Ngày đầu tiên khi rút lui, dân chúng mười tám thôn trấn vùng Cao Mật dắt ngựa ôm gà, dìu già dắt trẻ, tập trung ở bãi đất phèn ở bờ bắc sông Thuồng Luồng. Mặt đất phủ một lớp vảy như những mảnh băng chưa tan. Những loại cây cỏ chịu được mặn như cỏ lác, cỏ mao, cây sậy thì cành lá khô héo, lắc lư trong gió lạnh. Những con quạ thích ồn ào sà thấp trên đầu mọi người mà nhòm ngó, thậm chí còn kêu vang quạ quạ như những thi sĩ lãng mạn.
Bị giáng chúc làm phó huyện trưởng, Lỗ Lập Nhân đứng trên bệ tế ở đầu nấm mộ của vị cử nhân Đan Đình đời Tiền Thanh, gân cổ ra mà gào bài phát biểu có tính động viên cho cuộc rút lui. Chủ đề diễn thuyết của anh ta là: Mùa đông năm nay đã bắt đầu, vùng Cao Mật trở thành chiến trường, không sơ tán đi nơi khác thì cầm chắc cái chết? Lũ quạ đậu kín những cây tùng, đậu trên các mộ, trên người đá ngựa đá. Chúng quà, chúng quạ ầm ĩ, phá đám cuộc diễn thuyết của Lỗ Lập Nhân, khiến dân chúng càng kinh hoảng, góp phần tăng thêm quyết tâm cùng chính quyền huyện, khu rút chạy.
Một tiếng súng nổ vang, cuộc rút chạy bắt đầu. Đám người đông như kiến ồn ào tản ra. Thế là lừa kêu ngựa hí, gà bay chó chạy, bà già khóc mếu, trẻ con kêu gào: Một thanh niên nhanh nhẹn tay cầm cờ đỏ, cưỡi ngựa trắng, chạy ngược chạy xuôi trên con đường đất phèn kéo dài vô tận về phía dông bắc, chốc chốc lại phất ngọn cờ chỉ hướng cho dòng người tiến lên. Đi đầu là đơn vị gồm hơn chục con la chở hồ sơ giấy má của huyện phủ, dưới sự điều khiển của hơn chục chú lính, uể oải cất bước. Cuối đoàn la là những con lạc đà còn lại từ thời Tư Mã Khố, với bộ lông dài bẩn thỉu màu vàng xỉn, thồ hai hòm sắt tây. ở vùng Cao Mật đã lâu, nó đang từ lạc đà biến thành trâu. Đi liền sau lạc đà, là đội dân phu khênh cỗ máy in của huyện và một số máy móc của xưởng sửa chữa cơ khí huyện. Hơn chục dân phu, đều là đàn ông, quần áo đều mỏng, trên vai mỗi người đều có tấm đệm vai hình lá sen. Qua bước chân loạng choạng và cái dáng mắm môi mắm lợi của họ, thì biết máy móc rất nặng.
Sau đội dân công, là đội ngũ tạp nham của dân chúng. Đám cán bộ huyện, khu như Lỗ Lập Nhân và Phán Đệ thì cưỡi lừa hoặc ngựa chạy lên chạy xuống trên những vạt đất phèn, cố duy trì tình trạng có trật tự. Nhưng mặt đường quá hẹp, quá chật chội, mà hai bên đường thì lại rộng rãi bằng phẳng, dân chúng bèn bỏ con đường, mở rộng đội hình theo hàng ngang dẫm lép bép trên những vảy đất đi về hướng đông bắc. Ban đầu là một cuộc rút lui, nhưng nhanh chóng biến thành một cuộc tháo chạy vô cùng lộn xộn.
Cả nhà tôi bị kẹt trong dòng người đông đặc, lúc thì đi trên đường, về sau cùng không rõ là đang đi trên đường hay đi dưới ruộng. Mẹ đeo bao đay trước ngực, đẩy chiếc xe cút kít bánh gỗ hai càng cách nhau khá xa, mẹ phải đang rộng tay hết cỡ. Hai chiếc sọt hình hộp buộc hai bên xe, sọt bên trái là Lỗ Thắng Lợi và chăn gối, quần áo của cả nhà, sọt bên phải là Câm anh và Câm em. Tôi và Sa Tảo Hoa mỗi người một bên, vịn vào sọt mà đi cùng xe. Chị Tám mù thì bám vạt áo mẹ, lếch thếch đi cuối cùng. Chị Lai Đệ lúc tỉnh lúc lú thì đi trước xe, vai khoác dây, lưng gập lại, cổ ươn ra như kiếp trâu kéo. Chiếc xe rít kin kít chói tai, mẹ và chị Cả thở như kéo bễ, bàn chân nhỏ khiến chị và mẹ cực kỳ vất vả. Ba đứa trẻ trên xe đầu ngất ngưỡng, quay hết bên nọ đến bên kia xem cảnh huyên náo. Chúng tôi dẫm chân lên đất phèn lạo xạo, mũi ngửi mùi mặn của muối, lúc đầu rất thú, nhưng đi được vài dặm thì đầu váng mắt hoa, chân tay bủn rún, mồ hôi ướt đầm trong nách. Con dê trắng khỏe mạnh như lừa của tôi ngoan ngoãn theo sau, nó rất hiểu ý người, không cần dùng đến thừng chạc. Hôm ấy có gió bấc nhẹ nhưng buốt như cắt tai. Trên cánh đồng mênh mông cuộn lên những làn bụi trắng. Đó là hỗn hợp của muối, phèn và kiềm. Vào mắt, mắt chảy nước, vào da, da đau rát, ăn vào miệng thì chẳng ngon lành gì? Mọi người ngược gió mà đi, mắt nhíu lại. Những dân phu khiêng máy người ướt đẫm quần áo, nhất loạt biến thành người trắng. Mẹ cũng đã thành người trắng, lông mi lông mày trắng toát, tóc cũng trắng.
Khi tiến vào vùng trũng và ẩm ướt, bánh xe chuyển động khó khăn. Chị Cả phía trước đánh vật với con đường, sợi dây kéo hằn sâu vào thịt. Không trông thấy mặt chị, chỉ nhìn thấy lưng áo mồ hôi từng mảng. Tiếng thở của chị khiến người ta phát hoảng. Còn mẹ thì sao? Nói rằng đẩy xe, thực ra mẹ chẳng khác Chúa Giêsu chịu cực hình.
Cặp mắt u buồn của mẹ đẫm nước mắt. Nước mắt trộn mồ hôi chảy từng vệt dài trên mặt mẹ. Chị Tám đeo sau mẹ như một cái bị. Chúng tôi để lại phía sau vết hằn rất sâu của bánh xe, nhưng nó lại bị xóa hoặc mờ đi bởi những bánh xe, chân người và gia súc của những toán đi sau. Phía trước, phía sau, bên phải, bên trái chúng tôi đều là những người tị nạn. Những khuôn mặt quen và không quen đều trở nên mơ hồ. Tất cả đều vất vả, người vất vả ngựa vất vả, lừa vất vả. Tương đối dễ chịu là con gà mái trong bọc bà lão, và con dê của tôi. Nó nhanh nhẹn, trên đường đi nó tranh thủ ăn được một ít lá khô.
Mặt trời rọi những tia nắng xuống mặt đất nhiễm phèn, ánh phản quang làm lóa mắt, làn sáng trắng đi động trên mặt đất từng mảng màu bạc. Cánh đồng hoang mênh mông làm cho phía trước giống như biển bắc trong truyền thuyết.
Đến trưa, y như bệnh hay lây, mọi người không ai bảo ai mà cũng chẳng hiệu lệnh nào cả, nhất loạt ngồi xuống nghỉ. Không có nước, cổ họng khô bỏng, lưỡi rát như bị dao cứa, đưa đẩy trong miệng rất khó khăn. Mũi phả hơi nóng nhưng lưng và bụng thì lạnh toát, gió thổi khô mồ hôi, quấn áo cứng như tôn lá. Mẹ ngồi trên một càng xe, lấy trong sọt một cái bánh bột ngô, bẻ đôi chia cho chúng tôi. Chị Cả cắn một miếng, đôi môi khô nẻ của chị tóe máu, vài giọt thấm vào bánh. Ba sinh vật nhỏ trên xe mặt mày xanh tái chẳng khác lũ quỉ trong đền, chẳng còn ra hình người. Chúng không chịu ăn, cau có. Chị Tám nhe hàm răng trắng, đều dặn, nhấm từng tí một chiếc bánh khô cứng.
Mẹ thở dài, nói:
- Đây là những chủ trương tốt đẹp của các ông bố bà mẹ yêu quí của các cháu?
Sa Tảo Hoa sụt sịt:
- Ngoại ơi, mình về nhà đi! Mẹ nhìn đoàn người đông như kiến cỏ mà thở dài, không nói gì. Mẹ bảo tôi:
- Kim Đồng, từ nay phải thay đổi cách ăn.
Mẹ lấy trong bọc ra chiếc bình gốm có in ngôi sao năm cánh đi đến phía sau con dê, dùng tay phủi sạch cát bụi trên vú nó. Con dê không chịu, mẹ bảo tôi ôm lấy đầu nó. Tôi ôm lấy cái đầu lạnh như đá của nó, xem mẹ vắt sữa. Sữa rỏ tưng giọt vào bình. Con dê chắc là không thoải mái, nó đã quen với việc cho tôi nằm ngửa dưới bầu vú nó mà bú. Cái đầu nó lắc lắc trong tay tôi, lưng nó cong lên, cựa quậy như con rắn. Mẹ nhắc lại câu nói mà tôi rất sợ:
- Kim Đồng, khi nào thì con có thể ăn cơm?
Những năm tháng qua tôi đã từng ăn thử, nhưng dù tôi ăn những thức ngon đến mấy, dạ dày tôi vẫn không chịu, ăn vào là nôn ọe, nôn ra mật xanh mật vàng. Tôi xấu hổ nhìn mẹ, tự kiểm điểm nghiêm khắc bản thân, vì cái tật này mà thêm biết bao phiền toái cho mẹ, đồng thời cho tôi. Tư Mã Lương đã từng hứa chữa khỏi tật này cho tôi, nhưng từ khi nó bỏ trốn, tôi không gặp lại nó. Bộ mặt láu cá và đáng yêu của nó ẩn hiện trước mặt tôi. Lổ đạn có vết gỉ đồng xanh trên trán Tư Mã Thượng và Tư Mã Hoàng phát ra những tia đáng sợ. Tôi nhớ lại khung cảnh hai đứa nằm chung trong một quan tài nhỏ bằng gỗ liễu. Mẹ lấy miếng giấy hồng điều dán vào lỗ đạn, biến vết đạn thành nốt ruồi trang điểm của người.
Mẹ đã vắt được nửa bình sữa, đứng dậy tìm cái chai mà ngày trước cô Đường cho Sa Tảo Hoa bú, mở nút, đổ sữa vào chai. Mẹ đưa chai sữa cho tôi. Để khỏi phụ lòng mong mỏi của mẹ, vì tự do và hạnh phúc của tôi, tôi kiên quyết nhét đầu vú cao su màu vàng nhạt vào miệng. Chiếc đầu vú cao su không súc sống làm sao sánh được bầu vú màu phấn hồng đẹp tuyệt của mẹ tôi, đó là sự yêu thương, là thơ ca, là bầu trời cao vời vợi, là mảnh đất thuần hậu dập dềnh sóng lúa; cũng không sánh được bầu vú to tướng, căng phồng, đầy những vết tàn nhang của con dê. Bầu vú cao su là một vật chết, tuy bóng loáng nhưng không mịn màng. Cái đáng sợ nhất là nó là không mùi vị. Một cảm giác lạnh tanh và lờm lợm trong miệng. Vì mẹ và vì bản thân, tôi cố nén cảm giác ngán ngẩm, cắn nó một cái, nó hăng hái rít lên một tiếng khe khẽ, một ít sữa mằn mặn rỉ ra một cách khó khăn thấm trên khoang miệng và đầu lưỡi tôi. Tôi lại ti một ngụm nữa. Tôi nhủ thầm: ngụm này cho mẹ, ngụm này cho Kim Đồng. Tôi tiếp tục ti, vì Lai Đệ này, vì Lãnh Đệ này, vì Tưởng Đệ này, vì tất cả những người trong nhà Thượng Quan đã yêu tôi, đã thương tôi, đã giúp đỡ tôi vì Tư Mã Lương, thằng nhỏ thông minh nhanh này, cũng có quan hệ máu mủ gì với nhà Thượng Quan chúng tôi. Tôi nín thở, dùng công cụ đưa chất nuôi sống vào cơ thể. Khi tôi đưa trả mẹ cái chai, nước mắt ràn rụa trên mặt mẹ. Chị Lai Đệ cười sung sướng. Sa Tảo Hoa nói:
- Cậu lớn rồi!
Tôi cố gắng kiềm chế cảm giác buồn nôn và cái đau âm ỉ ở dạ dày, coi như không có chuyện gì xảy ra, tiến lên vài bước như một trang tu mi nam tử và đứng đái theo chiều gió, và hứng lên, tôi bơm chất nước màu vàng đó đi thật xa. Tôi trông thấy con đê: trên sông Thuồng Luồng nằm vắt ngang, cái nóc nhọn của nhà thờ và cây bạch dương chọc trời của nhà Tư Phạm. Chúng tôi vất vả cả một buổi sáng, vậy mà chỉ mới đi được một đoạn đường ngắn đến thảm hại.
Bị giáng xuống làm Chủ nhiệm Hội phụ nữ cứu quốc khu, chị Phán Đệ cưỡi con ngựa chột mắt trái, trên mông phải có đóng đấu bằng chữ số ả rập, từ phía tây đi đến. Con ngựa của chị vẹo cổ một cách quái gở, vụng về cất bước với những bộ vó lóng ngóng phát ra những tiếng lạch cạch, khập khiễng đi lại chỗ chúng tôi. Nó là con ngựa ô đực, sau khi bị thiến, nó trở thành con ngựa thái giám, giọng the thé, tính tình quái đản. Bốn chân và cái bụng của nó dính một lớp đất phèn màu trắng, yên cương thấm đẫm mồ hôi bốc lên mùi chua loét. Trong một thời gian dài, con ngựa rất nhu mì, nhu mì đến nỗi bọn trẻ tinh nghịch có thể vặt lông đuôi của nó. Nhưng một khi nó đã nổi máu thì có thể làm những chuyện động trời.
Mùa hè năm ngoái, khi ấy là thời đại của Tư Mã Khố, nó cắn một miếng vào đầu Phùng Lan Chi, con gái ông lái ngựa Phùng Quí, cô bé đã tưởng không sống được, trán và sau gáy để lại những vết sẹo khủng khiếp. Loại ngựa như vậy lẽ ra phải giết quách, nhưng nghe nói nó từng lập chiến công nên ân xá. Nó đứng trước cỗ xe nhà tôi, giương con mắt độc nhỡn nhìn con dê của tôi. Con dê của tôi cảnh giác lùi lại chỗ có đất phèn dày nhất, liếm những phấn trắng trên mặt đất. Chị Phán Đệ vẫn tỏ ra nhanh nhẹn dù rằng cái bụng của chị đã lùm lùm. Chị xuống ngựa. Tôi nhìn bụng chị, đoán thử hình dáng đứa trẻ trong đó, nhưng không đoán nổi, chỉ nhìn thấy những vết ố trên bộ quân phục màu xám của chị.
- Không nên dừng lại ở đây. Mẹ ơi, chúng con đã chuẩn bị nước nóng, cơm trưa ở thôn trước mặt, ta phải đến đó - Phán Đệ nói.
Mẹ nói:
- Phán Đệ, mẹ bảo này, mẹ không muốn rút với các con nữa!
Phán Đệ cuống quít lên:
- Mẹ, dứt khoát không được, quân địch trở lại lần này hoàn toàn khác với những lần trước, một ngày giết bảy ngàn người ở khu vực Bột Hải. Bọn Hoàn Hương Đoàn hiếu sát, giết cả mẹ đẻ.
Mẹ nói:
- Tao không tin lại có người giết cả mẹ đẻ.
Chị Phán Đệ nói:
- Mẹ, dù thế nào chăng nữa cũng không thể để mẹ quay lại, quay lại là tự đâm đầu vào lưới, chắc chắn là chết! Mẹ không lo cho mẹ thì thôi, nhưng phải nghĩ đến những đứa này chứ?
Chị lấy trong xắc cốt cái lọ nhỏ mở nút đổ ra mấy viên thuốc màu trắng đưa cho mẹ, nói:
- Đây là vitamin, một viên bằng một cây cải bẹ và hai quả trứng, mẹ, khi nào mệt mỏi chịu không nổi thì mẹ uống một viên, chia cho bọn trẻ một viên. Ra khỏi vùng đất phèn là đường dễ đi, bà con Bắc Hải sẽ nhiệt tình đón tiếp chúng ta. Mẹ, đi ngay đi, đừng ngồi ở đây nữa!
Chị túm lấy bờm ngựa, lồng chân vào bàn đạp nhảy lên yên vội vã chạy đi, vừa chạy vừa nói to:
- Bà con ơi, dậy mà đi, trước mặt là Vương Gia Khưu, có nước nóng có dầu mỡ, có củ cải có hành tây, chuẩn bị sẵn cả rồi!...
Được khuyến khích, mọi người đứng dậy, tiếp tục cuộc hành trình.
Mẹ lấy khăn tay gói mấy viên thuốc chị Phán Đệ cho, bỏ vào túi, rồi vớ lấy hai càng xe:
- Nào, ta đi các con.
Đội quân rút lui ngày càng dài ra, nhìn trước không thấy đầu, nhìn sau không thấy cuối. Chúng tôi đã tới Vương Gia Khưu. Vương Gia Khưu không có nước nóng cũng không có dầu, càng không có củ cải hành tây! Đội la của huyện đã rời đây trước khi chúng tôi đến, cỏ khô và phân la vung vãi là vết tích của họ để lại. Dân chúng đốt đống lửa ở giữa sân để nướng lương khô. Mấy đứa con trai dùng cành cây đào hành dại ở ngoài đồng. Khi chúng tôi rời Vương Gia Khưu thì bắt gặp Thằng Câm dẫn hơn chục đội viên đi vào. Hắn không xuống ngựa, móc trong túi hai củ khoai lang chín dở và một củ cải đỏ ném vào sọt trên xe, suýt bươu đầu Thằng Câm em.
Tôi đặc biệt chú ý cái cười nhe cả lợi của hắn với chị Cả, cái cười của sài lang hổ báo? Gì thì chị Cả từng đính hôn với hắn. Những người có mặt không bao giờ quên màn trình diễn kinh hồn giữa hắn với chị bên bờ đầm. Các đội viên đều đeo súng tiểu liên, Thằng Câm đeo lủng lẳng trước ngực bốn quả địa lôi đen bóng.
Khi mặt trời gác núi, chúng tôi kéo theo cái bóng dài lê thê, lần tới một thôn nhỏ. Trong sân tiếng người ồn ào tất cả các ống khói của các gia đình đều tuôn khói trắng. Nhân dân nằm đầy đương, ngổn ngang như củi. Một số cán bộ mặc quần áo xám len lỏi giữa đám đông. Bên giếng nước đầu thôn, người xếp hàng dài chờ lấy nước, người len vào đã đành, súc vật cũng len vào. Mùi nước giếng trong lành khiến mọi người phấn chấn, con dê của tôi cũng hếch mũi lên, hắt hơi rõ to. Chị Lai Đệ cầm cái bát rạn vừng men xanh, nghe nói cái bát này là đồ cổ có giá len vào lấy nước. Mấy bận đã tưởng chị len vào được lại bị người ta dẩy bật ra. Một dân phu làm cấp dưỡng cho huyện nhận ra chúng tôi, bèn xách đến một thùng nước. Sa Tảo Hoa và chị Cả là những người đầu tiên chạy tới quì xuống vục đầu vào trong thùng uống nước, vội đến nỗi cụng đầu vào nhau. Mẹ không bằng lòng, trách chị Cả:
- Cho bọn nhỏ uống trước chứ!
Chị Cả sững lại, Sa Tảo Hoa đã uống ừng ực như con bê, chỉ khác con bê ở chỗ hai tay bám lấy mép thùng.
- Thôi cháu, uống ít thôi kẻo đau bụng - Mẹ khuyên, nắm vai nó đẩy ra.
Nó liếm môi như vẫn còn thèm, nước reo ùng ục trong bụng nó. Chị Cả uống một trận, lúc đứng lên, bụng chị lớn hơn nhiều. Mẹ múc nước bằng bát cho Câm anh, Câm em và Sa Tảo Hoa uống. Sau đó là chị Tám, chị đánh hơi lần đến chỗ thùng nước, quì xuống, vục đầu mà uống. Mẹ hỏi:
- Kim Đồng, con có uống không?
Tôi lắc đầu. Mẹ múc một bát nước. Tôi thả con dê, nó rất muốn xông tới, nhưng bị tôi ôm chặt cổ. Con dê của tôi khát nước là đúng vì nó ăn rất nhiều đất phèn, nó cắm đầu uống, nước trong thùng cạn rất nhanh, bụng nó thì phình dần lên. Ông già cấp dưỡng vô cùng cảm khái, nhưng ông chỉ thở dài không nói gì. Mẹ cảm ơn ông ta, ông thở dài càng dữ.
- Mẹ, sao mẹ đến muộn thế? Chị Phán Đệ phê bình mẹ.
Mẹ không giải thích. Chúng tôi đẩy xe, dắt dê đi theo chị, quanh co luồn lách giữa đám đông, nghe đủ những lời nguyền rủa và oán trách, cuối cùng vào trong một cái sân có tường vây bằng đất, cổng gỗ. Phán Đệ giúp mẹ bế mấy đứa trẻ ra khỏi sọt. Chị định đưa cái xe và con dê ra ngoài, nơi có mười mấy con lừa và ngựa, rơm cỏ chẳng có, thức ăn thì không, lũ lừa ngựa đành gặm vỏ cây. Chúng tôi để xe trong ngõ, con dê theo tôi vào trong sân. Phán Đệ nhìn tôi không nói gì, chị biết con dê là nguồn sống của tôi.
Gian giữa ánh đèn sáng trưng, một bóng người to lớn dưới ánh đèn. Các cán bộ huyện đang tranh cãi điều gì đó, trong đó có tiếng khàn khàn của Lỗ Lập Nhân. Ngoài sân, mấy chú lính bồng súng đứng gác, không chú nào đứng thẳng vì chân bị đau. Trời đầy sao, màn đêm nặng trĩu. Phán Đệ dẫn chúng tôi vào một gian chái, trên tường treo ngọn đèn leo lét. Một bà già nằm ngay ngắn trong chiếc quan tài mở nắp, thấy chúng tôi vào, bà mở mắt bảo:
- Làm ơn đậy nắp lại hộ tôi, tôi phải chiếm cái nhà này của tôi!
Mẹ nói:
- Bà ơi, sao bà lại làm vậy?
Bà già nói:
- Hôm nay là ngày lành tháng tốt của tôi, làm ơn đậy cái nắp lên hộ tôi một tí.
Phán Đệ nói:
- Phiên phiến thôi mẹ, so với ngủ ngoài đường còn tốt chán!
Đêm ấy chúng tôi ngủ không ngon giấc. Cuộc tranh cãi ngoài gian giữa đến nửa đêm mới chấm dứt. Tranh cãi vừa dứt thì ngoài đường có tiếng súng nổ, cảnh nhốn nháo vừa tạm yên thì giữa thôn có đám cháy, ngọn lửa phần phật như những dải lụa đỏ, soi rõ mặt mọi người, soi rõ cả khuôn mặt bà già nằm trong quan tài. Lúc trời sáng, bà già không động cựa gì cả, mẹ gọi, bà không mở mắt, bắt mạch thì thấy bà lão đã chết. Mẹ nói:
- Số như vậy là số tiên!
Mẹ và chị Cả đậy nắp quan tài cho bà lão.
Mấy ngày tiếp theo lại càng gian khổ. Khi tới chân núi Đại Trạch, mẹ và chị Cả đã phồng rộp cả hai bàn chân. Câm anh và Câm em đều bị ho. Lỗ Thắng Lợi bị sốt và đi ỉa chảy. Mẹ nhớ tới mấy viên thuốc của chị Năm, liền nhét một viên vào miệng nó. Chỉ có chị Tám tội nghiệp là chẳng ốm đau gì. Đã hai ngày nay chúng tôi không trông thấy bóng dáng của chị Phán Đệ. Cán bộ huyện, khu cũng không thấy một ai. Một bận trông thấy Thằng Câm, hắn cõng một đội viên bị thương từ phía sau chạy lên. Người đó gãy cả hai chân, máu rỏ giọt xuống đường qua hai ống quần rỗng, khóc mếu nài nỉ Thằng Câm:
- Đội trưởng giúp tôi một tí cho thanh thản, đau chết mất, mẹ ơi!
Khoảng ngày thứ năm kể từ khi chạy nạn, chúng tôi trông thấy dãy núi lớn phía bắc, trên núi có những lùm cây, đỉnh núi hình như có một cái miếu nhỏ. Từ con đê Thuồng Luồng sau nhà, vào những hôm đẹp trời, tôi có thể nhìn thấy quả núi này, nhưng khi đó nó có màu xanh đen. Ngọn núi đã ở trước mặt, hình thế của núi, khí hậu mát mẻ của núi khiến chúng tôi hiểu rằng mình đã rời quê rất xa. Chúng tôi đi trên con đường rải đá rất rộng, trúc mặt có một chi đội người ngựa đi ngược chiều, các binh sĩ ăn mặc như binh sĩ của trung đoàn 17. Bộ đội đi ngược chiều chứng tỏ ở quê chúng tôi đã trở thành chiến trường. Sau đội kỵ mã là bộ binh, sau bộ binh là những con la kéo pháo, đầu nòng cắm một bó hoa, các pháo thủ vênh váo ngồi trên nòng pháo. Sau pháo là đội cứu thương. Sau đội cứu thương là những xe nhỏ xếp hàng hai, trên xe là những bao bột mì hoặc bao gạo, ngoài ra còn có một số bao cỏ.
Những người dân tị nạn vùng Cao Mật sợ hãi đứng nép hai bên nhường đường cho đại quân. Trong đoàn bộ binh, có mấy người đeo súng pạc-hoọc tách ra khỏi đội ngũ, đến hỏi thăm tình hình trong đám dân tị nạn. Anh thợ cắt tóc Vương Siêu đẩy cỗ xe bánh cao su rất thời thượng, dọc đường đã trải qua ung dung, nhưng đến đoạn đường này thì anh ta gặp vận xui. Một chiếc xe trong đội vận chuyển Lương thảo bị gãy trục, người đàn ông đẩy xe tuổi trung niên lật nghiêng xe, tháo cái trục ra ngắm nghía mãi, hai bàn tay đen sì dầu mỡ. Làm bò kéo xe là một thiếu niên khoảng mười lăm tuổi trên đầu có cái nhọt mạch lươn, hai khóe mép lở loét, mình mặc chiếc áo cộc không có cúc, thắt lưng băng sợi dây thừng.
Chú hỏi:
- Sao vậy, bố?
Thì ra đó là hai bố con. Người bố mặt mày rầu rĩ, nói:
- Trục gãy rồi, con ạ!
Hai cha con hè nhau lôi cái bánh xe nặng chịch ra.
- Bố ơi làm thế nào bây giờ - chú hỏi.
Người bố ra chỗ cây bạch dương bên đường, chùi tay vào vỏ cây:
- Chẳng còn cách nào? Lúc này, một người đeo tiểu liên, cụt một tay, mặc quân phục mỏng đã cũ nhưng trên đầu lại đội một chiếc mũ da chó, người nghiêng nghiêng đi tới.
- Vương Kim, Vương Kim! - Người cụt tay giận dữ quát - sao tụt lại đằng sau hả? Có phải anh định làm mất mặt đại đội gang thép của chúng tôi?
- Thưa chỉ đạo viên - Vương Kim nhăn nhó - Xe tôi gãy trục rồi?...
Chỉ đạo viên cụt tay giận điên lên:
- Đ. mẹ, không gãy vào lúc khác mà lại nhằm vào lúc ra mặt trận? Đã bảo anh phải kiểm tra xe cho kỹ?
Chỉ đạo viên cụt tay càng nói càng cáu, khuôn mặt xám ngoét của anh ta khiến tôi lại nhớ tới Sạ nguyệt Lượng. Anh ta giơ cánh tay đặc biệt phát triển đánh Vương Kim một bạt tai. Vương Kim ối lên một tiếng, gục đầu xuống, máu chảy ra từ hai lỗ mũi.
- Ông là ai mà đánh bố tôi? - Chú bé chất vấn chỉ đạo viên. Chỉ đạo viên nói.
- Sao, không chịu hả? Giao Lương không đúng kỳ hạn thì tao bắn chết cả hai bố con!
Chú thiếu niên nói:
- Ai muốn gãy trục xe làm gì? Nhà cháu nghèo, chiếc xe này cháu mượn của cô cháu.
Vương Kim moi một ít bông trong tay áo đứt nút lỗ mũi, lầu bầu:
- Chỉ đạo viên, ông bất chấp cả lẽ phải!
- Lẽ phải nào? - chỉ đạo viên nghiêm mặt hỏi - đưa được lương thực ra mặt trận là lẽ phải, không đưa được lương thực ra mặt trận là không có lẽ phải. Các người đừng có ca cẩm nữa, dù phải cõng phải vác, cũng phải đưa hai trăm bốn mươi cân kê này tới trấn Đào Quan trong ngày hôm nay!
Vương Kim nói:
- Chỉ đạo viên, ông thường hay nói phải thực tế hai trăm bốn mươi cân... cháu lại nhỏ... tôi van ông đấy
Chỉ đạo viên ngẩng lên nhìn mặt trời, cúi xuống xem đồng hồ, ngoảnh nhìn ra tứ phía, bất chợt trông thấy cỗ xe nhà tôi, nhìn tiếp thấy cỗ xe bánh cao su của Vương Siêu. Vương Siêu có nghề cắt tóc kiếm tiền cũng khá, lại độc thân, có tiền mua thịt mua cá, dinh dưỡng tốt nên mặt mũi đầy đặn, nước da hồng hào chẳng ra dáng người làm ruộng. Chiếc xe nhỏ bánh cao su của anh ta, một bên là cái hòm đựng đồ nghề cắt tóc, bên kia là chiếc chăn hoa, bên ngoài chiếc chăn còn được bọc một tấm da chó. Chiếc xe được đóng bằng gỗ hòe gai; đánh một lớp véc ni, gỗ hòe nhẵn bóng, không những đẹp mắt mà còn rất thơm. Trước khi lên đường, anh ta còn bơm bánh xe thật căng đi trên đường rải đá, chiếc xe nhảy tâng tâng, xe nhẹ người khỏe, trong bọc giắt bình rượu, đi vài dặm lại gác càng xe mở nút làm vài ngụm, chân nhẹ tênh, miệng nghêu ngao dăm câu hát, anh ta là quí tộc trong đám dân tị nạn. Cặp mắt đen của chỉ đạo viên đảo như chớp, vừa mỉm cười vừa bước tới tỏ vẻ thân thiện:
- Các vị từ đâu tới?
Không ai trả lời anh ta, vì rằng khi hỏi câu ấy, anh ta nhìn vào cây bạch dương, thân cây có vết dầu mỡ mà anh dân phu vừa bôi lên. Những cây bạch dương màu xám, cây nọ tiếp cây kia, các cành vươn lên cao trong tư thế chọc trời. Nhưng ánh mắt anh ta nhanh chóng chuyển sang Vương Siêu, nét thân thiện trên mặt biến mất, thay vào đó là thái dộ nghiêm nghị như tượng trong đền.
- Anh thành phần gì? - Anh ta nhìn khuôn mặt bóng nhẫy của Vương Siêu hỏi.
Vương Siêu choáng váng, không hiểu đầu đuôi ra sao.
- Trông bộ anh - Anh cụt tay nói như đinh đóng cột - không địa chủ thì cũng là phú nông, không phú nông thì tiểu chủ, nghĩa là cái loại người ngồi mát ăn bát vàng chứ không sống bằng sức lao động của mình.
- Thưa trưởng quan - Vương Siêu nói - Oan cho tôi, tôi là thợ cắt tóc, sống bằng tay nghề, nhà chỉ có hai gian, ruộng không có, vợ con cũng không, một người ăn, no cả nhà, ăn hôm nay không biết có ngày mai. Nơi tôi vừa vạch xong thành phần, trên khu qui tôi là thợ thủ công, tương đương trung nông lớp dưới, thành phần cơ bản mà!
- Nói láo - Anh cụt tay nói - anh bẻm mép như vẹt cũng không qua được mắt tôi. Chúng tôi trưng dụng cái xe của anh!
Anh ta quay lại gọi cha con Vương Kim:
- Mau dỡ hàng xuống, chất lên xe này!
- Thưa trưởng quan - Vương Siêu nói - Chiếc xe này tôi tích cóp nửa đời người mới có, ông không được tước đoạt người nghèo.
Anh cụt tay nổi giận nói:
- Vì thắng lợi, ông đã hiến cả cánh tay. Cái xe rách của anh đáng mấy đồng? Các chiến sĩ ngoài tiền tuyến đang chờ lương thực mà anh dám chống lệnh hả?
- Thưa trưởng quan - Vương Siêu nói - Ông với tôi không cùng khu, cũng không cùng huyện, ông quyền gì mà trung dụng xe của tôi?
Anh cụt tay nói:
- Huyện nào khu nào cũng phải phục vụ tiền tuyến!
Vương Siêu nói:
- Không được, tôi không đồng ý!
Anh cụt tay quì một chân xuống đất, rút bút máy ra, dùng miệng mở nắp bút, lại lấy ra một mảnh giấy bằng bàn tay đặt lên đùi, nguệch ngoạc viết mấy chữ, hỏi:
- Anh tên gì? Huyện nào, khu nào?
Vuông Siêu trả lời từng điểm một.
Anh cụt tay nói:
- Tôi với Huyện trưởng Lỗ Lập Nhân là chiến hữu. Thế này nhé, xong trận này anh đưa giấy này cho ông ta, ông ta sẽ đền cho anh một chiếc xe.
Vương Siêu chỉ vào chúng tôi, nói:
- Thưa ông, đây là mẹ vợ Lỗ huyện trưởng, đây là cả gia đình!
Anh cụt nói:
- Bác ơi, nhờ bác làm chúng hộ, nói rằng tình hình khẩn cấp, chỉ đạo viên Quách Mạt Phúc của Đoàn dân công chi viện tiền tuyến khu Bột Hải có trưng dụng một chiếc xe của Vương Siêu, đề nghị anh Lỗ giải quyết chuyện đền bù cho thỏa đáng!
- Tốt rồi - Anh cụt nhét mảnh giấy vào tay Vương Siêu rồi giận dữ quát cha con Vương Kim - Còn chần chừ gì nữa? Mẹ kiếp! Giao lương không đúng hẹn, cha con anh thì ăn roi, còn tôi thì ăn đạn!
Quách Mạt Phúc chỉ vào mũi của Vương Siêu, nói:
- Mau dỡ đồ đạc của anh xuống!
Vương Siêu nói: - Thưa ông, ông bảo tôi làm thế nào bây giờ?
Quách Mạt Phúc vỗ tay vào báng súng lục, sầm mặt lại nói:
- Cứ phải lẩy cho anh một phát vào đầu mới xong phải không? Dỡ xuống! Mẹ kiếp, sao mà giác ngộ thấp thế! Tôi từng uống rượu tiết gà, kết bạn sinh tử với huyện trưởng nhà anh, anh xấu hay tốt tôi chỉ cần đá lưỡi một cái là xong!
Vương Siêu nhăn nhó nhìn mẹ:
- Bác ơi, bác làm chứng cho tôi nhé?
Mẹ gật đầu.
Cha con Vương Kim đẩy chiếc xe của Vương Siêu, vui như mở cờ trong bụng.
Anh cụt lịch sự gật đầu chào mẹ, không thèm ngó Vương Siêu - người đã hiến chiếc xe, rảo bước chạy theo đội ngũ.
Vương Siêu ngồi phịch xuống bó chăn, mặt dài như mặt khỉ, lẩm bẩm một mình: Sao mà mình xui thế không biết? Người khác chẳng sao, lại rơi đúng vào đầu mình? Mình có chơi xấu ai đâu mà đến nông nỗi này! Nước mắt chảy dài theo cặp má phúng phính, anh ta khóc như đứa trẻ lên ba.
Chúng tôi đã tới dưới chân quả núi lớn, con đường rải đá tẽ thành hơn chục con đường nhỏ ngoằn ngoèo bò lên núi. Buổi tối, những người tị nạn tụm năm tụm ba bàn luận những tin tức trái ngược nhau bằng đủ các giọng. Đêm ấy, mọi người ngủ qua đêm trong các bụi quán mộc. Từ mạn nam và mạn bắc vọng tới những tiếng nổ nặng nề, những tia chớp đầu nòng xé rách màn đêm. Vào lúc nửa đêm, không khí quánh lại và ẩm ướt, gần như có thé quơ tay mà nắm như nắm những sợi bông. Gió như những con rắn, luồn theo khe núi trơn tới, rung những lá vàng còn dính trên cây xào xạc. Tiếng cáo kêu thê tham trong hang. Tiếng hú của những con sói trong khe núi. Những đứa trẻ sắp chết rên như tiếng mèo hen. Ông già ho như gõ thanh la. Đúng là một đêm kinh khủng. Lúc trời sáng đã thấy mấy xác chết vứt trong khe núi, trẻ con có, người già có có cả trung niên. Cả nhà tôi sống sót là do chúng tôi đã chiếm được một bụi cây khá đặc biệt: những cây khác rụng hết lá, riêng nó thì còn nguyên, lại còn có một đống cỏ khô rất dày. Chúng tôi ôm chặt lấy nhau, chiếc chăn duy nhất trùm lên dấu, con dê nằm sát sau lưng thành một bức tường che gió cho tôi. Cơ cục nhất là lúc nửa đêm về sáng, pháo nổ đùng đoàng phía nam càng tăng thêm cảnh tĩnh mịch trong những bụi cây, tiếng rên như cứa vào tim, khiến người nổi gai ốc, tai ong ong như có tiếng hát bội trong đó. Thực ra, đó là tiếng khóc ti tỉ của một phụ nữ.
Sương mù bám lấy chiếc chăn lạnh giá trên đầu. Trời mưa, mưa đông, những hạt mưa rơi trên chăn, mưa rơi loạt soạt trên những lá vàng khô của bụi quán mộc, rơi trên sườn núi, trên đầu dân tị nạn, rơi trên bộ lông vàng rộm và dày của những con sói đang hú. Hạt mưa rơi giữa chừng biến thành bột xốp, đến mặt đất lập tức đóng thành băng, hạt mưa tí tách, bóng đêm chứa ẩn bao điều huyền bí. Tôi chợt nhớ lại cái đêm ông ba Phàn giơ cao ngọn đuốc dẫn đắt chúng tôi ra khỏi cõi chết. Ngọn đuốc như con ngựa hồng nhảy nhót trong đêm tối. Đêm ấy tôi chìm trong hơi ấm của sữa, ôm bầu vú vĩ đại mà tưởng mình bay lên thiên đàng. Giờ đây ảo mộng đáng sợ lại bắt đầu. Luồng sáng màu vàng xuyên qua màn đêm như luồng ánh sáng trên máy chiếu phim của. Bác-bít, côn trùng bay trong luồng sáng như những chám trắng, một phụ nữ tóc dài tha thướt, áo màu mây hồng đính hàng ngàn vạn viên ngọc lấp lánh, lúc thì giống chị Lai Đệ, lúc giống Tiên Chim, lúc lại gíông Kim-Một-Vú, đột nhiên lại biến thành bà người Mỹ. Bà ta mỉm cười dịu dàng, ánh mắt sao mà đẹp, duyên dáng, mê hoặc, như đớp lấy hồn người ta, những giọt nước mắt lấp ló bên bờ mi, hàng lông mày cong vút, hàm răng trắng bóng cắn nhẹ môi dưới, đôi môi đỏ hồng. Sau đó bà lần lượt cắn nhẹ các ngón tay tôi, cắn nhẹ các ngón chân tôi. Thấp thoáng cái eo nhỏ, cái rốn xinh xinh như hạt anh đào. Tôi nhìn ngọc lên và bất giác nước mắt đâm đìa, nức nở thành tiếng: Hai bầu vú như đúc bằng vàng khối nạm hai viên ngọc thấp thoáng sau làn áo mỏng. Tiếng nói của người dẹp từ trên cao dội xuống, lạy đi, thằng nhỏ nhà Thượng Quan, đây là Thượng đế của nhà ngươi. Thì ra Thượng đế là hai bầu vú. Thượng đế có thể biến hóa, biến hóa đến vô cùng, anh mê say cái gì, Thượng đế sẽ biến thành nó để anh xem, nếu không, sao gọi là Thượng đế? Tôi không vươn tới được Người, Người cao quá!
Thế là bà ta sà thấp xuống, vén làn áo mỏng trước mặt tôi, mỏng như nước, vấn vương quanh núi. Thân hình bà chập chờn bất định, cặp vú Thượng đế của tôi có lúc chạm vào trán tôi, có lúc quệt ngang má tôi, nhưng không bao giờ chạm vào môi tôi. Tôi máy lần dưới lên như con cá vọt lên mặt nước, miệng há to nhưng toàn đớp hụt. Tôi giận dỗi, tôi sốt ruột, nhưng là giận dỗi trong hạnh phúc, sốt ruột trong hy vọng tràn trề. Bà mỉm cười, nụ cười ranh mãnh và đầy quyến rũ. Tôi không ghét sự ranh mãnh đó, vì sự ranh mãnh đó là mật ong, là búp sen hình bầu vú, là quả thảo mai ngậm sương có hình búp sen, là bầu vú có hình quả thảo mai bôi mật ong. Cái lúm đồng tiền của bà làm tôi mê mấn, chỉ một tiếng cười khiến tôi cảm động tới mức quì xuống ăn phân chó. Vì bà, tôi có thể ăn phân chó, dù rằng tôi là thằng con trai sống toàn bằng sữa. Bà không nên dập dờn như thế, tôi xin bà cho tôi cắn vào bà, tôi nguyện cùng bà bay lên chín tầng mây xem những con Ô Thước bắc cầu. Vì bà tôi có thể nắn miệng thành mỏ, khuôn mặt trở nên gớm ghiếc, trên người mọc lông tơ, hai vai mọc đôi cánh, hai chân mọc thêm vuốt, bọn trẻ nhà Thượng Quan chúng tôi, ai cũng có cảm tình với loài chim. Vậy thì người hãy mọc lông mọc cánh đi! Thế là toàn thân tôi đau đớn một cách kỳ lạ và sốt cao vì mọc lông mọc cánh.
- Kim Đồng, Kim Đồng!
Mẹ đang gọi tôi. Mẹ kéo tôi ra khỏi ảo giác. Mẹ và chị Cả xoa bóp chân tay tôi trong bóng tối, kéo tôi trở về từ chỗ ranh giới giữa cái sống và cái chết.
Trời mờ sáng. Tiếng khóc vang lên trong các bụi cây. Mọi người dùng tiếng khóc để biểu thị sự xót thương đối với người chết. Dưới tán lá khô vàng của bụi quán mộc và cái chăn có phủ lớp vải dầu, trái tim của bảy người trong gia dình tôi đang đập. Số thuốc của chị Phán Đệ cho, mẹ chia cho mỗi người một viên. Tôi không uống, mẹ nhét viên thuốc vào miệng con dê. Nó nuốt viên thuốc rồi ăn những lá khô trên bụi quán mộc. Băng bám đầy trên lá, trên cành cây, phủ một lớp trong suốt lên những hòn đá quạ dưới khe núi, tất cả đều phủ một lớp băng mỏng. Không có gió, mưa lạnh tiếp tục rơi, cành cây loạt soạt đường trên núi bóng loáng có thể soi gương.
Một người tị nạn dắt con lừa, trên lưng con lừa là cái xác của một phụ nữ, định men theo một lối mòn lên núi. Con lừa của anh ta ngã lên ngã xuống vì trượt chân.
Anh ta giúp con lừa, nhưng dùng súc quá mạnh nên ngã theo. Người và lừa trở nên lóng ngóng, cái xác của người phụ nữ lăn xuống khe. Trong thung lũng, một con báo gấm đang ngậm một cái xác trẻ con, đầu nặng đít nhẹ nên con báo ngất ngưỡng nhảy trên những tảng đá, nó nhảy liên tiếp cho khỏi ngã xuống nước. Người phụ nữ tóc xõa vừa gào khóc vừa đuổi theo con báo. Chị vừa lăn vừa bò trên tảng đá đóng băng, cằm rách, răng cửa gãy, gáy rỉ máu, móng tay gãy, cổ chân bị trẹo gân, tay trật khớp, lục phủ ngũ tạng lộn tùng phèo, nhưng chị không cho con báo được thở, đuổi đến cùng cuối cùng, chị tóm được đuôi con báo.
Mọi người rơi vào cảnh khó khăn, cử động là ngã, không cử động thì chết cóng. Không ai muốn chết, vậy là cái ngã đã làm mất mục tiêu của cuộc rút chạy. Ngôi miếu nhỏ trên đỉnh núi đã biến thành một đốm trắng lấp lánh, cây cối trên sườn núi cũng biến thành màu trắng. Trên độ cao ấy, mưa lạnh đã biến thành tuyết. Mọi người không dám trèo lên, chỉ loay hoay dưới chân núi. Chúng tôi nhìn thấy thi thể anh thợ cắt tóc Vương Siêu dưới gốc cây tượng thụ, anh ta dùng thắt lưng treo cổ dưới cành thấp nhất, cành cây cong như cánh cung, có thể gãy bất cứ lúc nào. Ngón chân anh ta chớm mặt đất chiếc quần dài tụt xuống đầu gối, chiếc áo khoác ngoài phủ kín mông nên không đến nỗi khó coi. Tôi chỉ nhìn thoáng qua khuôn mặt to bè tím ngắt và cái lưỡi lè ra như một mẩu vải rách rồi vội quay mặt đi. Vậy mà những hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi trong giấc ngủ. Không ai để ý đến anh ta. Mấy người có vẻ hiền lành đang tranh nhau cái chăn và tấm da chó của anh ta. Giằng đi kéo lại cuối cùng cắn xé nhau. Người to con đột nhiên hét tướng lên, cái tai vểnh của anh ta đã bị người bé nhỏ cắn đứt. Người bé nhỏ nhổ cái vành tai vào lòng bàn tay, cầm lên ngắm nghía, quăng trả người to con, rồi anh ta ôm bọc chăn và tấm da chó bỏ chạy, khéo léo tìm chỗ đặt anh sao cho khỏi ngã. Anh ta chạy đến bên một ông già, ông già giơ cây chống càng xe vụt cho anh ta một cái vào đầu. Anh ta ngã lăn ra như một bao tải gạo. Ông già tựa lưng vào thân cây, tay cầm cây gậy ba chạc bảo vệ cái chăn. Mấy kẻ liều mạng định đến cướp nhưng bị ông già chọc nhẹ một cái là ngã chổng bốn vó. Ông già mặc chiếc áo bông dài, thắt quanh người sợi thừng to bự, đầu thừng lủng lẳng cái tẩu và túi đựng thuốc hút. Ông có chòm râu bạc trắng bám đầy băng.
- Không sợ chết thì cứ xông vào!
Ông già thét chói tai, mặt dài ra, mắt đổi màu xanh lục. Mọi người hoang mang dãn ra.
Mẹ quyết định dứt khoát:
- Quay về, về nhà! Mẹ dựng xe lên rồi chập choạng đẩy đi. Trục xe sau khi bị nước mưa rít lên chói tai khi lăn bánh. Chúng tôi ra những người đầu têu. Nhiều người, cứ lặng lẽ đi theo chúng tôi, có người nhanh chóng vượt cả chúng tôi, lại rong ruổi trên con đường trở về quê cũ.
Băng vỡ dưới bánh xe, băng bắn sang hai bên, trời bổ sung bằng mưa lất phất, rồi đột nhiên trong mưa có những cục đá đánh rát vành tai và da mặt, cuối cùng là mưa đá. Cánh đồng hoang mênh mông rào rào như xay lúa. Chúng tôi giữ nguyên cung cách như khi đi, mẹ đẩy xe, chị Cả làm bò, gót chân chị nút nẻ gần như trông thấy xương. Chị kéo xe mà như múa ương ca. Mỗi khi xe bị chao nghiêng, chị cũng chao nghiêng, lần nào cũng như lần nào. Lục phản hồi của sợi thừng kéo căng làm chị ngã liền mấy bận. Chị vừa kéo vừa khóc hu hu. Tôi và Sa Tảo Hoa cũng khóc. Mẹ không khóc, hai mắt thâm quầng, mẹ mắm môi mắm lợi dồn hết tinh lục, vừa thận trọng vừa kiên quyết biến hai bàn chân tí xíu như hai bàn xẻng nhỏ tí bám mặt đất tiến lên từng bước chắc chắn. Chị Tám lặng lẽ đi sau mẹ, tay túm vạt áo, lon ton như một quả cà ủng trôi theo dòng nước.
Con dê của tôi là một con dê sáng giá. Nó theo tôi không rời nửa bước. Nó cũng ngã xoành xoạch, nhưng mỗi lần ngã lại bật dậy ngay lập tức. Để bảo vệ bầu vú cho nó, mẹ lấy miếng vải trắng trùm ngược vú, thắt hai nút trên lưng, lại còn lồng vào giữa hai miếng da thỏ để giữ hơi ấm. Tấm da thỏ khiến người ta nhớ lại thời kỳ yêu như điên như cuồng của Sa Nguyệt Lượng. Con dê ứa nước mắt, mũi phát ra những tiếng rên rỉ, đó là ngôn ngữ của nó. Hai tai nó nứt nẻ vì băng giá, bốn chân màu phấn hồng. Từ khi bầu vú được che ấm, nó trở thành con dê hạnh phúc nhất. Miếng vải và tấm da thỏ, ngoài tác~ dụng giữ hơi ấm, còn là vật để đỡ vú. Đó là một sáng tạo. Sau này, khi tôi là chuyên gia về nịt vú, tôi đã thiết kế kiểu nịt vú da thỏ cho phụ nữ vùng cao rét buốt.
Chúng tôi trở về với những bước chân vội vã, dự kiến giữa trưa thì về tới chỗ đường rải đá có ca bạch dương. ánh nắng chưa chọc thủng mây, nhưng đất trời đã hửng sáng. Con đường rải đá long lanh như ngọc lưu ly. Sau đó, băng mỏng bị những bông tuyết thay thế. Mặt đường, ngọn cây, đồng ruộng hai bên đường, rất nhanh chuyển sang màu trắng. Thường xuyên gặp những xác chết trên đường, xác người và xác súc vật, đôi khi có cả xác chim sẻ, chim thước, gà rừng. Chỉ có chim quạ là không chết, trên nền tuyết trắng, bộ lông con quạ càng đen nhánh. Chúng mổ xác chết, mỏ bị đau nên cất tiếng kêu than thở.
Vận may đã đến. Đầu tiên là tôi nhặt được nửa bao thức ăn gia súc, bã đậu trộn với cám mạch. Con dê ăn một bữa căng bụng, chỗ còn thừa để trên chân Câm anh, Câm em, che gió và tuyết cho chúng. Con dê ăn xong, liếm tuyết, nhìn tôi gật đầu. Tôi hiểu nó định nói gì.
- Tiếp tục tiến lên?
Sa Tảo Hoa nói nó ngửi thấy mùi lúa mạch cháy. Mẹ động viên nó lần theo mùi đó mà tìm, trong một căn nhà nhỏ dùng để trông phần mộ, chúng tôi lượm được hai bao lương khô trên người một binh sĩ đã chết. Thấy người chết nhiều nên không còn cảm giác sợ. Chúng tôi quyết định ngủ lại trong căn nhà đó. Mẹ và chị Cả kéo cái xác anh lính trẻ ra ngoài. Anh ta tự sát. Anh ta ôm súng trong lòng, miệng ngậm đầu nòng, dùng ngón chân cái lòi ra ngoài bít tất đẩy cò cho súng nổ. Viên đạn phá vỡ xương chẩm phía sau gáy. Chuột gặm hết tai của anh ta, gặm cả mũi, xương ngón tay trắng hếu như cành liễu bị bóc vỏ. Khi mẹ và chị Cả kéo cái xác ra ngoài, lũ chuột vằn mắt chạy theo. Để cảm ơn anh lính đã cho lương khô, mẹ dùng lưỡi lê của anh ta đào một cái huyệt nông choèn trên mặt đất băng giá chôn phần đầu của anh ta xuống đấy. Nấm đất nhỏ đối với vua đào hang là lũ chuột chỉ là trò đùa, nhưng lòng mẹ cũng đôi phần thanh thản.
Căn nhà chỉ chứa nổi cả nhà tôi và con dê. Chúng tôi dùng xe chặn cửa. Mẹ ôm khẩu súng trường dính óc của anh lính ngồi ngoài cùng. Lúc trời sắp tối, từng tốp dân tị nạn định chen vào trong đó không ít người có máu đạo tặc nhưng nhìn thây cây súng lăm lăm trong tay mẹ, họ đều sợ hãi bỏ đi. Một người đàn ông miệng rộng, mắt gườm gườm nhìn mẹ vẻ khinh miệt, hỏi:
- Biết bắn không? - Anh ta vừa hỏi vừa xông vào nhà. Mẹ giơ súng cản lại, mẹ không biết bắn. Chị Lai Đệ giăng lấy khẩu súng trong tay mẹ, giật cơ bẩm, cái vỏ đạn văng ra; đẩy cơ bẩm một viên đạn lên nòng, bẻ gập qui lát xuống, chĩa súng phía trên đầu hói đàn ông nổ một phát. Viên đạn cùng với tia lửa vút lên trời. Động tác thành thạo khiến tôi nhớ lại trang sử vẻ vang của chị trong những năm tháng cùng Sa Nguyệt Lượng nam chinh bắc chiến. Người đàn ông miệng rộng bỏ chạy như chó ăn đòn. Mẹ nhìn chị Lai Đệ băng ánh mắt cảm kích rồi nhích vào phía trong, nhường vị trí canh gác cho chị.
Đêm ấy tôi ngủ rất ngon, mãi khi mặt tròi tỏa nắng trên đại lục tuyết mới tỉnh dậy. Tôi muốn quì xuống van nài mẹ không nên rời căn nhà này, căn nhà mà phía trước có ngôi mộ sùng sững, không nên rời rừng tùng đen đội mũ bằng tuyết trắng. Đây là nơi đất lành, là phúc địa. Nhưng mẹ đã lên đường, khẩu súng có nước thép xanh dựng bên Lỗ Thắng Lợi, dưới tấm chăn rách. Trên đường, tuyết đầy đến nửa thước, lạo xạo dưới mỗi bước chân của chúng tôi và dưới bánh xe. Vấp ngã giảm hẳn, chúng tôi đi nhanh hơn. Tuyết chói mắt dưới nắng, người trông càng đen hơn, bất luận mặc quần áo màu gì cũng trở thành đen. Có thể, vì khẩu súng trong sọt và tài bắn súng của chị Lai Đệ khiến mẹ trở nên cứng cổ.
Buổi trưa, bọn tàn quân bỏ chạy từ hướng nam định lục soát xe của chúng tôi, mẹ dang thẳng cánh cho tên lính giả vờ cụt tay một cái tát nẩy lửa, bay cả mũ xuống đất. Tên lính bỏ chạy, không kịp nhặt mũ. Mẹ tiện tay nhặt cái mũ còn mới, chụp lên đầu con dê của toi. Nó chạy nhảy tung tăng với chiếc mũ lính trên đầu. Dân tị nạn đứng xung quanh mặc dù đói rét mụ cả người, cũng há cái miệng đen ngòm ra mà cười, tiếng cười thê thảm như tiếng khóc.
Lúc trời rạng sáng tôi uống no sữa dê, tinh thần sảng khoái, trí tuệ minh mẫn. Tôi phát hiện ra máy in và hòm công văn giấy tờ của huyện bỏ lại bên đường. Những người phu đi đâu cả rồi? Không rõ. Đội la đi đâu? Không rõ.
Mặt đường bắt đầu nhộn nhịp. Từng đội cứu thương từ phía nam rút về, trên cáng là những thương binh luôn miệng rên rỉ. Những dân công tải thương mồ hôi đầm đìa trên mặt, thở như kéo bễ, bước đi loạng choạng trên tuyết
Một số nhân viên áo bơ lu trắng, mũ trắng chạy theo đội tải thương. Một phu khiêng ngã bệt xuống đất, cái cáng lật sang bên, người bị thương ngã lăn ra. Người này băng kín mặt, chỉ hở hai con mắt và cái miệng tê tái. Anh ta vừa khóc vừa chửi:
- Đ. mẹ chúng mày, chết tao rồi?...
Anh ta khóc rồi chửi, chửi rồi khóc. Một nữ quân nhân có khuôn mặt trái xoan đeo túi cứu thương chạy tới. Thoạt nhìn tôi đã nhận ra đó là cô Đường, bạn chiến đấu của chị Phán Đệ. Cô chửi bới người phu khiêng thậm tệ, dịu dàng khuyên nhủ người thương binh. Những nếp nhăn đã xuất hiện rất nhiều trên trán, trên khóe mắt, cô nữ binh tươi tắn xưa kia, giờ đây đã trở thành một bà già khô héo. Cô hoàn toàn không nhận ra chúng tôi, mẹ cũng không nhận ra cô.
Những đội cứu thương kéo đi nườm nượp như không bao giờ hết. Chúng tôi đứng nép bên vệ đường để khỏi làm vướng họ. Cuối cùng, họ cũng đi hết, mặt đường phủ tuyết trắng tinh khiết giờ đây bẩn tới mức khó mà hình dung nổi, toàn là bùn và nước bẩn. Những chỗ tuyết còn nguyên trông chẳng khác làn da bị bỏng vì có những giọt máu rơi vào. Mũi chỉ ngửi thấy mùi tuyết tan và mùi máu, mùi mồ hôi chua loét. Chúng tôi đi tiếp, cứ phấp phỏng trong bụng, ngay cả con dê của tôi khi nãy nhảy tâng tâng vì được đội mũ lính, giờ đây cũng lấm lét chẳng khác lính mới lần đầu ra trận. Những người tị nạn tỏ ra do dự, tiến thoái lưỡng nan. Không nghi ngờ gì nữa, trước mặt là chiến trường, đi về phía nam có nghĩa là ra mặt trận, vào nơi rừng tên mũi đạn, mà đạn thì không có mắt, nó không nể gì anh, còn lính tráng thì như một lũ hổ, có kiêng dè ai. Mọi người đưa mắt nhìn nhau, không ai muốn cho người khác biết ý tứ của mình. Mẹ không nhìn ai, kiên quyết đẩy xe theo hướng về nhà. Tôi nhìn lại, thấy dân tị nạn có người đi ngược lên hướng đông bắc, có người đi theo chúng tôi.