Anh Hùng Lĩnh Nam

Chương 27: Khí hạo nhiên chí đại, chí cương So chính khí đã đầy trong trời đất

Trước Sau

break
Thấy Phương Dung sắp sửa mất mạng trong chốc lát, quảng trường cùng la hét lên:

– Ngừng tay!

– Tại sao lại hai người đánh một!

Nhưng Đức Tiết, Huyền Sương đời nào chịu ngừng tay. Nghiêm Sơn trước đây vốn có cảm tình với Phương Dung, nay thấy nàng sắp mất mạng, Công vội phát chưởng đánh vào Mai Huyền Sương, hy vọng cứu được nàng. Nam Hải nữ hiệp cũng phát chưởng đánh vào Hoàng Đức Tiết. Vì quyết giết cho được Phương Dung nên Đức Tiết với Huyền Sương vung chưởng trái chống lại, còn tay phải rút kiếm đâm nàng.

Bùng, bùng hai tiếng. Mai Huyền Sương cảm thấy người rúng động, khí huyết đảo lộn, bật lùi lại một bước, trong khi Đức Tiết cảm thấy như mình đánh vào một bao bông gòn, chưởng lực mất tăm, người lảo đảo lùi lại. Tuy nhiên, mũi kiếm của y với Huyền Sương vẫn hướng vào Phương Dung.

Quảng trường nhắm mắt lại không dám nhìn một thiếu nữ đẹp như hoa nở chết thảm. Bỗng có tiếng rú lên như những tiếng cú kêu inh tai nhức óc, rồi tám mũi tên từ phía phái Hoa-lư bay lại khán đài. Tên bằng thép, bay dưới ánh trăng phản chiếu, lóng lánh như ánh sáng của tám ngôi sao chổi. Bốn mũi hướng vào Mai Huyền Sương, bốn mũi hướng vào Hoàng Đức Tiết: Cùng một bộ vị, một mũi hướng đầu, hai mũi hướng hai vai, một mũi hướng vào mũi kiếm.

Vì vừa phải đối chưởng với Nghiêm Sơn và Nam Hải nữ hiệp, cả hai Đức Tiết và Huyền Sương còn đang choáng váng, nay bị một lúc bốn mũi tên, nên tránh không kịp. Chỉ nghe bịch, bịch, bịch ba tiếng, cả sáu mũi tên đều trúng đầu, vai của họ. Rồi keng một tiếng, hai mũi tên khác đã trúng kiếm của họ, kình lực mạnh không thể tưởng tượng được, đẩy văng hai thanh kiếm lên trời.

Tô Định thấy cảnh hỗn loạn, vội hô lớn:

– Ngừng tay!

Nghiêm Sơn và Nam Hải nữ hiệp cùng nói:

– Xin lỗi!

Rồi về chỗ ngồi.

Còn Đức Tiết với Huyền Sương nhảy lùi lại góc đài, mặt tái mét.

Khi hai người nhảy lên đài, họ mong kết liễu tính mạng Phương Dung vì thấy kiếm pháp của nàng quả là kiếm pháp trấn môn của Long-biên. Nếu không giết nàng, họ sẽ không còn chỗ đứng trong thiên hạ. Hơn nữa, Phương Dung sẽ đại diện cho phái Long-biên sang Trung-nguyên cầu phong, khi trở về, nàng đương nhiên là người có quyền thế trong phái. Bọn họ sẽ suốt đời là kẻ không môn hộ, mất chỗ đứng. Giữa lúc họ định kết liễu tánh mạng Phương Dung, họ không ngờ Lĩnh-nam công, người cùng với Thái-thú Tô Định phác họa kế hoạch cho họ, lại ra tay cứu nàng. Họ còn bị ba mũi tên bắn trúng người, một mũi bắn văng mất kiếm. Hai người thấy tuy trúng tên, nhưng ba mũi bắn trúng họ kình lực rất nhanh, chỉ chạm người họ rồi rơi xuống. Họ cúi nhìn, thấy đầu mũi tên đã bị bẻ đi. Còn các mũi tên bắn vào kiếm họ thì kình lực mạnh khủng khiếp, đã đánh bay kiếm của họ lên trời.

Huyền Sương nhìn Đức Tiết. Cả hai đều hú hồn. Họ như cùng hiểu ngầm, người bắn tên chỉ có ý cảnh cáo họ và cứu Phương Dung, chứ nếu người đó muốn ra tay giết họ, thì họ đã mất mạng rồi.

Phương Dung lảo đảo lượm kiếm đứng giữa đài. Tô Định nói lớn:

– Xin các vị ngừng tay. Việc của phái Long-biên, chúng ta không nên can thiệp vào.

Nam-hải nữ hiệp chỉ vào Mai Huyền Sương, nói:

– Mai nữ hiệp! Hai vị đã thua, nhảy xuống đài rồi, tại sao còn nhân lúc người ta bị thương, hai vị lại lên đài, hai người đánh một? Như vậy đâu phải anh hùng. Đâu phải cao nhân?

Đức Tiết sau khi đụng một chưởng với Nam-hải nữ hiệp mới thấy võ công của đệ nhất Thái-bảo Sài-sơn không phải tầm thường. Y nói:

– Nam-hải nữ hiệp đã là trọng tài, sao còn ra chiêu?

Trong khi Tô Định thấy Nghiêm Sơn ra tay, cũng nói:

– Quốc công! Người Việt giết nhau chúng ta không nên xen vào.

Nghiêm Sơn vì lòng nghĩa hiệp ra tay cứu Phương Dung đã làm ngược với kế hoạch của Tô Định, Lê Đạo Sinh và nhóm Nghĩa Nam. Chàng nghĩ mình là Lĩnh-nam công lại ra tay cứu đệ tử của môn phái phản Hán phục Việt thì còn ra thể thống gì nữa? Liếc nhìn Tô Định, bằng đôi mắt lạnh lùng, uy nghiêm của một ông vua, chàng nói chậm chạp:

– Dù Hán, dù Việt, dù người nước nào chăng nữa, cũng phải có luật pháp, có đạo lý. Khi đã thua, rơi xuống đài, lại còn ỷ đông, lên hai người giữa lúc người ta trúng thương. Hành vi như vậy là hèn hạ. Ta không muốn trong đất Lĩnh-Nam của ta có kẻ vô liêm sỉ, đê tiện như vậy, nên mới phải ra tay. Người Việt, người Hán, người Mèo, người Mường gì chăng nữa cũng là con dân Đại-hán.

Tô Định cúi đầu:

– Tiểu nhân kính cẩn nghe lời dạy của Quốc-công.

Nghiêm Sơn trở về chỗ ngồi. Qua hành động của Nghiêm Sơn, quần hào nhìn nhau, như cùng hội ý: Lĩnh-nam công dường như muốn che chở cho chủ trương phản Hán phục Việt. Trong đầu óc họ nảy ra không biết bao nhiêu nghi vấn. Bởi vì, từ mấy năm nay, không biết phát xuất ở đâu đã có dư luận nói rằng Nghiêm Sơn là người Việt chứ không phải người Hán. Những điều họ được biết chính thức: chàng sinh ở Trường-sa, thân phụ làm tướng cho Trường-sa vương.

Họ còn biết rõ, Nghiêm là nghĩa đệ của Hán Quang-Vũ. Hiện trong thiên hạ, Nghiêm chỉ ngồi dưới một mình Kiến-Vũ thiên tử. Các tướng lĩnh của triều đình Hán như: Sầm Bành, Đặng Vũ, Ngô Hán, Phùng Dị, Mã Viện đều do một tay Nghiêm đào tạo ra.

Mai Huyền Sương hướng vào phái Hoa-lư, nói:

– Việc của phái Long-biên chúng tôi, xin để chúng tôi giải quyết với nhau. Tại sao phái Hoa-lư lại can thiệp vào? Món nợ này không biết Cao hầu, Cao chưởng môn tính sao đây?

Cao Cảnh Sơn mặt đỏ phừng phừng, lớn tiếng:

– Hai vị là cao nhân, đã được Nguyễn cô nương tha chết tại sao trong lúc người ta trúng độc, lại hai người đánh một? Do đó, Cao mỗ phải ra tay. Mỗ chỉ bắn có một phát tám mũi tên. Sự thực, Cao mỗ muốn kết liễu tính mạng quý vị thì cũng dễ thôi. Các vị có muốn thưởng thức ít mũi nữa không?

Huyền Sương biết Cao Cảnh Sơn nói thực. Nếu vừa rồi, ông định giết hai người, thì 6 mũi tên đã không bẻ đầu và cũng không nhẹ như vậy. Họ thấy Cảnh Sơn bắn 1 phát 8 mũi, hướng về 8 nơi, với 2 thứ kình lực khác nhau, thì run sợ. Họ không muốn gây hấn với ông:

– Đã không có ác ý thì thôi. Hà tất phải thù hận?

Mai Huyền Sương hướng vào Phương Dung:

– Con nhỏ này! Mi giết chết đại sư huynh ta, mi phải đền tội.

Mụ hướng vào Phương Dung tấn công liền. Phương Dung người không còn khí lực, lảo đảo đưa kiếm lên đỡ, nhưng kiếm lại rơi xuống đài.

Bỗng một bóng xanh từ phái Tản-viên vọt lên trời như con diều hâu, đáp xuống, chụp Phương Dung rồi nhảy lùi lại. Kiếm của Huyền Sương đâm vào quãng không.

Tô Định muốn để Mai Huyền Sương giết Phương Dung, nên y vung chưởng tấn công bóng xanh. Chưởng lực của y trông rất thô kệch, nhưng trầm trọng úp xuống. Bóng xanh đợi cho chưởng lực sắp tới mới nhảy vọt lên cao. Chưởng lực đi sướt dưới chân. Ở trên cao, bóng xanh phóng chưởng đánh vào đầu Tô Định. Tô Định hoảng kinh, thu chưởng về, phát chiêu thứ nhì chống lại. Nhưng lúc đó, bóng xanh đã hướng chưởng vào cột cờ giữa đài. Bình một tiếng, cột cờ rung động, lắc lư. Bấy giờ mọi người mới nhìn rõ, bóng xanh đó là Trưng Nhị.

Nguyên Trưng Nhị đã ở cùng Phương Dung ít lâu, hai người thân thiết như ruột thịt. Nay thấy nàng sắp lâm nguy, vội nhảy lên đài cứu. Đúng ra, võ công Trưng Nhị chưa chắc bằng Tô Định. Nhưng nhờ thông minh, nàng đã chiếm được lợi thế trong chốc lát.

Võ lâm Lĩnh Nam từng nghe Tô Định là người võ công cao không biết đâu mà lường. Từ khi sang Giao-chỉ, y chưa đấu với ai bao giờ.

Đây là lần đầu tiên y ra chiêu. Bản lãnh hắn có cao hơn bọn Nghĩa Nam, có lẽ không kém gì Đạo Sinh bao nhiêu.

Trước khi sang Giao-chỉ, Tô Định được sư phụ cho biết võ công y đã thuộc hàng cao thủ võ lâm, nhưng có hai thứ của Giao-chỉ y không thể nào địch nổi. Một là Phục ngưu thần chưởng của phái Tản-viên. Hai là Long-biên kiếm pháp. Chính sư phụ y trước đây đã bị bại về chưởng pháp này.

Khi y tới nơi mới vỡ lẽ ra chưởng này về phần âm nhu đã bị thất truyền hoàn toàn. Phần dương cương chỉ còn mười hai chiêu. Có hai người sử dụng được, đó là Khất đại phu Trần Đại Sinh với Lê Đạo Sinh.

Tô Định nghe võ lâm Lĩnh Nam nói: Phục ngưu thần chưởng chỉ có uy lực vô địch khi biết đủ 36 chiêu. Chiêu nọ nối với chiêu kia thành một giây, biến hóa không biết đâu mà lường. Y đã xem Lê Đạo Sinh sử dụng, thấy chưởng lực hùng hậu, chiêu số kỳ diệu. Y nghe người ta nói Đạo Sinh tuy là sư đệ, nhưng võ công cao hơn sư huynh là Trần Đại-Sinh nhiều. Từ đó, Tô mới yên lòng, vì Lê thì giữ chức Đô-úy dưới quyền y. y sai phái gì chẳng được? Còn Trần Đại Sinh, đã từ lâu, không biết phiêu bạt nơi nào.

Mối lo thứ nhì của y là kiếm pháp Long-biên. Pho kiếm pháp thần diệu này chỉ có người chưởng môn mới được học hết. Mà chưởng môn trước đây là Nguyễn Phan đã bị học trò bắt giao cho Thái-thú Tích Quang giam giữ. Ba tay cao thủ hạng nhất của Long-biên thì hai người là Huyện-úy, thuộc loại chân tay của y. Y thấy yên tâm hoàn toàn. Nay trong đại hội bỗng nhiên thấy một cô bé biết sử dụng kiếm pháp ảo diệu, khiến y kinh hoàng. May mắn thay, cô bé lại bị Lê Nghĩa Nam dùng hỏa lựu làm cho bị trúng độc. Y muốn kéo dài thời giờ để Phương Dung bị thuốc ngấm mà chết, hoặc bị Huyền Sương giết ngay là hay hơn hết. Bây giờ, Trưng Nhị, người phái Tản-viên lên đài cứu nàng, y phát chưởng ngăn lại. Y nhận thấy võ công Trưng Nhị thua y. Nhưng nàng khôn khéo, thành ra đã đoạt tiên cơ.

Bị mất mặt, y nổi giận vung chưởng phát đủ mười thành công lực, hướng vào Trưng Nhị. Trưng Nhị ôm Phương Dung nhảy ra sau cột cờ.

Y vội hướng chưởng theo. Ầm một cái, cột cờ gãy làm đôi, đổ xuống. Võ lâm Lĩnh-Nam đều khủng khiếp vì võ công của y.

Y vung chưởng thứ nhì đánh vào Trưng Nhị. Chưởng phong vừa phát ra, Trưng Nhị đã vội tung Phương Dung lên cao, vung chưởng đỡ.

Hoàng Đức Tiết chỉ chờ có thế, y vội rút kiếm hướng về phía Phương Dung mà đâm.

Đào Kỳ ngồi tại khán đài của phái Sài-sơn, khá xa khán đài trung ương. Lúc đầu, thấy Phương Dung lâm nạn, chàng muốn lên đài cứu.

Nhưng những diễn biến đã dồn dập xảy ra, khiến chàng đã đến gần đài, nhưng phải ngưng lại. Nay thấy Tô Định phát chưởng mãnh liệt quá, Trưng Nhị không đỡ nổi. Chàng vội nhảy vọt lên đài. Người còn lơ lửng trên không, chàng đã quy tụ chân khí về Đốc-mạch, Nhâm-mạch, rồi phát hai chưởng một lúc. Một chưởng dương cương xuất ra ở Thủ thái-dương Tiểu trường kinh, Thủ dương minh Đại trường kinh và Thủ thiếu dương Tam tiêu kinh. Chưởng thứ nhì thuộc âm nhu, xuất ra ở Thủ thái âm Phế kinh, Thủ thiếu âm Tâm kinh, Thủ khuyết âm Tâm bào kinh. Kình lực mạnh như núi lở, băng tan. Dương chưởng hướng vào Hoàng Đức Tiết, âm chưởng hướng vào Tô Định. Tô, Hoàng cùng các trọng tài ngồi trên khán đài đều cảm thấy bị nghẹt thở. Cao nhân các phái công lực kém như Trần Năng, Lại Thế Cường, vội nhảy khỏi đài để khỏi bị sức ép làm nghẹt hơi.

Tô, Hoàng thấy một thiếu niên rách rưới từ dưới đài nhảy lên, còn cách đài tới mấy trượng đã phát chưởng, thì chúng đều nghĩ như nhau:

– Ở đời làm gì có thứ chưởng lực đánh từ xa như vậy?

Ý tưởng vừa thoáng qua, chưởng phong đã chụp xuống. Tô, Hoàng vội bỏ tấn công Trưng Nhị, xuất chưởng đỡ.

Đào Kỳ xuất hai tay cùng một chiêu, thuộc võ công Cửu-chân Cương phong bạt sơn, có ba lớp.

Trưng Nhị lợi dụng thời cơ bồng Phương Dung nhảy xuống đài.

Bùng, bùng hai tiếng. Hoàng Đức Tiết bay vọt lên cao rồi rơi xuống đài. Còn Tô Định cảm thấy tê dại cả chân tay. Y phải hít mạnh một hơi chân khí mới lấy lại được bình tĩnh. Y quát lớn:

– Thiếu niên này! Mi... mi là người phái Cửu-chân?

Đào Kỳ đứng im không trả lời.

Hoàng Đức Tiết ỷ có Tô Định hỗ trợ, y lại nhảy lên đài, cùng Mai Huyền Sương rút kiếm tấn công Đào Kỳ.

Khi Đào Kỳ nhảy lên đài, phóng chưởng, tất cả quần hùng Lĩnh-Nam đều rúng động, tự hỏi:

– Thiếu niên dơ bẩn này là ai? Sao lại ngồi với phái Sài-sơn?

Nguyễn Tam Trinh và những người phái Sài-sơn đều ngạc nhiên không ít. Trước đây, họ chỉ thấy võ công Đào Kỳ với Phương Dung cũng khá vậy thôi. Họ nghĩ chắc cũng không hơn Lê Chân bao nhiêu. Nay thấy kiếm pháp Phương Dung đã tới trình độ ảo diệu, xuất thần nhập hóa, họ đều ngẩn ngơ. Tiếp đến Đào Kỳ một lúc phát hai chưởng. Một chưởng hất Hoàng Đức Tiết văng xuống đài, họ đã sợ rồi. Chính Nguyễn Tam Trinh đã từng đấu với Tiết và còn thua y xa.

Ở đây, Đào Kỳ mới phóng nhẹ một chưởng, Tiết đã rơi xuống đài. Thật là ngoài sức tưởng tượng của họ. Nhất là Đào Kỳ lại đỡ được chưởng của Tô Định. Trông vẻ mặt chàng vẫn ung dung như thường, còn Tô Định thì nhăn nhó. Như vậy, phần thắng bại đã rõ.

Tô Định là người khôn ngoan. Y biết có đánh nữa, chưa chắc y đã thắng nổi Đào Kỳ. Y lẳng lặng về chỗ ngồi, hỏi:

– Phái Sài-sơn sao lại can thiệp vào nội bộ phái Long-biên? Xin Nam-hải nữ hiệp dạy cho vài lời.

Nam Hải nữ hiệp không trả lời. Bà quay hỏi Đào Kỳ:

– Cháu ngoan! Cháu là đệ tử của ai? Cháu thuộc phái nào?

Câu hỏi đó nhắm trả lời cho Tô Định rằng thiếu niên dơ bẩn đó không phải là đệ tử phái Sài-sơn.

Đào Kỳ lắc đầu:

– Thưa Nam-hải nữ hiệp! Nữ hiệp là cao nhân đạo đức, đáng lẽ nữ hiệp hỏi, cháu phải thưa ngay, nhưng vì cháu chịu lời ủy thác của cao nhân tiền bối phải làm một việc cơ mật, nên cháu không thể khai sư môn ra được. Cháu hứa khi đã làm xong việc, sẽ thân đến Sài-sơn lễ tạ Phù-đổng Thiên-vương và tạ lỗi với nữ hiệp.

Khi Đào Kỳ giả ăn mày đi theo phái Sài-sơn, Nam Hải nữ hiệp đã biết chàng là đệ tử danh môn chính phái. Bà đoán chàng đưọc sư phụ sai đến thông báo tin tức đại hội cho bà mà thôi. Cho nên, dù biết chàng giả dạng ăn xin, bà cũng lờ đi, không cật vấn.

Xin nhắc lại, Nam-hải nữ hiệp là một đệ nhất cao nhân đương thời. Bà hành hiệp từ năm 16 tuổi, đến nay bà đã ở tuổi gần 60, kinh lịch khéo léo có thừa. Sư đệ của bà là Nguyễn Tam Trinh, phải đợi đến khi Đào Kỳ giúp đỡ Hùng Bảo, ông mới biết.

Trong tâm Nam-hải nữ hiệp đặt ra không biết bao nhiêu nghi vấn:

– Thiếu niên này bản lãnh đến dường ấy, ai là sư phụ của hắn? Nhất định hắn là người có thiện cảm với phái Sài-sơn rồi. Nhưng, sư phụ hắn là ai thì ta chịu, không đoán ra.

Khi Đào Kỳ lên đài, Thiều Hoa đã nhận ra chàng là người cứu Ngũ-kiếm đêm nọ. Nàng nhìn Nghiêm Sơn, thấy Nghiêm Sơn cũng nhìn nàng gật đầu, như cùng thông cảm:

– Đây là người đã nhường nàng 10 thế kiếm. Cũng là người đã đánh Nghiêm mấy chưởng hôm trước. Vậy, thiếu niên này nhất định là người thân với nàng.

Thiều Hoa hỏi Tường Loan:

– Gần đây sư phụ, sư thúc có thu nhận thêm một đệ tử nào không?

Tường Loan lắc đầu. Tuy hỏi câu đó, song Thiều Hoa đã biết ngay nàng vô lý, bởi, nàng thấy thiếu niên này công lực gấp bội sư phụ, vậy làm sao là đệ tử sư phụ được?

Khi Trưng Nhị nhảy lên đài, Thiều Hoa giật mình nhìn Nghiêm Sơn như hỏi chàng rằng thiếu nữ lên đài ôm Phương Dung xuống, tại sao lại ngồi ở chỗ phái Tản-viên? Rõ ràng tiểu sư đệ với Phương Dung giới thiệu nàng họ Đặng, đệ tử của sư thúc Đào Thế Hùng. Nay lại là người ngồi ở hàng ghế đầu phái Tản-viên, vậy nàng phải có võ công ngang với chưởng môn Đặng Thi Sách. Qua mấy chiêu Trưng Nhị sử dụng để cứu Phương Dung, Thiều Hoa nhận thấy võ công của nàng cao ngang với sự phụ nàng là Đào Thế Kiệt.

Nàng hỏi Tường Loan:

– Sư muội! Em có biết thiếu nữ áo xanh lên đài bồng Phương Dung xuống là ai không? Hôm trước, tiểu sư đệ với Phương Dung đã đi cùng nàng đến phủ Lĩnh-nam công chơi ít ngày. Tiểu sư đệ giới thiệu nàng là đệ tử của sư thúc Đào Thế Hùng.

Tường Loan lắc đầu:

– Sư tỷ! Chị bị tiểu sư đệ xí gạt rồi. Nàng đó là Trưng Nhị của phái Tản-viên đấy!

Tiếng tăm Tản-viên song phượng vang lừng thiên hạ về võ công, đạo đức, nhất là chủ trương phản Hán phục Việt, khắp Lĩnh Nam ai cũng biết. Thế mà khi nàng giả dạng nữ đệ tử của Thế Hùng vào phủ Lĩnh-nam công, Thiều Hoa là phu nhân Lĩnh-nam công lại không biết gì, thì thật rắc rối.

Ký ức giúp Thiều Hoa nhớ lại những cuộc đi chơi bất thường của Đào Kỳ, Phương Dung, Trưng Nhị. Nàng chắc ba người có liên quan đến việc xáo trộn Luy-lâu hồi đó như: Trộm vào phủ Thái-thú, hai người bí mật cứu Ngũ kiếm...

– Mình đáng chết thực. Thì ra tiểu sư đệ với Trưng Nhị đã mượn ngay phủ Lĩnh-nam công làm nơi trú ngụ hoạt động phản Hán phục Việt. Thực là bất lợi cho Nghiêm đại ca. Ừ! Tuy ta có lỗi với Nghiêm đại ca thực, nhưng, ngược lại, đối với Lĩnh-nam, đối với sư phụ, ta cũng có chút công.

Tô Định hướng vào Đào Kỳ, quát:

– Thiếu niên này, mi là ai? Tại sao lại can thiệp vào chuyện của phái Long-biên?

Đào Kỳ chỉ và Đức Tiết, Huyền Sương:

– Tô đại nhân hỏi tôi lên đài làm gì ư? Tôi được một người bề trên ủy thác tới đây để đòi hai người này món nợ.

Cả quảng trường đều cười ầm lên. Vì Hoàng Đức Tiết làm chủ đến ba trang lớn, dân đinh lên tới hàng vạn người. Y lại là một Huyện-úy, quyền cao chức trọng. Còn Mai Huyền Sương cũng là chủ hai ấp, chồng cũng là Huyện-úy giàu có. Bây giờ, một thiếu niên quần áo rách rưới như Đào Kỳ lại nhảy lên đài đòi nợ, ai cũng cho là chàng đùa.

Đức Tiết đã nếm mùi chưởng lực của chàng, đã có ý hơi e ngại:

– Thiếu niên này, nếu ngươi thiếu tiền tiêu, hãy ghé qua trang ấp của ta, ta hứa tặng ngươi ít nén vàng chi tiêu. Ngươi đừng bày trò đùa đòi nợ nữa, chỉ làm cho thiên hạ chê cười mà thôi.

Đào Kỳ hướng vào bốn phương:

– Thưa các anh hùng Lĩnh-Nam. Chúng tôi xin quý vị đáp cho một câu hỏi này: nếu có một đứa trẻ mồ côi nghèo khổ, được quý vị mang về nuôi nấng dạy dỗ như con đẻ, dạy võ công đạt tới bản lĩnh thiên hạ vô địch, vậy, đứa trẻ đó có phải đã nợ quý vị một món nợ lớn hay không?

Cử tọa im lặng. Nhưng hầu hết đều gật đầu.

Đào Kỳ vận khí vào đơn điền nói lớn:

– Thế rồi đứa trẻ mà quý vị nuôi nấng, dạy dỗ, lại vì chút vàng bạc của Thái-thú Tích Quang, đánh thuốc mê sư phụ. Giao sư phụ cho Thái-thú giam vào nhà kín, hàng đêm dùng cực hình tra khảo bắt khai hết bí quyết võ công của môn phái. Thế, món nợ đó có nên đòi không?

Những câu nói của chàng khiến cả quảng trường đều gật đầu, nhưng vẫn chưa hiểu chàng định nói ai. Còn Đức Tiết, Huyền Sương thì mặt mày tái mét, giọng run run:

– Ngươi... ngươi....

Đào Kỳ chỉ vào Tiết, Sương, nói lớn:

– Hai người này xuất thân là trẻ mồ côi, được lão tiên sinh Nguyễn Phan của phái Long-biên mang về nuôi nấng, dạy cho một bản lãnh vô địch. Thế rồi, một ngày kia, họ được tên ngụy quân tử, đại diện Tích Quang đến trao tặng mấy trăm lạng vàng, rồi hứa rằng, nếu bắt được Nguyễn Phan tiên sinh nạp cho y, y sẽ ban cho chức Huyện-úy nữa. Hai tên này bàn với tên Lê Nghĩa Nam. Chúng bỏ thuốc mê vào rượu cho sư phụ uống. Nguyễn tiên sinh bị trúng độc. Chúng bắt trói, nạp cho Thái-thú Tích Quang. Tích Quang gửi Nguyễn Phan tiên sinh cho một tên ma đầu giam giữ. Hàng đêm, ba tên phản đồ vào ngục tra tấn tiên sinh bằng những cực hình tàn độc, buộc tiên sinh phải khai ra 72 chiêu kiếm trấn môn và bài quyết biến hóa, nhưng Nguyễn tiên sinh đã không chịu khai. Chúng nhẫn tâm cắt gân chân tiên sinh. Tiên sinh hiện giờ phiêu bạt nơi đâu, tôi không rõ. Khi gặp nhau, tiên sinh dặn tôi rằng: Sau này nếu gặp ba tên phản đồ, hãy thay tiên sinh thanh lý môn hộ dùm. Hôm nay, trời có mắt, một tên đã đền tội. Còn hai tên này, quý vị hãy ngồi mà xem chúng trả nợ.

Đạo Sinh đứng lên chỉ vào mặt Đào Kỳ:

– Tên ăn mày dơ dáy kia! Hãy đi chỗ khác mà nói láo. Đây là chỗ đại hội anh hùng Lĩnh-Nam. Người không có tư cách đại diện cho ai để lên đây nói láo. Hãy xuống đài ngay!

Đào Kỳ cười gằn:

– Lê tiên sinh! Người được tôn là Lục trúc quân tử, tại sao lại không cho tôi lột mặt nạ những tên lừa thầy phản bạn? Đáng lẽ đây là việc của tiên sinh phải làm mới phải chứ? Hay là tiên sinh đồng phạm với bọn họ?

Có hai người từ dưới đài nhảy lên, hướng chưởng đánh vào hai bên Đào Kỳ. Đào Kỳ nhận ra hai người đó là Chu Bá với vợ là Lê-thị Hảo. Chàng lùi lại một bước, đẩy chưởng của Chu Bá hướng vào vợ y. Bùng một tiếng, chưởng của Chu Bá và Lê-thị Hảo đụng nhau. Cả hai đều lộn đi một vòng. Suýt nữa cả hai rơi xuống đài.

Đào Kỳ phát một lúc hai chưởng đánh Hoàng Đức Tiết và Tô Định, cử tọa đã sửng sốt, kinh ngạc. Bây giờ chàng dùng kình lực, đẩy chưởng của hai vợ chồng Chu Bá đánh vào nhau, họ càng thắc mắc hơn:

– Võ công này là võ công gì? Ta chưa từng thấy qua. Chu Bá và Lê-thị Hảo đâu phải người tầm thường? Sao bị đánh thua dễ dàng như vậy?

Đào Kỳ cười rộ:

– Đạo lý của Lục trúc quân tử là hai người đánh một chăng? Thực trên đời mới có một!

Chu Bá đưa mắt nhìn vợ, rồi cùng phát chiêu tấn công. Đức Tiết, Huyền Sương cũng rút kiếm nhảy vào. Quần hùng thấy chàng bị bốn đại cao thủ vây đánh, đồng thất kinh la lên.

Nguyễn Tam Trinh nói lớn:

– Phải cẩn thận.

Cao Cảnh Sơn đặt tám mũi tên vào cung, chờ đợi. Nếu thấy Đào Kỳ sơ xuất sẽ buông dây liền.

Đào Kỳ hú lên một tiếng dài, chàng vọt người lên cao như chiếc pháo thăng thiên. Bốn cao thủ đánh vào chỗ không. Huyền Sương, Đức Tiết hướng kiếm theo đâm hai chiêu thần tốc. Đào Kỳ ở trên cao, vận khí về Thủ dương minh kinh, phóng một chỉ bằng huyệt Thương-dương ở đầu ngón tay chỏ. Véo một tiếng chói tai. Hai thanh kiếm của Đức Tiết, Huyền Sương kêu lên hai tiếng choang, choang gẫy làm đôi, dư lực bay vọt lên cao, lấp lánh dưới ánh trăng. Tay trái chàng phát chưởng, đẩy chưởng Chu Bá vào Huyền Sương, chưởng của Lê Thị Hảo vào Hoàng Đức Tiết. Hai người vừa bị chưởng bay mất kiếm, lại bị chưởng lực đánh tới, họ vội nhảy vọt lên cao mới tránh khỏi.

Đào Kỳ đáp xuống đài, khoanh tay cười nhạt.

Lê Đạo Sinh hỏi Nghiêm Sơn:

– Quốc Công! Thiếu niên này vừa sử dụng võ công Quế lâm, vậy y có phải là người thân của Quốc công không?

Nguyên Đào Kỳ gần Nghiêm Sơn một thời gian, chàng thấy Nghiêm Sơn sử dụng võ công nhiều lần, nên trong lúc vội vã, tòng tâm sử dụng thế vọt người lên cao của phái Quế lâm.

Khi thấy chàng sử dụng thế này chính Nghiêm Sơn cũng ngạc nhiên:

– Thiếu niên này là ai? Sao lại biết sử dụng võ công nhà mình? Sao công lực của y lại hùng mạnh như vậy được?

Nghĩ rồi Nghiêm Sơn vội hỏi Đào Kỳ:

– Thiếu hiệp! Người thuộc võ phái nào?

Đào Kỳ sợ nói nhiều Nghiêm Sơn sẽ nhận ra chàng, chàng vẫn nín thinh. Bọn Huyền Sương, Chu Bá nháy nhau rồi cùng nhảy vào tấn công bốn phía.

Đào Kỳ suy nghĩ:

– Đã vậy, ta không sử dụng võ công của môn phái nào, xem tụi bay có tìm được chân tướng ta không?

Rồi chàng cứ len lỏi giữa bốn cao thủ, khi thì sử dụng võ Cửu-chân, khi thì của Long-biên, khi thì của Tản-viên. Đôi khi lại thêm vài chiêu của Sài-sơn, Hoa-lư. Có lúc chàng lại sử dụng Lĩnh-nam chỉ pháp do chàng với Khất đại phu chế ra.

Trên đài Lê Đạo Sinh nhìn Nghiêm Sơn ngụ ý hỏi xem chàng là người sống lâu năm ở Lĩnh Nam, có biết chân tướng của Đào Kỳ không. Chính Nghiêm Sơn cũng phải lắc đầu.

Các vị tôn sư cũng thấy võ công của bọn Huyền Sương, Đức Tiết, với vợ chồng Chu Bá cực kỳ tinh vi. Nhưng Đào Kỳ cứ như con cá trê trơn tuột, tránh né dễ dàng. Họ chỉ chỏ luận bàn, giảng giải từng chỗ lợi hại cho các đệ tử nghe, hầu học hỏi kinh nghiệm.

Được khoảng hai trăm hiệp, bỗng có một con lừa kéo một chiếc xe vào giữa quãng trường. Cử tọa đổ mắt nhìn xuống thì thấy một lão già râu tóc bạc phơ ngồi ở giữa xe. Người đánh xe là một thiếu nữ mặc áo lụa vàng, thắt giải khăn màu xanh.

Lão già đầu bạc hừ một tiếng rồi cùng, rồi cùng thiếu nữ phi thân lên đài. Cả hai cùng hô lớn :

– Ngừng tay!

Đào Kỳ vận sức đánh ra một chưởng Phục ngưu tên Ác ngưu nan độ quay vòng tròn, đẩy văng bốn cao thủ ra bốn phía. Rồi chàng nhảy lùi lại. Chàng nhận ra người vừa nhảy lên đài là lão già Nguyễn Phan mà chàng đã gặp trong nhà giam Thái-hà trang. Chàng buột miệng kêu lớn:

– Nguyễn Phan tiên sinh!

Nguyễn Phan chỉ thiếu nữ áo vàng nói:

– Đây là đệ tử mới của lão, tên là Phật Nguyệt.

Phật Nguyệt hướng vào Đào Kỳ hành lễ:

– Đào đại ca!

Đào Kỳ cũng đáp lễ:

– Không dám! Tiểu đệ xin ra mắt tỷ tỷ!

Quần hùng nghe Đào Kỳ kêu lên tiếng Nguyễn Phan tiên sinh thì đều im lặng, nghển cổ nhìn lão già đầu bạc. Họ thấy râu tóc lão bạc phơ, hai tay chống nạng, còn hai chân thì lủng lẳng ở giữa, tỏ ra lão què chân như Đào Kỳ nói hồi nãy. Đức Tiết, Huyền Sương khi nhìn thấy sư phụ, đều kinh hãi, lắp bắp:

– Mi... mi....

Trước đây mười năm, Nguyễn Phan là Thái-ơn bắc đẩu võ lâm, dù cho Lê Đạo-Sinh, Trần Đại Sinh, gì chăng nữa, cũng không chịu được quá ba mươi hiệp của ông. Ông từng du lịch sang Trung-nguyên. Đi đến đâu cũng mang tấm lòng từ ái cứu giúp người khốn cùng. Rồi bỗng nhiên thấy ông vắng bóng, và trong phái Long-biên xảy ra cuộc tranh dành ngôi chưởng môn giữa bốn huynh đệ bọn Lê Nghĩa Nam, Nguyễn Thuật, Lê Đức Tiết, Mai Huyền Sương. Cuối cùng Nguyễn Thuật giữ chức chưởng môn. Còn bọn Nghĩa Nam, Đức Tiết và chồng Mai Huyền Sương đều trở thành Huyện úy. Tiếp đến Nguyễn Thuật qua đời Nguyễn Trát kế vị. Cho đến hôm nay, xảy ra cuộc tranh dành. Phương Dung giết chết Nghĩa Nam, và một thiếu niên bịt mặt, võ công cao cường, lên đài đấu với bốn đại cao thủ, trên ba trăm hiệp mà vẫn chưa kém thế. Bãy giờ thấy Nguyễn Phan xuất hiện với đôi nạng, họ biết rằng lời Đào Kỳ tố cáo là đúng.

Huyền Sương Đức Tiết thấy sư phụ chống nạng không coi vào đâu. Hai người đưa mắt ra hiệu cho nhau, rồi cùng phóng kiếm đâm vào người lão.

Phật Nguyệt đứng ở cạnh mé đài. Nàng uốn cong người, vọt lên cao, chuyển động thân hình một cái, đã đứng ở bên cạnh lão. Ánh sáng lấp lánh, người tinh mắt thấy nàng rút kiếm, rồi tra kiếm vào vỏ rất nhanh. Hai thanh kiếm của Huyền Sương, Đức Tiết đã rơi xuống đài. Cổ tay hai người máu tuôn xối xả.

Quần hùng thấy chiêu kiếm của Phật Nguyệt thần tốc, quái dị giống hệt chiêu thức, kiếm pháp của Phương Dung, cùng kêu lên:

– Úi chà!

Nguyễn Phan chỉ Đức Tiết, Huyền Sương nói:

– Trước đây hai ngươi là trẻ mồ côi, ta đem về nuôi dạy, thương yêu như con. Thế mà, chỉ vì chút vàng và chức Huyện úy, mà các ngươi đã bắt ta đem nộp cho Thái thú Tích Quang giam giữ, tra khảo, cắt gân ta để ta thành tàn phế... mục đích đòi ta truyền thụ 72 chiêu kiếm trấn môn và bài quyết biến hóa.

Ông hướng vào quần hùng Lĩnh Nam tiếp:

– Các vị nghe đây! Kiếm pháp phái Long biên chúng tôi do Vạn-tín hầu Lý Thân sáng chế có 72 thức, mỗi thức có 36 chiêu. Biến hóa, cộng thành 5.184 chiêu. Trong bài quyết biến hóa dạy Tam hư thất thực, cổng thành 51.861 chiêu. Với kiếm pháp này, Vạn-tín hầu đã thắng hết mọi võ sĩ của Tần Thủy hoàng, đánh Hung nô, trở thành anh hùng vô địch. Trải qua 200 năm nay, chỉ có 2.592 chiêu dạy cho đệ tử mà thôi, còn biến hóa ra Tam hư thất thực thì chỉ người chưởng môn mới được biết. Điều này tạo ra cho người chưởng môn có uy quyền lớn, nhưng ngược lại, cũng dễ làm cho môn phái sụp đổ.

Ông thở dài tiếp:

– Như vừa rồi, Thái thú Tích Quang muốn lấy được bí quyết đó, đã bỏ vàng bạc, chức tước ra mau chuộc ba tên phản đồ, bắt giam lão phu. Suýt nữa lão phu đã chết trong ngục tối...

Ông ngừng lại chỉ Đào Kỳ:

– May lão phu gặp được bạn trẻ đây, lọt vào nhà tù cứu lão phu. Lão phu truyền bí quyết biến hóa và 72 chiêu kiếm trấn môn cho y. Nhờ y truyền lại cho hậu thế.Y đã làm đúng như lời lão phu, truyền lại cho con gái của Nguyễn Trát. Con gái Nguyễn Trát vừa hiển dương kiếm pháp, thì nào Tô Định, nào Lê Đạo Sinh, nào bọn phản đồ đều muốn tiêu diệt. Người ta bất chấp đạo lý dùng bốn cao thủ vây đánh một thiếu niên. Hỡi ơi! Võ đạo Lĩnh Nam đã cùng rồi!

Lão ngừng một lát nói tiếp:

– Để khỏi làm mất tinh hoa của Vạn tín hầu, để mọi người học được Long biên kiếm pháp, lão phu quyết định dạy kiếm pháp đó tại đây. Ai muốn học thì lắng nghe.

Ông nói câu này làm mấy nghìn người ngồi ở dưới đều ngóng cổ, im lặng nghe. Nguyễn Phan bảo Phật Nguyệt:

– Con biểu diễn thứ tự 72 thức kiếm căn bản trấn môn đi!

Phật Nguyệt đứng giứa đài biểu diễn từng chiêu một. Võ lâm thiên hạ trố mắt nhìn, vì sợ nếu lỡ chớp mắt sẽ mất một chiêu. Phật Nguyệt biễu diễn 72 thức rồi, Nguyễn Phan giảng:

– Mỗi thức có 36 biến hóa. Tại sao biến hóa tới 36? Đó là căn cứ vào Kinh Dịch với 8 quẻ: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Từ 8 đánh về sáu phương Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới, cộng thành 36. Tổng cộng là 2.592 chiêu.

Ông ngừng lại hỏi Mai Huyền Sương:

– Huyền Sương ngươi đã học được đến đây rồi phải không?

Dưới đài, nhóm Nguyễn Trát, Phan Đông Bảng, Trương Thủy Hải, Trương Đằng Giang cùng tự gật đầu, vì họ cũng đều học được những chiêu như trên.

Còn Mai Huyền Sương nghe đến đó, y thị cũng gật đầu.

Nguyễn Phan nói tiếp:

– Nhưng trong 2.592 chiêu đó phân làm âm dương, tổng cộng thành 5.184 chiêu. Trong mỗi chiêu phải có công, có thủ. Công là dương, thủ là âm. Muốn cho âm dương đều hòa cơ thể để khỏi mệt thì mỗi chiêu công hay thủ, chỉ mình biết mà thôi. Khi tấn công không vận lực đó là âm, là thủ. Khi tấn công vận lực đó là dương, là công.

Đức Tiết và Huyền Sương nghe tối đó như bừng tỉnh giấc, họ rút kiếm ra múa lên, đánh xuống, kiếm quang như mây bay, nước cuốn, khác hẳn với những chiêu kiếm cũ của họ. Phía khác, nhóm Nguyễn Trát, Đông Bảng cũng múa tương tự. Họ nghĩ: Chỉ mấy lời của Thái sư phụ, bằng họ luyện tập cả một đời.

Nguyễn Phan tiếp:

– Những phép biến hóa thì cứ ba chiêu hư, bảy chiêu thực, nên thành 15.552 chiêu hư và 36.309 chiêu thực. Tổng cộng là 51.861 chiêu.

Ông nói đến đâu thì đồ tử, đồ tôn múa kiếm đến đó. Còn người ngoài chẳng hiểu gì cả. Kiếm quang bay vù vù, liên miên bất tuyệt.

Ông tiếp:

– Kiếm biến hóa đã đành, nhưng làm sao cho thần tốc? Đó là vấn đề nội công. Phải học nội công. Sau đây là 90 câu quyết về nội công để biến hóa. Các ngươi cần ghi nhớ kỹ để nằm lòng:

Hư, hư, thực, thực thị chân truyền.

Thượng hạ chuyển luân, ý chí kiên.

Ninh, ninh, tĩnh, tĩnh,nhiên thị thắng.

Minh tầm nhật nguyệt hạc phi thiên.

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Tiếng ông giảng thao thao bất tuyệt về cách luyện nội công. Đám Đông Bảng, Nguyễn Trát ngớ ngẩn không hiểu. Riêng Đào Kỳ, Phương Dung thì hiểu rất rõ.

Nguyên 90 câu quyết này, ông đã truyền cho bọn Huyền Sương, Đức Tiết 20 câu đầu trong khi ông ở tù rồi. Bây giờ ông bỏ 20 câu đó, chỉ giảng đoạn sau, nên họ hiểu hết mà nhóm Nguyễn Trát lại không hiểu chi cả. Đành đứng ngây ra nghe.

Nguyễn Phan nói với Nguyễn Trát:

– Nguyễn Trát! Ta giảng những câu quyết này cho đệ tử của ta nghe mà thôi. Các ngươi là đồ tôn không hiểu gì đâu. Đừng có cưỡng nghe mà vô ích. Ngươi nhớ lấy.

Nguyễn Trát và Đông Bảng là những người quân tử, nghe Thái sư phụ nói vậy, thì tự biết mình không vận khí nữa. Còn đám Huyền Sương, Đức Tiết thì cho rằng sư phụ ưu ái bọn họ. Họ sung sướng ra mặt, vận khí, vung kiếm vèo vèo.

Nguyễn Phan nói tiếp:

– Minh tâm là gì? Là để lòng trong sáng, tức không suy nghĩ, ý, chí hợp nhất, đưa chân khí lên xuống lồng ngực rồi dẫn tới cổ.

Đào Kỳ nghe đến đó thì giật mình nghĩ:

– Ông cụ này lầm rồi. Lần trước ông bảo mình phân ra làm hai. Ý nghĩ một lối, kiếm chiêu một lối, đưa khí xuống chân. Nay ông giảng ngược lại là làm sao? Ông là đại cao nhân chắc có ý gì đây?

Đức Tiết, Huyền Sương chống kiếm, vận khí. Họ dẫn lên đến cổ thì tắc. Họ buông lỏng, vận lại, nhưng vẫn tắc.

Nguyễn Phan nói:

– Ý nghĩ đưa khí lên đầu, thì tụ khí sẽ rời khỏi cổ.

Hai người vội vận thử, khí bật lên đầu. Họ đồng la lên một tiếng khủng khiếp, té lăn xuống đải mắt trợn ngược, miệng méo xệch. Máu mồm, máu mũi tuôn ra xối xả.

Quần hùng Lĩnh nam giật mình, không ai hiểu gì hết. Nguyễn Phan nói:

– Ta đã nói rồi, luật lệ bản môn từ trước tới giờ, chỉ truyền 72 chiêu trấn môn và bài quyết biến hóa cho những người lòng dạ trong sáng mà thôi. Đâu phải ai cũng học được? Khi các người bắt giam ta, ta bảo không truyền cho các ngươi vì sẽ nguy hại vô cùng. Các ngươi không nghe còn cắt gân ta. Hôm nay trước mặt anh hùng thiên hạ, ta truyền cho các ngươi. Các ngươi tập rồi mua lấy kết quả này. Khí đưa lên đầu, mạch máu trên đầu sẽ đứt. Các ngươi sẽ đau đớn khôn cùng trong một thời gian bảy lần bảy là bốn mươi chín ngày, rồi miệng méo, bán thân bất toại. Trong thiên hạ, không còn ai chữa cho các ngươi được nữa.

Khi Nguyễn Phan nói câu này chỉ có ba người hiểu rằng ông nói dối. Thực ra ông đã dạy ngược để trừng phạt ba tên phản đồ. Ba người đó là Đào Kỳ, Phương Dung và Phật Nguyệt.

Đám đệ tử của Đức Tiết và Huyền Sương vội tới vực sư phụ về chỗ ngồi.

Nguyễn Phan hướng vào Đào Kỳ:

– Tiểu hữu! Ta muốn nhờ ngươi một việc nữa, được chăng? Trước kia, khi chưa bị chặt chân, lưỡi kiếm của ta có coi phường ngụy quân tử ra gì đâu? Bây giờ, chân ta hư rồi. Ta nhờ ngươi: Xin ngươi hãy dùng khí hạo nhiên đứng ra chủ trì công đạo, giết chết tên đệ nhất ma đầu hiện đại cho ta được chăng?

Quần hùng nhìn Nguyễn Phan chờ đợi, xem ông bảo ai là đệ nhất ma đầu? Người đó chắc phải ghê lắm.

Nguyễn Phan đưa mắt nhìn một lượt quanh khắp các khán đài, rồi chỉ vào Lê Đạo Sinh:

– Tên Lê Đạo Sinh là đệ nhất ma đầu hiện đại. Ngụy quân tử. Ngươi phải giết hắn để trừ hại cho Lĩnh Nam ta.

Khắp quãng trường đều im lặng không một tiếng động. Vì đối với võ lâm Lĩnh Nam, Lê Đạo Sinh là người đạo đức quân tử. Y là Thái thượng chưởng môn phái Tản viên, một phái người nhiều, thế mạnh. Chưởng môn hiện giờ là Đặng Thi Sách cùng vợ là Trưng Trắc thêm em vợ là Trưng Nhị vang danh thiên hạ về đạo đức, võ công. Nhất là phái Tản viên lúc nào cũng ấp ủ hoài bão Phản Hán, phục Việt. Lê Đạo Sinh có 10 đệ tử, đã có tới 5 người làm Huyện úy, kiêm cai quản 5 trang rất lớn. Còn 5 người nữa, người nào cũng cai quản hàng chục trang. Có thể nói một phần ba đất Giao chỉ thuộc về Lê rồi. Thế mà nay Nguyễn Phan lại nói y là đại ma đầu, hỏi ai không ngạc nhiên?

Lê Đạo Sinh thực không thẹn là cao nhân đương thời. Y bị Nguyễn Phan chửi như vậy, nhưng vẫn thản nhiên, hỏi:

– Nguyễn Phan tiên sinh! Tiên sinh là tiền bối, muốn mắng tại hạ thì mắng, muốn đánh thì đánh, việc gì phải bày ra chuyện này, e thiên hạ cười cho đấy!

Nguyễn Phan cười rung động cả quảng trường rồi nói:

– Ai bảo ngươi là một quân tử? Ta, ta bảo ngươi là một tên ngụy quân tử. Tại sao Thái thú Tích Quang lại giam ta ở trong nhà tù? Nhà tù đó lại ở trang Thái hà ? Ngươi trả lời đi?

Đào Kỳ chỉ Lê Đạo Sinh nói:

– Ngươi không chối được đâu. Để ta nói cho ngươi nghe. Trước thư phòng ngươi có ao sen. Dưới ao có đường hầm dẫn vào nhà tù. Ngươi có làm một cái chấn song. Nhưng ta đã dùng dao cắt một đốt chấn song ngầm, lặn qua, vào thám thính nhà tù. Lần thứ nhất, ta gặp đệ tử của ngươi là Đức Hiệp đi cùng với bọn phản đồ Lê Nghĩa Nam tra khảo Nguyễn Phan tiền bối. Khi Đức Hiệp ra về, ta chú ý theo dõi. Mỗi ngày y vào phòng lấy chìa khóa để mở cửa nhà tù, cho tù ăn. Ta thừa lúc y đi vắng, lẻn vào phòng, đem hai viên đất ấp vào chìa khóa tủ, làm thành cái khuôn. Ta đi Cổ loa nhờ thợ rèn làm chìa khóa theo đúng cái khuôn. Mấy hôm sau ta lại theo đường hầm vào nhà tù, mở cửa, gặp lão tiên sinh Nguyễn Phan. Lão tiên sinh nhờ ta học 72 chiêu kiếm trấn môn và bài kiếm quyết, để tìm người có tâm huyết truyền lại. ta đem truyền cho Nguyễn Phương Dung cô nương. Cho nên Nguyễn cô nương mới giết chết được Lê Nghĩa Nam.

Lời nói của Đào Kỳ làm Lê Đạo Sinh bừng tỉnh. Bấy giờ y mới hiểu những bí mật xảy ra trong trang của y.

Y vội hỏi:

– Thế kho tàng của ta, cũng do mi lấy phải không?

Đào Kỳ cười:

– Đúng! Ta dùng chìa khóa nhà tù tra vào ổ khóa kho tàng của ngươi, thấy gần vừa, ta gọt đi một chút thì mở được. Bao nhiêu vàng bạc, châu báu của ngươi ta lấy hết. Ta còn lấy cả cái búa của Tổ sư Sơn Tinh và thanh gươm của Hùng vương đi nữa.

Nói rồi chàng cởi cái bao trên lưng, vuốt một cái dây buộc đứt hết, lộ ra một thanh kiếm đen thui. Chàng dơ lên nói:

– Đây là thanh kiếm đó.

Rồi chàng lại lấy trong người ra, một cái búa rất đẹp, đưa ra:

– Đây! Búa đây! Ta ở trong trang ngươi làm bấy nhiêu việc, ngươi không biết, quả ngươi ngu thật. Ngươi đã biết ta là ai chưa? Đừng nóng. Lát nữa sẽ biết. Một đêm kia, ta đang rình nghe trộm ba tên phản đồ phái Long biên, đệ tử ngươi là Hoàng Đức phát giác ra. Y tấn công ta, nhưng bị ta đánh cho một chưởng suýt bỏ mạng.

Lê Đạo Sinh hỏi:

– Ta hỏi ngươi, ngươi là ai? Học võ ở đâu mà chỉ một chưởng đã làm cho Hoàng Đức thập tử nhất sinh?

Câu hỏi này của Lê Đạo Sinh, cũng là câu hỏi chung của anh hùng thiên hạ. Vì họ biết Hoàng Đức là cao đồ của Lê Đạo Sinh, võ công cực cao. Đào Kỳ làm thế nào đánh y bị thương dễ dàng như vậy?

Đào Kỳ cười gằn:

– Chưởng pháp ta đánh Hoàng Đức bị thương, chính là Phục ngưu thần chưởng của phái Tản viên.

Ngừng một lát chàng tiếp:

– Ta lần mò vào thăm tù, tình cờ cũng gặp được hai nhân vật cực kỳ quan trọng, cũng bị ngươi giam giữ, đó là Đặng Thi Kế và Nguyễn Thành Công tiên sinh.

Đào Kỳ nói đến đó đã làm rúng động khắp quần hùng, nhất là đám đệ tử Tản viên. Bởi vì họ biết trước đây Thi Kế và Nguyễn Thành Công là những người thân tín nhất của Lê Đạo Sinh. Sau đó mất tích. Không ngờ họ bị Đạo Sinh cầm tù.

Đào Kỳ tiếp:

– Ngươi khóa Thi Kế, Thành Công tiên sinh bằng những sợi xích kiên cố, đao kiếm chặt không được. Ta phải lần mò ăn cắp cây búa của Thánh Tản viên, hy vọng chặt được xích. Ta vào tù cứu họ. Ngươi đã cho các đệ tử Hoàng Đức, Đức Hiệp, Chu Bá và Lê Thị Hảo vây ta, còn tù nhân ngươi chuyển lên giam ở Luy lâu. Bị vây hãm ta bắt sống con gái của ngươi là Phương Lan để thoát thân. Thế nhưng, Phương Lan là phu nhân của thầy ta là Lục Mạnh Tân tiên sinh. Trọng thầy, nên ta để nàng trở về nhà mà không giết. Trong khi chiến đấu, ngươi thấy ta sử dụng võ công Cửu-chân, ngươi đã cho rằng ta là cao nhân phái Cửu-chân ẩn nấp trong trang ngươi. Ngươi giả vờ chiều đãi ta, vì ta là sư đệ của Lĩnh-nam công phu nhân. Thực ra ngươi đã dùng ta làm con mồi để đánh bẫy cao nhân phái Cửu-chân. Ngươi ngu quá, vì ngươi đâu biết rằng, cao nhân phái Cửu-chân đó chính là ta.

Đến đây Đào Kỳ lột khăn bịt mặt ra. Bấy giờ mọi người mới biết chàng là Đào Kỳ.

Thiều Hoa nhảy lên đài:

– Tiểu sư đệ! Thế ra em đấy à? Em ngoan lắm, em chưa chết. Trời ơi! Hơn năm qua, chị khóc hết nưốc mắt. Đã tưởng em chết rồi chứ!

Đào Kỳ chạy lại nắm lấy tay Thiều Hoa:

– Sư tỷ! Em ở ẩn trong trang được ít tháng, thì Lê Đạo Sinh cho em đi chơi với con gái Hoàng Đức là Minh Châu cô nương và cháu ngoại ông ta là Tường Quy. Lúc đầu em tưởng y là người có lòng tốt. Sau, em khám phá ra y dùng cháu ngoại để làm mồi giết em, em vội bỏ đi. Khi đi em đấu với Đức Hiệp một chưởng, y suýt mất mạng. Em ra Cổ-đại đánh bại bốn cao thủ của Tô thái thú, cứu dân Cổ-đại thoát khỏi Ngũ lệnh. Mọi chuyện sau này chị đều biết cả. Em ẩn thân ở Cổ-đại, chờ một đêm, bí mật vào nhà tù cứu Nguyễn Phan, Đặng Thi Kế và Nguyễn Thành Công tiên sinh ra. Nhưng em chỉ cứu được hai vị Đặng Thi Kế và Nguyễn Thành Công thôi, còn Nguyễn Phan tiên sinh thì do ngài Trần Khổng Chúng cứu ra.

Đào Kỳ quay lại nói với Nghiêm Sơn:

– Nghiêm đại ca! Đại ca có giận em không?

Khi chàng hỏi câu này, người ngoài không ai hiểu gì, chỉ trừ chàng Nghiêm Sơn và Thiều Hoa. Bây giờ Nghiêm Sơn mới biết rằng người đánh mình ba chưởng cứu Ngũ kiếm là cậu tiểu sư đệ của vợ mình. Chàng dở khóc, dở cười.

– Tiểu sư đệ ! Ngươi giỏi lắm. Ta mừng cho sư đệ, ta không giận ngươi đâu.

Lê Đạo Sinh nghe Đào Kỳ nói thì y chết điếng trong lòng. Y gượng hỏi:

– Nhưng tại sao ngươi lại biết võ công Tản viên nhà ta?

Đào Kỳ cười:

– Đó là do Phong châu song quái giúp ta. Khi ngươi mưu đồ cùng Thái-thú Nhâm Diên đánh Đào, Đinh trang, cửa nhà ta tan nát. Song quái theo dõi bọn ta. Y bắt cóc ta, trong lúc ta đang mượn cây gậy của Cao-cảnh hầu Cao Nỗ biễu diễn võ. Y mang cả gậy theo. Nào có ngờ đâu, sau này ta khám phá ra trong cây gậy có những tấm thẻ đồng, khắc tất cả nội công dương cương của phái Cửu-chân, Tản-viên, lẫn nội công âm nhu của Long-biên. Ta lấy ra luyện cả hai. Rồi ta học đủ 36 chưởng dương cương lẫn 36 chưởng âm nhu của Phục-ngưu thần chưởng. Chưởng ta đánh Đức Hiệp suýt bỏ mạng là một chưởng âm nhu trong Phục-ngưu thần chưởng. Chàng nói đến đó thì Nguyễn Phan đã được Phật Nguyệt rước về chỗ khán đài phái Long-biên ngồi. Trên đài chỉ còn chàng với vợ chồng Chu Bá.

Đặng Thi Sách từ khán đài Tản-viên, hỏi chàng:

– Đào tiểu hữu! Ngươi cứu phụ thân với sư thúc ta ra rồi, hiện ngươi để ở đâu? Có thể nào cho ta gặp được không?

Đào Kỳ chưa kịp nói thì có hai bóng người nhảy lên đài, nói:

– Chúng ta đã ở đây từ lâu rồi!
break
(Cao H) Không Xuống Được Giường
Ngôn tình Sắc, Sủng
Hắn Như Lửa
Ngôn tình Sắc, Sủng, Tổng Tài
Chị Gái Lầu Trên
Ngôn tình Sắc, Sủng, Tổng Tài
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc