Ba người Điền, Liểu, Bính đi chuyến ô tô khách từ thành phố Thái Nguyên, lên đến thị xã Bắc Cạn trời đã nhập nhoạng tối. Ngoài ông Liểu có lần lên Bắc Cạn, vào tới vùng hồ Ba Bể mua sắn, thuê ô tô lâm trường chở về, còn Điền và Bính chưa một lần đặt chân đến cái đất miền rừng xa ngái này. Thế nên, vừa xuống ô tô, nghe ông Liểu bàn: “Hẵng tìm chỗ nào có quán cơm, lại có chỗ trọ, ăn uống, nghỉ chân mai hãy đi, anh với cháu ạ!”. Thì Điền nói ngay: “Thôi, từ giờ đến khi lên xe về, bác Liểu cứ chủ động, coi như đến đây bác làm trưởng đoàn”. Ông Liểu cười hì hì, ra ý bảo thế cũng được, rồi dẫn hai người đi ra phía ngoài bến xe khách.
Khi Liêu dẫn Điền và Bính từ trong bến xe đi ra, mới gần đến lối rẽ vào chợ đã thấy hai cô gái ăn mặc trễ nải. Cả hai đều mặc áo dệt kim trắng ngắn tay, với cái cổ tròn rộng đến ngang vai, còn chiếc quần may bằng loại vải phíp đen mỏng, chỉ hơi có gió phe phảy là đi đằng sau có thể nhìn rõ cả đầu gối bắp đùi nần nần. Hai cô gái ăn mặc trễ nải đang đứng bá vai nhau bên đường. Một cô dáng người cao, nhỏ nhắn, vừa bá vai một cô đầm đậm vừa õng ẹo hỏi, các anh tìm hàng cơm hay tìm nhà trọ, chúng em dẫn đến tận nơi, chứ sao phải mất công đi hỏi cho mệt. Liểu bây giờ mới có dịp thể hiện vai trò trưởng đoàn, mắt nhìn chằm chằm vào khuôn ngực đầy đặn, khơi gợi của cô vừa hỏi, nói như người hụt hơi, chúng anh tìm cả hai, các em biết ở đâu có chỗ ăn ngon lại rẻ, dẫn chúng anh đi với. Cô người cao nhỏ nhắn lại lên tiếng, lần này giọng còn nhờn nhợt hơn khi nãy, chỉ mỗi chỗ ăn ngon lại rẻ thôi à, thế sao vừa lại nói chúng anh tìm cả hai, hàng cơm và nhà trọ, chỉ được cái già dái non hột. Thôi, những chỗ ăn ngon lại rẻ thì tự đi mà tìm. Nói xong, cô người cao đẩy vai cô đầm đậm, miệng lụng bụng, xúi quẩy, mới tối đã gặp ngay lão khốt. Điền thấy thế vội kéo tay Liểu, nói nhỏ, đi thôi bác, ta vào chợ còn hàng quà gì ăn tạm, rồi tính. Liểu phần cũng muốn thể hiện khí phách đàn ông, cái con nhãi kia lại dám bảo ta là lão khốt, thử lại xem cái của anh mày đây có khốt không nào. Nhưng phần không muốn để cái thằng Bính kia về ton hót với ông chú ruột bằng những lời không hay về mình, biết đâu lại cả về Điền nữa, Liểu lặng lẽ đi theo Điền vào chợ.
Đúng là sự cẩn thận của Liểu không thừa. Ông biết tỏng ngay từ nhà, rằng anh em ông Thuật cử thằng cháu đi mua sắn với Liêu và Điền giữa lúc ở nhà Thuật khởi công xây sinh phần gia tộc, mượn mỗi ngày mấy chục người làm, công không mất một đổng là cái chắc, còn ăn, bất quá cũng chỉ ngày một bữa cơm trưa, thế mà vẫn cử thằng cháu đi mua sắn, thì quả là thể không đừng được rồi. Đấy là điều đầu tiên Liểu nói với Điền khi hai người gặp nhau để định ngày chờ lên đường. Nghe xong, Điền phân vân hỏi:
- Bác nói thế dễ ông ấy cho thằng Bính đi để theo dõi anh em mình à?
- Đúng thế!
- Chả có lẽ.
- Vậy chú nghĩ ông Thuật cử chú đi mua sắn là đã tuyệt đối tin chú đấy à?
- Em cũng không nghĩ thế. Nhưng dù sao, người ta có nhìn thấy ở em mặt tích cực nào đó, mới giao cho làm chứ!
Liểu đúng là một cán bộ xã, dù chỉ là cửa hàng phó mua bán, tỏ ra am hiểu nội tình những người đứng đầu xã Tiên Trung:
- Đúng là người ta nhìn thấy ở chú mặt tích cực, mà bây giờ không phải anh cán bộ, đảng viên nào cũng còn giữ được như chú, đó là nhiệt tình hăng say công việc, biết cách vượt khó, dám chịu trách nhiệm. Nhưng anh nói thật, chú cũng hay vị nể, dễ tin người và có phần nóng vội nữa. Nên ông Thuật cho thằng cháu đi là để kìm bớt cái sở trường, khoét sâu cái sở đoản của chú mà thôi. Nếu việc mua sắn trôi chảy, dăm bữa nửa tháng có sắn đưa về đến nhà, với chi phí phải chăng, thì gì, chứ qua kỳ giáp hạt này chú được xoá án kỷ luật là cái chắc. Còn như chờ mãi không mua được sắn mang về, hoặc mua được nhưng chi phí lại quá cao, thậm chí còn thâm hụt vào tiền mua sắn, thì cầm chắc chú vĩnh viễn mất đảng. Nhưng nếu không cử thằng Bính, lại cử người khác, biết đâu người đó lại vào hùa với chú thì sao. Chi bằng cử luôn con cháu trong nhà. Hơn nữa, thằng Bính cũng đang được ông chú rấp ré đưa vào đảng, biết đâu sau chuyên đi mua sắn về lại kết nạp ngay cũng nên. Một khi chú đi, lại có thằng Bính đi kèm, thì người nữa ắt hẳn là phải cử anh, vì huyện đã có ý kiến, nhất thiết trong đoàn đi mua sắn phải có người của cửa hàng mua bán xã mới đảm bảo nguyên tắc. Ông Thuật không dại gì một việc tày đình như thế này lại để có kẽ hở về nguyên tắc. Ừ, ngoài anh ra, cửa hàng còn ông Hoạt, cửa hàng trưởng, anh Hiển, bà Vang nhân viên. Nhưng anh là người “hiến kế” cho ông Thuật cử một người biết thông thổ miền ngược, thì ngoài anh ra, cửa hàng cũng chẳng còn ai biết miền ngược là đâu.
Điền nghe Liểu nói đến đấy, vội hỏi:
- Thế ông ấy không nghĩ bác với em lại vào hùa với nhau xà xẻo tiền mua sắn hay sao, lại đã cử em, lại còn cử bác đi nữa?
Cái này thì không biết một người túc trí đa mưu như Thuật có nghĩ tới. Còn Liểu, từ khi được quyền bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch uỷ ban xã gọi đến giao nhiệm vụ cùng Điền đi mua sắn, sau đó là những lời Thuật úp úp mở mở nói với Liểu về việc cử thêm thằng cháu Bính đi để đỡ đần bác với chú Điền, thì đúng là Liểu chưa nghĩ tới thật. Nhưng mãi đến đêm, không biết có phải vì chén nước chè đặc cắm tăm ở nhà Thuật, hay vì những lời Thuật dặn dò, mà trằn trọc không ngủ được. Trần trọc không ngủ được Liểu nằm chắp nối lại những lời úp mở, rào đón của Thuật, mới dần hiểu ra thâm ý của ông trưởng tộc dòng họ Phạm Khắc khi cho thằng cháu trưởng cùng đi mua sắn với Liểu và Điền. Liểu bảo:
- Có khi ông Thuật cũng nghĩ như thế, mới cho thằng cháu đi để theo dõi anh em mình. - Nói đến đấy, Liểu bỗng dừng lại giây lát, rồi tủm tỉm cười. - Nhưng có khi ngày ấy lão cũng không biết đâu, vì còn mải gầm ghè, dòm dỏ lật chú cơ mà.
Đúng là cái ngày ấy Liểu vừa nói, có khi Thuật cũng không biết thật. Chứ biết, chưa chắc đã để Liêu còn được giữ chân phó cửa hàng trưởng mua bán xã đến bây giờ, chứ đừng nói đến chuyện tin tưởng giao cho cầm một đống tiền đi mua sắn. Nhưng cũng vì có cái ngày ấy, mới có chuyện hai người, Điền và Liểu, cùng đi mua sắn chuyến này.
***
Nói ngày ấy cho có vẻ xa xôi, chứ thực ra cũng mới năm kia, khi Điền còn làm chủ nhiệm hợp tác xã.
Điền với Liểu không cùng làng. Điền ở Phương Trà, còn Liểu ở Phương La. Trước khi xảy ra cái việc Điền bắt quả tang Liểu đang nằm trên bụng cô Miền, cán bộ tài chính xã, một phụ nữ thấp nhỏ, khoẻ mạnh và công bằng mà nói, trông cũng được mắt chứ không đến nỗi nào, nhưng chẳng biết sao đã gần bốn mươi vẫn chồng con chưa có. Trước khi xảy ra cái việc Điền bắt quả tang Liểu đang nằm trên bụng cô Miền, ngay trên giường ngủ của Liểu ở cửa hàng, thì Điền cũng chỉ biết Liểu qua câu chuyện vừa hài, vừa diễu, lại vừa thương, do mấy bà rỗi hơi, ngày ngày đi làm công điểm hợp tác lại có dịp túm năm, tụm ba nơi đầu đường góc bờ, thôi thì trên trời dưới biển chuyện gì cũng kể ra vanh vách, cứ như thể nằm dưới gầm giường vợ chồng nhà người ta không bằng.
Mấy bà ấy kể rằng…
Liểu lấy vợ người làng Đợn bên kia sông, nổi tiếng với nghề làm mắm tôm đồng đỏ rau rảu và thơm nhức mũi. Vợ Liểu lẽ ra không phải cô này, mà là em gái cô ta cơ. Lại còn thế nữa. Ờ ờ, thế thật đấy. Chẳng tin cứ nghe đây. Khi bà mối dẫn mẹ Liểu sang xem mặt vào lúc gà lên chuồng, thấy một cô gái người đầm đậm, da đen bánh mật, mặt trái xoan, mắt to, lông mày dài và nhỏ, trông thanh mảnh và sắc sảo, xách siêu nước vừa đun từ dưới bếp lên. Không biết có phải vừa từ trong lửa bước ra, hay xấu hổ, hai má cô gái cứ đỏ rực lên như quả gấc chín, mặt cúi gằm, lí nhí chào hai bà mới sang chơi ạ. Cô gái chỉ xách siêu nước lên đổ vào cái phích vỏ nan tre, rồi lại xách cái siêu đi thẳng ra bể, múc nước đổ vào siêu, mang trở lại bếp. Tất cả chỉ khoảng ba phút, kể từ lúc cô gái xách siêu nước lên, đến lúc cô trở lại cái bếp nằm cạnh bể nước lối ra vồng. Bảo rằng ngắn cũng không ngắn, so với thời gian một diễn viên ra sân khấu trình diện khán giả; nhưng dài thì quả thật không dài, vì cái việc chọn dâu, kén rể là chuyện trăm năm, đâu kể ngắn dài. Nhất là việc lấy vợ cho Liểu lại không thể lần khân ngày một ngày hai, vì bà nội của Liểu bị cảm phong hàn cấm khẩu nằm liệt giường hơn tháng nay rồi. Sinh có hạn tử bất kỳ, không thể nói trước, tốt nhất là mau kiếm một đứa cháu dâu để nhỡ có thế nào bà nội cũng được nhìn thấy cháu dâu đích tôn. Hơn nữa, năm ấy Liểu cũng đã hăm bốn hăm nhăm rồi, vào tuổi ấy, tốt số như người ta đã con trước con sau ríu rít.
Đám cưới Liểu diễn ra khá xôm. Nếu so với mấy đám cưới ở làng ngày ấy, trầu mời từng miếng, thuốc lá đưa từng người, thì đám Liểu còn được mươi mâm, gọi là có chén rượu nhạt mời bà con cô bác sang ăn lưng cơm để qua sông đón cháu về bên này hộ. Họ nhà trai đi đón dâu vào chính giờ Ngọ, không hiểu đò giang thế nào, đường xá chỉ chừng non ba cây số, với qua con đò ngang, mà mãi đến giờ Dậu, gà lên chuồng mới thấy ngoài bờ đê đì đẹt bánh pháo tép. Nhưng mọi việc vẫn tuần tự diễn ra theo đúng nghi thức một đám cưới ở vùng quê. Mẹ chồng ra tận ngõ đón con dâu vào nhà, dẫn đến trước ban thờ. Ông bố thắp hương bẩm báo với tiên tổ, rồi châm ba nén hương đưa cho con trai, vái ba vái, lại cắm vào bát nhang; xong, lại đưa cho nàng dâu ba nén hương, nàng dâu cũng làm đúng như chàng rể. Sau lễ gia tiên, mẹ chồng lại dẫn nàng dâu vào giường trong, nơi bà nội của Liểu, và từ giờ là bà nội của cả cháu dâu, đang nằm bất tỉnh nhân sự. Đến nơi, cả mẹ chồng, nàng dâu đều đứng cạnh giường bà cụ đang nằm, rồi nàng dâu lặng lẽ khoanh tay trước ngực, còn mẹ chồng ghé sát vào tai bà cụ nói rõ to: “Cháu dâu mới, vợ thằng Liểu, vào chào bà đấy ạ!”. Tiếp lời mẹ chồng là tiếng nàng dâu lí nhí: “Cháu chào bà nội ạ!”. Bà cụ chẳng biết có nghe thấy, mặt cứ hếch lên trần nhà, mắt đờ đẫn, không biết khép hay mở mà chỉ thấy hàng mi dầy với những làn da nhăn nheo im lìm như ngủ. Sau nghi lễ bẩm báo gia tộc, nàng dâu lẩn nhanh xuống bếp, tranh với cô em chồng đang đun dở nồi cám lợn, em đi lên, để chị đun cho. Rồi cứ thế ngồi ì dưới bếp, rõ đến khi nồi cám sôi, vần xuống lấm, cũng không thấy thò mặt ra đến ngoài. Mãi khi bà con xóm láng về hết, mẹ chồng ngáo ngác, quái, cái đỏ ở đâu chưa lên dọn dẹp đi ngủ nhỉ. Nàng dâu mới từ dưới bếp vâng dạ đi ra, nhưng không sao đi ngay người lên được, vì cả ống quần chỗ hai bên bắp đùi và đằng sau mông đều ướt hết, không biết do cố nhịn tích tiểu thành đại, hay lo sợ quá cái thân phận dâu mới, đến vãi đái ra quần.
Đúng là vợ Liểu lo sợ quá cái thân phận dâu mới thật. Vì ngay sáng hôm sau, khi mọi người trong nhà đều dậy cả, nàng dâu mới dĩ nhiên phải dậy từ rất sớm cơm nước, cám bã. Bà mẹ chồng đang ngồi ở bậu cửa, thấy nàng dâu xách siêu nước sôi từ dưới bếp đi lên, đổ vào cái phích Trung Quốc vỏ có bông hoa hồng to bằng bàn tay, in trên cái vỏ sắt có nền xanh da trời, bỗng kêu bục một tiếng rất to, dễ bằng quả lựu đạn hơi nổ ngay dưới chân bàn giữa nhà. Bà mẹ chồng vội chạy vào, nàng dâu mặt tái mét, nước nóng đổ vào đỏ dậy một bên mu bàn chân mà không dám kêu, còn miệng thì há ra nhìn mẹ chồng không cất được lên lời. Nhưng chính cái miệng há ra nhìn mẹ chồng không cất được lên lời, mà bà mẹ Liểu có dịp nhìn trực diện nàng dâu mới với cái nhìn hốt hoảng, kinh dị, cứ như thể bà đang đứng trước một người tàng hình, chứ không phải cô gái bà đã cùng bà mối đến tận nhà xem mặt. Người tàng hình đứng trước mặt bà đây có khuôn mặt bánh đúc nặng chình chịch, trên má bên trái gần thái dương có vết chàm lồ lộ bằng quả cau to, xanh xám màu mật lợn trông đến khiếp. Đã thế lại tàn hương lấm tấm đầy mặt, càng nhìn càng thấy cái mặt nàng dâu xấu ơi là xấu, dễ chỉ hơn mặt khỉ ở chỗ không có lông lá rậm rì. Nếu chỉ có thế cũng là điều khó xử cho mẹ chồng, vì chính bà lặn lội sang bên kia sông xem mặt nàng dâu. Nhưng còn hơn thế, ngày sau, ngày sau nữa, lại chính mẹ chồng dò la ra tuổi tác nàng dâu, hơn chồng những bốn tuổi lẻ năm tháng hăm bảy ngày, cũng coi như sáu tháng, vị chi là hơn tới bốn tuổi rưỡi cơ à. Gái hơn hai, trai hơn một, đằng này hơn những bốn tuổi rưỡi, nghĩa là nàng dâu xấp xỉ ba mươi, trai ba mươi tuổi đang xoan, gái ba mươi tuổi đã toan về già, thế ra chỉ lấy nhau chưa đầy năm nàng dâu đã đến tuổi già, hoặc già gần bằng mẹ chồng năm nay chưa đến bốn nhăm tuổi sao? Nhưng nghĩ là nghĩ vậy, cật vấn chính mình vậy, chứ ngoài bà mối ra, mẹ chồng cũng chẳng biết thở than với ai về nỗi lấy nhầm vợ cho con trai, lúc đến xem mặt là mặt cô em, nhưng dẫn dâu về nhà chồng lại là cô chị. Thật không cái nhầm nào giống cái nhầm nào. Nhưng nhầm gì còn chữa được, thậm chí đồi hồi dăm ba câu xin lỗi có khi xong, chứ lấy nhầm vợ, lại đã động phòng phá trinh con gái người ta mà kêu toáng lên là nhầm, thì chỉ tổ thiên hạ chửi cho mục mả, chứ báu gì. Thôi, đành ngậm bồ hòn làm ngọt, không nên không phải đóng cửa trong nhà dỗ ngon dỗ ngọt con trai, khuyên bảo nàng dâu nhập gia tuỳ tục, xuất giá tuỳ phu chí thú làm lụng, vun vén cửa nhà, người xưa đã dạy cái nết đánh chết cái đẹp, ăn nhau là ở cái phúc hậu về sau, các con ạ. Không biết có phải vì thế, gần hai mươi năm nay, vợ chồng Liểu vẫn sống với nhau dưới một mái nhà, bảo hạnh phúc tràn trề, vui sướng quanh năm cũng chưa đến mức, nhưng cũng có tới bốn mặt con, lại toàn con trai. Riêng cái bốn mặt con, lại toàn con trai, đã làm vợ chồng Liểu đi đâu cũng được nước nói khoác, nhà em không thích đẻ nữa, chứ thích, em còn đẻ năm bảy đứa con trai nữa nuôi mà thể. Rồi vợ Liểu vỗ bồm bộp vào bụng mình, chẳng tin các bá cứ sờ vào đây em mà xem, em còn cả một ổ trứng toàn con trai đây này. Còn Liểu thì hễ thấy mấy bà dòng dòng, hay những cô quá lứa nhỡ thì ở đâu là nhăn nhở cười, nửa đùa nửa thật, đằng ấy có thích đây sẵn lòng tặng cho vài đứa, chẳng cần giường chiếu chăn màn ki cách làm gì cho lâu, đây chỉ cần đi qua đầu giường cho đằng ấy nhìn thấy cái của quý của đây thôi, là tự khắc đằng ấy có chửa ngay tắp lự.
Không biết có phải vì những câu nửa đùa nửa thật ấy, mà ối chị của nhà không đã, lén lút chồng con đón đường gặp Liểu hẹn hò đưa nhau ra tha ma, bụi dứa để được biết cái của quý của Liểu nó khác lạ đến mức nào mà hắn khoác lác thế. Còn các cô quá lứa nhỡ thì, đã một lần biết cái của quý của Liểu thì không sao rời ra được nữa, đến nỗi có cô sau cái lần đầu, hễ nhìn thấy Liểu ở đâu là trong người lại rạo rực như bị bùa mê thuốc lú ướt hết hai bên bắp đùi, cứ vừa đi vừa khom người đưa tay xoa xoa, vờ như lau vết bẩn ở quần, trông đến chết cười. Miền có lẽ nằm trong số những cô gái ấy. Gần bốn mươi tuổi, người thấp, nhỏ nhắn, nước da đen giòn, trông cũng được mắt, nhưng không hiểu sao Miền vẫn chưa lấy được chồng. Miền chưa lấy được chồng, chứ không phải chưa có người đàn ông nào lấy Miền. Những năm trước thập niên sáu mươi, bấy giờ bà mẹ và ông anh cả còn sống, Miền mới hăm ba, hay hăm nhăm gì đó, cũng có một hai đám đánh tiếng hỏi, nhưng bà mẹ, rồi ông anh, đều trả lời đám ấy không hợp môn đăng hộ đối nhà này. Chả là ngày xửa ngày xưa, hồi còn mồ ma cụ thân sinh ra ông nội Miền, cụ ông có một năm ra tranh chức lý trưởng làng, nghe nói đáng lẽ cũng trúng, nhưng khi việc làng chọn lấy một người vào chân lý trưởng, lại có người móc ra việc cô con út của cụ năm trước tằng tịu với con nhà mõ, thấy nói hai đứa còn thề non hẹn biển với nhau, có người nghe lỏm được. Cái sự yêu đương của con trẻ làm ông bố vạ lây, vì chỉ qua mỗi việc ấy làng đã khép nhà ông vào hạng không môn đăng hộ đối gì. Thế là từ đấy việc dựng vợ gả chồng cho con, cho cháu cụ ông đều dặn thận trọng xem vai vế hai nhà định kết thông gia có hợp nhau không đã. Bây giờ cả cụ ông cụ bà, rồi bố đẻ ra Miền đều về với tiên tổ, nhưng bà mẹ và ông anh trưởng vẫn không chịu xuống nước, cứ nhất mực cụ dặn thế nào còn sống tao đây là phải nghe lời. Và Miền nghe, nghe mãi, nghe đến khi Miền chỉ còn kém nửa tuổi nữa là tròn bốn mươi cái lá vàng rơi, vẫn chưa biết làm đàn bà là thế nào. Cho mãi đến…
Là cán bộ tài chính xã, Miền hàng tháng, hàng quý phải ra cửa hàng mua bán, khi thì lấy báo cáo mua vào, bán ra, khi chứng kiến kiểm kê, có lúc còn đột xuất đến cửa hàng hỏi mấy thứ khăn mặt, xà phòng, thuốc đánh răng, và cả vải màn của chị em, còn bao nhiêu để đảng uỷ, uỷ ban xã chỉ đạo phân phối cho đúng đối tượng. Lần nào Miền đến cửa hàng Liểu cũng xăng xái kéo ghế mời ngồi, pha ấm trà mới, rót nước bưng đưa tận tay, có lần còn chạy ra quán bà Đang mua mấy cái kẹo lạc bọc giấy bóng mang về mời đồng chí cán bộ tài chính xã chẳng mấy khi có dịp ra đến ngoài cửa hàng.
Rồi một hôm, Miền ra cửa hàng mua bán vào quãng bốn năm giờ chiều. Trời lây rây mưa. Cửa hàng vắng teo, vì tháng này trên không cung cấp hàng nên nhỡ hàng bán. Liểu đóng cửa bên gian bán hàng, ngồi trong gian nhà bên này vừa là nơi nghỉ ngơi, vừa là chỗ làm việc của cửa hàng phó. Nghe tiếng người hỏi bên ngoài, anh Liểu ơi, sao cửa hàng hôm nay đóng cửa sớm thế? Liểu vội ngó ra, thấy Miền xách chiếc túi nhựa, không biết bên trong đựng sổ sách giấy tờ gì mà căng cả túi, vội hỏi, cô Miền đi họp ở đâu về qua, hay ở ngoài trụ sở vào thế? Miền cười, ở nhà ra không được ư, lại cứ phải đi đâu qua hay ngoài trụ sở vào. Nhưng Liểu đã chi vào chiếc túi Miền đang xách ở tay, bảo ở nhà ra sao sổ sách giấy tờ đầy túi thế kia, hay cửa hàng anh bị kiểm tra đột xuất đây. Ừ, kiểm tra đột xuất đấy, thì đã sao, xem anh có giấu em nào, chị nào trong cửa hàng không. Liểu chìa cả hai bàn tay ra rất điệu đàng, xin mời bà cán bộ tài chính xã. Miền bỗng phá lên cười, rồi vừa bước nhanh vào, vừa đấm thùm thụp vào vai, vào lưng Liểu, này bà này, này bà này! Liểu quay lại, như một động tác tự vệ, túm chặt lấy tay Miền. Và Miền cũng chẳng vừa, quẳng vội cái túi xách xuống ghế, hai tay túm lấy Liểu, đầu như húc vào ngực anh, cứ thế đẩy đi. Cho đến lúc nghe tiếng ịch một cái, Liểu nằm bổ ngửa xuống giường, còn Miền chẳng biết mất đà hay có ý, đè lên Liểu. Bấy giờ, Liểu mới như bừng dậy sức mạnh đàn ông, ôm chặt lấy Miền, rồi nhanh như cắt đảo ngược tình thế, vần ngửa Miền ra nằm đè lên trên. Liểu cứ thế đưa hai cái môi dầy, rồn rột chà xát lên đôi má, đôi môi, lùa cả cái lưỡi to bè nóng hôi hổi và nồng nặc mùi thuốc lào vào mồm Miền. Liểu cứ thế lùa cả cái lưỡi to bè nóng hôi hổi vào mồm Miền, chẳng những Miền không chống đỡ, còn ngoặm luôn lấy cái lưỡi của Liểu vừa mút chùn chụt như mút kẹo, vừa hự lên những tiếng rên không ra rên, reo không ra reo, cứ ư ử ư ử. Nhưng chính tiếng rên không ra rên, reo không ra reo không thể kìm nén, và cũng không cần kìm nén ấy, làm hại anh ả.
Bấy giờ, Điền ở ngoài trụ sở hợp tác xã đi về. Ngang qua cửa hàng, không biết trời xui đất khiến thế nào lại rẽ vào. Thấy gian ngoài cửa hàng đã đóng, nhưng gian bên cạnh nửa khép nửa mở, Điền vừa bước vào đẩy nhẹ một bên cánh cửa, vừa hỏi: “Bác Liểu ốm đau sao, cửa hàng lại đóng sớm thế này?”. Tức thì, Điền giật bắn người khi nhìn thấy cái thân thể đàn ông, đích thị là Liểu, đang đè lên người đàn bà nằm bên dưới, nhưng chưa nhận ra ai. Trong tích tắc, Điền thấy như mình vừa làm điều không phải, vội quay ra, khép luôn cái cánh cửa vừa mở, rồi cứ thế đi về. Nhưng Điền mới về đến nhà chỉ chừng mươi mười lăm phút đã thấy Liểu thở ra mang tai, mặt xám xì, hấp ta hấp tấp đạp xe đến. Biết Liểu đến vì việc gì, Điền bước nhanh ra, một tay để lên ghi đông xe, một tay vỗ vai Liểu, bảo: “Bác có rỗi thi vào nhà uống nước, còn bận thì về đi. Tôi có tâm địa nào lại đi làm hại bác. Nhưng đã dám ăn vụng, phải biết chùi mép, đừng có hớ hênh!”. Nói lời giữ lời, Điền không bao giờ hé răng với ai việc Liểu trai trên gái dưới với cô Miền, mà mấy ngày sau Điền không khảo Liểu cũng xưng, tôi nghĩ thương cô Miền ngần ấy tuổi đầu vẫn chưa biết mùi đàn ông thế nào, lại muốn có đứa con cho đỡ buồn, nên trót dại. Chính việc đó đã làm Liểu kính trọng Điền, coi Điền như vị cứu tinh đã cứu Liêu, và cả cô Miền nữa, không phải ngồi kiểm điểm trước chi bộ, đáng bộ hết ngày này sang ngày khác, và cũng không phải chịu mức án kỷ luật nào. Chứ không, tội hủ hoá giữa hai đảng viên trong một đảng bộ, không bị đuổi ra khỏi đảng cũng kỷ luật ghi lý lịch, lưu đảng một năm là cái chắc.
***
Bởi sự kính trọng của Liểu đối với Điền, nên biết tin xã cử Điền làm trưởng đoàn đi miền ngược mua sắn, Liểu linh cảm thấy có cái gì như sự thử thách một mất một còn của ông Thuật, với tư cách phó bí thư kiêm chủ tịch xã, giao nhiệm vụ cho Điền. Dĩ nhiên, hoàn thành thì không sao, có thể sẽ là một thuận lợi khi xem xét xoá án kỷ luật cho Điền, nhưng không mua được sắn đưa về, hoặc mua được nhưng lại có vấn đề trong chi tiêu tiền nong, thì thôi rồi, Điền không bao giờ còn được sinh hoạt đảng, dù với tư cách lưu đảng như gần một năm nay nữa là cái chắc. Thế nên,
Liểu chủ động gặp ông Thuật “hiến kế” thế nào thì thế, trong đoàn cũng phải có một người ít nhiều đã có lần lên miền ngược. Thuật đang bí chưa tìm được người đủ tin cậy để giao cho đi mua sắn với Điền, thì đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh, Liểu dẫu chưa đáng là người được Thuật đủ tin cậy, nhưng cũng không hoàn toàn là người không thể tin dùng, liền nói ngay: “Hay là bác đi với Điền nhá. Điền nhanh nhẹn, tháo vát, còn bác đã lên Bắc Cạn mua sắn năm nọ, cũng ít nhiều biết cách đi đứng, mua bán. Nếu bác đi hộ thì tồi hoàn toàn yên tâm”. Nhưng hẳn là Thuật cũng cân nhắc thế nào đó, mãi chiều muộn ngày hôm sau mới cho người ra ngoài cửa hàng mua bán gọi Liêu vào trụ sở xã chính thức giao nhiệm vụ, rồi bóng gió, úp mở dặn dò và thông báo việc cho thằng cháu Bính nó đi để giúp bác với Điền những việc nặng nhọc.
Thế nên, Liểu không thể không ý tứ giữ gìn, biết đâu, mình bập vào hai ả kia lại dính như kẹo, nhũng nhẵng, bờm xơm, cái thằng Bính nó mà biết lại về ton hót với ông chú thì chỉ có toi đời, kỷ luật đảng, cách chức cửa hàng phó mua bán xã là cái chắc. Liểu lặng lẽ đi theo Điền hết nửa vòng chợ cũng không thấy còn hàng quán cơm phở, bánh trái nào. Sau có bà hàng rau quả mách đằng sau bến ô tô, chỗ có cái biển “ở đây có nhà trọ” đi thẳng vào là thấy quán cơm đấy. Thế là gặp may rồi, có quán cơm lại có cả nhà trọ, ăn xong ngủ luôn cho đỡ mệt, mai có sức mà đi, còn xa đấy. Ông Liêu nói như để cả Điền và Bính cùng nghe. Ba người lại vòng ra cổng chợ, đi tắt qua bến xe ra phía đằng sau có mấy cái nhà lúp xúp, tường xây đá xám, mái nợp ngói máng, nhìn ra con đường rải đất núi vàng khè, trông làng không ra làng, phố không ra phố. Đúng là một thị xã miền rừng trực thuộc huyện, chẳng khác gì thị trấn.
Nhưng cái thị xã miền rừng chẳng khác gì thị trấn ấy lại cả đêm hầu như không ngủ. Gần nhất là trong nhà trọ. Ba gian nhà tiếng là được ngăn ra thành ba phòng, nhưng sự ngăn cách giữa phòng này với phòng kia chỉ là tấm vách ken bằng những cây nứa đập dập. Giường nằm cũng là những cây nứa đập dập ken dầy, được nối dài dọc phòng, có thể nằm được bảy tám người liền nhau, nếu cùng giới, còn khác giới nằm dáo dở đầu đuôi, tuỳ thoả thuận của hai người nằm “giáp đường biên”. Đã ăn ngủ tập thể là quân hồi vô phèng, chẳng ai bảo được ai. Thế là góc này có người tranh nằm trong nằm ngoài, góc kia có tiếng người mắng nằm với ngồi chân đạp cả vào mặt người ta, chỗ giữa giường một giọng đàn bà cằn nhằn, bóp gì bóp đau bỏ mẹ, đám cuối nhà trọ bỗng ré lên cười không ra cười, khóc không ra khóc, chỉ thấy những tiếng hự hự ử ử và tiếng người mắng, động cỡn với nhau cũng phải giữ ý chứ, người ta nằm ngồi đầy thế này mà cứ như ở nhà í. Liểu, Điền và Bính (từ giờ mỗi khi nói đến ba người phải kể đến Liểu đầu tiên, vì đã được tôn danh trưởng đoàn khi ba người đặt chân xuống thị xã Bắc Cạn), thuê gọn một chỗ nằm ở phía trong cùng, chỉ cách một tấm vách nứa ngăn, như bức tường, là đường đi lại. Thật là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, tưởng nằm phía trong cùng thì không chịu cảnh chen lấn xô đẩy, và cả xờ xoạng, móc túi cũng chưa biết chừng, ai ngờ lại sát đường đi, suốt đêm cứ rào rào như rừng động. Nào gái ăn sương sau một hồi lượn lờ ngoài bến xe, ngã ba đón được khách lại đưa vào quãng đường vắng cho các chàng thoả trí tang bồng. Nào những anh lái xe miền xuôi trên đường chở hàng lên tỉnh biên giới Cao Bằng, thể nào cũng nghỉ lại thị xã Bắc Cạn để sáng mai ban ngày ban mặt vượt đèo Gió, đèo Cao Bắc cho an toàn, chuộng của lạ, thích lang chạ, lại được các em ra tận xe chèo kéo vào đây đùa dỡn, quăng quật nhau ôi ối. Rồi những người từ các bản làng xa trong thung sâu, trên lưng núi, xuống từ ban chiều để mai chơi chợ sớm, xong còn kịp về, cũng đưa nhau vào con dốc lối đi Chợ Đồn, cạnh đám nhà trọ, tụ tập ăn uống, hát xướng, đùa dỡn, và cả làm tình, cứ rào rào như tằm ăn rỗi suốt đêm. Không những thế lại còn xe. Thị xã Bắc Cạn những năm rày nhiều xe cộ qua lại hơn bất cứ bao giờ. Nào xe chở khách ngày mấy chuyên Hà Nội, Thái Nguyên lên, Cao Bằng, Tinh Túc xuống. Nào xe chở hàng hoá từ miền xuôi lên, những năm rày đặc biệt nhiều. Nhưng nhiều nhất phải kể đến xe quân đội, lại phần nhiều chạy về đêm, với đủ các loại xe, chuyên chở mọi thứ, từ bộ đội, quân trang, lương thực, thực phẩm, hàng hoá công nghệ phẩm đến súng đạn, pháo cao xạ, và cả tên lửa. Vậy nên, không những thị xã miền rừng chẳng khác gì thị trấn ấy cả đêm hầu như không ngủ, mà Liểu, Điền, đến cả Bính đang tuổi ăn tuổi ngủ cũng cả đêm gần như thức trắng. Cũng vì thế mà mới sáng ra.