Hình Khải thản nhiên nằm xuống, chế nhạo nói: “Trời đang mưa, giày đang bị bán phế liệu… ha ha!”
Hình Dục nghe xong, vội vã quay người chạy ra khỏi cửa.
Hình Khải lại ra ngoài ban công ngó xuống xem kịch vui, chỉ thấy Hình Dục đội mưa, lúc thì ngồi xổm trong vườn lật tìm trong thùng giấy, lúc thì lại kéo xem dưới đế chậu hoa. Những hạt mưa lớn như xuyên thấu vào cơ thể cô, còn cô chạy khắp nơi như một kẻ điên.
Hình Khải chưa bao giờ thấy cô có tâm trạng kích động như thế, cô đã mất đi vẻ bình thản thường ngày, chỉ còn là một cô bé mười lăm, mười sáu tuổi, bị mất thứ đồ mà mình yêu quý nhất, tiếng khóc thảm thiết đó khiến trái tim Hình Khải nhức nhối, dần dần, nụ cười trên môi anh tắt lịm.
Anh chạy xuống tầng, túm lấy chiếc ô để cạnh cửa, nhưng càng cuống thì càng không thể bật được ô ra. Hình Khải vừa nghiến răng vừa giậm chân, đội mưa chạy đến bên cạnh Hình Dục, cầm cổ tay cô kéo kéo, Hình Dục ngồi bệt xuống sân cỏ đầy bùn nước, ngẩn ngơ bất động.
Hình Khải lau nước mưa trên mặt, sững lại một giây, anh hoàn toàn không có ý định ép Hình Dục phát điên, nhưng cô lúc này, cũng sắp phát điên rồi.
“Cô vào nhà trước đi, tôi đi tìm.” Anh vừa khom người định đỡ cô dậy, Hình Dục lại vừa đá vừa giằng ra.
“Anh cứ nói anh vứt ở đâu, em tự đi tìm.” Hình Dục cứ nghĩ đến cảnh đôi giày trắng đang nằm ở một xó xỉnh bẩn thỉu nào đó, là lại muốn bùng nổ.
Hình Khải thấy cô đã ra nông nỗi này rồi, sao anh dám khai thật, anh dìu cô vào ngồi trên ghế sô pha ở phòng khách, không đợi cô đứng bật dậy, anh vội vã chạy ra ngoài, khóa trái cửa.
Hình Dục đập cửa liên hồi, không ngừng gào thét đòi Hình Khải thả mình ra. Hình Khải đá chân vào cánh cửa, gầm lên: “Tôi đã nói sẽ tìm về cho cô là tìm về cho cô. Mẹ kiếp, để tôi yên một lát đi.”
Nói xong, anh lao vào làn mưa xối xả đi thẳng đến phòng cần vụ.
Phòng cần vụ nói với anh rằng, vì trời nóng nên rác thu về đều đã được đưa ra bãi rác cả rồi.
Hình Khải khóc thầm, sau khi hỏi rõ là bãi rác nào, nhảy lên chiếc xe đạp ngoài phòng cần vụ, đạp như bay tới nơi cần đến.
Nhưng đến bãi rác rồi, nhìn đống rác cao ngất tới tận chân trời, anh mới hiểu thế nào là “mò kim đáy bể”.
Anh lau mặt, chặn một ông già đầu đội mũ lại, hỏi: “Ông ơi, rác của khu nhà ở cán bộ cấp cao đổ ở đâu ạ?”
Ông lão khó chịu nói: “Đã ra đến bãi rác rồi còn phân cao cấp với không cao cấp gì chứ, tất cả đều là rác. Sao? Cậu định lật tìm văn kiện cơ mật nào nữa? Ha ha ha…”
Hình Khải lại hỏi: “Vậy ông cho cháu biết, trong vòng một giờ vừa rồi rác đổ ở đâu?”
Ông lão quét mắt một lượt rồi chỉ ra đống rác gần rìa phía đông, Hình Khải cảm ơn, quay người chạy đi, mưa càng lúc càng lớn, anh càng không thể lý giải được việc ngu ngốc mà mình đang làm, chỉ vì vài giọt nước mắt của nha đầu đó, anh sao lại đội mưa đi bới rác chứ?
Có điều, nghĩ thì cứ nghĩ, nhưng Hình Khải vẫn không ngừng bới rác, mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi, anh vừa tìm vừa buồn nôn.
…
Mây đen kéo đến đầy trời, trong nháy mắt trời tối đen như mực.
Tự tạo nghiệt thì khó sống, Hình Khải, mày đúng là thằng ngốc! Anh không ngừng nhắc đi nhắc lại câu đó, đầy tức giận.
Hình Khải ngồi bệt xuống đống rác, nước mưa rơi như quất vào mặt, anh đã mệt mỏi lắm rồi, nhưng vẫn không tìm thấy đôi giày trắng đó.
Lúc này, một chiếc ô đột ngột che trên đỉnh đầu anh, anh vô thức quay lại, khi đã nhìn rõ người cầm ô là ai, anh lại lảo đảo ngã xuống.
“Sao cô ra được đây?!”
Hình Dục giơ chiếc ô về phía trước, vẻ mặt đã lấy lại được sự bình tĩnh vốn có.
“Trèo ban công ra, anh… đừng tìm nữa, em không cần nó nữa…” Hình Dục một tay cầm ô, một tay kéo anh đứng dậy, thực ra suốt dọc đường cô theo sát phía sau Hình Khải, có điều anh đạp xe nhanh quá nên cô đành lần mò tìm đến đây.
Nếu anh đã biết hối lỗi, lại đội mưa ngồi tìm suốt mấy tiếng đồng hồ, thì cô còn có thể nói gì được nữa.
Không biết Hình Khải nghĩ gì, có lẽ là không chịu nổi bộ dạng buồn bã của cô, anh một tay kéo cô đến trước mặt, nói như tuyên thệ: “Đợi hết mưa, tôi sẽ tìm giày về trả cho cô, để cô không thể trách tôi không giữ chữ tín.”
Hình Dục chỉ lắc đầu, giơ cao ô che người Hình Khải, còn mình đứng dầm trong mưa.
Tâm trạng Hình Khải thật khó đoán, mặc dù không biết đôi giày trắng đó có ý nghĩa thế nào với Hình Dục, nhưng anh thật sự cảm thấy hối hận.
Anh dứt khoát kéo cánh tay Hình Dục, kéo cô đứng cùng dưới ô, Hình Dục ngửi thấy mùi lạ trên người anh, cười cười, đưa tay bịt mũi.
“Cười khỉ gì, chẳng phải đều tại cô sao?!” Hình Khải thấy cô cuối cùng cũng đã chịu cười, bất giác thở phào nhẹ nhõm.
Khi hai người đi đến cổng bãi rác, Hình Khải ngồi lên xe đạp, chỉ chỉ vào gióng xe phía trước, nhưng Hình Dục chần chừ đứng bên cạnh không chịu lên xe, đứng đó cầm ô che.
“Chê tôi hôi phải không? Mau ngồi lên đi!” Hình Khải vừa nói vừa kéo cô ngồi lên gióng trước, Hình Dục tay nắm vào ghi đông xe vừa dịch lại phía sau, giơ cao ô che cho anh.
Hình Khải nhấn pê đan, nhớ lại lý do anh đòi học đi xe đạp: Lúc rảnh rỗi ngồi xem một bộ phim có tên là “Ngọt ngào”, nam chính luôn đi một chiếc xe cuốc đèo nữ chính đi khắp nơi, mặc dù hoàn cảnh hai người khó khăn, nhưng nữ chính mỗi khi ngồi lên xe của nam chính đều cười rất ngọt ngào, vui vẻ. Vì vậy Hình Khải cũng không biết dây thần kinh nào của mình bị đặt nhầm vị trí, ngã tới thâm tím mặt mày cuối cùng cũng học đi được xe đạp. Nhưng, bây giờ nhà nào nhà nấy đều có xe đưa xe đón, nên anh chưa có cơ hội nếm thử cảm giác “Một túp lều tranh, hai trái tim vàng”.
Nghĩ mãi nghĩ mãi, anh ngẩng đầu muốn nhìn nét mặt của Hình Dục, nhưng Hình Dục chỉ nhìn về phía trước, thêm cảnh đèn đường mờ mờ ảo ảo dưới làn mưa lớn, anh có quay sái cả cổ cũng không nhìn rõ được gì.
“Nếu lần này thi cuối kỳ điểm số của tôi hơn 85, cô có giữ lời không?”
Sống lưng Hình Dục dường như hơi khựng lại, đầu nhoài về phía trước.
Trận mưa lớn đó đã quật ngã Hình Khải, Hình Khải ốm nằm trên giường, mồm ngậm nhiệt kế, lòng than thầm, Hình Dục gầy gò ốm yếu lại không sao, anh cao to vạm vỡ thế này lại gục trước.
“Đôi giày đó là ai tặng cho cô?”
Hình Dục đang ngồi ở đầu giường thay khăn lạnh cho anh, những ngón tay khẽ khựng lại.
“Bố mẹ em. Quê em ở miền núi xa xôi, giao thông đi lại khó khăn, trước khi bố mẹ em đi làm nhiệm vụ, hỏi em muốn được tặng quà gì nhân ngày sinh nhật, em nói em muốn có một đôi giày thể thao màu trắng, bố mẹ liền đồng ý, em mong chờ ngày đêm, nhưng khi đôi giày đó được chuyển đến tay em, còn có cả di ảnh của bố mẹ…”
Có thể nhìn thấy cô đang cố gắng kìm nén những giọt nước mắt, nhưng chúng vẫn lách tách rơi xuống mu bàn tay Hình Khải. Trái tim Hình Khải khẽ thắt lại.
Hình Khải rất muốn nói với cô một câu xin lỗi, Hình Dục lại lấy tay che miệng anh, mỉm cười.
Nhưng nụ cười phảng phất nét đau buồn đó đã giày vò Hình Khải suốt cả đêm không thể chợp mắt.
Sáng sớm hôm sau, Hình Khải mặc dù sốt cao hừng hực vẫn chạy khắp Bắc Kinh, dựa vào trí nhớ tìm mua bằng được một đôi giày thể thao màu trắng giống hệt như đôi cũ. Nhưng anh không vội đưa cho Hình Dục, mà nhân lúc Hình Dục ngủ, một mình ngồi trong phòng tắm lau lau rửa rửa đôi giày đó rất nhiều lần, ít ra thì cũng phải khiến nó có vẻ bề ngoài giống như đôi cũ, nếu có thể che mắt cô vượt qua kiếp nạn lần này thì quá tốt.