Biệt Ly Ơi Chào Mi

Chương 6: chương 6

Trước Sau

break
Suốt phần còn lại của ngày hôm ấy, Từ Sâm và Duy Trâm như dính liền nhau. Sau bữa cơm, họ đến bệnh viện để thay thuốc, thay băng cho Bảo Lâm. Vết thương diễn biến phức tạp. Nó có khuynh hướng nhiễm trùng nên bác sĩ phải chích thêm cho Bảo Lâm một mũi thuốc trụ sinh. Rời khỏi bệnh viện, Bảo Lâm phải trở ngay về trường cho các tiết học buổi chiều. Buổi tối, nàng còn phải đến nhà luật sư Thắng để ôn bài cho Trúc Vỹ, vì Bảo Lâm chưa thuyết phục được luật su, nghĩa là Bảo Lâm vẫn tiếp tục dạy cho Trúc Vỹ học. Nhiều lúc Bảo Lâm thấy ngạc nhiên vì sự mâu thuẫn của luật sư Thắng, một luật sư nổi tiếng của thành phố, một con người Âu hóa của thế kỷ hai mươi tỏ ra rất phóng khoáng trong mọi việc, lại rất cố chấp và cứng cỏi trong vấn đề giáo dục con cái.

Trên đường từ bệnh viện trở lại trước cổng trường của Bảo Lâm, Duy Trâm mới nhớ đến mục đích đi tìm Bảo Lâm của mình. Nàng kéo Bảo Lâm qua một bên.

- Chị có biết là luật sư Thắng có liên hệ chặt chẽ với hãng hàng không nào không?

Bảo Lâm chau mày:

- Thế à? Tôi không hề biết điều đó.

Duy Trâm nói:

- Ông ấy là một trong những người lãnh đạo. Hãng hàng không nào cũng vậy, cũng cần có một luật sư làm cố vấn về pháp lý. Ông Thắng không những là cố vấn mà ông ta còn phụ trách toàn bộ vấn đề có liên hệ đến pháp luật và chuyện ký hợp đồng mua bán máy bay của công ty này.

Bảo Lâm kinh ngạc:

- Cô có vẻ hiểu biết khá thành thạo về ông Thắng?

- Người ta cho tôi biết như vậy!

- Nhưng có chính xác không?

- Bảo đảm chính xác. Bạn tôi là Kiết Thụ cho tôi biết cơ mà! Thụ là nhân viên của hãng hàng không đó, anh ấy rất thân với Lynh. Lynh cho biết hết mọi việc.

- Lynh là ai?

- Chị dạy học ở nhà luật sư Thắng mà không biết Lynh là ai sao?

- Thật sự tôi không biết.

- Lynh là người phụ trách, đại diện của hãng hàng không ở nước ngoài. Cô ta cũng là...

Duy Trâm hạ thấp giọng nói:

- Người tình của luật sư Thắng. Không lẽ chị không gặp bà ấy ở nhà ông ta lần nào?

Bảo Lâm ngập ngừng:

- Vậy à? Ngay chính ông luật sư Thắng tôi thỉnh thoảng mới gặp. Còn Lynh, bà ấy là người nước ngoài ư?

Duy Trâm đáp:

- Vâng! Một người đàn bà lai dòng máu Anh, có thân hình rất khêu gợi, khoảng trên ba mươi tuổi, rất đẹp.

Bảo Lâm gật đầu như hiểu ra:

- Thôi được rồi. Biết ông Thắng là một trong những nhà lãnh đạo của công ty hàng không rồi cô định làm gì đây?

Duy Trâm vừa nhún vai vừa nói:

- Bây giờ thì tôi không muốn làm cái gì to tát nữa. Tôi muốn làm chiêu đãi viên hàng không bình thường thôi.

- Nghĩa là Trâm muốn tôi phải giới thiệu với ông ta?

Bảo Lâm thấy rắc rối:

- Nhưng nghe nói, muốn làm chiêu đãi viên hàng không phải qua cuộc thi tuyển khó khăn lắm cơ mà?

- Chị đúng là nhà quê chánh cống! Thi tuyển chỉ là đòn hỏa mù. Nếu không quen biết lớn, còn lâu mới vào làm được, dù chị là người đầy tài năng.

Bảo Lâm thở dài nói:

- Cô Trâm. Tôi nghĩ là tôi bất lực, tôi chỉ đóng vai trò cô giáo dạy kèm cho con gái ông ta. Đối với luật sư Thắng, tôi ít có cơ hội để tiếp xúc thẳng với ông ấy, mà nếu có thì chỉ đề cập đến chuyện dạy dỗ, chuyện học hành của con gái ông ta. Tôi thấy, nếu cô quen Lynh, sao không nhờ bà ấy giới thiệu?

- Nhưng tôi đâu có quen Lynh đâu?

- Thì cái ông chiêu đãi viên hàng không đó. Ông ấy giới thiệu qua cũng được.

Duy Trâm nhìn Bảo Lâm thật lâu như nhìn một con búp bê trong tủ kiếng:

- Tôi thấy chị có vẻ khờ khạo làm sao. Sức mấy mà Kiết Thụ chịu giới thiệu tôi với Lynh. Lynh ghê lắm, có giới thiệu đi nữa bà ấy cũng không dùng tôi đâu, vì đàn bà đẹp bao giờ cũng ganh với đàn bà đẹp. Chị hiểu chứ?

Duy Trâm chần chừ một chút rồi tiếp:

- Thôi thì thế này nhé, tôi cũng không muốn làm chị khó xử. Chị chỉ cần cố gắng thu xếp cho tôi một dịp để gặp luật sư Thắng, còn công việc kế tiếp để một mình tôi lo liệu.

Tiếng chuông vào học reo vang. Từ Sâm đứng gần đấy đã có vẻ bực dọc. Anh chàng bước nhanh tới:

- Hai người nói gì lâu thế?

Bảo Lâm nhìn Duy Trâm:

- Chuyện đó để tôi nghĩ lại xem. Bây giờ đã đến giờ vào lớp rồi, tôi phải vào đây.

- Vậy tôi sẽ chờ điện thoại của chị nhé? Hẳn chị còn nhớ số dây nói ở nhà tôi mà.

Bảo Lâm gật đầu, rồi quay vào trường. Trên đường đi vào, Bảo Lâm còn nghe Từ Sâm với Duy Trâm nói chuyện với nhau. Lâm hỏi:

- Mấy người có chuyện gì giấu giếm mà nói sau lưng tôi vậy?

Duy Trâm nói giọng êm ru:

- Chúng tôi ư? Thì nói chuyện về ông anh tôi. Cái đó làm sao nói trước mặt chị được? Trong trường hợp này, mong chị hết sức thông cảm!

Bảo Lâm bực dọc lắc đầu bước nhanh vào lớp.

Tối hôm ấy, Bảo Lâm lại chuẩn bị đến nhà luật sư Thắng. Khoảng cách đến ngày thi vào đại học chỉ còn hơn tháng. Càng gần ngày thi, Bảo Lâm càng thấy không yên tâm, vì nàng hiểu rằng xác xuất thi đậu của Trúc Vỹ chỉ khoảng mười phần trăm thôi. Ngành thi của Trúc Vỹ là Đại học Văn Khoa mà đối với văn chương, thi phú... cái gì Trúc Vỹ cũng không biết thì sao đậu cho được. Có lần Bảo Lâm đã hỏi luật sư Thắng:

- Nếu lần này Trúc Vỹ lại thi rớt thì ông tính sao?

Luật sư Thắng nhìn Bảo Lâm, chậm rãi, giọng hơi buồn:

- Cháu Trúc Vỹ học sớm một năm, vì vậy, năm nay nếu rớt thì năm tới. Thi hoài, bao giờ đậu thì thôi!

Bảo Lâm không còn cách nào hơn, cứ để Trúc Vỹ thi rớt, ta sẽ có dịp kiếm tiền dài dài, nhưng ở đây phải tạo ra một phép thắng lợi tinh thần mới.

Mọi khi, Bảo Lâm dạy kèm cho Trúc Vỹ là ở trong phòng riêng của cô nàng. Nhưng hôm nay vừa bước vào vườn hoa là Bảo Lâm đã thấy Trúc Vỹ có mặt ở đấy. Trúc Vỹ đang lúi cúi bên một cây kiểng. Bên cạnh vẫn là anh chàng Tú Mẫn quen thuộc. Hình như họ đang nghiên cứu cây cỏ. Dưới ánh trăng, ánh đèn, nước da đen rắn chắc của Tú Mẫn và làn da trắng mịn màng của Trúc Vỹ như một sự đối lập, có điều cả hai đều đẹp.

Vừa nhìn thấy Bảo Lâm, Trúc Vỹ vội đứng lên với nụ cười:

- Cô giáo, cô đến đây xem nè.

Chuyện gì mà họ có vẻ thích thú như vậy? Bảo Lâm bước tới. Dưới ánh trăng, một loài cây dạng lá kim, dáng dấp giống loại phượng hoàng nhưng thân cây nhỏ hơn nhiều. Giữa đám lá xanh um, Bảo Lâm thấy có một đóa hoa màu đỏ tươi. Bảo Lâm ngạc nhiên, nàng nghĩ là chỉ có loài phượng hoàng ở phương nam mới nở hoa thôi. Chăm chú nhìn thì cánh hoa kia thuộc loại cánh đơn, nhụy hoa mang trên râu, thò ra ngoài. Chung quanh cánh hoa màu đỏ viền mép màu vàng. Mỗi lần gió thổi đến, cánh hoa đung đưa, trông rất đẹp.

Bảo Lâm không ngăn được, buột miệng:

- Xưa tới giờ, tôi không ngờ hoa phượng hoàng lại có thể đẹp như vầy.

Trúc Vỹ cười nói:

- Dạ, đây không phải là hoa phượng hoàng. Phượng hoàng nó cao to lắm, còn đây là cây "Bướm hồng". Không tin cô ngắm kỹ xem có phải nó giống một cánh bướm đang bay chập chờn không? Có cả cánh nè, thân nè và cả râu nữa!

Qua lời giải thích của Trúc Vỹ, Bảo Lâm nhìn kỹ, rõ ràng cánh hoa rất giống bướm. Một con bướm màu đỏ đang vươn cánh định bay lên. Rõ thiên nhiên là một điều kỳ dị.

Trúc Vỹ tiếp tục giải thích:

- Cây này em mới trồng năm ngoái thôi mà năm nay đã trổ hoa, thích thật!

Rồi Trúc Vỹ chỉ một cây khác có lá dài, có hoa màu hồng nói:

- Đây là loại lan hẹ. Đầu hè năm nay, tất cả loài hoa nở rộ, ngay cả loài mẫu đơn lá kim, loại hoa hạt châu, hoa cần đỏ, cỏ bá nhật, hoa phù dung. Loại nào cũng nở hết. Cô giáo, cô giáo có biết loài huệ trên không? Để em đem một chậu cho cô xem nhé!

Trúc Vỹ vội kéo tay Bảo Lâm đi về phía kệ để đầy các chậu hoa. Cô nàng lấy một chậu đưa cho Bảo Lâm. Đây là chậu có hoa màu tím nhạt, những cánh hoa hình đũa tủa về phía trước trông rất dễ thương. Trúc Vỹ bỏ chậu hoa đó xuống rồi bưng một chậu khác lên, tiếp tục giới thiệu:

- Đây là lan đuôi trĩ, đây là thủy tiên, đây là nở ngày, đây là... Ồ! Chắc chắn là cô phải yêu chậu hoa này thôi.

Trúc Vỹ nâng một chậu hoa khác lên. Toàn bộ lá dài màu đỏ thẫm, cái màu đỏ thật ngọt ngào.

- Đây không phải là hoa mà toàn là lá, nhưng đẹp quá phải không cô? Cái tên nó cũng tuyệt đẹp, người ta gọi nó là "Nhạn lai hồng". Cánh nhạn bay đến đỏ trời. Em không biết tại sao người ta lại đặt cho nó cái tên đó. Có lẽ mỗi năm khi có chim nhạn bay về thì nó đổi sang màu hồng chăng?

Bảo Lâm kinh ngạc nhìn Trúc Vỹ. Nàng không ngờ Trúc Vỹ lại có kiến thức về thực vật phong phú như vậy. Bảo Lâm quay sang Tú Mẫn hỏi:

- Có phải những cái này là do anh dạy cho Vỹ không?

Tú Mẫn vừa cười vừa nói:

- Không phải, mà ngược lại. Cô ấy dạy tôi nhiều thứ, có điều tôi không có khiếu về ngành nghề này nên cứ quên mãi, ví dụ như loài hoa sâu rọm màu đỏ kia...

Trúc Vỹ kêu lên:

- Trời ơi! Đó là loài thiếc kiến thảo cơ mà, nói sâu rọm nghe dễ sợ!

Tú Mẫn cười chữa thẹn:

- Thiếc kiến thảo à? Tôi cứ quên mãi!

Ánh mắt của anh chàng long lanh. Bảo Lâm ngước lên, Tú Mẫn có cái vẻ đẹp lai lai làm sao ấy.

- Ai dạy cho em những kiến thức này, Trúc Vỹ?

Trúc Vỹ ngây thơ trả lời:

- Không ai dạy em cả.

Bảo Lâm nghĩ đến khả năng tiếp thu bài vở của Trúc Vỹ, bèn hỏi:

- Không làm gì có chuyện đó! Chắc chắn phải có người dạy cho em biết tên các loài hoa đó chứ?

Tú Mẫn chen vào:

- Chuyện đó hở? Vỹ học của ông làm vườn đấy. Cô nhìn xem kìa, cả khu vườn này là một tay Vỹ trồng đấy, cô ấy bắt đầu trồng hoa từ năm mười hai, mười ba tuổi. Mỗi lần ông thợ làm vườn đến là Vỹ vây lấy hỏi đủ thứ, hỏi cả tiếng đồng hồ luôn. Vỹ yêu trồng hoa như mẹ yêu con. Hoa nào nên trồng trong tháng nào, lúc bao lớn thì bón phân, tháng nào ra hoa, ra hạt, Vỹ đều có thể nói vanh vách. Cô ta chỉ cần nhìn lá là phân biệt được loài...

Bảo Lâm kinh ngạc nhìn Trúc Vỹ:

- Thế ư? Có nghĩa là Vỹ có thể phân biệt và gọi tên hết tất cả các hoa trong vườn cây?

Trúc Vỹ cười hãnh diện:

- Vâng.

Bảo Lâm chau mày:

- Làm sao em nhớ được?

Trúc Vỹ nhẹ nhàng:

- Sao không nhớ? Mỗi loài hoa đều có cái dễ thương của nó cơ mà. Hơn nữa, ngó vậy chứ chúng có những điều khác nhau đấy.

Bảo Lâm chỉ một chậu hoa cúc nhỏ màu vàng, nói:

- Hoa cúc này tháng nào gieo hạt tốt nhất?

Trúc Vỹ giải thích:

- Đấy không phải là hoa cúc. Nó có cái tên nghe đẹp lắm, đó là "Kim trản hoa". Gieo hạt vào mùa xuân hay mùa thu cũng được. Loại hoa này đúng ra nẩy mầm vào mùa xuân và tàn vào mùa hạ, nhưng nếu ta biết, cứ cánh hoa nào vừa tàn là ta cắt ngay thì có thể có hoa nở tận cuối hạ luôn.

Bảo Lâm ngạc nhiên nhìn Trúc Vỹ. Nàng bắt đầu suy nghĩ.

Tú Mẫn nhìn Bảo Lâm rồi nhìn Trúc Vỹ. Anh chàng biết đã đến giờ học của Trúc Vỹ rồi nên nói:

- Trúc Vỹ, cô giáo đã tới, lo chuẩn bị bài vở đi. Trong kỳ thi tuyển đại học sắp tới, không ai hỏi han gì đến hoa kim trản của cô đâu. Cố gắng thi đậu đi cô bé, rồi ta còn nhiều dịp bàn luận về hoa mà.

Trúc Vỹ thở dài. Cô bé có vẻ thích thở dài, chậm chạp đặt chậu hoa vào vị trí cũ, rồi quay lại Bảo Lâm:

- Chúng ta lên lầu học chứ cô?

Bảo Lâm như bừng tỉnh, hỏi nhanh Trúc Vỹ:

- Hôm nay cha em có ở nhà không?

- Dạ có.

- Ở đâu?

- Dạ, trong thư phòng của người đấy.

Bảo Lâm vội nói:

- Tốt! Vậy em lên lầu trước chờ. Tôi có chuyện cần nói với cha em, sau đấy tôi sẽ lên dạy sau.

Trúc Vỹ ngoan ngoãn đi vào nhà.

Bảo Lâm cúi xuống, một tay ôm lấy chậu Hoa kim trản, tay kia ôm chậu Nhạn lai hồng. Nàng bước vào phòng khách. Vú Ngô và nội của Trúc Vỹ đều ở cả trên lầu. Phòng khách vắng lặng, Bảo Lâm đi thẳng đến thư phòng của luật sư Thắng. Nàng không gõ cửa mà đẩy mạnh bước vào. Ông luật sư như đang gọi dây nói cho ai. Ông có vẻ kinh ngạc khi thấy Bảo Lâm ôm mấy chậu kiểng bước vào. Ông không hiểu Bảo Lâm định làm gì, chỉ thấy nàng đặt chậu hoa lên bàn như chờ đợi.

Tạ Thắng gác máy nói, bước tới hỏi:

- Cô làm gì đấy?

Bảo Lâm chỉ vào chậu kim trản hoa hỏi:

- Ông biết đây là loại hoa gì không?

Ông Thắng không do dự nói:

- Hoa cúc.

- Còn cái này?

- Hồng diệp!

Ông Thắng đáp, vẫn không rời mắt Bảo Lâm.

- Rồi sao? Cô định làm gì thế?

- Đây không phải là hoa cúc mà là kim trản hoa. Còn đây cũng không phải là hoa hồng diệp mà là nhạn lai hồng.

Bảo Lâm nói nhanh làm ông Thắng phải nâng cặp mắt kính lên nhìn một cách lạ lùng:

- Nhưng mà nó là gì cũng được, cũng chỉ là hoa thôi, cái đó liên hệ gì đến tôi chứ? Không cần biết tên ta vẫn có thể thưởng thức nó được cơ mà?

- Ông và cả tôi, chúng ta đều không biết tên những loài hoa này, ngay cả Tú Mẫn, bà Trúc Vũ và vú Ngô cũng thế. Trong nhà này, không ai biết hoa cỏ gì cả ngoại trừ một người, đó là Trúc Vỹ.

- Ồ!

Ông Tạ Thắng chau mày nhìn Bảo Lâm.

- Trúc Vỹ không những biết được tên của hai loại hoa này, mà còn biết rõ tên các loài hoa khác, lúc nào gieo trồng, bao giờ bón phân, bao giờ ra hoa kết hạt. Vỹ biết rất rành những kiến thức chuyên môn làm vườn. Và ông, ông cũng không hề cho tôi biết là... cả khu vườn của ông là do một tay của Vỹ vun trồng nên.

Ông luật sư thắc mắc:

- Chuyện đó có quan trọng gì đâu? Vỹ nó thích trồng hoa, nuôi thú ngay từ nhỏ. Tôi nghĩ đó là bản năng của phụ nữ thôi.

Bảo Lâm lắc đầu nói:

- Không phải bất cứ một cô gái nào cũng thích việc làm đó. Điều mà tôi muốn nói với ông ở đây là Trúc Vỹ không thuộc lấy một chữ quốc văn, lịch sử, nhưng cô ấy lại phân biệt một cách rõ ràng sự khác biệt của từng cây, từng loại hoa. Cô ấy như vậy mà ông là cha, ông không hiểu gì về con cả. Ông lại cứ bắt Vỹ phải thi vào văn khoa là thế nào?

Ông Tạ Thắng nhìn Bảo Lâm, ông có vẻ hiểu đôi chút điều Bảo Lâm muốn nói:

- Khá lắm, cô đã tìm ra sở trường của Trúc Vỹ. Đúng ra nó nên thi vào ngành sinh hóa để học môn thực vật học. Không biết bây giờ có kịp đổi không?

Bảo Lâm nói ngay:

- Ông sai rồi! Dù cho Vỹ có thi ngành nào thì các môn thi như văn, ngoại ngữ, toán... cô ấy sẽ không làm được hết, vì vậy, không thi tốt hơn. Riêng về khoảng kiến thức về cây cỏ, có cái cô ấy rành hơn cả một sinh viên nông lâm. Nếu ông không tin, ngày mai tôi sẽ mượn một sinh viên nông lâm đến ngay để ông thấy.

- Ý cô muốn nói là…

- Tôi biết ông hoàn toàn hiểu ý tôi. Tôi đã từng nói với ông nhiều lần là Trúc Vỹ không cần phải vào đại học. Chưa hẳn mọi kiến thức mà chúng ta cần có đều phải vào đại học hết. Ông thử đoán xem những hiểu biết của Vỹ về cây cỏ kia là ở đâu Vỹ có? Chỉ từ một ông thợ làm vườn, và tôi dám đoán chắc với ông là mấy ông thợ làm vườn kia cũng chưa hề đặt chân vào đại học. Thế mà họ cũng có một lĩnh vực chuyên môn đấy chứ.

Tạ Thắng trừng mắt nhìn Bảo Lâm:

- Tại sao cô cứ tìm mọi cách để tôi bỏ ý định bắt con Vỹ thi vào đại học vậy?

Bảo Lâm nhìn ông luật sư với ánh mắt thành khẩn và nói:

- Bởi vì tôi thích cô bé ấy. Tôi không muốn thấy cảnh Vỹ cứ thất bại trong thi cử, ông luật sư ạ. Cuộc đời của ông là một chuỗi thành công, ông chưa hề nếm qua nỗi đau của thất bại. Ông có biết là nó chua chát lắm, thất vọng lắm. Ông muốn Vỹ phải thi vào đại học chẳng qua để thỏa mãn cái cảm giác hư vinh của ông mà thôi.

Luật sư Thắng liếc nhanh Bảo Lâm:

- Cô đã từng thất bại? Thất bại bao giờ mà biết được cái vị đắng của nó? Diễn tả nó rành rọt như vậy?

Bảo Lâm ngẩng lên, đôi mắt tối hẳn:

- Tôi ư? Tôi đã từng thất bại.

- Bao giờ?

Bảo Lâm nói:

- Tôi đã kể với ông rồi mà! Tôi đã từng có một vị hôn phu. Ông ấy bây giờ đã có người yêu khác.

Luật sư Thắng giật mình nhìn Bảo Lâm:

- Cái đó gọi thất tình chứ đâu phải là thất bại, mà hai chuyện đó hoàn toàn khác nhau. Thất bại là do ta, ta không làm hết sức mình, không lường trước những khó khăn. Còn thất tình thuộc tiếng nói của con tim, dù ta muốn, đôi khi ta cũng không ngăn cản được.

Bảo Lâm nói, mắt như phủ màn sương mỏng:

- Không chỉ là thất tình mà là thất bại. Cái đó đã khiến tôi mất cả tự tin. Tôi có cảm tưởng mình trở nên thật già. Tôi không còn dám tin vào tình yêu, dám yêu đương, cũng như dám nghĩ là có người yêu tôi nữa!

Bảo Lâm thở dài rồi tiếp:

- Tôi cảm thấy mình xấu đi, già đi, và mất đi cái thơ ngây ngày nào. Đôi lúc tôi như con chim lỡ một lần suýt chết, đâu đâu tôi cũng chỉ thấy tên, gươm.

- Cô lầm rồi!

Ông Thắng nói, bất giác bước tới cạnh Bảo Lâm:

- Cô sai rồi. Đối với tôi, cô giống như một đóa hoa, một đóa hoa vàng. Cô có vẻ yếu đuối của hoa cúc, dáng cao quí như hoa lan, thâm trầm và mỏng manh như hoa quỳnh. Ngay từ đầu, Bảo Lâm đã thu hút tôi làm tôi ngẩn ngơ...

Luật sư Thắng không nói hết lời vì chợt nhiên, như có một sức mạnh nào đó lôi cuốn làm ông không thể kiềm chế được lòng mình. Ánh mắt buồn buồn kia, chiếc miệng nhỏ nhắn kia... Và ông đột nhiên vòng tay qua vai kéo lấy Bảo Lâm vào lòng mình, đặt môi lên môi Bảo Lâm.

Thời gian như ngừng đọng. Trời đất quay tròn. Trong vòng tay người đàn ông, cái hôn nóng bỏng, sự tiếp xúc của da thịt, bản năng phản kháng kêu gào... Tất cả làm cho tâm trí Bảo Lâm như bấn loạn. Lâu, đúng, lâu lắm rồi, từ khi La Dũng là của người khác, Bảo Lâm mới hụt hẫng trong cái cảm giác ngây dại như thế này. Nàng thấy tâm trí mình trôi bồng bềnh, bồng bềnh như thời mới lớn khi đón nhận nụ hôn đầu.

Chợt ý thức chống đối của nàng vươn dậy. Thế này là không đúng, không đúng... Nhưng không hiểu sao, Bảo Lâm không vùng vẫy để thoát ra khỏi vòng tay của Tạ Thắng. Hình như mọi phản ứng của nàng đều bị tê liệt hẳn.

Khi Tạ Thắng ngẩng lên, ông vẫn không buông Bảo Lâm ra. Ông thấy hai hàng nước mắt đang chảy dài trên má Bảo Lâm.

Nhưng rồi Bảo Lâm cũng tỉnh hẳn. Sao ta lại làm như vậy? Sao ta dễ dàng chấp nhận như vậy? Không khéo ông ta coi thường ta, xem ta như bao cô gái khác. Đây là Tạ Thắng, một luật sư tên tuổi lẫy lừng. Một con người biết bao nhiêu người đàn bà sẵn sàng dâng hiến. Đàn bà đối với ông ta như một món đồ chơi. Không! Không thể được! Ông ấy không hề yêu ta, ông ấy có cả tình nhân Lynh và nhiều người đàn bà khác nữa. Tạ Thắng hôn ta, một sự thương hại, lợi dụng, đùa giỡn. Hèn gì ông ta chẳng tự tin, chẳng bình thản như thế.

Bảo Lâm ơi, mi rõ ngu quá. Mi đã một lần thất bại, nếu mi còn ngu xuẩn, cả tin một lần nữa thì rõ ràng mi sắp sa xuống địa ngục. Mi ngu xuẩn, dại dột và hèn hạ quá. Đột nhiên, Bảo Lâm dồn hết sức mạnh đẩy Tạ Thắng ra. Nàng quay người bỏ chạy ra cửa, nhưng Tạ Thắng đuổi theo, chụp lấy tay Bảo Lâm.

- Em... Em làm gì vậy?

Nước mắt vờn quanh mi, Bảo Lâm nói:

- Hãy buông tôi ra! Cho tôi đi!

- Tại sao?

Bảo Lâm nghiến răng nói:

- Mặc dù tôi nhỏ nhoi, nghèo khổ, nhưng tôi không muốn trở thành trò chơi của ông đâu!

- Tại sao Bảo Lâm nghĩ vậy?

Tạ Thắng chau mày định nói thêm thì chợt nhiên ông thấy có bóng dáng người thoáng hiện nơi khung cửa sổ. Vậy là có người lén nghe trộm bên ngoài. Ông lớn tiếng hỏi:

- Ai đó?

Rồi ông bước nhanh ra, mở rộng cửa sổ. Bảo Lâm đã trông thấy anh ta: Không ai khác hơn là Tú Mẫn. Hắn đang rình bên ngoài cửa. Có lẽ hắn cũng nghĩ rằng Bảo Lâm cũng thường tình như bao nhiêu người đàn bà khác, cũng tham tiền của, danh vọng, Bảo Lâm tự động hiến thân cho luật sư Thắng. Nếu không phải là cô giáo dạy kèm cho Trúc Vỹ, sao lại vào phòng sách riêng của ông Tạ Thắng làm gì? Sự xấu hổ làm đôi má Bảo Lâm đỏ gay. Nàng vội mở cửa, chạy bay ra ngoài. Nàng chạy hớt hải như bị ma đuổi.

- Bảo Lâm!

Tiếng của ông Tạ Thắng đuổi theo phía sau, nhưng Bảo Lâm đã chạy ra khỏi phòng khách, vườn hoa và đã đến bên ngoài cổng ngôi biệt thự. Nàng vẫy tay đón một chiếc taxi.

Gieo mình xuống nệm xe, Bảo Lâm thấy đầu óc mình quay cuồng, cảnh vật bên ngoài như nhòa dần, nhòa dần. Nàng cảm thấy xấu hổ và thầm tự trách mình sao quá yếu đuối. Phải chi lúc nãy ta đủ tỉnh táo để tát Tạ Thắng một tát thì có lẽ giờ đây ta không khổ sở như thế này. Nhưng dù sao hương vị của nụ hôn bất ngờ, rõ ràng ta không thể giấu lòng mình, nó cũng gây cho ta một ít xôn xao.
break
Thiếu Niên Có Đôi Mắt Kỳ Lạ Và Thứ Nữ Hầu Phủ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Cổ Đại
Cậu Thật Hư Hỏng
Ngôn tình Sắc, Sủng, Hào Môn
Cô Giáo Đừng Chạy
Ngôn tình Sắc, Sủng, Nữ Cường
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc