới đổi sắc mặt, lạnh lùng hạ lệnh:
- Truyền lệnh của ta, tất cả quan quân từ đồn trưởng trở lên tập trung tại lều lớn trung quân, thảo luận kế hoạch phòng ngự.
Gã lại hạ thấp giọng nói với tướng lĩnh thân tín của mình:
- Sau khi quân quan vào lều rồi, ngươi hãy dẫn một nghìn huynh đệ bao vây lều lại, không cho bất cứ kẻ nào trốn thoát.
- Tuân lệnh!
Trần Sóc mỉm cười đắc chí, gã tặng phần đại lễ như thế này, Lưu Cảnh dù thế nào thì cũng phải lo mà hậu tạ gã.