Buổi tối, Bảo Lâm đang ở nhà Tạ Thắng. Nàng đang cùng chàng thảo luận một số vấn đề quan trọng. Từ hôm nhà trường khai giảng đến giờ, sáng nào Bảo Lâm cũng có giờ dạy, nàng chỉ rảnh được buổi chiều và tối. Đó là giờ phút để gặp Thắng. Nhà Bảo Lâm quá hẹp, mẹ lại tính khí thất thường, vì vậy, muốn nói chuyện thoải mái chỉ còn có cách là đến nhà Thắng. Thường thì chiều tối, Trúc Vỹ cũng ít khi có mặt ở nhà. Lúc gần đây, Từ Sâm lại bày chuyện dạy Trúc Vỹ nhảy đầm, hướng dẫn Trúc Vỹ đọc sách, làm vườn và tíu tít cùng nhau vun trồng cây cỏ, nên Trúc Vỹ bận rộn luôn.
Tối nay, theo dự tính, cũng như mấy hôm, Từ Sâm sẽ đến, vậy mà không hiểu sao, đã tám giờ hơn cũng không có mặt, điện thoại báo cho biết lý do cũng không. Trúc Vỹ sốt ruột ngồi trong phòng khách cùng nội chơi cờ domino chờ đợi, chỉ có Bảo Lâm và Tạ Thắng tâm sự nơi thư phòng. Tạ Thắng nói:
- Anh định thế này nhé, hai mươi tháng mười hai chúng ta làm lễ cưới. Anh đã xem lịch rồi, hôm ấy nhằm ngày tốt lắm. Mặc dù không mê tín nhưng anh phải làm theo lời mẹ, vả lại, lúc ấy gần Noel cũng tiện. Bảo Lâm, anh nghĩ là em chẳng còn lý do gì để kéo dài nữa. Em thấy đấy, em cũng hơn hai mươi rồi, nhưng quan trọng hơn là anh, anh đã khá lớn tuổi. Nếu kéo dài thêm mấy năm nữa sợ chú rể sẽ đầu tóc bạc phơ, em có chịu không?
Bảo Lâm cắn nhẹ môi có vẻ suy nghĩ:
- Anh khéo lo, em chỉ sợ nhanh quá vì em còn một số vấn đề phải lo. Bây giờ đã quá nửa tháng mười một rồi, chỉ có một tháng để lo, sợ không kịp.
Tạ Thắng cắt ngang:
- Chẳng có gì để em lo lắng cả. Quần áo cưới, nữ trang, lễ phục, tất cả anh sẽ lo đủ cho em trong vòng mười ngày. Anh sẽ điện thoại cho một nhà may nổi tiếng, họ đến đây đo cắt cho em, em thấy sao?
Bảo Lâm nói:
- Anh đừng gấp gáp như vậy. Chuyện em lo lắng ở đây không phải là chuyện áo quần, nữ trang. Em cũng không cần phải tổ chức rình rang. Em chỉ cần một tờ giá thú là xong, linh đình chi cho mệt, anh thấy thế nào?
Tạ Thắng phản đối:
- Không được, anh phải tổ chức một lễ cưới linh đình để mọi người biết là anh đã cưới em, nhưng phải biết ngày tháng cho rõ ràng chứ, vì còn phải in thiệp, hẹn nhà hàng, mướn ban nhạc.
Tạ Thắng quay sang Bảo Lâm:
- Em còn suy nghĩ gì nữa chứ? Phải chăng còn giận chuyện "Vườn Sen"? Em thấy đấy, anh đã cho Tú Mẫn nghỉ việc. Anh đã giải thích và em đã tha thứ cho anh rồi cơ mà.
- Không phải chuyện đó.
- Vậy thì chuyện gì?
Tạ Thắng nhìn thẳng vào mắt Bảo Lâm như để tìm kiếm những ý kiến của nàng. Cuối cùng Bảo Lâm nói:
- Ở đây có vấn đề của cha và mẹ em. Em nghĩ là sau khi em đi lấy chồng, nhà cha mẹ em hẳn đơn chiếc lắm.
Tạ Thắng nhìn Bảo Lâm rồi vòng tay qua ôm lấy người vợ chưa cưới:
- Hay là chúng mình rước cha mẹ về đây ở luôn?
Bảo Lâm lắc đầu, Tạ Thắng hỏi:
- Tại sao không được? Nhà chúng ta rộng rãi thế này, Trúc Vỹ lại sắp lấy chồng. Đem cha mẹ về, em yên tâm, mà em, anh cũng có bạn.
Bảo Lâm cắt ngang:
- Anh cũng biết như vậy là không được mà. Không lẽ anh không hiểu tính của cha em? Tuy nghèo nhưng cha tự ái lớn lắm. Cha không bao giờ chịu về nhà con rể ở đâu. Hơn nữa, mẹ em không bình thường, biết lúc nào bà ấy nổi cơn lên, phiền phức lắm.
- Nhưng sức khỏe của mẹ em lúc này đỡ lắm rồi mà. Lần trước, nghe bác sĩ nói là sức khỏe mẹ em đã ổn định và phát triển theo chiều hướng tốt. Vả lại, bà ấy bây giờ đâu còn hận em nữa.
- Nhưng bác sĩ cũng đâu xác định là mẹ em đã hồi phục. Ông ấy chỉ nói là cần có một cái gì đó thay thế, thay thế tình yêu của mẹ dành cho Bảo Hòa. Chúng ta kiếm ở đâu ra? Có chăng sau này khi chúng ta có con nhỏ.
Bảo Lâm chợt cười thẹn thùng, tiếp:
- Rõ ràng là gần đây mẹ không còn hận em nữa. Hôm qua, mẹ còn nắm lấy tay em nhìn vết sẹo trên đó và khóc. Mẹ hiểu chính bà đã gây nên vết sẹo. Em biết mẹ vẫn còn thương em, mẹ biết em sắp lấy chồng, mẹ không muốn mất em. Anh có hiểu không?
- Vì vậy anh mới nói là đưa mẹ em về sống chung với chúng mình.
Bảo Lâm lắc đầu:
- Không được, em đã nói rồi. Cha em sẽ không chịu, vả lại còn mẹ anh.
- Mẹ anh à? Không bao giờ người phản đối.
- Em biết, nhưng mà những người lớn tuổi sống gần nhau thường dễ nói chuyện xung đột, mẹ em lại bệnh. Nếu có chuyện gì xảy ra, chắc chắn cả hai chúng ta đều không vui. Thường chuyện bất hòa của hai vợ chồng đều bắt nguồn từ người khác. Anh không thấy đó là chuyện phổ biến sao?
Tạ Thắng nhìn Bảo Lâm:
- Anh không ngờ em nghiên cứu về cuộc sống hôn nhân kỹ thế. Em đúng là một chuyên gia giáo dục gia đình, ít ra cũng về mặt lý thuyết. Em nói đúng, anh đã từng theo dõi bao nhiêu vụ án. Phần lớn tranh chấp vợ chồng đều bắt nguồn từ những người thân chung quanh, của vợ hoặc chồng.
Bảo Lâm nhăn mặt:
- Chính vì vậy mà em không muốn cha mẹ em về sống với chúng mình, nhưng em cũng không đành lòng sống xa họ. Anh nghĩ xem, em lấy chồng rồi ông bà già sẽ sống ra sao?
Tạ Thắng có vẻ bối rối:
- Vậy thì phải làm sao đây? Không lẽ em ở vậy không lấy chồng? Hay là em muốn anh phải ở rể nhà em?
Bảo Lâm phì cười. Nàng lưỡng lự một chút rồi nói:
- Anh Thắng, em có ý kiến này, không hiểu anh chấp nhận được không?
- Thì em cứ nói ra xem, nếu có thể được là anh chấp thuận ngay.
- Anh Thắng này, anh đã đến nhà em. Ngôi nhà em đang ở khá cũ kỹ, nó lại không phải là nhà của cha mà là của nhà nước cấp khi cha em còn đi làm. Bây giờ cha đã nghỉ việc, đương nhiên nó sẽ bị thu hồi. Lúc gần đây em thấy...
Bảo Lâm ngập ngừng nói:
- Khu vực gần nhà anh họ đang xây chung cư, chia lô ra bán. Tiền hưu của cha em có khoảng ba ngàn đồng, có thể mua được.
Tạ Thắng cắt ngang:
- Thôi được rồi, anh biết em định nói gì rồi. Em cũng đừng đề cập đến tiền hưu của cha em, ngày mai chúng ta sẽ đến đó coi nhà, được sẽ chọn một căn trước cha mẹ em đến ở. Như vậy em có thể gần gũi thăm viếng. Được chứ? Không còn gì nữa chứ gì? Chúng ta có thể cử hành hôn lễ vào ngày hai mươi tháng mười hai được chứ?
Bảo Lâm nói:
- Khoan đã, anh chưa hiểu rõ ý của em. Anh phải biết là nếu cha em biết ngôi nhà này là của anh mua cho, chắc chắn người sẽ không ở. Con người cha em xưa nay như vậy, không bao giờ chịu để cho người khác thiệt thòi, nên em thấy cần phải sử dụng số tiền hưu của cha. Em đã hỏi rồi, những căn nhà ở đây trị giá mười triệu hai trăm ngàn, nhưng có thể mua bằng hình thức trả góp. Bây giờ em muốn nhờ anh, chỉ cần anh nói với ông chủ thầu là khi gặp cha em thì nói chỉ cần trả đợt đầu là ba trăm ngàn thôi, phần tiền còn lại góp dài hạn. Như vậy em có thể dùng tiền dạy học mỗi tháng của mình trả tiền nhà. Chuyện đó chúng ta chỉ làm cha em an lòng thôi, chứ em biết, dù gì cũng phải nhờ anh. Còn chuyện nữ trang, quà cưới, em thấy hao tốn của anh nhiều quá, em không cần gì nhiều. Anh cho em một chiếc nhẫn gọi là trao duyên được rồi.
Tạ Thắng nhìn Bảo Lâm. Chàng cảm thấy Bảo Lâm đáng yêu làm sao. Một yêu cầu nhỏ như vậy mà Bảo Lâm cũng thấy xấu hổ đến đỏ cả mặt. Thắng ôm Bảo Lâm vào lòng, hôn lên má nàng:
- Mai chúng ta sẽ đi mua nhà, không có gì em phải bận tâm. Còn về nhẫn cưới thì em cứ yên tâm, anh không mua chiếc lớn lắm đâu, chỉ năm cara thôi. Anh tặng em chiếc nhẫn kim cương, bởi vì chỉ có kim cương mới bền vững với thời gian thôi.
- Nhưng mà... Nhưng mà...
- Không có nhưng gì hết. Anh nhất định là lễ cưới sẽ cử hành hai mươi tháng mười hai.
- Nếu anh chu toàn mọi việc cho cha mẹ em an cư trước ngày đó thì em đồng ý.
- Anh bảo đảm với em chuyện đó.
- Chắc chắn chứ?
- Phải chắc chắn, bằng không anh mất vợ thì sao?
Lời Thắng chưa dứt thì chuông điện thoại reo vang. Tạ Thắng chụp lấy điện thoại, lắng nghe rồi cười nói:
- Từ Sâm đấy à? Sao cậu không gọi thẳng ra phòng khách? Trúc Vỹ đang chờ cậu từ chiều đến giờ. Nếu không đến được phải báo trước cho nó nghe, kẻo nó mong mòn cả mắt đấy.
Giọng Từ Sâm có vẻ lo lắng:
- Không phải! Con không phải điện thoại đến để tìm Trúc Vỹ mà tìm Bảo Lâm. Bác ơi, có chị Bảo Lâm ở đấy chứ? Con có chuyện cần nói.
Tạ Thắng chau mày, trao máy cho Bảo Lâm, thắc mắc:
- Cậu Từ Sâm muốn nói chuyện với em. Không biết cậu ấy có chuyện gì mà cậu cần gặp em gấp gáp như vậy.
Bảo Lâm hồi hộp đỡ lấy ống nghe, lập tức nghe bên đầu dây bên kia có hỏi:
- Chị Bảo Lâm đấy phải không?
- Vâng, tôi đây.
- Chị Lâm nghe đây, tôi có chuyện bối rối lắm, tôi không muốn Trúc Vỹ hay cha cô ấy nghe. Lâm biết không, tôi khổ lắm, tôi sắp chết tới nơi. Nếu không giải quyết được, chắc tôi phải tự sát.
Bảo Lâm chau mày:
- Có chuyện gì cũng phải từ từ, đừng có nóng vội làm liều.
- Tối hôm qua, sau khi đưa Bảo Lâm và Trúc Vỹ về, tôi quay lại nhà. Lâm biết tôi gặp gì không? Có người đứng đợi tôi trước cửa nhà, đó là Duy Trâm. Cô ấy cho biết là...
Bảo Lâm rùng mình, đoán được điều mà Từ Sâm sắp nói đến. Từ Sâm nói không ra hơi:
- Cô ta nói là đã có thai. Tôi đã thảo luận, tìm cách giải quyết. Tôi sẵn sàng bỏ tiền ra cho Trâm, sẵn sàng nhờ bác sĩ trục cái thai đó, nhưng Trâm không chịu. Cô ấy bảo không cần tiền, cũng không muốn phá thai vì như vậy là tội lỗi. Cô ấy muốn có con và muốn có tôi. Cô ấy bắt tôi tìm gặp Trúc Vỹ. Bảo Lâm, bây giờ tôi phải làm sao đây? Tôi đang muốn phát điên lên đây! Tôi nghĩ là nếu để cô ta gặp Trúc Vỹ thì coi như mọi thứ chấm hết, nên tôi điện thoại tìm Lâm, nhờ Lâm nghĩ giúp. Có cách nào giúp tôi không? Chẳng lẽ vì một phút bồng bột mà tôi phải đem cả đời ra trả ư? Tôi không thể cưới Duy Trâm. Nếu phải lấy cô ấy, thà chết còn sướng hơn.
Bảo Lâm cắt ngang:
- Cậu Từ Sâm! Cậu đừng có hành động gì nông nổi nhé. Chuyện này khá phức tạp, ngoài cả khả năng giải quyết của tôi. Cậu cần phải được sự giúp đỡ của cả người khác. Tôi thấy không thể không nhờ đến ý kiến của luật sư Thắng được.
Từ Sâm nói như hét:
- Đừng! Từ xưa tới giờ, ông ấy coi tôi như một chàng thanh niên hiền lành, trong trắng. Nếu bây giờ để bác ấy biết tôi xấu xa như vậy làm sao bác có thể chấp nhận tôi làm con rể của bác.
Bảo Lâm liếc nhanh về phía Tạ Thắng nói:
- Ông ấy sẽ chấp nhận. Cậu có nghe rõ không? Chuyện này cần phải giải quyết nhanh chóng và dứt khoát. Gia đình cậu cũng như gia đình luật sư Thắng đều là những gia đình có tên tuổi ở xứ sở này. Chuyện càng để lâu sẽ càng không tốt. Nếu để nổ lớn ra, hậu quả sẽ thế nào, cậu biết rồi chứ?
Từ Sâm có vẻ khổ sở:
- Ồ, tôi không nghĩ đến điều đó. Có điều, tôi không hiểu sao Duy Trâm cũng biết là tôi không yêu cô ấy, vậy mà nàng buộc tôi để làm gì? Cuộc sống hôn nhân như vậy làm gì có hạnh phúc? Tôi sẽ căm thù cô ta suốt đời, tôi cũng sẽ không yêu đứa bé đó. Tôi có ngờ là sẽ có con đâu.
Bảo Lâm cắt ngang:
- Đừng nói những điều đó lúc này. Đó là một bài học lớn, để sau này cậu rút kinh nghiệm, còn bây giờ phải vắt óc ra mà nghĩ, để còn tính.
Từ Sâm hét:
- Còn gì mà rút kinh nghiệm nữa? Một lần là tởn tới già rồi chị ơi!
Bảo Lâm nói:
- Thôi được rồi,Từ Sâm, cậu đừng la hét gì hết. Bây giờ cậu nghe tôi nói này. Duy Trâm đang bức bách cậu, chuyện này cậu không thể không thú thật với luật sư Thắng. Ông ấy có kinh nghiệm nắm vững yếu tố pháp lý. Trâm khó có thể qua mặt ông ấy. Bây giờ, việc làm đầu tiên là cậu nên điện thoại sang phòng khách báo cho Trúc Vỹ biết là tối nay cậu bận, sẽ không đến để cô ấy đi ngủ sớm, rồi độ mười giờ, cậu sẽ...
Bảo Lâm suy nghĩ một chút nói:
- Cậu sẽ đến đây, chúng ta sẽ cùng nhau bàn bạc, tìm cách gỡ. Ồ! Mà không, hay là thế này... Cậu đang ở nhà hay ở đâu đấy?
Từ Sâm đáp:
- Không phải ở nhà. Tôi đâu dám điện thoại từ nhà đâu. Cha tôi mà hay được thì ông sẽ bằm nát tôi ra đấy. Hiện giờ tôi đang ở một quán cà phê.
- Được rồi, cho tôi biết số máy đi, tôi thảo luận với luật sư Thắng một lúc sẽ cho biết kết quả sau.
Bảo Lâm lấy giấy bút ra ghi lấy số điện thoại.
- Bây giờ cậu điện thoại cho Trúc Vỹ, bảo cô ấy đi ngủ đi. Cậu không muốn để cô ấy biết gì cả chứ?
Từ Sâm có vẻ khổ sở:
- Vâng, nhưng mà... Rồi bác Thắng có giận tôi không?
- Đương nhiên là ông ấy sẽ giận, nhưng tôi chắc là ông ấy sẽ tha thứ.
- Hắn phạm phải sai lầm mà rất nhiều người đàn ông phạm phải. Cái sai lầm đó anh cũng từng mắc…
Tạ Thắng cắt ngang:
- Được rồi! Tôi hứa sẽ không giận, không trách gì Từ Sâm cả, ổn chứ? Bây giờ hãy kể cho anh nghe câu chuyện như thế nào.
- Vâng.
Bảo Lâm bắt đầu kể, từ chuyện quen biết nhau Từ Sâm với Duy Trâm, mối liên hệ giữa Trâm và Lâm, rồi đến chuyện Duy Trâm rũ Từ Sâm đi Nam San tắm biển, ngủ đêm... Bây giờ Trâm đã mang thai và Trâm bắt Sâm phải cưới.
Tạ Thắng ngồi yên suy nghĩ. Sau đó, chàng nhìn lên, mặt có vẻ khó chịu.
- Duy Trâm là em gái của La Dũng phải không?
- Vâng.
Tạ Thắng gật gù:
- Đây đúng là một chuyện phức tạp. Cô gái đó coi như là bạn của em thì đương nhiên em phải hiểu rõ tính nết của cô ta, mục đích của cô ta chứ? Đã cố tình quyến rũ trai mới lớn sao lại để cho có con? Mục đích là gì? Hôn nhân ư? Một cuộc hôn nhân không cần tình yêu? Làm gì có chuyện kỳ vậy!
- Khoan đã...
Một tia sáng lóe trong đầu Bảo Lâm.
- Anh có biết là mục tiêu đầu tiên của cô ấy là bảo em giới thiệu anh cho cô ta. Sau đó, khi biết Từ Sâm là con trai của đại doanh thương Ngô Trọng Nhàn, mục tiêu mới được thay đổi. Em nghĩ là điều mà cô ấy đeo đuổi là tiền tài, danh vọng chứ không phải là để quyến rũ đàn ông suông. Như vậy, trên một khía cạnh nào đó, Duy Trâm và bà chủ "Vườn Sen" có sở thích giống nhau.
Tạ Thắng có vẻ áy náy:
- Em làm ơn nói chuyện trong chủ đề thôi, đừng đi ra ngoài, được chứ?
Bảo Lâm nói:
- Em nói chuyện đúng trọng tâm đấy chứ. Anh có biết không, lần đầu tiên em biết về Lynh là qua miệng của Duy Trâm.
Tạ Thắng lẩm bẩm:
- Đúng là thứ chết tiệt!
Bảo Lâm ngẩng lên nhìn Thắng:
- Xin lỗi anh. Thật ra, em cũng không rõ ý định của Duy Trâm. Em nghĩ anh đã từng phân tích tâm lý của Mỹ Liên, hẳn anh sẽ hiểu rõ Duy Trâm hơn. Biết đâu Trâm chẳng yêu Từ Sâm như Lynh yêu anh vậy?
Tạ Thắng đỏ mặt:
- Thôi mà, tha cho anh đi, sao em cứ ghép chuyện hai người đó lại với nhau hoài vậy?
Bảo Lâm có vẻ suy nghĩ:
- Được, em không nói nữa. Duy Trâm năm nay hai mươi lăm tuổi. Đàn bà đến tuổi này thường phân vân, không biết mình có còn sức lôi cuốn không.
Bảo Lâm nhìn Tạ Thắng:
- Xin lỗi anh nhé, nhưng em phải dẫn lời của anh, là có nhiều người đàn bà muốn chứng tỏ sự hấp dẫn của mình vẫn còn mạnh nên họ tìm cách lôi cuốn thanh niên trẻ hơn, như trường hợp của Lynh.
- Bảo Lâm, sao em cứ giương đông kích tây mãi?
- Anh lầm rồi, em đang tìm cách giải quyết chuyện Từ Sâm đấy chứ. Anh không muốn à?
- Sao lại không?
- Vậy thì anh đừng quấy rầy nữa, để em nghĩ xem nào!
Bảo Lâm nhìn lên trần nhà suy nghĩ:
- Như anh biết, có người con gái cần tiền, người cần tình yêu, người lại muốn tìm nơi nương tựa. Còn Duy Trâm? Cô ấy cần một người chồng! Một người chồng có chút địa vị trong xã hội, có tiền của. Trâm không cần tình yêu của chồng. Trái lại, nàng còn có thể dựa vào đấy để thu hút đàn ông khác. Đúng rồi, đó là mục đích của Trâm! Trâm đang cần một người đàn ông như thế.
Tạ Thắng gật gù nói:
- Không phải chỉ có bấy nhiêu thôi đâu. Theo ý em thì Trâm đã nhắm vào Sâm, và cũng theo em thì Sâm có thể phủ nhận chuyện đó được không? Anh cho rằng không! Từ Sâm còn ngây thơ, khờ khạo lắm, hắn không hề biết là bị giăng bẫy. Cái gì hắn cũng tưởng là thật. Chỉ tội nghiệp cho Trúc Vỹ, con bé không thể sống thiếu Sâm, xa nhau nó có thể chết mất.
- Em thấy thì...
Bảo Lâm nghĩ đến thái độ của Trúc Vỹ khi ngồi trong phòng khách nhà họ Ngô.
- Hay là chúng ta nên mời Duy Trâm đến đây nói chuyện đâu đấy sòng phẳng, coi điều kiện của cô ấy thế nào?
Bảo Lâm nhắc điện thoại lên, nhìn Tạ Thắng:
- Anh tìm một địa điểm thích hợp nào đi, ta sẽ bảo Từ Sâm đưa cô ấy đến đấy. Mọi chuyện phải giải quyết nhanh chóng, không thể để kéo dài được.
Tạ Thắng suy nghĩ:
- Thật ra thì biết chỗ nào an toàn, thích hợp? Hay là thế này, em cứ điện thoại bảo Từ Sâm mười một giờ mang Duy Trâm đến đây. Chúng ta sẽ thảo luận sự việc trong thư phòng, chỉ có nơi này an toàn nhất.
- Anh không sợ là Trúc Vỹ nghe được à?
- Mười một giờ, Trúc Vỹ đã ngủ. Vả lại, phòng ngủ ở trên lầu, Vỹ lại không có thói quen nghe lén.
- Thế còn mẹ và vú Ngô?
- Hai người đó ngủ còn sớm hơn.
Bảo Lâm vẫn thấy không yên tâm:
- Em thấy không ổn.
Tạ Thắng chau mày:
- Không còn cách nào khác! Chuyện này không tốt lành gì, không lẽ nói giữa chốn đông người ư? Thôi em gọi dây nói đi, bảo Sâm mang cô ấy lại đây. Anh muốn xem mặt cô ta thế nào.
- Vâng.
Bảo Lâm lẳng lặng đến bên máy điện thoại. Cả căn phòng im lặng, chỉ có tiếng u u và tiếng bấm số vang lên từ phía Bảo Lâm.