Anh Linh Thần Võ Tộc Việt

Chương 26: Nam Thiên Đệ Nhất Mỹ Nam Tử

Trước Sau

break
Khai-Quốc vương nói với chư tướng:

- Hôm trước cô gia được tin Đinh phi, Hồng-Phúc tạo phản, cô gia nghĩ rằng trong quân không chỉ có một mình Hồng-Phúc, nên cô gia họp chư tướng, rồi trình bầy một kế sách diệt giặc rất tỷ mỉ. Kế hoạch đó giờ này đã nằm trong tay Vũ Nhất-Trụ. Trụ tin rằng cô gia chưa dám giải vây Trường-yên, nên y chuẩn bị đêm nay ra tay đánh ta trước. Y định rằng, một đạo quân hai vạn người, thình lình cướp trại ta. Y hy vọng diệt hai nghìn quân Thượng-oai, Phong-châu cùng bốn đạo Lạc-long giáo Nghệ-an, Cửu-chân, Trường-yên, Thiên-trường chớp nhoáng. Trong khi đó, chủ lực chính y tấn công vào thành.

Hôm rồi nghe Khai-Quốc vương chuẩn bị giải vây Trường-yên, nơi mà lực lượng giặc gần mười vạn; trong khi vương chỉ có mấy nghìn người, đóng chơ vơ giữa đồng. Chư tướng tuy tin tài vương, nhưng ai cũng phập phồng lo lắng. Bây nghe vương kiến giải, họ mới hiểu rằng vương định kế sách đó chỉ với mục đích mượn bọn tế tác giặc, thông báo tin tức giả cho giặc mà thôi. Họ thở phào nhẹ nhõm.

Vương tiếp:

- Bây giờ ta ra tay trước. Ta nhập thành, rồi thủ ở trong.

Lê Phụng-Hiểu cung tay:

- Khải vương gia, kể cả quân trong thành, quân ngoài thành ta chỉ bằng một phần mười giặc, không hiểu vương gia định nghênh chiến ra sao?

Khai-Quốc vương khen ngợi:

- Giỏi như Lê tướng quân mà còn tin rằng cô-gia phản công, thì ắt Nhất-Trụ sẽ mắc mưu ta. Trấn tại cửa Bắc là Vũ-Đức vương với Nguyễn Khánh, Nguyên-Hạnh, Vũ Hào. Quân của chúng là giáo chúng Hồng-thiết. Chúng dàn quân như sau: Ngoài cùng là đội cung thủ để chống với thú rừng. Phòng tuyến thứ nhì là đội thiết kị. Phòng tuyến thứ ba là đội bộ chiến. Ta cần đánh dạt chúng ra cho các đạo quân vào thành. Muốn đánh dạt chúng phải có tướng hét ra lửa với đội quân thú rừng.

Vương nhìn Thông-Mai, Bảo-Hòa:

- Vậy như thế này: Đại huynh Thông-Mai, cùng với Hà Thiện-Lãm, Lưu-Tường, Trường-Ninh chỉ huy đoàn đệ tử Đông-a với đạo Thượng-oai. Bảo-Hòa, Thuận-Tông, Hoàng Tích, Kim-Thành chỉ huy đoàn đệ tử Tản-viên, Phong-châu. Hai đoàn xua hổ, báo, voi đi trước, xông thẳng vào phòng tuyến đạo quân Vũ-Đức vương, cắt đôi đạo quân của vương ra. Đạo Thượng-oai đánh quặt sang trái, đạo Phong-châu đánh quặt sang phải. Khi thấy quân địch rẽ ra thì ngừng lại, không đuổi theo, vì đuổi theo đạo Phong-châu sẽ gặp quân của Vũ Nhất-Trụ đông gấp hai mươi lần tại cửa Đông; còn đạo Thượng-oai sẽ gặp đạo quân của Đàm Toái-Trạng, Lê Tấn, Vũ Linh-Nguyện đông gấp ba mươi lần ở cửa Tây.

Lưu Tường hỏi:

- Thưa vương gia, nếu như xua hổ báo đi trước, e làm mồi cho đám cung thủ. Bởi chúng có tới ngàn người, mà ta có tất cả bốn trăm vừa hổ, vừa báo. Như vậy hai cung thủ của họ thừa sức giết một thú của ta.

Vương cười:

- Cô gia có kế hoạch đối phó rồi, phó châu đừng sợ.

Vương ghé tai Thông-Mai, Bảo-Hòa dặn dò một lúc. Hai người gật đầu tỏ ý hiểu.

Vương gọi Tôn Đản, Cẩm-Thi, Trần Anh:

- Ba em dẫn bản bộ giáo chúng Lạc-long đi sau Thông-Mai, Bảo-Hòa. Khi Thông-Mai, Bảo-Hòa đánh dạt quân giặc ra, thì các em vào thành đầu tiên. Các em quặt sang cửa Đông, hiện sư thúc Hoàng Hùng đang trấn tại đây. Các em được đặt dưới quyền sư thúc trấn cửa Đông.

Vương gọi Lê Văn, Tôn Mạnh, Lý Nhân-Nghĩa:

- Lê Văn làm chúa tướng, cùng Tôn Mạnh, Lý Nhân-Nghĩa đem giáo chúng trực thuộc, đi kế đạo của Tôn Đản. Khi vào thành thì tiến sang cửa Tây, đặt dưới quyền điều khiển của sư tỷ Khấu Kim-An trấn tại đây.

Vương gọi Thiệu-Thái, Mỹ-Linh, Lê Phụng-Hiểu, Tôn Trọng:

- Thiệu-Thái dẫn Mỹ-Linh, Lê Phụng-Hiểu, Tôn Trọng đem giáo chúng Lạc-long thuộc quyền cùng đoàn đệ tử Tiêu-sơn đi sau cùng, vào thành rồi thì đến cửa Bắc đặt trực thuộc sư thúc Trần Kiệt trấn tại đây.

- Sau khi các đạo quân vào trong rồi, thì Bảo-Hòa cho đạo Phong-châu vào thành trước, rồi đến đạo Thượng-oai của Thông-Mai. Bảo-Hòa, Thông-Mai cùng đội hổ vào sau cùng. Sau khi vào hết, thì đóng cửa thành lại.

- Khi chúng ta đã vào trấn trong thành, thì Nhật-Hồ lão nhân có mười vạn người chứ lão có trăm vạn người cũng không đánh nổi.

Đợi cho chư tướng chỉnh bị binh mã xong, Khai-Quốc vương truyền đốt ba cây pháo lệnh. Hà Thiện-Lãm cầm tù và rúc lên ba hồi. Xe chở hổ, báo đồng mở cũi ra một lượt. Các tướng hổ, tướng báo cầm cờ phất. Đoàn hổ đi trước, đoàn báo theo sau, chúng gầm gừ rảo bước tiến về cửa Bắc thành Trường-yên.

Thông-Mai, Lưu Tường cỡi trên một bành voi. Hà Thiện-Lãm, Trường-Ninh cỡi trên một bành voi khác đi bên trái. Phía sau là đội võ sĩ phái Đông-a, người nào cũng cầm đoản đao. Bên phải Bảo-Hòa, Hoàng Tích ngồi chung một voi; Thuận-Tông, Kim-Thành ngồi chung một voi. Phía sau là đội võ sĩ Tiêu-sơn, tay cầm thiền trượng. Trống thúc nhịp nhàng.

Tới gần cửa Bắc, thì xa xa trận của Vũ-Đức vương đã dàn ra. Vương ngồi trên ngựa. Bên phải là Vũ Hào, bên trái là Nguyễn Khánh, phía sau là Nguyên-Hạnh. Một đội cung thủ ngàn người chuẩn bị đối phó với thú rừng.

Liếc mắt nhìn qua, Bảo-Hòa đã nhận ra quân của bên địch gồm một đội thiết kị Hồng-thiết giáo với mười đạo giáo chúng. Như vậy giặc đông tời hơn hai vạn người.

Vũ Hào đã đọc binh thư của Khai-Quốc vương. Y biết rằng phàm chư tướng dẫn quân đối địch, khi cách quân địch hơn trăm trượng sẽ dừng lại, để chư tướng có điều cuối cùng muốn nói với nhau. Cho nên y cầm cờ phất phất ra hiệu cho đạo quân Thông-Mai, Bảo-Hòa dừng lại.

Vũ-Đức vương cùng Nguyễn Khánh, Vũ Hào thủng thỉnh cho ngựa tiến ra. Voi của Thông-Mai, Bảo-Hòa cũng rẽ đoàn thú tiến tới. Vũ-Đức vương cất giọng kẻ cả hỏi:

- Bảo-Hòa, người thân là con gái...

Ông chưa nói hết câu, thì phía sau các hổ, báo tướng cầm cờ phất, đoàn thú gầm lên rồi phóng sang trận Vũ-Đức. Đám cung thủ cũng như Vũ-Đức vương tưởng Thông-Mai, với Bảo-Hòa cũng như các tướng khác, ít nhất đối thoại dăm ba câu. Nào ngờ họ xua thú tấn công liền. Một đời Vũ-Đức vương cùng đám ma đầu xảo quyệt, chuyên lừa thiên hạ, mà không biết rõ Thông-Mai với Bảo-Hòa là hai người có một quyết định với Hồng-thiết giáo: Nói vô ích, gặp là giết thẳng tay.

Vì vậy đội thú xung vào trận rồi mà đám cung thủ còn ngỡ ngàng, không trở tay kịp. Đội ngũ đám cung thủ tan rã ngay. Thông-Mai không nói không rằng, chàng phóng chưởng tấn công Vũ Hào liền. Vũ-Hào thấy Thông-Mai ở xa phóng chưởng, y khinh thường không thèm đỡ. Nào ngờ Thông-Mai tung người khỏi bành voi, phát chiêu thứ nhì. Chiêu sau chồng lên chiêu trước mạnh đến kinh người. Vũ Hào kinh hãi vội tung mình khỏi cật ngựa. Thông-Mai lại đánh một chưởng từ trái qua, đẩy kình phong hai chiêu trước vào người Vũ-Đức vương. Trong khi người chàng đáp trên ngựa Vũ Hào. Vũ Hào bỏ chạy sang phía trái.

Vũ-Đức vương kinh hãi, vội lăn người xuống đất tránh chưởng của Thông-Mai. Chưởng trúng ngựa của vương đến bùng một tiếng, con ngựa bay tung lên cao, cùng với tiếng hí đau đớn, rồi rơi xuống đất, máu me chan hòa. Nó chỉ dẫy được ba cái rồi nằm im. Vương hoảng sợ đến đờ người ra, vội chạy vào trong trận cung thủ trốn, thì trận này đã bị hổ, báo chọc thủng.

Phía sau, voi của Thiện-Lãm, Trường-Ninh đuổi theo Vũ-Đức vương như bóng với hình. Thiện-Lãm cầm cờ xanh chỉ chỗ ông trốn cho đội hổ nhảy vào. Kinh hãi, ông chạy bất kể sống chết, nhưng voi Thiện-Lãm, Kim-Thành theo sát nút. Thấy chúa tướng bỏ chạy, đám giáo chúng cung thủ cũng chạy theo.

Thông-Mai biết rằng quân mình ít, cần phải thừa thắng, đánh chớp nhoáng cướp tinh thần địch. Nếu chàng ngừng một chút, là chúng lấy lại tinh thần thì nguy tai. Vì vậy chàng lệnh cho Lưu Tường cứ xua hổ, báo lao vào đội thiết kị. Ngựa thấy hổ, báo thì sợ quá lồng lên rồi chạy trốn. Mấy đội trưởng làm gan hô quân lấy cung tên bắn. Thông-Mai nhắm các tướng thiết kị, mỗi chưởng chàng đánh tan thây một người. Chàng đánh đến người thứ mười thì phòng tuyến thứ nhì của Hồng-thiết giáo bị vỡ.

Thông-Mai thoáng thấy Vũ-Đức vương đã kiếm được ngựa, đang đứng ở phòng tuyến thứ ba là đám giáo chúng bộ chiến đốc thúc. Chàng chỉ cho Lưu Tường. Tường phất cờ, đám hổ, báo bỏ phòng tuyến thứ nhất, thứ nhì lao vào phòng tuyến thứ ba. Hổ, báo tiến quá nhanh, voi của Thông-Mai tiến theo sát phía sau. Bất kể nguy hiểm, chàng rút kiếm, tung mình khỏi bành voi. Ở trên không, chàng chĩa kiếm hướng Vũ-Đức vương. Mười võ sĩ cận vệ cùng hướng vũ khí lên trời đâm chàng. Thông-Mai lia kiếm một cái, sáu trong mười võ sĩ bị đứt tay, gãy cổ. Chàng đã đáp ngay cạnh Vũ-Đức vương.

Vũ-Đức vương lùi lại phía sau, Thông-Mai quát lên một tiếng như sét nổ, chưởng tung ra, bốn võ sĩ cận vệ của vương bay tung lên cao, xương thịt nát hết. Chàng định đánh chiêu nữa kết thúc tính mạng vương, thì một kình phong ập vào phía phải của chàng. Chàng vội chuyển chưởng ra đỡ, binh một tiếng, cánh tay chàng ê ẩm. Kinh ngạc, chàng quay lại nhìn xem ai mà có chưởng mạnh đến như vậy. Thì ra y là Nguyên-Hạnh. Chàng phản công liền hai chưởng. Y đỡ được một chưởng. Đến chưởng thứ nhì, y ọe một tiếng, miệng phun máu có vòi, người lảo đảo ngã ngồi xuống. Một thiếu niên Hồng-hương chạy lại đỡ y lên.

Thông-Mai đã tu ở chùa Sơn-tĩnh, sống dưới quyền Nguyên-Hạnh một thời gian. Chàng la lớn:

- Phương trượng, nghĩ tình xưa nghiã cũ ta tha cho phương trượng ngày hôm nay.

Nói rồi chàng thúc võ sĩ Đông-a đuổi theo đội quân Hồng-thiết giáo.

Nguyên-Hạnh chạy theo Vũ-Đức vương. Nhưng y vừa đi được mươi bước thì đụng phải voi của Hà Thiện-Lãm, Trường-Ninh. Hà Thiện-Lãm thấy mồm y phun ra máu, thì biết y bị thương. Chàng tung theo sợi dây, cuốn tròn lấy người y rồi giật mạnh. Nguyên-Hạnh bay bổng lên cao, rơi xuống ngay trước voi Cẩm-Thi. Nàng điểm huyệt y, rồi quẳng xuống đất cho quân trói lại.

Bên phải, Bảo-Hòa cũng phóng chưởng tấn công Nguyễn Khánh. Nàng vận âm kình. Nguyễn Khánh thấy nàng trẻ tuổi, vốn đã khinh thường. Bây giờ nàng lại phát chưởng âm nhu, không kình lực, y càng khinh thường. Y dơ tay định bắt sống nàng. Bảo-Hòa chỉ chờ có thế, nàng chĩa ngón tay phát chiêu Lĩnh-nam chỉ trúng huyệt Đản-trung của y. Y bị tuyệt chân khí ngã lăn xuống ngựa. Nhấp nhô một cái, Bảo-Hòa đã xuống ngựa chụp Nguyễn Khánh tung lại sau cho đội võ sĩ Tản-viên trói lại.

Đến đây, ba phòng tuyến của Vũ-Đức vương bị tan. Thông-Mai, Bảo-Hòa xua hổ báo đuổi chúng lui ra xa, rồi ngừng lại quan sát quân mình, thì thấy đạo binh của Tôn Đản, Cẩm-Thi vào trong thành trót lọt. Đạo của Lê Văn đã vào được một nửa.

Trống trận hai bên thúc nhịp rung động trời đất.

Thông-Mai, Bảo-Hòa đứng trên bành voi quan sát quân mình vào thành. Bỗng Lưu Tường la hoảng. Thông-Mai hỏi:

- Gì vậy em.

Lưu Tường dơ tay chỉ vào hậu quân, nơi có đạo quân của Thiệu-Thái. Bởi phía sau đạo quân Thiệu-Thái xa xa, một đội kị binh kéo cờ Hồng-thiết giáo đang phi đến như bay. Đạo quân ước khoảng năm nghìn người. Thiệu-Thái, Mỹ-Linh, Lê Phụng-Hiểu vội đứng trấn phía sau cho quân mình vào thành. Đạo binh của chàng vừa vào tới cửa thì đạo kị binh đã đuổi tới.

Bảo-Hòa than:

- Làm sao bây giờ. Đội của anh với em cộng lại chưa quá hai nghìn mà phải nghênh chiến với hai vạn quân Vũ-Đức vương với năm nghìn kị binh kia, thì giỏi lắm chịu được ba giờ là chết hết.

Thông-Mai quan sát trận giặc, đám tướng binh của Vũ-Đức vương đã tập hợp lại được, chúng đang chuẩn bị bao vây chàng với Bảo-Hòa. Vương đứng ở cánh trái, còn cánh phải là Vũ Hào. Vốn can đảm, Thông-Mai nói:

- Dù gì chúng ta cũng quyết bảo vệ cho quân vào trong thành. Nếu có chết, thì chết hết đội hổ báo mà thôi.

Chàng với Bảo-Hòa dàn quân, chia làm ba. Đội hổ, báo bảo vệ hai sườn chống với quân Vũ-Đức vương. Đạo Phong-châu, Thượng-oai chuẩn bị đánh với đám kị binh. Đưa mắt nhìn lên địch lâu, chàng ngạc nhiên khi thấy đạo quân của mình với Bảo-Hòa nguy đến nơi, mà Khai-Quốc vương vẫn cầm cờ phất ra lệnh bắt hai người chuẩn bị tác chiến, không cho rút vào thành.

Đạo kị binh mới tới dàn phía phải, hợp với Vũ Hào.

Thông-Mai đang định xua quân tử chiến, thì từ phía bên trái, lại một đội kị binh nữa phi tới. Chàng hô lên:

- Tử chiến.

Vũ Hào vẫy quân chuẩn bị dùng cung tên bắn vào đội hổ, báo. Bảo-Hòa cầm kiếm đứng trước trận sẵn sàng tử chiến. Bên này Vũ-Đức vương vẫy tay gọi Thông-Mai:

- Mau đầu hàng, bằng không ta buông tên.

Vương vừa nói đến đây thì đội kị mã đã tới. Hai tướng cỡi ngựa đi tiên phong, đầu trùm khăn đen kín mít. Phía trước, một cây cờ, trên vẽ hình con chim ưng bay trên núi. Hai tướng vừa tới, lập tức xua tay, đội kị mã hướng bộ binh của Vũ-Đức vương buông tên. Vũ-Đức vương hô đội thiết kị của mình tiếp chiến, thì đội kị mã Ưng-sơn đã lẫn vào với quân của vương, chém giết hung hãn hơn hổ đói. Người đàn ông trùm khăn đen cầm cờ chỉ vào vương. Đám thiết kị xông vào định bắt vương. Vương vội bỏ chạy.

Phía bên này Vũ Hào thấy đội kị binh Hồng-thiết giáo, y nhìn cờ thì biết đội đó thuộc quyền Vũ-Đức vương đánh Thăng-long. Sau khi có lệnh bỏ Thăng-long, thì tuyệt tin tức. Nay thấy chúng trở lại y mừng lắm, y cầm cờ chỉ vào đội quân Bảo-Hòa:

- Tiến lên diệt chúng.

Viên tướng chỉ huy cười ha hả, tay cầm cờ xanh phất, lập tức đội thiết kị đã bỏ khăn đỏ, đeo khăn vàng, thay cờ Hồng-thiết giáo bằng cờ Lạc-long giáo, rồi xung vào tấn công quân của Vũ Hào.

Bị bất ngờ, quân của Vũ Hào, Vũ-Đức vương vừa tập trung được, vội bỏ chạy tán loạn. Trên thành Khai-Quốc vương đánh trống thu quân. Đạo Phong-châu vào trước, rồi tới đạo Thượng-oai. Thông-Mai, Bảo-Hòa vào sau cùng. Tiếp theo là đạo kị binh Hồng-thiết giáo cũng vào theo. Còn đội kị binh Ưng-sơn thì phi về hướng Côi-sơn.

Bấy giờ Thông-Mai, Bảo-Hòa mới biết đội kị binh Hồng-thiết giáo kia vẫn trung thành với Lạc-long giáo. Trước họ đã dự chiến ở Thăng-long trong cánh quân Dực-Thánh vương. Khi cánh quân Dực-Thánh thất bại, Khai-Quốc vương dặn họ cứ ẩn nhẫn chờ khi nào đối trận sẽ trở giáo, khiến chúng bị bất ngờ. Bây giờ gặp dịp họ mới ra tay.

Cổng thành đóng lại. Khai-Quốc vương truyền kiểm điểm binh mã, cho quân tướng nghỉ mệt, để chuẩn bị đại chiến.

Vì vương phi Thanh-Mai, với Ngô An-Ngữ làm tổng trấn Trường-yên, nên hai người phải ngồi trong trung quân hầu điều khiển Ưng-binh thư tín liên lạc khắp nơi, cùng ban lệnh cho bốn cửa thành. Do vậy tuy biết Khai-Quốc vương đang đem quân vào thành cứu viện, mà hai người vẫn không thể ra ngoài đón. Đến khi quân viện đã vào hết trong thành, vương về vương phủ, bấy giờ vương phi Thanh-Mai, Ngô An-Ngữ, Hàn Diệu-Chi, Ngô Thường-Kiệt, Ngô Thường-Hiến mới ra chào.

Tuy cách nhau có ba tháng, nhưng biến cố xẩy ra dồn dập, mà vương với vương phi cảm thấy như xa nhau đến mấy năm.

Sau khi nghe vương phi Thanh-Mai cùng An-Ngữ, Bảo-Dân tường trình mọi sự. Vương cũng kể cho họ nghe biết tất cả biến cố bên ngoài. Bảo-Dân rất quan tâm đến cặp vợ chồng Ưng-sơn. Dù minh mẫn như Khai-Quốc vương, thông minh như vương phi Thanh-Mai, nghe nhiều biết rộng như Bảo-Dân, kinh nghiệm như Ngô An-Ngữ, mà cũng không đoán ra vợ chồng Ưng-sơn là ai.

Thuận-Tông đưa mắt cho Thiện-Lãm rồi nói:

- Sau trận Yến-vĩ bọn em cho chim ưng theo dõi cặp vợ chồng này mà vô hiệu, vì chính họ cũng biết sai chim ưng. Em cho bao nhiêu chim ưng theo họ, họ giữ làm của riêng luôn, không trả về.

Thiện-Lãm hỏi:

- Hay là anh Thiệu-Cực với chị Thanh-Trúc. Không lẽ ngoài bọn Bắc-biên chúng em, còn có người biết điều khiển chim ưng?

Ngô Cẩm-Thi bẹo tai chàng:

- Chú này nói tào lao rồi.

- Em tào lao ở chỗ nào?

Mỹ-Linh đỡ lời Cẩm-Thi:

- Em nên biết, ai cũng có thể trùm chăn, trùm khăn, giả làm người này, người kia. Nhưng có hai điều không thể giả được là võ công, công lực. Anh Thiệu-Cực võ công bình thường. Chị Thanh-Trúc chỉ mới tập đây. Làm thế nào bản lĩnh hai người đó cao đến như vậy? Chị e bản lĩnh người đàn ông hơn Lê Ba, kém sư bá Tự-An một chút. Còn người đàn bà thì thua chị Bảo-Hòa, ngang với chị Cẩm-Thi. Cho nên em ngờ họ là Thiệu-Cực với Thanh-Trúc, mới bị chị Cẩm-Thi bảo em tào lao.

Tôn Mạnh vốn ít nói, bây giờ cóc mới mở miệng:

- Từ đầu đến cuối không thấy cặp này lên tiếng. Có thể họ sợ lên tiếng thì ta nhận được căn cước họ. Hoặc giả họ là người Thái, người Chiêm, người Lào, người Khờ-me, hay người Đại-lý, Đại-Tống chăng, họ không biết tiếng Việt chăng?

Thanh-Mai đồng ý với Tôn Mạnh:

- Đúng rồi, họ là người Đại-Tống, bởi chị thấy đám tuỳ tùng theo họ đều xử dụng võ công Thiếu-lâm, Nga-mi, Không-động, Hoa-sơn cả. Chị đoán họ thuộc bang Hoàng-Đế hoặc bang Trường-giang. Biết đâu họ chẳng được Tự-Mai sai sang trợ chiến cho chúng ta. Vì vậy họ mới tới tế tổ phái Đông-a cùng thân mẫu chị.

Nhưng chợt Thanh-Mai đờ người ra suy nghĩ. Bảo-Dân hỏi:

- Sư muội nghĩ gì vậy?

- Muội lại thấy lời giải đoán ban nãy có ba chỗ không ổn. Một là nếu họ do Tự-Mai sai sang, không biết tiếng Việt, làm sao họ có thể hiểu lời vô lễ của Hồng-Phúc với phái Đông-a, rồi ra tay trừng trị? Nhất định họ biết tiếng Việt, nhưng không muốn lên tiếng, sợ lộ hình tích đấy thôi. Hai là cặp vợ chồng này với đội kị mã tới ba nghìn người. Nếu họ từ các nước thuộc tộc Việt tới thì sao có thể vào Đại-Việt được. Bởi nước ta đang có nội chiến, các đội biên phòng canh gác cực kỳ nghiêm mật, họ tới mấy nghìn người, thì làm sao vượt biên mà không bị ngăn chặn? Không bị bại lộ? Mà dù có nhập cảnh rồi, với hành tung bí mật như vậy vô tình họ bị cả quân triều lẫn quân phiến loạn nghi ngờ, chặn đánh. Thế mà sao họ di chuyển dễ dàng quá đi. Ba là dù họ có vào được trong nước mình rồi nhưng với quân số đông đảo người ngựa, mỗi ngày phải nuôi ăn, đêm đêm đồn trú. Tất họ đến vùng nào quan quân phải biết, đây không thấy các phủ huyện báo về tình trạng của họ. Vậy họ phải là người Việt, thuộc một bang hội nào đó.

Tất cả nghe Thanh-Mai phân tích đều phục vương phi cực kỳ thông minh. Vương truyền chư tướng về nghỉ, vì sau một ngày chiến đấu, các tướng đều mệt bở hơi tai. Vương phi Thanh-Mai lưu Khấu Kim-An, Cẩm-Thi, Bảo-Hòa, Mỹ-Linh, Kim-Thành, Trường-Ninh lại vương phủ để đàm đạo. Lần đầu tiên Kim-Thành, Trường-Ninh được gặp Ngô Cẩm-Thi. Truyện như pháo nổ.

Khấu Kim-An đùa Thiệu-Thái:

- Tôi nghe trước đây Thiệu-Thái mập ú, bộ tịch giống con lợn, nên Khai-Thiên vương không chịu gả Mỹ-Linh cho, dù đã lập biết bao nhiêu công trạng, kể cả cứu danh dự cho vương. Bây giờ trong tất cả các thân vương, cùng chư tướng không ai đẹp bằng Thiệu-Thái cả, chắc hẳn vương gia vui lòng lắm.

Bảo-Hòa nói:

- Bàn cho thực phải, trước đây phò mã Đào Cam-Mộc được tôn là Nam-thiên đệ nhất mỹ nam tử. Hầu lại văn hay chữ tốt, nói năng ngọt ngào. Nhưng...

Kim-An đùa:

- Bây giờ hầu là Nam thiên đệ nhất mỹ bô lão rồi phải không? Tôi nghe năm nay công chúa An-Quốc đã bốn mươi hơn, còn hầu thì trên sáu mươi tuổi thì phải.

Bảo-Hòa nắm tay Kim-An:

- Khấu sư thúc hay thực, đoán trước được ý nghĩ của cháu. Sau này trong các thiếu niên, thì Tự-Mai với Lê Văn đẹp nhất. Cả hai khéo nói nhất, cứ mỗi lần gần hai cậu em đó, cháu cảm thấy vui vẻ âm ấm trong lòng. Bây giờ hai cậu đều thành phò mã. Tục lệ tộc Thái là khi lấy vợ, con trai phải ở với nhà vợ. Hôm gặp sư bá Hồng-Sơn tại Biện-kinh, em có đem truyện này ra nói với sư bá. Sư bá đáp: Tộc Thái cũng là giống Việt. Vậy Văn nó sang bên đó mở trường dạy thuốc giúp nhà vợ thực đúng ý ta. Hà! Trước sau chúng mình cũng phải xa Văn đệ.

Kim-An quay lại hỏi Lê Văn:

- Thiệu-Thái đang ụt ịt như lợn, bỗng thành đệ nhất mỹ nam tử, chị cũng không ngạc nhiên. Chị ngạc nhiên nhất là Lê Văn thay đổi tính tình. Trước kia Lê Văn, Tự-Mai hùa nhau phá phách suốt ngày. Bây giờ Lê Văn thành trầm tư lạ lùng. Chị nghe nói hồi trước Lê Văn giết một con cào cào, một con châu chấu cũng không nỡ, thế mà hôm lâm trận ở Thăng-long, bỗng trở thành cương nghị vô cùng, giết chết Phạm Trạch, Hoàng Văn, Đàm An-Hòa. Trong trận Yến-vĩ, cậu xung sát hơn ai hết. Rồi từ nãy đến giờ, ngồi như bù nhìn, không hé môi. Hà... thực lạ.

Thanh-Mai nắm tay sư đệ:

- Không phải Văn đệ thay đổi tính tình đâu, mà vì tuổi lớn rồi, không dám đùa nữa. Còn Văn đệ thẳng tay với đám ma đầu, vì đó là võ đạo của phái Sài-sơn.

Sự thực Thanh-Mai biết rõ sở dĩ Lê Văn trở thành đa sát, vì sau đại hội Lộc-hà chàng được chứng kiến tận mắt cái chết nhục nhã của mẫu thân mà ra.

Bỗng Lê Văn ngồi thẳng dậy bật cười:

- Nếu nói về đẹp trai, tất cả bọn đàn ông xung quanh anh cả, không ai đẹp bằng đại sư Huệ-Sinh.

Mọi người đều gật đầu công nhận lời Lê Văn nói đúng. Đại sư Huệ-Sinh có đủ hết các tướng đẹp, mà chỉ đức Thích-ca mâu-ni xưa mới hơn được. Nước da ông hồng hào, đôi môi lúc nào trông cũng như cười, đôi mắt lộ ra ánh từ bi, thương xót mọi chúng sinh. Nhưng cái đẹp của ông là cái đẹp trang trọng, ai trông thấy cũng muốn chắp tay, quỳ gối. Ông lại ít nói. Ông là thầy, là cố vấn cho Khai-Quốc vương. Có thể nói cuộc dẹp nội loạn này, ông đưa ra đường lối, rồi mưu trí thì chính vương hoạch định.

Kim-An hỏi Thanh-Mai:

- Liệu sau này Khai-Thiên vương có phản đối việc gả Kim-Thành cho Thuận-Tông; Trường-Ninh cho Thiện-Lãm không?

- Em nghĩ là không. Bởi về đạo đức, một chú là đệ tử của cô mẫu Tịnh-Huyền, một chú là đệ tử của Nùng-sơn tử. Về công danh, thì cả hai đều thành đại tướng, có nhiều công với xã tắc. Về gia thế, cả hai đều là con nuôi của vua Bà Bắc-biên. Vương không thể viện lý gì mà chối nổi. Nếu vương từ chối, em là thím của Kim-Thành, Trường-Ninh, em có quyền đặt vấn đề: Xin vương tìm cho em hai thiếu niên mà tài, đức cùng công lao với xã tắc bằng Tông, Lãm. Sau đó em bệ kiến phụ hoàng, xin người đứng ra gả ba cháu gái ắt vương bó tay.

Bảo-Hòa nói:

- Trong tất cả các con dâu, con gái của ông ngoại, thì mợ Thanh-Mai được cả ông lẫn ba hoàng hậu thương yêu, tin tưởng vô tận. Bất cứ mợ nói gì, làm gì, ông bà cũng vừa lòng xứng ý cả. Thứ nhì đến cô An-Quốc rồi mới đến mạ mạ cháu. Chính mạ mạ cháu đã nói: Thực là lạ lùng. Ông xuất thân trong chùa Tiêu-sơn, bất cứ nghĩ, làm điều gì cũng phải có nguyên tắc, luật lệ. Mợ là con quốc trượng Tự-An, nức tiếng thiên hạ về ngang tàng, mỗi hành sự đều tự quyết. Ấy vậy, mà lại hợp với ông.

Ngô Cẩm-Thi phân giải:

- Theo em nghĩ thì như thế này: Hoàng thượng xuất thân từ một võ tướng, bên cạnh có sư thái Tịnh-Huyền theo giúp ngài khi chinh chiến bấy lâu. Anh em hợp tình, hợp ý. Cho nên ngài thích con dâu mình cũng có những điểm giống em gái mình.

Lê Văn tiếp:

- Vả, hình ảnh đầu tiên bao giờ cũng có uy lực nhiều. Ngày Hoàng-thượng gặp chị Thanh-Mai buổi sơ kiến đã có những gì xẩy ra? Chị Thanh-Mai xinh đẹp, ôn nhu, văn nhã... rồi bỗng nhiên đứng ra trị bệnh cho đám người Đại-lý, chinh phục tình cảm của họ. Cuối cùng xả thân cứu Đoàn vương gia, đúng theo đạo lý nhà Phật: Nhảy vào miệng hổ đói, xẻo thịt cho chim ưng ăn. Hình ảnh đó đã in sâu vào trong tâm ngài. Nên ngài sủng ái chị là phải.

Lê Văn chỉ bọn Trần Anh:

- Chúng ta còn đến bốn đứa em. Không biết các chị định hỏi cô nào cho chúng đây? Em nghĩ mình đã có sẵn hai cô rồi, chỉ còn thiếu hai cô nữa thôi.

Thanh-Mai kinh ngạc:

- Hai cô nào vậy?

Lê Văn chỉ Mỹ-Linh:

- Một người là em gái nuôi của công chúa Bình-Dương. Cô này nên gả cho Trần Anh.

Cả bọn quay lại nhìn Tĩnh-Ninh. Bởi Tĩnh-Ninh là con gái vú Hậu, ngang tuổi với Mỹ-Linh. Được Mỹ-Linh nhận làm em nuôi. So với Mỹ-Linh, Thanh-Mai thì Tĩnh-Ninh không đẹp bằng, nhưng so với những người khác, nàng cũng thuộc loại xinh đẹp hiếm có.

Bị Lê Văn ghép với Trần Anh, Tĩnh-Ninh vội chui đầu vào sau lưng Mỹ-Linh. Thanh-Mai kéo Tĩnh-Ninh ra:

- Nào cho thím nhìn mặt xem nào? Ừ đẹp đáo để đây. Tĩnh-Ninh có hai điều, mà trong chúng ta không ai bằng. Một là cô bé làm bếp giỏi hơn cả ngự trù trong Hoàng-cung. Hai là cô nàng có cái lưng ong với hai bàn tay cực kỳ xinh đẹp.

Nói dứt, Thanh-Mai kéo vai bắt Tĩnh-Ninh đứng dậy, rồi xoay lưng, chiềng tay nàng cho mọi người nhìn. Ai cũng phải công nhận Thanh-Mai tinh tế, nhận ra hai nét đẹp của Tĩnh-Ninh.

Thanh-Mai nghiêm trang trở lại:

- Mỹ-Linh vào mời vú Hậu cho thím.

Một lát vú Hậu ra, ngơ ngơ ngác không hiểu gì cả. Thanh-Mai mời vú ngồi rồi nói:

- Có phải vú cho Tĩnh-Ninh làm em nuôi Mỹ-Linh không?

- Khải vương phi, từ bé đến giờ công chúa với nó chơi cùng nhau thân như sam, tự nhiên cả hai thành chị em rồi. Tĩnh-Ninh còn được công chúa dạy văn, luyện võ nữa.

Thanh-Mai chỉ Trần Anh:

- Tôi có cậu em nuôi, đang làm đại tướng, vậy tôi xin đứng hỏi Tĩnh-Ninh cho cậu ta, vú có thuận không?

- Tiểu tỳ xin tuân chỉ của vương phi.

Thời Lý, nô bộc, tỳ nữ trong nhà coi như thân thể họ đều do chủ quyết định gả, bán cả. Nay Thanh-Mai nói một lời, tự nó đã thành quyết định. Tuy Thanh-Mai quyết định, nhưng vú Hậu thấy con gái mình có chồng là một tướng cầm quân thì bà mừng chi siết kể.

Tôn Đản bảo Trần Anh:

- Mau mau ra làm lễ bái kiến nhạc mẫu đi.

Nói rồi chàng phẩy tay vào lưng Trần Anh một cái. Trần Anh rơi ngay trước mặt vú Hậu. Chàng lạy liền bốn lạy, miệng hô:

- Mẹ.

Vú Hậu bảo Trần Anh, Tĩnh-Ninh:

- Hai con mau tạ ơn vương phi đi.

Hai trẻ chắp tay vái Thanh-Mai. Lê Văn nói đổng:

- Chàng rể tạ ơn nhạc mẫu, cặp vợ chồng trẻ tạ ơn vương phi tác thành. Chàng nhìn nàng, nàng liếc chàng, nhưng quên mất ông mai rồi.

Tuy là lời đùa bỡn, nhưng đó là lễ nghi thực sự của Đại-Việt. Trần Anh, Tĩnh-Ninh vội hướng Lê Văn:

- Đa tạ Lê đại ca đã đóng vai ông tơ bà nguyệt.

Lê Văn nghiêm mặt:

- Ta có lời muốn nói với chú Trần Em. Sau này thành vợ chồng rồi chú phải tuân theo ta ba việc.

- Em xin tuân lời đại ca.

- Hừ ! Bây giờ được vợ đẹp, tề gia nội trợ giỏi thì ba điều chứ trăm điều chú cũng tuân. Này lắng tai nghe cho rõ ba điều. Một là lúc tối lửa tắt đèn, vợ chồng có cắn cấu nhau thì đừng đem ông mai ra mà nhiếc móc.

Mọi người cười ồ lên.

- Hai là không được coi Tĩnh-Ninh như người thường, mà phải nhớ nàng là em của công chúa Bình-Dương đấy, vì vậy cả đời chỉ được một Tĩnh-Ninh thôi, cấm không cho tuyển thêm thứ thiếp. Bằng không, có chuyện với ta đa! Ta chỉ điểm hai huyệt Thận-du là chú mày thành thái giám liền.

Mội người cười ồ lần nữa.

- Thứ ba là sau này dù ở phương trời nào, mỗi năm phải mời ta đến nhà ăn một bữa cơm, do cô vợ nấu nướng giỏi nhất thiên hạ đích thân làm.

- Em xin tuân lời đại ca.

Thanh-Mai hỏi:

- Ông mai Lê Văn nói có hai cô, vậy còn cô thứ hai đâu?

Lê Văn chưa kịp trả lời thì quân đem vào trình một mũi tên có mang theo bức thư gửi cho Khai-Quốc vương.

Khai-Quốc vương mở phong bì, vương nhận ngay ra nét chữ của Vũ-Đức vương. Vương trao cho Mỹ-Linh:

- Cháu đọc cho mọi người nghe.

Mỹ-Linh cất cao giọng đọc:

Em là Vũ-Đức vương, thư cho anh là Khai-Quốc vương

Nhị ca.

Chúng ta là anh em cùng cha, sống bên nhau từ nhỏ, nhị ca dư biết tính em chứ. Em vốn là người nhiệt thành, dễ cảm xúc, dễ tin người. Vì vậy khi nghe phụ hoàng lâm bệnh trầm trọng, người ban chiếu tuyên triệu Dực-Thánh vương vào ủy thác việc lớn. Nhưng khi vương vào cung thì Phật-Mã đóng kín cửa thành, rồi đem quân phong toả các cung. Dực-Thánh vương không vào được, khẩn báo cho bọn em biết, để cùng giải quyết. Em điểm vệ sĩ theo hầu, rồi vào cung xin yết kiến phụ hoàng, thì vệ sĩ bị ngăn lại, chỉ cho mình em đi thôi.

Nhị ca thử đặt mình vào trường hợp em mà xem, liệu nhị ca có dám vào một mình không? Thế rồi Dực-Thánh vương tuyên cáo với quốc dân, rồi cho lệnh bọn em công thành. Giữa lúc phần thắng nghiêng về phần Dực-Thánh vương thì nhị ca về. Đương nhiên với tài nhị ca, thì Dực-Thánh vương bại .

Bây giờ quân thuộc quyền em đông gấp mười nhị ca. Nhị ca bị hãm trong thành, em lo lắng không nguôi. Nghe lời chiếu của phụ hoàng do nhị ca gửi tới. Em tin nhị ca rằng phụ hoàng còn tại thế. Vậy nhị ca hãy mở cửa thành ra, để anh em mình trực tiếp nói truyện với nhau, không biết nhị ca nghĩ sao?

Ba ngày nữa, giờ Thìn, em với mấy vệ sĩ đón nhị ca ở cổng thành phía Đông. Cả hai bên cùng không mang theo quân. Mong nhị ca nghĩ đến đại cuộc, nghĩ đến tình máu mủ mà ra gặp em.

Khai-Quốc vương đưa mắt nhìn Tôn Đản, Lê Văn, Cẩm-Thi:

- Các em nghĩ sao?

Cả ba ôm gối ngồi im lặng. Vương ngạc nhiên:

- Sao các em lại im lặng như vậy?

Tôn Đản nói:

- Đại ca ơi! Đại ca với bọn em thân nhau còn hơn ruột thịt, nếu bảo bọn em chết thay đại ca, bọn em sẵn sàng. Huống hồ bọn em theo đại ca không phải vì công danh, cũng chẳng vì vàng bạc, mà vì anh em chúng ta cùng lập chí xây lại những gì thời vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng, nay đã bị mất. Đối với quốc gia đại sự, đại ca hỏi, chúng em sẵn sàng góp ý. Nhưng đây là việc nhà, việc của họ Lý, muôn ngàn lần chúng em không dám xen vào. Cổ nhân có nói : Sơ bất gián thân là thế. Em nghĩ đại ca nên hỏi chị Thanh-Mai, anh Thiệu-Thái, chị Bảo-Hòa, chị Mỹ-Linh thì hơn.

Khai-Quốc vương thở dài. Vương hỏi Bảo-Hòa:

- Trong chúng ta đây, thì cháu được trời ban ơn cho thần minh sáng suốt nhất. Cháu cho cậu ý kiến.

- Cháu không tin cậu tư lại thay đổi mau thế. Hôm đầu tiên, cậu xuất hiện, cậu tư còn để Nguyên-Hạnh, Nguyễn Khánh bắn tên lên thành kia mà. Hôm sau, cậu đã diệt được hai cánh quân Đông-Chinh vương, Dực-Thánh vương, một lần nữa cậu lên tiếng kêu gọi cậu tư. Cậu tư ậm ừ, rồi cùng bọn chúng kéo về đây, với hy vọng dựa vào Hồng-thiết giáo chiếm nửa nước. Nay không lẽ chỉ một trận hôm qua, cậu tư đã đổi thái độ? Vả khi người ta yếu thế mới chịu nói chuyện với quân địch. Còn khi người ta mạnh thì đời nào người ta hạ thể. Nay quân của cậu tư đông gấp bốn, gấp năm cậu, mà cậu tư viết thư với lời lẽ nhún nhường thì phải nghi ngờ.

Thiệu-Thái bàn:

- Cậu nên thận trọng. Có ba vấn đề xẩy ra. Một là có thể cậu tư bị bọn Hồng-thiết giáo khống chế, nên phải mật viết thư cho cậu, rồi tìm cách thoát thân. Hai là biết đâu giờ này tin từ Thanh-hóa cho biết, đô đốc Phạm Tuy đã đổ bộ lên, làm chủ tình hình rồi, nên cậu tư mới tìm kế hòa giải. Ba là bọn Hồng-thiết giáo bầy ra kế này, để điệu hổ ly sơn. Khi cậu ra ngoài thành họp, họ cho cao thủ vây cậu, trong khi đó họ đánh thành.

Vương phi Thanh-Mai trầm tư một lúc rồi tiếp lời Thiệu-Thái:

- Thiệu-Thái có lý. Bất cứ trường hợp nào, ta cũng phải đề phòng gian mưu của bọn ma đầu vẫn hơn.

Sáng hôm sau, trong phủ Khai-Thiên vương, các tướng hội họp đầy đủ. Khai-Quốc vương với vương phi thấy Hoàng Hùng, Trần Kiệt vào, vội vàng đứng lên chào, rồi rước lên trướng. Vương mời hai vị sư thúc ngồi ngang với mình. Vương cung tay nói:

- Hai sư thúc vì quốc sự, mà phải lao tâm khổ tứ, khiến bọn chúng cháu áy náy vô cùng.

Trần Kiệt phất tay:

- Thiên-trường ngũ kiệt buông tay vui với cỏ cây, nhưng không phải vì thế mà để cho ma quái hại dân hại nước. Chú đến đây tiếp cứu cho Thanh-Mai chỉ là cái cớ nhỏ rằng sư phụ cứu đệ tử, chứ thực sự ra là vì sự nghiệp mấy nghìn năm của tổ tiên. Vương khỏi cần khách sáo.

Vợ của Hoàng Hùng là Quỳnh-Giao, xuất thân từ phái Sài-sơn. Bà ngang vai với Hồng-Sơn đại phu. Võ công bà rất bình thường, gần như là chỉ đủ để tự vệ. Nhưng y thuật bà rất cao minh. Hồi Lê Văn còn thơ ấu, bà thường bế bồng chàng, dẫn chàng đi chơi. Cho nên trước trận đánh Yến-vĩ, nghe Đào Hiển nói bà theo chồng tiếp cứu Trường-yên, đề phòng khi hữu sự còn trị bệnh cho thương binh, cho dân chúng... Lê Văn cứ mong vào thành để gặp lại bà. Bây giờ thấy Hoàng Hùng mà không thấy bà, chàng hỏi:

- Hoàng sư thúc...

Hoàng Hùng đoán trước được ý Lê Văn, ông cười:

- Cô cháu nhà bay thực thân nhau quá sam. Suốt mấy ngày cô cứ nhắc cháu, bây giờ cháu lại tìm cô phải không? Cô đang trị bệnh cho thương binh ở y viện.

Lê Văn đưa mắt nhìn Khai-Quốc vương. Vương hiểu ý cậu em giầu tình cảm:

- Việc ở đây cũng tạm yên. Văn đệ có thể đến y viện tiếp cứu sư thúc trị bệnh cho thương binh được rồi.

Lê Văn vui vẻ lui ra ngoài liền.

Mở đầu buổi họp, Ngô An-Ngữ đứng dậy trình bày chi tiết tất cả diễn biến từ khi cuộc khởi loạn của chư vương, tới lúc Khai-Quốc vương về giải phóng Thăng-long, rồi trận Yến-vĩ, trận tấn công chớp nhoáng nhập thành hôm qua. Ông kết luận:

- Quân ngoài thành hiện tới mười vạn, hầu hết là quân của Thanh-hóa, Đằng-hải, với Hồng-thiết giáo, họ phối hợp nhịp nhàng đã quen. Trong thành chúng ta không có một đạo binh nào chính thức cả. Quân số ta chỉ bằng một phần mười của chúng, mà lại rất phức tạp. Nếu phòng vệ thì chúng ta dư sức giữ thành. Còn mở cửa ra nghinh chiến với giặc, e không đủ sức.

Tôn Đản thấy chư tướng có nhiều người không hiểu hết lời của Ngô An-Ngữ. Chàng nhắc:

- Nhị ca! Nhị ca trình bày chi tiết lực lượng của mình cho mọi người hiểu.

- Đầu tiên lực lượng kị binh của Trường-yên có hơn nghìn, với nghìn thị vệ. Khi cuộc nổi loạn nổ ra, phái Đông-a có năm nghìn đệ tử, viện cho hai đoàn đệ tử, gồm ngàn tay cung nỏ, ngàn bộ chiến. Khai-Thiên vương phi trở về, thu dụng đám giáo chúng Lạc-long giáo trong thành được nghìn nữa. Tổng cộng thành năm nghìn người. Tôi chia cho mỗi cửa một nghìn người trấn thủ. Còn nghìn thị vệ thì lưu động tiếp cứu. Nhờ đội cung thủ nghìn người của phái Đông-a, nên quân phản loạn tấn công bao nhiêu lần đều thất bại.

Ông chỉ vào Thuận-Tông, Thiện-Lãm:

- Lực lượng nghĩa đệ Thiện-Lãm đánh Yến-vĩ, chỉ có hai nghìn người, với đội thú rừng. Sư thúc Vũ Anh lại viện cho năm trăm đệ tử phái Đông-a. Trong trận này bốn trong Quy-trang thất kiệt mang về bốn nghìn giáo chúng Lạc-long giáo nữa. Nên sau trận đánh, cánh Thượng-oai tới năm nghìn, năm trăm. Lực lượng Phong-châu của nghĩa đệ Thuận-Tông cũng chỉ có nghìn người với đội thú, sau được tiên cô Bảo-Hòa viện cho năm trăm đệ tử Tản-viên, đại sư Huệ-Sinh viện cho năm trăm đệ tử phái Tiêu-sơn. Trong trận tấn công phá vòng vây, giáo chủ Lạc-long giáo thu hồi hơn nghìn thiết kị nữa. Như vây tổng cộng ta có một vạn ba nghìn năm trăm người thiếu thống nhất, phải chống với mười vạn người thống nhất.

Khai-Quốc vương đưa mắt nhìn các tướng một lượt, rồi nói rất chậm:

- Tuy lực lượng chênh lệch như vậy, nhưng hầu hết quân của chúng ta đều là đệ tử võ phái, một người thừa sức đánh hai mươi người. Hai trăm hổ, hai trăm báo, hai mươi voi có sức mạnh bằng mấy vạn địch. Từ trước đến giờ ta chưa có phối hợp, nên cửa Đông, Nam do đệ tử Đông-a. Còn cửa Bắc, Nam do quân Trường-yên với đệ tử Lạc-long giáo. Bây giờ ta cho phối hợp lại. Kế hoạch phòng thủ của ta như thế này: Chia đều các lực lượng cho mỗi cửa thành.

Vương cung tay hướng Hoàng Hùng, Trần Kiệt:

- Đội cung thủ của Đông-a chia làm bốn toán, mỗi toán trấn một cửa thành. Còn lực lượng bộ chiến Đông-a thì chia đôi, trấn cửa Đông và Nam.

Vương hướng Thuận-Tông, Thiện-Lãm:

- Hai em chia chim ưng làm bốn, trấn bốn cửa thành. Hai đội hổ trấn cửa Đông, Nam. Hai đội báo trấn cửa Tây, Bắc.

- Ta có bốn đạo thiết kị. Thiết kị của Lạc-long giáo trấn cửa Đông. Thiết kị Đông-a trấn cửa Nam. Thiết kị Trường-yên trấn cửa Tây. Còn cửa Bắc, ta đã có thiết kị của Ưng-sơn đánh từ ngoài vào.

Nghe nói đến Ưng-sơn song hiệp, kể cả Hoàng Hùng, Trần Kiệt đều đều lắc đầu không hiểu họ là ai. Đã không hiểu họ là ai, mà sao Khai-Quốc vương nghĩ rằng có thể điều động họ?

Mỹ-Linh hỏi:

- Hiện không biết Ưng-sơn song hiệp ở đâu, làm sao chú có thể điều động họ khi cần?

Khai-Quốc mỉm cười nhìn mọi người:

- Các vị thử đoán xem, tại sao cô gia có thể liên lạc, nhờ vả họ?

Chư tướng nhìn nhau, cao nhất là Hoàng Hùng, Trần Kiệt; thấp nhất là Tôn Mạnh, Tôn Quý đều tỏ vẻ không hiểu. Chợt mắt Thiệu-Thái sáng lên:

- Cháu hiểu rồi.

Mọi người cười thầm:

- Ông đần này hiểu được thì có mà mặt trời mọc đằng Tây.

Thanh-Mai vẫy tay cho Thiệu-Thái:

- Thiệu-Thái khoan nói đã, để mợ viết ra, rồi cháu nói, xem có giống nhau không.

Thanh-Mai cầm bút viết một lúc đến hơn tờ giấy, rồi gấp lại:

- Cháu nói đi.

- Ưng-sơn song hiệp đã trợ giúp ta trong nhiều trường hợp, lại tế tổ phái Đông-a, nhất định họ là người nhà. Khi họ là người nhà, thì cậu hai có thể dùng đại nghĩa nhờ họ trợ giúp mình được.

Mọi người đều gật đầu, công nhận lời Thiệu-Thái là đúng. Chàng tiếp:

- Thuận-Tông, Thiện-Lãm cho chim ưng theo dõi Ưng-sơn song hiệp, nhưng đâu ngờ họ cũng biết chỉ huy chim ưng, nên bị họ giữ lại không trả về. Vậy bây giờ cậu viết thư, rồi sai chim ưng đi tìm họ. Họ thấy thư ắt sẽ giúp mình. Như vậy mình có thêm đạo quân tinh nhuệ nữa.

Thanh-Mai trao tờ giấy của mình cho Mỹ-Linh, nàng đọc lên cho chư tướng nghe: Thanh-Mai cũng kiến giải giống hệt Thiệu-Thái.

Việc Thanh-Mai kiến giải ra, không ai ngạc nhiên, vì nàng nức tiếng thông minh từ lâu. Còn Thiệu-Thái ? Trừ Khai-Quốc vương với Mỹ-Linh không ai có thể tưởng tượng Thiệu-Thái xưa nay vốn chậm chạp, hết bị gọi là lợn lại bị gọi là đần, mà nay lại phân tích nổi một sự kiện đặc biệt như vậy. Người người đều đưa mắt nhìn nhau như tự hỏi: Cái gì đã xẩy ra làm thay đổi Thiệu-Thái.

Mỹ-Linh giải thích:

- Các vị ngạc nhiên về anh Thiệu-Thái ư? Rất giản dị. Anh ấy được thụ lĩnh trăm năm thiền công của Bồ-tát Sùng-Phạm. Suốt cuộc đời, ngài Sùng-Phạm luyện khô-thiền với thiền tuệ. Khi anh Thiệu-Thái tiếp nhận, thì chưa hiểu gì về thiền cả, giống như người ngồi trên đống gạo, mà không biết làm sao nấu cơm mà ăn. Phải chờ đến khi thăm Thiên-trường, được đại hiệp Tự-An giảng giải, anh ấy mới biết phát lực mà thôi. Rồi khi thím Thanh-Mai bị nạn, bản sư dạy anh ấy cách vận thiền công Tiêu-sơn, nên anh ấy phát lực gần bằng ngài Sùng-Phạm. Lại đến lúc gặp Bố-Đại Bồ tát, ngài giảng cho anh về thiền cùng Mục-ngưu thiền chưởng. Từ đấy anh biết luyện thiền công.

Tôn Đản ngắt lời:

- Những việc đó em biết hết rồi. Nhưng sao ông ỉn lại biến thành đệ nhất mỹ nam tử, rồi thông minh quán thế?

- Chị đã giảng hết đâu. Khi anh ấy biết vận khí theo Tiêu-sơn, thì bao nhiêu chân khí ngài Sùng-Phạm ban cho luân chuyển trong người. Khô-thiền làm cho anh ấy gầy đi. Thiền tuệ làm cho trí tuệ sáng suốt. Do đó, anh ấy mới thay đổi như vậy.

Khai-Quốc vương kéo chư tướng trở về:

- Bây giờ tới các đội võ sĩ. Cửa Đông, Nam do hai đội phái Đông-a đảm nhiệm. Cửa Bắc do đội phái Tản-viên trấn. Cửa Tây do đội phái Tiêu-sơn giữ. Về giáo chúng Lạc-long giáo thì chia đều bốn đạo cho bốn cửa.

Vương ngừng lại, rồi gọi Lê Phụng-Hiểu:

- Về chư tướng ta chia làm sáu. Bàn về mưu kế, luận bàn lý lẽ, bản lĩnh công lực e Vũ-vệ đại tướng quân Lê Phụng-Hiểu thua cả Lê Văn, Tôn Đản đã đành, mà không hơn Tôn Mạnh, Tôn Trọng. Nhưng chỉ huy quân xung phong hãm trận, phối hợp khi tiến, khi thoái, bỏ mặt này, cứu mặt kia, cùng ứng phó với nguy nan, ta nghĩ khắp Đại-việt không ai bằng tướng quân đã đành, mà ngay cả Tống cùng Xiêm, Lào, Lý, Chân, đều khó kiếm được ai ngang với tướng quân. Vậy ta trao cho tướng quân ngồi ở trung ương điều binh. Ta cho Sùng-ban lang tướng Ngô An-Ngữ, Hổ-uy đại tướng quân Lý Nhân-Nghĩa trợ giúp tướng quân.

Một tướng nhỏ, được người chỉ huy tối cao khen ngợi, khiến Lê Phụng-Hiểu đỏ mặt lên. Ông nói:

- Khải vương gia, đẳng trật của tiểu tướng thấp quá, e chư tướng không phục.

Khai-Quốc vương rút thanh Thượng-phương bảo kiếm của Thuận-Thiên hoàng đế trao cho Lê Phụng-Hiểu:

- Tướng quân đeo kiếm này, thì mỗi lệnh của tướng quân ban ra là chỉ dụ của phụ hoàng. Các tướng không ai dám cãi. Còn chư vị đại hiệp, thì ai nấy đầy người võ đạo, chẳng ai rắc rối với tướng quân đâu.

Lê Phụng-Hiểu cung kính tiếp kiếm đeo vào ngang lưng.

Khai-Quốc vương tiếp:

- Phần tướng trấn trung ương xong rồi. Bây giờ tới những tướng làm

trừ bị cùng theo cô gia ra hội kiến với Vũ-Đức vương, đó là đại huynh Thông-Mai, cùng ba cháu Bảo-Hòa, Mỹ-Linh, Thiệu-Thái. Xin nhắc lại khi ra ngoài thành, mười chết mới có một sống. Gặp giặc phải cương quyết như Thông-Mai, Bảo-Hòa, Lê Văn, giết thẳng tay, chứ không nhân nhượng. Cô gia nhắc lại, khi cô gia giao cho ai đánh tướng nào của giặc, thì phải giết bằng được tướng đó.

Vương đứng dậy cung tay:

- Trấn cửa Đông là sư thúc Hoàng Hùng với Thuận-Tông, Trần Anh và Tĩnh-Ninh. Trấn cửa Nam là thúc phụ Trần Kiệt với Thiện-Lãm, Tôn Mạnh. Trấn cửa Tây là sư huynh Bảo-Dân, sư tỷ Kim-An với Lưu Tường, Tôn Trọng. Trấn cửa Bắc là Tôn Đản, Cẩm-Thi, Hoàng Tích.

Vương hỏi:

- Có ai thắc mắc gì không?

Lê Văn hỏi:

- Thế còn sư tỷ Thanh-Mai, hai bà chị Kim-Thành, Trường-Ninh với em thì làm gì?

- Bốn vị sẽ có nhiệm vụ riêng.

Ngô Thường-Kiệt, Thường-Hiến hỏi:

- Hai con làm gì?

- Hai con đặt trực thuộc Lê tướng quân để thông tin bốn cửa. Nào, bây giờ ta xin để Lê tướng quân điều động.

Tuy Lê Phụng-Hiểu có Thượng-phương bảo kiếm trong tay, nhưng ông là đệ tử của Bảo-Hòa. Ông không dám hạ lệnh cho sư phụ. Ông kính cẩn chắp tay:

- Đệ tử xin tiên cô xá tội.

Rồi ông nói:

- Đến giờ Thìn thì Khai-Quốc vương đem sư phụ cùng các vị đại hiệp Bảo-Dân, Kim-An, Thông-Mai, với công chúa Bình-Dương, thế-tử Thiệu-Thái ra ngoài thành hội kiến với Vũ-Đức vương. Vậy giờ Mão, các cửa thành cho chuẩn bị đoàn cảm tử xung phong. Mỗi đội theo thứ tự như sau: Trước tiên đội hổ, hay báo, rồi tới tướng chỉ huy cỡi voi. Tiếp theo đội thiết kị, rồi đội võ sĩ, cuối cùng là đội giáo chúng Lạc-long giáo.

Ông ngừng lại cho các tướng theo kịp rồi tiếp:

- Dù cuộc hội có kết quả hay không, khi vương cùng phái đoàn vào thành, ta cũng đánh chớp nhoáng một trận trước cổng thành cho chúng kinh hồn vỡ mật.

Vậy...

... Khi có tiếng pháo lệnh tỏa ra hình bông sen, lập tức các cửa mở rộng. Đội tiễn thủ trên địch lâu bắn vào đám quân vây bên ngoài. Sau khi giặc lui, lập tức mở cửa thành, xua đội thú ra xông thẳng vào phòng tuyến thứ nhất của địch, cướp tinh thần chúng. Tất nhiên chúng bị cắt làm đôi. Bấy giờ đội thú rẽ làm hai đánh quẹo sang phải, trái. Đội kị mã tiến lên trước chọc vào lớp phòng thủ thứ nhì. Phòng tuyến thứ nhì đứt đôi, thì đội võ sĩ chỉ huy đám giáo chúng Lạc-long giáo chọc vào phòng tuyến thứ ba.

... Tới lúc có pháo thăng thiên nở ra hình chim ưng, thì lập tức đội võ sĩ với đội kị binh cản hậu. Đội thú rút trước, đội giáo chúng rút sau. Nếu trường hợp giặc đuổi gấp thì cung thủ trên thành bắn cán cho đội võ sĩ với kị binh vào.

... Có ai thắc mắc gì không?

Bảo-Hòa hỏi:

- Tướng quân không dự trù trường hợp có biến cố lợi cho mình, ta đuổi giặc tới cùng ư?

- Tiên cô thực anh minh, đệ tử xin tuân ý chỉ. Xin chư tướng lưu tâm, bằng như trong khi xung sát, mà không có lệnh thu quân, thì có nghĩa là vẫn đánh đến cùng.

Vừa lúc đó ưng binh vào trình Khai-Quốc vương một ống đựng thư mới tới. Vương mở ra xem, rồi nói với chư tướng:

- Đúng như cô gia ước tính. Sáng nay cô-gia sai chim ưng đưa thư cho Ưng-sơn song hiệp. Họ cũng biết điều, không giữ chim ưng lại như mọi khi, mà còn cho nó mang thư trả lời cô gia. Họ hẹn rằng, đúng giờ Thìn họ sẽ đến cách thành mươi dậm. Khi có pháo thăng thiên, quân trong thành ra thì họ đến đánh phía sau đám quân vây cửa Bắc.

Đợi các tướng đi rồi, vương vẫy tay gọi Lê Phụng-Hiểu lại bên cạnh, hai người sóng đôi ra sân. Vương nói rất nhỏ:

- Vì nghi trong quân chúng ta có gian tế, nên cô gia cho họp chư tướng, truyền lệnh như vậy để chúng thông báo tin ma cho Vũ Nhất-Trụ. Bây giờ chúng ta thiết kế thực sự. Chúng ta đứng giữa sân nói truyện thế này, tuy hở mà kín, không sợ ai nghe trộm.

Phụng-Hiểu tỏ vẻ kính phục:

- Hèn gì! Từ trước đến nay tiểu tướng thấy vương gia luôn hành sự cẩn trọng, thế mà chỉ mấy nghìn quân trong thành, mà vương gia dám quyết xuất thành là một điều không tưởng nổi. Thì ra vương gia dùng hư kế để lừa giặc.

- Đúng vậy! Kế hoạch ban nãy là hư kế bây giờ ta lập thực kế. Khi hư kế tới tay giặc, Vũ Nhất-Trụ sẽ thiết kế chống ta. Ta thi hành thực kế thì Vũ Nhất-Trụ biết rằng y bị lừa, y thiết kế khác phòng thủ, bấy giờ ta lại dùng hư kế. Giặc sẽ điên đầu, lâm vào thế bị động.

Vương nói nhỏ hơn:

- Về lực lượng của ta, cô-gia đã liên lạc được với các lữ trưởng, sư trưởng thuộc hai đạo Đằng-hải. Họ biết rằng bị Đàm Toái-Trạng đánh lừa, nhưng chưa biết cách nào trở về với triều đình. Đêm nay vương phi Thanh-Mai với công chúa Bình-Dương âm thầm vượt thành ra gặp họ truyền lệnh của cô gia. Cô gia hứa rằng sau khi dẹp xong giặc không những đẳng trật họ được giữ nguyên, mà còn thăng lên cao hơn. Rút cuộc giặc chỉ còn mấy đạo binh Hồng-thiết giáo.

- Tiểu tướng chắc vương gia không muốn giết hết đám này.

- Đúng thế. Về ba hạm đội, cô-gia cũng ban lệnh giả cho hạm đội Âu-Cơ rằng lên tuần phòng lãnh hải Bắc-biên, nhưng kỳ thực hiện họ đã ở ngoài khơi. Ngày mai quân của hạm đội Bạch-đằng từ Thanh-hóa vượt đèo, đánh vào mặt Nam quân giặc. Trong khi hạm đội Âu-Cơ đổ bộ lên biển Thiên-trường, đánh ép mặt Đông. Giữa lúc chúng bị ép hai mặt, thì hai đạo Đằng-hải đánh quặt từ phía Tây lại. Còn tướng quân thì cho bốn đội quân bên trong đánh ra, dồn chúng vào giữa vòng vây.

- Như vậy, dù muốn dù không đám giáo chúng cũng phải đầu hàng.

- Chưa chắc đâu. Lão già Nhật-Hồ lã linh hồn của Hồng-thiết giáo. Nếu lão còn, thì khó mà diệt hết mầm móng bọn chúng. Cho nên cô-gia đã có kế hoạch giết y cùng các trưởng lão trước trận. Bấy giờ tự nhiên giáo chúng phải đầu hàng.

- Vương gia nghĩ thế nào về Vũ-Đức vương?

- Cô gia không tin vương hối lỗi. Chắc đây là mưu của Nhật-Hồ định nhử cho cô gia ra ngoài thành, rồi phục kích ám hại. Tuy nhiên cô gia cũng cứ ra. Ta tương kế tựu kế. Cô gia sẽ xuất cửa Đông tương kiến với vương. Mọi việc điều quân do tướng quân định liệu.
break
(Cao H) Không Xuống Được Giường
Ngôn tình Sắc, Sủng
Tán Tỉnh Chàng Cảnh Sát Hình Sự
Sắc, Sủng, Nữ Cường
Anh Rể Cứ Muốn Tôi
Ngôn tình Sắc, Sủng
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc