Một là, rốt cuộc tôi phải ứng xử ra sao với chồng cũ? Tuy chúng tôi đã li hôn nhưng công ty không chia. Cả hai vẫn cùng nhau quản lý công ty đó, thậm chí mỗi người còn chiếm tới 50% cổ phần trong công ty, và ngày nào cũng phải gặp mặt nhau. Tới giờ, anh ấy vẫn luôn hy vọng phục hôn với tôi. Tôi phải làm gì trong chuyện này? Tình cảm rất phức tạp.
Vấn đề thứ hai là tôi đã có người theo đuổi. Tôi phải cư xử ra sao với người mới này? Chuyện này cũng rất phức tạp.”
Tôi hỏi luôn: “Người theo đuổi này sao lại khiến cô thấy phức tạp? Phải chăng từ quan niệm thông thường, đây không phải là một người theo đuổi bình thường?”
Cô ấy ngần ngừ một lúc rồi đáp: “Chúng tôi gặp nhau trong một bữa tiệc. Đối phương hơn bốn mươi tuổi, đã có gia đình, con cái, sự nghiệp cũng thành công. Hồi đó, tôi vẫn chưa hồi phục lại từ cú sốc li hôn nên khi dự tiệc vẫn lặng lẽ ngồi một góc. Anh ấy chủ động tới nói chuyện với tôi, rất biết chăm sóc. Anh ấy khá đẹp trai. Chúng tôi bị tình yêu sét đánh. Anh ấy đeo đuổi tôi rất sát sao, tôi cũng thích anh ta. Từ con người anh ấy, tôi thấy được sự quyến rũ của người đàn ông thành công. Rất lâu rồi, tôi mới thấy lại những rung cảm.”
Tôi nói: “Nhưng ban nãy cô vừa nói anh ta đã có vợ.”
Cô ấy nhìn thẳng vào mắt tôi, nói: “Đúng, nhưng tôi không yêu cầu anh ta li hôn. Tôi chỉ cần tình cảm thôi.”
Tôi hỏi: “Cô cho rằng có thể phát triển tình cảm với một người đàn ông có vợ sao? Cô cho phép mình làm như vậy?”
Cô ấy đáp: “Tôi không muốn phá hoại gia đình của anh ấy. Tôi không thấy mình vô đạo đức.”
Tôi nói: “Như vậy, cô đã đạt được mục đích rồi còn có vấn đề gì nữa?”
Trầm ngâm hồi lâu, cô ấy nói: “Sau khi quen nhau, anh ấy hứa hẹn với tôi rất nhiều, cũng đưa ra một số yêu cầu. Tôi không biết chuyện tôi và anh ta sẽ phát triển ra sao, có thể tiến hơn một bước không?”
Tôi nói: “Cô cũng đã nói rồi, không muốn người đàn ông đó lấy mình. Vậy bước tiến tiếp theo mà cô nói chỉ có thể là quan hệ tình dục. Về chuyện này, tôi khẳng định không thể cho cô một kết luận rõ ràng một là một, hai là hai được. Tôi không thể nói một cách đơn giản rằng cô nên tiếp tục với anh ta hay là nên cắt đứt quan hệ. Vậy tôi nói với cô cái gì đây? Tôi phải thông qua việc phân tích quá trình này để giúp cô nhìn nhận lại mình. Cô vẫn chưa nhận thức rõ về mình. Một khi cô đã làm rõ, chính cô sẽ dần dần tìm ra kết luận.”
Tiếp đó, tôi cũng nói với cô ta về phán đoán của tôi.
Tôi nói: “Qua những gì cô kể, cô hỏi và trả lời, tôi có mấy phán đoán sau về cô.
Cô là một phụ nữ như thế nào?
Thứ nhất, cô là một phụ nữ xem ra khá ôn hòa, có sức chịu đựng, có trách nhiệm. Tôi chú ý thấy khi nói về nhân tình của chồng cũ, cô dùng những từ ngữ rất ôn hòa như: “người rất xuất sắc, cũng rất đẹp, có nhiều mặt giỏi hơn tôi”. Chỉ một câu miêu tả như vậy nhưng không phải phụ nữ nào cũng có thể làm được. Dù sao cô ta cũng là địch thủ của cô, vì cô ta mà cô mới mất chồng. Từ đó tôi thấy được sự rộng lượng của cô trong cách đối đãi với con người.”
Cô ấy cười, xen vào nói: “Tôi đặc biệt giỏi việc quan hệ. Công ty có rất nhiều phụ nữ, có người lớn hơn tôi, có người nhỏ hơn tôi. Quan hệ giữa tôi với họ cũng tốt.”
Tôi nói tiếp: “Vậy nhìn bên ngoài, cô là người dễ hòa nhập. Nhưng đồng thời khi cô đã có lựa chọn to lớn, hạ quyết tâm cũng không hề ngần ngừ. Rất nhiều phụ nữ chưa chắc đã quyết tâm vứt bỏ công việc ổn định để tự lập công ty, nhưng cô đã dám làm. Như vậy tính cách của cô vừa nhu vừa cương, rất quyết đoán. Như cách cô xử lí chuyện hôn nhân, một khi chồng cũ của cô hành động vượt ra ngoài giới hạn mà cô có thể chịu đựng được, cô cũng không dành chỗ thương lượng.”
Cô ấy gật đầu: “Đúng thế!”
Tôi nói: “Vậy đó là tính cách gì? Người xưa có câu, nhìn bề ngoài tưởng dễ bắt nạt nhưng thực ra lại khó bắt nạt. Trong trường hợp thông thường, cô rất có khả năng tha thứ, chịu đựng. Nhưng một khi đã quá giới hạn, cô nhất định không tha thứ. Cô cần lí giải đặc điểm này của mình. Nếu sau này còn gặp phải chuyện như gì, nếu cô khẳng định được đó là chuyện có thể tha thứ được thì hãy cố gắng tha thứ. Nếu vượt quá giới hạn, chắc chắn cô sẽ không tha thứ. Về điểm này, hy vọng chúng ta có thể nhất trí quan điểm.”
Cô ấy gật đầu, đáp: “Vâng.”
Tôi nói tiếp: “Thứ hai là về mặt tình cảm, cô yêu cầu bình đẳng. Khi cô chăm lo gia đình và xây dựng sự nghiệp, cô cũng yêu cầu chồng mình phải nỗ lực tương tự. Khi bảo vệ lòng tự trọng của chồng, cô cũng đủ hi sinh. Nếu chồng cô cư xử với cô không đến nỗi, dù không chăm sóc tỉ mỉ lắm, cô vẫn có thể chấp nhận. Nhưng về mặt tình cảm, chồng cô đã lừa gạt cô, khiến cô không thể chấp nhận được khi cảm thấy những gì mình bỏ ra không thu được kết quả tương xứng. Lòng tự trọng của cô lúc đó bị tổn thương.”
Cô ấy lập tức nói: “Đúng vậy, như vậy đối với tôi quá bất công.”
Tôi nói: “Cô xem, tình cảm trong câu nói này mãnh liệt như vậy, đã bộc lộ rõ bản tính của cô.
Thứ ba, nhìn từ bên ngoài, cô là một phụ nữ có lòng tự trọng không quá nhạy cảm. Dù kẻ khác nói gì, đàm tếu gì, cô cũng không quá chú tâm. Nhưng trên thực tế, lòng tự trọng của cô lại phản ứng rất mạnh mẽ ở một số mặt. Trong khi miêu tả toàn bộ sự việc, cô không chỉ thấy rằng đối phương đã vứt bỏ cô, lừa dối cô về mặt tình cảm, mà còn cảm thấy về bộ mặt, về sĩ diện cũng bị thương tổn đáng kể.”
Hiểu Tuyết nói: “Phải, tôi là một người có lòng tự trọng rất mạnh. Tôi đã đối đãi với chồng cũ ‘của tôi tốt như vậy, ra sức làm việc cực khổ, nhưng anh ta lại ở ngoài làm bậy. Tôi không thể chấp nhận được.”
Tôi nói: “Đây là điều cô cần phải nhìn rõ. Phản ứng tự trọng của cô về mặt này rất mạnh.
Thứ tư, trong chuyện hôn nhân, cô có một mớ lí thuyết và công thức. Cô yêu cầu một gia đình tương trợ lẫn nhau, bất kì bên nào cũng không được phạm luật. Nếu chồng cũ của cô không ngoại tình, cô có cho phép mình ngoại tình không?”
Cô ấy lắc đầu, đáp: “Không.”
Tôi nói: “Đó chính là công thức số một trong chuyện tình cảm của cô. Trong một gia đình bình thường và hợp pháp, cô tuân thủ công thức đó. Cô không thể chấp nhận được khi đối phương phạm luật và ngay cả chính cô cũng vậy. Nhưng cô có phát hiện thấy mình còn có công thức thứ hai không? Giờ đây cô bước vào gia đình người khác. Người đàn ông đó đã có vợ. Mối quan hệ giữa cô và anh ta chính là tình cảm ngoài hôn nhân. Cô không có yêu cầu đạo đức gì đối với mình trong mối quan hệ này, lí do là không muốn kết hôn với đối phương. Cô cho phép mình thực hiện một dạng thường được gọi là “hành vi yêu đương bất bình thường”. Đó là một dạng công thức của cô. Nhưng cô có từng nghĩ rằng vợ của đối phương cũng rơi đúng vào trạng thái trước khi cô li hôn. Tôi không cần về câu chuyện người đàn ông đó lập nghiệp thành công ra sao. Tôi cũng tình nguyện tin rằng anh ta là một người đàn ông vô cùng quyến rũ. Thậm chí tôi cũng tin rằng anh ta yêu cô rất chân thành. Nhưng tôi muốn nhắc nhở cô rằng cô sẽ phải đối mặt với một tình cảnh khó khăn.
Có thể tưởng tượng được quá trình xây dựng sự nghiệp của một đôi vợ chồng từ không tới có, cũng có thể giống những gì cô từng trải qua, có mộng tưởng về cuộc sống tương lai cùng bao năm tháng vất vả cùng nhau chung sức. Cô từng nói với tôi rằng, tình nhân của chồng cô cũng không hề yêu cầu chồng cô về chuyện hôn nhân nhưng điều đó không hề làm giảm bớt những thương tổn mà cô phải chịu. Vậy giờ đây nếu vì sự xuất hiện cô lại làm một gia đình khác phải tan vỡ thì vợ con anh ta phải chấp nhận ra sao? Đúng vậy, rất nhiều phụ nữ đối mặt trước hoàn cảnh như vậy chỉ biết ứng phó bằng cách im lặng. Liệu cô có dũng cảm đối mặt trước những thương tổn mà cô có thể gây ra đối với gia đình đó, trước những trách móc oán thán của vợ con anh ta? Những chuyện này cô phải nghĩ cho kĩ.”
Cô ta hiển hiên không hề chuẩn bị tinh thần, nên có phần xúc động.
Tôi nói tiếp: “Ngoài ra, cô có thể bảo đảm rằng mối tình của cô và người đàn ông thành công kia là tình yêu duy nhất của anh ta ngoài hôn nhân không?”
Cô ta sững người.
Tôi nói: “Đối với một nhà kinh doanh thành công, lại có sức quyến rũ như vậy, dùng như câu mà cô đã nói là “tiếng sét ái tình”, sau đó tình cảm nóng bỏng nhanh chóng, lao vào nhau và đưa ra nhiều yêu cầu, bao gồm cả yêu cầu về tình dục. Vậy hoàn toàn có thể tưởng tượng được, trước khi gặp cô, anh ta có thể cũng có một hoặc nhiều tình huống như vậy. Cô có tư tưởng chuẩn bị không? Cô nói mình không muốn thay thế vợ anh ta vì trong trái tim cô, vợ anh ta là hợp pháp. Nhưng chuyện ngoại tình thì không chỉ một mình cô, cô có chấp nhận nổi không?”
Cô ta quả quyết lắc đầu: “Tuyệt đối không thể chấp nhận.”
Tôi nói: “Yêu cầu của cô ở đây vẫn là bình đẳng. Cô cần phải hiểu được điều này.”
Nói tới đây, tôi ngừng lại, đợi phản ứng của cô ta.
Cô ta im lặng rất lâu, hình như đang nghĩ gì đó, rồi nói: “Từ sau khi li hôn, tôi luôn đau khổ vô cùng. Để rời bỏ được vực sâu đau đớn đó, tôi nghĩ rằng mình nhất định phải túm vào một cọng cỏ.”
Tôi gật đầu: “Người đàn ông này có thể chính là cọng cỏ như vậy. Cô muốn mượn anh ta để vượt qua đau khổ. Điều này đem lại hiệu quả ngắn hạn nhưng tiếp đó thì sao? Tôi sẽ không giúp cô đưa ra kết luận đâu. Chí ít câu hỏi đầu tiên mà cô vừa hỏi, rút cục phải cư xử ra sao với chồng cũ? Ý kiến tôi thế này: cứ tiếp tục làm chung, cư xử như bạn bè, không nhất định sẽ phục hôn nhưng cũng không tuyệt đối không loại bỏ khả năng đó.”
Cảm động
Trước khi chúng tôi giã từ, Hiểu Tuyết kể về câu chuyện của chồng cũ cô sau khi li hôn:
Sau khi chúng tôi li hôn, nghe nói chồng tôi và nhân tình của anh ta cũng chia tay. Có thể do ân hận, trước khi li hôn, chồng tôi đã để cho tôi căn nhà, một mình dọn ra ngoài. Cuộc sống của anh ấy tự do hơn nhưng số lần đi công tác ít hẳn. Những vụ giao đãi, tiếp khách của công ty, trước đây tôi không hề tham gia nhưng bây giờ anh ấy luôn xin tôi đi cùng, kiếm cơ hội nói chuyện với tôi. Sinh nhật tôi trước đó không lâu, anh ấy giấu tôi tổ chức một party khá lớn, đặt rất nhiều hoa tươi, mời rất nhiều bạn bè. Tuy miệng tôi không nói câu nào, nhưng lòng rất cảm động. Thật lãng mạn, chỉ tiếc tới quá muộn.
Mấy ngày trước khi hết giờ làm, anh ấy nói với tôi rằng buổi tối muốn mời tôi uống trà. Tôi định từ chối. Anh ấy nói là để bàn công việc nên tôi đành nhận lời. Anh ấy đã đặt sẵn bàn ở khách sạn, gọi những món mà tôi yêu thích nhất. Tôi đã quyết tâm không rung động nữa nhưng vẫn hơi xao xuyến. Trong bữa ăn, anh ấy không động đũa lắm, chỉ nhìn tôi ăn. Tôi nói: Không phải anh muốn bàn chuyện công ty sao? Nói đi chứ? Anh ấy nhìn tôi hồi lâu không nói được gì, mãi sau, anh ấy mới thốt lên: Tha thứ cho anh, hãy cho anh một cơ hội nữa. Mặt tôi lạnh tanh nhưng lòng như thể bị dao đâm lún một nhát, ra sức ngoáy bên trong. Anh ấy rút từ trong túi ra một cái lọ thủy tinh. Đó là chiếc rất bình thường, không chút bắt mắt. Anh ấy mở lọ ra, rút từ bên trong ra một mẩu giấy. Đầu tôi đập thình thịch, tôi buột miệng hỏi: Sao anh còn giữ cái này?
Đó là mảnh giấy chúng tôi đã viết khi vừa dọn vào sống chung. Do nhu cầu công việc, giờ giấc sinh hoạt của chúng tôi rất lộn xộn. Có lúc khi anh ấy về nhà thì tôi đã ngủ. Khi tôi thức giấc, anh ấy lại vừa nằm xuống không lâu. Chúng tôi thường trao đổi những mẩu giấy viết cho nhau trước khi ngủ hoặc trước khi ra khỏi nhà, chẳng hạn như: “Cơm sáng còn nóng trong nồi”, “Có trứng gà rán trong tủ lạnh”, “Em đã mua loại bánh chưng mà anh thích ăn nhất”, “Tối nay anh đi tiếp khách, không thể ở nhà với em”… Tất nhiên còn có một số câu ngọt ngào nữa. Tôi đã quên những câu nói đó từ lâu.
Tôi hỏi: “Tại sao anh còn giữ những thứ này?”
Anh ấy đáp: “Lúc đó anh tiện tay nhét vào lọ, không hề cố ý, chỉ thấy vui vui. Sau đó anh để trong va li, cũng quên khuấy mất. Sau khi chia tay ở một mình, anh nhớ lại nhiều chuyện đã qua, vô tình phát hiện ra cái lọ này và đọc hết lại chỗ giấy đó. Mỗi lần đọc đều cực kỳ buồn, thấy mình không biết trân trọng.”
Hiểu Tuyết chậm rãi kể câu chuyện của mình, sắc mặt hồng hào trở lại. Đối với cuộc sống tương lai của cô ấy, với khó khăn mà cô ấy đang gặp, tôi không thể đưa ra bất kì kết luận gì nhưng dường như cô ấy cũng hiểu ra được điều gì.