Giữa lúc ấy thì Bính, một hôm không biết sang Phương Trà làm gì, lại đạp xe vào lối ngõ nhà Viên. Lúc ấy dễ mới non trưa. Viên chơi mãi cũng chán, định cầm cái sảo ra ao ngoài vớt hộ mẹ ít bèo tây về cho lợn, kẻo mấy ngày nay, chiều nào bà đi làm đồng về cũng vội xách sảo đi vớt bèo. Khi Viên vừa mở cổng nhô ra, thì một anh chàng đi chiếc xe đạp Thống Nhất màu xanh lá mạ từ ngoài đường lao vào, chẳng biết có thuộc lối, hay mải nhìn cô gái xuất hiện đột ngột trước mắt, mà cứ thế lao thẳng vào cổng, đánh rình một cái. Cả người và xe kềnh ra ngõ, cách chỗ Viên đang đi chỉ nửa bước chân. Viên giật nẩy người quay lại, rồi vội vất tệch cái sảo, chạy đến giúp anh ta dựng xe đạp lên, mới rút được một bên chân ra khỏi xe. Khi anh chàng rút được một bên chân ra khỏi xe đạp, thì người như mất hết thần sắc, cứ đứng trân trân nhìn Viên như bị thôi miên. Quái lạ, cái cô em gái tay chủ nhiệm bị cách chức, chẳng lẽ mới đi thoát ly lên huyện có hơn năm mà đã thay hình đổi dạng, đẹp đến kia a! Người nhỏ nhắn, rắn rỏi, chỉ phải cái hơi cao, nhưng cũng nhờ cái dáng cao ấy mà có cái lưng dài thắt đáy lưng ong mền mại, với bước chân uyển chuyển như múa. Bính lướt nhanh nhìn Viên từ đầu xuống chân, rồi lại từ chân lên đầu. Càng nhìn càng như mê muội. Không chỉ ở ánh nhìn sắc như dao cau phóng ra từ đôi mắt nhỏ, dài đen như hai giọt nước của Viên. Chàng trai ở tuổi hai mươi nhăm mới chỉ nhìn thấy hai cái núm chỏng chơ giữa bộ ngực thây nẩy cũng đủ thèm nhỏ rãi, chứ chưa cần ngửi thấy cái mùi hoi hoi, ngầy ngậy, nồng nồng, thơm thơm toát ra từ hai cái núm hồng hổng quyến rũ kia. Vừa nhìn thấy Viên, Bính đã như có thần giao cách cảm mách cho chàng trai, tiếng nhà không có gì nhưng lại có cái uy của ông chú là chủ tịch xã làm bảo bối, nên lúc nào mặt cũng vênh vênh, coi các cô gái quê không được nghiêng nước nghiêng thành cho lắm, bằng nửa con mắt. Giờ bỗng gặp cô gái nửa tỉnh nửa quê, xinh đẹp một cách quyến rũ, vừa mang nét hồn nhiên, vừa in đậm bàn tay chăm chút của người biết tự làm đẹp. Đời lắm khi cũng thật trớ trêu. Có người theo đuổi hàng năm trời, tưởng mười mươi nên vợ nên chồng, bỗng lại hoá người dưng nước lã. Người trước đó chẳng quen biết gì, chỉ gặp chốc lát, chuyện trò dăm ba câu, thế là thành vợ thành chồng. Chẳng lẽ tình yêu lại có giác quan thứ sáu mách giùm hay sao, chứ thực, Bính mới chỉ một lần mặt nhìn mặt Viên thôi, mà lòng như đã hẹn tự những ngày còn thơ rồi. Bính cứ đứng nhìn Viên như ngây như dại, đến nỗi Viên phải giục, thôi anh đi đâu thì đi đi, kẻo trưa rồi đấy. Bấy giờ, Bính mới lấy lại được thần hồn, hỏi: “Nhà em ở đây à?”. Viên cười hóm hỉnh, trêu: “Nhà em không ở đây dễ ở Phương Trì chắc!”. Bính nghe câu ấy thích chí, nghĩ ngay con cá này to ngon, nhưng cũng không khó buông mồi, liền cười tít mắt, bảo: “Em có sang Phương Trì với anh không?”. Viên cũng không phải tay vừa, cười cười: “Sang thì sang, nhưng còn phải xem xem đã!”. Câu nói lấp lửng của cô gái ngoan, làm chàng trai dại khờ điêu đứng mấy ngày trời. Chẳng chiều tối nào Bính không lượn lờ trở đi trở lại lối ngõ nhà ông bà Mải. Rồi cô cậu cũng hẹn được nhau ra cây gạo lối làng Phương Trà sang Phương Trì, cũng vào một đêm thượng tuần như đêm nay.
Nhưng khác đêm nay. Vì đêm ấy có trăng, dẫu là trăng non đầu tháng. Còn đêm nay cũng là thượng tuần, nhưng không có trăng, dù là một mảnh trăng non cũng không hề có. Chỉ có những đám mây mọng nước che sẫm bầu trời đêm. Sau khi anh con trai làm ám hiệu “choác…choác…choạc!”, kiểu con chão chuộc ngồi trên tàu lá khoai nước bờ ao gọi nhau, như anh ả đã mật khẩu với nhau, mỗi lần Bính đến chỉ cần đứng ngoài bờ dậu dâm bụt gai lưỡi thế, là Viên có nhà thể nào cũng lẳng lặng ra ngõ, rồi có đi đâu thì đi, hay chỉ nói với nhau đôi ba câu rồi về cũng thoả. Khi Viên ra đến ngoài, Bính vội bá chặt lấy vai như mọi lần, nhưng liền bị Viên hất tay ra, bước rảo lên trước. Bính biết ngay là Viên giận chuyện lợn gà cân kẹo hồi sáng, vội bước dấn lên, cầm lấy một bên cánh tay Viên lắc lắc:
- Em giận anh thật à?
- Biết giận sao còn đến. Dơ. Người thế mà dơ!
- Anh xin lỗi em, và cả mẹ em nữa! Được chưa?
Viên suýt nữa thì bật cười vì cách nói ngây ngô của anh chàng máu gái, lại không biết cách nịnh gái. Nhưng đã nghe Bính biện bạch:
- Với lại lúc ấy đông người. Anh không nói với mẹ em thế thì người khác lại tỵ, rằng nhà thì cân lợn phải lại quả, nhà thì không mất gì cũng được cân. Khó lắm em ạ. Nhất là sáng nay không hiểu sao chú Thuật anh bảo đi họp huyện, lại đạp xe về thẳng chỗ cân lợn, làm tổ cân chúng anh chẳng thê linh động cho nhà ai được. Chứ như mọi lần, những nhà thân quen cũng không cần lại quả, vẫn được cân đấy thôi.
Viên nghe Bính nói liến thoắng, bỗng thở dài đánh thượt một cái. Rồi nửa đùa nửa thật, hỏi:
- Cân lợn thế, anh Bính với các người trong tổ chẳng mấy mà giàu nhỉ!
- Ối giời, của thơm mỗi người hưởng một tý, chứ sao được ăn cả, hả em. Nhưng mà thôi, sau này em về ở với anh, em khắc biết.
Cô gái nghe chàng trai nói thế không hiểu đáng vui hay đáng ngờ, nhưng cũng vơi vơi nỗi ấm ức, bực bội từ ban sáng. Viên đi chậm lại, để Bính ôm vai, một tay sau lưng, một tay quàng trước ngực, tỳ sát vào đôi bầu vú căng cứng đến nghẹt thở lúc nào không hay. Anh ả cứ thế lững thững như dìu nhau đi tắt lối bờ ao ra vùng đầm. Vừa đi Bính vừa hỏi Viên những câu tưởng chẳng ăn nhập gì vào cuộc tự tình của đôi trai gái, nhưng lại là duyên cớ Bính được phái đi gặp Viên tối nay.
- Nhà em hôm nay có khách à?
- Khách gì đâu. Anh Cải, trước là bộ đội pháo đóng ở xã ta, mới được trên cử về làm bí thư huyện uỷ, hôm nay chủ nhật xuống thăm bố mẹ em, chứ khách nào.
- Thế là khách sộp rồi, em ơi! Bí thư huyện uỷ là người đứng đầu huyện cơ mà.Thể nào…
- Anh bảo thể nào cái gì cơ?
- À, không! - Bính dừng lại mươi giây, như để lựa lời, rồi hỏi tiếp, nhưng lời nói cũng không được trôi chảy cho lắm, cứ giắt khúc, lục cục thế nào. - Thế anh Cải về huyện rồi, hay vẫn còn ở đây, mà nhà im ắng thế, hả em?
Viên vẫn hồn nhiên vô tư, đúng là tâm trạng một cô gái đang yêu, lúc nào cũng chỉ thấy cái hay, cái đẹp của người mình say đắm:
- Hôm nay anh ấy ngủ ở nhà em. Tối một lúc là anh Điền em và anh Cải đi nằm ngay. Nhưng hai anh vẫn rì rầm trò chuyện ở trong buồng, chứ đã ngủ đâu. Em nghe tiếng choác choạc của anh, mãi mới tìm cách lừa được các anh ấy để lẻn ra với anh đấy.
Câu nói tưởng như vô tình của Viên như đã kết thúc cuộc gặp tối nay của hai đứa. Bởi mục đích của cuộc gặp khi ông chú ruột giao cho anh cháu trưởng cũng chỉ có thế. Cũng chính cái bản năng của đàn ông, đàn bà réo sôi trong ly ty huyết quản anh ả, mà làm cho hai anh em Thuật và Lận đợi chờ, ngóng trông hết nước hết cái cả buổi tối.
***
Thuật sốt ruột đợi chờ, ngóng trông cả buổi tối. Cứ hết đứng lên, lại ngồi xuống, trông ngớp ra đầu sân, đến tận ngoài ngõ. Thấy thế, Lận an ủi ông anh:
- Thể nào thằng Bính cũng gặp cái Viên thôi. Nhưng chắc chúng nó còn hú hí với nhau mới lâu thế.
Thuật bực cháu, lây sang cả em, sẵng:
- Hú hí cái con mẹ nó. Đã bảo chỉ gọi con bé ra hỏi xem có đúng hôm nay ông Cải xuống nhà nó không, có ngủ lại đêm hay về huyện rồi? Thế thôi, rồi về. Mà đi mất tăm từ chập tối đến giờ.
Nghe anh trai gắt gỏng, Lận mới dần hiểu ra tính chất nghiêm trọng của việc ông Cải đến nhà cha con ông Mải. Nhất là đêm nay ông Cải lại ngủ ở đấy nữa, có khi ngay bây giờ còn phải họp thường vụ đảng uỷ nữa ấy chứ. Không như cách đây gần hai tiếng, lúc Thuật đứng ngoài bờ dậu gọi giật Lận ra, giọng rất nhỏ, chỉ đủ hai người nghe: “Chú vào bảo thằng Bính ra đây, nhưng đừng nói với nó là tôi cho gọi nhá”. Lận bấy giờ cũng chỉ nghĩ đơn giản là lâu nay anh trai vẫn ngại ra nhà bà chị dâu goá chồng, đê giữ kẽ với bên ngoài và cũng tỏ ra mình là người cương trực. Ngay cả khi Thuật dặn: “Bảo nó sang thẳng nhà chú. Đừng bảo sang bên tôi”, Lận cũng chưa thấy có gì quan trọng; trong cái việc vốn dĩ chẳng quan trọng gì, một khi ông chú ruột cho gọi thằng cháu ra bảo ban gì đó. Cho đến khi Lận ở bên nhà thằng cháu về đến đầu ngõ, vẫn thấy ông anh đứng đấy, vừa có ý chờ hai chú cháu Lận, lại vừa có ý chỉ đợi riêng Lận đê nói gì. Đúng thế. Vừa nhìn thấy Lận bước đi chập chững trong ngõ tối, Thuật đã cất tiếng hỏi:
- Nó đâu?
Lận biết ông anh hỏi nó đây là ai, liền nói:
- Nó đang mặc quần áo, rồi sang ngay đấy.
- Chú nói thế nào mà nó lại thay quần áo?
- Dạ, em có nói gì đâu. Chỉ bảo sang bên chú, chú bảo cái này. Thế thôi!
- Thế mà nó lại thay quần áo! Hay là…
Ông em lại nghĩ ông anh sợ hay là thằng cháu không sang, bắt đi tìm lần nữa, vội nói như đinh đóng cột:
- Thôi, bác vào trong nhà uống nước. Thể nào cháu nó cũng sang bây giờ đấy! Lận vừa nói vừa kéo tay ông anh vào cổng. Nhưng bỗng Thuật dừng chân, quay lại hỏi:
- Thím ấy với các cháu có nhà cả chứ?
Lận chẳng nghĩ ngợi tý gì về câu hỏi của ông anh, đáp ngay thật:
- Các cháu đang học ở nhà dưới. Còn nhà trên chỉ có mỗi nhà em đang xem ti vi. Chẳng biết bác gái bên ấy thế nào, chứ nhà em từ hôm mua được cái ti vi giải hệ về đến nay, say như say thuốc lào, cứ cơm tối xong là xem mê xem mải, có hôm chẳng còn biết giờ giấc, nghỉ ngơi là gì nữa.
Ông anh tiếp lời bằng một câu đanh gọn như ra lệnh:
- Nhưng tối nay phải nghỉ xem. Chú vào nói khéo với thím ấy hãy sang bà Quý, hay nhà Liên xem nhờ một tối, để anh em tôi ở nhà bàn công việc, bao giờ xong, sang gọi hẵng về. Thế nhá. Chú vào nhà trước đi, tôi đứng đây chờ thằng Bính. Nhớ bảo thím ấy đi sang hàng xóm ngay đấy!
Đến lúc ấy, cái đầu củ chuối của Lận mới lờ mờ cảm thấy tính chất nghiêm trọng của công việc mà lát nữa đây mình và đứa cháu đích tôn được nhận từ ông anh trưởng. Nhưng cũng phải mất mươi mười lăm phút, kể từ lúc Hoan, vợ Lận, hậm hực bước lịch bịch xuống sân, ra ngõ, sang nhà bà Quý xem nhờ cái ti vi đen trắng loằng nhoằng đến loé cả mắt, mới thấy thằng Bính ăn mặc gọn gàng, áo sơ mi trắng cộc tay bỏ trong quần âu phục xanh xi lâm, trông oách và chững chạc hẳn lên. Cả hai ông chú đều khen anh cháu trai mặc bộ này hợp. Nhưng ông chú Thuật khen xong trong lòng lại thấy lo lo, không biết thằng này định đi đâu mà diện thế kia, hay nó cũng đang định đi gặp cô con gái ông bà Mải. Chẳng có lẽ. Mới sáng nay ở chỗ cân lọn, con bé có cử chỉ hỗn hào, dám giật thốc tờ danh sách những hộ bán lợn từ tay mình, thằng Bính phải chạy ra nói mãi mới đưa trả; rồi sau đó lại bực tức bảo mẹ kéo lợn về, chứ không bán nữa. Lỗi là do thằng Bính nói với bà Mải một câu không khéo, làm bà ấy, rồi cả con gái, đều giận quá hoá mất khôn, đùng đùng kéo lợn về, chứ cái giống lợn đã trói chỏng chơ bốn vó cho lên xe, còn kéo về thả vào chuồng nuôi sao lớn mà nuôi. Thuật nghĩ thoáng, rồi hỏi cháu:
- Mày định đi đâu hả Bính?
Thằng cháu đưa tay lên vò vò nắm tóc rối trên đầu, ấp a ấp úng mãi mới lúng búng như người ngậm hạt thị:
- Dạ, cháu…cháu định sang nghe chú Lận bảo gì, rồi nhân thể…
Ông chú lõi đời mới nghe đến đấy đã như đi guốc trong bụng thằng cháu đích tôn, liền nửa đùa nửa thật nói như một sự tình cờ:
- Đến nhà con Viên hả? Vậy thì tao cũng nhân thể nhờ một việc.
Rồi không chờ thằng cháu xác nhận lời ông chú thật giả bao nhiêu phần trăm, Thuật đưa tay kéo thằng Bính lại gần, nói nhỏ chỉ đủ cho ba người nghe, thực ra chỉ hai chú cháu Thuật nghe rõ, chứ Lận cũng phải nghiêng đầu ghé tai gần vào, im lặng lắm mới nghe lõm bõm lời Thuật dặn cháu.
Thế nên, ngay lúc ấy Lận chưa thể hiểu hết tính chất nghiêm trọng của việc Thuật cho thằng Bính đi dò la tung tích Cải xuất hiện ở nhà ông bà Mải bên làng Phương Trà, hay ở xã này thì cũng thế, đều là lãnh thổ Tiên Trung, mà chẳng lẽ người đứng đầu chính quyền xã lại không biết, thì còn gọi gì là quản lý địa phương nữa. Nhưng nếu chỉ có thế thì làm gì quan trọng đến vậy, bất quá cũng như một lần cấp trên về cơ sở không báo trước. Đã không báo trước thì chúng em biết đâu tổ chức đón tiếp mà chả có sơ suất. Ối dào ơi, ngay cả đến báo trước tới bốn năm ngày, như hôm lâu đoàn thanh tra của tính về làm việc đất đai kiện cáo, đến gần trưa giữ ở lại ăn cơm ra chiều giữ kẽ không ở, sau lại phải đưa mỗi vị cái phong bì, còn tốn gấp mấy bữa cơm gà cá gỡ ấy chứ. Nhưng vẫn chưa ngặt bằng lúc ra xe đi, một bố trong đoàn làm như khi ấy mới sực nhớ, hớt hải quay lại kéo tay chủ nhiệm ra một chỗ thì thầm, có lợn giống lai kinh tế, giải quyết cho mỗi anh em trong đoàn một đôi thì tốt quá. Thật là tội chết giáng xuống đầu bỗng dưng. Trại lợn hợp tác em, đúng là cơ sở chăn nuôi điển hình của huyện bao nhiêu năm nay thật, nhưng mới tuần trước xuất chuồng một lúc hon trăm con lợn giống, toàn lợn lai ép một (F1), con nào con ấy đẹp như tranh; nhưng hôm nay thì thật không còn đàn nào có thể xuất chuồng được ạ! Em hứa với các bác, khi nào có, em thuê xe chở đến tận cơ quan cho. Nói thế là thật lòng, là nhiệt tình, là tận tâm vì đồng chí, tận sức vì cấp trên lắm lắm. Vậy mà mấy ngày sau Lận lên huyện họp, ông trưởng ban thanh tra huyện lại gọi ra ngoài rỉ tai, cậu giở quá, các bố ấy đã bảo giải quyết cho mỗi người một đôi lợn giống thì kể cả trại không có cũng phải vào nhà dân lùng bằng được, chứ ai lại chối đây đẩy thế bao giờ. Khổ quá, em đâu dám chối, chỉ bảo khi nào có sẽ thuê xe chở đến tận cơ quan… Cậu thật thà quá đấy. Các bố ấy bắt lợn ở hợp tác cậu đâu phải mang về nuôi, mà chỉ lên đến chợ Đôi bán tống bán tháo, là mỗi đôi lợn mỗi ông đã có khoản tiền bằng cả tháng lương rồi. Thế ạ, em đâu có biết. Lúc ấy em mà biết ý định của cấp trên như anh vừa nói, thì mỗi người một đôi, chứ vài đôi em cũng chỉ hô một tiếng là dân phải mang ra ngay tắp lự.
Đã phải một lần thế, lần này dẫu chỉ nghe lỏm ông anh nói với thằng cháu đầu sai vậy, Lận đã thấy vừa lo lo lại vừa mừng mừng. Lo là lo bí thư huyện uỷ về tập hậu thế này, không vào bất cứ nhà cán bộ chủ chốt nào của xã, lại chỉ đến mỗi nhà ông Mải, một người đang bất mãn làm đơn xin ra đảng, hẳn là lành ít dữ nhiều. Nhung trong hoạ vẫn có phúc, trong nỗi lo vẫn lấp ló điềm mừng, thế lại hoá ra Tiên Trung là xã được bí thư chú ý đến đầu tiên, kể từ khi ông ấy về huyện. Mà phàm đã là đầu tiên, thì bao giờ cũng để lại ấn tượng. Chưa biết tốt xấu ra sao, hẵng cứ để lại ấn tượng cái đã. Thuật nghe ông em giãi bày tâm trạng, liền bảo:
- Trước tiên phải thấy cái việc ông Cải vừa chân ướt chân ráo về huyện đã xuống thăm nhà ông Mãi là hợp đạo lý cái đã. Chẳng gì thì những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, đơn vị pháo cao xạ của ông ấy cũng cắm chốt ở đây hàng năm trời…
Ông anh túc trí đa mưu mới nói đến đấy, ông em đã như chợt nhớ:
- Ngày ấy chị Phượng nhà ta làm chủ tịch uỷ ban xã, nghe họ đồn hai ông bà ấy hay đèo nhau đi họp hành đêm hôm…
Câu nói của Lận làm Thuật cũng thấy lòng cồn cào, pha chút ghen tuông, bực dọc, nhưng vội gạt đi, không để việc nhỏ lấn át việc lớn:
- Chú bấy giờ còn nhỏ, biết gì mà hớt lẻo. - Rồi tiếp mạch vừa nãy - Nhưng chắc là ông Cải không chỉ đơn thuần xuống thăm, mà công đôi việc, vừa thăm, vừa tìm hiểu tình hình của xã cũng nên. Mà đã tìm hiểu tình hình của xã lại đi tập hậu thế này là nhất định có chuyện, chứ không, dù là ngày nghỉ cũng báo qua cho xã như mọi lần chú Trường vẫn đưa khách trên tỉnh về ấy.
- Tìm hiểu tình hình xã thì thể nào cũng cho gọi bác với ông Sa đến báo cáo chứ, sao lại về cả ngày mà im hơi lặng tiếng thế là thế nào.
- Ấy đấy! Cái khó hiểu chính là ở chỗ ấy. Sự nghiêm trọng cũng chính là ở chỗ ấy đấy!
- Nhưng em hỏi thật, đích thị bác nhìn thấy ông Cải đạp xe về Phương Trà, vào nhà ông Mải, hay bác chỉ nghe ai nói?
Thuật chờ đợi mãi chưa thấy cháu về đã sốt cả ruột gan, lại nghe em hỏi dồn đến chân tường, sẵng:
- Nhìn thấy sao còn phải cho thằng Bính đi tận nơi dò la tin tức làm gì cho nhọc lòng. Mà sao cái thằng chết binh chết dịch đi lâu thế không biết nữa!
***
Thằng Bính không chết binh chết dịch, nhưng tý nữa thì chết đòn.
Hai đứa dẫn nhau ra bờ đầm sen làng Phương Trà ngồi tự tình.
Viên và Bính từ lúc đưa nhau ra ngồi bên bờ đầm sen, cũng thôi những câu đối thoại dấm dẳng, kiểu như ta nghe được khi hai người mới ở nhà Viên đi ra. Họ ngồi sát bên nhau, giữa khoảng trống của hai khóm chuối loà xoà tàu lá. Cách đó không xa, cũng lại một chiếc chòi vệ sinh làm vỏng xuống đầm, có hai gốc tre cộc buộc vào nhau làm cầu cho mỗi khi có người ra “ngồi đồng” đi lại cho tiện. Hai người đều đã ở cái tuổi ngoài nhăm, Bính năm nay hai mươi sáu, còn Viên hơn Bính một tuổi, năm nay hai mươi bảy, nên cũng khó có thể nói là chưa biết một tý gì về cái khoản kia. Thế nên, vừa đưa nhau ra bờ đầm ngồi chưa nóng chỗ, Bính đã tý máy tý mẻ. Đầu tiên còn một tay luồn dưới vạt áo sơ mi trắng ngắn tay của Viên, rồi cứ thế đặt bàn tay lên bụng xoa xoa, làm Viên lúc đầu còn định kéo tay Bính ra, sau cứ thấy nhổn nhột, buồn buồn trên làn da bụng thì lặng đi. Đến khi Bính rờ rờ thế nào, lại nhoáng cái đã cởi được chiếc áo con trên ngực Viên ra, rồi luồn cả hai tay dưới làn áo mỏng để nắm chặt lấy hai bầu vú căng cứng của Viên xoa xoa, nắn nắn thì Viên thấy tê mê, rạo rực hết cả người. Một tay Viên cũng rờ rờ xuống phía dưới của Bính, nắm được cái vật dài dài, nho nhỏ cứng như thanh sắt của hắn ta mà xoa xoa, vuốt vuốt. Bỗng Viên bật ngồi dậy, làm Bính luống cuống rút vội tay ra khỏi bộ ngực ngồn ngộn của Viên, suýt nữa đứt cả mấy cái cúc áo. Viên vừa ngồi dậy đã quờ tay nhặt chiếc áo con, Bính cởi ra ban nãy, mặc vội vào. Rồi ngồi ngay người lên, nghiêm mặt nhìn Bính, hỏi giật giọng:
- Anh có lấy em thật, hay chỉ yêu thôi?
Bính chẳng mất công suy nghĩ trước câu hỏi vừa dễ lại vừa khó của Viên, nói ngay:
- Lấy với yêu thì có gì khác nhau mà em chành chẻ thế!
- Khác chứ. Lấy nhau là thành vợ thành chồng. Còn yêu có khi lại không bao giờ nên vợ nên chồng, anh ạ!
Câu nói cứng cỏi và đượm màu triết lý của Viên như được rút ra từ chính cuộc đời cô gái hai mươi bảy tuổi, mà cả đường đời và đường tình đều đã nếm mùi vinh quang và cay đắng. Còn Bính, chàng trai nhà con một, lại con liệt sĩ, cháu đích tôn của hai trong ba người có quyền hành nhất xã là chủ tịch Thuật và chủ nhiệm Lận, làm gì, ở đâu cũng quen được ưu tiên hơn người, quen suy nghĩ đơn giản hơn người, cũng khó mà hiểu được câu nói của Viên. Thế nên, vừa nghe Viên nói xong, Bính vội choàng tay ra định ôm vai Viên áp vào ngực mình, nhưng liền bị Viên cầm chặt lấy tay đặt xuống bờ đầm:
- Anh đừng làm thế. Hãy trả lời câu hỏi của em đi đã.
- Anh yêu em thật. Được chưa nào!
- Không. Em hỏi anh có lấy em thật, hay chỉ yêu thôi cơ mà?
- Lấy em thật! Được chưa. Cho anh đi, anh khó chịu lắm rồi!
- Anh cứ ngồi yên đấy, cấm không được động đậy. Chừng nào anh chưa có gì để làm tin, thì chừng ấy chưa thể gần em được.
Đến lúc này, anh chàng nhà con một quen được ưu tiên hơn người, mới thực sự cảm thấy Viên không thuộc loại đàn bà con gái dễ siêu lòng bằng những lời nói mỹ miều, những cái hôn vội vã, và cả những cuộc làm tình như rồng cuốn cũng không thể mang lại niềm yêu thương, tin cậy. Bính ngồi lặng đi một giây, đôi mắt chăm chăm nhìn vào khuôn mặt trái xoan, có cái trán dô và cái mũi dọc dừa, càng cảm nhận ra sự bướng bỉnh của Viên. Tạng người này không dễ bị bắt nạt, một khi ở vào gia tộc có thế lực, như nhà Bính chẳng hạn, thì chỉ có bắt nạt thiên hạ, chứ sợ gì ai. Bính tuy lớn lên không có cha dạy bảo, nhưng lại thừa hưởng nếp gia phong của ông nội là một nhà giáo làng, rồi khi ông mất lại có chú Thuật là thượng uý quân đội xuất ngũ về làm cán bộ xã, rồi chú Lận, dẫu mới học dở cấp ba nhưng cũng đã tham gia công tác địa phương hàng chục năm nay. Một gia đình như thế cũng không thể lấy một người đàn bà nhu nhược về làm vợ. Thế nên, chỉ riêng tạng người thôi, Viên cũng đáng được làm chủ người chồng như Bính rồi, chưa nói tới sắc đẹp. Nếu kể về sắc đẹp, Viên có thể sánh với bất cứ cô gái xinh đẹp nào ở xã này. Từ dáng người đến nước da, nụ cười, giọng nói đều ăn đứt cánh chị Nụ, cô Ngần, em Nga vẫn được đám đàn ông háo sắc mỗi lần nhìn thấy từ xa đã tóp tép miệng, cứ như thể ăn sống nuốt tươi được ngay tắp lự. Bính ngồi lặng đi một giây, rồi xuống nước:
- Vậy em muốn anh phải thế nào thì em mới tin?
Viên biết Bính đã chịu trận, liền đưa ra con bài chót:
- Anh phải thề!
- Thề sao?
- Thề không lấy được em thì anh sẽ chết! Dám không?
- Dám! Nhưng còn em?
- Anh thề xong em cũng thề: không lấy được anh thì em sẽ chết!
Bính vội tiếp lời:
- Không lấy được em thì anh sẽ chết!
Viên cũng nói ngay:
- Không lấy được anh thì em cũng chết!
Viên vừa dứt lời, thì từ chiếc chòi vệ sinh vỏng xuống đầm, một người đàn ông vọt lao qua chiếc cầu bắc bằng hai cây tre cộc nhảy lên bờ, miệng kêu như cháy làng: “Ông không ỉa được thì ông cũng chết… ch… ết… ch… ết!”.
Tiếng kêu của người đàn ông như được không khí trong lành đêm thâu vọng vang rất xa, làm mấy nhà ở gần đầm ngỡ có đứa lấy trộm sen, đang kêu đánh cho chết, liền chạy túa ra. Ai vớ được vật gì lăm lăm trong tay vật đó. Người cầm đòn xóc đòn gánh. Người vác gậy gộc, róng trâu. Người cầm dao phay dao rựa, mai cuốc, liềm hái. Thôi thì cốt có cái thủ thân, chứ đuổi trộm tay không có bữa mất mạng.
Bính và Viên lúc đầu nghe tiếng người đàn ông từ chiếc chòi vệ sinh vọt ra kêu, cũng chỉ thoáng giật mình. Nhưng khi thấy tiếng kêu cứ mỗi lúc một loang xa ầm ĩ, với nhiều tiếng đáp lại: “Đánh cho chết! Thằng nào ăn trộm sen đánh cho chết!”, thì anh ả bỗng chốc thấy hoảng sợ, rủn hết chân tay. Không ai kịp bảo ai, hai người cứ thế mạnh ai lấy chạy. Viên chạy về phía làng, được mấy bước thì nhận ra trong số những người đang tay dao tay gậy chạy ra đuổi trộm có cả anh Túc, chị Luân và mấy người ở xóm nhà mình. Nhận ra mấy người ở xóm nhà mình, Viên vội cất tiếng gọi: “ơi chị Luân, anh Túc..!”. Chị Luân hỏi ngay, như không phải là chị đang đi đuổi trộm: “Viên à, đi đâu về khuya thế em?”. Viên nói dẻo quẹo: “Em ra xóm ngoài có tý việc”. Thế là nhập luôn vào đoàn người đi đuổi trộm đầm sen. Trong khi đó, Bính cứ cắm đầu chạy về phía làng Phương Trì. Đầu tiên cũng thấy tiếng người la hét, rượt đuổi; nhưng một lúc sau lại không nghe thấy gì nữa. Loáng thoáng phía đầu làng Phương Trà, đám bờ đầm sen khi nãy hai đứa ngồi, có tiếng rào rào nghe câu được câu chăng, hình như cái ông ngồi cầu tiêu chạy ra kêu, đang kể với đám người hiếu sự rằng, nghe như tiếng cái thằng con bà Bao ngoài Phương Trì, cháu gọi ông Thuật chủ tịch xã bằng chú ruột, thề thốt với cái Viên xóm ta, rằng anh không lấy được em thì anh sẽ chết, thế là buồn cười quá không nín được, đây cũng vọt ra kêu toáng lên: ông không ỉa được thì ông cũng chết! Thế mà không biết làm sao lại vọng đi để thiên hạ nghe ra thành đánh cho chết, thì cũng buồn cười thật. Bính nghe lõm bõm thế mới dám bước chậm lại thở lấy hơi, chứ cứ như lúc còn chạy tắt qua mấy bờ ruộng tưởng đứt hơi, không còn sức lê về được đến đầu làng, đừng nói về đến nhà.
****
Vừa đạp, Cải vừa nhìn dòng người trên đường, nghĩ miên man. Phần nhiều họ là những cán bộ, nhân viên cơ quan huyện, sáng đạp xe đi làm, trưa chiều lại đạp xe về nhà cơm nước, nghỉ ngơi. Anh nào chăm chỉ, hoặc nhà neo người, cuộc sống khó khăn thì còn giúp vợ con được việc này việc khác. Chứ nhiều anh về đến nhà cũng chỉ chơi dài, lười chảy thây, vợ con có nói lại gân cổ lên, thế mà đây chơi, đằng ấy vẫn phải ăn nhờ đấy. Chỉ có đúng, chứ đừng hòng cãi lại. Thì đấy, mười nhà ở nông thôn có chồng con đi thoát ly, thì chín nhà rưỡi tháng ba ngày tám cũng bơn bớt đứt bữa. Bởi có chồng con chu phụ. Khi thì mấy cân gạo, mươi đấu ngô hoặc mì mạch, khi thì dúm mì chính, bìa đậu phụ, có người tằn tiện còn dành được vài lạng thịt tem phiếu, hoặc góc bánh xà phòng mang về cho vợ con. Ối anh nịnh vợ vặt nài mấy bà hành chính, văn thư nhường cho mét vải màn gói giấy báo cẩn thận, chiều thứ bảy mang về, lựa lúc lên giường mới đưa ra dứ dứ để được vợ yêu chiều, cho một đêm vày vò mó máy thả phanh. Đấy là người nhà nước, nhưng lại chỉ có một phần ba thời gian có mặt ở cơ quan nhà nước, còn lại là ở nhà, hay ở những đâu đâu có trời mà biết. Ngay cả cái thời gian ngắn ngủi một phần ba ấy, gọi là “tám giờ vàng ngọc”, thử hỏi có mấy người để tâm sức làm việc của cơ quan được cả tám giờ, hay lại chỉ đến cho có mặt, chuyện tào lao dăm ba câu bên ấm trà chén nước, rồi biến. Ngày nào cũng về nhà, ăn với bố mẹ chung một mâm, ngủ với vợ con chung một giường, nhưng người trong làng, việc ngoài đồng ra sao không mấy ai biết. Ai cũng ngỡ như cái việc mùa màng được thua là của hợp tác, chứ đâu của vợ con mình. Họ vẫn sớm sớm đạp xe đi, chiều chiều đạp xe về, mà như những vị khách từ đâu tới. Hôm trước, Cải sang phòng giáo dục huyện, vui chuyện hỏi một cậu quê ở Tiên Hưng: “Lúa má dưới ấy có tốt không?”. Anh ta vừa cười vừa bảo: “Cũng bình thường, anh ạ”. Cải lại hỏi tiếp một câu rất thật: “Liệu có được mỗi sào tám mươi cân?”. Cậu ta trả lời: “Em cũng không biết!”, Cải lại hỏi: “Thế cậu không bao giờ hỏi han việc lúa má, ruộng nương hợp tác à?”. “Không làm thì hỏi làm gì”, cậu kia đáp ngay thật. Cải vẫn không buông: “Cậu không làm, nhưng vợ con cậu làm. Thì cũng phải biết chứ!”. “Thóc lúa nhà mình được chia bao nhiêu thì sao chả biết. Nhưng còn hợp tác thì biết làm gì cho mệt”. Thế đấy, việc mùa màng được thua của cả hợp tác, trong đó có vợ con mình là thành viên, lại không cần biết, nhưng của gia đình mình thì biết, chẳng những biết, có khi còn tìm đủ mọi cách thu vén cho đầy nữa kia. Cả một đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức của huyện đông đến mấy nghìn người, nếu mỗi người đều biết những chuyện hay dở ở làng xóm mình, rồi góp ý, phản ảnh với huyện uỷ, uỷ ban thì đâu đến nỗi những thói hư tật xấu, thoái hoá biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên còn có đất dung thân được nữa.
Cải đạp xe về đến cơ quan cũng chưa đến giờ làm việc buổi sáng. Cô văn thư người mảnh khảnh, mặt lấm tấm tàn hương, vận chiếc áo tím màu hoa cà đang quét sân. Thấy Cải về vội vất tệch cái giễ, đi mải vào bếp xách phích nước nóng lên phòng Cải. Xách chiếc xe đạp dựng vào góc phòng, Cải quay ra hỏi:
- Có ai hỏi tôi không, cô Lập?
- Hình như có đấy, chú ạ.
- Sao lại hình như. Người quen hay người lạ?
Lập bối rối:
- Vừa nãy có một ông đến tìm chú, nhưng cháu cũng không biết người xã nào.
Cải săn đón:
- Ông ấy không nói tìm tôi có việc gì à?
- Không ạ.
Lập vừa nói đến đấy thì Thơi, chánh văn phòng, người thấp béo, dáng đi bậm bịch, lật đật từ dẫy nhà dưới lên:
- Báo cáo bí thư, có ông Thà, trưởng ban thuỷ lợi xã Giang Khẩu, lên muốn gặp bí thư đấy ạ!
Cải cười, bảo Thơi:
- Lại “báo cáo bí thư” rồi. Mình đã nói mấy lần mà cậu vẫn quên. Cứ gọi mình bằng tên không, hay anh em cho thân mật. Đừng có một câu “báo cáo bí thư”, hai câu “báo cáo bí thư”, nghe nó xa xôi cách trở thế nào ấy. Nhớ nhá. Cả cô Lập nữa, từ nay có việc gì cứ nói thẳng ngay ra.
Thơi và Lập cười tuế toá. Cải lại hỏi Thơi:
- Thế cái ông Giang Khẩu đâu rồi?
Thơi chỉ tay ra ngoài, phía bên kia đường:
- Ông ấy đang ngồi ngoài gốc nhãn kia ạ!
Cải buột kêu:
- Ấy chết, sao lại để người ta ngồi ngoài gốc nhãn. Chẳng lẽ huyện uỷ không có chỗ nào để một người dân ngồi nghỉ chân hay sao. Mình đề nghị cậu Thơi thế này nhá, nói ngay không có việc khác đến, lại quên. Cậu thu xếp một phòng, có thể là cái phòng đầu dẫy nhà ngoài cổng vào kia kìa, cho quét dọn sạch sẽ, kê bàn ghế và đưa cả ấm chén uống nước nữa vào đấy. Nhớ là phải có cái điếu, dân mình là đất thuốc lào. Mỗi khi có bà con, anh em ở dưới xã lên cần gặp huyện uỷ, nhưng chưa tiếp được ngay, thì cứ mời người ta vào đấy nghỉ ngơi uống nước, hút thuốc cho tử tế. Chứ không thể để bà con đứng ngoài cổng, ngồi gốc nhẫn thế kia được. Bà con đến với mình là quý. Phải làm sao cho mọi người cảm thấy đến huyện uỷ cũng tự nhiên như về đến nhà mình. Chứ mỗi lần lên huyện lại phải đứng chầu như chầu cửa quan thời xưa, thì không ai người ta còn muốn đến huyện làm gì. Mà một khi dân đã không muốn đến huyện, ngại gặp cán bộ, nhân viên nhà nước thì thử hỏi chúng ta có nên tồn tại nữa hay không? Cho nên, cậu nhớ thu xếp ngay trong tuần này một phòng tiếp dân nhá. Anh em trong cơ quan có thể ăn ở chật chội một tý, nhưng phải có một phòng tiếp dân cho lịch sự. Mỗi khi có người đến, bất cứ gặp ai, về việc gì, hãy cứ mời người ta vào phòng uống nước, hút thuốc đã. Tiếng chào cao hơn mâm cỗ, người ta quý cái tấm lòng niềm nở, chân tình, chứ không ai quý miếng ăn đâu.
Thơi định nói với Cải rằng anh mới về, chưa biết cái lệ ở huyện này. Từ hồi ông Giá còn làm bí thư, mỗi lần có ai muốn gặp lãnh đạo huyện uỷ, dù là khách lạ hay quen, xa hay gần, đều phải qua văn phòng đăng ký trước mới được gặp. Tuyệt đối không ai được xông thẳng vào phòng lãnh đạo. Thế nên, rất ít ai, nhất là dân ở xã lên, lại có cái may được gặp lãnh đạo huyện. Cái lệ ấy không riêng huyện uỷ, cả bên uỷ ban cũng thế. Không những thế, bên uỷ ban còn ngặt ngèo hơn: ai muốn gặp chủ tịch, hoặc phó chủ tịch thường trực, phải trình bầy nội dung với văn phòng trước, xem có cần thiết hay không, rồi mới hẹn thời gian cho gặp. Thơi đang ngần ngừ định nói, thì nghe tiếng Cải giục:
- Cậu ra mời ông Giang Khẩu vào đây.
Ông trưởng ban thuỷ lợi -giao thông xã Giang Khẩu, từ nãy thập thò đâu đó bên ngoài, nghe lỏm Cải giục Thơi vội hiện ngay bên khung cửa như người độn thổ:
- Báo cáo bí thư, là tôi lên xin huyện cho bắc lại cái cầu hôm nọ bị đổ để trẻ mỏ đi học. Chứ không, từ hôm bão lốc làm đổ cầu đến nay, các cháu ngoài xóm trại phải bỏ học, vì không có cách nào qua được con kênh khi nước ngập cả bờ.
Cải kéo ghế mời ông ta ngồi, rồi ra hiệu cho Thơi pha ấm trà mời khách. Đoạn, quay sang hỏi:
- Các bác dưới đó đã bàn bắc lại cầu bằng cách nào chưa?
- Xã bàn thống nhất là cầu chỉ mới sập đầu mố phía đường trục xã, còn một đầu phía xóm ra vẫn đứng vững. Nên chỉ cần huyện hỗ trợ cho một ít rọ sắt và đá hộc, xi măng, những thứ này đều là vật tư phòng chống bão lụt hiện đang có trong kho dự trữ của huyện. Chỉ cần thế là xã có thể huy động nhân công làm được ngay, để có cầu cho trẻ đi học và bà con đi lại. Chứ không, bí bích lắm, anh ạ!
Cải nghe đến đấy, vội hỏi ngay:
- Thế bác đã gặp phòng giao thông chưa?
- Gặp rồi. Nhưng bên phòng giao thông bảo sang phòng thuỷ lợi, vì cầu nằm trên kênh do thuỷ lợi quản lý chứ không thuộc giao thông, nên họ không giải quyết.
- Vậy bác có đến phòng thuỷ lợi không?
- Báo cáo bí thư là không chí mình tôi, cả chủ tịch uỷ ban xã cũng đến gặp trưởng phòng thuỷ lợi rồi. Nhưng ông ấy bảo vật tư phòng chống bão lụt là để hộ đê, chứ không phải để chữa cầu cống nội đồng. Còn chỗ mố cầu ấy cứ để đấy, chờ liên ngành thuỷ lợi-giao thông lập dự án trình uỷ ban huyện xin kinh phí đã. Ông ấy mách cho xã là trong khi cầu chưa thông, có thể đứng ra chở đò thu tiền, vừa tăng nguồn thu cho ngân sách, vừa để trẻ khỏi bị bỏ học.
Cải nghe, thấy có cái gì lấn cấn. Chỉ một cái mố cầu bắc qua kênh ngoài trại lẻ mà trưởng ban thuỷ lợi-giao thông xã đi không được, còn phải kéo cả chủ tịch đi, vẫn không mèo nào cắn mỉu nào. Cứ phòng giao thông bảo sang phòng thuỷ lợi, phòng thuỷ lợi bảo chờ liên ngành lập dự án trình uỷ ban. Rồi lại còn vẽ đường cho hươu chạy, mách xã chở đò thu tiền dân nữa thì thật quá thể. Nhưng Cải không nói ra ý nghĩ của mình, chỉ nhìn ông Giang Khẩu, hỏi:
- Thế ý kiến các bác ở xã thế nào?
Ông trưởng ban thuỷ lợi-giao thông Giang Khẩu ngay thật:
- Huyện không cấp vật tư thì cho xã cái phiếu để xã tự mua, chứ cứ trên bảo dưới, dưới bảo trên thế này chỉ khổ dân thôi. Còn cái việc bảo xã đứng ra chở đò thu tiền, thì quá bằng xui nhau bóp hầu dân, để người ta chửi cho à! Thế nên, đảng uỷ, uỷ ban cử tôi lên gặp bí thư cũng là bước đường cùng, xin bí thư hạ chữ đại xá, để giúp xã lấp đầy cái mố cầu cho trẻ mỏ đi học và dân đi lại được thuận tiện, thì không chỉ dân xóm trại, mà cả xã Giang Khẩu chúng tôi biết ơn bí thư.
- Bác nói hơi quá lời đấy. Trách nhiệm của người lãnh đạo là luôn luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, giải quyết việc gì cũng hết sức vô tư, hoàn toàn không vì một động cơ cá nhân nào. Các bác ở dưới ấy đã vì sự học hành của các cháu và việc đi lại của nhân dân mà lên lên, xuống xuống, năm lần, bảy lượt như thế, tuy chưa bắc lại được cầu, nhưng rất đáng biểu đương về tinh thần trách nhiệm trước dân. Còn về phần mình, tôi thấy bác tin người đứng đầu đảng bộ huyện như thế, thật cảm động. Nhưng đảng không làm thay chính quyền, huyện uỷ không làm thay uỷ ban nhân dân huyện, mà chỉ có thể đề xuất với uỷ ban phương hướng giải quyết. Cho nên, bác uống nước đi rồi sang uỷ ban.
Cải mới nói đến đấy, ông trưởng ban thuỷ lợi-giao thông Giang Khẩu như không nén được bực dọc, vội đứng lên:
- Thôi, bí thư nói thế thì tôi xin chào! Tưởng rằng bí thư mới thì cũng đổi mới cách làm việc, không quan cách quá thể như những người trước, hoá ra vẫn cùng một giuộc, quan nào quan lại thương dân!
Cải cũng đứng lên, nhìn ông Giang Khẩu nói:
- Bác cứ bình tĩnh, ngồi xuống uống nước đi. Rồi tôi dẫn bác sang uỷ ban, chứ có bảo bác sang một mình đâu.
- Vì tôi vừa ở bên ấy sang đây. Ông chánh văn phòng bảo tôi cứ về, ông ấy sẽ báo cáo lại với chủ tịch huyện. Có thế nào ngày mai lên sẽ trả lời. Nên mới nghe bí thư nói sang uỷ ban, tôi đã thấy ớn đến tận cổ rồi.
Cải nghe nói thế, đứng phắt dậy:
- Vậy thì ta sang xem sao.
Khi Cải dẫn ông trưởng ban thuỷ lợi Giang Khẩu sang tới uỷ ban nhân dân huyện, thì Trường đang đứng bên cửa sổ gọi với xuống dẫy nhà đối diện: “Này, cậu Xuê đến chưa, hả? (Một người đàn ông chừng ba nhăm tuổi, thấp nhỏ, gầy gò từ trong phòng vội ngó đầu ra: “Dạ, em đến rồi ạ!”). Tập hợp nhanh tình hình phòng chống úng lụt của mấy xã bị bão lốc đưa lên tôi ngay nhá!”. Có tiếng Xuê ở nhà dưới hỏi vóng lên: “Chủ tịch lên tỉnh họp sáng nay, hay chỉ tập hợp số liệu để chủ tịch biết thôi ạ?”. Trường nói gắt: “Bảo tập hợp thì cứ tập hợp đưa lên đây. Có thói đâu còn hỏi lại thế, hử!”, Cải nghe, bỗng thấy mặt nóng ràn rạt. Có ở đâu giữa công đường, người đứng đầu chính quyền huyện nói với nhân viên như thể bố với con thế. Anh lại chợt nhớ đến cuộc họp giao ban thường vụ sau đêm gió lốc quét qua huyện. Từ bấy đến nay gần một tháng. Cái cầu Giang Khẩu chỉ bị sập một bên mố mà vẫn chưa đâu vào đâu, trẻ con vẫn phải bỏ học, người lớn mỗi khi có việc vào làng, vào xã thì đàn ông phải tụt quần tồng ngồng lội qua kênh, còn đàn bà, con gái đành để cả quần áo lội ào qua, chứ biết làm thế nào. Ngay đến số liệu chính thức về thiệt hại do gió lốc gây ra, chẳng lẽ bây giờ vẫn chưa tập hợp xong hay sao, mà Trường thúc ghê thế. Cứ như thái độ của Trường hôm giao ban thì ngỡ anh đốc thúc việc khắc phục hậu quả bão lốc nhanh chóng, khẩn trương lắm. Vậy mà…
Vừa lúc ấy, Trường quay lại, chợt thấy Cải vội niềm nở chào, như thể hai người xa nhau hàng tháng trời giờ mới gặp. Thái độ của Trường hôm nay thật khác với khi Cải mới về huyện. Lúc nào Trường cũng giữ bộ mặt nghiêm nghị, phớt đời. Nhưng gần đây, chưa rõ duyên cớ nào, Trường đột nhiên thay đổi cách cư xử với Cải: niềm nở, dè dặt, khiêm tốn đến nhún nhường. Đấy là thái độ của một người tự thấy mình không có năng lực bằng người khác, hay chỉ là ra vẻ niềm nở, thuận hoà để tranh thủ cảm tình, tạo chỗ đứng vững chắc trước khi nhẩy bước tiếp theo. Thật khó mà hiểu những gì đang giấu kín trong lòng Trường. Ngay đến thái độ của Trường lúc này cũng khó dò xét. Vừa thấy Cải bước vào phòng, Trường niềm nở bao nhiêu thì khi nhận ra ông trưởng ban thuỷ lợi Giang Khẩu, như cùng một lúc bước vào với Cải, mặt Trường hầm hầm bấy nhiêu, y như hôm ông Mải khoác áo mưa lững thững bước vào phòng họp thường vụ huyện uỷ, sau đêm gió lốc quét qua huyện. Nhưng hôm nay Trường không thể nói là “bận họp”, càng không thể đuổi thẳng về, vì ông ta bước vào phòng cùng với Cải, chứ không phải với một người bình thường nào, nên Trường đành cắn răng ngậm bồ hòn làm ngọt, mời ông ta ngồi. Nhưng khi rót nước xong, tuy cũng đủ ba chén cho ba người, nhưng Trường chỉ cầm một chén đặt trước mặt mời Cải, còn ông Giang Khẩu thì Trường chỉ tay vào khay nước, ra ý mời, chứ không đặt chén nước trước mặt khách. Cải như cũng hiểu cái cách phân biệt đối xử ấy của Trường, vừa đón chén nước, vừa giới thiệu:
- Đây là bác Thà, trưởng ban thuỷ lợi-giao thông Giang Khẩu, lên muốn xin uỷ ban huyện hỗ trợ cho xã một ít vật tư phòng chống bão lụt, để về làm lại cái mố cầu bị đổ cái đêm gió lốc hôm nọ.
Cải nói chậm rãi, cố ý không nói xin huyện chung chung, dễ làm người nghe hiểu chệch ra huyện đây là gồm cả huyện uỷ, mà nói rõ là xin uỷ ban huyện, để với tư cách người đứng đầu uỷ ban, Trường hoàn toàn có quyền đổng ý hay bác bỏ. Nhưng Cải vừa dứt lời, Trường nhìn ông Giang Khẩu, giục:
- Ông cứ sang bên thuỷ lợi, việc của ngành nào ngành ấy giải quyết. Việc gì cũng đến chủ tịch thì tôi còn thì giờ đâu làm việc được nữa.
Nghe Trường nói, Cải bỗng thấy lồng ngực có cái gì dội lên tưng tức, vội dựa lưng vào thành ghế sa lông. Tiếng ông Giang Khẩu dè dặt cất lên:
- Tôi tưởng cái việc dụng lại cây cầu sau bão lốc cho dân đi lại cũng là hệ trọng. Thế mà chủ tịch lại không giải quyết cho, còn việc nào lớn hơn mới đến chủ tịch giải quyết nữa ạ?
Trường đặt manh chiếc chén xuống khay xoảng một tiếng:
- Đây không phải chỗ ông lý sự hỗn hào. Tôi đã bảo việc của ngành nào ngành ấy giải quyết. Khi nào họ không giải quyết được mới phải đến uỷ ban, ông hiểu chưa!
Cải vội ngồi hẳn lên:
- Thôi, nóng nảy làm gì. cả bác ấy và chủ tịch xã Giang Khẩu đã đến phòng thuỷ lợi, và cả giao thông, nữa rồi. Nhưng họ không dám quyết, vì vật tư phòng chống bão lụt, và cả cái phiếu cấp mua xi măng, sắt thép nữa cũng thế, đều phải do chủ tịch hoặc phó chủ tịch huyện ra lệnh mới được. Vậy mà hai phòng thuỷ lợi, giao thông không giúp tham mưu được kế gì, lại cứ đùn đẩy nhau làm khổ xã, khổ dân. Thôi, cũng là việc bất đắc dĩ, hơn nữa bác Thà đây cũng là vì địa phương mới phải lận đận lên xuống bao ngày nay rồi. Tôi đề nghị anh xem có cách gì giải quyết khẩn trương cho xã, không nên để kéo dài thêm nữa, anh Trường ạ!
Không biết có phải là Trường cũng ý thức được trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả bão lốc, hay trước thái độ chừng mực, mền mỏng, có phần nhún nhường của Cải, mà vừa nghe Cải nói xong, Trường đứng dậy đến bên bàn, nhấc máy điện thoại, định gọi, lại đặt xuống, rồi rút tờ giấy trên bàn viết nhanh mấy chữ. Đoạn, quay ra đưa ông Thà:
- Ông cầm giấy này sang bên phòng thuỷ lợi, gặp cậu Sận trưởng phòng. Hẹn với cậu ấy cẩn thận ngày giờ cho người đến nhận vật tư ở kho dự trữ phòng chống bão lụt. Chứ không, kéo xe lên lại kéo về không đấy. Rồi lại đổ tại uỷ ban.
Ông Thà mừng ra mặt, rối rít cảm on chủ tịch, rồi cầm tờ giấy vội đi ra, quên cả chào người đích thân đưa ông tới đây, ông mới có cái vinh hạnh lần đầu được tiếp kiến chủ tịch huyện ngay tại phòng làm việc ở cơ quan. Chứ còn như ông, một trưởng ban thuỷ lợi quèn ở dưới xã, sao bỗng không qua bất cứ cửa nào ở uỷ ban huyện, lại được dông thẳng lên chỗ chủ tịch, ngồi ngang hàng phải lứa với hai người đứng đầu huyện thế này. Nên ông mừng là phải. Cái mừng của người đã ngoài năm mươi nó lạ lắm, miệng líu ríu, tay run run, còn đôi chân thì cứ tập tà tập tững bước thấp bước cao như người say, dáng đi lao về phía trước. Thế nên, vừa ra đến cửa, ông như lao vào chủ nhiệm hợp tác xã mua bán huyện, một nhân vật không mấy cán bộ, nhân viên cơ quan và khắp các xã trong huyện đều biết. Đến nỗi, nhiều người còn thuộc làu cả bài vè không biết từ đâu bay ra “nhất Khí, nhì La, ba Hà, tứ Xanh”, là bốn vị trưởng nắm hầu bao dân huyện: Khí trưởng cửa hàng bách hoá tổng hợp, La trưởng cửa hàng thực phẩm, Xảnh trưởng cửa hàng lương thực, ba vị kia đều là nam giới, chỉ có Hà là người đàn bà duy nhất ở huyện này nắm yết hầu một ngành kinh tế có tác động chi phối đời sống nông dân của hai mươi ba xã trong huyện: hợp tác xã mua bán, đơn vị kinh tế tập thể có chân rết là các cửa hàng mua bán ở khắp các xã, buôn bán đủ mọi thứ bà dằn từ dao cuốc, liềm hái, mai xẻng, thúng mủng, nong nia, dần sàng, gầu, chổi, chum vại, bát đĩa, giường chiếu đến khoai sắn, lợn gà, tôm cá, rạm cáy, mắm muối, dầu hoả, áo quần, và cả quan tài cho người chết… Khi ông Thà từ trong phòng Trường bước ra, cũng vừa lúc Hà đi hết dẫy hành lang đến gần cửa phòng. Một người mừng quá, cứ thập thà thập thững đi như lao về phía trước, còn một người mải ngáo ngơ, hết nhìn trước nhìn sau xem có ai thấy mình, lại vồi vội vuốt lại mái tóc, bẻ rộng thêm cái cổ áo hình cánh sen, vốn đã trễ xuống tới cái vai đẫy đà của người đàn bà bốn mươi, goá chồng hàng chục năm nay, người lúc nào cũng phây phây, đi đến đâu cứ như mang cả bếp lò hừng hực đi theo, làm đám đàn ông mỗi khi nhìn thấy, ông nào cũng như bị lác, mắt chớp nhay nháy. Một người mừng quá đi như lao về phía trước, một người mải ngáo ngơ nhìn trước nhìn sau xem có ai thấy mình, cả hai đều như mắt để trên trán. Cho đến khi có tiếng Hà kêu ối lên, thì ông Thà đã thúc cả cùi tay vào bộ ngực đồ sộ của Hà, làm chị ta vội ngồi thụp xuống trước cửa phòng Trường, không biết để chữa thẹn, ăn vạ ông Thà, hay còn gì gì nữa. Chỉ biết từ trong phòng, Trường tất tưởi chạy ra, không cần biết ai đúng ai sai, vừa mắng té tát ông Giang Khẩu: “Đi đứng thế à. Ông trở lại ngay đây!”, vừa hai tay xóc nách như bế bổng Hà đi vào phòng. Nghe tiếng Trường quát: “Ông trở lại ngay đây!”, Cải vội đi ra, lúc tới cửa thấy Trường bế một người đàn bà đi vào, anh lé người quay mặt đi, như nhường lối cho Trường, rồi nhìn ông Thà, vẫy tay giục: “Thôi đi đi! Nhanh không anh em bên thuỷ lợi họ đi cơ sở rồi lại nhỡ việc”. Cải miệng giục ông Thà, chân cũng bước mải theo ông đi về phía cuối dẫy hành lang xuống sân.