Hoàng là người đất Canh Tang, làng Võ Hà Hữu. Từ thuở nhỏ đã nổi tiếng thông minh đĩnh ngộ, lại có tài xuất khẩu thành thi. Gia tộc Hoàng vốn nổi tiếng về kiếm thuật. Tương truyền tổ tiên Hoàng có duyên gặp một bậc dị nhân truyền cho pho kiếm thuật thời thượng cổ. Từ đó đời đời nối tiếp nhau luyện kiếm. Ông tổ của Hoàng đã từng có lần một mình đơn kiếm ra khơi, vào tận sào huyệt của hải tặc để trả thù cho một người bạn, uy danh chấn động cả thiên hạ. Kiếm thuật đến đời Hoàng là tập đại thành. Nhiều tay kiếm khắp nơi hâm mộ danh Hoàng tìm đến so tài nhưng tất cả đều bại dưới tay Hoàng. Nhờ tính Hoàng khoáng đạt, so kiếm chỉ để tìm chổ tận diệu của kiếm thuật nên tất cả những kẻ bại trận đều không đem lòng thù hận.
Gia cảnh Hoàng rất thanh bần. Hoàng sống một mình với một lão bộc trung thành bên sườn đồi, suốt ngày chỉ đam mê luyện kiếm, đến nỗi thiên hạ tặng cho danh hiệu Kiếm cuồng. Hoàng giỏi kiếm lẫn thơ nên rất hâm mộ cao phong của Lý Bạch. Hoàng sáng tác bài Hoa Trích tiên ngâm để nói lên tấm lòng hoài mộ của mình. Bài đó được truyền tụng khắp nơi, các danh sĩ đều cho đó là thần bút. Bạn bè có người nói:
- Tài hoa như ông, văn cũng như võ, nếu đi thi thì nắm chắc cái chức Trạng nguyên. Sao ông không thử xuôi kinh ứng thí một lần?
Hoàng cười đáp:
- Chúng ta sinh ra ở thời thiên hạ thái bình, lại có đấng minh quân trị đời. Thử hỏi có Hoàng thì thiên hẹ thêm được gì, mà không có Hoàng thì thiên hạ mất gì? Vả lại tính tôi không ưa ràng buộc, chỉ muốn nghiên cứu tìm hiểu chổ tận diệu của kiếm đạo thì có chết cũng cảm thấy không uổng phí bình sinh.
Một hôm, trời đổ tuyết lạnh buốt, Hoàng đang luyện kiếm đến chỗ cao hứng, kiếm quang vùng vẫy như con bạch long giữa trời, bỗng nhiên nghe có tiếng thở dài:
- Hỡi ơi! Thật đáng tiếc! Thật đáng tiếc!
Hoàng giật mình, dừng kiếm, nhìn ra cổng thấy một ông lão đội nón tơi, dáng dấp thanh kỳ đang đứng dưới trời tuyết nhìn mình. Hoàng vội vã mời vào nhà, hối lão bộc bày rượu. Sau khi phhân ngôi chủ khách, Hoàng kính cẩn hỏi họ tên, ông lão chỉ mỉm cười không nói. Hoàng, hai tay nâng kiếm, thưa:
- Vãn sinh mê kiếm hơn cả sinh mạng, có điều tư chất ngu muội nên chỉ đáng làm trò cười cho bậc cao minh, hôm nay run rủi có tiền bối ghé thăm, rất mong được chỉ giáo.
Ông lão cười rộ đáp:
- Họ Hoàng đất Canh Tang nổi tiếng thi kiếm vô địch, ai lại chẳng biết, hà tất phải nói những lời khách sáo? Già này nào có biết gì về kiếm, chỉ vô tình buột miệng nói càn mấy câu mà thôi.
- Nể lời công tử, già này đành liều phô cái dở của mình ra.
Ông lão bèn đỡ thanh kiếm, ngưng thần trong khoảng thời gian uống cạn nửa tuần trà rồi đột nhiên vung tay một cái. Chỉ thấy kiếm quang lấp lánh trên bàn rồi tắt. Trong thâm tâm Hoàng mong đợi một đều kỳ diệu xảy ra, nên thấy chỉ có thế thì hơi thất vọng, nhưng không dám nói ra. Ông lão đặt thanh kiếm xuống bàn rồi ngâm:
“Mỏi gót lê chân khắp đất trời
Mắt xanh dõi hết mấy trùng khơi
Nơi nơi chỉ thấy người múa kiếm
Nào biết tìm đâu kiếm múa người.”
Ngâm xong ông chắp tay từ tạ, nài nỉ thế nào cũng không được. Tiễn khách xong, Hoàng vào nhà định uống rượu tiếp để luyện kiếm, tay vừa chạm vào chén rượu thì bỗng giệt mình toát cả mồ hôi. Toàn bộ các vành chén rượu đều đã bị đường kiếm tinh ảo của ông lão gọt đứt mà không rơi hẳn ra bàn! Hoàng kinh hãi chạy theo thì chỉ thấy tuyết bay mù mịt, không thấy bóng dáng ông lão đâu. Ngẫm lại bài thơ, Hoàng mới biết đó là lời chỉ giáo, bao nhiêu tráng khí hùng tâm bỗng nhiên tan biến.
Từ đó, Hoàng đóng cửa tạ khách, ngày đêm nghiền ngẫm kiếm phổ. Ba năm sau kiếm thuật tăng tiến rất nhiều nhưng Hoàng tự biết chưa đạt đến chỗ tận diệu nên quyết tâm đi tìm ông lão ngày xưa để mong được chỉ giáo.
Trải qua năm năm trời lang bạt kỳ hồ, đi mòn không biết bao nhiêu đôi giầy cỏ, đi khắp nơi từ kinh thành, phố thị đến hoang mạc, non cao đều có dấu chân Hoàng nhưng ông lão vẫn biệt tích. Một hôm Hoàng đến một vùng sơn cước thì trời đã ngả bóng. Phong cảnh nơi đây vô cùng thanh tao, tiêu sái. Đi men theo con suối một lúc thì thấy thấp thoáng một ngôi nhà trúc. Hoàng vội đến định xin trú tạm qua đêm. Vừa đến nơi, chưa kịp gõ cửa sài, đã thấy một ông lão ra đón, miệng cười hỏi:
- Chẳng phải họ Hoàng đất Canh Tang đó ư?
Nhìn lại thì thấy đúng ông lão ngày trước, Hoàng mừng khấp khởi, toan quỳ lạy ra mắt, nhưng ông lão đã cản và mời vào nhà. Vật dụng bên trong nhà toàn bằng trúc, bày biện cực kỳ u nhã. Trên án thư thấy để vài cuốn sách. Trên bức vách trúc treo một cây dao cầm. Hoàng thấy lòng lâng lâng như lạc vào cõi khác.
Ông lão chỉ lưu Hoàng ở lại chứ tuyệt nhiên không thấy nói gì về kiếm. Sáng hôm sau, Hoàng bèn đem kiếm phổ trình lên nhờ ông lão giải đáp những điều chưa hiểu. Ông lão cầm kiếm phổ, lướt nhìn qua rồi bỗng nhiên xé vụng và ném tung ra ngoài cửa trúc như một đàn bướm. Hoàng nhì theo các mảnh giấy bay, tâm thần hoảng hốt, la lên:
- Tiền bối không biết kiếm phổ đó là di vật cực quý thời thượng cổ ư? Kiếm thuật nhà vãn bối cũng đều nhờ vào đó mà đương danh thiên hạ. Sao tiền bối lại hủy đi?
Ông lão cười rộ, bảo:
- Người đọc sách nhiều mà sao chậm hiểu thế. Trước đây ta cho ngươi là kẻ thông tuệ, muốn cầu tìm chỗ ảo diệu của kiếm đạo, đâu hay cũng là phường bị thịt, trích cú tầm chương. Trên đời này có hàng ngàn kiếm phổ, chẻ lẽ người cũng ráng tìm đọc cho hết ư? Dẫu cho người có thọ vạn tuổi cũng không làm được điều đó. Giả sử không có một kiếm phổ nào thì kiếm thuật trên đời này tự tiêu vong đi chăng? Ta hỏi người cái diệu lý của kiếm thuật há có liên quan gì đến ngữ ngôn văn tự?
Hoàng như người chiêm bao sực tỉnh, mình toát mồ hôi đầm đìa, quỳ xuống thưa:
- Đệ tử ngu muội, kính nhờ tiền bối chỉ đểm.
Ông lão từ tốn bảo:
- Nhà ngươi vốn thông tuệ nhưng chỉ mới đăng đường chứ chưa nhập thất. Ngươi đọc Nam Hoa kinh, mà sao không nhớ đến chuyện Trang Tử hoá bướm. Trang Tử năm mới thấy mình hoá thành bướm? Tỉnh dậy không biết là mình hoá ra bướm hay bướm hóa ra mình? Ngươi chỉ lo tập múa kiếm, sao không một lần thử để cho kiếm “múa” nhà ngươi?
Hoàng hốt nhiên tỉnh ngô, xin ở lại hầu hạ. Suốt ngày ngồi tĩnh tọa, quán tưởng về kiếm. Một đêm trăng, Hoàng đang luyện kiếm, bất giác đi vào cảnh giới vô ngã, nghe lâng lâng như siêu thoát, kiếm chiêu cứ tuỳ tâm niệm mà thu phát, như nước chảy mây bay, không có gì ngần ngại. Hoàng cao hứng hát:
“Nhấp nhô con sóng
Lấp lánh hạt sương
Kiếm ta làmcơn gió
Bỗng hóa thành ánh trăng
Ta nương theo ánh sáng
Vút bay theo cánh bằng
Bao năm học kiếm mà đâu hiểu
Ta là kiếm hay kiếm là ta
Hôm nay chợt tỉnh giấc
Phiêu diêu cõi bao la.”
Được một năm, ông lão gọi Hoàng lại bảo:
- Ngươi luyện kiếm đến đâu rồi?
Hoàng thưa:
- Đệ tử luyện kiếm quên hẳn thân mình, Không còn biết là đệ tử múa kiếm hay là kiếm múa đệ tử nữa.
Ông lão bảo:
- Cái không biết ấy cũng vẫn còn là biết đấy. Kiếm thân hợp nhất mới chỉ là ngã rẽ tạm thời, chưa đạt đến chỗ tận diệu của kiếm đạo. Ngươi hãy trở lại trạng thái tâm khi ngươi mới đến đây mới là hay.
Hoàng cung kính lui ra, không luyện kiếm nữa mà chỉ lo các công chuyện vặt vãnh hằng ngày. Ngày ngày ra suối gánh nước, đốn củi, nấu cơm.
Được một năm, ông lão bỗng nhiên bỏ đi đâu mất, để lại cho Hoàng một bài thơ từ biệt:
“Khi mới luyện kiếm, thấy kiếm là kiếm, thấy ta là ta.
Khi được bậc cao minh chỉ điểm cho đường vào, thấy kiếm chính là ta và ta chính là kiếm.
Khi đạt được chỗ diệu lý của kiếm đạo, lại thấy kiếm chính là kiếmvà ta chính là ta.”
Thời gian sau, người ta thấy Hoàng gánh củi vô chợ bán, được tiền thì uống rượu, say rồi lại ngâm thơ, chứ không nghe bàn gì đến kiếm nữa.