Ba Chị Em Nhà Họ Tống

Chương 12: Cuộc Hôn Nhân Của Tống Khánh Linh Và Tôn Dật Tiên (2)

Trước Sau

break
Đế Chế Của Viên Thế Khải Thất Bại

Trong lúc Tôn Dật Tiên còn mải hưởng hạnh phúc mới với Khánh Linh thì tại Bắc Kinh, Viên Thế Khải quyết tâm phục hồi nền đế chế. Vào cuối năm 1915, Viên Thế Khải bắt đầu sửa soạn cho việc lên ngôi hoàng đế. Lúc đó các nước tây phương còn mải mê với trận đại chiến thứ nhất, để mặc Nhật Bản một mình một chợ tại Á Châu. Nhật bản muốn nhân cơ hội này thay thế các nước tây phương để chiếm địa vị minh chủ ở Á Châu, và phá cuộc diện cơ hội đẳng quân của tây phương tại Trung Hoa. Nhật Bản biết Viên Thế Khải đang vận động để tái lập nền quân chủ, và Nhật có thể lợi dụng Viên Thế Khải cho mục tiêu của Nhật.

Trước hết Nhật Bản tuyên chiến với Đức, với tư cách là đồng minh của Anh quốc. Nhật yêu cầu quân hạm của Đức phải rút ra khỏi biển Nhật Bản và biển Trung Hoa, và phải giao nhượng địa Giao Áo của Đức cho Nhật. Đức không trả lời. Quân Nhật liền tấn công Giao Áo, nhưng lại cố ý đổ bộ lên Long Khẩu là đất của Trung Hoa, rồi tiến chiếm Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông. Viên Thế Khải phản đối Nhật Bản, thì người Nhật gửi cho họ Viên một bản 21 điều khoản yêu sách, đòi thừa kế tất cả chủ quyền của người Đức tại Sơn Đông và các đặc quyền tại vùng Mông Cổ, Mãn Châu và vùng Hoa Bắc. Sau hơn bốn tháng thương thuyết đàm phán, Viên Thế Khải phải thừa nhận cả 21 điều khoản yêu sách của Nhật. Từ đó Nhật thay thế Anh và Nga làm chủ tình hình Đông Á, và Trung Hoa trở thành một chư hầu của Nhật. Hoa Kỳ là nước duy nhất phản đối sự bành trướng của Nhật, nhưng không có kết quả gì. Sự nghiệp chính trị của Viên Thế Khải là một chuỗi những sự phản bội. Trước hết Viên phản bội vua Quang Tự, rồi phản bội nhà Mãn Thanh, phản bội chính thể cộng hòa, và bây giờ đi với Nhật để phản bội ngay chính nước Trung Hoa để mưu cầu quyền lợi riêng của mình.

Nhưng mộng đế chế của Viên Thế Khải gặp một sự chống đối mạnh mẽ từ mọi phía. Bây giờ không còn ai tin được Viên Thế Khải nữa, vì họ Viên phản bội mọi người. Ngay khi Viên Thế Khải làm lễ đăng quang lên ngôi hoàng đế thì Thái Ngạc, nguyên là đô đốc Vân Nam, bỏ trốn về Vân Nam và cùng Đường Kế Nghiêu đánh điện xin Viên thủ tiêu đế chế, và tuyên bố Vân Nam độc lập. Thái Ngạc đem quân đánh lấy Tứ Xuyên, Lý Liệt Quân chiếm Quảng Đông. Viên Thế Khải sai Tào Côn và Ngô Bội Phu tiến quân đánh Thái Ngạc, và Long Tế Quang tấn công Lý Liệt Quân. Nhưng các tỉnh Quảng Tây, Chiết Giang, Hồ Nam, Thiểm Tây, Qúi Châu lần lượt theo nhau tuyên bố độc lập và chống lại Viên Thế Khải.

Đến đây các bộ hạ thân tín nhất của Viên Thế Khải là Đoàn Kỳ Thụy và Phùng Ngọc Tường thấy Viên Thế Khải bị cô thế, cũng theo các tỉnh miền nam phản đối đế chế. Sự chống đối Viên Thế Khải bây giờ cũng lan nhanh và rộng như cuộc cách mạng chống nhà Thanh năm 1911. Thực vậy, vào mùa xuân năm 1916, khắp Trung Hoa đều chống lại Viên, và Viên trở thành một lãnh tụ cô đơn tại Bắc Kinh. Khi bị ngay quân đội miền bắc chống lại thì Viên biết rằng giấc mộng làm vua không thể thành tựu được. Viên liền ra sắc lệnh hủy bỏ ý định làm hoàng đế, và chỉ giữ chức tổng thống thôi. Nhưng các tỉnh chống đối không chịu, đòi Viên phải từ bỏ mọi quyền hành chính trị.Đang uy quyền nhất nước, chỉ một bước nữa là lên ngôi vị hoàng đế, nay bỗng nhiên mất tất cả. Viên Thế Khải vô cùng uất hận. Trong một cơn giận không kiềm chế được, Viên cầm kiếm đạp cửa phòng của một người hầu thiếp yêu quý nhất trong số hai mươi người vợ của Viên, đặc biệt là người hầu thiếp xinh đẹp này mới sinh hạ được một đứa con trai cho Viên. Khi bước vào phòng, Viên trông thấy người hầu thiếp đang nằm ôm đứa con trai vừa mới sinh. Trong một cơn giận mất trí, Viên vung kiếm đâm chết cả hai mẹ con. Một tuần sau đó, Viên quá ưu uất một sớm một chiều mất hết quyền lực, và cũng đau lòng hối tiếc đã giết vợ và con trai, nên Viên bị đứt gân máu và từ trần ngày 6- 6- 1916.

Cái Chết Của Tống Giáo Nhân

Người con gái út của Tống Giáo Nhân là Tống Mỹ Linh được du học tại Welleshley College thuộc tiểu bang Massachusett từ 1913 đến 1917, trong khi đó Tống Tử Văn học về kinh tế tại đại học Harvard. Thời gian du học tại Hoa Kỳ đã biến đổi Tống Mỹ Linh từ một cô gái mập tròn thành một thiếu nữ đẹp duyên dáng và khoẻ mạnh. Rất đông sinh viên Trung hoa tại đại học Harvard tấp tểnh muốn được lọt vào mắt xanh của nàng. Khi Mỹ Linh nghe tin về mối tình của chị Khánh Linh với Tôn Dật Tiên, nàng lo sợ khi trở về Trung hoa, nàng có thể sẽ phải chấp nhận một cuộc hôn nhân đã sắp đặt trước theo tục lệ cổ truyền của người Trung hoa. Chính vì thế, nàng công bố việc hứa hôn của nàng với một sinh viên họ Lý. Nhưng cuộc hứa hôn này cũng chỉ kéo dài được vài tuần, cho đến khi sự lo sợ viển vông của nàng tan dần.

Vào lúc Mỹ Linh trở về Thượng Hải năm 1917 thì vụ ái tình tai tiếng của Khánh Linh cũng đã nguôi rồi, và ít ai nhắc nhở đến nữa. Mỹ Linh trở thành một người đẹp nổi tiếng, một cái đinh trong các buổi tiếp tân. Ai cũng bàn tán về cô con gái út của nhà triệu phú họ Tống, vừa học cao vừa đẹp sắc xảo. Mỹ Linh không hài lòng căn nhà của ông bố mua tại đường Joffre. Nàng cằn nhằn đòi thân phụ phải mua một căn nhà thật lớn, có nhiều tiện nghi tân tiến hơn. Tống Giáo Nhân có vẻ hối tiếc đã gửi các con gái du học ngoại quốc để trở thành những người mà ông không còn kiềm chế nổi nữa, nhất là sau vụ Khánh Linh cưỡng lại ông để kết hôn với Tôn Dật Tiên. Có lần Tống Giáo Nhân nói với bạn bè, "Đừng bao giờ cho con cái du học. Chúng chẳng đem về cái gì tốt đẹp cả. Chúng chỉ muốn đảo ngược tất cả mọi việc theo ý chúng."

Mặc dù Tống Giáo Nhân thề từ bỏ mọi liên lạc với công cuộc cách mạng của Tôn Dật Tiên, nhưng trong dịp một nhà tài phiệt Hoa Kỳ có công giúp cách mạng Trung Hoa đến thăm Thượng Hải, Tống Giáo Nhân cũng cố quên sự thù nghịch với Tôn Dật Tiên, và cả hai người đều tiếp đón nhà tài phiệt Hoa Kỳ một cách thật long trọng chu đáo.

Nhà tài phiệt viết thư về nước cho bạn bè biết ông ta được đón tiếp tại Thượng Hải như một vị hoàng đế.Việc Tống Giáo Nhân lựa chọn về sống tại Thượng Hải trong tô giới Pháp cũng là vì lý do an ninh. Phần lớn các nhà cách mạng Trung hoa đều sống trong tô giới Pháp để hưởng sự bảo vệ của người Pháp. Một điều quan trọng hơn đối với Tống Giáo Nhân là người chỉ huy ngành an ninh của Pháp tại Thượng Hải là Hoàng Mặt Rỗ, chúa trùm nhóm anh chị Hồng Hội, một tổ chức tội ác có ảnh hưởng bao trùm tất cả một khu vực rộng hàng ngàn dậm dọc theo sông Dương Tử. Trước kia Tống Giáo Nhân đã giúp đỡ tổ chức của Hoàng Mặt Rỗ rất nhiều, nay ông nhận thấy gia đình ông gặp nguy hiểm, và cần đến sự bảo vệ của Hoàng Mặt Rỗ.

Sau khi về Thượng Hải được ba năm thì Tống Giáo Nhân bất thần chết vì bệnh ung thư bao tử, một cơn hấp hối đau đớn kéo dài trong vài ngày. Có nhiều dấu hiệu mờ ám trong cái chết của Tống Giáo Nhân. Gia đình và bạn bè thân của Tống Giáo Nhân không một ai nhận thấy một dấu hiệu suy yếu đau ốm nào ở họ Tống. Rồi bỗng nhiên ông đau đớn kịch liệt vài ngày rồi chết, và được ghi nhận là chết vì ung thư bao tử năm 1918, lúc đó Tống Giáo Nhân mới được 52 tuổi. Người ta nghi rằng Tống Giáo Nhân chết vì bị đầu độc. Nếu ông không bị đầu độc bởi kẻ thù thì cũng bị đầu độc bởi chính phe bạn. Ông là người có công rất nhiều với công cuộc cách mạng của Tôn Dật Tiên, nhưng ngay khi ông phản đối cuộc hôn nhân của Khánh Linh và Tôn Dật Tiên thì lập tức ông trở thành một cái bóng mờ trong tổ chức. Các đệ tử của Tôn Dật Tiên phải cố gắng bảo vệ danh tiếng của Tôn Dật Tiên trước sự chống đối khinh bỉ của Tống Giáo Nhân. Không những thế, họ còn cho rằng cần phải xóa bỏ Tống Giáo Nhân vì đại cuộc của Tôn Dật Tiên. Tôn Dật Tiên phải là một thần tượng hoàn toàn. Chính vì thế Tống Giáo Nhân đau và chết một cách âm thầm. Ngay cả đám tang của họ Tống cũng được cử hành một cách lặng lẽ mau lẹ, không được báo chí nhắc nhở, không được truy điệu đúng mức với công lao đóng góp của Tống Giáo Nhân vào công cuộc cách mạng.

Các con của Tống Giáo Nhân đều có mặt bên giường chết của ông, kể cả Tống Khánh Linh. Nhưng sau đám tang, khi các chị trở về nhà chồng hết, thì chỉ còn lại một mình Mỹ Linh sống với bà mẹ. Mỹ Linh bây giờ được tự do hành động theo đúng ý thích. Nàng mua một căn nhà lớn sang trọng hơn, và trở thành một nhân vật nổi tiếng tại Thượng Hải.

Phong Trào Ngũ Tứ

Sau Đệ nhất thế chiến, Thượng Hải trở thành một thành phố cực kỳ phồn thịnh. Giới mại bản Trung hoa ngày một giầu có thêm và mở rộng ảnh hưởng sang các lãnh vực khác. Nhưng bên cạnh sự phồn thịnh của giai cấp tư bản thượng lưu, thì đại đa số người dân Thượng Hải sống rất cực khổ vì bị giới chủ nhân bóc lột đến tối đạ Trong những xưởng thợ, nhiều trẻ em khoảng mười tuổi phải làm việc 13 giờ một ngày, và khi mệt quá thì nằm gục xuống ngủ bên cạnh máy móc. Những đứa trẻ này đã bị cha mẹ bán cho xưởng máy và chúng không có cách nào trốn khỏi những nhà máy được canh gác cẩn mật cả ngày lẫn đêm. Ngoài đường phố tại khu vực nhà nghèo, ngày nào cũng có xác người chết đói nằm ngoài đường. Trong khoảng từ 1920 đến 1940, sở hốt rác nhặt được ít nhất ba chục ngàn xác chết đói ngoài đường phố Thượng Hải.

break
Cùng Trúc Mã Luyện Tập Kỹ Năng
Ngôn tình Sắc, Sủng
Trúc Mã Bá Đạo Cưới Trước Yêu Sau
Ngôn tình Sắc, Sủng, Đô Thị
Ước Hẹn Với Hai Người Đàn Ông (H)
Ngôn tình Sắc, Sủng, Nữ Cường
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc