Anh Hùng Bắc Cương

Chương 7: Tình Nghĩa Hồng-thiết

Trước Sau

break
Tình nghĩa Hồng-thiết -

Tự-An cười nhạt:

- Giữa phái Tản-viên với phái Đông-a có tình giao hảo từ lâu. Đỗ trưởng lão! Đúng ra, ta thấp hơn người một vai. Nhưng người không còn chức vị tôn sư phái Tản-viên nữa, ta không cần nể nang. Ta muốn lĩnh giáo mấy chiêu Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng của người. Nào mời.

Đỗ Xích-Thập đụng nhau một chưởng với Trần Tự-An, y thấy khó mà thắng nổi địch thủ. Y định tìm kế thoái thác, nhưng tự tin vào độc chưởng của mình. Y vỗ hai tay vào nhau:

- Tên nhà quê kia, mi có bản lĩnh gì thì dở ra. Ta há sợ hay sao?

Nói rồi y phát chiêu Ác ngưu nan độ của Phục-ngưu thần chưởng. Chưởng phong cực kỳ trầm trọng ụp xuống đài. Tự-An thản nhiên, lùi hai bước quay tròn tay một cái, đẩy chưởng của Xích-Thập lệch sang một bên. Vô tình chưởng đó hướng vào Đoàn Huy. Đoàn Huy thấy chưởng phong quái ác, ông đứng dậy, đẩy một chiêu vào giữa chưởng Xích-Thập. Bình một tiếng. Cả hai lảo đảo lui lại.

Bàn chung, bản lĩnh của Đoàn Huy đâu kém gì Xích-Thập? Thế mà một nhánh chưởng của y sao có thể đẩy lui ông? Nguyên sau khi bị Thanh-Mai thu hết công lực, ông đã luyện lại, nhưng mới chỉ được có ba thành. Vì vậy ông cảm thấy người choáng váng.

Tự-An biết Xích-Thập chỉ còn có mười hai chiêu Phục-ngưu thần chưởng. Ông tính:

- Sau khi đánh hết mười hai chiêu, thế nào y cũng xử dụng Nhật-hồ độc chưởng. Ta phải dĩ độc, trị độc.

Từ lúc vợ bị chết vì Chu-sa độc chưởng, Tự-An để hết tâm trí nghiên cứu cách khắc chế loại chưởng này, rồi dạy cho các sư đệ, cùng đệ tử, hầu gặp đệ tử Hồng-thiết giáo, còn có chỗ sở dụng. Không khó khăn, ông đã tìm ra trong lần Đỗ Lệ-Thanh tới trang Thiên-trường. Nội công phái Đông-a vốn phát xuất từ thiền công. Mà thiền công vốn phát xuất từ nhà Phật, nên việc hoá giải Hồng-thiết công một thứ công lực tà ma dễ dàng.

Bồ-tát Sùng-Phạm, Bố-Đại đều biết cách hoá giải Hồng-thiết độc công. Song các ngài vốn từ bi, hỷ xả, nên chỉ làm biến độc chất đi mà thôi. Còn Tự-An, ông là một đại hiệp. Đối với ông, kẻ xử dụng độc công hại mình, không có lý gì mình phải tử tế nhân nhượng với chúng. Cứ thẳng tay giết không tha. Vì vậy khi ông với Đỗ Lệ-Thanh cùng hợp tác nghiên cứu ra phép khắc chế Chu-sa độc chưởng.

Phương pháp khắc chế thực giản dị, đầu tiên chia công lực làm hai. Một phần hoá giải chất độc, một phần đẩy ngược lại đánh đối thủ. Vừa rồi Thanh-Mai thắng Nguyên-Hạnh bằng võ công này. Ngược lại Bảo-Hòa luyện nội công theo phép phối hợp âm-dương vào với kinh mạch. Nàng dùng Thủ tam dương kinh đẩy chất độc trở lại cơ thể địch. Còn Thủ tam âm bảo vệ cơ thể, hay thu chân khí của đối thủ. Nàng thắng Phạm Hổ nhờ biến cải phương pháp của Trần Tự-An đi cùng với phương pháp Bố-Đại dạy nàng.

Biết rõ chưởng lực Hồng-thiết giáo đánh ra, phạm vi chân khí phát rộng vô cùng. Tự-An nghiên cứu cách vận khí để Thủ tam dương kinh tấn công. Thủ tam âm kinh phòng ngự. Ông luyện đi, luyện lại thuần thục vô cùng. Bây giờ ông đem ra áp dụng.

Quả nhiên Xích-Thập đánh một chiêu chưởng phong rất rộng. Trong chưởng có mùi tanh hôi khủng khiếp. Tự-An thản nhiên vận khí ra cả thập nhị kinh hoá giải. Lục kinh âm như thành đồng vách sắt phòng ngự cơ thể. Lục kinh dương phản công. Xích-Thập tưởng chỉ cần với một chưởng đó, Tự-An sẽ bị chất độc nhập cơ thể, mấy khắc sau kình lực mất hết, đau đớn đến phải kêu cha gọi mẹ. Nào ngờ y thấy kình lực đánh ra gặp một thứ âm kình rất mềm cản lại. Xích-Thập nghĩ thầm:

- Thằng này ngu quá, dám ngang chiên chống Chu-sa độc chưởng. Chỉ mấy chiêu nữa, nó sẽ đau đến phải kêu cha, gọi mẹ cho biết tay.

Ý nghĩ vừa thoáng qua, y cảm thấy cánh tay nặng chĩu. Biết có sự bất ổn, y đánh liền mười chiêu. Cứ mỗi chiêu y đánh ra, Tự-An lại lùi một bước, khoanh chưởng đỡ. Tất cả các đại cao thủ dù chính, dù tà đều kinh hãi:

- Ông này võ công cao thì cao thực. Song đỡ mấy chục chiêu Chu-sa Nhật-Hồ độc chưởng, e nguy đến nơi.

Trong khi đó, Xích-Thập vẫn khoan thai tấn công từng chiêu Phục-ngưu thần chưởng, bằng Hồng-thiết công. Mùi tanh hôi nồng nặc khắp khán đài. Tự-An không hề đánh trả. Ông chỉ đỡ. Cứ mỗi khi hai chưởng gặp nhau, ông lại lùi một nước.

Khi Xích-Thập đánh đến chiêu thứ sáu mươi, độc chất tụ ở tay y lên đến độ tối đa. Tự-An nói lớn:

- Đỗ trưởng lão! Người đánh ta sáu mươi chưởng. Bây giờ ta đánh lại người sáu chưởng. Nếu sau sáu chưởng này, mà người không bại, ta cùng phái Đông-a nguyện theo Hồng-thiết giáo.

Quần hùng nghe Tự-An nói, họ đều kinh hãi. Vì với công lực Xích-Thập, thắng y không phải truyện dễ. Thế mà Tự-An hẹn chỉ trong sáu chiêu, thực là một canh bạc quá lớn.

Trên đài Tự-An quát lớn:

- Chiêu thứ nhất. Đỡ này.

Ông vận khí ra Thủ tam âm bảo vệ cơ thể. Còn Thủ tam dương, đẩy chất độc trở lại người y. Ông phát chiêu Phong ba hợp bích, binh một tiếng. Xích-Thập bật lui ba bước, mặt nhăn nhó, tỏ ra đau đớn vô cùng. Y cảm thấy như có ba mũi dao đâm vào phổi, vào tim, vào lồng ngực.

Tự-An cười:

- Chiêu thứ nhì! Đỡ này.

Ông xuất chiêu Đông-hải lưu phong. Xích-Thập xuất chiêu Ngưu tẩu như phi đỡ. Bình một tiếng. Y loạng choạng lui liền ba bước. Tự-An cười lớn:

- Chiêu thứ ba! Đỡ này!

Ông xuất chiêu Hải-phong cuồng nộ. Xích-Thập thấy chân tay nặng nề. Biết nguy rồi, nhưng y vẫn nghiến răng đỡ. Binh một tiếng, y lùi liền ba bước.

Tự-An vỗ hai tay vào nhau:

- Đỗ Xích-Thập. Mi chết rồi. Trong người mi hiện có con quỷ ẩn náu. Ta chả cần đánh con quỷ nữa.

Xích-Thập cảm thấy mắt hoa, đầu váng, chân tay hết lực, y lảo đảo ngã ngồi xuống. Y run rẩy như người bị bệnh sốt rét.

Dương Ẩn hỏi:

- Đỗ sư đệ! Cái gì vậy?

Xích-Thập không trả lời, mặt y tái xanh. Thình lình y ôm ngực kêu thét lên như con lợn bị chọc tiết.

Y móc trong bọc ra một bình nhỏ, mở nắp, lấy viên thuốc cho vào miệng nuốt đi, rồi nghiến răng ngồi vận công cho thuốc mau tan.

Cả quảng trường náo loạn lên. Vì người ta những tưởng Trần Tự-An bị trúng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng, tại sao ông không việc gì. Trái lại Đỗ Xích-Thập lại bị đau đớn cùng cực.

Từ xưa đến giờ, khi giáo chúng Nhật-Hồ cùng luyện độc công đấu với nhau, giữa kẻ thắng, người thua không đến nỗi mất mạng. Vì họ đã bị cấy độc tố đầy người trong khi luyện công rồi. Còn ngoại giả, bất cứ người nào đấu với họ, chỉ cần hai chưởng chạm nhẹ vào nhau, lập tức độc chất ngấm vào người, đau đớn đến chết đi sống lại trong bẩy lần bẩy bốn mươi chín ngày rồi kiệt sức mà chết. Trong trường hợp đó, nạn nhân chỉ có cách xin qui phục Hồng-thiết giáo, tuyệt đối trung thành, sẽ được phát thuốc giải mỗi năm một lần sau tiết Đông-chí. Nếu vì lý do nào, bị cắt thuốc giải, cũng vẫn đau đớn trong bốn mươi chín ngày rồi chết. Dù đã được phát thuốc giải, mỗi tháng cũng bị lên cơn trong một giờ. Bây giờ rõ ràng Xích-Thập uống thuốc giải, mà y vẫn đau đớn rên la khủng khiếp. Không ai hiểu ra sao cả.

Nhật-Hồ lão nhân hỏi Tự-An:

- À, không ngờ Côi-sơn đại hiệp cũng theo Hồng-thiết giáo đấy. Chu-sa độc chưởng của đại hiệp mạnh thực.

Trần Tự-An hướng vào Nhật-Hồ vái một vái:

- Giáo-chủ! Luật lệ của quí giáo định rằng: Nếu giáo chúng có tội, sẽ do chính giáo chủ trừng phạt. Giáo chúng dù bị tội nặng đến đâu, người ngoài cũng không thể đánh giết. Vị tiền bối này dùng độc công định hại tại hạ. Tại hạ tuyệt không có ý hại người. Nhưng phàm trong phép đấu nội lực. Công lực ai mạnh, người đó thắng. Công lực tại hạ mạnh hơn Đỗ trưởng lão, nên Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng chạy ngược trở về cơ thể người. Chứ phái Đông-a một danh môn chính phái, đâu có biết dùng độc công?

Đỗ Xích-Thập bò lại trước Nhật-Hồ lão nhân. Y run rẩy:

- Sư...ư...ư...phụ...ụ...ụ.

Hai hàm răng y cắn vào nhau kêu lập cập. Nhìn thảm cảnh Xích-Thập, hình ảnh mấy năm trước, vợ ông, Cao-huyền-Nga từng chịu đau đớn chết đi sống lại. Cho đến ngày thứ bốn mươi chín mới chết. Ông cho khâm liệm chôn cất. Nào ngờ, đó chẳng qua chỉ do kiệt lực ngất đi mà thôi. Rồi bọn Hồng-thiết cho uống thuốc tỉnh lại, dùng làm cây thuốc.

Nghĩ đến đó, ông đưa mắt nhìn tên Đặng Trường, lòng ngút lửa thù:

- Tên Đặng Trường tàng ẩn trong trang Thiên-trường bao năm, với ý đồ nắm lấy phái Đông-a. Y làm nhơ nhuốc vợ ta, cũng với mục đích làm bại hoại danh tiếng của ta. Hôm nay, ta phải nhân trước anh hùng thiên hạ, cho y chịu cái đau đớn này, mới hả mối căm hận.

Nhật-Hồ lão nhân thấy Xích-Thập uống thuốc rồi, mà cơn đau không giảm, lão kinh hoàng. Lão cầm tay y bắt mạch rồi hỏi:

- Đỗ trưởng lão. Người uống thuốc gì vậy?

Xích-Thập rên:

- Thuốc...giải...của bản giáo.

Dương Ẩn bắt mạch Xích-Thập rồi lắc đầu:

- Sư phụ. Đỗ sư đệ không bị trúng Chu-sa độc chưởng thông thường. Chu-sa độc do y phát ra, bị đẩy ngược lại bằng chân khí Đông-a. Nếu không trị mau, e mất tính mạng. Mong sư phụ dùng Hồng-thiết mật công hoá giải mới được.

Nhật-Hồ lão nhân hít một hơi, lão vận chân khí, tay trái vỗ sẽ lên đầu Xích-Thập. Xích-Thập rung động người một cái, rồi miệng hét be be. Người y nhảy chồm chồm lên như con ếch, chứng tỏ đau đớn cùng cực. Mắt y đỏ ngầu. Y nhảy lại vồ Nùng Dân-Phú, tôn sư bang Quảng-nguyên. Dân-Phú nhảy vọt ra xa tránh khỏi. Y lại vồ sư thái Tịnh-Huyền. Bà lạng người ra xa. Y đứng thẳng chỉ lên bàn thờ, miệng chửi:

- Thằng Đào-Kỳ, con Phương-Dung kia. Đầu hàng ngay. Ông nội mày là Phục-ba đai tướng quân đây!

Y phóng chưởng vào bàn thờ. Nhật-Hồ lão nhân thấy nếu để y đánh đổ bàn thờ, ắt Hồng-thiết giáo trở thành kẻ đại thù của dân Việt. Vì vậy lão xỉa tay, cắt ngang chưởng của Xích-Thập. Bộp một tiếng, Xích-Thập loạng choạng lui lại. Hai mắt y đỏ ngầu, miệng hét lên be be như con dê bị rượt.

Y lại phóng chưởng tấn công thiền sư Minh-Không. Thấy chưởng lực của y hùng mạnh quá, ngài phải đứng dậy, vận chưởng đỡ. Rầm một tiếng. Đài rung rinh. Minh-Không cảm thấy tay ê ẩm. Còn Xích-Thập bị bay tung xuống đài, ngay chỗ giáo chúng Hồng-thiết giáo.

Y gào gáy lên lanh lảnh, tay chụp một giáo đồ. Y tung giáo đồ lên cao, rồi phóng chưởng theo. Binh một tiếng. Tên giáo đồ vỡ làm nhiều mảnh, máu thịt bay tứ tung lên đầu đội thiết kỵ Hồng-thiết. Đám giáo chúng thấy vậy, bỏ chạy tứ tán.

Y chụp được một nữ giáo đồ. Tay y túm ngực cô gái, dơ lên cao. Ai cũng tưởng y sẽ vật chết cô gái khốn nạn. Không ngờ y lột quần áo cô trần truồng, rồi ghé miệng vào cổ cô cắn đứt nghiến một miếng, rồi hút máu, uống ừng ực.

Cô gái khốn nạn chết ngay tại chỗ.

Phạm Trạch nói với Nhật-Hồ:

- Sư phụ. Xin sư phụ cứu lục sư huynh.

Nhật-Hồ lão lắc đầu:

- Hãy đợi xem sao đã. Y chưa chết ngay đâu.

Xích-Thập uống máu cô gái rồi liệng xác cô ra xa. Miệng y đỏ lòm, trông giống như một con quỷ. Y nhảy đến khán đài phái Sài-sơn, tay chụp Lê Thiếu-Mai. Nhưng tay y chưa chạm vào người nàng, đã bị một chưởng rất hùng hậu đánh vào sau gáy. Nếu y không thu tay về đỡ, đầu y sẽ vỡ nát ra.

Xích-Thập tuy điên loạn, nhưng võ công chưa mất. Y nhảy vọt lên cao tránh thế chưởng quái dị. Ở trên cao, y phóng xuống đầu người kia một chưởng. Người kia xỉa tay một cái. Thân hình Xích-Thập vọt ra xa. Người kia chạy theo, đánh nhẹ một chưởng, y bay lên lễ đài, ngay trước mặt Nhật-Hồ lão nhân.

Mọi người kinh ngạc, nhìn xem ai, mà lại có võ công cao đến như vậy? Thì ra Hồng-Sơn đại phu. Quần hùng vỗ tay vang dội.

Hồng-Sơn đại phu búng tay liền bốn cái. Bốn viên thuốc mầu đỏ, to bằng hạt nhãn bay đến người Xích-Thập. Hai viên trúng hai đầu gối, hai viên trúng cùi chỏ. Lập tức bốn viên thuốc tan thành bột. Một đám bụi mầu đỏ bao trùm người y. Y hét lên một tiếng, ngã ngồi xuống, chân tay không cử động được. Phút chốc y nhắm mắt ngủ.

Đám đệ tử của Xích-Thập lên đài bồng y xuống.

Minh-Không thiền sư chắp tay hướng Hồng-Sơn đại phu:

- Đa-di-đà Phật. Mừng đại phu đã chế được thứ thuốc thần diệu. Bần tăng kính thỉnh tên thuốc đó là gì vậy?

Hồng-Sơn đại phu chắp tay đáp lễ:

- Đa tạ đại sư quá khen. Tại hạ đặt tên cho nó là Ma-túy hoàn. Phàm người thường, dù đau đớn đến đâu, chỉ cần dùng hai viên ắt tê đến ba giờ. Còn trường hợp Đỗ trưởng lão, công lực quá cao, phái dùng đến bốn viên.

Từ khán đài Hồng-thiết giáo, hai người bịt mặt nhảy lên đài. Một người chỉ vào mặt Trần Tự-An:

- Tên khốn kiếp kia. Mi hại một trưởng lão của chúng ta như vậy, có khác gì mi bôi tro trát trấu vào mặt Hồng-thiết giáo. Ta phải giết mi để phục thù.

Nói rồi y phát chiêu tấn công Tự-An. Chiêu của y chưa phát hết, mà quần hùng muốn ngộp thở. Ầm một tiếng. Cả hai người đều bật lui lại. Tự-An cảm thấy cánh tay tê dại, tai ù đi. Ông quát lên:

- Mi là ai?

Phạm Trạch la lên:

- Đại ca! Tứ đệ! Hai vị đến hồi nào vậy?

Người bịt mặt cười nhạt:

- Ta đến đã lâu rồi.

Nghe Phạm Trạch kêu, quần hùng trấn động tinh thần, cùng trố mắt nhìn. Vì từ hơn ba mươi năm nay, họ từng nghe Hồng-thiết giáo có mười trưởng lão, võ công cao siêu không biết đâu mà lường. Nhưng những trưởng lão này khi ẩn, khi hiện, không ai biết rõ mặt mũi ra sao. Tuy có nghe nói đến tên cùng hành tung cực kỳ tàn ác của họ. Người ta còn thêm thắt, nghi ngờ rằng các trưởng lão không phải ai đâu xa lạ, mà chính những đại tôn sư, chưởng môn các phái.

Tuy vậy, trong mười trưởng lão, người ta cũng biết mặt được ba người. Nguyễn Chí, trước đây làm tướng thời Thập-nhị sứ quân, cực kỳ tàn ác. Phạm Trạch, một ma đầu khét tiếng vì y thích ăn bào thai chưng thuốc Bắc, giết người không gớm tay. Lê Đức, một Nho-sinh học giỏi, đọc sách nhiều.

Từ lúc vào đại hội, nảy ra tôn sư phái Mê-linh chính làm trưởng lão thứ mười, tên Hoàng Liên, rồi tôn sư phái Tản-viên làm trưởng lão thứ sáu tên Đỗ Xích-Thập. Toàn những điều ngoài sức tưởng tượng của quần hùng. Sau chính Nhật-Hồ lão nhân xác nhận đạo sư Dương Ẩn, đại tôn sư phái Sài-sơn là Lê Ba. Mà Lê Ba nức tiếng gian manh, ác độc có một không hai của võ lâm. Y có tật, khi trông thấy bất cứ phụ nữ nào, dù bà già tám mươi, dù thiếu nữ mười tuổi, y nổi hứng lên, phải bắt hiếp ngay trước mặt chồng con. Hiếp xong y giết chết.

Mới đây Bảo-Hòa trong lớp áo thiếu nữ Hồng-thiết giáo, đánh bại Phạm Hổ. Một tên hái hoa đại đạo. Y gian dâm hãm hiếp không biết bao nhiêu phụ nữ trong vùng kinh đô Trường-yên hai mươi năm trước. Từ ngày kinh đô dời ra Thăng-long, y lại tiếp tục. Trong dân gian, hàng tháng đều có những mệnh phụ phu nhân, tiểu thư bị mất tích. Người ta nghi y bắt cóc, song không biết mặt mũi y ra sao. Không ngờ y xuất hiện nguyên hình Trịnh Hồ, một người hào hoa phong nhã. Một đại Mạnh-Thường-Quân của đế đô Thăng-long.

Từ lúc đại hội, họ thấy một trưởng lão bịt mặt. Trong khi Hồng-thiết giáo còn ba trưởng lão chưa xuất hiện. Vậy người bịt mặt có thể là Vũ Nhất-Trụ, Đặng Trường hay Hoàng Văn?

Bây giờ xuất hiện thêm hai người bịt mặt mới, Phạm Trạch gọi một người bằng đại ca, tứ đệ. Đại ca ắt hẳn Vũ Nhất-Trụ. Tứ đệ chắc là Hoàng Văn. Như vậy còn người bịt mặt kia tên Đặng Trường.

Nhất-Trụ, Hoàng Văn vẫy tay, lập tức bọn Dương Ẩn, Phạm Trạch, Nguyễn Chí, Lê Đức, Đặng Trường, bẩy người đứng vây xung quanh Tự-An trong tư thế chuẩn bị ăn tươi nuốt sống ông. Tự-An hiên ngang:

- Bẩy trưởng lão Hồng-thiết giáo định dùng số đông thắng ta ư? Được, lại đây, lại đây. Ta há sợ bọn người sao.

Nói rồi ông hít hơi, vận khí đẩy một chưởng vào Nhất-Trụ. Nhất-Trụ tung chưởng đỡ. Thấy chưởng Nhất-Trụ mạnh kinh người ông đẩy xéo chưởng của y vào người Lê Ba. Lê Ba bị lãnh hai luồng cuồng phong. Y nhảy vọt lên cao, đánh một chưởng vào giữa chưởng hai người. Tự-An chuyển chưởng vào Phạm Trạch. Trạch kinh hoảng phóng chưởng đỡ. Thế là chưởng bốn đại cao thủ gặp nhau, bùng một tiếng, đài rung rinh như sắp đổ.

Thiên trường tứ kiệt cùng bay lên đài, đứng cạnh Tự-An. Trong tư thế sẵn sàng đối chọi với bọn Hồng-thiết.

Thấy cảnh hỗn độn sắp diễn ra, Nhật-Hồ lão nhân quát lớn:

- Khoan!

Bẩy trưởng lão Hồng-thiết lui lại thủ thế. Thiên-trường ngũ kiệt dàn hàng ngang, trong tư thế cực kỳ uy mãnh.

Nhật-Hồ nghĩ rất nhanh:

- Bọn Đông-a mạnh nhất võ lâm Đại-Việt. Vừa rồi Tự-An diệt tên Xích-Thập cho mình, điều mình mong ước. Mình thà mất hết bẩy trưởng lão, chứ không thể để mất phái Đông-a.

Nghĩ vậy, lão hướng vào Tự-An:

- Xin Côi-sơn đại hiệp miễn chấp. Đây chẳng qua có sự hiểu lầm mà thôi.

Dương Ẩn hướng vào Nhật-Hồ lão nhân:

- Giáo-chủ. Giáo chủ là chúa tể bản giáo, nỡ để cho người ngoài làm nhục giáo đồ như vậy mà không có phản ứng. Bây giờ các vị sư huynh, sư đệ phải đứng ra trả hận, còn gì thể diện bản giáo nữa?

Nhật-Hồ cười nhạt:

- Từ xưa đến nay, võ lâm Đại-Việt có phái chủ trương hoà hoãn với Trung-quốc. Có phái chủ trương chống Trung-quốc. Phái nào cũng bị một vài người làm gian tế cho họ. Riêng bản giáo với phái Đông-a, trước sau như một, đều chống Trung-quốc. Bản giáo chủ trương phải xoá bỏ mọi vết tích Trung-quốc, cùng tiêu diệt bọn người Hoa kiều ngụ ở Đại-Việt. Ngược lại phái Đông-a lại coi trọng văn hoá Trung-quốc, cổ động người Hoa, người Việt sống chung. Nhưng nếu Trung-quốc đem quân xâm lăng, phải dùng mọi khả năng chống trả. Hoá cho nên bản giáo với phái Đông-a đều được dân chúng theo đông. Nay trong bản phái nảy sinh ra cái quái thai Hoàng Liên, đã bị ta xử tử. Còn tên Xích-Thập này, ta không giết, để cho người khác giết dùm cũng thế.

Dương Ẩn đưa con mắt căm hờn nhìn Nhật-Hồ:

- Giáo chủ! Hôm qua giáo chủ đã thề độc rằng chúng ta quên hết thù hận quá khứ để trùng hưng bản giáo. Thế mà bản giáo có mười trưởng lão. Thập sư muội bị giáo chủ cho rắn ăn thịt, để tỏ ra sư phụ có oai trước mặt mọi người. Cửu sư đệ Phạm Hổ bị người ta giết trước mặt anh hùng. Mà sư phụ không một lời bênh vực, lại còn cho rắn ăn thịt. Bây giờ lục sư đệ bị phái Đông-a đánh cho hoá điên. Sư phụ không chịu dùng Hồng-thiết tâm pháp cứu trị. Nay chúng tôi chỉ còn có bẩy người, cả gan xin giáo chủ trị cho lục sư đệ.

Cách đây mấy giờ, Nhật-Hồ lão nhân định giết Đỗ Xích-Thập, bị bọn trưởng lão cùng lên đài bao vây áp lực. Đúng ra với bản lĩnh độc công của lão, lão có coi bọn trưởng lão ra gì? Nhưng lão nghĩ rằng, mình ở tù bấy lâu nay, tình hình trong giáo, lão không biết gì. Không những thế, hầu hết giáo chúng đâu biết lão là ai. Nếu xẩy ra cuộc động thủ, giáo đồ của các trưởng lão sẽ bênh sư phụ chúng. Như vậy lão hoá ra trắng tay. Cho nên lão phải nhượng bộ.

Trải qua một thời gian ngắn trong buổi lễ, sau khi lão đánh bại thủ tọa Đạt-Ma đường phái Thiếu-lâm dễ dàng, các đại tôn sư, các chưởng môn nhân cũng như giáo đồ đều khâm phục lão. Ban nãy bọn Phạm Trạch hô hào quần hào tôn lão lên làm Vua, gần như không ai phản đối, khiến lão tự tin một phần nào. Trong thâm tâm lão, việc khống chế một đại cao thủ, rồi cho làm trưởng lão thực không khó. Khi thấy Phạm Hổ chết, lão càng khoan khoái trong lòng. Cho dù tất cả bọn trưởng lão chết đi, mà lão được lên làm Vua, lão cũng hả dạ. Lão nghĩ:

- Mình được anh hùng kính trọng, dân chúng theo đông đảo, vì chủ trương chống Tầu, giữ nước. Thế mà trong hội đồng giáo vụ trung ương lại có tên Xích-Thập, còn ai tin tưởng nữa. Nay y giao đấu với Tự-An, mà bị trúng độc. Ta cầu mà không được, ta trị cho y làm gì?

Vì vậy lão trả lời Dương Ẩn:

- Ta không thể, và không bao giờ dùng Hồng-thiết thần công trị độc công cho tên phản giáo. Dù ta trị, chưa chắc có kết quả. Người nên biết rằng thần công bản giáo chỉ trị được Chu-sa độc chưởng cùng tất cả độc chất khác. Đây Xích-Thập bị người ta đẩy ngược độc chất vào người bằng nội lực Đông-a, nên ta không thể làm gì hơn.

Dương Ẩn hướng vào giáo chúng Hồng-thiết. Y vận nội lực nói lớn:

- Thưa các vị huynh đệ. Bản giáo thành lập với mục đích cứu dân khỏi loạn Thập-nhị sứ quân. Sau đó thiết lập một nước lấy Hồng-thiết kinh làm căn bản, tạo hạnh phúc cho dân. Từ ngày ấy đến giờ, anh em bản giáo tử đạo có hàng mấy chục vạn. Thế nhưng giáo chủ tự coi mình như một ông Vua, hơn thế nữa một ông trời. Như anh em thấy, giáo chủ giết trưởng lão Hoàng Liên thê thảm biết chừng nào. Rồi mới đây, trưởng lão Phạm Hổ vô tội, bị người ta đánh cho chết. Giáo chủ không bênh vực, còn cho rắn ăn thịt. Bây giờ đến Đỗ trưởng lão, giáo chủ tước hết giáo đồ của người, đem cho phái Tản-viên. Cuối cùng Đỗ trưởng lão bị trúng độc, giáo chủ buông tay không chữa.

Y chỉ vào Hồng-Sơn đại phu:

- Nhục nhã cho chúng ta, phải nhờ đến Hồng-Sơn đại phu làm cho Đỗ trưởng lão mê đi, tránh khỏi cơn đau.

Y lớn tiếng, dõng dạc:

- Hồng-thiết độc công của Hồng-thiết giáo vốn giản dị. Sau khi trúng độc, uống thuốc giải thì khỏi. Mỗi năm uống thuốc giải một lần cũng đủ. Còn trường hợp được dùng Hồng-thiết tâm pháp trị, khỏi vĩnh viễn. Theo luật lệ Hồng-thiết giáo Tây-dương, bất cứ trưởng lão nào cũng được học Hồng-thiết tâm pháp. Thế nhưng giáo chủ sửa đổi đi. Người không truyền thần công đó cho bất cứ ai. Lại nữa công thức thuốc cũng đổi. Ai bị trúng độc tuy uống thuốc giải, mà mỗi tháng lên cơn một lần, đau

đớn vô cùng cực.

Y chỉ vào bọn trưởng lão:

- Hồi nãy giáo chủ hứa rằng, sẽ truyền Hồng-thiết tâm pháp cho chúng ta, cùng trị dứt đau khổ cho các giáo vụ trưởng từ cấp huyện trở đi. Bây giờ giáo chủ nuốt lời.

Nhật-Hồ cười nhạt:

- Lê-Ba, mi định phản ta ư? Điều này không dễ đâu.

Đặng Trường, Lê Đức, Hoàng Văn đứng bên Lê Ba. Đặng Trường chắp tay vào nhau:

- Sư phụ! Giáo-chủ. Xin giáo chủ chữa cho Đỗ trưởng lão. Bằng không e tan nát hết cả.

Sự thực Nhật-Hồ đã dùng bàn tay để lên huyệt Bách-hội Đỗ Xích-Thập hút chất độc trong người y. Nhưng không kết quả, ngược lại y còn đau đớn đến điên loạn. Nguyên do chất độc trong người Đỗ Xích-Thập không do ăn uống, thở hít hay do Chu-sa độc chưởng truyền vào, mà do nội công phái Đông-a đẩy ngược lại. Nội công phái Đông-a xuất phát từ thiền công nhà Phật. Nội lực phái Đông-a có Phật-tính, pha lẫn với học thuyết âm dương, ngũ hành của Lão-giáo. Thành ra khi nhập người Xích-Thập, giữa Phật-tính, Tiên-tính với ma tính Hồng-thiết xung chiến chạy hỗn loạn. Cho nên y mới đau đớn như vậy.

Nhật-Hồ vốn người xảo quyệt. Xảo quyệt bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Lão biết rằng nếu nói thẳng ra rằng mình trị cho Xích-Thập, không kết quả, ắt giáo chúng còn coi lão ra gì nữa? Đằng nào Xích-Thập cũng chết. Chi bằng cứ nói rằng lão khoanh tay không trị cho y, để thu phục nhân tâm quần hùng rằng: Dù người có công lao như các trưởng lão, mà phản dân, lão cũng trừ khử. Vì vậy lão lắc đầu, nói lớn:

- Ta không trị cho tên gian tế của Tống. Một khi y nhẫn tâm đem bọn chó Ngô sang đất Việt giết người Việt, tàn phá giang sơn đẹp như gấm của tổ tiên, hỏi y còn trung thành với ai?

Quần hùng vỗ tay vang dội, hết tràng này, đến tràng khác. Phái Đông-a vỗ tay lâu nhất, to nhất. Tự-Mai, Tôn-Đản, Hà-thiện-Lãm, Lê-thuận-Tông từ dưới đài nhảy lên. Chúng nó ôm lấy lão, nhấc bổng lên. Bốn đứa khoanh tay thành kiệu, rước lão đi quanh đài. Dàn nhạc Hồng-thiết giáo cử bản nhạc hùng tráng nhịp nhàng.

Nhật-Hồ lão nhân ngồi trên kiệu của bốn thiếu niên. Lão sướng quá tiếp:

- Tên Xích-Thập này, về võ công, leo lên tột đỉnh của một danh môn chính phái. Trong bản giáo tới trưởng lão. Như vậy y theo Tống ắt không phải vì công danh. Y lại giầu có súc tích. Chắc y làm gian tế cho Tống không phải vì tiền bạc. Vậy y bán nước với mục đích gì? Câu trả lời duy nhất y điên khùng. Giết đi một tên điên khùng mãi quốc, dù ai giết cũng đáng kính cả. Huống hồ Côi-sơn đại hiệp.

Trong khi Nhật-Hồ nói, Vũ Nhất-Trụ, Phạm Trạch, Nguyễn Chí đi cạnh kiệu rước Nhật-Hồ, với chủ ý tỏ lòng trung thành với lão. Lê-Ba cười nhạt:

- Như vậy rõ ràng giáo chủ phụ chúng tôi, chứ không phải chúng tôi phụ giáo chủ. Ba anh em chúng tôi đành tách ra khỏi quyền của giáo chủ, thiết lập một Hồng-thiết giáo mới.

Y chỉ cờ vào một đoàn giáo chúng:

- Các người gốc đệ tử của đệ thập trưởng lão Hoàng Liên. Các người có biết rằng giáo chủ giết sư phụ người, rồi sẽ có ngày giết các người không? Những ai theo ta, lập một Hồng-thiết giáo mới hãy đứng sang bên phải. Còn nếu các người theo giáo chủ cứ đứng im.

Gần phân nửa số giáo chúng chạy sang phải. Lê Ba tiếp:

- Trưởng lão Đỗ Xích-Thập, Phạm Hổ bị giáo chủ hại, thân bại danh liệt. Vậy những ai còn trung thành với các vị đó, nên đứng sang bên phải, để lập tân giáo.

Một số ít đứng sang bên phải.

Cứ như thế, Dương Ẩn hô hào đệ tử y, đệ tử Đặng Trường, Lê Đức. Cuối cùng cũng chỉ được có non nửa. Nhật-Hồ lão nhân cười nhạt:

- Các đệ tử nghe đây. Tên Dương Ẩn phản giáo, mưu làm giáo chủ. Phàm muốn làm giáo chủ phải hội đủ ba điều kiện. Một, võ công cao nhất bản giáo. Hai, phải học được Hồng-thiết tâm pháp, hoá giải chất độc cho đệ tử. Ba, phải được hội đồng giáo vụ trung ương tín nhiệm. Đây võ công y không thể hơn Nhất-Trụ. Y lại không biết Hồng-thiết tâm pháp. Ba, y không được tín nhiệm của hội đồng giáo vụ trung ương. Vậy ai theo y, ta sẽ để cho đau đớn đến chết. Ai theo ta, ta sẽ dùng Hồng-thiết tâm pháp hoá giải chất độc cho.

Đám đệ tử chạy sang phải, lại chạy trở về chỗ cũ.

Phạm Trạch rống lên như con trâu:

- Đặng Trường, Lê Ba, Hoàng Văn, Lê Đức. Các người phải quỳ gối tạ lỗi với giáo chủ ngay. Bằng không, chúng ta phải giết các người.

Lê Ba suy nghĩ:

- Tên Phạm Trạch nói không sai. Nếu xẩy ra động thủ, nguyên Phạm Trạch, Nguyễn Chí đấu ngang tay với ta và Đặng Trường. Còn Hoàng Văn với Lê Đức, địch sao lại lão già kia, với Nhất-Trụ?

Y chưa kịp có phản ứng, thình lình Nhật-Hồ lão nhân lạng người đi một cái, tay phải lão chụp Lê Đức. Tay trái lão cầm viên thuốc vỗ lên đầu y một cái. Chân tay y tê liệt. Lê Ba xỉa hai tay vào mắt lão cứu bạn. Nhưng không kịp. Lão đã ném Lê Đức xuống sàn đài.

Bốn đứa trẻ kiệu Nhật-Hồ nhảy khỏi đài.

Đúng ra, bản lĩnh Lê Đức đâu đến nỗi để lão bắt dễ dàng như vậy? Một là vì Lê Đức không chú ý. Hai là vì lão ra tay như sét nổ, quá mau, nên y không phản ứng kịp.

Dưới đài Tự-Mai hỏi Thanh-Mai:

- Tại sao mình lại thả tên Nhất-Trụ với Hoàng Văn ra?

- Tên Hoàng-Văn, ta muốn giết lúc nào cũng được, không ai thắc mắc gì. Còn tên Vũ Nhất-Trụ tức Đàm Can, địa vị y rất lớn. Y vừa vai quốc cữu, vừa làm đại công thần trong triều. Các võ quan trấn thủ ở ngoài, mười người, có đến sáu do y đào tạo. Vì vậy bây giờ đem lột mặt nạ y ra, bảo y là Vũ Nhất-Trụ, e hoàng-đế cũng không tin. Vì vậy cần làm cách nào giả đệ tử của y, cứu y ra. Chắc chắn thế nào y cũng đến đây cùng Nhật-Hồ tính tội tên Lê Ba. Sau đó bắt y tại trận. Bấy giờ y không còn chối vào đâu được nữa.

Tự-Mai gật đầu:

- Vấn đề phức tạp thực.

Trên đài Nhất-Trụ nói với Lê Ba:

- Bất cứ giá nào, chúng ta cũng phải đoàn kết. Ngày hôm nay dành ngôi vua về cho sư phụ. Sư phụ qui tiên, anh em chúng ta sẽ cử người khác thay thế.

Nghe Nhất-Trụ nói vậy, Nhật-Hồ lão nhân nghĩ thầm:

- Nếu ta chết đi, đương nhiên Nhất-Trụ thay thế. Bây giờ ta gỉa phong cho Lê Ba làm phó giáo chủ, để y với Nhất-Trụ giết nhau.

Nhật-Hồ nói với Lê Ba:

- Lê-Ba! Nếu người muốn truất phế ta, để lên làm giáo chủ cũng dễ thôi. Người hãy dùng võ công thắng ta, rồi thắng luôn các trưởng lão. Còn như người không thể làm được việc đó, người mau đầu hàng. Ta sẽ phong người làm phó giáo chủ. Ta đã già rồi, cái chết ngay trước mắt. Ta chết đương nhiên người trở thành giáo chủ. Còn như người chống ta, ta e cái chết khó tránh.

Lê Ba còn lạ gì Nhật-Hồ. Y biết lão nói thế để chia rẽ y với Nhất-Trụ, Đặng Trường. Y hướng vào quần hùng:

- Thưa các vị! Bần đạo vốn xuất thân tử phái Sài-sơn. Bản phái do Phù-đổng Thiên-vương lập ra. Đời đời võ đạo lấy việc tạo hạnh phúc cho dân làm lẽ chính. Nhân thấy Hồng-thiết giáo du nhập vào Đại-Việt có nhiều chủ trương cải cách dân sinh, đi đến thiết lập một một nước giầu, dân hạnh phúc. Cho nên bần đạo âm thầm nhập giáo.

Y ngừng lại chỉ tay vào Nhật-Hồ lão nhân:

- Từ khi bản giáo khai môn đến giờ, có hàng trăm vạn giáo chúng hy sinh, nên mới có địa vị ngày nay. Nào ngờ giáo chủ tự cho mình thành thần, thành thánh, coi tính mệnh giáo chúng như sâu như kiến. Bần đạo nhiều phen khuyên răn, lão nhân gia không những không hối cải, lại còn đi xa hơn nữa trong việc chém giết giáo đồ. Cho nên, hai mươi năm trước đây, bần đạo đem lão nhân gia giam vào hầm tối. Sau hai mươi năm, nhân ngày sinh nhật lão nhân gia, bần đạo thả người ra, để cùng anh em xây dựng lại bản giáo. Không ngờ tuổi tuy đã một trăm, mà lão nhân gia bồng bột như con trẻ, nghe lời tố gian, muốn giết hết anh em bản giáo, để đổi lấy được phái Đông-a trợ giúp lên làm vua. Thực không còn trời đất nào nữa.

Y nói thực lớn:

- Cho nên hôm nay đây, anh em bần đạo quyết cho lão nhân gia về hưu, để bầu một giáo chủ mới.

Y nói với Nhất-Trụ:

- Đại ca! Đại ca thử nghĩ xem, lão nhân gia tuổi hạc đã cao, nên lui về nghỉ ngơi. Ngôi giáo chủ, nhường lại cho đại ca mới đúng.

Nhất-Trụ cười nhạt:

- Lê Ba! Sư đệ đừng hòng ly gián ta với sư phụ. Dù thế nào chăng nữa, ta vẫn trung thành với người.

Y quay lại hỏi Bảo-Hòa:

- Trần cô nương. Cô nương mới được phong làm trưởng lão thứ chín của bản giáo. Cô nương phải tỏ lòng trung thành với giáo chủ chứ?

Mọi diễn biến xẩy ra, Bảo-Hòa đều im lặng. Nhiều lúc nàng muốn nhảy lên đài tranh phong với bọn trưởng lão Hồng-thiết giáo. Nhưng biến chuyển dồn dập, ngoài sự tiên đoán của nàng, nàng đành ngồi im chờ lệnh Khai-Quốc vương.

Nàng nghĩ:

- Trên nguyên tắc ta làm trưởng lão của Hồng-thiết giáo. Theo như kế hoạch của võ lâm Đại-Việt, có ba trận đấu giữa đôi bên. Sư bá Tự-An đã thắng trận đầu. Chỉ cần thắng một trận nữa, coi như giải quyết xong. Nhưng bây giờ Hồng-thiết giáo chia hai. Có lẽ mình nên theo phe Nhật-Hồ, diệt phe Lê Ba, như vậy ít ra Hồng-thiết giáo mất thêm ba trưởng lão nữa. Rút cục chỉ còn ba tên, tiêu diệt chúng dễ dàng.

Bây giờ nghe Vũ Nhất-Trụ hỏi, nàng định ứng lời y, bỗng nghe tiếng Thanh-Mai dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai:

- Bảo-Hòa! Cự tuyệt với Vũ Nhất-Trụ, theo phe Lê Ba. Như vậy lực lượng y mới mạnh. Y thêm can đảm chống Nhật-Hồ. Bằng không y thoái lui mất.

Bảo-Hoà đứng dậy bước lên đài. Nàng chắp tay hành lễ:

- Giáo chủ! Tuổi giáo chủ đã cao. Uy quyền quá nhiều rồi. Giáo chủ nên rút lui đi là vừa. Tiểu nữ đề nghị giáo chủ tìm lấy trong các vị trưởng lão, người nào có uy tín, truyền ngôi cho. Rồi giáo chủ lui về qui ẩn, tiêu dao tự tại, sống như tiên chẳng thú lắm ư?

Nhật-Hồ lão nhân nhìn Bảo-Hòa với con mắt toé lửa. Trong thâm tâm lão nhân cứ nghĩ Bảo-Hòa là Trần Quỳnh-Hoa, con gái của lão. Cho nên lão giúp cho Bảo-Hòa trở thành trưởng lão. Bây giờ giữa lúc lão tranh phong với Lê Ba con gái lão lại về hùa với địch nhân.

Trong khi đó Lê Ba thấy Bảo-Hoà theo phe mình, lại tưởng rằng Trần Quỳnh-Hoa là con gái y, đương nhiên theo y. Như vậy y được thêm đám giáo chúng của Hoàng Liên, Xích-Thập, thêm phái Tản-viên. Y nói với Nhất-Trụ:

- Sư huynh! Người nên khuyên sư phụ lui về qui ẩn là hơn. Vạn nhất xẩy ra tranh chấp trong bản giáo, e tan nát hết cả.

Nhất-Trụ hỏi Ngô Bách-Vân:

- Ngô sư muội! Sư muội vẫn trung thành với sư phụ chứ?

Ngô Bách-Vân chắp tay:

- Đại sư huynh. Tiểu muội nghĩ sư phụ nên về nghỉ ngơi cũng phải. Ngôi giáo chủ phải truyền cho sư huynh mới đúng luật lệ bản giáo.

Người ngoài nghe Bách-Vân nói, đều tưởng y thị thân Vũ Nhất-Trụ. Sự thực từ khi Nhật-Hồ bị giam, y thị theo hẳn về phe Lê Ba. Y thị tuy miệng tôn Vũ Nhất-Trụ, nhưng thực ra hại y.

Vũ Nhất-Trụ tức Đàm Can còn lạ gì Lê Ba, Bách-Vân nữa. Bây giờ nếu Nhật-Hồ rút lui, người thừa kế đương nhiên phải Lê Ba. Vì trong Hồng-thiết giáo, Nhất-Trụ có uy tín bậc nhất, nhưng y chưa hề xuất hiện công khai. Trước đây, thời Lê Ngoạ-Triều, y làm hữu thân vệ điện tiền chỉ huy sứ, đứng sau Lý Công-Uẩn làm Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ có một bậc. Chính y là một trong bốn người: Vạn-Hạnh, Thân Thiệu-Anh, Đào Cam-Mộc, Đàm Can chủ xướng đưa Lý Công-Uẩn lên ngôi vua tức Thuận-thiên hoàng-đế. Khi Thuận-Thiên hoàng-đế lên ngôi vua, phong sư phụ làm Quốc-sư. Gả công chúa An-Quốc cho Đào Cam-Mộc, phong tước Trung-nghiã hầu. Phong Thân Thiệu-Anh làm Phò-mã, tổng trấn 207 khê động Bắc-biên.

Đối với Đàm Can, ngài vẫn dùng tình bạn trong việc giao tế hàng ngày. Ngài phong y tới Thái-sư, tả bộc xạ, đồng bình chương sự, Khu-mật viện sứ, đô-nguyên soái. Hơn nữa, ngài thu nạp con gái Đàm Can tên Đàm Thụy-Châu làm Tây-cung quý phi. Con trưởng Đàm Can, tuy tài không lấy gì làm xuất sắc, ngài cũng phong làm An-vũ sứ trấn Thanh-Hoá.

Như vậy một nhà hưởng phú quý vinh hoa. Nhưng trước kia y từng làm một trưởng lão Hồng-thiết giáo. Thời Thập-nhị sứ quân, tuy tuổi còn trẻ, mà y tỏ ra sắt máu khủng khiếp. Sau khi Thập-nhị sứ quân bị vua Đinh dẹp, y ẩn thân một thời gian, rồi đầu quân chống Tống. Y lập được chiến công. Từ đó y lên đến tột đỉnh trong hàng võ quan thời Lê.

Y nảy ra ý định muốn lên làm Vua. Một phía trong bóng tối, y dùng Hồng-thiết giáo diệt những đối thủ trong triều. Một phía y cố tỏ ra sắt máu, tàn sát người Hoa, để không ai nghi ngờ y theo Tống, rồi y bí mật cử người sang qui phục triều Tống. Y gặp may mắn. Thời bấy giờ Lưu thái hậu đang cầm quyền bên Tống, bị bang Nhật-Hồ Trung-quốc dùng độc chưởng khống chế. Y ra tay giết chết một cao thủ bang này, rồi cấp thuốc giải cho Lưu thái-hậu. Nhân đó, y được gần Lưu thái-hậu. Y hiến Lưu thái-hậu dùng cây thuốc để giữ nhan sắc. Vì vậy triều Tống tin tưởng y.

Sứ đoàn Triệu Thành sang Đại-Việt, Lưu thái hậu dặn dò phải lễ độ với Đàm Can, để được giúp đỡ. Cho nên bọn Triệu-Thành đối với Đỗ-xích-Thập, Nguyên-Hạnh, Hoàng Liên, Nùng Dân-Phú, coi như những người thuộc quyền. Mà đối xử với đám họ Đàm cực kỳ trọng vọng.

Y định đánh thuốc độc giết Thuận-Thiên hoàng-đế. Nhưng trước khi đánh thuốc độc giết ngài, y cần loại trừ các đối thủ. Hầu lúc ngài băng hà, ngôi vua về con trai Tây-cung quý phi. Y đương nhiên trở thành phụ chính đại thần, rồi cướp ngôi.

Đàm Can thành công trong việc đưa Hoàng Văn làm gia bộc cho Khai-Thiên vương, bắt giam Vương-phi làm cây thuốc, hầu sau này làm nhục Vương. Vương sẽ không còn được chỉ định nối ngôi vua. Y sai bắt giam Vương-phi Đông-Chinh vương tên Chu Vân-Nga cũng cùng mục đích. Đối thủ lợi hại nhất của y là Dực-Thánh vương, em trai Thuận-Thiên hoàng-đế, y lại không sợ. Vì vương thường liên lạc với các sứ đoàn, hầu tìm lấy trợ lực. Tất cả thư tín, liên lạc với Tống, Lưu thái hậu cho y biết hết. Khi gặp đúng lúc, y chỉ việc trưng ra bằng cớ, Vương trở thành tội nhân, khó tránh khỏi hoạ sát thân. Chỉ còn Khai-Quốc vương với Vũ-Đức vương, y chưa tìm ra được cách khống chế.

Gần đây Khai-Quốc vương uy trấn Hoa-Việt, y đành khoanh tay chờ đợi thời cơ. Đối với Vũ-Đức vương, tính tình bồng bột, y không coi vào đâu.

Vì những lý do đó, muôn ngàn lần Nhất-Trụ không dám xuất hiện, để mọi người biết y chính Đàm Can. Cũng vì vậy y phải trung thành với Nhật-Hồ lão nhân vì hai lý do. Một là y chờ lão chết. Khi lão chết y là đại đệ tử, đương nhiên kế vị lão lên làm giáo chủ. Chứ bây giờ lão rút về qui ẩn, người thừa kế không ai khác hơn Lê Ba. Hai là y sợ lão cho mọi người biết Đàm Can, Nhất-Trụ cùng một, ắt y mất tất cả.

Còn Đặng Trường tuy đóng vai nhị đệ tử của Nhật-Hồ lão nhân. Nếu lão qui ẩn, y cũng không thể kế vị làm giáo chủ. Vì y ẩn thân trong phái Đông-a, bắt Cao Huyền-Nga làm cây thuốc, gây ra mối hận kinh thiên động địa với phái này. Cuối cùng chỉ còn mình Lê Ba có thể kế ngôi giáo chủ.

Hóa cho nên Lê Ba rủ Nhất-Trụ chống Nhật-Hồ, đời nào y chịu?

Lê Ba tính nhẩm:

- Muốn cho Nhật-Hồ lão nhân rút lui, mình phải diệt chân tay y cùng tên Nhất-Trụ này mới được.

Nghĩ vậy y tiến tới gần Nhật-Hồ lão nhân:

- Sư phụ. Được, đệ tử thuận qui phục sư phụ để làm phó giáo chủ.

Thình lình y dùng một thế hổ trảo chụp Nhất-Trụ. Y ra tay như sét nổ, Nhất-Trụ kinh hoàng bật lui lại, nhưng kình lực của Lê Ba làm bay chiếc khăn che mặt y. Đắc thế rồi, Lê Ba nhảy lui lại. Y nói lớn:

- Đại ca, mong đại ca bỏ khăn ra cho quần hùng biết rõ đại ca một chút.

Quần hùng thấy mặt Đàm Can, cùng kinh ngạc kêu lên:

- Đàm quốc cữu.

Thuận-Thiên hoàng-đế kinh hoàng đến ngơ ngẩn cả người. Ngài hỏi Nhất-Trụ:

- Đàm quốc cữu! Người sao lại thành Vũ Nhất-Trụ ư?

Đàm Can lạnh lùng:

- Đúng thế. Bệ hạ ngạc nhiên ư? Thần đã làm trưởng lão Hồng-thiết giáo trước khi làm tướng cho vua Lê đánh Tống ở Chi-lăng. Tuy thần làm trưởng lão Hồng-thiết giáo, nhưng vẫn một dạ trung thành với triều đình.

Y chỉ mặt Lê Ba:

- Mi ra tay ám toán ta, hôm nay mi phải cùng ta một mất một còn.

Nói rồi Nhất-Trụ vung chưởng tấn công Lê Ba. Chưởng của y cực kỳ hùng hậu. Lê Ba cười nhạt vung tay đỡ. Ầm một tiếng, lễ đài rung rinh như sắp đổ xuống.

Nhật-Hồ bảo Phạm Trạch:

- Người hãy bắt tên Hoàng Văn mở mặt nạ ra cho chúng nhân biết y là ai.

Phạm Trạch lạng mình một cái, y dùng một thế ưng trảo chụp vào mặt Hoàng Văn. Hoàng Văn trầm người tránh khỏi. Y tung một chưởng vào ngực Phạm Trạch. Phạm Trach nhảy lui lại, đẩy ra một chưởng đỡ. Binh một tiếng, chưởng phong đánh bay khăn che mặt Hoàng Văn thành từng mảnh như bươm bướm lượn khắp đài.

Quần hùng lại một phen la hoảng, vì y chính là Trương Yêm, một lão già ôn nhu văn nhã, không vợ, không con, làm quản gia trong phủ Khai-Thiên vương. Tuy làm quản gia, nhưng gần như y đóng vai cố vấn của vương. Võ công y rất cao. Y lại giao du rất thân với võ lâm. Vì vậy ai cũng biết mặt y. Bây giờ y thành Hoàng Văn, một trưởng lão của Hồng-thiết giáo, giết người không gớm tay.

Nhật-Hồ lão nhân hô lớn:

- Ngừng tay.

Nhất-Trụ, Lê Ba, Hoàng Văn, Phạm Trạch cùng thu chưởng nhảy lùi lại. Đúng lúc đó Nhật-Hồ lão nhân vọt lên cao, tung ra một chưởng. Chưởng phong bao trùm bốn người. Cả bốn người rùng mình, rồi lảo đảo ngã xuống.

Dưới đài, Thanh-Mai hỏi Đỗ Lệ-Thanh:

- Đỗ phu nhân! Cái gì vậy?

Đỗ Lệ-Thanh thở dài:

- Nhật-Hồ lão nhân thấy rằng muốn khống chế Lê Ba, Hoàng Văn thực không phải dễ. Nếu để bốn trưởng lão giao chiến, ít nhất chết mất hai. Vì vậy lão hô ngừng tay. Giữa lúc mọi người thu chưởng về, lão tung độc dược ra. Bốn người bị chính chưởng lực của mình đem chất độc về thân thể. Lão thành công.

Nhật-Hồ lão nhân tiến đến bên Vũ Nhất-Trụ, Phạm Trạch. Lão vung tay một cái, hai viên thuốc bay ra trúng vào huyệt Bách-hội hai người. Hai người rùng mình, rồi đứng dậy:

- Đa tạ sư phụ.

Nhật-Hồ lão nhân bảo Đặng Trường:

- Mi có lột khăn bịt mặt ra hay phải đợi ta?

Đặng Trường còn chần chờ, Nhật-Hồ lão nhân vung tay phóng ra một chưởng. Đặng Trường lùi lại chuyển tay đỡ. Bình một tiếng. Y thoái lui liền bốn bước. Khí huyết trong người y đảo lộn.

Nhật-Hồ lão nhân cười nhạt:

- Ta mới vận có năm thành công lực.

Nói rồi lão vận khí, phóng một chưởng nữa. Đặng Trường biết chưởng này rất mãnh liệt. Y vận đủ mười thành công lực đỡ. Bình một tiếng. Y bật lui liền bốn bước. Đúng lúc đó Nhật-Hồ lão nhân tung ra một đám phấn trắng. Đặng Trường hít phải, người y lảo đảo, ngã ngồi xuống cạnh Lê Ba.

Đệ tử phái Đông-a đều đã biết vụ Đặng Trường ẩn trong phái, bị Trần Kiệt bắt trao cho Khu-mật viện. Cho nên họ thấy mặt thực của y, đều thản nhiên như không.

Nhất-Trụ, Phạm Trạch xách bọn Xích-Thập, Lê Đức để cạnh Lê Ba, Đặng Trường, Hoàng Văn. Y hướng vào đám đệ tử Hồng-thiết giáo nói lớn:

- Năm tên này phản giáo, đã bị giáo chủ bắt sống. Ai làm tội, người ấy chịu. Giáo chúng thuộc nhóm trưởng lão phản giáo đều vô tội.

Năm trưởng lão Hồng-thiết giáo cùng bị trúng độc. Mỗi người bị trúng một cách khác nhau. Nhưng họ cùng giống nhau một điểm là đau đớn cùng cực, chân tay run rẩy, miệng la hét như người điên.

Nhật-Hồ vẫy tay gọi Ngô Bách-Vân:

- Bách-Vân, mi đến đây!

Bách-Vân run run:

- Đệ tử nguyện theo sư phụ.

Nhật-Hồ búng tay một cái, viên thuốc mầu đỏ trúng giữa trán Bách-Vân. Y thị choáng váng, ngã ngồi xuống cạnh Lê Ba.

Nhất-Trụ hỏi Bảo-Hòa:

- Trần cô nương. Cô nương mới được phong trưởng lão. Cô nương có qui phục giáo chủ hay để chúng ta phải ra tay?

Trong tâm Nhật-Hồ nghĩ rằng Bảo-Hòa là con lão, lão mở cho nàng một con đường sống:

- Trần trưởng lão. Nếu người có thể chống được với một trong các trưởng lão bậc trên một trăm chưởng, ta sẽ tha tội phản giáo cho người.

Bảo-Hòa cười nhạt:

- Không biết trưởng lão nào giáo huấn người sư muội này đây?

Phạm Trạch bước ra:

- Ta xin lĩnh giáo cao chiêu của sư muội.

Phạm Trạch định phát chiêu bỗng y nghe tiếng Nhật-Hồ dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai:

- Phạm trưởng lão! Tuyệt đối không được đả thương vị tiểu cô nương này. Chỉ đấu cầm chừng thôi.

Phạm Trạch nghe Nhật-Hồ lão nhân ra lệnh. Y vung tay đánh một chiêu về phía hông Bảo-Hòa. Bảo-Hòa mỉm cười phát chiêu Thanh ngưu qui gia phản công. Bình một tiếng. Phạm Trạch loạng choạng lui lại. Quảng trường bật lên những tiếng la kinh ngạc. Vì ai cũng biết võ công y cực kỳ cao siêu.

Từ chiêu Thanh-ngưu qui gia, Bảo-Hòa chuyển sang chiêu Ngưu thực ư dã. Trong mười chiêu đầu, nàng có vẻ yếu thế. Sang chiêu thứ mười một, nàng bắt đầu chiếm được thượng phong. Cứ mỗi chiêu nàng đánh ra, Phạm Trạch phải lui lại một nước.

Lúc đầu, Phạm Trạch không giám vận hết công lực, vì Nhật-Hồ lão nhân dặn y không được đả thương nàng. Bây giờ dù y cố gắng, cũng không chạm đến vạt áo nàng được, chứ đừng nói đả thương. Bản lĩnh Phạm Trạch không kém Đỗ Xích-Thập làm bao. Vì vậy Bảo-Hòa chưa đàn áp nổi y.

Phạm Trạch càng đấu, càng yếu thế. Y nghĩ thầm:

- Hay Nhật-Hồ lão nhân muốn hại ta như Phạm Hổ? Ta phải cẩn thận mới được, bằng không e táng mạng hôm nay không chừng.

Nghĩ vậy không nhân nhượng nữa, y vận Hồng-thiết công. Chưởng phong đánh ra, có mùi tanh hôi khủng khiếp. Bảo-Hoà ứng phó rất nhanh, nàng biến chưởng thành chỉ. Lĩnh-Nam chỉ rít lên vo vo, xuyên thủng chưởng của Phạm Trạch.

Phạm Trạch nhớ lại cuộc đấu giữa Bảo-Hòa với Đỗ Xích-Thập. Xích-Thập dùng bất cứ vũ khí nào, cũng bị Lĩnh-Nam chỉ đánh gẫy. Nhưng xử dụng Lĩnh-Nam chỉ tiêu hao rất nhiều công lực. Y nghĩ thầm:

- Đã vậy ta cứ dằng dai, cho con nhỏ này kiệt lực rồi ra tay giết chết. Nghe Lê Ba nói, y theo học với Hồng-thiết Tây-dương giáo chủ, mà sao không thấy y thị dùng độc chưởng?

Bảo-Hòa thấy Phạm Trạch đánh cầm chừng , nàng hiểu ngay chủ ý của y, nhưng không biết làm sao đối phó. Chợt có tiếng Trần Tự-An dùng Lăng-không truyền ngữ nói vào tai:

- Cháu Bảo-Hòa. Cháu vận chân khí ra sáu kinh âm để hộ vệ cơ thể. Sau đó dùng Thủ-dương-minh đại trường kinh phát Lĩnh-Nam chỉ tấn công y.

Bảo-Hòa tỉnh ngộ. Nàng chửi thầm:

- Mình đáng chết thực. Hôm đến Thiên-trường, Trần sư bá cùng Đỗ Lệ-Thanh phát minh ra phương pháp chống Chu-sa Nhật-hồ chưởng, rồi dạy cho Thanh-Mai, Mỹ-Linh với mình. Ban nãy Trần sư bá dùng phương pháp đó thắng Xích-Thập. Thanh-Mai thắng Nguyên-Hạnh. Tại sao mình không dùng để thắng tên Phạm-Trạch này.

Nghĩ đến đâu, chân khí tòng tâm phát ra. Khí sáu kinh âm bao phủ khắp cơ thể. Trong khi đó, nàng dẫn khí về Đốc-mạch đưa lên huyệt Đại-trùy rồi đưa vào Thủ-dương-minh đại trường kinh phát ra ở huyệt Thương-dương rít lên vo vo.

Trong khi đó, chưởng của Phạm-Trạch vẫn phát ra đều đều. Lĩnh-Nam chỉ xuyên vào giữa chưởng của y, đem theo độc khí trúng vào ngực y đến bộp một tiếng. Y đau đớn, nhăn nhó, chỉ thứ nhì xuyện thủng chưởng của y trúng vào vai y. Y loạng choạng lui lại.

Sau khi trúng hai chỉ, y nhảy nhót tránh né, không để bị thọ thương nữa. Khoảng nhai dập miếng trầu, y cảm thấy vai tê, ngực nặng chĩu, đau đớn vô cùng. Bất giác y bật lên tiếng ái. Chân tay mất hết lực, y ngã ngồi xuống, toàn thân run lẩy bẩy.

Nhật-Hồ lão nhân mỉm cười:

- Trần cô nương xuất thân đệ tử của giáo chủ Hồng-thiết Tây-dương có khác. Độc chưởng của cô nương lợi hại thực.

Bảo-Hòa bị Khai-Quốc vương bắt phải đóng vai Trần Quỳnh-Hoa, chứ nàng nào có biết độc chưởng gì đâu? Sở dĩ Phạm Trạch ra nông nỗi ấy, vì nàng áp dụng phương pháp của Trần Tự-An đẩy chất độc ngược lại người của Phạm Trạch.

Nhật-Hồ lão nhân đến trước Phạm Trạch. Lão vận Hồng-thiết công, vung tay vỗ lên đầu y, để giải Chu-sa Nhật-Hồ độc chưởng. Sau khi lão vỗ xong, Phạm Trạch hét lên như con lợn bị thọc huyết, rồi lăn lộn trên đài.

Quần hùng nhìn Phạm Trạch, thấy tình trạng y giống Xích-Thập, đều tự hỏi:

- Tại sao Trần Quỳnh-Hoa lại biết xử dụng phương pháp của phái Đông-a?

Nhật-Hồ lão nhân là một đại tôn sư võ học, kinh nghiệm có thừa. Từ lúc Bảo-Hòa xuất hiện, lão đã có nhiều nghi vấn. Tại sao nàng mới từ Tây-dương trở về, lại phải mang mặt nạ? Tại sao nàng sang Tây-dương từ nhỏ, làm thế nào nàng có thể xử dụng Phục-ngưu thần chưởng, Lĩnh-Nam chỉ pháp tới chỗ cực kỳ tinh diệu? Tại sao nàng không biết gì về Chu-sa độc chưởng. Cho nên chưởng phong của nàng phát ra không có mùi hôi tanh. Bây giờ nàng lại xử dụng phương pháp của Trần Tự-An đẩy chất độc trở lại người Phạm Trạch?

Lão nghĩ thầm:

- Không biết con nhỏ này lý lịch ra sao? Không chừng ta lọt vào cạm bẫy của Khu-mật viện Đại-Việt cũng nên.
break
Tập truyện: Nam Nhân Là Để Cưỡi (NP, Cao H)
Ngôn tình Sắc, Sủng, Cổ Đại, Cao H
Bà Chủ Trọ Muốn Được Yêu
Ngôn tình Sắc, Đô Thị
Thiếu Niên Có Đôi Mắt Kỳ Lạ Và Thứ Nữ Hầu Phủ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Cổ Đại
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc