Anh Linh Thần Võ Tộc Việt

Chương 30: Trên Bến Bắc Ngạn

Trước Sau

break
Gió heo may rít lên từng cơn trong bầu trời u ám, mây phủ đen kịt, mưa phùn dài lê thê. Trên bến đò Bắc ngạn sông Hồng, suốt khoảng phố dài trăm trượng, dựng đứng lên mười khách điếm hai tầng ngạo nghễ giữa những quán nhỏ bán quà trải dài ven sông. Bên kia sông là đế-đô Thăng-long. Thăng-long đang giữa thời thịnh trị. Trong nước không sự, biên cương yên ổn, mấy năm được mùa liên tiếp, khiến đế-đô càng thêm phồn thịnh. Người người từ miền Bắc, miền Nam, từ thôn quê tải hàng hoá ra kinh kỳ bán. Trong thành chia làm Phường. Phường lại chia thành Phố. Tiếng rằng Thăng-long có ba mươi sáu phố phường. Nhưng đấy chỉ nói nội thành. Thành chật quá, dân chúng phải làm nhà ngoài thành mà ở, cùng buôn bán. Có đến mười khu thịnh vượng. Nhưng khu thịnh vượng nhất là khu Bắc-ngạn sông Hồng. Người đương thời coi như đó là kinh kỳ thứ nhì.

Bấy giờ là năm Đinh-Sửu nhằm niên hiệu Thông-thụy thứ tư đời vua Thái-Tông nhà Lý (1037), bên Trung-nguyên là năm Cảnh-hựu thứ tư đời vua Nhân-Tông. Trời tháng chạp lất phất mấy hạt mưa phùn, gió lạnh căm căm. Một đoàn ba kị mã đến bến đò Bắc-ngạn sông Hồng thì gò cương lại. Họ gồm một người già, nhưng mặt hồng hào khó biết bao nhiêu tuổi; một trung niên nam tử tuổi khoảng bốn chục và một thiếu niên tuổi khoảng mười ba mười bốn.

Người già nhìn bến sông vắng lặng, không một con đò, thì than:

- Trời lạnh quá mà không còn nhà đò nào nữa. Làm sao bây giờ?

Thiếu niên nói:

- Thôi đành vào khách điếm kia ngồi trú ngụ qua đêm vậy, vả mình có sang sông thì cổng thành cũng đóng rồi, vào thành không được nữa.

Ba người vào một căn khách điếm còn mở cửa. Người già nói:

- Xin chủ nhân cho chúng tôi ba phòng trọ.

Chủ nhà cung tay:

- Xin quý khách thông cảm, tất cả phòng của tệ điếm đều có người thuê cả rồi. Nếu quý khách muốn, xin vào ngồi đỡ ở phòng ăn sưởi ấm, uống trà, nói truyện qua đêm vậy.

Thiếu niên nhảy xuống đất, rồi cầm cương cả ba con ngựa cột vào gốc cây. Chủ quán sai tiểu đồng rót ra ba chung trà:

- Kính mời quý khách dùng trà cho ấm bụng.

Ba người khách ngồi xuống ghế. Họ đưa mắt quan sát: Trong quán dễ thường có đến mười bàn. Bàn nào cũng đầy khách. Bốn góc phòng, bốn lò sưởi, than cháy đỏ lừ, tiếng củi nổ lách bách, bắn tung những tia sáng tóe ra xung quanh.

Trung niên nam tử nói với chủ quán:

- Trong quán còn gì ăn không ông chủ?

- Thưa trong dịp cử hiền này, chúng tôi tích trữ đủ thức ngon vật lạ. Quý khách thích xơi gì ạ?

- Vậy thì tốt quá, cho tôi hai cút rượu tăm, mấy con mực khô hoặc cua bể nướng. Cho một đĩa mướp hương xào thịt nai và một con gà hấp.

Chủ quán đưa mắt nhìn thiếu niên:

- Phải chăng công tử đây về kinh ứng thí?

Thiếu niên đáp:

- Vâng.

Rồi y chỉ vào trung niên nam tử:

- Vị này là bố tôi.

Y cung cung, kính kính chỉ vào lão nhân:

- Vị này là sư phụ tôi.

Chủ quán đưa mắt tò mò nhìn ba người, rồi hỏi:

- Nghe tiếng công tử, tôi đoán dường như công tử từ Bắc-biên về đây. Không biết công tử có thể cho tôi biết cao danh quý tính chăng?

Thiếu niên nhanh nhẩu:

- Sư phụ tôi họ Hoàng, chúng tôi thuộc phái Sài-sơn. Tôi họ Nùng, tên Trí-Cao.

Trên mặt chủ quán hiện ra sắc kính cẩn, hướng vào người họ Hoàng:

- Phải chăng tiên sinh là Hoàng-Giang cư-sĩ lừng danh thiên hạ là thần y đó chăng ?

Người họ Hoàng gật đầu:

- Chủ quán kiến thức rộng lắm nhỉ!

Chủ quán được khen, y vui mừng ra mặt, hướng trung niên nam tử:

- Còn vị này hẳn là Trường-sinh hầu, tổng lĩnh ba mươi sáu châu động sức Nùng, có đại danh Nùng Tồn-Phúc. Chúng tôi ở miền xuôi này cũng từng nghe đại danh quân hầu theo vua Bà Bắc-biên đánh phá bọn phỉ tặc Tống mấy năm trước.

Nùng Tồn-Phúc cảm động:

- Mình là con cháu vua Hùng, thì khi giặc tới phải giết chúng để bảo vệ đất tổ mà. Ông khen chi cho tôi thêm thẹn.

Chủ quán cung kính:

- Đối với quân hầu thì quân hầu không coi công lao ấy ra gì. Nhưng chúng tôi ở miền xuôi này sở dĩ được yên ổn là nhờ những việc làm của quân hầu đấy.

Chủ quán bảo tiểu nhị:

- Con mau lấy hũ rượu tăm thời Thuận-thiên ta để dành đem ra để thiết quân hầu.

Chủ quán cũng như khách phải ngừng câu truyện, vì những tiếng cãi cọ từ mấy người đang tụm lại bên ngọn bạch lạp. Trí-Cao hỏi tiểu nhị:

- Này anh, họ cãi nhau cái gì vậy?

- Không phải họ cãi nhau đâu, mà họ chỉ trích thầy đồ kể truyện đấy. Nguyên thầy đồ này có tài xem bói, nhưng ai đặt quẻ, ông ta cũng chỉ cho hỏi ba câu thôi. Nay có thiếu niên trả thêm tiền để hỏi nữa, ông ta không chịu nói. Vì vậy có tiếng cãi cọ.

Trí-Cao kinh ngạc:

- Vậy hẳn ông ta là một dị nhân rồi. Để tôi lại xin xem một quẻ cho biết tài.

Chủ quán nói nhỏ:

- Không những ông ta là dị nhân, mà là quái nhân, bởi ông mang mặt nạ da người, nên không ai biết ông ta bao nhiêu tuổi. Mỗi ngày ông ta chỉ xem cho mười người, rồi kể truyện. Ông ta kể rất hay.

Thầy đồ nhấp chung trà rồi hỏi:

- Hôm nay các vị muốn nghe truyện gì nào?

- Truyện công chúa Gia-Hưng chém Đoàn Chí trên biển Đông.

- Truyện đó kể hôm qua rồi mà.

- Truyện bà Triệu chém Lục Dận ở núi Chung-chinh.

- Truyện đó kể hôm kia rồi.

- Truyện đức Thái-tổ bản triều hồi thơ ấu phải đi ở chùa.

- Truyện này kể tháng trước rồi.

- Vậy tùy thầy muốn kể gì thì kể.

- Được, hôm nay tôi sẽ kể sự tích chùa Diên-hựu.

Một người hỏi:

- Chùa Diên-hựu là chùa gì vậy?

- Tức là chùa Một-cột ở giữa thành Thăng-long đó.

Một người tỏ vẻ hiểu biết:

- Chùa Một-cột có sự tích gì lạ đâu mà kể. Nghe nói năm trước, đức Hoàng-đế nằm mơ thấy Phật bà Quan-thế-âm dắt ngài lên một ngôi chùa giống hình hoa sen. Ngài mới sai làm chùa một cột để tạ ơn.

Một người khác nói:

- Đâu phải. Nguyên đức vua dạo chơi đến chỗ làm chùa bây giờ thì gặp một nàng tiên áo trắng đẹp tuyệt trần. Ngài truyền đem kiệu chở về làm phi. Nhưng khi đến cung thì chỉ thấy kiệu không. Đức vua nhân đó làm ngôi chùa để tưởng nhớ.

Thầy đồ cười:

- Hai truyện các ông nói đều đúng cả. Nhưng cũng sai hết.

- Vậy thì truyện ra sao? Thầy kể đi.

- Tôi sẽ kể, khi nào các vị im lặng đã. Chứ các vị nói lao xao như vậy làm sao tôi kể được.

Mọi người ngồi im lặng, mắt hướng thầy đồ chờ đợi.

Thầy đồ hắng giọng rồi nói:

- Câu truyện bắt đầu vào niên hiệu Thiên-Thành nguyên niên (1028). Bấy giờ đức Thái-tổ bản triều lâm bệnh nặng, Khai-Quốc vương đang đi sứ bên Tống, các vị Dực-Thánh, Vũ-Đức, Đông-Chinh vương làm loạn. Khai-Quốc vương trở về, nhờ lực lượng phái Đông-a trợ giúp, dẹp xong chư vương. Trong các vương làm loạn thì Vũ-Đức vương tội nặng nhất. Vương-phi Thanh-Mai nhất tâm nhất trí cứu vương. Không ngờ vương đánh thuốc độc vương-phi Thanh-Mai, rồi ám toán. Vương bị bị thương nặng. Trong lúc Khai-Quốc vương mải tiếp bách quan, cùng chư vị anh hùng, thì Vương-phi bỏ đi mất.

Một người nói:

- Việc đó quốc dân đều biết. Nhưng từ ngày ấy đến giờ không có tin tức gì của Vương-phi. Cho nên người ta nghĩ rằng Vương-phi được đại hiệp Tự-An mang đi một nơi vắng, để Khai-Quốc vương khỏi nhìn thấy Vương-phi qua đời mà đau lòng.

Một người khác xen vào:

- Lại có tin nói, Hồng-Sơn đại phu đem Vương-phi đi xa chữa trị khỏi bệnh. Nhưng Vương-phi hận triều đình, thành ra không muốn trở về.

Thầy đồ nói:

- Hỡi ơi, muôn nghìn năm mới có một người vừa xinh đẹp, vừa tài trí như Vương-phi. Vương-phi chịu làm vợ Khai-Quốc vương chỉ vì hai vị cùng có chí lớn kiến thiết Đại-Việt thành một nước hùng mạnh, rồi chỉ ngọn cờ lên Bắc đòi lại cố thổ thời Lĩnh-Nam. Nhưng than ôi, trời không chiều người, khi Vương vắng mặt thì các vị vương khác nổi loạn. Vương-phi thấy khó mà thành ước nguyện, nên bỏ đi mà thôi.

Thầy nhìn Hoàng-Giang cư sĩ, nháy mắt một cái, rồi tiếp:

- Khai-Quốc vương thực là nòi tình. Trước khi gặp Vương-phi, đức Thái-tổ đã kén cho Vương không biết bao nhiêu giai nhân tuyệt thế, Vương đều không nhận. Hoặc có nhận rồi cũng đem cho người ta. Hai người nổi tiếng là Lâm Huệ-Phương vương gả cho Hồng-Sơn đại phu, danh kỹ Hà Thanh, vương gả cho đại hiệp Trần Tự-An. Thế mà khi Vương gặp Vương-phi là say mê liền. Các vị vương khác đều có hàng chục bà phi, rồi mỹ nữ, rồi nàng hầu. Còn Vương, Vương chỉ nhất tâm có Vương-phi. Than ôi, chỉ anh hùng mới đa tình. Khai-Quốc vương mới đích thực là người biết thế nào là tình yêu. Còn chúng nhân thì chỉ hiếu sắc mà thôi!

Thầy ngước mắt nhìn vào cõi xa xôi:

- Từ ngày Vương-phi ra đi, Hoàng-thượng kén cho Vương không biết bao nhiêu giai nhân tuyệt thế con các đại thần. Vương nhận hết, kết làm anh em rồi đối xử thực tử tế, chiều chuộng nào khác gì đối với Vương-phi, nhưng không bao giờ chung chăn gối. Lúc nhàn rỗi, Vương dạy chủ đạo tộc Việt, dạy võ công, dạy văn học. Sau đó Vương kiếm những võ tướng, văn thần có tài, rồi đem gả cho. Gần đây nhất phò-mã Xiêm là Lê Văn, nghĩa đệ của Vương, gửi tặng Vương hai thiếu nữ Thái, sắc nước, hương trời, đàn ngọt hát hay. Một cô tên Vong-si-vít Si-pi-phôn. Một cô tên Bou-Khet Bun-tha-vy. Vương thu nạp hết, dạy tiếng Việt cho. Nhân tướng quân Lê Phụng-Hiểu góa vợ, vương gả cô Vong-si-vít làm kế thất. Còn Bun-tha-vy, nhân Vương-phi Đông-Chinh qua đời, vương xin Khai-Quốc vương gả cho. Khai-Quốc vương dặn rằng : lấy cô Bun-tha-vy là em nuôi Khai-Quốc vương thì Đông-Chinh vương chỉ được sủng ái mình nàng, cấm em không được thu một cung tần, mỹ nữ nào khác bằng không sẽ bị đánh đòn.

Mọi người đều gật gù tỏ vẻ thích thú. Thầy đồ tiếp:

- Nhưng sau bẩy tháng, Đông-Chinh vương thu nạp một con hát làm thiếp. Tin này tới tai Khai-Quốc vương. Vương tới phủ Đông-Chinh, nọc ngay ông em ra đánh mười roi về tội thiếu chung thủy. Đông-Chinh vương kinh sợ, vội cho con hát về.

Một người đàn bà hỏi:

- Thưa thầy, tôi nghe Tống-đế cũng gả cho Vương hai thiếu nữ sắc nước hương trời. Vậy việc này ra sao?

- Không phải Tống-đế mà là phò mã Trần Tự-Mai. Nguyên hồi phò mã theo Khai-Quốc vương đi sứ Trung-quốc. Một đêm phò mã cùng Thiên-Thánh hoàng đế đến tửu lầu Cô-tô dự tuyển phu của ba giai nhân tuyệt sắc, con đại thần Tống. Nhà vua trúng Khấu Kim-Hồng, con của Khấu Chuẩn, đem về phong làm Tây-cung quý phi. Nay là Hoàng-hậu. Còn phò-mã trúng hai tiểu thư. Một là Phùng Kim-Thanh con của đại thần Phùng Thừa. Một là Đinh Hương-Tử con của đại thần Đinh Vị. Nhưng bấy giờ phò-mã đã gặp công chúa Huệ-Nhu rồi, nên kết làm anh em với hai nàng. Sau này dù phò mã thành hôn với công chúa, mà hai nàng nhất định không lấy ai.

Đến đó thầy đồ ngừng lại hỏi Trí-Cao:

- Đúng không cậu?

Trí-Cao giật mình chỉ Tồn-Phúc:

- Theo bố cháu kể: khi vương phi Thanh-Mai bỏ đi, phò-mã đem hai nàng tặng cho nghĩa huynh Khai-Quốc vương. Vương gửi sang hai cụm phong lan tạ ơn phò mã, lại kèm theo một cái roi mây ngụ ý đánh đòn.

Mọi người kinh ngạc đến đờ ra hỏi:

- Tại sao lại kỳ lạ vậy?

Thầy đồ cười:

- Có gì lạ đâu. Hai cụm phong lan ngụ ý tạ ơn rằng phò mã đã cho hai người đẹp, vương nâng niu như phong lan. Phong lan để xa thì thơm, chứ ghé mũi vào ngửi thì không có hương gì hết. Ý vương muốn nói, vương sẽ nâng niu hai nàng, nhưng chỉ để xa mà ngắm thôi. Còn cái roi mây ngụ ý rằng: Chính phò mã mai mối chị gái cho vương, hiểu rõ rằng vương chỉ sủng ái vương phi, mà sao còn gửi mỹ nữ tặng vương. Như vậy tội đáng đánh đòn.

Mọi người đều bật lên tiếng à tỏ vẻ hiểu mọi sự. Một người hỏi:

- Thế hai nàng đó bây giờ ở đâu?

- Hồi ấy, phu nhân của Tả-kim ngô đại tướng quân, tổng quản Khu-mật viện, Cổ-loa hầu Tạ Sơn mới qua đời. Nhân hầu là sư đệ của vương, nên vương gả tiểu thư Đinh Hương-Tử cho. Còn nàng Phùng Kim-Thanh, vương gả cho Trấn-võ đại tướng quân, Vũ-dương hầu Tôn Quý.

Một người hỏi:

- Có phải hầu làm em kết nghĩa của đại hiệp Tôn Đản không?

- Đúng đó. Hồi thơ ấu Tôn đại hiệp cùng phò mã Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm, với Trần Anh, Tôn Mạnh, Tôn Trọng, Tôn Quý phá phách quá, người Tân-quy gọi là Tân-quy thất quỷ. Sau cả bẩy vị theo Khai-Quốc vương, được vương dạy dỗ, nay đều là rường cột quốc gia. Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm thành phò-mã. Trần Anh được vương gả nghĩa muội của vua bà Bình-Dương là Tĩnh-Ninh cho. Tôn Mạnh được vương phi Thanh-Mai xin đại hiệp Tự-An gả em gái vương phi tên Thanh-Nguyên cho. Tôn Trọng được vương hỏi quận chúa Đào Phương-Hồng, ái nữ của công chúa An-Quốc với phò mã Đào Cam-Mộc. Trong trận đánh Yến-vĩ, Tôn Quý bị quận chúa Hồng-Phúc ám hại suýt mất mạng, nên vương thương Tôn Quý lắm, nay gả nàng Thanh cho để lao tưởng.

Một thiếu nữ hỏi:

- Thưa thầy cháu nghe cách nay mấy tháng, có một tiên nữ đẹp tuyệt trần, xuất hiện ở vùng Cổ-loa chữa bệnh cho biết bao người. Dân chúng tả hình dáng cùng cử chỉ, thì ai cũng biết đó là vương phi. Khai-Quốc vương nghe báo tìm đến, thì tiên nữ đó biến đâu mất. Vương tới chỗ tiên nữ ngồi, nghe thoang thoảng hương thơm, thì là đúng hương thơm của vương phi.

Thầy đồ nói:

- Đúng thế, hồi ấy, vú Hậu là nhũ mẫu của Khai-Quốc vương bị bệnh nặng, ngự y chữa không khỏi. Sau quan thái phó Dương Bình, đại đệ tử của Hồng-Sơn đại phu cầm mạch thì biết rằng vú thương nhớ vương phi Thanh-Mai mà thành bệnh, nên không thuốc nào trị khỏi. Tin ấy đồn ra ngoài. Một hôm có sư cô khất thực trước vương phủ Khai-Quốc vương. Sư cô thấy vú Hậu liền nói rằng: Vú hãy lập đàn cầu Phật Quan-thế-Âm thì trăm bệnh đều khỏi. Vú lập đàn lễ đêm thứ nhất, không thấy gì lạ. Qua đêm thứ nhì thì thấy Phật-bà hiện trên nóc nhà. Ngài tung dây cuốn lấy vú Hậu đem đi mất. Ba hôm sau vú Hậu trở về, bệnh khỏi hẳn. Khai-Quốc vương không tin Phật-bà xuất hiện, cật vấn vú Hậu chi tiết về việc Phật-bà đem đi, bấy giờ vú Hậu mới nói thực rằng bóng trắng chính là vương phi Thanh-Mai.

Thầy đồ ngừng lại uống chung trà rồi tiếp:

- Khai-Quốc vương nhất quyết tìm cho ra Vương-phi. Một hôm tế tác báo rằng đã tìm thấy tung tích sư cô khất thực ở phủ Khai-Quốc hôm trước. Hiện sư cô ấy thường hay quanh quẩn ở hồ Tây trị bệnh cho người. Khai-Quốc vương cho rằng sư cô ấy nhất định là chân tay của Vương-phi. Vương sai tùy tùng đem kiệu bắt sư cô đưa về vương phủ để hỏi tin tức. Nhưng khi kiệu về đến nơi, thì sư cô biến đâu mất. Khai-Quốc vương tới kiệu khám xét, thì thấy hương thơm của Vương-phi còn thoang thoảng. Thì ra sư cô đó chính là Vương-phi giả dạng.

Thầy đồ mỉm cười nhìn mọi người:

- Đức vua nghe truyện, truyền cất chùa Diên-hựu, để ghi công đức Vương-phi với triều Lý.

Thầy đồ kết luận:

- Chính vì vậy mà người ta đồn đại ra ngoài nào đức vua được Phật-bà dẫn lên mây, rồi đức vua đón sư cô vào cung. Sự thực là như thế.

Thầy đồ quay lại nói:

- Kể truyện xong rồi, bây giờ tôi coi bói. Ai muốn coi?

Hoàng-Giang bảo Trí-Cao:

- Con đến cầu thầy một quẻ đi.

Trí-Cao tiến lại, nó để ý thấy hai người ngồi trước mặt thầy đồ là đôi thiếu niên nam nữ. Nam tuổi khoảng hai mươi, nữ tuổi khoảng mười sáu, mười bẩy, nhan sắc tuyệt thế. Cả hai trang phục rất sang trọng, lưng đeo bảo kiếm, rõ ràng thuộc giới võ lâm. Nam nói:

- Này ông đồ. Ban nãy ông coi cho em tôi, nó muốn hỏi thêm ít câu mà ông không chịu trả lời. Bây giờ tôi hứa, nếu ông trả lời cho anh em tôi thêm mỗi câu, tôi thưởng cho ông một trăm đồng tiền, mà tại sao ông không chịu trả lời.

Thầy đồ lạnh lùng:

- Dương công tử. Thể lệ của tôi đã ra như vậy. Dù Vua, dù Tể-tướng, tôi cũng chỉ trả lời ba câu hỏi mà thôi. Dương tiểu thư đã hỏi đủ ba câu, như vậy là hết, tôi không trả lời nữa.

Thiếu nữ cau mày:

- Bây giờ coi như tôi đặt quẻ khác, ông có chịu nói không?

- Không, mỗi người, trọn đời tôi chỉ coi cho một lần thôi.

Có hai thanh niên từ ngoài bước vào. Một người tuổi khoảng mười chín hai mươi mặc quần áo nâu, một người tuổi khoảng mười bẩy, mười tám mặc quần áo xanh. Hai người trang phục theo lối dân quê. Họ vái thầy đồ, rồi thõng tay lui lại sau.

Thầy đồ đưa mắt nhìn Trí-Cao:

- Hình như cậu cũng muốn coi?

Trí-Cao cung tay:

- Thưa thầy vâng.

Rồi nó chỉ vào hai thah niên mới tới:

- Thưa thầy, xin thầy coi cho hai vị nhân huynh đây trước, dường như họ có truyện khẩn.

Thấy đồ hài lòng:

- Vậy cậu ngồi chờ một tẹo.

Thầy đồ chỉ thanh niên áo xanh:

- Hồi nãy tôi đã coi cho cậu rồi mà, bây giờ tôi không coi cho cậu nữa đâu.

Giọng nói của ông rất đầm ấm, ôn nhu như cha đối với con, như thầy đối với trò, khác hẳn giọng lạnh lùng đối với cặp nam nữ thiếu niên vừa rồi. Thanh niên áo xanh chỉ thanh niên áo nâu:

- Thưa thầy tôi đâu dám phiền thầy nữa. Chẳng dấu gì thầy, hồi nãy được thầy coi cho, trở về tôi thuật lại với đứa cháu tôi đây. Cháu tôi không tin. Vì vậy tôi với nó đánh cuộc.

Thầy đồ cười, tay vỗ lên vai thiếu niên, cử chỉ thân mật như cha với con:

- Chắc cậu muốn đánh cuộc rằng nếu tôi đoán trúng thì cháu cậu phải biếu cậu cái gì. Ngược lại, nếu tôi đoán sai, cậu phải cho cháu cậu món quà tương tự. Có phải vậy không?

- Thưa thầy đúng thế.

- Được, cậu đặt quẻ đi.

Thanh niên áo xanh móc trong bọc ra nén vàng, để lên điã:

- Xin thầy đoán cho.

Thiếu nữ họ Dương thấy thanh niên áo xanh trang phục theo lối thôn quê, mà đặt quẻ những một nén vàng, thì tức không chịu được, nói đổng:

- Thằng quê mùa này làm sao mà có vàng? Chắc là vàng giả, hoặc vàng ăn cắp cũng nên.

Thanh niên áo nâu nghe thiếu nữ họ Dương nói lời khinh bạc, mắt y mở lớn, tia hàn quang chiếu ra cực mạnh, ý định trả lời. Nhưng thanh niên áo xanh vẫy tay ra hiệu tỏ ý bỏ qua.

Thanh niên họ Dương nói với em:

- Em cứ để nguyên, xem gã đồ này có tham vàng mà cho hỏi quá ba câu không? Nếu y để cho tên nhà quê hỏi từ bốn câu trở đi, ta hãy đập vào xác hắn, rồi lột cái mặt nạ hắn ra xem hắn là ai.

Thầy đồ không thèm để ý đến lời đe dọa của anh em họ Dương. Ông liếc nhìn thanh niên áo nâu, rồi mỉm cười:

- Với cậu, tôi xin coi tướng. Hà! Tướng cậu tốt thì cực tốt, mà xấu thì cũng cực xấu.

Thiếu nữ họ Dương nói đổng:

- Đoán mò rồi. Để tôi đoán tướng cho gã nhà quê:

Số cậu có mẹ, có cha,

Mẹ cậu đàn bà, cha cậu đàn ông.

Số cậu có vợ, có chồng,

Sinh con đầu lòng không gái thì trai.

Đọc hết mấy câu thơ, thiếu nữ họ Dương để ý nhìn thanh niên áo nâu, thị phải sửng sốt, vì đó là một thanh niên tướng mạo hùng vĩ, nhưng cử chỉ lại ôn nhu văn nhã. Tự nhiên trong lòng thị bừng lên một dục vọng: Phải chi mình có một ông chồng như tên này thì cũng không uổng đời nhan sắc.

Thầy đồ lờ đi, tiếp:

- Mắt cậu là mắt hổ, mũi là mũi sư tử, răng trắng đẹp, tướng đi như rồng. Như vậy cậu không phải là con nhà nông dân đâu. Cậu sinh ra trong một gia đình quyền quý, cha mẹ đều là những đấng tài hoa. Mí mắt cậu có ba tia, như vậy cậu chỉ có hai anh em trai. Cậu là con cả.

Thanh niên áo xanh suýt xoa:

- Thần thực.

- Dưới mí mắt phải, cậu có mụn nốt ruồi đen nhỏ, như vậy cậu mồ côi cha từ năm mười tuổi. Đôi mắt cậu hiện quầng thâm, chứng tỏ cậu mới trải qua một đau đớn ghê ghớm, đó là thân mẫu cậu mới qua đời được mấy tháng.

Đến lượt thanh niên áo nâu cung tay:

- Phục thầy.

Thầy đồ phóng mắt như nhìn vào cõi xa xôi nào, rồi tiếp:

- Cậu tuy trang phục theo lối quê, nhưng tôi biết cậu là đệ tử của một đại tôn sư võ học có bản lĩnh nghiêng trời lệch đất. Bàn tay cậu đẹp thế kia, như vậy sư phụ cậu là nữ chứ không phải nam. Hà, tôi đoán ra sư phụ cậu là ai rồi.

Thanh niên áo nâu cung tay:

- Xin thầy đừng nói tên sư phụ tôi ra đây, e làm ô danh người.

- Cậu lo xa đấy thôi. Sư phụ cậu yêu cậu hơn yêu con nữa.

Cô gái họ Dương xen vào:

- Lão này đoán mò chứ đâu phải xem tướng.

Thầy đồ vẫn nhìn vào cõi xa xôi:

- Cậu mới đính hôn năm trước đây. Vợ cậu thuộc loại thân thượng thành thân, tức là người dưới cậu, hoặc anh em xa, nhưng thấp vai hơn cậu.

- Phục thầy.

- Năm nay cậu đi thi nhưng không được thi. Tuy không được thi nhưng đường công danh cực tốt. Cuộc đời oanh liệt của cậu bắt đầu từ cuối năm nay. Sau này sự nghiệp của cậu sẽ lên đến tuyệt đỉnh. Trong lịch sử, chỉ Bắc-bình vương Đào Kỳ là có thể so sánh với cậu.

- Đa tạ thầy.

Thầy đồ chợt nhìn ra xa, rồi nắm lấy tay thanh niên áo nâu bằng cử chỉ thân ái như cha với con, hoặc như thầy với trò, ông nói bằng giọng thương cảm:

- Tiếc quá, cậu sắp gặp một tai biến kinh khủng nhất đời cậu. Tai biến đó khiến muôn ngàn năm sau, hậu thế còn nuối tiếc cho cậu. Tuy vậy, chính tai biến này lại đem lại cho cậu một cái may: Cậu luôn được kề cận Thiên-tử, sớm tối, ăn cùng mâm, ngủ cùng dường... Rồi cậu trở thành đại anh-hùng.

Cô gái họ Dương xì một tiếng:

- Anh coi, gã thầy đồ này thấy vàng, tối mắt lại, nịnh bợ hai thằng ôn con nhà quê coi chán không kìa.

Thầy đồ buông tay thanh niên ra:

- Cậu có hỏi gì nữa không?

Thanh niên áo nâu chắp tay:

- Thưa thầy bây giờ tiểu sinh không có sự chi để hỏi, ba câu hỏi đó, tiểu sinh sẽ xin thỉnh thầy mai sau.

- Được.

Thanh niên áo xanh cười với thanh niên áo nâu:

- Người tuy lớn hơn ta bốn tuổi, nhưng người hứa rằng: Nếu như thầy đồ đoán đúng hết ba câu, thì người phải bái ta làm bố nuôi. Vậy bây giờ người tính sao?

Thanh niên áo nâu nghĩ ngợi một lúc, rồi quỳ gối:

- Xin hoàng thiên chứng giám cho, tôi là Lý Thường-Kiệt, hai mươi tuổi. Tôi hứa rằng nếu thầy đồ đoán đúng vận mệnh của tôi, tôi sẽ bái chú tôi làm nghĩa phụ, và trọn đời phải trung thành với người. Nay tôi thua, xin giữ lời hứa.

Nói rồi Thường-Kiệt lậy thanh niên áo xanh tám lậy:

- Nghĩa phụ.

Thanh niên áo xanh đỡ Thường-Kiệt dậy:

- Người giữ lời hứa, thực xứng đáng là anh hùng.

Cô gái họ Dương nói với anh:

- Thực là trò hề, một tên ôn con, mà bắt người lớn tuổi hơn gọi bằng bố.

Thường-Kiệt lờ đi như không nghe thấy.

Nguyên thanh niên áo nâu là Lý Thường-Kiệt, còn thanh niên áo xanh là Nhật-Tông. Sau vụ binh biến do chư vương gây ra, Khai-Thiên vương lên ngôi vua, lấy hiệu là Thiên-Thành. Khai-Quốc vương giữ chức Thái-sư tại triều. Vì có lời ước hẹn với Khai-Quốc vương, cùng di chiếu của Thuận-Thiên hoàng-đế, Thiên-Thành hoàng-đế truyền lập con trai là Nhật-Tông làm Thái-tử, giao cho nghĩa phụ là Khai-Quốc vương nuôi nấng dậy dỗ.

Thiên-Thành hoàng-đế khác với em là Khai-Quốc vương. Hoàng-đế không có tài đối phó với những biến cố khẩn cấp, lại càng không có tài qui tụ võ lâm, thao luyện binh mã. Nhưng nhà vua rất giỏi cai trị. Tự biết vậy, nên vấn đề đối ngoại với Tống, Đại-lý, Chiêm-thành, Chân-lạp, Lão-qua, Xiêm-la, cùng giải quyết những xung đột võ lâm, nhà vua giao cho Khai-Quốc vương hết. Mỗi đề nghị của vương, nhà vua đều nghe theo. Hoá cho nên trong không có xung đột, ngoài biên cương yên ổn. Chỉ mấy năm, mà Đại-Việt trở thành giầu có súc tích. Các nước xung quanh cùng hướng mắt nhìn về.

Sau cuộc nội chiến, tinh lực quốc gia còn nguyên, nhưng tinh lực võ lâm hao tổn không ít. Bởi võ lâm sỡ dĩ thống nhất, cùng phò trợ triều Lý chỉ vì muốn cùng Khai-Quốc vương chỉnh bị binh mã đòi lại cố thổ. Nhưng sau vụ chư vương nổi loạn, võ lâm mới bật ngửa ra rằng, tất cả bao nhiêu công trình mình làm cho đất nước, phút chốc bị phá tan bởi chư vương tham quyền cố vị. Khai-Quốc vương tuy dẹp được loạn, nhưng võ lâm có cảm tưởng như mình làm đầy tớ không công cho bọn tham danh, tham quyền. Hai phái Sài-sơn, Đông-a không ra mặt chống triều đình, nhưng rửng rưng trước mọi sự. Hai đại tôn sư Hồng-Sơn và Tự-An cùng tuyệt tích. Các đại tướng quân thuộc hai phái này lấy cớ đất nước yên ổn, cùng treo ấn từ quan về thôn dã ngao du thắng cảnh.

Khai-Quốc vương cảm thấy mối nguy, nếu Tống biết rõ nội tình, e dã tâm xâm lăng Đại-Việt của đám đại thần lại nổi dậy. Vương vội ôm Nhật-Tông, Thường-Kiệt qua lại giang hồ thăm các môn phái, nhờ vậy nhân tâm tương đối không đến nỗi ly tán.

Về phía triều đình, vừa lên ngôi vua, Thiên-Thành hoàng-đế ban chỉ kính sư phụ là Minh-Không bồ-tát làm Quốc-sư. Lại truyền gả công chúa Bình-Dương cho thế-tử Thân Thiệu-Thái; lại gả công chúa Kim-Thành cho lạc hầu Lê Thuận-Tông, công chúa Trường-Ninh cho lạc hầu Hà Thiện-Lãm. Sắc phong quận chúa Thân Bảo-Hòa làm Đại-Việt trưởng công chúa, tức là ngôi vị cao nhất trong các phụ nữ hoàng tộc.

Năm sau vua bà Bắc-biên thấy con mình đã trưởng thành về mọi phương diện. Bà nhường ngôi cho công chúa Bình-Dương. Thân Thiệu-Anh nhường chức chưởng môn phái Tây-vu cho Thân Thừa-Quý rồi ngao du thiên hạ, cuối cùng cũng tuyệt tích. Phái Tiêu-sơn, Bồ-tát Minh-Không thấy thân thể sắp mục, ngài gọi chư đệ tử đến để thuyết pháp lần cuối, cùng truyền chức cho sư đệ Huệ-Sinh, sau đó viên tịch. Trước khi viên tịch ngài dặn chư đệ tử rằng ngài sẽ tái sinh làm người Việt, cũng lấy pháp danh Minh-Không.

Từ khi công chúa Bình-Dương lên ngôi vua Bà Bắc-biên, hàng tháng vua Bà hội các động chủ, châu chủ một lần. Những lần như thế triều đình Bắc-biên đều đạt thư mời Ngô-quốc quận vương Trần Tự-Mai tham dự, để giải quyết những vấn đề đụng chạm giữa hai bên. Những biên thần Tống cũng như các động chủ, châu chủ bên Việt không ít thì nhiều đều nghe danh Thái-tử thiếu-bảo, Đồng-bình chương sự, Tả-kiêu vệ đại tướng quân, Ngô-quốc quận vương là người trị quân cực nghiêm, lại hết sức bảo vệ tinh thần tộc Việt, nên dù họ có muốn gây sự hay khi có đụng chạm, cũng vội tự giảng hòa. Các nho-thần Tống, Việt đều luôn thượng biểu về triều ca tụng công đức của vua bà Bắc-biên với Ngô-quốc quận vương.

Niên hiệu Thiên-Thánh thứ tám (Tân-Mùi, 1031) bên Đại-Việt là niên hiệu Thiên-Thành thứ tư, vua Tống sai sứ phong cho Ngô-quốc quận vương chức tước như sau :Thái-tử thiếu-sư, Đồng-bình chương sự, Tả-kim ngô đại tướng quân, Ngô-quốc vương. Công chúa Huệ-Nhu được phong Ngô-quốc trưởng công chúa.

Niên hiệu Thiên-Thánh tứ chín (Nhâm-Thân, 1032), vì Hạ-vương băng, con tên Nguyên-Hạo lên nối ngôi. Tân quân là một người trẻ, văn mô vũ lược, lại có chí lớn nên chỉnh bị binh mã, khuyến khích chăn nôi, tự tách ra làm một nước, không phụ thuộc Tống nữa. Triều đình Tống lo sợ, nhưng cử các tướng cũng như danh sĩ đem quân trấn Tây-thùy, ai nấy đều từ chối. Bởi khi trấn Tây-thùy, khó mà đương nổi binh hùng tướng mạnh Tây-hạ, thắng không hy vọng gì, mà bại thì ắt gia quyến bất toàn. Cho nên không ai dám đi. Lại nữa tại triều, các quan hay chia phe phái dèm xiểm, hại lẫn nhau. Cương trực như Phạm Trọng-Yêm, tài như Yến Thù mà cũng không không dám nhận.

Triều đình cử Địch Thanh, Tôn Tiết, Trương Ngọc ra trấn, nhưng đánh năm trận thì bại bốn, vì các quan địa phương ăn cánh với đại thần, khinh thường ba tướng, cung ứng lương thực không đủ. Cuối cùng các quan cùng tâu xin cử Ngô-quốc vương Trần Tự-Mai vào chức tổng trấn Tây-thùy. Nhà vua ban chiếu triệu hồi Ngô vương cùng công chúa Huệ-Nhu về triều. Chính nhà vua cùng Lý thái-hậu đãi yến phò-mã, công chúa tại cung, rồi khẩn khoản trao việc lớn. Vương tâu:

- Mẫu hậu với hoàng huynh ban chỉ, thì thần nhi đâu dám từ. Tuy nhiên trấn thủ Tây-thùy, thắng coi như khó đạt, nhưng bại thì cầm chắc. Trong khi thần gốc là người Việt, vậy xin ban cho thần ba điều.

- Phò-mã cứ đưa ra.

- Một là xin hoàng-thượng ban cho đệ thanh Thượng-phương bảo kiếm, được tiền trảm hậu tấu tất cả các quan dù là Tể-tướng, nếu họ không tuân lệnh, hoặc nói ra nói vào, dèm xiểm.

Thái-hậu gật đầu:

- Con xin như vậy là phải.

- Điều thứ nhì, thần được toàn quyền rút quân vào nội địa để nhử địch, hoặc đánh thẳng sang Linh-châu khi thấy cần.

Nhà vua gật đầu:

- Trẫm thuận.

- Điều thứ ba, tất cả những gì thần đã xây dựng hoà hiếu của biên dân Tống-Việt xin giữ nguyên.

- Trẫm hứa.

Hôm sau, thiết đại triều, trước mặt bá quan văn-võ nhà vua nêu ra mối nguy: Bắc-thùy hiện chính Thái-sư Yên-vương với vương-phi Thiếu-Mai phải trấn Hung-Nô (Liêu). Phía Tây thì Địch Thanh, Tôn Tiết, Trương Ngọc mới bại, trong triều không ai dám lĩnh mệnh trấn Tây-thùy, vì vậy nhà vua phải triệu phò-mã Tự-Mai với công chúa Huệ-Nhu lĩnh trọng trách. Sau đó Sùng-chính điện đại-học sĩ Yến Thù đọc chiếu chỉ phong phò mã Trần Tự-Mai chức tước như sau:

Kiểm hiệu thái phó

Tả kim ngô đại tướng quân,

Thượng-thư lệnh kiêm Trung-thư lệnh,

Tây-thùy chinh thảo sứ.

Tước Tần-vương.

Như vậy quan cao cực phẩm, chỉ thua có Yên-vương Nguyên-Nghiễm mà thôi.

Phò-mã cùng công chúa lạy tạ lĩnh mệnh. Triều thần thở dài, như trút được mối lo. Ngay lúc đó, một văn quan, ngồi cao cực phẩm bước ra quỳ tâu:

- Thần Lã Di-Giản, lĩnh Thượng-thư tả thừa, Chiêu-văn quan đại-học sĩ, Ngụy quốc-công xin có lời tâu: Phò-mã Trần Tự-Mai, tuổi bất quá mới hai mươi bốn, gốc người Nam-man, đời ông là Trần Trí-Đức đã giúp Lê Hoàn chống thiên triều ở Bạch-đằng. Đời cha là Trần Tự-An, ngang ngược cùng với Lê Long-Mang nhập Hoàng-thành giết người trước bệ hạ và đại thần. Nhưng vì Tự-Mai có công cứu giá mà được phong tước tới vương, lại được làm phò mã. Tưởng như vậy là quá rồi. Nay bệ hạ phong chức tước quá lớn, còn trao trọng binh cho y, lỡ ra khi Nam-biên ta có sự với Giao-chỉ, thì Nam đánh lên, Tự-Mai từ Tây đánh về, bấy giờ ai đương nổi?

Công chúa Huệ-Nhu cầm Thượng-phương bảo kiếm chỉ vào mặt Lã Di-Giản:

- Người thân là lão thần, trước đây vào đảng với Lưu hậu, hại mẫu hậu, dối hoàng-thượng mười tám năm trời, đáng lẽ bị tru di tam tộc. Nay nước nhà đang nguy như trứng chồng, quân triều bại liên tiếp ở Tây-thùy, người không có kế gì vẹn toàn, lại còn dèm pha phò-mã với ta ư? Trước kia hoàng-thượng ban chỉ cấm không được dùng những tiếng Nam-man, Tây-nhung, Bắc-địch, Đông-di, nay người lại đem những tiếng đó ra nhục mạ phò mã ư ? Xét về quan đẳng, phò mã cao hơn người gấp bội, mà người dám gọi tên phò-mã ra như vậy ư?

Công chúa quát:

- Võ sĩ đâu, bắt Lã Di-Giản chặt đầu để răn chúng.

Lã Di-Giản hơi run:

- Thần có nhục mạ phò mã tội cũng chưa đến phải sát thây.

Công chúa quát:

- Chiếu chỉ vừa ban ra, trong có khoản: Phò-mã với ta được trảm thủ những tên nào dèm xiểm, người không nghe sao?

Công chúa rút Thượng-phương bảo kiếm định trảm thủ Lã. Lã run run:

- Công chúa điện hạ. Hạ thần đã thờ tới ba đời vua, xin công chúa dung tình.

Các đại thần xúm vào lột mũ, tâu xin tha cho Giản. Nhà vua truyền tạm tha, chờ đình thần nghị tội. Công chúa thấy vậy cũng đủ dằn mặt bọn văn quan lắm chuyện, nên bỏ qua.

Tối hôm đó, toàn gia Lã Di-Giản hơn nghìn người gồm vợ con, tỳ nữ, bộc phụ, mã phu, võ sĩ, binh lính đều bị kẻ vô danh giết chết. Quan phủ Khai-phong đến điều tra, thấy cả lừa ngựa, chó mèo, chim muông đều bị giết một lượt. Gian nhân còn để để lại mấy chữ viết bằng máu:

Gian nhân hiệp đảng,

Khi quân, tham nhũng,

Ác tâm gây chiến,

Sát bất khả dung

Nghĩa là: Kẻ gian hợp đảng với nhau, dối chúa, lại ăn hối lộ; trong lòng ác tâm muốn gây chiến, phải giết không tha.

Trên tường vẽ hình con chim ưng bay qua núi. Vụ án làm trấn động kinh thành. Khắp triều đình đều cho rằng phò mã Tự-Mai với công chúa đã ra tay. Nhưng trong đêm xẩy ra án mạng, phò-mã với công chúa họp với Khu-mật viện để bàn định phương lược, chi tiết việc Tây-phòng. Phủ Khai-Phong tâu lên rằng: Kẻ sát nhân chắc gồm nhiều người, từ bốn phía nhập phủ Tể-tướng, rồi ra tay. Dù trâu, bò, dù lừa ngựa, kẻ sát nhân chỉ đánh có một chiêu, là chết ngay. Người cũng như thú chết không có một chút thương tích, nhưng tạng phủ thì nát nhừ ra. Các võ quan đều lắc đầu, vì trên đời chưa từng nghe thứ võ công nào kinh khiếp như vậy. Hung thủ chắc chắn không phải Phò-mã với Công-chúa. Vì Phò-mã xử dụng võ công Đông-a. Công-chúa xử dụng võ công Hoa-sơn. Võ công hai phái này đường đường, chính chính, chứ không bá đạo như vậy.

Sau khi phò-mã Tự-Mai lên trấn Tây-thùy, thì tại Nam-thùy bọn Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính thay thế. Giữa hai người với Bắc-biên không có sự gì.

Khai-Quốc vương rủ Tôn Đản, Cẩm-Thi dẫn hai trẻ Nhật-Tông, Thường-Kiệt, Thường-Hiến, Tạ Thuần-Khanh ngao du Chiêm, Chân, Xiêm, Lào, rồi về Bắc-biên. Mục đích chuyến đi của Vương để kết hợp võ lâm các vùng tộc Việt, nhân thể dò la tin tức những người tuyệt tích: Hồng-Sơn, Tự-An, Thông-Mai, Thanh-Mai. Nhưng sau hơn năm, đi khắp nơi, vẫn tuyệt âm tín. Nhân về qua Bắc-biên, Vương để Thường-Kiệt, Nhật-Tông lại núi Tản cho chưởng môn Bảo-Hòa huấn luyện; để Thường-Hiến lại cho Thiệu-Thái, Thuần-Khanh lại cho Mỹ-Linh dạy dỗ. Còn Vương đi khắp nơi tìm Vương-phi.

Thường-Kiệt, Thường-Hiến, Thuần-Khanh phải ở thường trực với sư phụ. Duy Nhật-Tông thì chỉ ở trên núi Tản sáu tháng, còn lại sáu tháng phải về Thăng-long cho quan thái-phó Dương Bình giảng dạy Nho-học, cùng làm việc cạnh Khai-Quốc vương, hầu quen với chính sự.

Niên hiệu Thiên-Thành thứ sáu (Quý-Dậu, 1033), Thái-sư Khai-Quốc vương nhận thấy ngôi Hoàng-hậu vẫn chưa định, mà Hoàng-đế có tới 13 bà phi, 18 ngự nữ, cha, anh của họ đều làm quan tại triều, mầm mống tranh dành ngôi Hoàng-hậu, Thái-tử bắt đầu manh nha. Vương thúc anh khẩn cho Nhật-Tông mở phủ đệ riêng, dù mới mười một tuổi. Nhà vua ban sắc phong cho Nhật-Tông làm Khai-Hoàng vương, cử Dương Bình làm Thái-phó dạy Thái-tử học văn.

Trong khi đó Tả-kim ngô đại tướng quân, tổng quản Khu-mật viện kiêm tổng trấn Thăng-long, Cổ-loa hầu là Tạ Đức-Sơn, được thư của vua Bà Bắc-biên cho biết trong những lần luyện võ, ngao du chung, Thường-Kiệt với Tạ Thuần-Khanh tình ý rất thâm trọng, vì vậy vua Bà muốn cho hai trẻ làm lễ đính hôn. Vì Thường-Kiệt với Thuần-Khanh là anh em con cô, con cậu, y lại là con nuôi quan Thái-sư Lý Long-Bồ... cho nên đích thân Hoàng-đế đứng ra chủ hôn cho hai trẻ. Tuy đính hôn, nhưng Thường-Kiệt vẫn phải ở trên Tản-lĩnh, Thuần-Khanh ở động Giáp. Tháng đôi lần gặp nhau mà thôi.

Sau bốn năm tìm kiếm Vương-phi mà không thấy, Khai-Quốc vương tuyệt vọng trở về Thăng-long để chỉnh bị nhân mã. Vương bàn với Hoàng-đế mở khoa thi võ, để tuyển nhân tài. Chiếu chỉ ban ra định rằng: Chọn một trạng nguyên, ba bảng nhãn, năm thám hoa, và tám mươi mốt tiến sĩ. Đặc biệt còn tuyển mười nữ tiến-sĩ để lĩnh những chức vụ trong Hoàng-cung.

Tin này đưa ra, chưởng-môn phái Tản-viên Thân Bảo-Hòa vội xuống động Giáp, thủ đô của triều đình Bắc-biên bàn luận với vua bà Bình-Dương, chưởng môn phái Mê-linh. Sau một ngày bàn định cả hai quyết định cho Thường-Kiệt, Thường-Hiến, Thuần-Khanh về kinh ứng thí.

Ngày thi, ấn định là ngày lễ Thượng-nguyên, tức rằm tháng giêng. Vua bà Bắc-biên cùng Phò-mã cũng sẽ về kinh trong dịp tết Nguyên-Đán để chầu hầu Hoàng-đế, nên dẫn Thường-Hiến, Thuần-Khanh lên đường trước. Còn Nhật-Tông với Thường-Kiệt về sau.

Chưởng môn Thân Bảo-Hòa muốn hai trẻ đi một mình, giả dạng làm nông dân cho biết sự tình, nên cho Nhật-Tông, Thường-Kiệt đi trước. Trước khi lên đường, công chúa gọi hai trẻ lên điện thờ thánh Tản, dạy rằng:

- Hai người đều là đệ tử của ta. Nhật-Tông tuy ít tuổi hơn, nhưng là vai em ta. Thường-Kiệt tuy lớn tuổi hơn, nhưng là vai cháu ta. Vậy Thường-Kiệt phải gọi Nhật-Tông bằng sư thúc. Khi đi đường, Thường-Kiệt vẫn giữ nguyên tên cũ là Ngô Tuấn, còn Nhật-Tông thì đổi là Lý Tông, như vậy tránh tai mắt của mọi người dòm ngó.

Đợi cho hai trẻ lĩnh hội ý mình, công chúa nói với Nhật-Tông:

- Em ở trên núi với chị, muốn làm gì thì làm. Em làm lỗi gì chị cũng tha thứ, bởi ngoài tình chị em, còn tình sư phụ đệ tử. Nhưng về kinh, em là Thái-tử, là trừ quân, là Khai-Hoàng vương, mỗi cử chỉ sao cho đường bệ. Trên đường đi, nhất nhất phải dấu thân phận. Em nhớ nhé, hiện giờ mỗi tháng, ngày 1- 10- 20 Hoàng-thượng thiết triều. Bây giờ Thái-sư đề nghị ngày 5- 15- 25 thì các quan tới phủ của em thiết tiểu-triều, bàn chính sự. Em sẽ thay phụ-hoàng quyết định những việc nhỏ, nhất là xử kiện. Vì vậy chị cũng sẽ về để cùng em dự cuộc thiết triều đầu tiên.

Thường-Kiệt hỏi:

- Thưa tiên cô, trong các quan, những ai dự thiết tiểu triều?

- Tả, hữu Tể-tướng. Nhưng bản triều không dùng danh xưng Tể-tướng, mà dùng danh xưng Bộc-xạ, lục bộ thượng thư, Tham-tri, quản Khu-mật viện, Tổng-trấn Thăng-long.

Công chúa tiếp:

- Bất cứ làm gì, nghĩ gì, em cũng phải tâm niệm: Trăm họ như ruột thịt của em, luôn lo lắng cho họ. Chị nói ít, em hiểu nhiều. Hiện trong triều Tể-tướng Dương Đức-Thành là văn quan, có tài trị nước. Nhưng ông ta quá thâm Nho, nên coi việc cúi đầu phục tùng Tống triều làm lẽ an dân. Việc này Thái-sư bực bội vô cùng.

Nhân dịp đó công chúa kể lại tích xưa: Công-chúa Hồng-Châu, Bình-Dương thân phận cao quí biết mấy, võ công đại sư Huệ-Sinh cao như thế nào, mà bị cầm tù, bị vu vạ, vẫn kiên nhẫn, bình tĩnh đối phó. Nhờ vậy mà khám phá ra tất cả gian mưu của cha con Đàm Can. Công chúa nhấn mạnh:

- Chị xem tướng, thấy em với Thường-Kiệt về kinh thế nào cũng gặp biến cố. Nhớ rằng phải nhẫn để nghiệp quả qua đi.

Nhật-Tông hỏi:

- Thưa chị, thế có nên cho Thường-Kiệt ứng thí không? Em nghĩ, đợi một mai em lên làm vua, sẽ phong y làm Đại tướng quân. Tỷ như Ngô-quốc vương Tự-Mai là em kết nghĩa với vua Tống, có thi ngày nào đâu mà cũng làm Tả-kiêu vệ đại tướng quân?

- Em nói vậy không được. Đây là ý chị. Thân phụ Kiệt vị quốc vong thân, Kiệt có thể được tập ấm làm quan. Nhưng tập ấm xuất thân thì không ai phục. Ta muốn cho Kiệt làm quan, thì ta thượng biểu lên, ắt Hoàng-thượng phong y làm Đại tướng quân ngay. Nhưng ta muốn Kiệt do khoa cử xuất thân, rồi từ từ lập công mà lên, mới xứng mặt anh tài.

Hai trẻ về tới Bắc-ngạn thì trời tối. Cả hai thuê phòng ngủ qua đêm. Trong khi Thường-Kiệt ngồi luyện công, thì Nhật-Tông tò mò ra ngoài sảnh đường gọi chung trà uống. Thấy mọi người xúm vào coi bói, Tông cũng coi. Nghe thầy bói nói câu nào cũng đúng, Tông về phòng kể cho Thường-Kiệt nghe. Thường-Kiệt báng nhạo không tin. Nhật-Tông mới đánh cuộc: Nếu thầy bói nói đúng hết thì Thường-Kiệt phải bái Nhật-Tông làm nghĩa phụ. Ngược lại thầy nói sai hết, thì Nhật-Tông phải gọi Thường-Kiệt bằng anh.

Bây giờ thầy gọi ra được cuộc đời Thường-Kiệt, vì vậy chàng phải hành lễ, gọi Nhật-Tông bằng nghĩa phụ. Khi bái, trong lòng Thường-Kiệt nghĩ:

- Người là chú của ta. Chú cũng như cha, nay ta bái người làm cha cũng không có gì là quá.

Thầy đồ thấy hai trẻ mượn mình để đánh cuộc, cũng thấy vui vui, ông đưa mắt nhìn Nhật-Tông, Thường-Kiệt với đôi mắt đầy thương cảm. Thường-Kiệt thấy đôi mắt ông rất uy nghiêm, rất quen, rất thân ái, mà chàng không nhớ đã gặp ông ở đâu. Chàng đồ chừng ông là bạn của phụ thân cũng nên. Vì vậy chàng cúi đầu hành liền bốn lễ. Thầy đồ như không giữ được bình tĩnh, tay ông hơi run run, rồi nói với chàng:

- Cháu ngoan lắm.

Ông mình quay sang phía Trí-Cao, ngụ ý muốn hỏi y cầu gì. Trí-Cao chắp tay:

- Thưa thầy, tiểu sinh muốn cầu thầy coi cho một quẻ.

Thầy đồ ngước mặt nhìn Trí-Cao, rồi chỉ ghế:

- Cậu ngồi đây. Cậu cho tôi giờ, ngày, tháng, năm sinh.

- Tiểu sinh tuổi Giáp-Tý, sinh vào tháng 6, ngày 6, giờ Tỵ.

- Cậu đặt quẻ đi.

- Xin thầy cho biết tiền quẻ bao nhiêu?

- Ít nhất là trăm đồng. Còn nhiều hơn thì tùy hỉ.

Trí-Cao tính nhẩm:

- Một đồng một đấu gạo (gần bằng 1kg ngày nay), giá này đắt thực. Nhưng không sao.

Nó móc túi lấy một nén vàng cung kính đặt lên đĩa, rồi đưa ngang mày. Thầy đồ thản nhiên tiếp đĩa. Thời bấy giờ một nén vàng ăn mười lượng bạc. Mỗi lượng ăn ba quan, mỗi quan là 600 đồng. Như vậy Trí-Cao đặt tới 180 lần hơn giá thầy đồ ra. Thầy tính đốt ngón tay một lúc, rồi đưa mắt nhìn Trí-Cao:

- Để ta nói đại cương số của cậu, sau khi ta nói, cậu được hỏi ba câu, và phải trả lời ta ba câu. Cứ như số của cậu, mệnh lập tại Dần. Tử-vi, Thiên-phủ thủ mệnh, đó là cách Tử, Phủ, Vũ, Tướng. Cậu tuổi Giáp, được cách Lộc-tồn thủ mệnh nữa. Tử, Phủ là đế tinh, tức là vua. Vua mà không Lộc thì là vua nghèo. Cậu được cách Tử, Phủ, Lộc thì là cách cực phú, cực quý. Đã vậy còn được Hóa-lộc cư quan, Hóa-khoa cư tài. Mệnh cậu được Tang-môn, Thiên-hình thủ. Cái cách đó gọi là : Hình, Hổ cư dần, hổ đới kiếm hùng. Tương phùng đế cách, uy vũ trấn động.

Nghĩa là Thiên-hình, Bạch-hổ thủ mệnh ở Dần, là cách hổ đeo kiếm, nếu gặp bộ Tử, Phủ thì uy vũ trấn động.

Trí-Cao thấy thầy đồ ngừng lại nó nói:

- Thưa thày như vậy tiểu sinh đắc quý cách phải không?

- Đúng thế ! Nhưng tiếc rằng cung quan Thiên-không ngộ Hóa-lộc. Hóa-lộc đóng đâu cũng tốt cả, duy ngộ Thiên-không thì hình ngục nan đào. Để ta nói toàn bộ cuộc đời cho cậu nghe.

- Tiểu sinh xin kính cẩn nghe thầy dạy.

- Cậu sinh ra là đấng anh hùng. Tư cách, hành sử, sự nghiệp đều là trân anh hùng. Nhưng vì cung quan có Thiên-không, thành ra người đời sẽ gọi cậu là giặc cướp. Cậu có buồn không?

- Thưa thầy cháu nghĩ sinh làm con cháu vua Hùng, vua Trưng thì chỉ cần làm một việc ích quốc lợi dân, rồi có chết, có bị tù, hay có bị người ta gọi là chó, là mèo cũng cứ được đi.

- Câu nói của cậu chính là câu nói của anh hùng vậy.

- Năm nay là năm Mậu-Dần. Đại hạn tại Mão có Thái-âm ngộ Kình, tiểu hạn tại Hợi có Thái-dương hãm ngộ Kị. Như vậy phụ-mẫu e bất toàn.

Sang năm tiểu hạn tại Tý. Tử-vinh kinh nói: Người tuổi Tý sợ nhất hạn nhập cung Tý, Ngọ, Dần, Thân. Nhưng cung Tý của cậu có Hoá-khoa, vì vậy sau biến cố tán gia, bại sản, nhưng công danh cậu lên cao. Cho đến năm Thìn, tiểu vận đi vào cung Dần, công danh cậu lên tột đỉnh, danh trấn thiên hạ. Rồi, tôi nói hết rồi. Bây giờ cậu đặt câu hỏi đi.

- Thưa thầy kỳ này tiểu sinh về kinh ứng thi có đậu không?

- Không! Trọn đời cậu, thi không bao giờ đậu. Trong chuyến đi này, cậu sẽ gặp nhiều bạn tốt, nhưng cũng chính vì vậy, mà gây ra tai họa cho cha mẹ. Cậu có thể hỏi câu thứ nhì.

Trí-Cao cung tay:

- Thưa thầy, thầy thông thiên mệnh như vậy, thầy dạy cho tiểu sinh biết, liệu thời gian này, người Việt ta có thể đòi lại vùng Lưỡng-Quảng hay không?

Thầy đồ đưa con mắt sắc như dao nhìn Trí-Cao một lượt, tia hàn quang chiếu ra, làm nó rùng mình. Thấy đồ thở dài:

- Chẳng cần phải xem thiên mệnh, mà cứ lý suy ra cũng thấy.

- Tiểu sinh cũng đã từng suy nghĩ, thấy rằng việc đòi lại cố thổ lúc này thực thuận lợi vô cùng, nhưng người ta mắng tiểu sinh là đồ con nít nói càn.

- Con nít! Con nít nhưng chí lại lớn, còn người ta tự cho là người lớn, thì chí lại không hơn con chuột nhắt. Cậu thử lý giải cho ta xem nào?

- Từ thời vua Chân-Tông, nhà Tống quá yếu, phía Bắc bị bại bởi Liêu, phải cắt đất cầu hòa, rồi hàng năm tiến cống. Trong lịch sử Trung-quốc chưa bao giờ người Hoa bị nhục như vậy. Tiểu sinh nghĩ: Liêu đánh Tống, bắt Tống xưng thần. Tại sao ta không đánh Tống, để đòi cố thổ. Võ lâm nước ta hơn hẳn Liêu, văn hiến ta càng bỏ xa họ. Quốc dụng ta giầu hơn Tống gấp bội mà.

- Được lắm. Cậu tiếp đi.

- Mới đây, niên hiệu Thiên-Thành thứ tư (Tân-Mùi, 1031), vua Hưng-Tông nước Liêu lên nối ngôi. Hưng-Tông là một vua trẻ, lại có chí lớn. Ông ta trọng dụng nhân tài, khuyến khích chăn nuôi, canh nông, võ bị hưng thịnh, dường như để đánh xuống Nam, chiếm Tống. Năm Thiên-Thành thứ năm (Nhâm-Thân, 1032) Hạ-vương Triệu Đức-Minh băng, con là Nguyên-Hạo lên nối ngôi. Sau hai năm cầm quyền, Hạ-vương đã làm cho nước cường thịnh hẳn lên, rồi xưng Đế, không thần phục Tống nữa. Tống phải điều Ngô-quốc quận vương Trần Tự-Mai với công chúa Huệ-Nhu đem quân từ Nam-thùy về phía Tây để trấn Tây-hạ. Năm sau, Thông-Thụy thứ nhì, ở Cao-ly vua Tĩnh-tông Khang-Hiến lên ngôi, ông vua này còn tài ba hơn các vua Liêu, Hạ, vì vậy ông ấy đem quân chiếm lại ba vùng đất bị mất thời Đường. Tống triều phải cử Yên-vương Nguyên-Nghiễm đem quân trấn Cao-ly. Còn phía Nam ta, thì Đại-lý, Đại-Việt đang hồi cường thịnh. Trong khi đó, Tống triều được cầm đầu bởi những Nho-thần hủ lậu, chuyên bàn nhân nghĩa hão. Cột trụ của triều đình là Âu-dương Tu với Phạm Trọng-Yêm bàn nên chỉnh bị binh mã, trước đánh Cao-ly, sau khi Cao-ly bại, thì Tây-hạ ắt nhụt, rồi tập trung quân đánh Liêu. Vua không nghe, lại giáng chức hai người này, rồi đầy đi xa.

- Giỏi. Tiếp.

- Trước kia, biên giới Tống-Việt do Ngô-quốc quận vương Trần Tự-Mai trấn thủ, nay vương mang hết quân về phía Tây, Nam-thùy Tống trống rỗng. Tại sao Đại-Việt mình không nhân đó, ước hẹn với Đại-lý, Cao-ly, Tây-hạ, Liêu cùng đem quân đánh Tống. Ta nhân đó chiếm lại vùng đất tới hồ Động-đình. Ta khởi binh bất thần, đánh như vũ bão, thì chỉ một trận là chiếm được đất cũ. Bấy giờ Tống có chỉnh bị quân mã xuống đánh, e cũng phải mấy năm. Mấy năm đó, ta thao luyện sĩ tốt, binh ta hùng, tướng ta mạnh, ta há sợ họ sao?

- Cậu biết một mà không biết hai. Trước đây, thời Thuận-Thiên, chí lớn ai bằng Khai-Quốc vương. Vương được võ lâm tám vùng tộc Việt tôn làm minh chủ, Vương lại cầm trọng quyền, vua Bà Bắc-biên với Vương đồng một lòng. Mà Vương làm không nổi. Sau vì chư vương nội loạn, Vương-phi bỏ đi, Vương lưu lạc giang hồ tìm Vương-phi đã mười năm, mà không thấy. Cho nên võ lâm anh hùng không người cầm đầu.

- Thì nay Vương vẫn còn đó, nếu vương khởi binh, thì không dịp nào bằng dịp này. Tiểu sinh nghe nói hiện trong triều, quan Tả-bộc-xạ, Đồng-trung thư môn hạ bình chương sự, sinh ra Thiên-Cảm hoàng-hậu là một cường thần, thường chủ xướng ta phải cúi đầu triều cống Tống cho thực hậu, thì giang sơn này vững như bàn thạch. Dường như Hoàng-thượng nghiêng theo Dương quốc-trượng thì phải.

Anh em họ Dương nghe thầy bói với Nùng Trí-Cao phê bình quốc trượng họ Dương thì im lặng đưa mắt nhìn nhau.

Trước khi khởi hành, Bảo-Hòa ân cần dặn Nhật-Tông rằng : Chị cho em đi một mình, để biết rõ dân tình, thì sau này mới đủ kinh nghiệm làm cho nước giầu dân mạnh. Vì vậy khi đi đường, tuyệt đối dấu thân phận. Nếu có ai bàn tán, phê bình triều đình, phải lắng tai nghe.

Nay Nhật-Tông với Thường-Kiệt thấy Nùng Trí-Cao với thầy đồ bàn đến những điều cơ mật trong triều, cả hai im lặng, nhìn đi chỗ khác, nhưng chú ý theo dõi.

Thầy đồ gật đầu:

- Cái gã Dương này nhờ con gái làm Hoàng-hậu, mà được đắc dụng, chứ thực sự thì văn dốt, vũ rát, có biết gì đâu. Hắn ta không tự biết thế, mà đôi khi còn xung chàng với Thái-sư.

Cô gái họ Dương chửi xéo:

- Thầy bói không mù, cũng như mù, dám phê phán Dương quốc-trượng ư?
break
Cùng Trúc Mã Luyện Tập Kỹ Năng
Ngôn tình Sắc, Sủng
Thái Tử Tỷ Phu Và Cô Em Vợ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Cổ Đại
Đàn Anh Cứ Muốn Tôi
Sắc, Sủng, Nữ Cường, Nam Cường
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc